Tôi đọc lại không biết bao nhiều lần lá thơ nhàu nát đó. Đọc đến thuộc lòng từng chữ, nhớ từng dấu chấm dấu phết. Đến độ có thể nhắm mắt hình dung từng chỗ mực đậm mực lợt, nhớ lại câu nào đã làm tôi xúc động, đoạn nào đã khiến tôi nghẹn ngào, chữ nào đã khiến tôi rơi nước mắt…

Tôi nhận thư sáng hôm đó, một buổi sáng thừa thãi, trống không, chờ đợi một chuyện gì xảy ra, như mọi bữa không có giờ học khác. Thường tôi e ngại thời gian rảnh rỗi, khoảng thời gian có ma lực kéo tôi trầm mình vào quá khứ. Vô lý. Ích lợi gì đâu? Trẻ con sống bằng hiện tại, tuổi thanh niên sống bằng cách hướng về tương lai, chỉ có người già mới lui về quá khứ. Tôi sợ thời gian trống vì lúc đó tâm não tôi là hậu trường cho những hình ảnh bất tận. Những hình ảnh thường làm tôi uể oải lười biếng suốt ngày. Có gì đặc biệt đâu, chỉ toàn là những mảnh vụn vặt của quê hương? Cảnh những hàng dừa sai trái cạnh một dòng suối mát, quanh co. Cảnh một cánh đồng xanh ngắt, mạ non thẳng tắp với vài ngôi nhà lá lụp xụp xa xa. Cảnh một con đường rộn rịp giữa đô thành khoảng trời sắp xế bóng. Cảnh một ngôi chùa vắng ngoại ô trong buổi sáng tinh mơ. Mọi cảnh đều thấp thoáng đâu đó bóng tôi ngơ ngác dõi mắt kiếm tìm. Tôi không hiểu tại sao cảnh này xuất hiện mà không là cảnh khác. Tôi cũng không hiểu tại sao có tôi trong đó. Tôi chưa đủ thì giờ tìm hiểu nguyên do. Và sáng hôm đó, qua bức thư của Thọ, tôi mới thật sự hiểu tại sao quá khứ hiện về cùng với nỗi cô đơn của mình cũng như lý do những mảnh vụn của hình ảnh quê hương thỉnh thoảng đậu vào trí não.

Phượng. Thấm thoát mấy năm qua, gấp đôi khoảng thời gian dài thân nhau của chúng mình độ ấy. Chúng ta không liên lạc “được” với nhau nhưng Thọ biết chắc nhiều lúc mình nhớ về nhau. Thọ nhớ để quên hiện tại và Phượng nhớ để tiếc nuối quá khứ.

Thọ. Anh đúng quá, em thiết tha với tuổi ngây thơ ngà ngọc của mình. Hồi đó em vô tư, hồn nhiên. Bây giờ em nhìn đời với khía cạnh tiêu cực nên em xót xa khi cảm nhận mình đã mất quá khứ, một quá khứ đẹp được tô hồng bằng hình ảnh chúng mình. Yêu nhau thơ dại, giận dỗi không đâu.

Cuối Hè qua, tình cờ được đọc một lá thư của Phượng gửi cho một người bạn, Thọ cảm động vô cùng khi thấy Phượng giải bày sự xót xa của mình về hoàn cành chia lìa hai đứa và kể lại kỷ niệm … Bên này Thọ cũng thế, có khác gì hơn? Làm sao xua đuổi kỷ niệm ra khỏi tâm hồn? Làm sao những người Á Đông chúng ta có thể sống chơi vơi trong hiện tại bằng cách bỏ quên dĩ vãng phải không Phượng? Nhưng quá khứ càng đẹp, người nhớ càng đau lòng hơn mà thôi. Viên thuốc chống căn bệnh úa xàu là chấp nhận thực tại. Và Thọ đang anh dũng chống lại sự nhớ thương từ ấy đến nay. Không thương mà hợp, thương mà lìa là nguyên nhân của khổ. Chắc Phượng hiểu điều đó?

Chính vì vậy em không bao giờ ưa nhàn rỗi, em muốn mình làm việc quần quật suốt ngày hay bù đầu vào những giảng khoa khó hiểu, có như vậy em mới thoát ra khỏi được em. Không phải em muốn đuổi anh ra khỏi trí. Bằng chứng là em đã nhớ nhung. Nhưng cũng như anh ở bên ấy muốn mình phải thực tế để đối đầu với hoàn cảnh. Anh ở quá xa, mà em thì lẻ loi, yếu đuối.

Thọ không viết thư cho Phượng ngay vì muốn tránh khơi động lại một cách không cần thiết đống tro tàn đã phủ bụi thời gian. Thư từ qua lại rồi sẽ như một loại ấu trùng làm ổ trong tâm hồn vốn đa cảm của Phượng. Tại sao Thọ viết thư này, đọc hết chắc Phượng sẽ hiểu.

Anh ác lắm. Anh có biết rằng em mỏi mắt trông tin anh và mong được liên lạc với anh không? Anh có biết rằng em làm việc như cái máy và sống như một cái bóng trong khi chờ đợi một phép lạ ngày nào đó được gặp lại anh không? Anh tệ lắm Thọ ơi. Anh không hiểu em một chút nào hết.

Thọ cũng được xem hình Phượng chụp với bạn bè. Phượng rất đẹp, cao sang và quyến rũ. Cũng đôi mắt to đen lánh đó. Cũng hàm răng đều đặn ngày nào. Cũng nụ cười mê hoặc lòng người thuở trước. Giờ đây được tăng bồi thêm nhựa sống của tuổi thanh niên nên càng thêm rực rỡ.

Phượng cảm ơn anh. Nhưng ích lợi gì cái chuyện phù phiếm đó ? “Vui là vui gượng kẻo mà, vắng chàng điểm phấn tô hồng với ai”. Em muốn làm đẹp với anh hơn là làm đẹp với bất cứ ai trên cõi đời này. Anh có hiểu thế nào là tình đầu đâu. Anh chỉ sống bằng lý trí. Anh tệ lắm, Thọ …

Trông ảnh Phượng. Thọ quay lại mình. Già cỗi, tàn tạ, héo hắt. Khác biệt phũ phàng giữa hiện tại và quá khứ. Mà thôi, ai kéo lại được thời gian ? Ai lấp bằng được hoàn cảnh đâu Phượng? Phượng tươi mát, vui vẻ, Thọ đủ vui rồi. Ai không muốn người mình thương tưởng đẹp đẽ, hạnh phúc phải không Phượng?

À. Em hiều rồi. Em hiểu tại sao anh khen em đẹp. Anh muốn thấy sự cách biệt vật chất giữa chúng mình. Nước mắt em trào ra đây. Sắc đẹp hạnh phúc của em nếu có ở đây cũng trở thành vô nghĩa, như một thứ hàng xa-hoa giữa một trận đói ở xóm nghèo. Còn tình thương giữa hai chúng mình? Còn tình của anh đối với em sao không nghe anh nhắc tới?

Chắc Phượng còn nhớ những ngày cuối tháng Tư nghiệt ngã. Lúc đó Thọ quyết định ở lại. Thọ nghĩ đất nước thanh bình, thanh niên cần phải góp phần, phải ở lại xây dựng. Thọ đoán được ý định ra đi của gia đình Phượng khi thấy những rộn rịp lo lắng của mọi người trong nhà (ngày nào Thọ chẳng chạy ngang một vài lần). Nhưng Thọ không muốn Phượng lo lắng. Thọ cũng không muốn thuyết phục Phượng hay bị Phượng thuyết phục. Vì vậy, ngày đó dù rất muốn gặp Phượng, Thọ đã dằn lòng đi thẳng. Thọ nghĩ, rồi ngày nào đó, Phượng quay về, Thọ sẽ hãnh diện rằng mình đã góp phần tạo sự lớn mạnh cho quê hương. Thế mà … Thôi, ở đời biết bao nhiêu chuyện xảy ra ngoài dự đoán của con người …

Những ngày cuối tháng Tư vội vã, tôi loáng thoáng nghe cha mẹ bàn cách ra đi. Tôi biết mình phải rời xa đất nước không biết đến bao giờ mới được trở lại. Tuy không hình dung được một cách cụ thể nhưng tôi cũng đoán được rồi đây sẽ có những chuyện không hay cho quê hương khốn khổ của mình, cho những người dân vô tội mấy mươi năm nay sống giữa hai lằn đạn. Tôi còn quá trẻ để thấy xa hơn những điều đó. Ra đi đối với tôi chỉ có nghĩa là rời nước lâu dài. Thế thôi.

Trước hôm ra phi trường. Tôi đến võ đường tìm Thọ với ý định tìm hiểu gia đình Thọ quyết định như thế nào. Tôi ước ao Thọ cùng ra đi. Nhưng tôi biết Thọ độc lập trong cách suy nghĩ về những vấn đề thời sự, chánh trị lại không tùy thuộc gia đình nên thường có quyết định khó ngờ trước được. Trên đường đi, lúc này đầy rẫy xe cộ dọc ngang, tôi buồn hiu linh cảm sự bất trắc của cuộc tình. Thọ đã vắng mặt ở võ đường từ hơn tuần nay. Tôi quay về không thố lộ với bạn bè chuyện sẽ ra đi của mình. Nói mà làm gì? Mỗi người một hoàn cảnh. Tôi não nề bước ra khỏi võ đường giờ đây còn lơ thơ một vài khuôn mặt thất thần như để chia sẻ sự không may sắp đến của đất nước. Thọ. Thế là kể như, chúng mình mất nhau không được nói tiếng chia ly. Tại sao lúc trầm trọng như thể này anh không tìm em? Tại sao anh không có mặt để em nói một vài lời. Anh có biết em không thể nào yên lòng nếu không gặp anh trước khi ra đi không? Tuổi trẻ hồn nhiên tuyệt vời của em đã hòa đồng với tuổi trẻ của anh, dĩ vãng vàng son đời người một lần có được, bây giờ bỏ lại tất cả để ra đi. Rồi mai đây khi em nhớ quê hương, hình ảnh tuổi thơ của chúng mình sẽ nổi bật lên trên đó với những buổi rong chơi trong vườn dừa xanh mát, những buổi ngồi bên ly kem nghe chất ngọt thấm vào từng đầu vị giác tê buốt. Quê hương sẽ làm nền cho kỷ niệm chúng mình. Bây giờ, trước khi từ giã nó, em không thấy được anh, chất xúc tác khiến quê hương hiện hình mỗi khi em hồi tưởng. Bỗng chốc em như bật rễ, bị bứng ra khỏi vùng đất mình lớn lên đem trồng vội vàng vào một vùng xa lạ không được đem theo chút hơi hướm gì của nơi mình sanh trưởng.

Tôi thất thểu về nhà trước cái nhìn ái ngại của mẹ cha. Mẹ tôi giải thích đó là tình cảm bi thương trước khi xa cách bạn bè. Cha tôi cho rằng đó là sự đớn đau của người sắp xa lìa quê cha đất tổ. Cha mẹ tôi đều đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Xa lìa bạn bè. Vâng. Nhưng bạn bè nào trong số đông thân thiết hàng ngày? Quê cha đất tổ. Vâng. Nhưng hình ảnh gì nổi bật nhất trong muôn ngàn khung cảnh quê hương?

Tôi bỏ lên phòng rưng rưng sắp xếp hành trang cho ngày mai khắc nghiệt. Có gì đâu phải sửa soạn? Khung trời hồng gấm của quá khứ còn bỏ lại sau lưng, tiếc gì vài cái áo, đôi cái quần nhỏ mọn. Tôi chỉ chọn quyển nhật ký, tập nhạc tôi chép nửa trước, Thọ chép nửa sau và thiếp bông hồng Thọ tặng ngày sinh nhật mới quen độ trước. Thế cũng quá đủ. Quá đủ để đau điếng hồn tôi sau này nhìn lại.

Buổi chiều bóng nắng lung linh rọi qua màn cửa sổ tạo nên những hình kỳ ảo trên bức ảnh bán thân tôi ngây thơ mỉm cười trên vách. Trong ảo giác tôi chập chờn cảm nhận khuôn mặt Thọ hiện diện đâu đây. Tôi vén rèm. Thọ đã đậu xe Honda dưới cửa sổ tự bao giờ, chợt quay lại như biết tôi đang nhìn xuống. Tôi ngỡ ngàng trước cặp mắt vừa buồn buồn vừa cương quyết của chàng, cố trấn tĩnh bằng cách mỉm cưởi thật tươi, vẫy tay chào báo hiệu mình sẽ xuống. Thọ lắc đầu rồi rồ ga phóng thẳng. Một luồng điện lạnh rung động toàn thân. Căn phòng với những vật dụng chung quanh như không còn tuân theo định luật vạn vật hấp dẫn nữa, lơ lửng đảo lộn trong không gian cuồng phong bão táp. Tôi tuyệt vọng bám chặt vào cạnh bàn. Hai giọt nước mắt tủi hởn trào ra khỏi mi.

Chắc Phượng còn nhớ đến Ánh Mai, cô bạn cùng khóa ởđường. Mai bây giờ tàn tạ lắm, xanh xao, bệnh hoạn. Gia đình Mai vì thuộc thành phần tư sản bóc lột nên tất cả sản nghiệp đã được trả lại cho nhân dân. Cha mẹ Mai được phối trí về xây dựng vùng kinh tế mới.

Tôi cười. Chán chết được. Viết cho người yêu mà cũng phải che đậy mài giũa cho đúng lập trường. Còn gì là chuyện riêng tư, chân thành …

Mai được ở lại thành phố vì có chân giáo viên. Mới đây lại được lệnh ngừng công tácsợ gây gương xấu với học sinh là thành phần rường cột của tổ quốc sau này. Điều này cũng tốt thôi.

Nữa, lại viết dối. Ở lại mới mấy năm mà dối rành như vậy chẳng trách gì bọn ngồi mọc rễ trên chóp bu nói dối trên trời dưới đất, lung lạc biết bao nhiều người nhẹ dạ dễ tin.

Như vậy là Mai phải về vùng kinh tế mới vì không còn đủ tiêu chuẩn để ở lại thành phố nữa. Cha mẹ Mai chưa ổn định nhà cửa, nên không đồng ý đón Mai về. Đi không được, ở không được. Mai và đứa con của nàng ở trong tình trạng như thế nào chắc Phượng đã biết (cũng nên nói thêm là chồng Mai mới mất trong một vụ quân đội ta càn quét những phần tử tàn dư của chế độ Mỹ Ngụy). Trong tình trạng tuyệt vọng đó của Mai, Thọ thấy chỉ có cách là hỏi cưới Mai để nàng được ở lại thành phố vì có chồng công nhân. Một người, cuộc sống đã đạm bạc, ba người, sự hy sinh lại càng to lớn hơn

Tim tôi đau nhói. Tôi áp tay vào tim. Có thể có chuyện như thế sao? Cũng là phận gái mà sao có người chịu lắm khổ đau? Mai ơi, nếu mình ở gần chắc mình sẽ đến an ủi Mai. Có gì đâu. Với hoàn cảnh của Mai, Thọ hy sinh là phải. Tôi thấy mình trẻ lại, hãnh diện vì người yêu của mình đã làm nên chuyện hay hay. Tôi không thấy ghen tức gì hết, trái lại còn xấu hổ cho sự giận hờn trẻ con của mình ngày trước …

***

Tôi tưng tức, một sự tức giận ưng ức, không mãnh liệt lắm nhưng thật sự đã len lỏi vào từng ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn tôi khi Thọ chào mời Ánh Mai ra đấu. Cách cúi chào và nụ cười tự tin của Thọ hôm nay có vẻ gì như thách đố tôi. Cũng cái mỉm cười ấy, cũng ánh mắt trong sáng yêu đời đó, sao bỗng nhièn tôi thấy ghen ghét. Mai bước ra khỏi hàng nữ đấu sinh. Cô nàng trong bộ quần áo võ sinh trông cũng rất gọn ghẽ, mái tóc hớt ngắn, cúp vào sau ót, để lộ những sợi tóc con đen nhạt lưa thưa trên gáy trắng tròn. Cái gáy tôi hằng ao ước được có. Lớp phấn hồng mỏng trên mặt tạo cho Mai nét trưởng thành hơn mọi ngày. Nàng mang vẻ tươi mát của nụ hoa vừa mới nở. Tôi nhìn lại mình: Quá giản dị, giản dị đến độ lôi thôi. Tôi vẫn còn là một cô bé còn chưa thật sự trở thành thiếu nữ.

Tiếng Thọ ấm và gợi cảm:

“Mời Mai! Mấy thế thực tập hôm nay, chắc Mai đã thuộc?”

“Mai không biết nữa, có gì anh dạy Mai, nhưng đừng mạnh tay nhé …”

Mai vừa đáp vừa cười. Cách nói làm dáng rõ rệt. Tôi còn lạ gì kiểu nói nửa nhún nhường, nửa mở đường kiểu đó. Mà Thọ nữa, đáng lẽ Thọ nghiêm hơn mới phải. Đàng này Thọ cười tươi, trấn an Mai rồi hai người chào kính theo thủ tục trước khi nắm áo nhau theo thế các đấu thủ vào trận. Họ tránh né, lừa thế, bốn chân di động mạnh mẽ tự tin trên mặt sàn làm bằng tấm “tăng” căng thẳng. Tôi loáng thoáng nghe đâu đây tiếng họ cười khẽ với nhau khi người này tránh hay phá được đòn của người kia.

Tôi nhắm mắt lại không muốn thấy cảnh họ xà-nẹo bên nhau đó. Tại sao vậy? Tôi không biết, chỉ biết có gì bất ổn thấp thoáng trong nụ cười rạng rỡ của Mai, trong cử chỉ thân mật của Thọ. Tôi thấy môi mình vẫu lại, miệng mình hơi mím và dường như tôi châu mày nữa. Có bóng Minh cúi đầu chào mời tôi trước mặt. Tôi đã có chủ ý nên từ chối. Tôi biết Minh thất vọng thầm trách tôi khiếm nhã nhưng có hề gì? Hôm nay không được vui, hơi sức nào để ý?

Mắt tôi lơ đãng bao quát đấu trưởng. Bỗng Thọ như cố tình để cho Ánh Mai lừa vào thế sơ đẳng nhất quật ngã. Thọ ngồi dậy, lẹ làng khen nho nhỏ nhưng tôi vẫn nghe rõ:

“Thế là Mai thắng Thọ rồi đấy nhé. Đừng có tưởng rằng Thọ giỏi nữa, rồi mặc cảm thua kém. Mai phải biết Mai cũng tài lắm đó.”

“Anh quá khen, anh nhường Mai mà, Mai biết.”

Tôi bỏ ra ngoài, mặc kệ những ánh mắt xoáy nhột nhạt phía sau, đi tìm nước uống và ngồi một góc bao lơn nhìn đàn xe nhỏ như đồ chơi nối đuôi nhau dưới đường Phan Thanh Giản đầy xe. Thầy T. lạ vì thái độ lừng khừng của tôi đưa mắt như dọ hỏi. Tôi giả tảng như không, theo dõi mấy chiếc Honda nhỏ hí xẹt qua xẹt lại giữa dòng thác đang tuôn chảy xa xa.

Thọ! Anh làm em buồn anh có biết không? Sao anh ác với em như vậy? Nước mắt em sắp trào ra đây. Anh coi như em không có mặt trên cõi đời này. Anh giận em hay Mai đẹp hơn em?

Tôi vừa buồn giận vừa cố biện hộ cho Thọ. Giữa tôi và Thọ đã có gì với nhau đâu? Chúng tôi còn quá ngượng ngập e dè chưa nói với nhau một lời nồng nàn nào. Chỉ dám âu yếm bằng ánh mắt thôi. Ánh mắt không cũng đủ rồi. Lời nói dành cho người lớn.

Thọ đứng tha thiết nhìn Mai lui ra sau khi có tiếng kẻng chấm dứt giờ học đầu. Một phút sau Thọ mới quay đầu nửa vòng như có ý tìm tôi. Cái nhìn tôi lạnh như Thọ là cha căng chú kiết nào tôi chưa từng quen biết. Thọ tiến tới, đôi mắt như cố nhìn thấu suốt vào sự suy nghĩ của tôi. Tôi ngó xuống sàn tập tránh ánh mắt khám phá đó.

“Hai thế hôm nay dễ phải không Phượng?”

Tôi làm thinh.

“Sao hôm nay trông Phượng không được vui?”

“Có gì đâu, Phượng không được khoẻ.”

“Sao vậy, Phượng chóng mặt à? Liệu có cần nghỉ không? Thọ có đem Vitamine C đây, Phượng ngậm một viên nhé!”

“Không sao, cám ơn Thọ.”

Tôi tìm cách lãng ra xa khi có vài người bạn đến định góp chuyện. Như trả xong món nợ, tôi lựa một chỗ ít người ngồi nghĩ vẩn vơ. Những giờ học kế tiếp, tôi không biết mình đã làm gì, đấu với ai và nói những gì. Tôi như cái xác không hồn đứng đó, cử động đó nhưng thần trí đã lao vào tận phương trời phiêu lãng nào đâu. Mọi vật như biến mất và tôi sống trong giấc mơ chập chờn.

Ủa, mày buồn sao Phượng ? Có sao đâu, có gì đâu mà đáng chú ý? Coi như không có. Nhưng mà đau đớn và mất mặt. Không nói nhưng ai cũng biết Thọ yêu mình và mình có cảm tình với Thọ. Thế mà …

Lúc ra về, tôi gặp Thọ cùng với Minh đi sau Mai ở chỗ nhà xe. Mai đã thay áo dài. Tà áo thêu mấy con chim sẻ đậu trên cành mai vàng phất phơ trước gió phô bày những đường cong đang bắt đằu định hình trên thân thể con gái của nàng. Tôi cắn môi ngồi xuống mở khoá xe. Xe Mai cũng để đâu gần đó.

Bỗng Minh lên tiếng với Thọ:

“Thọ, tụi mình mời Phượng và Mai đi ăn kem nhe. Chiều nay trời mát!”

Mai đưa mắt dò hỏi tôi, ánh mắt sáng rỡ biểu tượng sự đồng ý:

Tôi còn đang chưa biết trả lời sao thì Thọ đã lừng khừng:

“Cũng được.” Rồi nhìn về phía tôi, giọng thật chắc ăn:

“Minh và Thọ mời Phượng với Mai đi ăn kem. Mai với Phượng để xe ở đây, tụi này chở chốc nữa về lại đây lấy xe. Nhiều xe đi mất công, giờ này kẹt xe lắm. Tôi không vừa ý cách xếp đặt thứ tự tên mà Thọ dùng. Nó tạo nên một tập hợp trật chìa, ăn trét. Tại sao không Minh và Thọ mời Mai với Phượng?

Đàng kia Mai đã khoá xe lại, nhìn cả bọn, đợi chờ. Cô nàng đã đồng ý. Tôi muốn coi sự tình diễn biến như thế nào nên cũng không phản đối, kéo dài thì giờ loay hoay với cái ống khoá.”

Minh hí hửng”

“Mà ai chở ai mới được? Anh nói ngay như sợ người khác đề nghị trái với ý của minh. Thọ chở Ánh Mai, Minh chở Phượng nhé … .”

Tôi đưa mắt nhìn Thọ hỏi ý. Đây là lần trắc nghiệm cuối cùng để xác định những nhận xét hôm nay. Thọ nhìn Mai, Mai cười “Cũng được. Có gì đâu mà đặt thành vấn đề. Bạn bè không.” Cô nàng làm như mình ngây thơ lắm, chưa biết tình yêu là gì, đeo kính vào, một tay vuốt lại mái tóc, một tay vén áo dài sửa soạn ngồi lên yên xe Thọ. Minh lùi xe về phía tôi. Cơn giận chợt đến như cơn giông, tôi lên tiếng phá đám:

“Mà Phượng vẫn còn mệt. Hai anh và Mai cho phép Phượng bữa khác. Hôm nay Phượng phải về nhà sớm.”

“Sao kỳ vậy Phượng? Đi cả bọn cho vui mà. Giọng Thọ hốt hoảng thật tình.”

“Thọ và anh Minh đi với Mai cũng đủ rồi”. Tôi cay đắng. “Có Phượng hay không thì cũng thế thôi. Phượng mệt, thôi để Phượng về. Đi mất vui hôm nay của Thọ.”

Tôi lầm lũi đẩy xe ra, mở contact, định đạp máy. Thọ nói vội vàng với hai người kia như để nói với tôi:

“Xin lỗi Mai, anh Minh cảm phiền. Phượng mệt để Thọ đưa Phượng về.”

Tôi chẳng lý gì đến Thọ, nhìn thẳng về phía trước, đạp máy. Tiếng xe nổ dòn vui vui. Tôi sang số, lách ra khỏi một vài người bạn chậm chạp sau cùng của buổi học. Thọ vọt xe theo tôi thật lẹ, bỏ hai người kia lại đứng ngác ngơ. Đường về hôm đó quá xa và Thọ nói gì tôi cũng không nghe. Cơn giận đã tạo một bức tường ngăn cách kín mít âm thanh không vượt qua được.

Trước đây miền Nam có một bản nhạc thời thượng rất lãng mạn, bây giờ Thọ chỉ còn nhớ loáng thoáng câu “thầm gọi tên em mãi thôi”. Và Thọ đã lắm lần gọi tên ai bên kia một hình dung khác … Mà thôi …

Có những điểm ố nhoà chỗ này. Nước mắt em hay nước mắt anh? Vắng người yêu đau lòng một. Sự đau khổ tăng lên thập bội khi phải dùng trí tưởng tượng thay thế hình ảnh đang có bằng bóng hình ở mãi tận đâu đâu. Càng gọi tên em anh càng thất vọng hơn mà thôi. Hoặc chấp nhận hiện trạng, hoặc xóa bỏ hiện trạng. Tại sao anh không biết điều đó để tự mình làm khổ mình?

Thọ sẽ chôn chặt đời như con trâu dằm mình trong vũng lầy giữa ruộngkhô, tự an ủi rằng chính sự có mặt của mình cũng la mo6àt ích lợi, tư ựrió buộc mình bằng vòng dây gia đình, chiều chiều nhìn mây trời, mơ làm chim vô cánh.