Một.

Búa rìu gì như mắc dịch mới chặt một hai buổi đã mẻ lưỡi, gãy cán lọi chìa. Đồ mần ăn mà giống như đồ mả. Tám Lư cằn nhằn trong bụng. Anh loay quay sửa lại thế ngồi. Chưa tàn điếu thuốc đã mỏi lưng, tê cẳng. Sức khoẻ theo hoàn cảnh bắt đầu phản bội lại mình. Bực bội. Cây rìu vẫn kiên nhẫn mổ lụp cụp đều đều xuống nhánh me già, khéo léo tỉa gọt những chỗ lồi lõm trên cái cán búa giờ đây đã định hình. Thịt cây cứng dội thốn tay. Từng miếng, từng miếng vụn nhỏ quắn lại phơi phới trải chiếu bông chung quanh Tám Lư. Nắng mai chập chờn tạt vô mái hiên chiếu lên màu sắc thớ cây hằn rõ những nét đỏ xanh ngọc bích. Thỉnh thoảng một cơn gió sớm nhẹ nhàng lay động mấy cái giằm trên mặt khiến Tám Lư như bập bềnh trên sóng, say mê. Dòng me cổ thụ coi xù xì xấu xí vậy mà chắc ớn, có cưa máy xẻ thớt bán thì hết xẩy. Chặt thịt chặt thà bền thiên niên mãn kiếp. Mấy thớt thịt quay dầy cả hai gang tay ngoài chợ Tây Ninh lóng trước cũng là thớt me chứ có bằng gỗ trắc hay cẩm lai gì đâu. Họ bầm bầm chặt chặt năm này qua năm khác, cà qua, cạo lợi mà cuối cùng giỏi lắm chì hủn một lỗ bằng bụm tay thôi chớ hề hấn gì đâu. Nhiều khi họ chặt xương nghe lộp bộp ê răng mà có chút giăm nào lộn vô thịt đâu. Tám Lư nuốt nước miếng. Chuyện xưa rồi. Xa xăm như hồi còn bận quần xà lỏn chạy giỡn tạt nước tới tàn cơn mưa với thằng Hến, thằng Ngầu con chú Ba Xây bán quán, với con Bông, con Kèn, con thím Sáu tiệm giặt ủi. Bây giờ tứ tán mỗi đứa một phương. Cũng như vịt quay, heo quay, xá xíu lóng rày giống như khô lân chả phụng, nghe tên thì có, mà thấy mặt thì không ngơ. Tám Lư cho trí mình lơ mơ xà quần trong mớ ký ức hỗn độn rối mù thời gian đó trong khi tay vẫn nhịp nhàng đẽo gọt. Cái cán búa đã trơn tru, bong bóng, vừa vặn, chặt chịa. Cũng cong cong để có thế, cũng có cái khớp để cầm khỏi sút tay. Anh để lưỡi búa lên lòng bàn tay trái lật qua lật lại, xăm xoi quan sát rồi đứng dậy vươn vai quơ búa như đốn gốc cây. Gỗ tươi mát rượi lòng bàn tay tạo một cảm giác vui vui thoải mái. Hứng chí, anh múa búa trong không gian. Trình Giảo Kim ngày xưa nổi tiếng nhờ ba đường búa. Bây giờ mình có thua gì? Nếu lưỡi bén hơn, lớn bản hơn, chặt cũng ngọt lắm. Cây me nằm chình ình chính giữa miếng đất mấy chục năm nay để tạo bóng mát có ai thấy chướng ngại gì đâu? Lúc nhỏ, mình leo trèo trên đó, đu qua đu lại hay ăn đầy bụng me dốt, bị rầy bị la, nhưng là kỷ niệm nhẹ nhàng khó quên. Bây giờ phải đổ mồ hôi cả tháng nay để thanh toán người bạn thời trẻ. Mà phải dễ đâu, ngày nào cũng hốc hác vật lộn với nó mệt gần đứt hơi mới giải quyết được phần nhánh nhóc. Còn cái gốc cứng đầu này không bứng được cũng như không. Làm sao cày xới? Thứ dòng me, rễ ăn sâu, lấn rộng cả chục thước tây, dọn cho sạch cũng ù ơ ví dầu lắm chứ đâu dễ dàng gì. Đất vườn mà biểu vỡ ra làm đất ruộng thì ngặt quá. Biết bao giờ mới cày cấy được. Hổng lẽ họ ra lịnh mình ỳ ra đó? Phải hồ hỡi phấn khởi còng cái lưng mỏi đào đào xới xới, rã cánh tay chặt chặt đốn đốn. Tới đâu hay tới đó để khỏi bị chú ý mới có thể sống còn qua hồi dầu sôi lửa bỏng này. Có nói tụi nó chỉ ở đây năm ngàn ngày thôi. “Năm ngàn mất mẹ mất cha, lửa hòng cháy rụi nhà nhà tan hoang. Rồi đây trở lại Thiên Đàng, nhơn sanh hớn hở hân hoan thái bình … May mà có cây me cũng đỡ mớ củi, cũng có cột kèo tạm bợ chống chỏi thêm căn nhà, chớ cây ván lúc này đụng tới thì tiền muôn bạc vạn chịu sao cho thấu. Tám Lư đưa ngón tay cạ cạ vô lưỡi búa để xác định sức bén. Mấy chỗ còn tốt lưỡi búa bén ngót cạo lằn dấu tay rờn rợn thần kinh, cảm giác nhột nhột lạnh lạnh chạy dài từ xương sống lên tới ót. Anh rùng mình. Cũng khá ớn, thép tốt, có lẽ họ trui chưa tới lửa. Chút xíu nữa chịu khó quơ quào mấy nhánh me, chẻ nhỏ, đào một cái lỗ làm lò trui lại một lần nữa, mài một buổi thì có một cây búa ngon lành thấu trời. Nghĩ tới đó Tám Lư cười một mình, hể hả. Anh nghĩ tới cái gốc me được bứng đi. Anh nghĩ tới khoảng đất có thể trồng trọt cày bừa. Năm tháng hồi hương tiện tặn, ăn dè ăn xẻn mà số tiền đem về đây cũng đã hao hụt bộn bàng. Nếu không nhờ ông già thương tình nay tiếp tế một nồi bo bo, mai kêu qua cho mớ cá tát đìa, bây giờ hai vợ chồng chắc là thắc ngặt lắm. Đời thiệt. Hổng biết đâu nói. Mới làm ăn xởn xơ. Rồi giải phóng. Rồi buôn bán gì cũng bị cấm đoán. Rồi tự nguyện hồi hương bắt buộc. Phơi lưng trằn ngoài nắng, chặt chặt cuốc cuốc, đào đào xới xới. Họp hành. Đổi công. Ngược ngạo. Làm để ăn. Không thể nào cong lưng làm mà không có cái gì thồn vô bụng. Sấm truyền ông già giảng càng lâu càng thấy thấm. Người xưa hay thiệt, thấy trước chuyện năm, sáu trăm năm sau. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Tám Lư tặc lưỡi nhớ tới thời vàng son quá khứ. Gạo kéo cả bao. Nước mắm mua tĩn này qua tĩn khác. Thơm ngon, tinh khiết, giá bán rẻ mạt, người tiêu thụ còn chê lên chê xuống rậm rà rậm rì. Bây giờ … Anh ngó mong ra trước, mấy con chim se sẻ ủ rũ trên sợi dây điện giăng ngang trụ cây loang lỗ vết tích chiến cuộc. Một mảng mây trắng lững lờ trôi, chểnh mảng …

Thế giới chung quanh uể oải, chểnh mảng. Như lương thực xuất hiện trên thị trường. Năm khi mười hoạ. Nhỏ giọt, lúc có lúc không. Ai nấy sống bằng hy vọng. Hy vọng người đã đi thoát làm được gì cho người không may ở lại đang bị trói thúc chưn tay. Mấy tờ truyền đơn ký tên tướng này tướng nọ cũng tạo phấn khởi đó. Nhưng mà sao chưa thấy gì coi đặng. Im lìm như giả ngộ. Giống như ông già mình giảng sách. Ý thức không giết được tụi nó. Truyền đơn không làm chết thằng nào. Phải hành động. Tức là mình chưa được gặp, chứ tiếc gì thân? Co đầu rút cổ thì cũng áo cơm, lo âu, thiếu thốn.

Tám Lư vặn vẹo xương sống cho đỡ mỏi rồi múa búa bạo hơn trước kẻ thù vô hình. Đụng chuyện búa này cũng được, không đến nỗi tệ. Ít nhứt cũng vớt ót được vài thằng. Đỡ một con, nhòn một mũi. Hào hùng đổi mạng sao đối với mình có cái gì quyến rũ kéo lôi như lúc nhỏ bạn bè rủ đi tắm sông, soi ếch. Không thể từ chối được. Khác với ông già mình lẩm cẩm viện dẫn đủ thứ. Nào là đợi thời chờ thế. Nào là đừng vọng động đã nư. Đừng hốp tốp bộp chộp. Nào là phải biết cái mình muốn làm và cái mình có thể làm chớ không phải đưa đầu cho chúng giết lãng nhách, hư bột hư đường mà hổng được cái mẹ gì. Đồng ý. Nhưng ai chịu làm chốt đầu hy sinh? Nếu ai cũng như ông già mình, minh triết bảo thân, ngâm thơ Nguyễn Trãi chờ thời thì biết đến bao giờ? Hồ cáo càng lâu phép độc càng dữ, càng khó trừ. Bài phú Chí Linh Sơn:

Biết người biết ta

biết yếu biết mạnh

đợi thời chờ dịp

giấu bén giấu dài

ăn thường nếm mật

ngủ thường nằm gai

của Nguyễn Trãi ông già hãnh diện đọc đi đọc lại mỗi lần nhậu hiện trong trí Tám Lư như một thách đố đáng bực bội. Tụi nó mạnh mình yếu. Đã đành. Chờ thời đợi dịp, không quên thù. Đã đành. Đừng vọng động. Đã đành. Nhưng lâu quá. Mấy năm rồi. Chuyện Nguyễn Trãi tiên tri ông già nói nghe được đó. Còn chuyện chờ thời nghe lấn cấn làm sao. Tụi nó sợ chuyện mạng đổi mạng, sợ chuyện mất an ninh trong ấp, trong xã chứ sợ gì mấy ông già uống rượu lè nhè luận cổ suy kim …

Tám Lư bước ra miếng đất bửa lia lịa xuống gốc me để trút bứt sự giận hờn. Này một thằng, này hai thằng, này ba thằng. Mấy miếng cây vụn bắn tứ tung vô chưn Tám Lư trầy da, chảy máu nhưng anh không cảm giác gì. Lưỡi búa vẫn phầm phập mổ xuống. Cơn giận hận thù trút vào gốc me vô tri bất lực nằm chênh vênh. Gốc me gồng mình chịu đựng một đỗi rồi cũng bật rễ chỏng gọng giữa sân. Tám Lư chống búa nhìn công trình mình, tay quơ quơ phủi bụi dính đầy trên ngực. Giăm me, bụi cát quyện với mồ hôi rin rít đầu mấy ngón tay như những giọt máu thù tươm ra từ cổ giặc.

“Chính sự phiền hà”. Con đường tất nhiên phải tới của tụi bây là thế đó. Thắng lợi tưởng tượng hứng chí Tám Lư. Anh càng tức ông già mình. Chưa thử sức đã lo nói chuyện chờ thời. Chờ đến bao giờ ? Lời mấy người lối xóm thân thiện hân hoan bàn tán Ngụy về từ trên núi Bà khiến anh háo hức. Bộ đồ sờn bâu rách cổ, cây súng trừ gian diệt bạo như có ma lực hấp dẫn hồn anh. Một tiếng chim vạt sành líu lo vui tai đâu đó trên đống nhánh me lăn lóc ở góc sân. Tám Lư cúi xuống lượm một miếng củi lớn bằng cườm tay liệng mạnh, cười cười:

“Mày giỏi thì dẫn họ tới đây cho tao, ở đó mà líu la líu lo vô ích …”.

Con chim nhỏ hãi hùng cất cánh bay, chiêm chiếp trách móc.

Hai.

Họ Hồ đã dùng gian trí để giành lấy quyền trị nước, dùng gian trí để cướp lòng dân. Lệnh ban bố khiến nhân dân oán nỗi điêu linh, việc di dân làm mọi người kêu không nơi trú sở. Thêm thuế má phiền nhiễu, giao dịch nặng nè, pháp luật ngặt nghèo, hình phạt tàn độc. Tất cả chỉ là ích kỷ mập thân chẳng nghĩ khổ dân hại nước. (1)

Ông Năm ngừng nói, nốc thêm chén rượu bự, khà một hơi dài thiệt đã đíu rồi châm bẩm ngó thằng con:

“Mày hiểu không Út? Cần gì đọc nguyên văn. Chữ Nho nghĩa lý thiệt, nhưng là với người biết cà, còn dốt như mày thì cũng ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm chứ khỉ khô gì đâu? Đoạn này thâm sâu lắm đó Út. Tại sao Ức Trai Tiên Sinh không kêu thẳng tên cha con Hồ Quý Ly ? Bởi vì kêu như vậy thì làm sao nói chuyện tương lai sau này nữa. Vậy thôi. Có gì đâu ? Với cặp mắt tuệ nhãn Nguyễn Trãi đã thấy sẽ có họ Hồ khác làm những điều giống như vậy mấy trăm năm sau … Ông Năm trầm ngâm hơi lâu. Mái tóc bảy mươi vẫn còn đen, bập bềnh sóng lúa theo cơn gió. “Người xưa tu tâm dưỡng tánh, học rộng hiểu nhiều, tuệ trí khai thông, thấy suốt thiên niên tiền, thiên niên hậu. Người bây giờ dục vọng tràn đầy, tai phàm mắt thịt, chuyện sờ sờ trước mắt còn không hiểu có đâu nói chuyện xa vời. Mày thấy đó, tụi trên bắt vít vô ghế bốn năm chục năm, tham quyền cố vị tưởng khôn, biết đâu chúng chửi tổ tiên ông bà ông vải. Tụi dưới mới chưn ướt chưn ráo vô đây đã cơ ngơi đồ sộ, giàu xụ, giàu hú, mặt vênh mày váo, coi đời bằng nửa con mắt đâu dè chúng bêu rêu sau lưng”. Ổng Năm ngừng nói, đưa chén rượu lên môi, nhưng như nhớ trực điều gì ông để xuống trầm ngâm:

“Cái nhục (thịt) làm lụt cái trí, bơ sữa sâm nhung làm phì ra thì có mà khôn ra thì còn phải hỏi lại. Mày thấy không, mấy năm nay mà nước mình có khá hơn chút nào đâu? Tệ lậu hơn thì có”.

Tám Lư cười hin hít khoái trá, hình đồng chí bí thư trên báo mấy bữa trước nói chuyện với các xã viên hợp tác xã chiến thắng chiến bại gì đó đập vô trí anh. Giống ông Tây, ông Mỹ nào. ú nù, ú nu. Bàn tay khô đét như củi mục, với lớp vỏ mốc meo của ông Năm xoay xoay chén rượu làm anh vừa thấy thương thương vừa tui tủi. Ông già mấy lúc sau này sút cân bộn bàng chắc cũng kém sức, uống bạo quá, có bề gì thì kẹt cứng. Thuốc men thời buổi này hiếm còn hơn thuốc tiên. Ông uống như hũ chìm suốt buổi, đâu phải chỉ có nước nạp không thôi đâu. Tim gan phèo phổi già đã rệu rạo hết rồi mà nốc cả hủ thứ rượu đế mắc dịch pha gạo này vô thì chịu đời sao thấu. Mình tửu lượng cũng có hạng mà mới hết có hai ly đã nhức đầu chóng mặt rồi. Anh đưa tay ra làm một cử chỉ cản ông già. Ông Năm nhỏ nhẹ như hiểu ý thằng con:

“Ba chưa say đâu con. Một lít mà nhằm nhò gì. Như rồng uống nước vũng, không đủ dính mép. Như nắng hạn lâu ngày một cơn mưa nhỏ làm sao đủ ướt đất. Ông cười ha hả tự thưởng hình ảnh ví von của mình. Trước đây ba uống trà, nhấm nháp từng chén nhỏ nên nói năng nhỏ nhẹ, điềm đạm, từ tốn. Bây giờ uống rượu chén lớn phải nói năng bậm trợn cho rượu bay hơi. Con biết, bợm nhậu chúng ghét, không là đối tượng để bị theo dõi. Đối tượng là mấy người uống trà kìa. Tỉnh trí, tính được điều này điều nọ. Còn mấy người hủ chìm như ba họ cho là loại ba ngù, thần men nhập đi đứng còn hổng xong làm sao tỉnh trí? Nhưng mà tụi nó lầm to rồi. Ba, ba chở bao nhiêu rượu thuyền không khẵm, chửi mấy thằng gian miệng chẳng sờn” (2)…

Ông gỡ nhẹ tay thằng con ra, ực cái rột hết chén, đưa tay quẹt mép, bộ điệu rất anh chị, đổi giọng mày tao như đương bực mình bực mẩy:

“Mày thấy đó, rượu làm tao quên sầu. Nhất trản đồng tiêu vạn cổ sầu mà. Uống phải tu bằng chén bự mới đúng điệu nghệ. Có say cũng là say đời, say nghĩa lý. Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh. Chỉ có người uống rượu mới lưu danh thiên cổ thôi. Làm thơ hay. Nghĩ điều lạ. Huống chi tao uống để che mắt cú tụi nó. Còn đoạn này nữa, mày để tao nói thêm …”.

Tám Lư thấy thương cha mình vô bờ. Ông già uống rượu cho đã nư với thời thế. Giận đời. Che mắt. Quên sầu. Cuối cùng chỉ có ông là khổ. Vật vựa với sự hành hạ cùa thần men. Anh nhỏ nhẹ:

“Thôi ba, con hiểu rồi. Ba khỏi cần nói. Ba đi nghỉ cho khoẻ. Mai cha con mình còn phải xới củ mấy luống mì. Coi bộ được rồi. Để lâu quá sơ hết ăn cứng ca cứng còng, xãm xì xãm xịt như lứa trước mất công tốn gạo …”.

Ông Năm lườm thằng con:

“Chuyện đó không gấp. Sẵn hứng để tao nói luôn, mai mốt quên uổng. Mày, tao mới chịu tốn hơi, chứ người khác cạy họng tao cũng làm thinh. Sức mấy mà nói uổng tiếng. Còn thêm có bề gì nữa. Thời buổi này tin được ai, chồn cáo đầy đường, sâu bọ làm người lổn ngổn. Miếng ăn ra lịnh con người đem chôn nhân nghĩa. Sự sống bắt buộc chối bỏ lương tâm. Được người đồng điệu khó hơn gặp minh chúa. Khó hơn gặp người thương. Minh quân lương tể tao phùng dị, tài tử giai nhân tế ngộ nan. Mày thấy phải không con? Cha con mình nói nghĩa lý với nhau khỏi lo tai vách mạch rừng.

Rồi ông tằng hắng cất tiếng theo giọng đọc hịch:

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng

dân oán phản. Quân cường Minh đã thừa cơ gây

hoạ, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh (3)…”

Ông Năm ngừng ngang, chồm qua cái bàn hẹp té bề ngang, vỗ vai thằng con hể hả:

“Mày thấy đúng phóc không, chính sự phiền hà. Ở đâu cũng giấy với tờ. Xin với xỏ. Đợi với chờ. Bán nước cầu vinh. Thằng nào cũng bô bô. Cách mạng với cách miết. Phản động với không phản động. Còn chọc cho quân Tàu có cớ xâm lăng. Rốt cuộc chỉ có tụi manh lệ khố rách áo ôm chịu thảm – Ông ực thêm chén rượu lớn, nhìn thẳng vô cặp mắt thằng con. Thiếu sinh khí, tròng trắng hơi vàng, tròng đen hơi trắng. Bộ vó như chàng hiu, quờ quờ, quạng quạng. Giống như mấy thằng cha hút sách, bịnh hoạn rã bành tô từ hồi ông Cố Hi Cố Lai nào đâu. Thảm hại. Ông thở dài. Chẳng bao lâu nữa rồi nó sẽ giống tụi kia thôi, dáng trông thất thểu, chưn đi gập ghềnh. Tội nghiệp, nó sinh bất phùng thời. Nhưng ông không kềm được ý muốn tuôn hết những điều đương có trong bụng ra”.

“Mà mày có biết manh lệ là cái cóc khô gì đâu? Là chữ mà ông Nguyễn Trãi chỉ những người cùng khổ, cơ cực vô ngần, lao dịch suốt đời chẳng thấy ngày mai, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, thuốc men không có khi tối lửa tắt đèn, gia đình tứ tán mười phương. Đại khái như tao với mày đây nè. Ông gằn giọng. Gia đình mình hồi đó mấy người? Bây giờ còn lại bao nhièu? Ông Nguyễn Trãi là thánh. Như Phù Đổng Thiên Vương, như ĐứcThánh Trần Hưng Đạo. Tao phục người xưa. Người nay thì phải hỏi lại à. Rồi ông xuống giọng nho nhỏ: Vĩ đại với lại dại đĩ. Chỉ là huyền thoại xí gạt con nít. Không khí bỗng nhiên lặng trang, ông già u ẩn nhìn thằng con. Cũng không đến nỗi u trệ gì. Chỉ tại mình không có thì giờ dạy nó thứ chữ nghĩa mà lỗi thời này. Mắt nó chăm chú thiệt đó, nhưng ai biết được nó thấm bao nhiêu? Chữ Hán, chữ Nho tầm chương, trích cú, điển cố, đối liên, vần điệu, già đời còng lưng còn thấy khó, làm sao nó hiểu thấu đáo được. Nhưng mà con nhà tông hổng giống lông thì giống cánh. Nhét cho nó được chút nào hay chút ấy. Cần nắm được cái lý. Hiểu được cái thế. Thấu được cái chất. Phân biệt được cái thể cái dụng là tốt rồi. Mình đâu đến nỗi như ông bà ngày xưa tôn sùng chữ Nho lượm giấy bỏ lên chảo đốt, sợ rơi rớt đạp lên mang tội. Nay một chút, mai một chút. Lâu ngày chầy tháng nó sẽ thấm. Biết đâu phải đâu quấy, biết lúc nào làm lúc nào nhịn là được rồi.

Ông Năm bỗng cười khan như nắc nẻ:

“Nè mày Út, tụi nó bậy bạ hết chỗ chê mày biết rồi tao không cần nói nữa. Nhưng tụi nó đâu có ngờ ông Nguyễn Trãi đã thấy hết, đã biết hết từ khuya. Ổng đã mô tả tụi nó rõ ràng kẽ tóc chưn tơ trong bài Bình Ngô Đại Cáo không trật một chữ, không sót một điều”.

Tám Lư há hốc ngạc nhiên. Bình Ngô Đại Cáo minh học hồi nhỏ. Lâu rồi, học lớp tám, nói chuyện tụi Tàu mà, đâu phải nói chuyện lão Hồ. Ông già minh xỉn quá rồi, đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, để ổng nói láng cháng tai vách mạch rừng hư bột hư đường hết. Chưa làm được khỉ khô gì bị thộp cổ lãng nhách uổng mạng mà còn tức hộc gạch nữa. Tám Lư một lần nữa ái ngại đưa tay cản chén rượu của cha mình:

“Chiều rồi, ba cũng mệt, con thanh toán chén này cho. Anh đưa tận tay ông già trái cóc còn sót lại trên bàn nhậu, món mồi đưa cay độc nhất trên bàn rượu như ngầm trao đổi. Ánh mắt Tám Lư toả nét van lơn, thương xót. Phải. Còn ai nữa đâu? Chỉ có hai cha con. Bà già, mấy anh mấy chị, người đã vô lòng đất, người đang bị con quái vật màu máu nuốt trọng mấy năm nay …”.

Ông Năm né tránh tay thằng con, mĩm cười độ lượng. Khỏi nói mình cũng biết nó nghĩ gì, muốn gì rồi nhưng mà khó lắm. Ông làm như không thấy gì hết ngâm nga có dây có nhợ trong cổ họng như kép hát bội:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế

gây binh kết oán trải hai mưoi năm

hại nhân nghĩa nát cả đất trời

nặng thuế khoá sạch không đầm núi

người bị ép xuống giếng sâu mò ngọc,

ngán thay cá mập thuồng luồng

kẻ bị đem lên núi đãi cát tìm vàng,

khốn nỗi rừng sâu nước độc …

Vét sản vật đặt dò chim trả, chốn chốn lưới giăng nhiễu nhân dân bẫy hươu đen, nơi nơi cạm dựng, tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ

nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn nghèo

thằng nhá miệng, đứa nhe răng máu mỡ

bấy no nê chửa chán

nay xây nhà, mai đấp đập, chân tay nào

phục dịch cho vừa

nặng nề những nỗi phu phen

tan tác cả nghề canh cửi (4) …

Ông Năm nín bặt hèn lâu. Nước mắt ngập tròng ứa ra bên sóng mũi nhăn nheo, lăn tròn trên hai đường rảnh, nét chém của thời gian hai bên miệng. Mắt ông đỏ ngầu, lè nhè như đệ tử Lưu Linh chánh hiệu.

Mày hiểu chứ Út, mày hiểu ý tao chứ Út? Ông trầm ngâm hồi lâu. Nói dứt đại một câu: Vui sướng gì mà nhậu với nhẹt, mà thơ với phú. Chẳng qua là tao muốn mày mở mắt ra. Mở mắt thiệt lớn ra. Mày hiểu tao chứ Út, con hiểu ba chứ con?

Tám Lư chợt ngậm ngùi ngang. Biết thì biết đó, nhưng từ biết tới làm con đường còn quá xa. Như ông già mình từ đọc thơ ngâm phú tới biến căm thù thành hành động đâu phải chuyện ngày một ngày hai …

Ngoài đường lác đác người đi làm về. Tay xách cái rìu, cái cào, áo rách vai quần vá túm đi bên nhau lặng thinh, cúi đầu, mệt mỏi …

Ba.

Mấy cái áo vàng bậm trợn ào tràn vô nhà ông Năm như con trốt xoáy. Vợ Tám Lư bị hai cây súng kề bên hông ngập ngừng bước qua ngưỡng cửa. Hai tay nạn nhân bị trói chặt cố gắng khuỳnh ra gượng lấy thăng bằng khi một báng súng xô hất chị chúi nhủi về phía trước. Cái bụng xâm xấp nổi cộm lên mí áo trước thảm hại như một sự thua cuộc không cách gỡ. Cây cột nhà đỡ chị khỏi té xấp. Dựa lưng vào đó chị ngước nhìn chung quanh ủ rũ với dáng dấp của một con mèo mắc mưa, lặng thinh chịu đựng.

Không khí đặc sệt mùi chết chóc của những tiếng tử thần hầm hừ.

Ông Năm ung dung từ nhà trong bước ra lên tiếng tỉnh tuồng như không:

“Mấy cậu làm gì vậy? Còn con vợ thằng Út sao vậy nè?”.

“Thằng Tám Lư liên lạc với tụi Ngụy trên núi. Mới đây tụi nó xuống xã hoạt động phá hoại, bắn chết anh phó bí thư. Nhân dân báo cáo là chúng chạy về phía này. Tui biết chúng trốn trong nhà ông Năm. Yêu cầu ông Năm nghiêm chỉnh hợp tác để chúng tôi dễ dàng làm việc”.

Tên trưởng toán đánh phủ đầu tuy giọng nói có chút gì lễ phép từ tốn. Hắn gờm người đối thoại, ông Năm vẫn khoan thai, bình tĩnh, điềm đạm. Cái lưng thẳng, con mắt sáng, chòm râu phất phơ, mái tóc đen nhánh. Tất cả tạo cho ông dáng dấp trên trước, đáng kính, đè bẹp đối thủ.

“Thằng Tám Lư hả? Tôi biết tánh con tôi mà. Nó nhát hít hà, sợ chết mắc dịch mà làm gì được. Ông nói như để giảng luân lý với một người nào đó. Muốn làm gì thì làm, điều trước hết phải không sợ chết. Phải coi cái chết nhẹ như lông hồng. Chết là một sự trở về. Ông ngó thẳng vô mặt tên trưởng toán. Nó còn ham sống, còn ham vợ, ham con làm sao dám làm Ngụy … Còn mấy tên Ngụy hả, mấy cậu đi kiếm chỗ khác đi. Làm gì có thằng nào hẻo lánh tới đây … Thằng Lư sớm mơi này có nói với tui nó xuống chợ. Chắc sắp về rồi đa. Chừng nó về tui biểu lên công an trình diện. Tui già rồi, mấy chuyện rắc rối tui hổng ưa, làm gì có vụ chứa chấp thứ mắc ôn đó trong nhà. Mấy cậu nghe ba chớp ba nhoáng đề án tử bậy bạ thiên hạ cười chết. Tui ở đây thuở nào giờ không một tai tiếng …”.

Vừa nói ông Năm vừa quan sát một vòng ước lượng quyết định của địch. Mấy tên công an nhí nghi ngờ trước sự điềm tĩnh của ông già, dợm cẳng bước ra. Ánh mắt cú vọ dò xét của tên đầu độc đảo một vòng rồi ngừng lại nơi cửa buồng. Thoáng thấy cái hất hàm của hắn, ông Năm vụt cười dòn, vỗ vai hắn thân mật:

“Điều nói chơi thử coi mấy cậu làm ăn ra làm sao, chớ tui còn cách mạng bằng mười mấy cậu. Tui lo hết rồi. Chuyện dễ ợt, khó khỉ gì đâu. Chỉ cần một chút giác ngộ cách mạng …”.

Đàn bò trố mắt ếch ngạc nhiên. Người đàn bà mặt xanh mét như tàu lá. Ông già vẫn đủng đa đủng dinh như thuở giờ:

“Gì thì gì chứ Ngụy, phản động là hổng có tui. Đừng hòng. Con tui cũng từ. Giao cho cách mạng giáo huấn nó. Cải tạo mút mùa cũng được. Vừa nói ông vừa ra dấu cho mọi người đi theo vào nhà trong. Tám Lư bị trói thúc ké đương nằm một đống chèo queo dưới chưn giường ọp ẹp trong một góc lờ mờ. Rũ rượi, cú xụ, lờ đờ. Anh nhắm mắt lại, quay chỗ khác khi thoáng thấy bóng người bước vô. Ông già ngó mong ra cửa như nói với mình”.

“Mấy đứa kia chạy bọc sau vườn cao su về phía núi. Trầy vi tróc vẩy mới bắt được thằng này …”.

Ông quay lại tên trưởng toán:

“Nó là con tui thiệt. Nhưng giờ thì hết rồi. Hết thiệt rồi”. Ngừng một lúc thiệt lâu, ông cười gượng gạo vớt vát một câu hai nghĩa:

“Tui là người trọng nghĩa lý mà, đâu nặng tình riêng, nước nhà trên hết”. Ông cúi xuống kéo lê lết Tám Lư ra ngoài. Bất kể quân thần. Mắt đứa con ngó người cha u ẩn. Đàn bò lục đục nối đuôi theo sau, chúng nhìn Tám Lư, liếc ông Năm rồi trao đổi những ánh mắt chồn cáo. Chuyện lạ lùng. Hùm dữ còn không ăn thịt con thay. Nước mình mới chỉ có một người làm được chuyện đấu tố cha già. Một người thôi. Đánh lên thì dễ, đánh xuống khó gấp trăm lần. Nước mắt chảy xuống, có chảy ngược lên bao giờ? Ông già lì thiệt, cách mạng hết chỗ nói. Người đàn bà miệng há hốc, nín thinh nhưng nước mắt nước mũi đầm đìa, miệng méo xẹo. Cái bụng u u gò mối giờ đây độn lên rõ ràng hơn trên thân thể nhỏ bé lại của chị. Những cái đấm cái đá thái cổ, những báng súng trâu bò đổ lộp độp lên người Tám Lư. Anh co rúm lại, bèo nhèo như tờ giấy vụn bị vò lại liệng hất trong một góc nhà. Bầy thú dữ kéo lết con mồi ra sân, hả hê ra dấu cho nhau rút lui. Trong một thoáng thật mau khoé mắt hờn căm chợt loé lên một ánh vui mãn nguyện. Ra tới ngạch cửa, một đứa quay lại nói với ông Năm lúc này đang chết đứng như trời trồng:

“Cám ơn ông Năm nghen. Ông mở trói cho con vợ nó. Còn nó thì tui không bảo đảm. Công trạng của ông sẽ được tuyên dương sau …”.

Ông già tóc đen vẫn đứng yên, vững như cây cổ thụ, không nghe thấy gì hết. Cặp mắt đăm đăm ngó ra cửa, mông lung, trao tráo. Khung cảnh trước mặt đã biến ra khỏi tri giác ông. Ánh nắng đỏ xám ma quái đã cuốn hút hồn ông về một cảnh địa nào đó xa xăm. Ông la đà ngã ngồi xụm xuống một cái ghế gần đó, thở dài. Một tiếng súng nổ chát chúa gần xịch ngoài ngõ. Đầu ông Năm gục xuống bàn. Nắng dịu dần. Mặt trời trốn sau hàng cây xa mút chân trời. Lúc ông ngửng lên, đôi mắt ngẩn ngơ vẫn thất thần. Một câu nói đâu đây mơ hồ: Không có tự do nào không mua bằng máu. Cách mạng không nhất thiết cho mình. Hai tay ông ôm đầu, mấy ngón tay que khô luồn qua tóc, hàng chục sợi tóc bạc trắng theo kẽ tay rớt tả tơi trên bàn, trên cái áo đen bạc thếch. Đứa con dâu vẫn đứng đó, dựa cột lặng thinh xót xa nhìn mái tóc bông gòn của cha chồng, thở dài ngó xuống bụng nghĩ đến thế hệ sau, thế hệ sau nữa.

Một chút ánh nắng chiều còn sót lại chui qua nóc lá rọi sáng chữ Sinh của đôi liễn khắc sơn son thếp vàng đươc lịnh tháo gỡ bỏ đi cả năm nay không nỡ liệng, được để chình ình dựa vách, ông Năm nhìn trân trân vô đó không cần đọc, nhưng câu đối ăn sâu vào tâm não ông mấy chục năm nay chồm dậy hiện ra đau nhói đến xót xa:

Sinh tử thị vãng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhất trịch; thinh danh ưng bất hủ, ức dương công luận phú thiên thu (5)…

Dưới nhà bếp, trong căn hầm tối hẹp té gần ông lò, chỗ đống củi me còn thơm mùi nhựa cây mới đốn, hai thanh niên, một thiếu nữ ép sát nhau cắn môi mình đến rướm máu.

Gió bỗng nhiên rít mạnh, lá trút xuống từng loạt, từng loạt phơi phới đầy sấn: Cột kèo tre rung rinh toát ra những tiếng nghiến răng kẽo kẹt căm hờn. Trời chụp tối thật mau, phủ che hai hình hài bất động …

(Texas tháng 10/81, nhớ lại một chuyện đau lòng chứng kiến ở Tây Ninh, 1978).

CHÚ THÍCH:

  1. Chiếu Lê Lợi, do Nguyễn Trãi viết về việc cấm đại thần, tổng quản cùng các chức viện ở viện, sảnh, cục, tham lam, lười biếng …
  2. Thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẵm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
  3. & (4). Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi, theo bản dịch của Ưu Thiên, Bùi Kỷ.

(5) Dịch ý: Sống chết như đi về, cái tâm hùng oanh liệt coi đó nhẹ như lông hồng. Thanh danh không bị hủy hoại để mặc cho công luận phẩm bình ngàn năm.