Nguyễn Văn Sâm

1. ‘Cao cao chi tổ, viễn viễn chi tông, thúc bá đệ huynh, cô nhi tỷ muội nhà bây ra nghe tao chửi thơ nè…’ Tư bề yên lặng. ‘Sóng bủa thuyền câu lướt dập, nhà xập bìm bìm leo, đéo mẹ tổ… chó đẻ nó cũng leo theo…Tổ cha ông bà nó…chơi với khỉ, khỉ vổ đít, chơi với con nít, con nít lờn mặt, không bằng tuổi lẻ của tao mà bây bày đặt nói ra nói vô để gia đình tao hục hặc xáoxào…’

Tiếng chửi của bà Hương giáo Hải ngọt như tiếng ca của mấy cô danh ca Ba Bé, Tư Sạn trong dĩa hát Asia cất lên đằng kia, lan trong gió chiều, tỏa ra phía đầu nầy cù-lao đánh dấu sanh hoạt đặc biệt của xóm mà má tôi xác định rằng thì là ‘đi bốn biển chín châu cũng không dễ dầu gì gặp. Mỗi lần bà Hương trổ tài là mỗi lần tôi và bàng dân thiên hạ ở đây khoái chí tử: Vừa giải trí vừa đổi thay không khí nhàm chán của một nếp sống trầm trầm – trong vùng đất nhỏ bằng bụm tay lọt giữa con sông rộng – kéo dài trước đó. Sồn sồn người nhưng du dương giọng, bà Hương có tiếng chửi không khác mấy tiếng hát ru em trưa nắng, mùi mẫn như bài ca dạ cổ hoài lang từ phu tướng lên đường, đã điếu còn hơn nghe mấy con nhỏ xóm dưới kéo vuốt lên cao ngất, nhọn lễu như kim chích nhè nhẹ, nhột nhột vô tim, lăn tăn tới từng sợi dây thần kinh trên khắp cùng thân thể, mấy tiếng chót của một câu hò ruột. Nói có hơi quá, nhưng còn khoái hơn nghe trai gái mèo mỡ đối đáp trững giỡn lúc giã gạo đêm trăng. Chứng kiến tụi nó ỡm ờ trao tình bằng miệng hò mắt liếc tôi khoái lỗ tai thì có mà bằng bụng thì không. Tôi nhớ tới tấm thân tôi. Con trai khi dễ coi như chẳng cùng loài cùng lứa, kiểu thằng Lai, thằng Chệt nào lạc loài trong xóm. Con gái đi ngang qua không cần biết tôi đương đứng đó, đương có mặt. Không đứa nào ngó thẳng vô mặt tôi mà biết mắc cở bối rối, trong khi đó đối với mấy thăng khác cở tuổi tôi, mấy con nhỏ nầy thường khi hành động kiểu như bị hớp hồn: quýnh quáng, tiếng được tiếng mất, cà-lăm cà-lập, vuốt-vuốt tóc, kéo-kéo áo, đỏ mặt cúi đầu ngó-ngó xuống chưn ….thấy mà phát nực. Có đứa còn lấy ngón cẳng cái chà-chà dưới đất thiếu điều chết cha khoảnh đất chỗ đang đứng, trí óc bay bổng mất tiêu, mười điều hỏi trả lời ăn-trét hết tám, chín. Lũ quỷ nầy một trăm đứa như một, đi ngang tôi như bước qua khúc cây mục nằm chận đường đi, như đi vòng một vũng nước dơ cần tránh, ngó tôi như ngó một gò mối, một đống đất, một cục đá tảng, tĩnh rụi. Tôi hỏi, tôi chào tụi nó cũng trả lời bã-lã bô-lô vài ba câu vậy, nhiều khi vui vẻ thân mật nữa là khác, nhưng mà qua con mắt vừa nháy nháy vừa suy nghĩ của tụi nó, chém chết tôi cũng thấy chàng ràng trước mặt một điều gì đó như là tội nghiệp, như là thân mật bằng tình anh chị em chòm xóm láng giềng nổi lên trong lòng.
Tôi với tụi nó đồng trang lứa chớ bộ, mặc dầu tôi không xổ người bự-xộn như thằng Quang, nhưng đâu phải teo nhách không nên hình nên dạng đâu. Chỉ hèn đứa một chút vì bận-bịu cặp nạng thôi. Làm gì có cái tình tinh khiết đó giữa trai tân gái mọn không cùng máu mủ! Đứa nào mà có dính líu một chút xíu bà con, thứ đồ bà con xa mút tí tè chống bảy sào không tới, vừa đi vừa nhai rồi liệng cả chục miếng trầu cũng còn xa-lơ xa-lắc, kiểu má tôi với thiếm của nó cùng một đầu ông cố, mà hể phải đối đáp thân thiết tới câu thứ nhì thì tụi nó dở giọng xa-xa, gần-gần, kiểu cật ruột máu mủ, lại còn làm bộ ngây thơ thân tình theo kiểu bà con. Nực thiệt, nhiều khi ước sức tôi muốn đá cho một đá hay xán cho một bạt tay mới đã nư.
Bởi vậy tụi nó trai gái hát hò, nghe thì nghe chớ tôi không kết cho lắm. Bà Hương giáo chửi thì lại là chuyện khác à nhe! Lạ lạ, hay hay. Thưởng thức mà không thấy tức tức ghét ghét ganh ganh bụng, nghe mà thanh thản, thơ thới lòng. Tôi tỉnh táo uống hớp từng âm thanh giai điệu, tôi bàng hoàng lạ lẫm về sự phong phú thần sầu của làn hơi con người ta trong việc vuốt tiếng lái giọng. Đó là chưa kể về mặt ý nghĩa, câu chửi ở đây như ẩn hiện chập chờn một yếu tố đặc biệt gì đó khiến cho mình khoái rơn, nhiều khi muốn nhảy dựng lên, muốn cười thật lớn. Nếu lâu ngày mà bà ta không lên tiếng tôi dám cá một ăn mười là nhiều người thấy thiếu thiếu thèm thèm lỗ tai kiểu như bữa nào bà ngoại lật đật đi xóm, quên đem theo ô trầu chắc lưỡi than thèm miệng.
Tôi ra chỗ ngạch cửa ngồi chống mỏ vãnh tai về mé nhà bà Hương. Cả tháng nay sức mấy mà được thanh nhàn! Bữa nào như bữa nấy, cơm nước rồi ngồi xạo sự chưa đầy một tiếng đồng hồ, ghế chưa nóng đã lo dở mùng chun vô, mấy bả hối còn quá cha chạy giặc. Trong mùng ánh sáng lờ mờ đọc lén giỏi lắm hết một hồi truyện mắt đã nhướng hết lên, buông xụi sách, chỏng cẳng ngáy.
Cả tháng nay giận chuyện gì không biết mà ba tôi ăn dầm nằm dề bên Mỹ Tho, cuối tuần cũng không thèm đi đò về thăm má tôi với ngoại. Má tôi thì bỏ lúng nhà cửa ở bển cho chó chạy, qua ở bên nầy với bà ngoại tôi chỗ tôi ở thuở giờ, mặt một đống, lầm-lầm lì-lì. Má tôi và bà ngoại, hai người đàn bà nầy tối ngày xầm xì nhỏ to. Khác với mọi lần, không ai thèm hỏi han, đếm xỉa gì tới tôi hết. Nhà như có đại tang, ai cũng ngồi đâu ngồi đó một đống, chù ụ. Mất vui. Lúc trước nhiều khi hứng chí, tôi thường làm tuồng hay hát hò ngêu ngao theo mấy bộ dĩa làm cho căn nhà như có nhiều người tùng tam tụ ngũ đập bồn đập bát, bây giờ cả ngày tôi nằm bẹp trên ván ngựa ngốn tới ngốn lui tới rách nát cả chục trang trước, văng mẹ nó năm sáu tờ sau mấy cuốn Gia Long Tẩu Quốc, Hoàng Tử Cảnh Như Tây, Giọt Máu Chung Tình của cái ông Tân Dân Tử nào đó, nhiều khi mấy giờ đồng hồ làm biếng không thèm mở miệng, cần lắm thì ậm-à ậm-ừ cho qua. Thằng Quang anh tôi thì coi mòi kỵ hai người đàn bà đó hơn, không cho chạm mặt. Nó tránh nhà trên, móc võng dưới bếp, đưa tòn-ten kẻo-kẹt, lâu lâu làm xấu kéo cẳng lên gãi sồn sột, thở dài thường thượt như đầu thảo hụi bị tay em giựt tới tán gia bại sản nằm tiếc của thở ra. Cái thằng mới buồn chuyện gì có vài ba bữa mà coi bộ xuôi cò, như chết chưa chôn, luôn luôn thủ sẵn chai dầu gió trong túi độ, chừng mười lăm phút, nửa giờ thì móc ra quẹt một cái lên lỗ mũi, mặt dàu dàu. Nó hết còn vãnh mõ hí hửng khoe mình từng làm tưới xượi đám con gái ở xứ nầy ngay khi tụi nó trái tràm vừa mới lu-lú độn vải, theo cái câu rộng đồng thì gió thổi lên, khi vui con chị khi buồn con em. Tôi tò mò muốn biết chuyện gì xảy ra trong cái nhà nầy nên vừa hỏi vừa chọc nó tại sao không lội đi nữa, lội vô vườn thiên hạ làm cái chuyện hoa thơm nhổ cả cụm, không để lọt con nào như nó từng tuyên bố mà nằm lê lết như chó què ở nhà. Hỏi gì hỏi. Nói gì nói. Chọc gì chọc. Đá gì đá. Nó day mặt chỗ khác giả câm giả điếc không trả lời trả vốn gì hết. Tôi phải sử dụng cách tam khí Châu Do ngâm nga sông dài con cá lội biệt tăm…. rồi nín thinh, dềnh dàng. Nó ngó tôi, chờ đợi câu tiếp. Ngu sao? Tôi chuyển mục Sàigòn xa chợ Mỹ cũng xa, rồi lại làm thinh một hồi lâu ớn, từ từ rót nước, uống từng ngụm nhỏ theo dõi sự khoái trá trong lòng mình bằng “nỗi đợi chờ và bực tức của địch thủ”. Nó theo dõi tôi từng cử chỉ tôi biết chứ sao không, nhưng giã đò không biết. Phải dạn miệng mới được. Tôi đưa tay quẹt mỏ, liếc mắt ngâm câu kế, đâm thấu vô tim nó ‘Em dông xứ Huế thành đô, như cá biển hồ bao thuở gặp nhau’. Thằng lăn lộn nhiều, bị chạm nọc, phản ứng chì lắm: chụp chiếc guốc lòng mức nặng chình chịch phang lẹ như bà xẹt về phía tôi bất kể trúng trật. Hú vía! Nếu không lẹ tay đưa cây nạng lên đở thì chắc lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc bữa đó chứ hỏng chơi. Vậy là trúng ngay boong rồi. Tôi bưng miệng cười lén. Nó ngậm cán búa rồi, thất tình con Nhàn vì nàng đã cuốn gói ra đi.

Bữa nay nó đi xứ lai xứ đế nào ngay sau khi dằn ba hột cơm chiên hồi tưng bửng sáng, chắc là đậu chến ghiền ăn từng xu nhỏ tiền xu ở đâu đó đằng nhà mấy chị đàn bà góa vô công rồi nghề sống bằng huê lợi vườn. Má tôi thì đi đò qua bển coi chừng chừng hễ ổng thiếu gì thì lo, bỏ lúng xót ruột. Nhà vắng vẻ trống trải vậy mà tự do, vừa hóng gió mát chập tối vừa nghe bà Hương chửi thơ thì đã như tiên. Mới dứt bữa còn no nhưng muốn ngồi lâu mà không buồn miệng tôi lọc cọc xuống bếp lục lọi. Có năm sáu củ khoai lang nóng hổi, tôi quơ đại quơ đùa mấy miếng lá chuối khô đâu đó bọc lại ơ hờ, ngó dáng bên ngoài lòi cái vỏ tim tím bên trong. Tôi cạp nhẹ lớp vỏ tim tím, bùi bùi, thơm thơm. Bẻ hai củ khoai ra, ngó khói trắng bốc lên từ giữa lớp ruột trắng bóc đầy bột, tôi hé răng cắn một miếng nhỏ, lim dim mắt, ngậm miệng chịu đựng cái nóng muốn lột lưỡi rớt răng. Vậy đó, ở đời có những cái khoái đau đớn mà cứ theo đuổi hoài, con người ta thiệt kỳ cục không hiểu nỗi. Thằng anh tôi siểng niểng vì điếm cờ bạc đốt cháy túi, vì bị con gái cho leo cây tha mỡ bò. Và tôi, mấy cái chuyện lặt vặt như ăn khoai lang nóng nghe chửi nghe hò, dòm con gái rồi nghĩ bậy tới tức tức (d. x) phải bụm mà chịu.
Vợ anh Bảy Nhành, thợ đẻo cối, bưng tô cơm bự chảng ra ngồi ở ngoài hàng ba vừa nhai nhép nhép vừa tủm tỉm cười một mình thấm ý. Mấy đứa con nít đã xúm xít như đâm thịt trâu toi đông nghịt ngoài hàng rào nhà bà Hương, lấn xô đẩy háy kêu réo vui còn hơn nhóm chợ. Thiên hạ ở xóm Cây Dừa nầy cũng ưa nghe chửi dữ tợn ha? Đâu phải riêng một mình tôi đâu?
Vậy mà Bà ngoại tôi nghe tiếng nạng lọc cọc lên xuống trên nền nhà, ngó ra đã thấy tôi ngồi tréo ngoải hóng mỏ, đã lật đật réo ngược réo xuôi biểu đi vô. Bà già lo xa kiểu mấy người gần đất xa trời! Nghe thiên hạ chửi mình, mới bực mới tức, chớ nghe thiên hạ chửi thiên hạ thì khoái lỗ tai chớ có hại gì đâu? À! Tới chỗ vui! Bà Hương giáo quẹo vô chỗ chánh… Ví von nhiều, tôi nghĩ là không ai đủ trí nhớ để kịp thời ghi lại. Tất cả đều nhằm vô ‘con chó đẻ đa sự em chồng của bà’. Cô ta động mồ động mả nên thèo lẻo ton hót gì đó cho ông Hương giáo đổ thừa bà về trách nhiệm chuyện con Nhàn cuốn gói ra đi. Giọng bà hay lắm, chữ nghĩa lại bất ngờ, ví von theo kiểu vè các thứ bánh, các thú trái, các thứ cá… nhiều khi tôi buột miệng tính khen phải lẹ tay bụm, sợ bà ngoại ngầy. Cũng là tại con Nhàn hết, tôi thấy nó cặp bồ với thằng Quang lâu lắm rồi. Nhiều đêm hẹn hò ngoài bụi chuối sau hè nhà lớn, xế xế bụi môn, chờ cho trăng lặn anh chị mùi mẫn, cụp lạc. Không biết tại sao mà nửa chừng con nhỏ bỏ nhà trốn đi để cho thằng anh tôi há mỏ thở dài chết đứng chết ngồi, để cho má nó lớn họng chửi … hết cả xóm.
Xóm nầy vậy không, đụng chuyện gì đâu không biết của hai người cũng ong óng lên như giặc chòm. Tháng rồi bà Năm Tỷ giao mận cho thiếm Hai Rê đủ thiếu sao đó, hai đàng cãi cọ ba chục bội năm chục bội, đằng nầy nói đằng kia lật lọng, đằng nọ nói đằng kia làm bộ quên… Vậy là cả xóm nghe chửi đầy lỗ tay. Đầy trời thiên hạ ở đây vậy đó, tin nhau bằng lời, không lẽ gạch chữ thập, lăn tay hay chạy lại mượn người biết chữ viết trên giấy tín chỉ, đến chừng có chuyện, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, dậy giặc hoài hoài. Có điều dễ thương là năm bảy bữa nửa tháng hai đàng lại chị chị tui tui, cười mơn nói ngọt. Có lẽ ở cái cù-lao nhỏ bằng hột mít nầy, quanh đi quẩn lại cũng có bấy nhiêu người, không nói ra nhưng ai cũng thấy một điều là giận cách mấy cũng thấy mặt nhau thường bữa, kéo thẳng ra thì ông bà xưa hai đàng không bà con cũng là anh em bạn. Để rồi coi, chuyện nầy không kéo dài đâu, êm ru bà rù liền bây giờ. Tiếc là tiếc con Nhàn ra đi, mà ra đi kiểu nầy thì có trời mới biết chừng nào nó mới trở lộn về. Uổng thiệt. Ngồi trong nhà thấy nó thấp thoáng bên kia, ngực một ngực, lồ lộ thiếu điều căn xé áo nhảy ra ngoài, tôi cũng đã cảm nhận nỗi vui vui tràn ngập lòng, đời thiệt thòi như được trút bớt vài phân.
Bà ngoại nắm tay tôi kéo vô nói hay ho gì mấy cái chuyện chửi lộn mà phải chạy tuốt ra sân vãnh lỗ tay ra hứng. Vừa thôi chớ bà nội! Ở ngoài nầy với ở trong nhà có khác gì đâu? Nghe thêm vài câu chửi bậy thì cũng đâu tới nỗi hư thân mất nết. Thân tôi mà còn sợ hư cái nỗi gì chớ? Trời bắt vậy thì nó vậy, không hư mà cũng không tốt lành gì đó. đời tôi kể như bỏ rồi. Bỏ từ lúc mới biết khóc đêm tủi thân thua sút chúng bạn. Biết bao nhiêu chuyện tụi bạn trang lứa làm được dễ dàng mà tôi thì cố gắng trầy vi tróc vảy cũng ạch đụi lẹt đẹt; leo cây là một, lội sông là hai, u mọi, đá lon, đá banh, đá cầu là ba, bốn… Ối thôi, đủ thứ thua sút người. Tôi nhe răng cười, trì lại. Không phải không nghe lời, dể duôi. Tôi muốn chứng tỏ với bà tôi đã lớn, có quyền hưởng những tự do cần thiết. Thằng Quang đó, lớn hơn tôi có hai tuổi chớ mấy, giỏi rầy la nó đi. đường ngách nào cũng biết, chuyện chơi nào cũng nhúng tay. Cả ngày xạo sự đầu trên xóm dưới, mười một mười hai giờ đêm đã đời tơi ống ngoái mới bò về, khi thì chui đằng nhà đẳng ngủ vùi, khi thì vô nhà nầy lục cơm, xin tiền rồi đi nữa. Có ai rầy la mắng mõ gì đâu? Nó chỉ trên chưn tôi có cái thân hình thôi còn tật xấu thì ấp lẫm, nói láo dàng trời ai cũng chạy mặt mà ai cũng làm thinh, coi như chuyện đương nhiên. Tôi chê nó đục chưa chắc tôi đã trong, nhưng tức quá, không sao khỏi nghĩ tới sự khác biệt giữa hai anh em chỉ sanh ra trước sau không đầy hai năm mà số phận vô cùng chinh lịch. Trong khi tôi không bao giờ có tới năm đồng dằn bóp, nó phải có vài tờ giấy con công mới chịu êm, không thì nẹo trèo trẹo. Phân bì thì mười miệng như một nói nó khác tôi khác. Tại sao khác mới được chứ? Tôi cũng người vậy chớ bộ cây cỏ sắt đá hay thú cầm gì sao? Tôi trì mạnh hơn khi nghĩ tới đó. Miệng tôi vẫn cười cười. Bà ngoại tôi giá giá tính đánh vô tay tôi. Nói nào cho ngay, nếu có đánh bà đánh như phủi bụi chứ gì, tôi biết quá còn lạ gì chuyện nầy, nhưng mà cũng làm bộ năn nỉ cho bà vừa lòng nại cớ ngồi ngoài trước sân cho mát, đi ngủ bây giờ đâu được, nóng quá, người chứ đâu phải gà mà mới đỏ đèn đã chun vô chuồng, thêm nữa tiếng chửi dọng vô lỗ tai ai mà chợp mắt được. Bà ngoại buông tôi ra, không quên điểm mặt dọa một dọc đủ thứ, nào là liệu hồn, lớn rồi có thân phải giữ, ngồi đây muỗi tha, nghe chửi bậy bạ không nên… Tôi khựng ngang. Lớn? Con nít? Không biết rõ lắm. Nhưng tôi muốn mình là con nít hoài hoài. Lớn mà làm cái quỷ gì?
Vậy mà có được cho đâu! ‘Chuối non giú ép chát ngầm, trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm.‘ Tôi không khóc thâu đêm nhưng hai năm gần đây như cọp chạm mồi, quen với thịt người, tôi bị ma đưa lối quỷ dẫn đường lúc nào không biết mà sống với thói hư tật xấu buông thả theo sự dậy giặc của xác thịt. Nhiều đêm vô mùng lạo xạo, ngọa nguậy vọc nát tấm thân khổ sở thèm khát của mình cho đến khi đã đời mệt thiếp nằm ngủ vùi mới chịu!
Tiếng chửi thình lình ngắt ngang như máy hát đứt dây thiều, như lò lửa đương bừng bừng mà ai đó hắt vô cả thùng thiếc nước. Vậy là có ai đó báo ông Hương giáo đã về gần tới. Cứ hễ ổng về tới xa xa thì bả tắt giọng chửi ngang xương như vậy đó. Còn hễ bả đã miệng thì xuống giọng từ từ, kéo dài giọng chã chẹt như hết dây thiều, uống một ngụm nước, thở vài ba cái rồi bắt trớn lại như cũ. Tôi đợi một lúc hơi lâu, thấy êm re. Chắc chắn là mình đoán trúng. Tự nhiên tôi thấy thương thương ông Hương giáo. Cả đời ở khít bên người vợ biết chửi có vần có điệu, có ca có kệ mà không bao giờ được thưởng thức. Giống như ông già tôi ổng có bộ dĩa hát tuồng ‘San Hậu, Nguyệt Kiểu thứ ba‘ mà không bao giờ có thời giờ nghe vì còn phải bận bịu với mớ sách tiếng Tây tàu sắt chở qua cả thùng mỗi tháng.
Lắm khi tôi nghĩ bắt tức cười khan một mình, ông Hương giáo lo ăn ở cho đàng hoàng để xóm giềng làng xã nể vì dầu sao mình cũng ở trong ban hội tề nên bị mất một cái hứng thú ở đời là nghe chửi bằng thơ. Tôi biết nếu có ai mét rằng bà Hương giáo chửi rủa thiên hạ dữ lắm thì chắc ổng cũng bán tính bán nghi. Mấy chục năm nay có nghe bả chửi câu nào đâu? Chuyện kỳ thiệt, trong nhà không rõ ngoài ngõ đã tường. Như chuyện con Nhàn ổng tuyên bố tới chừng đám cưới ổng sẽ làm tiệc thiệt linh đình, đãi đằng bà con họ hàng ba bữa phủ phê, hạ ba con bò, heo gà vịt cá tôm cua không thèm kể. Bây giờ trớt da me, nó ôm gói dông tuốt theo trai, muốn đãi một bữa cơm thường cho có vị cũng lấy con đâu ra làm cớ.
Nghĩ tới con Nhàn tôi nhớ tới con Bông con của vợ chồng Bảy Sự, tá điền của ngoại tôi. Tuần rồi không biết mắc mớ gì mà nó rảo qua lượn lại nhà nầy hoài. Hễ thấy dạng nó từ đằng xa là tôi lật đật men men ra cửa ngóng. Nó đương sùng thằng nào chọc nên coi bộ ngúng nguẩy, miệng lầm bầm, cặp môi nó chúm chím chu chu dễ thương cách gì. Không phải như tụi khác bị chọc buông tiếng nặng nề kiểu hàng tôm hàng cá. Cặp mắt nó tròn tròn, gò má nó phính phính hây hây coi hấp dẫn như trái mận hồng đào sắp chín tới, hườm hườm với mấy sợi gân nhỏ lí-tí thấy bắt thèm cắn. Nó qua khỏi nhà một đổi xa ớn mà tôi cũng còn bị bà giục, ngó theo lom tom thiếu điều rớt con mắt. Ôi! Tròn trịa và hấp dẫn. Ôi! Hai cái tay đánh đồng xa dịu nhiễu. Ôi! Cái bất hạnh lớn lao của tôi. Tôi tức ba má tôi hồi đó không lo săn sóc con cái cho đàng hoàng tử tế, giao khoán cho kẻ ăn người làm dốt nát không biết chuyện bịnh tật thuốc men liều lượng nên tôi đến đỗi… Con Bông con nhà bần hàn, không chưn giày chưn dép cao sang như mấy cô đi học bên chợ Mỹ nhưng mà được ớn. Lại khôn
nữa. Nói năng đâu ra đó, ai cũng mến chuộng. Ba nó, Bảy Sự, dân làng nhậu, bị ma men hành té mang bịnh hậu cả năm nay liệt giường không ra khỏi nhà. Má nó bán xôi cả ngày ở cầu bắc, một mình nó lo chuyện nhà cửa, em út mà nghe nói sạch sẽ vén khéo lắm, ai tới cũng chắc lưởi khen ngầm. Nó là loại ở nhà giúp mẹ giúp cha, lớn lên theo chồng thì sẽ là kiểu người đàn bà đi đâu thì kêu chồng đưa gói thiếp mang, đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không. Nội cái dung đã thấy đáng đồng tiền, thêm cái hạnh đó đốt đuốc kiếm đỏ con mắt cũng không có tới hai, mấy cậu công tử nhà giàu bên chợ Mỹ mới xứng, thứ đồ cắc-ké ở hóc-bà-tó nầy nhằm nhò gì. Bởi vậy tôi chỉ dòm theo thôi đã đủ mãn nhãn, mãn ý. Dòm theo. Không dám sỗ sàng dòm từ đằng trước chiếu tướng như đối với mấy đứa khác. Cặp nạng ngáng chưn cẳng vói tay không tới đâu hết nên tôi chào thua, đứng xa xa mơ ước. Cây sào nối tay người ta dài ra để hái trái chín. Cái dầm tạo khả năng cho con người di chuyển ghe xuồng lướt trên mặt nước dễ dàng. Cặp nạng trái lại khiến tôi ngượng nghịu khổ sở, chêm khoảng cách vĩ đại giữa tôi với tụi cùng trang lứa. Mà lạ! Cả tháng nay má con Bông ưa qua rù rì với má tôi, mỗi lần đứng dậy xin phép về đều đỏ hoe cặp mắt. Má tôi nói vợ Bảy Sự qua năn nỉ mượn tiền chạy thuốc cho chồng và sang cái quán cơm ở cầu bắc để làm ăn sẵn dịp có người dọn nhà lên Sàigòn, bán rẽ. Lạ thiệt chớ! Mượn, nói một hai lần chớ sao lại ngày nào cũng qua khóc lóc như nằm vạ, như bắt đền cái gì. Mà lần nào
thím cũng qua tay không, không còn quà cáp biếu xén của ngon vật lạ trê nọng, trê vàng, nhãn chày, chôm chôm tróc như hồi nẳm.
Muỗi nhiều quá, tôi đưa tay đập lốp bốp vô mặt, vô đùi. Mắc nghĩ lơ quơ quên là bà Hương giáo nín đã hèn lâu rồi. Bà ngoại tôi đã vặn đèn xuống nhỏ hơn, luôn miệng cằn nhằn tôi giống con gái mẹ, làm gì cũng chùng chình lớ rớ, vô thì vô, ở ngoài đó mà đập, lại còn mở cửa tát hoát cho muỗi vô nhà. Bà dài dòng dây nhợ về chuyện vợ thằng Bảy Sự, theo bà, bà giải quyết cái một, đưa chút đỉnh nó làm gì nó làm, kéo dài làm chi cho vợ chồng cắn đắng. Nghe thì nghe vậy mà mù-mờ như người đi trong sương sớm, bù trớt không biết đầu đuôi ngọn ngành ra làm sao, tôi chỉ còn biết lỏ mắt ếch ra ngó. Hình như là bà chê trách má tôi thiếu thông minh, không biết giải quyết công việc cho phải cách hay gì gì đó tương tợ… Chịu thua bà! Cho tiền thằng nầy cũng không dám binh-bổ nói chi làm tài khôn cự lại bà để binh mẹ. Mà nghĩ cho cùng, cũng hơi oan. Biết đâu má tôi đương kiếm cách nói sao cho ba tôi vui lòng giúp thiếm Bảy đủ số thiếm cần. Thiếm hồi nhỏ ở đợ cho ông bà ngoại tôi, lo giặt giũ, cơm nước và bầu bạn với má tôi. Chắc hai người hồi đó mến tay mến chưn nên bây giờ bà già còn nghĩ chút tình, như ông ngoại tôi hồi nẵm nghĩ chút tình nhín cho hai vợ chồng họ cái thẻo đất góc vườn để cất nhà. Cái khó là ba tôi chê vợ chồng Bảy sự dốt nát rượu chè nên không bao giờ chịu nói chuyện quá một câu. Chuyện giúp đở tôi thấy có đường lỏ trớt, xa vời như nhiều đêm tôi nằm cong mình, ước ao đủ thứ, khi tỉnh dậy thấy mọi chuyện hoàn không…
2. Khách khứa rần rần mà tôi ngồi chình ình một đống không nhúc nhích cục cựa, dính khắn như bị đinh đóng xuống ghế, hai tay bấu lấy cái tay ghế đai như thể buông ra sẽ bị bay bổng khỏi cõi đời nầy. Không thể nào hình dung được có cái ngày hôm nay. Tôi là chàng rễ, chàng chớ không phải thằng, tôi mới nự thằng nào đó kêu tôi là thằng rễ, thô tục, bình dân quá mất cái trang nghiêm đi, con Bông đẹp đẻ khôn ngoan kia là cô dâu. Quá xa muôn trùng nỗi ước mơ tội nghiệp của tôi hai ba năm trời dằn dặc từ ngày biết lớn. Ngoài trí tưởng tượng phong phú chuyện trời ơi đất hởi nầy nọ xảy ra trong xóm của tất cả người chung quanh vốn thính tay nhạy miệng thiên hạ sự. Từ lâu rồi tôi chỉ đứng xớ-rớ trước cửa nhà thèm thuồng, với cảm tưởng rung động ở từng sợi gân trong thân thể, ngó theo lũ con gái nhún nha nhún nhẩy, để rồi sau đó nằm cong queo trong một góc giường nhắm mắt vẽ lại hình ảnh trong trí hết đứa nầy tới đứa khác. Thường thường tới đứa thứ hai thì tôi mệt lã, tim đập thình thịch như trống chầu, ngủ thiếp đi lúc nào không hay, nhiều khi thức giấc bàn tay trái vẫn còn ướt mẹp đương nằm giữa hai bắp vế, thoảng hôi một mùi là lạ. Con Bông, con Nhàn và biết bao nhiêu đứa trang lứa khác đã đi qua đời tôi bằng trí tưởng tượng bệnh hoạn đó. Tôi cũng biết mình tự dối về một điều không có, như một gã nhà nghèo hãnh diện vì mỗi đêm đều nằm chiêm bao thấy mình lên xe xuống ngựa, xiêm y lụa là, vợ con đẹp đẽ khôn ngoan. Con Bông, con Nhàn, hay con gì gì khác… chỉ thân thiết với tôi khi là sản phẩm của ước mơ, của tưởng tượng. Chỉ hiện diện đối với tôi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó thôi. Sau đó là thực tế với một khoảng cách vừa thấy được nhưng vừa vô hình giữa chúng nó với tôi. Cầm tinh là một ngôi sao xấu mọc dưới vòm trời trong, tôi như gà chạy mặt không dám đối đầu giáp mặt nói chuyện tay đôi tới câu thứ hai với bất kỳ một đứa con gái nào, huống hồ là cặp bồ mèo mỡ để được ôm ấp nó trum trủm trong lòng như thằng anh tôi hay bất kỳ một đứa con trai nào khác.
Vậy mà bây giờ và về sau nầy, mãi mãi cho tới ngày tôi già cúp thùng thiếc chết xuống lỗ, con Bông là người đàn bà thuộc về tôi, ăn ở trong nhà tôi, chung đụng với tôi hằng bữa, sửa soạn cơm nước và săn sóc tôi. Tôi toàn quyền nựng nịu, hôn hít, chọc ghẹo, rầy la. Tôi toàn quyền dẫn nó đi xóm giềng, tiệc tùng, giỗ chạp. Tôi toàn quyền cấm cản không cho nó đi chỗ nào mà tôi không muốn. Tôi được sự hãnh diện ngất trời là như vầy mà cũng có vợ, mà vợ lại quá lịch sự người ngộ đứa, được ớn. Biết bao nhiêu thằng hơn hẵn tôi tò vè, trái chín lại chẳng vô tay, tôi nằm dưới gốc, sung lại rụng ngay chóc vô miệng. Ai cũng cho tôi có phước ông bà để lại. Có người nịnh nọt nói trước mặt má tôi rằng tôi nhờ cái đức của mẹ. Không tốn một lời chọc ghẹo, không mất một câu trao chuốt, tôi ngon lành chiến thắng ẳm trọn một đóa mẫu đơn băng trinh, một nhành thược dược đang mơ màng thụy vũ… Tôi ngồi đây đã hèn lâu mà không ai nói gì tới. Cô dâu Bông ở trong phòng hợp cẩn lâu cãi rồi mà ngặc những người dẫn nó đáng lẽ đứng lại trước cửa phòng, mắc gì không biết bước đại vô, tới bây giờ vẫn chưa chịu trở ra. Đàn gái cầm đầu là bà má vợ tôi, trước khi thúc thít đội khăn ra về hồi chiều đã lễ phép xin ba má tôi được để vài người ở lại với con Bông cho ‘có bầu bạn’ phút chót cho nó khỏi sợ lạ nhà. Tôi thấy cặp mắt ba tôi lỏ lớn bằng cở cái khu tô, mặt có sắc giận, ngó má tôi. Má tôi lập bập trong miệng tiếng gì không rõ rồi gật đầu nhè nhẹ mà coi bộ bất mãn lắm.
Từ đó ba má tôi cũng trầm ngâm ít nói ít cười. Bà ngoại tôi thì hết dòm tôi lại liếc vô buồng hợp cẩn. Chắc bà lấy làm lạ tại sao đàn gái lại ám quẻ giờ chót. Tôi thì không có ý kiến gì, ngồi không buồn tình nghĩ mông lung thiên địa cho qua buổi. Đâu để coi, trong buồng bây giờ ngoài bà già dì của con Bông còn có hai cô dâu phụ, ba con nhỏ bạn của nó ở xóm tuốt ngoài rìa cù-lao. Mấy đứa này đứa nào đứa nấy đều bị tôi ‘tưởng tượng’ một vài lần khi ban ngày nhỏng nhảnh đi ngang qua nhà tôi, cười cười nói nói, cái quần lãnh đen láng o dòm không thôi đã thấy mát rượi lòng, cái áo nút bóp căng thịt, cặp mắt bén ngót như dao cạo…. Tụi nó đóng đô trong đó trái thủ tục như vậy thì chắc như cua gạch cũng có chuyện gì trục trặc. Chắc là con Bông yêu sách không chịu làm dâu mà đòi ra riêng liền hay gì gì đó. Con nhỏ nầy cầu cao lắm. Thằng anh tôi năm ngoái không biết lấy tin từ đâu nói con Bông tuyên bố chẳng thà ế chồng chớ không chịu làm dâu nhà nào hết. Ai thương cưới thì phải cho ra riêng ngay từ đầu. Dâu con khó lòng. Đụng chạm. Chắc là vụ nầy đây. Ai chớ con nhỏ nầy dám nửa chừng tung hê hết, cởi trả vòng vàng trở về nhà. Vái trời đừng có chuyện nầy, không thôi có mà lấy thúng đội hết cả lũ nhà tôi.
Lâu thiệt, chắc là họ thuyết phục nó dữ lắm. Ở đời đâu có cái gì đạt được mà không tốn công? Tôi dư sức ngồi chờ. Bao nhiêu năm nay tôi quanh quẩn kiểu gà què bên cối xay trong nhà, bữa nay ngồi thêm vài giờ nữa đâu có gì phải ngán? Dư sức chơi! Trên bàn thờ, bộ chưn đèn bóng nhoáng, sáp nhiểu từ hai cây đèn cầy bự xộn mà cái dĩa ngang không còn chứa nỗi, sáp chảy bò lần xuống nắp bàn… Buồn tình tôi ngó mông ra cánh cửa mở rộng, chỗ vách mới được cắt ra gắn cửa để cho nhà được thoáng hơn trong bữa tiệc cưới đầy khách khứa. Bên kia ông Hương giáo Hải đương ngồi chồm hổm chống nước lụt trước mái hiên, tay cầm chặt xị đế. Chuyện lạ lùng chưa từng có trong cái đời ‘giữ mình đàng hoàng của một người có vai vế thứ bực trong làng trong xã’. Bà Hương giáo đi ra đi vô từ trong nhà tới hàng ba, mặt quạu đeo, liếc xéo về chỗ tôi ngồi coi bộ bực bội lắm. Thình lình bà ta cất giọng, tiếng chửi ca hát véo von, bay tự do trong không trung, đánh bạt đi những tiếng nói tiếng cười của số thực khách còn vớt vát giờ chót vài ba câu chuyện, sẵn dịp thuốc hút thả dàn, bánh trái ê hề, ăn uống có người mời mọc.
‘Trời cao xanh thẳm (tối hù chớ xanh thẳm gì bà nội), chim hát véo von, nước chảy róc rách… đéo mẹ tổ nó giẻ rách nhà tao nó cũng hốt cũng thồn. Bà nội cha cả giòng cả họ nhà nó cái (l. X) con tao nó cũng cán cũng dọng. Nó dụ dỗ con tao lên rừng lên động, lên núi lên non, lên búa lên chợ, đem con tao đi bán đi đợ lấy tiền nuôi cả phồn cả lũ nhà nó…Trời xanh xuống đây mà ngó, cái phường sống bằng (c. l. XX)…

Tôi thích nghe bà ta chửi bao nhiêu năm nay. Nhưng thiệt tình lần nầy tôi ngán tới bản họng. Đã lùng-bùng lỗ tai thì chớ, lại thêm mắc cở đỏ mặt. Chửi khả dĩ còn tha thứ, chửi tục lớn tiếng trước bao nhiêu người thì không thể nào chấp nhận được. Làm tôi thất vọng, bà Hương đã phụ lòng tôi. Từ lâu có bao giờ tôi nghĩ được chuyện mấy tiếng đó cùng với bao nhiêu là tiếng thanh bay xếp hàng theo vần điệu nhịp nhàng nhảy múa ra khỏi miệng bà? Lạ là bà ta chửi ngay trước mặt chồng, trước mặt một ông Hương giáo điềm nhiên uống rượu như thị thiềng việc làm của vợ. Nhà ở cách nhau búng nhẹ cái tàn thuốc cũng tới, bên nầy địt bên kia cũng nghe – nói theo kiểu mấy bà trời ơi đất hởi tôi biết chắc mấy chục năm nay bà Hương kỵ chuyện đó như kỵ gội đầu ngày rằm, mùng một. Vậy thì nguyên nhân phải là một biến cố lớn lắm. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Thiên tiên thấp thoáng bên mành. Phải duyên thì gả để dành làm chi? Con bây tham sắc vô nghì. Dẫn đi dùi dập còn gì con tao. đéo mẹ tổ cả dòng cả lũ nhà bây, tao kiện tao thưa tới Bắc đẩu, Nam Tào…

Tôi hiểu rồi. Bà ta chửi cha mẹ tôi. Má tôi tên Sắc, ba tôi tên Nghĩa, bả xách mé kiểu nầy con nít còn ẳm ngửa cũng biết. Con kia cuốn gói đi mất biệt, thằng nọ ôm vàng vòng của mẹ lót tót theo sau. Chém cha họ cũng chung xuồng chung nóp, vui thú tình tang thiên thai mây nước động đào! Và ở đây cả nhà tôi bị nghe chửi bằng giọng xóc-óc tục-tỉu ghê-mình sởn-gáy trong ngày đám cưới. Động trời thiệt. Cái số tôi vậy không hà. Thiên hạ vui đâu không biết để cái khổ cho mình đeo vô cổ. Nhưng mà nhờ vậy tôi mới khám phá ra được một chơn lý mới. Ngày xưa tôi thích nghe những câu chửi văn hoa thơ phú đó. Tôi náo-nức rạo-rực ngóng mõ vảnh tai uống cho đã không chừa một tiếng nào kể cả những lên bổng xuống trầm của âm điệu từ khi bà mới cất giọng màu đầu. Bây giờ những câu nầy biến hoá thành hằng hà sa số đinh dài một tấc đóng vô lỗ tai tôi, xốn xang tới óc, xót xa tới tim ruột. Mới biết hồi đó mình ghiền chửi ước nghe, biết đâu rằng khi vần điệu ngọt ngào kia cất lên là cả một gia đình sầu não, ưu phiền, bực tức.Cái lạ lùng của cặp vợ chồng già nầy bữa nay ám ảnh tôi không dứt được để nghĩ tới chuyện khác. Chuyện tôi ngồi trân trân ở đây như Khương Thượng chờ thời nè. Sao bà Hương chửi tùm-lum tà -la dơ dáy trước mặt chồng không kiêng nể? Sao ông Hương ngồi chồm hổm chống nước lụt trước hàng ba uống rượu tu bằng xị kiểu như tay tổ hủ chìm Bảy Sự? Phải có lý do. Con người ta hết sợ bị khinh khi, lỏng buông tay khấu cho tiếng đời dị nghị sao cũng được khi ở trong tình trạng cực đại của sự tức tối và buồn thương con? Có thể lắm! Con Nhàn bị dụ khị, chắc đã mang bầu nên phải ra đi không đám cưới hỏi. Ông bà Hương danh tiếng mấy chục năm nay cả cù-lao nầy ai cũng biết, vậy mà không được ăn miếng trầu, không được làm sui làm gia với người . Thiếm Bảy Sự cốt ở đợ nghèo lút đầu lút cổ, lại thêm mang của nợ ông chồng bịnh hoạn rề rề, nhà đốt đèn kiếm đỏ con mắt cũng không ra một món đồ gì nên thân mà ngồi sui với ông cò-mi Q uận, mình đứng ngang hàng với con gái bà Hội-đồng… Cũng có thể bà Hương chửi vì thấy trước cái hậu vận bấp-binh của con gái mình. Mấy người lẻo-mép thế nào mà chẳng thọc mạch hay đánh dây thép lạt dừa lời tuyên bố của ba tôi từ thằng con hào hoa nhứt xóm của ổng? Hào hoa bằng của tiền cha mẹ, quen thói công tử luống xương, không có công ăn chuyện làm lại lăn thân xứ người thì chỉ có nướ c bán vợ đợ con thôi. Một nhúm vàng đó cầm hơi được bao lâu đối với tay từng chụm bạc chục trong trà đình tửu quán, đốt bạc trăm trong những đêm miệt mài đỏ đen? Số con Nhàn đúng là cầm tinh con rệp. Mạt từ đường. Bìm bịp kêu nước lớn em ơi! Em theo nó rồi dính khắn cái phận hẩm hiu.
Ông Hương thì bây giờ ngồi bẹp xuống đất rồi. Đương ngó qua phía nhà tôi. Bên đó đèn dầu tiêm dẹp rất sáng mà cặp mắt ông ta còn sáng hơn. Cái sáng đo đỏ không thần sắc coi như ma nhập. Ngồi ở đây xa chớ ở bên đó chắc ớn thấy mồ tổ. Tôi sợ mấy người uống rượu mà cặp mắt đỏ chạch như vậy; không ai biết được họ làm cái giống gì sắp tới! Gây gổ, cải lẩy hay xách dao rượt thiên hạ chạy vắt giò lên cần cổ cũng không biết chừng. May mà không chứng cớ, chớ nếu không ổng qua đây liều mạng bắt đền con thì còn rắc-rối hơn. Tôi biết tánh ông Hương, giữ tiếng nhưng cốt lựu-đạn nhiều khi cũng ló ra ngoài. Bà Hương bây giờ ngồi khuất trong cánh cửa nhưng tiếng chửi vẫn lưu hành trong không gian về tứ phương tám hướng. Có một vài ngọn đèn dầu được thắp lên chấp-chới ở mấy căn nhà lụp xụp đằng cuối xóm. Tiếng chửi tốc họ dậy hay họ muốn đốt lửa lên để nghe cho rõ? Tôi thì ngán như ăn cơm nếp nát, hết còn hứng thú gì để nghe nữa. Má tôi ngồi xầm-xì với bà ngoại ở một cái bàn tròn đánh vẹt-ni màu cánh kiến ngoài rạp che trước sân, coi bộ hơi áy-náy. Chắc chắn mọi người đã hiểu đối tượng của tiếng chửi và cha mẹ tôi đang nuốt xuống những giọt đắng ngậm ngùi con dại cái mang mặc dầu cha tôi là một thứ cắc kè lửa của Quận, hương quản hương chủ trong vùng đều ngán. Tự nhiên tôi nhớ trực trở về chuyện mình được cưới con Bông. Tôi khó lòng hỏi vợ, ai cũng thấy rõ bông điều đó. Con Bông nó lại đẹp đẻ, giỏi-giắn. Rồi nó sẽ đứng ra cai quản cái sự nghiệp nầy. Ba má tôi sẽ chia phần lớn gia tài cho tôi nếu ổng bả thấy con vợ tôi có thể quán xuyến được. Cha mẹ nào cũng thương con, luôn luôn tính trước công chuyện cho con. Nhưng má tôi đâu cần phải vói cao chi tới một đứa nổi tiếng để cực thân bà? Hỏi đại con Bính con gái cai lục lộ Ôn thì chuyện dễ gấp mười lần. Họ ừ cả hai tay. Dì Ba của nó cà-rà với tôi về vụ nầy hoài, nói xa-xa gần-gần là dẫn mối để kiếm cái đầu heo chớ thiệt ra là kiếm chỗ khá cho cháu mình. Tôi thì con nào lại không gật? Có vợ là được rồi miễn không có chuyện ít môi miếng, không có chưn đứng như tôi. Chuyện cưới con Bông cho tôi, đàng gái ừ lâu ớn rồi bà ngoại mới chịu rỉ răng. Sợ chuyện gì không biết mà giữ kín bưng! Tới chừng hay được chuyện, má tôi phải tam bộ nhứt bái qua bển lo chừng từng chút một công việc tổ chức đám hỏi, lễ chạm mặt… mọi thứ gì nhứt nhứt điều phải bỏ ra, tôi vừa thương vừa tội nghiệp bà già nên cằn nhằn quá mức. Làm chi cho rình rang đình đám cực thân! Má tôi hiền từ chống chế là bề nào cũng cưới hỏi, làm một cái cho đáng một cái, ‘nhứt cử tam tứ tiện.Má tôi đối với ai cũng vậy, ít nói, ít giải thích. Con gái ông Hội đồng mà! Bây giờ tuy luống tuổi một chút nhưng phong cách ngày xưa cũ vẫn phưởng phất trong thói ăn nếp ở chưa tan biến hết. Bà lại là người quán xuyến, văn bài võ trận, nên tính đâu ra đó. Tam tứ tiện để tôi vừa có vợ ngộ bà vừa có dâu đủ khả năng bảo toàn cái cơ ngơi đồ sộ do ông bà để lại. Phải chi biết trước vụ thằng anh tôi dây dưa rồi “tính kế” với con Nhàn thì bà cũng đã giải quyết luôn rồi, tụi nó khỏi cần dắc đíu nhau đi làm chi cho khổ thân, mà bà cũng khỏi buồn rầu ngồi nghe chửi. Con cái làm tội làm tình cha mẹ thiệt, bắt cha mẹ phải chịu đựng, phải giải quyết những khó khăn của mình…. Ngồi coi bộ lâu rồi đa! Bực mình quá tôi muốn đổ cộc làm trận làm thượng rồi tới đâu tới nhưng ngó tới bộ mặt vừa đằng đằng sát khí vừa chừ-bự của ông già tôi, ngồi lạc lõng trong một cái bàn chung quanh không có ai, đâm nguội ngang. Một lần nữa, không biết là lần thứ mấy chục, tôi rót một ly nước đưa lên môi hốp từ hốp nhỏ.

3. Hồi nảy, đâu chừng cả tiếng đồng hồ trước, lúc còn chạng-vạng tối, ai đó nói đã tới giờ hợp cẩn, bây giờ đỏ đèn cùng khắp, mấy cây đuốc dầu chai tụi tá điền của bà ngoại gắn chung quanh nhà đương bập bùng; ếch nhái đã rền rang ba hồi bảy chặp mà cũng chẳng thấy người lớn nào ra lịnh cho tôi đóng tuồng đóng trò gì hết trơn hết trọi. Trong đời mới có lần nầy là một, ai mà biết phải làm cái giống gì? Tôi men men lại chỗ buồng, đứng vịn cửa làm bộ ngơ ngáo ngó mấy chùm bông bụi lá kết chữ tân hôn, loan phòng khi mấy con nhỏ cản đãm ở trong đó từ từ ké-né bước ra khỏi phòng, mắt lắm la lắm lét ngó tôi, sửa soạn ra về. Có tiếng thút thít bên trong và tiếng xầm-xì to nhỏ đứt nối. Không ai ngạc nhiên mấy cái chuyện đó. Con gái về nhà chồng trăm đứa như một, nức nở đứt nối kiểu thiếu nữ vu quy nhựt. Nhưng mà kìa! Sao nghe rũng chí anh hùng quá. Ri rỉ nhỏ to than van như một cây nước đá cục bị nắng lên từ từ tan thành nước hay đương bị con dao cưa khứa-khứa khóc than cho phận mình. Cũng có thể nói đó là tiếng khóc của một con sứa bị dạt nằm phơi mình trên bờ cát nóng, tỉ tê cho số phận. Đó không là giọng buồn bở ngở cho tương lai, đó, hiện thân của tuyệt mạng, của cắt thịt lóc da, dồn trấu. Đó, tiếng than của Tô nương hoàng hậu trước khi gươm Lục Yểm được mở bầu thoát ra. Đó, tiếng than của oan hồn trở về trần thế nỉ non với thân nhân. Tôi nóng nảy ruột gan như ai đó để dưới bàng quang mình cái lò lửa thợ rèn. Lâu-lắc rị-mọ cái bà già trầu dì nó. Cà-rờ quá ai chịu cho thấu! Tới bây giờ mà cũng chưa chịu chun ra. Tôi muốn xô cửa vô đuổi bà ta đi. Phải vuốt tóc an ủi nó, rồi nó muốn gì tôi cũng chìu cũng gật. Tôi bất kể là từ trước tới nay hai đứa chưa bao giờ nói với nhau câu nào. Tôi không sợ nó cự lại làm cho sọc dưa ngày vui nhứt của đời tôi. Bất chấp. ‘Nín đi… Sao dại quá… Chình ình ra đó… đừng dễ ngươi quá…’. ‘Chẳng thà mang tiếng… Chồng con gì đâu chán chết… Với lại kỳ lắm… Nghĩ lại rồi… Không được… Ai đời…’ Mấy tiếng cuối câu tôi nghe nhưng có đều nhỏ quá nghe không rõ. ‘Nói bậy. Cơ nghiệp nầy rồi mầy sướng thân… Rửa mày rửa mặt… Bè chuối thả trôi sông… Làng xã hăm he… Củi thô dễ nấu… Lá rụng về cội… Ba má mầy chịu ơn người ta…. Im lặng một lúc thiệt lâu và tiếng thút thít tức tưởi cũng bớt nhiều. Không gian ngưng động, ngay cả tiếng máy hát lập lại lập đi bài Dạy Con Về Nhà Chồng do Cô Tư Sạn ca từ sớm tới giờ cũng ngừng. Lặng trang. Chỉ còn tiếng đập thình thịch gấp gáp của tim tôi. Thôi được, vì con… Nhưng ảnh phải hứa thương… Sau nầy vợ chồng ăn ở được không cũng tùy ảnh… Tiếng nặng tiếng nhẹ mích lòng …
Tôi bỏ ra ngoài ngồi lại chỗ cũ. Tay tôi ướt nhẹp mồ hôi, dòm lại chỗ tay cầm cái nạng cũng ướt mèm. Tôi lại rót ly nước đầy lần nữa. Uống hết ly nước mà tay tôi vẫn còn rung, bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng cái nạng chống lịch kịch trên nền gạch tàu mới lót lại để làm đám cưới. Ruột gan đau từng hồi. Trong thâm tâm nó vẫn chê tôi. Mặc dầu nó đã hư. Ông bà mình nói của rẻ là của thúi, đúng thiệt. Bên đó chịu gả nhờ nhà tôi khá giả đã đành mà còn vì cái vụ nầy đây… Hèn chi… Rằng em nay đã đàn bà, mâm trầu hủ rượu đều là của hôi. Không thì đời nào! Đứa con gái bị đậu mùa còn chê rậm rì thằng con trai cà khuynh, mặt em rổ có ngày lì, tay anh cán dá ông nội em trì cũng hổng ra, huống chi con Bông lịch sự quá đổi, nếu chưa bị chấm mút, chưa bị xé rách màn, làm sao ba má nó chịu bắt gã cho tôi? Vậy mà cả tháng nay tôi không thấu cái chơn lý sờ-sờ đó. Giọng khóc thê thảm nảy giờ của nó vì lưu-ly nửa nước nửa dầu, nửa thương cha mẹ nửa sầu căn duơn, tiến thoái lưỡng nan chớ không gì khác. Mà tại sao má tôi lại chủ trương cái vụ lùm xùm nầy chi cho thêm rắc rối? Kỳ thiệt. Ruồi bay qua còn biết đực cái, con Bông bị bóc vỏ, mang chuột tàu trong bụng má tôi phải biết chớ. Tôi vói lấy một cái nạng chống xuống đất đưa cằm dựa lên miếng cao su lót đầu nạng để thở. Chán quá rồi. Tôi nghe mùi mồ hôi nách của mình, khăm khẳm quen thuộc. Ngoài kia ánh lửa đuốc bập bùng ma trơi. Trước mặt tôi một bầy con nít, nhiều đứa ở tuốt ngoài cồn lâu lâu mới gặp, tò-mò tọc-mạch đứng ngó chết trân chú rễ kỳ khôi đứng còn không vững. Một đứa con gái độ mười hai, mười ba xốc nách thằng em đâu độ chừng sáu bảy tháng. Thằng nhỏ mặt mày xổ sữa dễ thương cách gì! Nó đưa tay quơ quơ như chào mừng tôi. Tôi mỉm cười nheo mắt méo miệng trửng giởn với nó. Nghĩ cho cùng thì huề. Hai đàng đều có tì vít, một đàng mắt lé một đàng sứt môi. Bù qua sớt lại. Thôi được, có còn hơn không. Cuộc mua bán không lời không lỗ, tôi chấp nhận. Cũ người mới ta. Ai cười tôi chịu, thiên hạ bỏ mình lượm về chùi rửa lại xài. Tôi nhớ tới biết bao nhiêu lần trong đêm tối tôi tưởng tượng cái vóc dáng liền lạc chắc cứng của con Bông. Phải hành động như một thanh niên hào phóng rộng lượng. Phải hiểu nếu từng hưởng được gì trong quá khứ thì đối với hiện tại sự từng hưởng đó đã trở thành ảo giác, cho rằng có cũng được, cho rằng không cũng xong. Ngược lại, hưởng bằng tưởng tượng trong quá khứ như tôi cũng có thể coi như có thiệt. Nhứt là cái thiệt đó đương hiện diện bên tôi và mãi mãi từ nay. Được chứ sao không? Huống chi mấy cái tiếng ảnh, vợ chồng … của con Bông ngọt lịm như vậy biểu gì mà tôi không ừ, đòi hỏi gì mà tôi không chấp nhận? Những tiếng đó có thần lực biến đổi tôi tức thời thành người khác. Từ vị trí một người xa lạ dửng dưng tôi đã ‘vợ chồng thành một’ với con Bông, tôi thành nỗi vui buồn của nó, nó thành một niềm thân thiết không thể tách rời của tôi. Tôi bây giờ đây đã thành chỗ nương dựa và tin cẫn của nó. Hỏi còn chờ gì nữa chớ? Tôi mạnh dạng đứng dậy nhảy ào tới cửa phòng, kêu ngọt tên con Bông như một cách thế nói chấp nhận lời nó yêu cầu. Tôi cũng tính nói thêm con em là con anh, mình sẽ cùng lo cho nó, nhưng lụp-chụp chưa kịp hả họng thì đã lảo-đảo té, may mà chụp kịp được cánh cửa, không thì đã chỏng gọng. Lúc đó tôi mới biết phận mình bất toàn. Mới ý thức được nguyên tắc dựa nhau mà sống. Nhưng cũng lúc đó những âm thanh tình ái mà tôi vừa mới ngân vang bên chính tai mình ‘cái ý thức tạo rỡ ràng cho người tình’ chảy mạnh trong tim tôi, cả hai ý thức đó bằng cách nào không biết, tức thời đỡ tôi đứng thẳng dậy, rạng rỡ, vui vẻ, tự nhiên như người bình thường. Và trời ơi! Con Bông vẫn còn thùng-thình trong cái áo cô dâu, cái bụng dưới một chút xíu gợn u như người mới ăn cơm no, mặt còn hoen ngấn nước mắt, hớt-hải, xót-xa vén màn bước ra, thiệt mau chớ không phải lựng khựng kiểu con gái mới về nhà chồng, dang hai tay sẵn sàng đỡ tôi đứng dậy. Rồi bàn tay tiên nga mát rượi của nó để lên lưng tôi, qua mấy lớp áo nặng nề hình thức của đám cưới tôi vẫn nghe hơi ấm chạy tràn trề reo vui trong tim, hỏi có sao không anh, bộ anh quên cây nạng hả?
Tôi ngó vợ mà cảm giác máu chảy rần rần trên mặt không làm sao trả lời được. Chúng tôi đứng kề nhau như vậy hèn lâu. Hàng đuốc chai ngoài ngỏ cháy bùng lên sáng tỏ hơn hồi nảy thập bội, vài cây còn nổ lách tách bắn tung tóe những đóm lửa nhỏ pháo bông chào mừng hai đứa tôi trong khi từng đoàn châu chấu dế nhũi đương trình diễn chào mừng bằng điệu nhạc luân vũ thiêu thân. Con Bông chúm-chím cười xẻn-lẻn. Tôi biết hai đứa tôi đã chí-tâm hòa đời mình với nhau kể từ giây phút đó. Thôi ‘cá trong giỏ là cá mình‘, tôi không còn thấy gì phải thắc mắc bầu của ai làm gì cho mất công mất linh, cứ chấp nhận thực trạng với cõi lòng rộng mở như vậy mới mong hưởng trọn niềm vui sau nầy. Tiếc tiếc cho cái thằng mắc toi nào đó đang tay đạp đổ hạnh phúc của mình khi quất ngựa chuối truy phong. Tôi, tôi sẽ vui với những gì nó đang tâm bỏ lại không phải vì cái hình hài của con Bông tôi từng ao ước mà chính vì cử chỉ chăm sóc lo lắng của nó vừa rồi. Từ đây tôi thật sự trút bỏ xuống đất niềm bất hạnh của đời mình bằng sự giúp sức của bàn tay âu yếm đó.
Tôi đẩy nhẹ con Bông trở vô buồng, nó quay lưng đi, kiểu quy phục, nương dựa. Đưa tay tiếp cặp nạng do má tôi trao tới, tôi bắt thóp được nụ cười của bà, một nụ cười của người đương lo âu phập phòng bỗng biết được mình thoát nạn, một nụ cười biểu đồng tình một chuyện gì đó không được tốt lắm, cái kiểu bà làm lơ hồi đó khi biết tôi làm ngang giựt con dế lửa của con một người tá điền hay khi khổng khi không tôi dở chứng thoi thằng nào đó một thoi thiếu điều sặt máu mũi rồi đứng cười. Một luồng ánh sáng chói chang như lằn sét đánh trước khi trời gầm bừng lên trong óc tôi, nối kết lại tất cả các dữ kiện từ lâu tưởng chừng không có gì liên lạc: thằng Quang với con Nhàn rũ nhau ra đi mặc dầu dàn cảnh trước-sau để che mắt thiên hạ, ông bà Hương giáo Hải quá thất vọng đến nỗi không cần giữ gìn phong cách của mình cố tạo bấy lâu nay, cha mẹ tôi ngấm ngầm xào-xáo rồi chịu nhịn nhục nghe chửi bới xỏ-xiên cuối cùng dẹp bỏ tự ái chấp nhận làm sui hạ mình với ngươ`i từng là kẻ ăn người làm, con Bông có bầu và câu nói của bà dì nó lá rụng về cội, ba tôi nhứt quyết từ thằng Quang, câu nói úp úp mở mở của bà già nhứt cử tam tứ tiện… Tôi biết hết. Tôi biết má tôi xẩu-mình biết bao nhiêu đêm để lo tính kế vẹn toàn cho cả trăm cả ngàn chuyện trái nghịch nhau như vậy. Mẹ! Lòng mẹ bao la như bầu trời; lai láng như nước trong nguồn, vô tận tuyệt, tới bây giờ con mới cảm nhận được một cách cụ thể. Tôi ngó mẹ bằng cặp mắt cảm ơn như hồi còn nhỏ khi té được bà ẳm lên ôm ấp trong lòng nựng nịu. Bà già tôi nở nụ cười thiệt hiền, thiệt bao dung, cặp mắt rực lên một trời thương mến.

4. Tôi khoát màn bước hẵn hoi vô phòng hợp cẩn. Cặp mắt hột nhản chờ đợi tôi nói một câu gì. Bàn tay tự tin của người chồng vổ vổ nhẹ lên bả vai con vợ mình. Căn duơn nầy ai bứt cho rời, ông tơ ổng buộc dẫu lên trời cũng theo. Tôi sung sướng ngụp lặn trong hai niềm vui đương vây chặt, quên lửng phần số đen đũi từng đeo đẳng triền miên, quên lửng cái nạng như cục đá tảng cột trên lưng người tù khổ dịch, từ trước nhẫn nay.

Nguyễn Văn Sâm

(San Marcos, Texas, March 1997)