C:\Users\samanh\Desktop\Lucbinh.jpg (Hoa lục bình, ảnh Ngọc Ánh 6875)

Đọc báo ngày Chủ Nhựt.

 

Nhơn day ra sau pọt-ba-ga kiểm coi cách ngồi của Thương Thương an toàn chưa. Sau khi thấy con bé đã vững vàng, không có chút chéo áo lai quần nào ở gần dây xên hay vè xe lại còn cười như để nói con biết cách ngồi xe đạp mà, anh mới nhấn mạnh pê-đan. Chiếc xe tuy cũ nhưng đồ đạc vẫn còn tốt khiến hai cha con đi đoạn đường qua bên chợ sáng Chủ Nhựt nào cũng đầy hứng thú.

Gió mát lạnh, sương sớm chưa tan, mấy tàu lá chuối trong xóm nhà xa xa phất phơ nhè nhẹ. Đường qua mấy cánh đồng mía bạt ngàn, gió thổi rì rào như những bản nhạc hùng. Thường Nhơn dặn con kéo nón xuống che mặt kẻo rủi có tàu lá mía nào đó chơi trác thò ra xa cắt vô mặt, vô mắt thì khổ suốt đời.

Lần nào cũng vậy, mặc dầu thấy xe đạp chạy trên đường cách xa tàn lá mía cả sãi tay nhưng Thương Thương nghe tía biểu thì làm theo không bao giờ lý sự tới lý sự lui.

Thầy Nhơn hỏi đố con:

‘Con biết trong mình  mình cũng có lá mía nữa không?’

Con nhỏ nhanh nhẩu:

‘Tía ơi con biết. Cô nói lá mía là lá lách đó, có hình dạng giống giống lá mía thiệt nên người ta kêu bằng lá mía cho dễ nhớ. Lá mía chế ra các chất giúp sự tiêu hóa đồ ăn được dễ dàng.’

Tôi nghe nó trả lời quá hơn điều mình muốn nó biết thì làm thinh, tôi không muốn khen dồi, sợ nó hãnh tiến. Con người tự tin thì được, tự hào đến hãnh tiến thì sẽ làm khổ mình và làm khổ người khác trong những phán đoán và hành động độc đoán sau nầy. Tôi thường làm thinh hay ậm ừ, có khen vài ba lời thì cũng vừa phải rồi chuyển sang nói chuyện khác.

Đâu chừng một chập không lâu, Thương Thương kéo áo tía nó, nói như là những ý tưởng về lá mía chập chờn trong đầu, giờ mới bùng ra:

‘Lá mía mình ăn ngon lắm tía ơi. Bữa nào tía mua cho con ăn lá mía nha tía, con thèm lá mía. Cô con nói lá mía ăn dễ nhai mà lại bùi bùi. Với lại ăn gì bổ nấy. Ăn lá mía heo bổ ruột gan người, không sình bụng vì thức ăn khó tiêu.’

Tôi ậm ừ:

‘Chừng nào tía thấy họ bán tía mua một miếng lá mía heo cho con ăn. Lá mía heo ăn thì ngon, lá mía bò thì ngán lắm. Nhưng mà cô con nói cho dễ hiểu thôi,không phải ăn gì bổ nấy đâu con. Nhứt là những món thuộc về đồ lòng, ăn nhiều thường là không tốt cho sức khỏe.’

Rồi tôi lãng sang chuyện thực tế:

‘Cái cầu nầy hơi cao, tía rán sức đạp mạnh mới qua được, con ngồi đừng ngã nghiêng, nắm cho chặc yên xe hay ôm tía cho chắc.’ Tôi thường dặn câu nầy mỗi lần lên cầu, bận đi cũng như bận về.

Rồi nhón mình đạp. Ngực và lưng chồm lên phía trước, có khi cả mình mẫy đều hõng lên khỏi yên xe. Mấy chiếc xe gắn máy chạy vụt qua nhiều khi gần đụng cha con tôi khiến con bé hết hồn. Nhiếu khi va quẹt nhè nhẹ với tiếng máy nổ inh tai làm tôi chết điếng, loạng choạng. Con trai mới lớn sao coi đời như không, biểu diễn sự có mặt của mình làm rợn xương sống người chung quanh vậy cà?

Vô tới đầu chợ thì khung cảnh đã đổi thay thấy rõ. Mua bán nhộn nhịp, nhà cửa san sát, tiếng chào mời rộn ràng, một vài tiệm mở cửa hàng chậm, kéo cửa sắt nghe ren rét ê răng. Một người đàn bà ngồi trước hai thúng tôm khô đỏ ối, một tay xốc xốc tôm sửa lại thúng hàng của mình, một tay chỉ mơ hồ về phía Nhơn, nói với bạn:

‘Kìa! Người nuôi con nhơn tình, người yêu lý tưởng của bà tới kìa.’

Nhơn nghe rõ mồn một, chắc con bé cũng nghe. Anh liếc mắt về người tình không chơn dung của mình. Cũng được chứ, không xấu. Coi bộ trẻ trung và hiền, đôi mắt đẹp của người có chút máu Miên nhiều đời. Nhưng mà sao tôi không có một mơ ước nhỏ nhoi nào về chuyện được làm thân với dung nhan đó, đôi mắt đó.

Sau khi gỡi Thương Thương và cái xe đạp cho người bán báo nói rằng mình đi chừng năm phút Nhơn đi thẳng tới chỗ người bán tôm khô khi nảy. Đôi mắt bây giờ đã không còn ở chỗ cũ.

Anh ngồi xuống cười thân với thiếu phụ bán tôm khô:

‘Chị  ra hàng sớm ha, bán lẽ được thì cho tôi mở hàng một trăm cà ram. Tôi mở hàng bán đắc tới cháy hàng luôn đó!’

‘Thầy giáo muốn mua một lạng hả?’

Nhơn chỉ gật đầu. Anh dị ứng với những từ ngữ mới. Cách nói của ông bà mình ở vùng cực Nam nầy đương trên đường bị tiêu diệt dần dà, anh muốn nó sống còn được chút nào hay chút nấy. Chạy tránh mớ từ ngữ vay mượn của nước nầy để lượm mớ vay mượn ở nước khác thì cũng vậy thôi, hay ho gì đâu nà?

Trả tiền cho người bán hàng, trước khi dợm cẳng bước đi anh nói nho nhỏ vừa đủ hai người nghe:

‘Bé Thương Thương rất tội nghiệp, không có cha, ông bà ngoại thì lễnh lãng, mẹ bé phải đi kiếm sống xa. Tôi muốn bé không mặc cảm bị bỏ rơi. Tôi coi mình như cha ruột bé. Không biết mình là con nuôi thì bé hồn nhiên đời tuổi thơ hơn, khỏi mặc cảm nầy nọ, lớn lên lại thông minh và dễ thân thiện.

Nhơn cố gắng tìm từ ngữ nhẹ nhàng và cách nói tế nhị để chận đứng miệng lằn lưỡi mối.

Người đàn bà muốn phản ứng nhưng nghĩ sao lại làm thinh như nhận lỗi. Hi vọng những xầm xì nhờ vậy sẽ bớt đi… Người đời chính thiệt không hẵn đã có tâm địa xấu nhưng cái tội nghiệp là thích được coi như người biết nhiều nên phát biểu lung tung về thiên hạ sự.

Nhơn về tới chỗ bán báo thì thấy đôi mắt đẹp đương trao cho Thương Thương gói gì đó bọc trong tờ lá chuối xanh tươi. Không đợi hỏi, cô ta giải thích:

‘Thấy con bé dễ thương quá nên mua cho bé mười ngàn bánh chuối vậy mà. Bé không dám lấy, nói tía dạy không nhận đồ cho của bất kỳ ai. Phải đợi tía cho phép mới được lấy. Đâu thầy cho phép coi. Cặp mắt bé thèm thuồng nhưng tay co lại sao mà tội nghiệp quá chừng chừng!’

Biết rằng đôi mắt đẹp kia chỉ muốn mượn đò qua sông thôi, tôi nói nhỏ nhẹ với Thương Thương:

‘Thôi nhận đi con!’

Con bé nhận, khoanh tay cám ơn người cho và cám ơn tôi không cần đợi nhắc tuồng.

‘Tôi biết thầy Nhơn nhiều. Người xóm Cồn Cộc bên đó kêu bằng Kỳ Nhơn. Lúc trước đứa em tôi học trong lớp của thầy, tôi có vô lớp xin phép cho nó về sớm một lần nên biết thầy.’

Tôi thấy mình nên đi về, cô nầy nếu để cho tám tự do thì sẽ tám tới chiều, có thể cháy màn nhĩ không chừng. Tôi hỏi cho có trong khi quay đầu xe ra hướng đường cái:

‘Em cô chắn là đã lớn xộn rồi, bây giờ em công tác ở đâu?’

‘Nó mất rồi thầy à. Đi bộ đội, bị sưng ruột dư, chở tới nhà thương không kịp. Bây giờ nhà chỉ còn má tôi với tôi thôi. Bữa nào thầy ghé nhà chơi. Xóm  An Phú ai cũng biết, cô Hai lò bánh mì!’

Tôi nói lời chia buồn muộn màng rồi đạp xe về quán nước chị Ba Lành, chỗ tụ họp của chúng tôi mỗi buổi sáng.

 

***

Tôi giao cho bàn thằng Hạnh, thằng Năm, thằng Hai Nổ tờ Th.N., còn tôi coi tờ T.Tr.. Thường thì có bác Hai Sự ngồi bàn tôi, nhưng sao bữa nay không thấy. Hai tờ báo tuy khác tên nhưng mà cùng một nội dung, có thể nói là hai tờ báo anh em ruột. Tin tức thì giống nhau như đúc, có khi văn viết y chang từng đoạn dài. Chúng tôi Chủ Nhựt nào cũng chơi trò đọc báo. Hai bàn, mỗi bàn nghiền ngẫm hết tờ báo của mình, sau đó người bên bàn bên kia đọc một cái tựa lớn tờ báo của mình, người bên bàn nọ tán rộng tán hẹp tiếp theo. Thường thì bàn đối thủ không bí vì tin tức cũng từ một lò. Vã lại cứ bàn là bàn, không cần đi vô chủ đề, không có trọng tài, cũng không phải bàn luận để tranh thắng nên chuyện cũng dễ.

Hôm nay có nhiều tin hay: Nước Việt Nam được một cơ quan quốc tế chấm là nước mà người ta thích đến trú ngụ thứ nhì trong mấy chục nước của vùng Á Châu. Thằng Năm Xứa chỏ mỏ nói tiếp vanh vách lý do được bầu chọn rồi nó lại bình luận rối nùi nào là người nước khác thích ở vì tiền của họ đến đây trở nên cao giá, mua được nhiều hơn bên xứ của họ. Con gái ở đây lại đẹp và rẽ như bèo. Bỏ ra năm chục đô thì có một cô vừa trẻ vừa chìu tới bến, phục tụ từ A đến Z. Tôi phản đối nói mầy đừng có xuyên tạc thì nó cười hô hố nói Kỳ Nhơn ở nhà quê Cồn Cộc có biết cái khỉ khô gì đâu! Nó vổ ngực xưng mình có mấy năm giang hồ nên chuyện đó rành sáu câu. Tôi chịu thua nín thinh cho qua truông.

Tin nóng tiếp theo. Một tàu đánh cá Việt Nam hành nghề ngoài khơi đảo Hoàng Sa bị tàu lạ bắt, lấy hết cá đã lưới được, đánh đập tàn nhẫn thủy thủ đoàn và đục tàu lủng một cái lổ bự xộn. Cũng thằng Năm Xứa nói hớt tiếp: Thuyền trưởng nói thiệt hại 200 triệu. Chánh quyền địa phương kêu gọi cố gắng khắc phục khó khăn và khuyến khích ngư phủ có tàu nên bám vững biển… Nói tới đây nó cười hô hố lần nữa, đưa hai hàm răng vừa mất trật tự vừa hư, đen của người ghiền thuốc nặng. Chuyện tàu đánh cá thì thằng  Phong, con bà bán cá vò viên nói là không phải tàu lạ mà là tàu bạn. Nước của họ là nước bạn của mình, chuyện nầy không nói ai cũng biết. Nhưng mà không thấy tàu họ trương cờ nên báo chí phải nói là tàu lạ. Câu chuyện tàu lạ, tàu Trung Quốc, tàu bạn kéo dài lang mang qua tới chuyện hai nước sắp có đánh nhau vì dàn khoan dầu của họ đặt tuốt trong lãnh hải của mình hơn một tháng nay. Mà đánh nhau thì có thể là Mỹ sẽ giúp Việt Nam bắn hỏa tiển qua Trung quốc vì nó đã bán cho mình tàu ngầm mấy cái, chẳng lẽ để cho mình thua coi kỳ quá. Tới đây thì ồn thiệt sự. Kẻ nói sợ chiến tranh gây chết chóc đau thương, thằng nói đánh cho chết mẹ nó hết, chứ sống sao mà khổ mà nhục quá. Không có công ăn chuyện làm gì cho ra hồn, tối ngày cà nhỏng rồi về nhà ăn mắm hút dòi. Thằng Năm con bà bán bánh xèo đứng dậy phạch ngực đưa mấy cái be sườn số tám nói là nếu có Mỹ qua giúp thì nó xung phong đi Biệt Kích liền. Chuyện tới đây tưởng xong, ai dè thằng Hạnh con bà bán cháo cá đêm nói là Biệt Kích Mỹ dở bỏ mẹ, tụi nó ngu lắm, bò mà cứ chỏng đít cao nghệu, bị tỉa trốc dái là thường. Biệt Kích Việt Nam Cộng Hòa mới ngon lành. Ba nó hồi đó sợ Biệt Kích nhứt hạng.  Tôi cãi Mỹ ngu sao họ là nước mạnh nhứt trên hành tinh. Nó nói mạnh thì mạnh, nhưng ngu vẫn ngu, người ta làm giấy tờ giả, ghép hộ, khai giả con, sang nhượng con lai, mua giấy đoàn tụ để được đi qua bển đầy trời. Tôi hỏi nước nó là nước của người ngu sao VN mình đại gia, quan lớn nào cũng muốn cho con cái qua đó ở, tôi còn nói con gái của họ Tập đương học ở trường danh tiếng của Mỹ dưới một bí danh là tại làm sao, tụi nó ậm ờ… Một hồi lâu lắm mới có thằng Nghĩa, bà con của Hai Trọng nói là Mỹ khôn sao không làm gì trước đó để cứu con tin của mình là Pi-tơ Cát-xích gì đó để anh ta bị tụi Nhà Nước Hồi giáo chặt đầu dã man?

Lần nầy thì tới tôi ậm ờ, bởi vì biết cãi sẽ không cùng. Người ý nầy người ý khác, không ai chịu ai. Tôi ọc một hơi hết ly nước trà đầy nhóc rồi ngồi làm thinh đọc những tin xe cán chó, vợ giết chồng chồng giết vợ, sinh viên cắt đầu bạn gái, yên hùng quái xế, giựt bóp xách, nhót di động, triều cường ngập thành phố sau cơn mưa, người đương yêu đời bỗng nhiên rủ rê nhau vô đồn công an tự tử…

Tới phiên tôi nói:

Quốc Hội thảo luận về sự tín nhiệm 50 nhân vật quan trọng. Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm vừa và tín nhiệm thấp để xét mức tín nhiệm của Quốc Hội đối với các vị đó. Đây là phiên họp quan trọng tầm cở quốc gia, họp kín, ký giả không được phép dự.

Thằng Năm Xứa la nên giọng chán nản:

‘Thầy chạy!’

Tôi nói:

‘Mầy phát biểu rõ ràng hơn, chớ thầy chạy mơ hồ quá làm sao bà con hiểu.’

Nó đứng dậy đội nón lên đầu:

‘Hỏng huỡn! Về! Còn lo cho hai đứa con sửa soạn đi học. Với lại sớm mơi giờ chưa đi sông.’ Rồi nó te te đi về, thiếu điều phủi đít như mấy chị đàn bà tuổi xế chiều bỏ đi khi nghe một câu nói  chỏi ý để khỏi gây lộn. Mọi người ngó theo nó lắc đầu.

Thương Thương giúp chúng tôi ngưng làm ‘bình loạn gia’ và ‘tiên tri gia’ khi kéo tay tôi hỏi thùng rác đâu để bỏ mấy miếng lá chuối. Bà chủ quán la lớn:

‘Thì quăng đại ra sân đi! Mệt với nhỏ nầy quá! Lát nữa chị Lặng quét cho. Sân tao chớ bộ nhà mầy sao mà không dám liệng?’

Con nhỏ đau khổ ngó tôi, không biết làm sao cho đúng. Tôi nói ngoài sau chỗ sàn nước thế nào cũng có thùng rác, nếu không có thì con cứ để trên bàn nầy khi về tía đem về bỏ vô thùng rác nhà mình.

Thằng Hạnh khen tôi dạy con đúng cách rồi nó chuyển sang thuyết giảng về cách dạy con của người Nhựt, người Hàn, người Do Thái, người Đức.., họ cẩn thận từng ly từng chút để trẻ con lớn lên trở nên công dân tốt, thành đạt trong xã hội. Giọng nói của nó chứa đầy vẽ khâm phục, tiếc rẽ là người mình không biết cách dạy con nít như vậy.  Giọng nói của thằng Hạnh rành rọt như là nó đi bên đó về, hăn hái như là người quyết tranh đấu cho một chương trình cải tiến giáo dục từ căn bản …

Tới đây thì không khí trầm lắng xuống. Mọi người đều ngó mông lung, in như là thấy trước một viễn tượng về thiên đường của một nước nhà rực rỡ với lớp người mới được đào tạo đúng cách, theo bài bản để thúc đẩy nước nhà tiến bộ….

Thấy mình được khen, Thương Thương vui, nhảy cò cò quanh sân một lúc lâu trở lại bàn tôi kéo tay tôi, nói:

‘Tía ơi! Bạn con nói mẹ bạn giải thích rằng tên tỉnh Sóc Trăng của mình là do đêm trăng sáng ở đây có nhiều sóc ra nhảy múa rồi kiếm thức ăn rất là vui vẻ. Nhưng mà sao con có thấy con sóc nào đâu?’

Tôi mỉm cười nhẹ nhàng vuốt tóc bé:

‘Chắc là mẹ bạn con giải thích cho có vẻ đẹp và dễ nhớ khi tụi con còn quá nhỏ đó thôi. Đúng ra Sóc Trăng là tiếng trại âm của Srôk Kh-leang tiếng Miên có nghĩa là hầm bạc do tương truyền ngày xưa vua Miên chôn bạc ở đây. Vùng đất nầy người Miên ở trước nên có địa danh bằng tiếng nước họ. Người mình sau đó tới ở nhưng địa danh vẫn được giữ như cũ, chỉ nói trại đi chút xíu cho dễ nghe, dễ nhớ thôi.’

Con bé ‘tới luôn’, chứng tỏ mình nhớ dai:

‘Cũng như hồi đó tía nói cù lao Dung là tiếng nói trại của cù lao Vun. Vun là bồi đắp lên cho cao. Ban đầu cù lao nhỏ và thấp, đất bồi vun lên từ từ ta có cù lao Dung bây giờ. Con nói chuyện nầy với cô, cô khen quá xá.’

Con bé khoe rồi không đợi tôi khen như mọi khi, bỏ đi nhảy cò cò tiếp, một chưn nó cong lên, chưn kia nhảy lọc cọc coi dễ thương đáo để! Tôi vui vì cái kết quả công lao chăm sóc tinh thần con bé thì ít mà hãnh diện vì ảnh hưởng của mình trong cách dạy con thấy được qua bao nhiêu ánh mắt khâm phục của người trong quán thì nhiều. Buổi đọc báo nầy coi như một sáng Chủ Nhựt tốt đẹp của tôi.

***

‘Anh Hai coi bông lục bình kìa! Đẹp mê hồn không? Màu tím sang trọng vượt xa bất cứ bông mắc tiền nào mà lại dễ kiếm.’

Một tay xách cái thùng phân rác ủ, một tay Nhơn bóc bỏ vô ém ém mấy gốc xoài, gốc khế, nghe tiếng tôi anh để thùng phân xuống, khoát nước trong lu ở mái hiên rửa tay rồi chùi vô quần, ngồi xuống bên tôi. Anh chờ đợi tôi nói thêm. Tôi làm thinh, theo dõi đám lục bình, miên man theo dòng suy nghĩ.

Phải! Tôi biết là bông lục bình dễ kiếm, chỉ cần ra bờ sông trước mặt, tới một con rạch cạn, hay ngay cả một ao tù nước đọng trong xẻo nhỏ cũng thiếu giống gì! Như tụi con gái sàn sàn cở tôi ở đâu lại chẳng có? Cù lao Dung nầy là vùng quê mùa mạt hạng mà người đẹp hơn tôi chút đỉnh thì muôn trùng.  Tôi nhấn mạnh tiếng dễ kiếm để nhắn nhe xa gần là anh coi thường tôi.

Nhơn chưa kịp trả lời thì tôi ngâm nga nho nhỏ: ‘Hoa tím nay thành hoa cố nhân….’ Rồi tôi chụp bàn tay anh bằng hết hai tay mình, bóp mạnh, mắt nhìn tha thiết vô mắt anh.

Nhơn ngỡ ngàng ngó tôi, cười cầu tài rồi nhẹ gở tay ra, vớ một cây sào dài kế bên khều lại một dề lục bình có bông, ngắt một chùm mạnh mẽ nhứt đưa tôi.

Ngày xưa đi chơi chúng tôi chỉ ngắm thôi, tôi chưa từng được anh tặng bông lần nào. Bây giờ!

Tôi cảm động tới ứa nước mắt, đưa tay nhận chùm bông quê mùa, lòng rộn rã khắp ngàn lần những lúc ông Chung tặng tôi những bó bông mắc tiền cắt tỉa cầu kỳ. Mấy giọt nước quê hương thơm mùi sông rạch đọng trên cành lá cùng những giọt sương bé bỏng ẩn náu trên kiến hoa mong manh tím tím rớt trên cánh tay tôi mát lạnh… Anh Nhơn đưa mu bàn tay mình nhẹ nhàng, trân trọng lau qua lau lại. Tôi ngập tràn hạnh phúc với cử chỉ đó. Nhơn đính chánh lời ca: ‘Hoa tím là hoa kỷ niệm, ở trong trí, trong tim, không bao giờ tàn, chẳng phải là hoa cố nhân.’ Nhơn chú ý đến từng cử chỉ, từng lời nói của tôi. Vậy là anh còn yêu tôi. Chắc chắn như vậy. Tôi nói: ‘Bông lục bình trôi dạt, bọt bèo như đời em xiêu ngã.’ Anh lại sửa: ‘Bông lục bình đem cái đẹp đến nhiều chỗ trên sông nước. Mong em cũng vậy. Sự ra đi sắp tới đem đến tốt đẹp cho em, cho Thương Thương và cho nhiều người khác.’

Tôi nói hớt, vừa dựa vô vai Nhơn:

‘Chắc chắn chỉ vài năm thôi, khi có quốc tịch rồi em sẽ bỏ ông ta, về cưới anh đem qua đó…’

Nhơn hai tay bịt mạnh hai bên má tôi, kéo lại sát mặt anh, gằn giọng: ‘Em bé, Đừng bao giờ có ý tưởng nầy. Bất cứ sự bội bạc nào dầu mục đích gì cũng đều không tốt. Người ta đem mình qua bên đó, chưa chi đã tính tình phụ thì mình là thứ gì chớ? Anh không muốn nghe những tính toán như vậy, dầu là có lợi cho anh. Nhớ kỷ nha: Anh không mượn em làm chuyện đó. Thà ở xứ quê mùa, bất như ý nầy cho tới chết cũng được!’

Hai mắt sòng sọc của anh làm tôi điếng hồn mần thinh, giàn dụa. Với tôi Nhơn là người tình đã đành còn là Anh Hai nữa, tôi là đứa em nhỏ nhít, sợ uy anh và kính nễ anh, tôi làm gì mà anh cho là trái thì sợ hết hồn.

Tôi không muốn, nhưng không tự chế được, mắt mủi đỏ au, như sau một cơn khóc dài đau khổ. Anh sợ tôi buồn nên nhỏ nhẹ lại:

‘Nên cố gắng sống hạnh phúc với ông ấy. Chuyện của mình đã qua cho nó thành dĩ vãng luôn. Đời nên sống đúng đạo lý. Đúng đạo lý thì cái tâm mình sẽ yên tỉnh, đi đường sẽ ngẫng mặt lên nhìn ngó người xung quanh không mặc cảm….’

Tôi biết tánh anh khác tánh tôi như trắng với đen. Tôi thực tế và bắt nắm cơ hội khi có dịp. Nếu không ngó xa và suy đoán để chụp bắt cơ hội thì sau hai năm lên trên đó chưa chắc tôi được gì ngoài cái thân tàn ma dại lết bằng mo bò bằng mủng về đây. Anh lý tưởng và thẳng thắn. Bao nhiêu năm dạy học, bao nhiêu năm làm Hiệu trưởng mà vẫn chỉ đủ ăn, may là vợ con chẳng có.

Hồi còn sống, thấy tôi quấn quít bên anh, bà ngoại tôi thường nói với má tôi: ‘Bể bù lu thế hũ. Con chị đi rồi thì thế con em. Kiểu nầy không bao giờ lâu dài. Bây coi sớm mà cản con Quê không thôi sau nầy nó khổ…’ Bà nói đúng, chúng tôi chưa kết hợp đã khổ trăm bề. Ở trên đó mà nhớ những kỷ niệm 7, 8 năm về trước khi mới lớn, khi mới phóng thân bạt mạng vô tình yêu, bất kể trời xập bể đầu, nước dâng ngộp mũi. Bây giờ hai đứa hai đường mà hồn tôi thả về quanh quẩn bên xóm Cồn Cộc của anh, khi Chung gần gũi tôi chỉ biết nhắm mắt kêu trong tâm trí Nhơn ơi!

Tôi dềnh dàng kéo dài chuyện làm cá nấu canh. Có mấy con cá kèo nấu canh chua bông điên điển mà tôi làm cả buổi. Có hai chén cá bống trứng  muốn kho tôi hỏi tới hỏi lui tiêu hành ớt tỏi khiến bé Thương Thương ngó mẹ lạ lùng.

Nhơn nói:

‘Trời đã dịu nắng. Ăn cơm rồi anh nhờ thằng Hai Nổ đưa xe ôm cho Huê qua bên Sóc Trăng kẻo thôi khó kiếm xe về Sàigon.’

Trong buổi ăn tôi cầm chén đưa lên để xuống cho anh gắp bỏ vô hết thức ăn nầy tới thức ăn khác, dỗ dành ăn lè lẹ trong khi hình như anh và cơm lạt và ngó miệng tôi thì nhiều.

Xong buổi cơm tối tôi còn rề rà vừa rửa chén vừa liếc ra coi bóng nắng đã dịu thiệt chưa, khi thấy trời đã xụp tối tôi nói:

‘Tối mau quá đi không kịp, qua đó nếu hết xe lên biết ngủ tối ở đâu?’ Rồi tôi chung vô mùng Thương Thương không đợi cho anh có ý kiến.

Sau hơn hai năm không ngủ đêm ở quê hương mình bây giờ tôi nằm nghe tiếng côn trùng eo óc suốt đêm mà thương cho thân phận mình, có quá nhiều điều khó xử khiến không thể chợp mắt. Cũng khó mở cửa lòng ra yêu thương Chung hết mực để sống đáp cái ơn của ông ta sẽ đem tôi qua bên đó vì hồn tôi đã đưa cho Nhơn giữ rồi. Bạn bè tôi cảnh báo đàn ông lớn hơn đàn bà ngoài hai mươi tuổi thì là cha con chớ làm sao là vợ chồng được. Rồi ông ta sẽ bịnh hoạn, ho hen, đi đứng chậm chạp, ăn uống khó khăn, sặc lên sặc xuống. Rồi con cái ông ta sẽ làm tình làm tội tự ái tôi bằng những lời bóng gió xa gần, hổn hào. Rồi sinh hoạt tréo ngoe của người già ngủ sớm như gà để mới 1, 2 giờ sáng đã thức dậy lục đục; người trẻ thức khuya sáng dậy trễ, sống chung là một sự mâu thuẩn lớn. Rồi bạn bè tôi sẽ là những người trẻ nói chuyện hiện tại, lo lắng tạo dựng tương lai; bạn bè của Chung là người già nói chuyện quá khứ, chuẩn bị hưu trí hưởng nhàn, cưới gả con cái, ăn mừng sinh nhựt cháu nội ngoại và thăm viếng sui gia là những sinh hoạt chưa thấy nhưng tôi biết là sẽ chán chết, trả cho cái giấy phép được chấp cánh bay qua đó coi bộ hơi nặng lời.

Tôi nghe như mình ứa nước mắt khi nhớ lại hồi chiều mình ví mình như bông lục bình. Bông lục bình còn tàm tạm, thân tôi khác nào bông khế, nhỏ nhoi tới tối thiểu, không sắc hương, rớt rụng đầy sân chẳng mấy ai quan tâm.

Tôi lấy cuốn sách trên ngực Thương Thương xuống. Nhà có tủ sách nên mặc sức nó coi. Nội bầu trời cù lao nầy kiếm đỏ con mắt cũng không thấy nhà nào có tủ sách tàm tạm huống chi là tủ sách phong phú như nhà của Nhơn. Con bé có phước quá nên mới được thương mến ở đây. Tôi lúc nhỏ thèm coi tiểu thuyết hết biết mà tiền đâu mua! Con nhỏ nằm ngủ thiên thần còn tôi mẹ nó nằm kế bên thiệt là trần ai. Nếu mà ba người trong nhà nầy được qua hết bên đó thì quá tốt đẹp.

Tôi quyết định bất cứ giá nào, ai nói sao thì nói, tôi sẽ thuyết phục Nhơn qua bển. Ông già Hai Sự hồi chiều ghé đây chơi, biết chuyện tôi sẽ được đi qua đó theo diện đính hôn thì giảng luân lý nhắc lại hai câu thơ xưa cũ nằm trong ký ức tôi đâu hồi còn ông ngoại rằng thì là đừng có đổi tâm vì giàu sang, đừng có vì sự thua được, mất còn mà thay đổi khí tiết. Tôi còn nhớ y chang ông ngoại nói cả triệu lần câu Nho xưa như trái đất: Nhân giả bất dĩ phú quí nhi dịch kỳ tâm, Nghĩa giả bất dĩ tồn vong nhi cải kỳ tiết. Khi tôi nhớ tới câu nầy thì ông Thiện trong tôi nói là thôi qua đó cố sống như vợ ngoan hiền để phước cho con. Sống ngoan hiền cũng là cách tốt nhứt để tạo hạnh phúc cho đời mình. Chừng nào chồng chết rồi hẵn tính. Cũng chẳng lâu đâu. Từng tuổi đó mà có vợ trẻ!

Tôi kéo áo con lại cho ngay ngắn rồi đắp mền cho nó. Hai năm rồi mới có dịp ngủ với con. Nhìn con không giống bên ngoại chút nào tôi tiếc cho mối tình đầu của mình. Tôi ngồi dậy, đi trong ánh sáng lờ mờ qua giường của Nhơn, nằm xuống kế bên. Anh cựa mình mở mắt. Tôi nói nhỏ: ‘Ôm em đi, một lần nầy thôi, em chưa chánh thức là vợ của ông Chung mà! Em là người tình của anh gần cả chục năm nay mà!’ Thà bẻ cho người tình chung. Muộn màng nhưng có còn hơn không.’

Nhơn xây mặt vô vách. Ngực trần trong làn áo ngủ mỏng tôi nghe hơi nóng phả ra từ lưng anh. Tôi thầm vái cho con bé Thương Thương ngủ thiệt say.

Ngoài kia, qua cửa sổ vách lá, trăng rằm tháng giêng vằng vặt định hình hàng cây phân ranh với nhà hàng xóm. Không gian thiệt yên tỉnh. Tôi cố hỉnh mũi lên để hít tìm mùi bông khế bọt bèo biết rằng đương rụng đầy hè bên kia vách nhưng chẳng cảm nhận được gì, bù lại là  mùi đàn ông nồng mặn của Nhơn trước mặt. Có tiếng con cắc kè kêu xa xa mơ hồ: Yêu tôi… Không yêu… Yêu tôi… Không yêu…. Yêu tôi.

Hình như Nhơn trở mình sắp quay qua phía tôi.

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, 08-18, Nov. 2014)