ĐÀM TRUNG PHÁP 

ĐIỂM SÁCH:

CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ

(GS TRẦN NGỌC NINH)

Cơ Sở Xuất Bản Viện Việt Học

2007 / 255 trang / 20 Mỹ kim

PO Box 11900

Westminster, CA 92685

 

Tác giả Trần Ngọc Ninh cho biết tác phẩm CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ (Quyển I) đã ra đời hơn 40 năm tại quê nhà, và mới đây (2007) được cập nhật hóa và tái xuất bản tại Mỹ với sự trợ lực của anh chị em trong Viện Việt Học tại Nam California. Tôi được Viện Việt Học ưu ái gửi tặng một cuốn vào năm 2008.

 

https://4.bp.blogspot.com/-zH4YEtmAdYo/WLMcr_X9wDI/AAAAAAAAxc4/wNaM6GMCn2k0aUBSMiOfMHiv51IhXr7wQCLcB/s320/image001.jpg

 

Vừa mở cuốn sách ra, tôi ngạc nhiên thấy 4 trang đầu tiên, trước cả các phần cảm tạ và lời mở đầu, là bảng liệt kê các danh (terms) và ký hiệu (symbols) dùng trong sách tương ứng với các danh và ký hiệu quốc tế. Nhưng sự sắp xếp có vẻ phá lệ này thực ra có lý và ích lợi cho những người như tôi vốn quen biết với những danh từ và ký hiệu trong giới ngữ học tây phương qua tiếng Anh và tiếng Pháp. Tác giả hẳn đã thấy rõ tầm quan trọng của danh từ chuyên môn nên đã cho danh sách của chúng vào ưu tiên một! Tôi đã đọc kỹ bảng liệt kê này trước tiên, trở lại với nó nhiều lần trong khi nghiền ngẫm cuốn sách, và mãn nguyện được làm quen với các danh từ Việt tương đương với các danh từ Anh và Pháp, chẳng hạn như thành phần diễn thuật chính là verb phrase (VP) trong tiếng Anh và syntagme verbal trong tiếng Pháp, hoặc từ Việt tân tạo của tác giả như AN (cận từ của N) chính là hiện thân của adjective trong tiếng Anh và adjectif trong tiếng Pháp. Tác giả đã dùng những danh và ký hiệu này nhất quán trong suốt cuốn sách. Ông cũng dùng ít danh từ tân tạo, đúng như chủ trương của ông là “trong tập khảo luận này, tôi hết sức cố gắng không dùng những danh từ quá khó và nhất là những danh t tân tạo.” Chính Noam Chomsky cũng hành động như thế khi ông viết cuốn sách lịch sử mang tên Syntactic Structures năm 1957, trong đó những ký hiệu trong các công thức đều dễ nhận ra, như S = sentence, N = noun, V = verb, NP = noun phrase, VP = verb phrase, Aux = auxiliary, Prt = particle, vân vân.

Mỗi khi viết về ngôn ngữ học bằng tiếng Việt, tôi thường lúng túng với danh từ chuyên môn trong tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như cho đến nay tôi vẫn chưa biết gọi hai từ input và output trong khoa ngữ học giáo dục là gì cho “chuẩn” trong tiếng Việt. Vì vậy tôi càng quý công lao của tác giả CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ đã cung cấp những danh từ chuyên môn này qua bảng liệt kê nêu trên cũng như qua mục Lời Mở Đầu (trang vii-xxx), và nhất là qua mục Từ-Vựng Chọn Lọc Có Giải Nghĩa (trang 173-195) ở phần cuối sách. Những giải nghĩa súc tích này phản ánh kiến thức đương đại của khoa ngữ học và giúp người đọc hiểu thêm những ý niệm căn bản trình bầy trong sách. Lời giải thích của tác giả về Ngữ Pháp Hoàn Vũ (Universal Grammar / UG) sau đây (trang 186) chứng tỏ điều ấy: “Theo thuyết của Chomsky, UG là cái ngữ pháp nội tàng (có tính cách sinh học đặc loại) chung cho tất cả mọi người và mỗi người (tính cách cá nhân) mỗi có, gồm những nguyên-lí căn bản (fundamental principles) của ngôn ngữ nội tàng (I-language), với những bàng kế (parameters) đặc thù đã được cố định bởi kinh nghiệm của cộng đồng trong lịch sử. Nhà ngữ-lí-học phải tìm ra những nguyên-lí và bàng kế của UG, tức là trong cốt tủy, những bộ phận (modules) của cú pháp tạo tác ra (generate) vô cùng tận những cấu trúc trừu tượng nổi (S-structures) được biểu hiện bởi một hình thức logic (L-Form) và một hình thức ngữ âm (P-Form).”

CHƯƠNG I của cuốn sách bàn về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ con. Đề cập đến sự tiên thiên (innateness) của cơ cấu não bộ và sự thâu nhận ngôn ngữ ở trẻ con, tác giả khiêm tốn cho biết ông chỉ “trình bày những ý kiến và công trình khảo cứu của các học giả tây phương ở một trình độ phổ thông. Vì vậy những sách dẫn chứng cũng rất chọn lọc” (trang 3). Độc giả nào có con hoặc cháu sơ sinh chắc sẽ thích thú đọc những đoạn ông trình bầy về tiếng đầu tiên của chúng (thường chỉ là tiếng một, rất giản dị), từ loại trong ngôn ngữ đồng ấu (hình như danh từ là loại từ được dùng trước tiên bởi đứa nhỏ mới tập nói, sau đó là động từ, rồi đến những phụ danh từ), về số tiếng mà đứa trẻ sử dụng (tăng lên dần dần, vào khoảng 2 tuổi thì nó có chừng 50 đến 100 tiếng). Nếu người đọc e dè vì những sách dẫn chứng đã khá cũ – thí dụ như bản dịch sang Anh văn năm 1948 từ cuốn Kindersprache, Aphasie und allegemeine Lautgesetze (1942) của R. Jakobson, hoặc cuốn Infant Speech: A Study of the Beginnings of Language xuất bản năm 1936 của M. Lewis – thì tôi xin thưa là những lý giải, nhận xét của tác giả Trần Ngọc Ninh vẫn còn khả tín khi so với những công trình nghiên cứu mới đây của các nhà tâm lý ngữ học đương thời. Đó là các ngữ học gia S. Pinker, tác giả của The Language Instinct (1994); P. Lightbown, tác giả của How Languages Are Learned (2006); S. Brown & S. Attardo, tác giả của Understanding Language Structure, Interaction and Variation (2009); và F. Parker & K. Riley, tác giả của Linguistics for Non-Linguists (2010). Hai tác giả cuốn sách sau cùng đồng thanh khí với tác giả Trần Ngọc Ninh: họ cũng rất ái mộ Chomsky, như họ đã khẳng định trong lời tựa cuốn sách: “No one can study an academic field without developing a particular view of that field, and certainly we are no exceptions. For example, our own views of the field are biased toward the perspective of generative grammar, a view of language that was originally developed by the linguist Noam Chomsky and that views the capacity for language as innate and uniquely human” (trang ix).

Bàn về khả năng thụ đắc ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng của trẻ thơ, tác giả có một nhận định sắc bén mang một giá trị sư phạm thực tiễn không thể không nhắc đến, khi ông “đồng ý rằng có một khả năng ngôn ngữ mà con người mang sẵn trong những cơ cấu sinh-lí khi ra đời,” nhưng ông “cũng nghĩ rằng vấn đề phải được phân tích kĩ hơn, vì ảnh hưởng của cái chung quanh rất là to lớn” (trang 13). Theo tôi, nếu cái “khả năng ngôn ngữ mà con người mang sẵn trong những cơ cấu sinh-lí” ấy được Chomsky mệnh danh là language acquisition device (thường được gọi tắt là LAD) trong cuốn Aspects of the Theory of Syntax (1965, trang 32) thì cái “ảnh hưởng của cái chung quanh rất là to lớn” ấy đồng nghĩa với ý niệm language acquisition support system (được gọi tắt là LASS trong một trò chơi chữ ngoạn mục với LAD) của J. Bruner từng dạy tâm lý học tại Harvard và Oxford và là tác giả cuốn sách The Culture of Education (1996).  Đối với nhà giáo ngôn ngữ chúng tôi thì LAD là sự đóng góp trời cho, thuộc thiên nhiên (nature) và LASS là công lao dưỡng dục (nurture) của phụ huynh, của nhà trường, của xã hội vậy. Không thể coi nhẹ vai trò của LASS đi song song với LAD, vì LASS có thể thăng hoa hoặc làm trì trệ việc phát triển ngôn ngữ của trẻ thơ.

Vì ảnh hưởng sâu đậm của Chomsky trong tư duy của tác giả họ Trần đã rõ rệt ngay từ mục Đường Vào Ngữ-Pháp (trang 17) của Chương I cho đến hết cuốn sách, tôi thấy cần phải nói qua về khảo hướng của lý thuyết ngữ học Chomsky đã phát triển như thế nào trong vòng nửa thế kỷ qua, lấy tên những cuốn sách đã trở thành kinh điển của ông để mệnh danh các giai đoạn. Trong giai đoạn Syntactic Structures (1957), Chomsky chú tâm đến việc mô tả ngữ pháp (grammatical description). Sự đóng góp chính trong thời điểm này là Chomsky cho người ta thấy ngữ pháp trí tuệ (mentalistic grammar) có thể được mang một hình thức khoa học qua các công thức minh bạch và nghiêm khắc (explicit and rigorous – “nghiêm khắc” được hiểu là các câu được công thức tạo ra đều phải có ngữ pháp tính) được gọi chung là ngữ pháp tạo tác (generative grammar). Cơ cấu thành phần có tôn ti (hierarchical phrase structure) được mô tả qua các quy luật viết lại (rewrite rules, tượng trưng bởi mũi tên →) có thể nới rộng một yếu tố sang thành những yếu tố khác, như Chomsky đã cho thí dụ dưới đây, để sau cùng dẫn đến những câu lõi (kernel sentences) như “The man hit the ball” chẳng hạn:

Sentence → NP + VP

NP → T + N

VP → Verb + NP

T → the

N → man, ball, etc.

Verb → hit, took, etc.

Tuy nhiên, những quy luật viết lại nói trên cũng cần phải được tăng cường bằng những biến cải (transformations) để có thể biến các câu lõi trở thành các câu thụ động (The ball was hit by the man) hay các câu nghi vấn (Did the man hit the ball?), vân vân.  Trong giai đoạn Aspects of the Theory of Syntax (1965), Chomsky đã đề cập đến hai ý niệm kiệt xuất là cơ cấu chìm (deep structure) và cơ cấu nổi (surface structure) trong ngôn ngữ. Theo ông, tất cả các câu đều do các cơ cấu chìm đã biến hóa trở thành các cơ cấu nổi sau cùng. Hai ý niệm quan yếu nữa là tiềm năng (competence) và diễn năng (performance) trong ngôn ngữ cũng được Chomsky phân biệt. Và cũng chính trong giai đoạn này, cơ quan ngôn ngữ (the language organ) trong trí não mang danh LAD đã được Chomsky bàn tới. Trong giai đoạn Lectures on Government and Binding (1981), Chomsky cho rằng ngữ pháp gồm những nguyên lý (principles) trừu tượng bất biến giữa các ngôn ngữ và những bàng kế (parameters) cho thấy sự khác biệt giữa các ngôn ngữ. Trong khảo hướng mới này, D-structure cung cấp hình thức ngữ pháp thuần túy, và S-structure được nối với D-structure qua sự di động (movement), nay là phương thức biến cải duy nhất mà Chomsky chấp nhận. PF (phonetic form) cung cấp âm thanh và LF (logical form) cung cấp ý nghĩa ngữ pháp cho câu để chuyển S-structure thành một câu có cơ cấu nổi. Cú pháp (syntax) mang tên X-BAR Theory được căn cứ trên các nguyên lý tổng quát của ngôn ngữ nói chung. Một điều nữa rất đáng ghi nhận là trong giai đoạn khảo cứu này, Chomsky (và các đồng nghiệp tán thưởng lý thuyết của ông) đã lấy các thí dụ minh chứng cho lập luận của họ từ nhiều thứ tiếng trên thế giới, càng làm sáng tỏ hơn cho quan niệm ngữ pháp hoàn vũ. Sau hết, trong giai đoạn The Minimalist Program (1995), Chomsky đã thiết lập những đặc tính rộng rãi hơn cho ngôn ngữ, được mô tả bằng phương thức giản dị và tổng quát tối đa, và coi sự thụ đắc một ngôn ngữ là tiến trình thụ đắc ngữ vựng (lexical entries) cùng với nỗ lực chọn lựa bàng kế thích hợp (parameter setting) cho ngôn ngữ ấy. Lúc này, Chomsky đã bãi bỏ ý niệm D-structure và S-structure của giai đoạn trước, và chỉ chú tâm đến mối liên hệ phức tạp giữa hai cấu phần LF và PF trong câu mà thôi.

Tôi xin trở lại với mục Đường Vào Ngữ-Pháp trong Chương I của cuốn sách đang điểm. Mục này có các đoạn giải thích về câu tối thiểu, hai loại từ căn bản N và V, phân tích thành phần trực tiếp của câu, và liên hệ cơ năng và chức vụ. Tất cả được giải thích rõ ràng với các thí dụ phù hợp. Thí dụ, sau khi cho kết hợp công thức (1) N – V (mẹ bồng) và công thức (2) V – N (bồng con) thành công thức (3) N1 – V – N2 (mẹ bồng con), và rồi dùng phương thức giao hoán cho các yếu tố của (3) để từ đó có các câu dài hơn nhưng vẫn cùng cơ cấu – người cha nâng niu đứa con / bà lão hôn hít cháu – tác giả gọi công thức (3) là “câu tối thiểu bổ túc, và là một công thức căn bản trong ngữ pháp của Việt ngữ” (trang 21). Công thức cho câu tối thiểu bổ túc này có thể được ghi lại thành NP1 – VP – NP2, và là mô thức của những câu sau đây: ông hỏi ai / anh lại đây / chúng ta học ngữ-pháp.  Nói về liên hệ cơ năng và chức vụ trong công thức câu tối thiểu bổ túc, tác giả cho biết mối liên hệ giữa NP1 và VP (tượng trưng bằng mũi tên có hai đầu) là liên hệ từng lớp thứ nhất và mối liên hệ giữa VP và NP2 (tượng trưng bằng mũi tên chỉ về hướng trái) là liên hệ từng lớp thứ hai. Đây là một cách diễn tả độc đáo của tác giả mà tôi chưa hề thấy trong các tài liệu khác. Tác giả cũng gọi liên hệ thứ nhất là liên hệ “chủ tử – diễn tử” có tính cách hỗ tươngvà liên hệ thứ hai là liên hệ diễn tử – bổ tử có tính cách chọn lựa. [Chủ tử còn được gọi là chủ ngữ (subject), diễn tử là vị ngữ (predicate), và bổ tử là bổ ngữ (complement) hoặc tân ngữ (object) trong tài liệu của một số tác giả khác].  Dưới đây là các vai trò thông thường và đặc biệt của bổ tử trong tiếng Việt, theo tác giả Trần Ngọc Ninh:

Bổ tử chỉ thụ nhân:

NP1              V              NP2

Hai người    yêu           nhau

Cha              bế              

Bổ tử chỉ tác nhân:

Nó                  bị             bả   

Hai người      yêu           nhau

Bổ tử chỉ cái phần đặc biệt chịu tác dụng của sử trình:

Nó                  mất           lòng                                                                                

Anh               khỏe           tay  

Bổ tử đặc biệt:

Ông ta           làm            luật sư

Nó                 như          cái con khỉ

Trong phần nói về các mô hình ước lệ của câu trong ngôn ngữ [sách giáo khoa gọi là word-order typology, một bàng kế quan trọng trong ngôn ngữ, sắp xếp thứ tự xuất hiện của các yếu tố S (subject), V (verb), và O (object) trong câu] tác giả coi mô hình NP1 – V – NP2 (mà giáo giới gọi là SVO, được thấy trong khoảng 40% tiếng nói loài người) “là mô hình ước lệ của câu Việt ngữ trong ngôn từ bình thường.” Ông cũng đưa ra những thí dụ khá thuyết phục để chứng minh rằng “mô hình này không phải là mô hình cú pháp độc nhất” trong tiếng Việt, vì ta còn thấy các mô hình sau đây:

NP1 – NP2 –V (SOV, mô hình của tiếng Nhật và cũng của khoảng 40% ngôn ngữ thế giới khác nữa), như trong câu: “Ông ta tiền nhiều.”

NP2 – NP1 – V (OSV, một mô hình tồn tại trong rất ít ngôn ngữ nhân loại), như trong câu: “Danh vọng nó có.”

Bàn về mô hình NP2 – NP1 – V, tác giả chí lý khi nhận định rằng “bổ từ NP2 ‘danh vọng’ được dùng làm đầu đề của câu” (trang 32). [Trong trường hợp này, tôi thường gọi tắt đầu đề NP2 là đề hoặc topic và phần còn lại NP1 – V là thuyết hoặc comment. Cấu trúc này thường được gọi là cấu trúc đề-thuyết hay topic-comment]. Mặc dù tác giả cho rằng “Việt ngữ không dùng cách nói này thường xuyên, và chỉ dùng khi muốn nhấn về cái được chỉ từ N bổ vụ” (trang 32), tôi thiết nghĩ đề – thuyết là một lối nói rất thông thường trong tiếng Việt.

Phần kết luận Chương I của tác giả phản ánh tính chất tiên thiên (innateness) của khả năng thụ đắc ngôn ngữ của trẻ thơ trong bất cứ xã hội nào: “Nhập tâm được mô hình căn bản của câu tối thiểu cũng chưa phải là làm chủ được ngôn ngữ. Đứa trẻ còn phải thu nhận nhiều mô hình câu khác và dựa vào những mô hình ấy, phải có thể cấu tạo được những câu mới mà mô hình chưa bao giờ được sử dụng bởi chính nó hay bất cứ ai gần nó” (trang 34-35).

CHƯƠNG II là một “sơ giải” về cú pháp Việt Nam qua các thí dụ kỳ thú lấy từ tiếng “trẻ con hát, trẻ con chơi” từ hàng ngàn năm nay, như các câu “Bụt ngồi, Bụt khóc”, “Con cóc nhảy ra, con ma thập thò”, “Củ khoai chấm mật”, vân vân. Dựa vào lý thuyết tâm lý ngữ học đương thời, tôi tin chắc rằng các bài hát ấy là hình thức tối hảo của comprehensible input (mẫu ngôn ngữ dễ lĩnh hội) là thứ nhiên liệu bắt buộc phải có để cho cái LAD trong não bộ hoạt động. Vì vậy, tôi rất tâm đắc nhận định có giá trị sư phạm cao của tác giả rằng “Chính những bài hát nhỏ của bọn trẻ con truyền cho nhau, giản dị trong lời, ngây thơ trong ý, là những cái “khuôn” để trẻ theo đó mà đúc thành những câu khác, ban đầu giống thế, và về sau càng ngày càng phức tạp, uẩn súc hơn, theo những quy luật của ngữ pháp tạo tác” (trang 44). Tôi cũng nghĩ quan sát ngôn từ con nít để tìm hiểu sự phát triển ngôn ngữ tự nhiên là một cao kiến, như Chomsky từng nói trong cuốn Language and Mind (1968) mà tác giả Trần Ngọc Ninh thuật lại là “Ngữ pháp của một ngôn ngữ phải được khám phá ra bởi đứa trẻ, từ những điều mà nó đã thụ đắc” (trang 17).

Sử dụng các câu hát trẻ thơ đầy tình tự dân tộc để biểu hiện các khuôn cú pháp căn bản như tác giả đã làm trong chương này là một khảo hướng tân kỳ, một luồng gió mới rất hấp dẫn. Các khuôn đó được tóm lược như sau:

Khuôn I: Bụt ngồi. Bụt khóc. Con cóc nhảy ra. Con gà ú ụ.

Tác giả cho biết khuôn này, với công thức NP – VP, là “câu tối thiểu mà cơ cấu dễ hiểu nhất” với lý do “việc được kể ra chỉ có một và liên hệ đến một người (hay một sự vật) mà thôi” (trang 44). Thành phần NP có thể là từ đơn (Bụt) hoặc từ N hai tiếng (con cóc). Từ hai tiếng “con cóc” có cơ cấu “n2 – n1”, trong đó n2 được gọi là loại danh và n1 là biệt danh. Thành phần VP cũng có thể là từ đơn (ngồi) hoặc cũng có cấu tạo hai tiếng (nhảy ra). Từ hai tiếng “nhảy ra” có cấu tạo “v2 – v1”, trong đó v2 được tác giả gọi là diễn thuật từ miêu tả và v1 là diễn thuật từ chiều hướng. Đến đây, qua thí dụ “con cóc nhảy ra”, tác giả cũng cho độc giả thưởng thức một chút hương vị Chomsky về cơ cấu chìm và cơ cấu nổi:

Nổi: 

S: Con cóc nhảy ra

Chìm:

Sa: Con  –  nhảy ra

Sb: Con  –  là con cóc

Câu Sb đã được cài vào trong nội bộ của câu Sa để trở thành: Con (con là con cóc) nhảy ra, theo mô thức n2 (n2 là (n2 – n1)) – VP. Biểu đồ cây (tree diagram) dưới đây càng làm sáng tỏ mối liên hệ này:

https://2.bp.blogspot.com/--wduREBDbbw/WLMc9VelSJI/AAAAAAAAxdA/V7-4M1QRJeIb408lpoZrUnIlfby6M9Y0ACLcB/s400/image002.png

Hiển nhiên, theo tôi, Khuôn I chỉ áp dụng khi VP của nó là một diễn thuật từ không đòi hỏi một bổ từ, tức là khi VP ấy là một động từ nội động (intransitive verb, thường gọi tắt là Vi). Hoặc nói cách khác, chúng ta có thể viết lại VP trong Khuôn I như sau:  VP → Vi.

Khuôn II: Củ khoai chấm mật. Tao ném hòn sành.

Công thức của khuôn này là NP – V – N, trong đó tác giả minh định “những từ V này có thể gọi là từ V chuyển tác (transitive verb), tức là chúng “đều nói về một sử trình được tác động vào một cái được nói ra sau từ V bởi một thành phần NP gọi là bổ-tử hay từ N bổ-vụ” (trang 53). [Từ V chuyển tác ở đây đồng nghĩa với động từ ngoại động (transitive verb) trong danh mục cổ truyền].

Khuôn III: Nhà mụ thổi xôi. Nhà tôi nấu chè. Khuôn này vẫn theo mô hình NP1 – VP – NP2, nhưng trong đó NP1 (nhà mụ, nhà tôi) là một nhóm phức tạp, khác với cấu tạo của “con cóc, củ khoai” vì “nhà mụ, nhà tôi” là hai từ N liên kết chứ không phải là một từ hai-tiếng. Tác giả đưa bằng chứng là giữa “nhà” và “mụ” ta có thể đặt thêm một hay nhiều tiếng khác (nhà của mụ, cái nhà êm ấm của mụ), trong khi đó “con cóc” là từ một khối, không cho phép nói “con của cóc” (trang 58). Tác giả cũng gọi “mụ” là bổ-tử (complement) của “nhà.”

Khuôn IV: Hai chân trước đi trước. Hai chân sau đi sau. Vẫn theo mô hình căn bản S → NP – VP, trong đó NP là “Hai chân trước/Hai chân sau” và VP là “đi trước/đi sau”, khuôn sau cùng này được tác giả giới thiệu minh bạch bằng cách cho mỗi từ trong câu tương ứng với vai trò của nó qua một ký hiệu viết tắt, như dưới đây:

Hai  chân  trước  đi  trước.

Hai  chân    sau   đi   sau.

q       N       AN    V    AV

Các ký hiệu viết tắt ở trên có nghĩa như sau:  q = quantifier, dạng q (lượng số dạng); N = noun, danh từ; AN = adjective, cận từ của N; V = verb, diễn thuật từ; AV = adverb, cận từ của V.

CHƯƠNG III được dành để thảo luận về cơ cấu dạng vị học trong tiếng Việt. Đây là chương dài nhất trong sách, chứa đựng nhiều nhận định sắc bén và độc đáo có thể làm độc giả ngạc nhiên thích thú vì tính cách mới lạ của chúng. Trong phần mở đầu, tác giả nói qua về ý niệm tiềm năng (competence) và diễn năng (performance) của Chomsky. Tác giả cắt nghĩa ý niệm competence của Chomsky thỏa đáng như sau: “Một câu, nói ra hoặc viết ra, được coi là có ngữ pháp tính (grammaticalité) khi tất cả mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ ấy cùng hiểu; lí do là vì mọi người đều nhận thấy câu ấy hợp với cái tiềm năng (competence) ngôn ngữ của mình. Tiêu chuẩn này do Chomsky đặt ra, tuy bề ngoài chỉ có tính cách thực hành và thực tiễn, nhưng đã được coi như dĩ nhiên trong các giảng đường” (trang 69). Tôi xin được nói thêm rằng “nhất là trong các giảng đường sư phạm nước Mỹ ngày nay khi giáo giới được huấn luyện về những phương thức giúp học trò thụ đắc một sinh ngữ thứ hai” vì competence chính là điều giáo giới phải giúp học trò đạt được. Mức competence của học trò đạt được thường được lượng giá qua diễn năng (performance) cụ thể của họ, tức là khả năng thực sự của học trò khi viết và nói thứ tiếng họ đang cố gắng chinh phục. Ý niệm thành phần cấp kỳ (immediate constituent), một nguyên lý trong ngữ pháp đại đồng, mà tác giả diễn đạt là “sự khả phân của câu ít nhất là hai khúc” cũng được soi sáng. Áp dụng sự phân tích này vào một câu hạch tâm, ta sẽ thấy hai khúc liên hệ với nhau là NP và VP. Khúc NP có đơn vị chủ chốt (head) là từ N và có thể giảm thiểu đến mức chỉ còn từ N này mà thôi. VP cũng có một đơn vị chủ chốt là từ V và cũng có thể giảm thiểu đến mức chỉ còn có từ một từ V này mà thôi, với điều kiện là từ V này có thể đứng một mình. Hai thí dụ được tác giả đưa ra:

Mây / bay. Kẻ trộm và người mua đồ ăn trộm / đều bị bắt.

Tuy tác giả không minh định, tôi hiểu chữ từ của ông tương đương với chữ word trong tiếng Anh, vì định nghĩa từ của ông dựa trên định nghĩa word của Bloomfield (1933): “Từ là hình-thức cú-pháp cách-biệt tối-thiểu trong ngôn-ngữ” (trang 80). Theo ông, “Một từ có thể là một dạng-vị như lúa, gạo, đi, nói …; một từ cũng có thể được làm thành bởi hai hay nhiều dạng-vị như cái cưa, cò cưa, lê la, lập lòe…” (trang 80). Theo ông, nếu ngữ pháp cổ truyền đã được xây dựng hoàn toàn trên căn bản ý niệm thì khuynh hướng hiện tại của ngữ lý học là ngữ pháp hình thức. Và ông sẽ dùng những tiêu chuẩn hình thức theo cú pháp để định loại các từ trong tiếng Việt. Những tiêu chuẩn hình thức đó, trước hết, gồm sự khảo sát các tính cách phân phối (distributive features) và sự định đoạt từ bằng phép giao hoán (substitution) của một loại từ. Khi sự khảo sát các tính cách phân phối của một loại từ đã đầy đủ thì tức là loại từ đó đã được định theo tiêu chuẩn khoa học. Và khi áp dụng tiêu chuẩn giao hoán, “những từ khả dĩ giao hoán được với nhau trong một đồng văn và có cùng một số nét cú pháp là những từ đồng loại và đồng trị” (trang 98). Như vậy, trong câu “Bông hoa đẹp quá”, cấu tạo của từ “bông hoa” là (N2 – N1), và tất cả những khúc ngữ lý có thể giao hoán được với “bông hoa” sẽ đều có thể coi là từ N được: cô bé, hòn đá, bức họa, pho tượng … Tuy nhiên, trong xây dựng “Cô bé hỏi mẹ” thì cô bé, bông hoa, hòn đá không hoàn toàn giao hoán với nhau được, vì “giữa cô bé, bông hoa, hòn đá chỉ có sự đồng loại mà không có sự đồng trị” (trang 99). [Trong phần từ vựng chọn lọc ở cuối sách, tác giả dịch đồng loại là homo-categorial và đồng trị là equivalent sang tiếng Anh (trang 181)]. Hình thức thứ ba để định loại các từ trong một ngôn ngữ là sự kết hợp thường xuyên của mỗi loại từ với một số tiếng (hay dạng-vị) đặc biệt. Chẳng hạn, “ngủ, ăn, uống …” đều có thể đứng sau “sẽ, đang, đã …” và đứng trước “rồi, lắm, mãi …” Như vậy tất cả những từ cư xử giống như “ngủ, ăn, uống …” có thể được xếp vào loại từ N. Đồng thời, các tiếng “sẽ, đang, đã” được gọi là hiệu-kí tiền-V và các tiếng “lắm, rồi, mãi” là hiệu-kí hậu-V. Tác giả cũng đề cập đến cách dùng các chứng tự (mots témoins) của ngữ học gia Lê Văn Lý (1948) và các tiếng chỉ điểm (indicators) của ngữ học gia P. Honey (1956) để định loại các từ trong tiếng Việt. Và vì thấy hai lối này có vài khuyết điểm, nhất là về các hư tự, tác giả minh định “trong sách này sự định loại các từ sẽ không dựa hoàn toàn vào phương pháp hiệu-kí.” Tác giả nói thêm, “Sự phân tích thành phần có mục tiêu là xác định sự phân phối của các từ theo cơ năng cú pháp mà mỗi từ có thể có trong cấu tạo của câu. Vì tính cách đặc biệt của Việt ngữ, sự phân tích này đã được nhận là phương pháp khảo sát sơ khởi chính yếu” (trang 107). Sau hết, sự định loại các từ còn có thể thực hiện được bằng cách phân tích cấu tạo dạng vị của từ. Đối với một ngôn ngữ uyển biến (inflectional) như tiếng Anh, tiếng Pháp thì đây là một công việc dĩ nhiên và dễ dàng, chẳng hạn từ “action” được phân tích thành /act-/ + /-ion/ và sẽ được coi là danh từ. Rồi tác giả đưa ra một câu hỏi quan trọng: “Nhưng đối với Việt ngữ thì có thể dùng cách này được không?” và ông tự trả lời một cách tích cực: “Đó là một điều mà sách này trả lời là đôi khi có” (trang 108). Bảng 6 (trang 108) liệt kê các loại từ chính đã được tác giả nhận diện trong Việt ngữ, tương ứng với các từ loại của ngữ pháp hoàn vũ. Theo đó, thành phần danh (NP) của một câu (S) gồm các yếu tố [Tiền-N q (quantifier) – N (danh từ) – Hậu-N] và thành phần diễn thuật (VP) gồm các yếu tố [Tiền-V đ, s, t – V (diễn thuật từ) – Hậu-V]. Tiền-N q có các dạng K (ước dạng), L (lượng dạng), M (số dạng), và LM (số lượng dạng). Hậu-N có dạng AN (cận danh từ, adjective). Tiền-V có các dạng đ (định chế, morpheme of status), s (sắc thái, aspect), t (thời gian, time) thực hiện bởi V aux (V phụ, auxiliary verb), V mod (V thức, modal verb). Hậu-V có dạng AV (cận diễn từ, adverb). Tiếc thay, các loại từ chính trong NP và VP nói trên được sắp xếp lớp lang như vậy mà tác giả không cho các thí dụ cụ thể đi kèm. Đây là một sơ sót đáng tiếc khiến người đọc khó theo dõi phần rất quan trọng này của chương sách. Có lẽ phần hấp dẫn nhất của Chương III là mục Dạng-Vị của Việt-Ngữ (trang 114-129) và mục Biến-Dạng của Dạng-Vị (trang 130-138) vì một số phát hiện và lý giải độc đáo và sâu sắc của tác giả có thể làm người đọc ngạc nhiên trong thích thú. Sự kiện tiếng Việt vẫn được coi là một ngôn ngữ cách thể  (isolating language), trong đó từ là dạng-vị và dạng-vị cũng là từ, đã khiến các ngữ học gia Việt Nam và tây phương kết luận rằng “tương quan vị trí là hình thức ngữ pháp độc nhất được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam” là một nhận định xác đáng của tác giả. Nhận định này khiến tôi nhớ lại những lời sau đây của ngữ học gia Nguyễn Đình Hòa trong cuốn Vietnamese/Tiếng Việt Không Son Phấn (1997, trang 17) của ông: “Comparative linguistics, focusing on the characteristics of the word, would label Vietnamese as an ‘isolating language’, that is, one in which all the words are invariable and grammatical relations are primarily shown by word order.” có nhiều tính cách thuyết phục. Chẳng hạn, theo ông, tiếng Việt có những dạng-vị buộc (bound morpheme). Khi nói về dạng vị trong ngôn ngữ cách thể thì hầu như không ai tin là có những hình thức ở dưới từng-lớp từ, điển hình là nhận xét của ngữ học gia A. Radford trong cuốn Linguistics: An Introduction (1999, trang 180): “These [isolating] languages have few, if any, bound morphemes. Thus, in Vietnamese, there is no morpheme corresponding to English –er in driver, this concept being conveyed by a compound with roughly the structure drive + person.” Nhưng tác giả Trần Ngọc Ninh đã nêu ra một chuỗi câu hỏi kiệt xuất, thuộc loại research questions trong môi trường hàn lâm, đó là “Trong ngữ-pháp của Việt-ngữ, có hay không có những hình-thức ở dưới từng-lớp từ? Nếu có thì những hình-thức nào có thể gọi là dạng-vị được? Những dạng-vị nào có tính-cách hiệu-kí ngữ-pháp? Đến mức-độ nào ta có thể nhận được Việt-ngữ là một ngôn-ngữ cách-thể?” (trang 114). Và trong niềm tin “đã đến lúc chúng ta phải khảo-sát Việt-ngữ ở ngoài mọi tiên-kiến và nếu cần, chấp nhận rằng có thể có những nét cơ-cấu đặc-thù bất-ngờ trong hệ-thống của Việt-ngữ” (trang 115), ông đã tự trả lời những câu hỏi đó một cách hùng hồn, mạch lạc, với các thí dụ chứng minh morphemes) như /đàn/ của các từ đàn ông, đàn bà, đàn anh, đàn chị, đàn con; ý nghĩa của dạng-vị /đàn/ là một nhóm cách-biệt trong tổ chức của một cộng đồng sơ thủy, nhưng ý nghĩa ấy nay đã mất. Dạng-vị đặc biệt trong trong từ vội-vàng là /-àng/  mà ta còn thấy trong dễ-d/àng, dịu-d/àng, rõ-r/àng, vẻ-v/ang, ngổn-ng/ang … Tác giả thấy dạng-vị buộc /-ang/ “có một nội dung kéo dài và nặng tính-chất cảm-xúc hơn từ đơn (vội, dễ …” và nó “thực sự có một hiệu-quả ngữ-pháp giống như các dạng-vị tiếp-vĩ  (suffix) trong hầu hết các ngôn-ngữ khác trên thế-giới” (trang 119). Ngoài ra còn có những dạng-vị buộc tiếp-trung-phần (infix) và tiếp-đầu-phần (prefix), với dạng-vị tiếp-trung điển hình nhất là /-âp/ trong những từ V/A như ấp-úng (phụ âm đầu không có), l/-ập-lòe, ch/-ập-chờn, b/-ập-bẹ, th/-ấp-thoáng … Tuy khó nhận diện, dạng-vị tiếp-đầu cũng hiện hữu, như các dạng-vị buộc /-k/ trong loại /cái/ có “cây, cỏ”; trong loại /con/ có “cá, cua, cáy.” Ngoài ra còn có dạng-vị buộc /đ-/ và /s-/ liên hệ đến thời gian trong các từ “đã, đang, sắp, sẽ”, cũng như dạng-vị buộc liên hệ đến dạng-vị định-chế như ch- trong các từ “chẳng, chả, chớ, chỉ, chưa” hoặc đ- trong “đâu, đếch, đừng.” Nhận định sắc bén này của tác giả về dạng-vị tiếp-đầu Việt ngữ khiến tôi nhớ lại ý niệm phonetic-semantic resemblance trong Anh ngữ được nêu lên trong cuốn sách Language (1933, trang 244) đã trở thành kinh điển của Leonard Bloomfieldmột núi Thái Sơn của trào lưu ngữ pháp cơ cấu Hoa Kỳ. Bloomfield đã nêu lên các dạng-vị buộc /n-/  trong các từ “not, neither, no, never”; /fl-/ trong các từ “flash, flicker, flame, flare”; và /sn-/ trong các từ “sniff, snort, snore.” Trong mục Biến-Dạng của Dạng-Vị, tác giả cũng chia xẻ với người đọc một số nhận xét độc đáo. Theo ông thì “ảnh hưởng của đồng-văn có thể làm thay đổi cái nội-dung của dạng-vị đi, trong một vài giới-hạn.” [Đồng-văn hay context, được tác giả định nghĩa là “cái chung-quanh lân-cận của một yếu-tố ngữ-lí (âm-vị, dạng-vị, từ, câu) trong một bản văn” (trang 181)]. Thí dụ: những tiếng bắt đầu bằng âm [v-] như vơ, vật, vất, văng, vấn “chỉ những động-tác mà người ta thường làm bằng tay” nhưng những tiếng bắt đầu bằng âm [kw-] như quơ, quật, quất, quăng, quấn “chỉ những động-tác mà người ta thường làm với một dụng-cụmột cái roi, một sợi dây, hay vật gì đó” (trang 130). Vài thí dụ độc đáo nữa về biến dạng của dạng-vị liên hệ đến các số 1, 5, và 10: Dạng-vị /một/ có hai biến thể là /một, mốt/; dạng-vị “/năm/” có các biến thể /lăm, nhăm, răm, rằm/; và dạng-vị /mười/ có các biến thể /mười, mươi/ và biến thể đặc biệt /-m/ như trong “bă-m lăm.”  Tưởng cũng nên biết sự sử dụng các biến thể dạng-vị tùy theo đồng văn này được gọi là morphologically-conditioned alternation trong sách giáo khoa đương đại.

CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ (Quyển I) là nỗ lực tiên phong nghiêm túc để tìm hiểu cơ cấu tiếng Việt qua khảo hướng ngữ pháp hoàn vũ của Noam Chomsky, một việc làm, như tác giả Trần Ngọc Ninh cho biết trong Lời Mở Đầu, “gần như không có một công-trình tương-tự nào để hướng dẫn” khiến cho “các quan-niệm mới phải dựng lên quá nhiều, đến nỗi rằng sự khảo-sát đã luôn-luôn ở bờ của sự phiêu-lưu tư-tưởng.” Bất chấp những thử thách ấy, ông đã thành công và tôi chia xẻ niềm sung sướng của ông khi ông nhận thấy rằng “trong căn-bản, ngôn-ngữ của chúng ta cũng không ra ngoài cái mẫu chung của các ngôn-ngữ được dùng trong loài người, mà cơ-cấu-pháp đã làm sáng tỏ.” Ông đã thành thực và khiêm cung khi minh định cuốn sách này “không phải là một sách giáo-khoa, theo nghĩa thông-thường của danh-từ này”, nhưng tôi lại thấy đây là một nguồn tài liệu hiếm quý cho những người muốn tìm hiểu cơ cấu tiếng Việt qua lăng kính ngữ pháp tạo tác và ngữ pháp biến cải.

THƯ TỊCH

Bloomfield, Leonard (1933). “Language.” New York: Holt, Rinehart, & Winston.

Bruner, Jerome (1996). “The Culture of Education.” Harvard University Press.

Chomsky, Noam (1957). “Syntactic Structures.” The Hague: Mouton.

Chomsky, Noam (1965). “Aspects of the Theory of Syntax.” The MIT Press.

Cook, Vivian & Newson, Mark (1996). “Chomsky’s Universal Grammar.” Oxford: Blackwell.

Lightbown, Patsy (2006).” How Languages Are Learned.” Oxford University Press.

Lê, Văn Lý (1948). “Le parler vietnamien.” Paris: Hương Anh.

Nguyễn, Đình Hòa (1997). “Vietnamese”. Philadelphia: John Benjamins Publishing Company.

Pinker, Steven (1994). “The Language Instinct.” New York: Harper Collins.

Tiến Sĩ ĐÀM TRUNG PHÁP

Giáo sư Thực thụ (Ngữ học)

TEXAS WOMAN’S UNIVERSITY