Đạo Phật trên đất Việt xưa

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Thời Hùng Vương, vì tranh dành đất đai, các quan lang (hoàng tử) dựng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự, nên từ đó dân Giao Chỉ sống tập họp thành sách, thôn, trang, phường rồi sau này là kẻ, chạ, chiềng, làng (tiếng Việt) hay xã (xuất phát từ chữ Hán thời đô hộ). Từ khi Mã Viện sang xâm chiếm, dân tập trung thành xã làm đơn vị hành chánh căn bản của xã hội và Tiết Độ sứ Khúc Hạo lập ra bộ, phủ, châu[1].

Trong thời đô hộ, dân Giao Chỉ tiếp nhận văn hóa Phật Giáo từ Ấn Độ rồi từ Trung Hoa qua bằng con đường hòa bình. Từ đầu công nguyên, nhiều nhà sư Ấn Độ đã đến tại trị sở chính trị kinh tế của Giao châu là Luy Lâu nằm bên bờ phía bắc sông Đuống. Luy Lâu đã sớm là trung tâm phật giáo quan trọng với sự hiện diện của nhà sư Khâu Đà La đến Luy Lâu khoảng 168- 189 và nhà sư ấn độ Ma ha ki vực (Mahajivaka), khương Tăng Hội. Tiếp theo, các tông phái từ Trung Hoa : Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông được truyền sang vào thế kỷ V-VI.

Trong thời Sĩ Nhiếp[2] 137-226, nhiều chùa được xây dựng nhất là ở Luy Lâu (Bắc Ninh) tại đây các nhà sư ở lại học chữ Hán trước khi sang Trung Hoa truyền giáo. Năm 247, tăng sĩ Khương tăng Hội đã đến Luy Lâu rồi sang Trung Quốc, thời đó Luy Lâu là trung tâm phật giáo có khoảng 20 chùa, 500 tăng sĩ, dịch kinh phật 15 cuốn.

Trong thời gian đô hộ, về hành chánh chính trị, quân xâm lược chỉ đặt quan cai trị ở các cấp trên như bộ, phủ, châu, nhờ vậy mà xã thôn thì vẫn tự trị sau lũy tre và chung quanh ngôi Chùa. Tuy là một văn hóa tín ngưỡng ngoại nhập nhưng trải dài trên bao thế kỷ nên đã được dân Việt hấp thụ đến mức phật giáo trở thành một bộ phận cấu trúc của nền văn hóa Giao Chỉ. Do đó mà nhiều nhà khảo cứu lấy hình ảnh sữa hòa với nước để mô tả Phật giáo hội nhập vào văn hóa Việt.

Chùa hội nhập vào dân gian như thế nào?

Từ khi đạo Phật vào đất Việt thì chùa dung hợp Phật, Thánh, Tiên và cả người, cả Trời Đất… không chỉ là nơi hướng thiện từ bi hỉ xả mà sân chùa còn là địa điểm sanh hoạt cộng đồng như hội chùa (như hội chùa Dâu, chùa Keo, chùa Hương), lễ hội vào các dịp lễ tiết. Dân sống quây quần chung quanh Chùa và Chùa được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, đời sống tâm linh, tiếp nhận văn hóa Trung Hoa (Phật, Lão giáo, tư tướng, tập tục…), và bảo tồn bản sắc văn hóa Lạc Việt ( Đạo Mẫu với lên đồng, y phục mặc váy, tục ăn trầu, nhuộm răng đen…). Dân Giao Chỉ đã sống hòa đồng với Phật Giáo là vì :

– Phật giáo xâm nhập có tính cách hòa bình.

– Từ tòa sen tĩnh lặng, Phật Thích Ca bước xuống sống gần gũi với người dân dưới tên gọi thân thương Ông Bụt[3]. Ông Bụt mang lại từ bi hỉ xả mà không gây sợ hãi. Đó là hình ảnh biểu tượng mức độ hội nhập sâu sắc của đạo phật vào văn hóa dân gian:

Gần chùa gọi bụt bằng anh,

Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi. 

Hoặc là :

Trông thấy Bụt lành, hạ xuống đất chơi.

– Chùa trở thành chùa của làng, dân làng còn đổi cả tên chùa theo cách gọi của người dân, thí dụ chùa Long Ân ở ngoại thành Hà Nội được gọi chùa Quảng Bá, chùa Pháp Vân ở Hà Bắc thì người dân gọi là chùa Dâu vì tọa lạc trong vùng đất Dâu:

Dù ai đi đâu về đâu,

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Trong bài thơ Nhớ cây đa chùa Viên Giác nhà thơ Trần Trung Đạo coi sân chùa như sân nhà mình :

Cây đa cũ chắc đã già hơn trước,

Biết có còn đổ lá xuống sân tôi?

Trong bối cảnh của một ngôi chùa, phật giáo đóng vai trò chủ thể trong sự cộng lưu và hòa đồng các luồng tín ngưỡng. Phật giáo lấy hòa đồng làm cứu cánh nên mối quan hệ cộng hưởng giữa phật giáo, Lão giao, tín ngưỡng bản địa đã diễn ra một cách hồn nhiên do khả năng thu hút, thâm nhập tự nhiên vào nhau chứ không bị một sự áp chế nào cả

Phật giáo hội nhập vào văn hóa bản địa

Vì văn hóa Giao Chỉ lạc hậu chỉ có những tín ngưỡng bản địa, không có hệ thống triết học, đạo đức cao cấp nên không xem phật giáo như một tôn giáo ngoại lai, cũng không có mặc cảm dân tộc như Đại Hán đã có sẵn tôn giáo riêng Lão giáo, Khổng giáo, tư tưởng Kinh Thi. Ngay từ thời gian đầu, sự hội nhập của phật giáo diễn tiến dưới nhiều hình thức.

Hòa hợp với tìn ngưỡng bản địa

Tại Bắc Ninh, tín ngưỡng dân gian là thờ Tứ Pháp (bốn vị nữ thần : Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa Tứ Pháp qua truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương là mẹ của Tứ Pháp, vì vậy mà các đền thờ bốn vị nữ thần thì gọi là chùa tại vùng Dâu ở Bắc Ninh[4]. Chùa Dâu[5] ở Bắc Ninh thờ Pháp Vân là trung tâm Phật Giáo cổ xưa nhất tại Việt Nam, hoàn thành năm 226, nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu.

Bảo tồn tín ngưỡng thời Hùng Vương

Người dân thường nói « Tiền Phật, hậu Thần » có nghĩa đằng sau điện thờ Phật là hậu cung nơi đây có bàn thờ Chư Vị của Đạo Mẫu như Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Thoải là các vị công chúa thời Hùng Vương (Đạo Mẫu đã được UNESCO công nhận là tín ngưỡng cổ truyền của người Việt từ thời tiền sử). Bên cạnh bàn thờ Phật, thường có một tòa riêng thờ Mẫu thí dụ như chùa làng Trà Lũ Bắc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định có một diện thờ xây bên cạnh để thờ các Thánh Mẫu của Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng. Lý do hiện diện Đạo Mẫu tại chùa là vì sự du nhập Lão giáo (phù phép, bùa chú) đã hội nhập vào nghi thức lên đồng của Đạo Mẫu[6].

Ngày nay còn thấy chứng tích thờ Đạo Mẫu tại quần thể chùa Bái Đính [7] (chùa cổ và chùa mới) tại Ninh Bình ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần :

Nghi thức thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không (thiền sư), lễ tế thần Cao Sơn (thời Hùng Vương) và Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Đạo Mẫu) rồi rước kiệu ba vị từ chùa cổ ra khu chùa mới. Phần hội có trò chơi dân gian, hát chèo, xẩm …

Chùa bảo tồn tập tục

Đến cửa chùa, các nữ phật tử vẫn mang y phục mặc váy và tập tục nhuộm răng đen, ăn trầu thời Hùng Vương . Theo các họa tiết hình người trên trống đồng Đông Sơn thời Hùng Vương, thì chúng ta thấy hình váy trong các họa tiết sau :

– Hình người mặc váy dài, có 2 vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa…

– Hình người quay mặt về phía nhà, xõa tóc mặc váy.

– Hình người, tai đeo còng lớn, tóc búi cao, phần dưới mặc váy, trước váy có thêm miếng lá phủ.

Các họa tiết chứng tỏ váy là bản sắc y phục cổ truyền từ thời Hùng Vương và đã được phụ nữ Việt bảo tồn chống sự đồng hóa với trang phục củaTrung Hoa trong suốt 1000 năm đô hộ.

Sáng tạo chữ Hán Việt

Tại sao người Việt không bị đồng hóa? Câu trả lời thường nêu lên là tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán bằng âm Hán-Việt nhằm giải nghĩa chữ Hán bằng tiếng Việt. Bốn yếu tố đóng góp vào sáng tạo tiếng Hán Việt là cách học chữ Hán, phương pháp dạy chữ Hán, người sáng tạo, cách sáng tạo.

a) Cách học chữ Hán

Khi văn hóa Tầu truyền vào nước ta thì giữa tiếng ta và tiếng Tầu có một bờ thành ngăn cách là vì văn (langue écrite) và ngôn (langue parlée) của Tầu là hai ngữ thể khác nhau. Ta không phải học theo ngôn của họ mà học văn của họ tức học « Cổ văn » tức văn chương trong kinh truyện và « Kim văn » tức văn chương đồi Hán, tống là cái kho tiếng Hán Việt của ta.

b) Phương pháp dạy học 

Trong thời gian dạy chữ Hán, các cụ đồ dùng tiếng nôm để nghe sách và giảng nghĩa sách bằng cách bình lên một câu chữ nho, giải nghĩa từng chữ ra tiếng nôm, rồi dùng tiếng nôm giảng giải ý nghĩa trong câu sách[8]. Vì phải tìm tiếng nôm [喃] để dịch nghĩa chữ Hán cho đúng nhưng đôi khi thiếu tiếng nôm phải dùng cách vay mượn tiếng Hán Việt xen kẽ vào. Từ đó việc xen kẽ này làm cho tiếng ta dần dần thành lời nói có văn chương.

c) Những người sáng tạo

Một điều chắc chắn là việc sáng tạo tiếng Hán Việt bắt đầu sảy ra trong thời kỳ đô hộ với hai sự kiện quan trọng sau:

– Nhiều sư sãi học và dạy chữ Hán, mượn chữ Hán để dịch kinh thí dụ như bộ Lục Độ Tập Kinh[9] của Khương Tăng Hội để truyền bá Phật giáo. Vì vậy mà sau này Phật giáo đào tạo ra những người phò tá chính quyền Đại Việt như Khuông Việt, Vạn Hạnh, thiền sư uyên bác Nguyễn Minh Không được phong Quốc Sư được thờ ở đền Thánh Nguyễn gần chùa Bái Đính.

– Hình thành một lớp người Hán học. Đến thời Sĩ Nhiếp (187-226) truyền giảng Thượng Thư và Kinh Xuân Thu đã đào tạo nên một tầng lớp Hán học làm thông dịch và có người làm quan với Bắc Triều, thí dụ như Lý Tiến làm thứ sử Giao Chỉ dưới đồi Hán Linh Đế (168-189).

d) Cách sáng tạo

Vào thời Hán Đường, khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta và nhất là các nhà sư thông thạo chữ Hán đã mượn chữ Hán làm chữ viết cho người Việt. Để thông dịch và truyền bá kinh Phật, tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng là mỗi chữ Hán được ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán. Ngày nay gọi là âm Hán Việt nhằm giải nghĩa chữ Hán bằng tiếng Việt cho tín đồ và học trò dễ hiểu. Âm hán việt là âm việt đọc chữ Hán mà văn tự là chữ Hán cả chữ lẫn nghĩa. Không nói tiếng Trung Quốc nhưng vẫn viết chữ Hán và dùng âm Hán-Việt để đọc chữ Hán. Thí dụ từ [陰 陽], Hán ngữ đọc Yin Yang, người Việt biết Hán ngữ đọc “âm dương”; chữ [] được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc Thủy khác với âm đọc Shuay của người Hán. Nhờ đó mà có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán[10].

Chữ Hán hay chữ nho[11] chỉ cùng một thứ chữ. Từ đời nhà Lý (1010-1225), nho giáo và nho học trở thành chính thống nên chữ nho thành quốc gia văn tự ( chữ ta) bởi lẽ Nho [] là từ dùng để gọi những người có học. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm và học nghe/nói tiếng Hán.

Nhờ nói tiếng Việt[12], viết chữ Hán đọc âm Hán Việt và sống quây quần chung quanh chùa mà dân Việt học chữ Hán theo âm Việt nhưng vẫn bảo tồn tiếng Việt cho nên :« Tiếng ta còn thì nước ta còn! ».

Tóm lại, sau 1000 năm bị đô hộ, chúng ta có nhận xét gì?

1. Mất nước chứ không mất làng. Giao Chỉ giống như một tòa nhà chỉ thay đổi mặt tiền — (hình ảnh thực quan cai trị của Trung Hoa), còn nền tảng cấu trúc bên trong là làng xóm vẫn là của người Việt, văn hóa Việt.

2. Sức mạnh « âm tính » của văn hóa nông thôn. Chùa làng đã trở thành trung tâm văn hóa nông thôn của Giao Chỉ. Bản chất của nền văn hóa này bó chặt con người vào đồng ruộng, nên có đặc điểm « âm tính » của văn hóa tĩnh tức khép kín, hướng nội để bảo tồn tiếng nói, phong tục tập quán[13] và cất giữ di tích huyền thoại, huyền tích của thời kỳ trước khi bị xâm lăng và đồng hóa. Điều này đủ nói người Việt không muốn trở thành người Trung Hoa dù sau cả ngàn năm đô hộ.

3. Thấm nhuần văn hóa Tầu mà không vong bản. Vẫn hội nhập và xưng tụng văn hóa Trung Hoa nhưng đồng thời không quên ý chí độc lập của dân Việt. Nhờ vậy mà về sau dân Việt mới tìm thấy một sức mạnh văn hóa, chính trị để đánh đuổi kẻ xâm lăng.

 

CƯỚC CHÚ

  1. Đến đời Tiền Lý, làng xã mới được tổ chức qui củ. Năm 1242, nhà Trần phân biệt đại tư xã và tiểu tư xã, bổ xã quan điều hành.

  2. Được gọi là Nam Giao học tổ

  3. Bụt tiếng Phạn là Bouddha nghĩa là Biết

  4. Năm  ngôi chùa cổ : chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vữ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện, chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Chùa tổ Man Nương quay về hướng nam, bốn chùa Mây, Mưa, Sấm, Điện quay về phía tây

  5. Còn có tên Diên Ứng, Pháp Vân, Cổ Châu

  6. Lê Thành Khôi, Histoire du Việt Nam, tr. 98

  7. Núi chùa Bái Đính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế Trời. Thời nhà Lý thiền sư uyên bác Nguyễn Minh Không được phong Quốc Sư được thờ ở đền Thánh Nguyễn.Đền thờ thần Cao Sơn theo thần phả của đền núi Hầu ngài là Lạc Tướng , con thứ 17 của Lạc Long Quân.Chùa Bái Đính tại Ninh Bình ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư mở lễ hội với điển tích lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế, Lễ tế thần Cao Sơn và Thánh Mẫu Thượng Ngàn…thể hiện sự hòa hiệp giữa đạo Phật, đạo Mẫu.

  8. Cũng như những tộc trong nhóm Bách Việt (Po Yue) phía nam sông Dương Tử học chữ Hán nhưng phát âm theo ngôn ngữ của tộc mình

  9. Lục Độ Tập Kinh là 91 bộ kinh truyền trực tiếp từ Ấn Độ qua đường biển đến Luy Lâu

  10. Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm).

  11. Gọi là nho vì chuyển tải nội dung của nho giáo và nho học,

  12.  Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa hiệu quả nhất. Mất tiếng nói mẹ đẻ là mất bản sắc dân tộc. Thí dụ đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegal… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất.

  13. Còn văn hóa du mục, công nghệ thành thị thì « dương tính » tức động, sáng tạo, phát triển.