ĐÀM TRUNG PHÁP 

ĐIỂM SÁCH

      HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN 

     (TRẦN TRỌNG SAN & TRẦN TRỌNG TUYÊN)

                  1997 / NXB Bắc Đẩu / 45 Mỹ kim              

380 Sprucewood Court, Scarborough Ont. M1W 1R3, Canada

TTSan bìa

Đã khá lâu rồi, để đánh dấu ngày bước vào tuổi “tri thiên mệnh,” tôi nhất quyết tự học thêm chữ Hán. Trước tiên là ôn lại cách viết những chữ căn bản như “thiên [天] trời, địa [地] đất, vân [雲] mây” rồi học thêm những chữ mà các chuyên viên Hoa ngữ cho là tối cần thiết để đọc hiểu chữ Hán căn bản hiện đại. Sau một thời gian miệt mài như vậy, khả năng đọc chữ Hán của tôi (phát âm theo kiểu các cụ ngày xưa) đã tấn bộ rõ rệt. Thích thú biết bao khi đọc được bài thơ Đường giản dị của Lý Bạch mang tên “Tĩnh Dạ Tứ”!

Nhưng trong thời đại này, sao lại chỉ học chữ Tàu kiểu “tử ngữ” như vậy? Tôi quyết định học thêm cách phát âm quan thoại cho các chữ nho, để có thể chuyển câu “Ngã thị Việt Nam nhân [我 是 越 南 人]” sang thành “Wo shi Yuenan ren” chẳng hạn. Cũng là một thử thách, nhưng là một thử thách rất thực tế, và tôi lại đắm chìm trong cái thú vui mới ấy, thầm ước mơ sẽ có ngày dùng quan thoại viếng Trung Quốc.

Tôi mua đủ mọi thứ tự điển và dùng các cuốn sau đây nhiều nhất: Hán-Việt Tự Điển của Thiều Chửu (ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ rồi), Learner’s Chinese-English Dictionary xuất bản tại Tân Gia Ba (1984), A Practical English-Chinese Dictionary trước tác tại Bắc Kinh (1996), và ABC Chinese-English Dictionary của Viện Đại Học Hạ Uy Di (1996).

Tôi dùng cuốn Thiều Chửu để tra cách đọc (kiểu Hán Việt) và ý nghĩa những chữ Hán mình chưa thông, với cách sắp xếp theo các “bộ.” Cuốn này cổ quá đi rồi, thành ra các ngữ vựng tân thời không thể tìm thấy trong đó (chẳng hạn “đông tây” có nghĩa là “đồ vật”). Các cuốn xuất bản tại Tân Gia Ba và Hạ Uy Di đều sắp xếp các mục từ (entries) theo thứ tự a, b, c căn cứ vào lối phát âm quan thoại (qua phương thức “phanh âm” tức là “pinyin”). Cái trở ngại là muốn dùng hai cuốn tự điển này để tra một chữ thì mình phải biết chữ ấy phát âm kiểu quan thoại ra sao, và chữ ấy viết bằng “pinyin” như thế nào. Vì vậy tôi lại phải làm quen với lối ghi âm “pinyin” tương đối dễ học này. Cả hai cuốn đều ghi chữ Hán kiểu giản thể (với chữ phồn thể nằm trong ngoặc đơn) bên cạnh các mục từ ghi bằng “pinyin.” Còn cuốn Anh-Hoa Thực Dụng do Bắc Kinh soạn thảo thì rất hiện đại, trong đó các từ ngữ tương đương, các định nghĩa, các thí dụ cho các mục từ Anh ngữ đều dược ghi bằng Hán tự giản thể cùng với “pinyin” sát bên cạnh.

Nỗ lực học chữ Hán theo kiểu nói trên quả thực là một cuộc “khổ tu” cho tôi. Nhưng Trời cũng chiều người! Hè năm ngoái (1997), khi được biết Giáo sư Trần Trọng San và trưởng nam Trần Trọng Tuyên vừa cho trình làng cuốn HÁN-VIỆT TỰ ĐIỂN qua nhà xuất bản Bắc Đẩu bên Gia Nã Đại, tôi vội liên lạc ngay với ông và đặt mua một cuốn. Tôi tâm sự với Trần tiên sinh – chúng tôi khi xưa cùng dạy tại Đại Học Sư Phạm Saigon nhiều năm – về nỗi say mê chữ Hán khi cuộc đời bắt đầu nghiêng bóng và được ông trấn an trong thư hồi âm rằng “Trường hợp về già mới thích chữ Hán như anh không phải là ít thấy đâu. Tôi đã nhận được nhiều thư của độc giả cho biết như vậy.”

Như “đang buồn ngủ mà gặp chiếu manh,” tôi rất chuộng cuốn HÁN-VIỆT TỰ ĐIỂN dày 781 trang gồm hơn 10 ngàn chữ thông dụng mà Trần quân cùng soạn thảo với trưởng nam Trần Trọng Tuyên. Cuốn sách là một công trình biên soạn rất công phu, kỹ lưỡng, hiện đại, và dễ dùng. Tôi thực mừng rỡ khi thấy ngoài phiên âm Hán Việt cho các mục từ (ghi bằng Hán tự phồn thể rất sắc nét) còn ghi thêm cả chú âm Trung Quốc (tiếng phổ thông) kiểu “pinyin”!

Vì tự điển này tra theo bộ chữ, trong phần “Phàm Lệ” tác giả đã trình bầy rất ngắn gọn và minh bạch cách tra chữ của 4 loại chữ Hán: (1) chữ chính là bộ thủ (được dùng để gọi tên bộ), (2) chữ dễ nhận biết thuộc bộ nào, (3) chữ cần đoán biết thuộc bộ nào, và (4) chữ khó biết thuộc bộ nào. Đề phòng trường hợp lỡ có chữ giản thể lọt vào mắt người chỉ quen với phồn thể, tác giả đã cẩn thận gợi ý là nếu tra theo loại (4) mà không kết quả, ta hãy dùng “Bảng Chữ Giản Thể” (trang 672-689) và kiếm trang có số nét của chữ ấy.

Các mục từ trong cuốn sách bao trùm cả văn ngôn lẫn bạch thoại, thật tiện lợi cho người đang tự học tiếng Hán như tôi. Thí dụ, ngay trong mục từ đầu tiên của cuốn sách là chữ “nhất” (đầu trang 1), thấy có cả thành ngữ văn ngôn cổ điển “cập kỳ thành công nhất dã [及 其 成 功 一 也]” (nghĩa là “đến khi thành công thì giống nhau”) lẫn từ ngữ phổ thông thoại “thính nhất thính [聴 一 聴]” (nghĩa là “nghe đôi chút”).

Tuy tác giả trong lời mở đầu có nói tự điển này chỉ chú trọng vào việc giải nghĩa và phiên dịch các từ đơn và dẫn ra một số ngữ cú để minh họa, tôi rất hài lòng vì cuốn sách cũng lưu ý khá nhiều đến ngữ pháp Hán văn. Chẳng hạn trong mục từ “kỳ” (trang 35) có đến 8 định nghĩa và thí dụ về những chức năng (functions) khác nhau của nó, lúc là đại từ, lúc là chỉ thị từ, lúc là phó từ biểu thị mệnh lệnh, lúc là trợ từ dùng để nhấn mạnh trong câu nghi vấn, vân vân.

Phần “Tra Theo Vần A, B, C” (trang 690-764) thật hữu ích mỗi khi người dùng muốn biết một từ Hán Việt “viết” ra sao bằng Hán tự và kiếm từ ấy ở trang nào trong sách. Người không biết chữ Hán cũng có thể dùng sách này để thấu rõ nghĩa của các từ Hán Việt. Trong phần này thấy có vài lỗi in ấn nho nhỏ, chẳng hạn như mục từ “miễn 免” thực ra ở trang 32 nhưng lại ghi lầm là trang 31, và mục từ “mịch [糸]” (trang 726) ghi 4 chữ “mịch” khác nhau và bỏ sót một chữ “mịch [糸]” rất quan trọng (có nghĩa là “sợi tơ nhỏ” ở trang 389).

Sau hết, mục “Phiên Âm Hán Việt Tương Ứng Với Chú Âm Trung Quốc” (trang 765-777) rất thực tiễn. Trong sách báo tây phương ta thường thấy chú âm các từ Trung Quốc mà không in kèm dấu chỉ thanh điệu (thí dụ như “Qinling”), nên khó biết được phát âm Hán Việt tương đương. Trong những trường hợp ấy, chúng ta đành phải “đoán” và việc “đoán” này được hỗ trợ hữu hiệu qua những trang nêu trên của cuốn sách. Nhờ vậy tôi đã biết được “Qinling” chính là “Tần Lĩnh [秦 嶺]” (còn gọi là núi Chung-Nam) khi đọc một bài báo bằng Anh ngữ về địa dư nước Tàu.

Dùng cuốn HÁN-VIỆT TỰ ĐIỂN mới nhất này làm phương tiện chính đi song hành với cuốn A Practical English-Chinese Dictionary của Bắc Kinh, tôi thấy cuộc “khổ tu” của tôi dễ thở hơn nhiều. Và trong niềm vui ấy, tôi xin gửi đến tác giả lời chúc mừng và lòng cảm tạ chân thành.

[Tiến sĩ Đàm Trung Pháp, Giáo sư Ngữ học, Texas Woman’s University 1998]