SỐNG Ở DƯƠNG GIAN

 Hạ Long Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh

 

Sống ở dương gian là loay hoay giữa sống và chết, trên sân khấu vui buồn sầu hận căng thẳng, tuy biết chắc tấm màn mắt nhung này sẽ buông, nhưng không biết có màn tiếp hay không!

Loay hoay tất va chạm thời và thế, đôi khi va chạm cả nhân gian lẫn cái bóng của chính mình. Điều oái oăm là hiện tại chồng chất ngập đầu vô lượng dư ảnh quá khứ, nên tương lai vẻn vẹn còn lại con tính trừ, giằng co giữa xuất và xử, giữa có và không !

Chiêu Lỳ Phạm Thái (1777-1814) bị ném vào dương gian như chú kiến rơi vào hũ rượu mạnh, vùng vẫy, say sưa rồi dẫy dụa chìm xuống đáy, nằm lăn ra như bóng ảo thắt cổ bằng sợi dây tơ hồng đam mê : đam mê lịch sử và đam mê tình ái. Tàng thức giống nòi chất chứa đáy tim là hành trang của kẻ sĩ, lịch sử là bánh xe hành trình, Phạm Thái không ra thoát dù có trốn vào lòng be tiên tửu :

Sống ở dương gian đánh chén nhè

Chết về âm phủ cắp kè kè

Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?

– Be !

Người thanh niên xứ Kinh Bắc mới hai mươi tuổi đầu, lớn lên khi môi trường của chàng đổ vỡ : triều Lê mà cha ông họ Phạm cho là chính thống nát ra dưới bước chân Nguyễn Huệ Tây Sơn, sinh vào năm 1777 khi ngôi sao bừng sáng Nguyễn Huệ phá tan quân chúa Nguyễn ở Long Xuyên, ông chẳng nghe rõ vó ngựa kiêu hùng của Bắc Bình Vương đại thắng quân Thanh năm1789 cứu quốc bảo vệ Bắc Hà, ông chỉ thấy đời vua sau, Cảnh Thịnh, ấu chúa với bọn gian thần vô tài bất chính. Sống ở môi trường nào thì lý tưởng khuôn theo môi trường đó, lý tưởng rất dễ lẫn với bánh vẽ, chỉ khác là bánh vẽ là người khác vẽ ra để nhử mình, còn lý tưởng là chiếc bánh tự mình vẽ ra để nuôi cõi lòng trống rỗng. Cả hai cùng hậu quả như nhau: đổ mồ hôi, có khi cả đời, để ăn một món ăn treo trên mây, đôi khi quên cả những món ăn rất gần, giản dị, mà chẳng cần tạo ra ảo kịch cho đời mình. Nhưng khốn nỗi có mấy ai đạt được cái lý to nhỏ như nhau, vạn pháp bình đẳng của Hoa Nghiêm, kể cả Phổ Chiêu Thiền Sư Phạm Thái !

Sống ở dương gian thường phải đóng kịch bất đắc dĩ, nhưng vì bất đắc chí nên kẻ sĩ lồng lộn tạo thêm những màn kịch hão huyền, mơ tưởng mình đạo diễn chủ động đời mình. Lòng vòng như thế, càng quẫy mạnh càng vướng trong cái bẫy vô minh do chính mình nối dáo Trẻ Tạo tinh nghịch bày ra. Phạm Thái trước sau là một nghệ sĩ, chàng đi tìm nét đẹp của lịch sử, nét đẹp của hành động, nét đẹp của người đàn bà, nét đẹp của cần vương, ngay cả khi ngắm mình trong bầu rượu cũng thấy lung linh đẹp bi hùng như thể đang bơi lượn quanh hồ mắt giai nhân. Rút cục tất cả những nét chấm phá tưởng tô điểm cho chính đời sống, chẳng ngờ bút lông gây họa: mới đầu đẻ ra những nàng tiên tuyệt đẹp, rồi dần dà về sau ảo giác có thể biến chúng thành quỷ sứ chụp chính đời mình giam vào hang vọng tưởng không có lối ra !

Thế nhân đứng ở bờ này nhìn sang bờ kia, thả mồi tôm tép, bắt bóng cá kình, gắn mình vào bóng cá lớn mới thấy đời sống cao rộng hơn…Thế nhân là thế nên mỗi kẻ sĩ, chồng chất ảo tưởng này lên ảo tưởng kia, hết trang sách này đến điển cố nọ, đều bắc cầu treo đời mình lơ lửng từ bờ này sang bờ kia… bắc cầu đi dây là sống một nửa và chết một nửa, chẳng chịu ở hẳn bờ này, từ chối dương gian để đi tìm không gian mới.. hẳn là trong tâm thức con người có tàng ẩn bóng dáng thiên thần hay ma quỷ nào nó mới đưa đẩy hành xử siêu hình như vậy.

Phạm Thái lên ngựa như một tráng sĩ, hình bóng cổ nhân lồng vào chàng, ào ào phi vào lý tưởng cần vương phục Lê, dù triều Lê chỉ còn là ảo mộng, nhưng ảo thế nào thì vẫn cần thiết như món ăn tinh thần. Chàng lên mãi Lạng Sơn tìm đàn chim đồng chí, đẳng cấp sĩ phu vẫn nhen nhúm đâu đó : Trương Đăng Thụ trấn thủ Lạng Sơn cũng mang giấc mơ đội trời… Nguyễn Du, hơn Phạm Thái một giáp, năm 18 tuổi từng được lão tướng Hoàng Ngũ Phúc tặng một thanh bảo kiếm với giấc mơ phò Lê chống Tây Sơn dọc ngang nào biết trên đầu có ai, họ đều thuộc tầng lớp sĩ phu mang trong đầu lưỡi dao cắt thế sự làm hai : đúng-sai, vương đạo-bá đạo, chính-tà :

Có trung nghĩa ắt không lưỡng lập

Giận vì thằng đặt Tụng Tây Hồ,

bênh ngụy tặc bỏ quên đời thế đế

Chiến Tụng Tây Hồ (1800)

Khả năng trí thức là khả năng phân biệt, nhưng thế sự xôi đậu, như miếng thịt chỗ nạc chỗ mỡ không rõ rệt, cái đúng của người này lại là cái sai của người kia, cái sai của nhóm này lại là cái lý của nhóm khác… thế nhân bầy nhầy và thế sự ngầu đục trong thế gian điên đảo. Kẻ sĩ bơi trong dòng nước đục vẫn mơ tưởng một dòng nước trong chẳng bao giờ có trong lịch sử loài người, khả năng trí thức phân biệt chính giả, thiện tính vượt cao, chỉ là ánh lửa thiên thần le lói sót lại trong thân xác động vật, nó không bùng lên được ở mặt đất, mà chỉ có thể may ra rọi đường tới quốc độ khác, trong lành hơn, cao thượng hơn. Chữ nghĩa mô phạm tư tưởng chính là cái cũi giam người trên thế gian vô thường, một khi vướng vào phạm trù ý thức hệ bước chân kẻ sĩ lún xuống bùn như con voi của Trần Hưng Đạo chết đứng ở sông Hóa ! Tình huống đó Phạm Thái thở than ngay lúc bút chiến :

Than với đất, cả lũ chim đàn sẻ

Thở cùng trời, cả con cóc cái cua

Tâm sự thấm ngập cả lũ chim đàn sẻ, cả con cóc cái cua có lẽ là tiếng thở dài não nuột nhất của kẻ sĩ Việt , mâu thuẫn hành xử này còn kéo dài lê thê tới trăm năm sau, thế kỷ XIX với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, sôi nổi hai lập trường hợp tác hay không hợp tác với Pháp, tới thế kỷ XX với chuyện trên đe dưới búa Quốc-Cộng. Phạm Thái dường như đã tiên kiến 200 năm phân tâm phân cực Việt Nam ! nó não nùng hơn tiếng than của Nguyễn Du :

Lên trời xuống đất chẳng xong

Đâu đâu cũng vẫn một dòng Mịch La

Thượng thiên hạ địa giai bất khả

Đại địa xứ xứ giai Mịch La

(Phản Chiêu Hồn)

Phạm Thái và đẳng cấp sĩ phu trong đảng Lê Thần phò Lê, như Lê Quýnh theo Lê Chiêu Thống sang Tầu cầu viện, như Trần Quang Ngọc con Trần Quang Châu đảng trưởng Tiêu Sơn…một dòng những tài tử ái quốc lãng mạn, đi tìm cảm giác trong hành động thực thi lý tưởng, đi tìm một thang thuốc kích thích cho kiếp nhân sinh nhàm chán, cơ thể trẻ trung, nhựa sống ngùn ngụt, vậy thì chỉ có đấu trường lịch sử mới đủ rộng lớn để đốt cháy rừng rực bao giấc mơ lung linh bóng dáng thiên thần đang lồng vào đầu kẻ đọc sách Xuân Thu Chiến Quốc! Giấc mơ ấy lưu truyền trong dòng máu, từ Trần Quang Châu, Trần Danh Án ở Kinh Bắc, Dương Đình Tuấn ở Yên Thế, cả nhà Phạm Đình Đạt (cha Phạm Thái?), Phạm Đình Dữ ở Lạng Giang…họ từng nổi lên chống Tây Sơn và đều tử trận…Phạm Thái là con em lẽ nào không nuôi giấc mơ của phụ huynh, của đàn chim mang cùng lông cánh !

Nhưng không phải môi trường lúc nào cũng bén lửa và không phải đam mê nào cũng dễ thực hiện, thế nhân sống ở dương gian thường bất mãn phải chăng vì sinh nhầm quốc độ, từ tiên thánh bị giáng xuống làm người ? mà nếu mãn nguyện thì phải chăng là hạng bì phu được thăng cấp từ súc sinh sâu bọ lên thỏa thuê cơm gạo ở cõi vật chất vong thân này ? Sĩ phu ăn phải trái cấm tri thức, tưởng là sự phủ định hiện tại, hiện sinh bất mãn vì đem cõi người so sánh với cõi mộng, rút cuộc phải sống mà sống lồng lộn trong cuộc nhân sinh như con đại bàng được bay cao mà vẫn thấy lồng trời xanh chật hẹp gò bó !

Phạm Thái bay trên mây 10 năm, 15 tới 25 tuổi, 1792-1802, chống lại triều Tây Sơn của vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân là đứa con tầm thường của người cha anh hùng Nguyễn Huệ. Phạm Thái cùng đẳng cấp sĩ phu Bắc Hà đang sụt xuống hố giữa trận động đất trên đất tổ: gần 900 năm, lần đầu tiên miền trung ương sông Hồng Giao Chỉ bị mất quyền lực về phương Nam đất mới, vua và triều đình ở mãi miền sông Hương núi Ngự với đám quần thần chủ động khác xa với nhóm Bắc Hà. Phạm Thái, Nguyễn Du…chới với như bị hụt chân trên nấc thang sự nghiệp, như đang sống quen trong một lâu đài cha truyền con nối, bỗng dưng đổi đời, lâu đài tan vỡ, đẳng cấp mới có lâu đài mới, hoặc có khi như bọn cướp vào đoạt lâu đài của đẳng cấp cũ. Lịch sử là cướp đoạt lẫn nhau, có dùng mỹ từ nào thì thực chất hành động lịch sử đều phát ra từ bản năng tranh giành chém giết của loài người.

 

 


Chùa Tiêu

 

SƠ KÍNH TÂN TRANG

(Lược Gương Kiểu Mới)

Phạm Thái phơi bày tâm trạng mình trong Sơ Kính Tân Trang- Lược Gương Kiểu Mới- viết năm 1804 khi đất nước đã yên ổn sau trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, chàng nhìn lại cuộc tình của mình với người yêu đã khuất Trương Quỳnh Như qua nhân vật Phạm Kim và Quỳnh Thư, hai nguời thương yêu nhau, nhưng Quỳnh Thư phải tự vẫn vì bị ép duyên với viên Đô đốc Tây sơn “ phập phào thuốc giấy, ống nhổ bạc, tráp ngà voi” từ xứ Đàng trong ra Bắc :

vậy nên tính việc cầu hôn

mần răng tính đó cho tròn mới xong…

Đù ỏa sấu đá Đồng Nai ngầy ngà 

Đây không đáng rể ông già ?

Gớm gan Đô đốc có là chi mô..

Chính Nguyễn Du cũng cùng tâm sự bực bội trước lớp quyền thế mới, ông từng chê trách quan binh Tây sơn ra đóng Bắc Hà trong Bài Ca Người Gảy Đàn Ở Thăng Long :

Chư thần Tây Sơn ngả nghiêng truy hoan suốt đêm

Phía tả phía hữu tranh nhau ném thưởng

Tiền bạc coi rẻ như đất bùn

(Nguyễn Du viết năm 1813 để nhớ lại năm 1793 khi ra thăm anh là Nguyễn Đề đang làm quan với Tây Sơn).

Phạm Thái chỉ sống rất ngắn nhưng khá trọn vẹn kiếp nhân sinh bi thương giữa hí trường Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu XIX: ông đã có một người tình chết vì ông, ông đã đeo đuổi họp đàn với đẳng cấp để thực hiện một lý tưởng dù là ảo tưởng, ông đã là một nho sĩ, một chiến sĩ, đã mặc áo thầy tu để đi khuyến phả, ông đã đam mê, đã lựa chọn và đã sống gần như trọn vẹn ý hướng của mình, kể cả mươi năm cuối đời li bì trong sóng ruợu !

Phạm Thái lao mình vào kháng chiến từ năm rất trẻ, ông lên mãi Lạng Sơn nhóm họp với bạn học là Trương Đăng Thụ mưu đồ thực hiện một giấc mơ, chẳng may bạn chết đột ngột ông đành mang xác bạn về quê ở Ý Yên, Nam Định, nơi đây ông và cô em tài sắc của bạn là Trương Quỳnh Như mang lòng thương mến nhau. Mới đầu cũng chỉ là thư từ đi lại của đôi bướm trẻ trong vườn xuân đang nhộn nhịp cung bậc trái tim đôi tám hai mươi. Tình yêu là thế, chẳng cần phải gần gũi thân xác, chẳng cần một cái nắm tay, chỉ nhìn nhau trong khóe mắt cũng đã linh cảm tình vợ chồng lạc nhau mấy kiếp bỗng dưng được gặp lại nhau, khăng khít ngay phút giây đầu tiên và trái tim rộn ràng gõ chiếc đũa thần vạn kiếp làm ngày tháng vạn vật nở bừng bừng vào xuân. Nhưng rồi người mẹ Quỳnh Như lại muốn gả nàng cho một người phú hộ dù cha nàng vẫn có lòng mến mộ trang anh tuấn Phạm Thái. Nàng con gái họ Trương tuổi đôi mươi đành quyên sinh tuyệt mệnh, ôm mối tình đầu sang thế giới bên kia cho trọn lời nguyền ước. Phạm Thái dẫu có đổ lỗi cho duyên mệnh : “ ôi ! chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã” thì chàng vẫn nhận ra cái lỗi là cái lỗi mải mê lo chuyện trên mây của chính mình :

Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời cho nấn ná nhân duyên, nàng long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh”..

Đứng trước linh hài của người yêu cũng giống như đứng trước một chiếc bè chở mộng từ từ trôi đi, không phải là trôi biến mất mà tựa hồ buông tay nhau, kẻ rời trần thế không muốn rời, mà người ở lại thì muốn đuổi theo giấc mơ của chính hồn mình về cõi mơ hồ ảo ảnh. Phạm Thái buông ra những tiếng nấc xoáy vào cõi lòng mình mà thật ra là muốn níu kéo một hình hài Tạo Hóa vừa xóa đi, như con chim ủ rũ trên cành ngơ ngác thấy cầu vồng ngũ sắc mới có đấy mà giờ sao lại nhạt nhòa tan biến :

Nương tử ơi !

chướng căn ấy bởi vì đâu ? 

oan thác ấy bởi vì đâu ?

 

Thân hiếm hoi dường ấy, nỡ lòng nào lấy đôi mươi làm một kiếp không đoái cảnh phù sinh …ví dù kiếp tiên thù với tục , thì xưa kia vâng lệnh xuống trần chi ?

Cả bao năm sau, bên vò rượu, Phạm Thái vẫn còn ai oán dù thực chất là chàng đã thả mồi bắt bóng :

Túi tơ hồng trách ai xe mối

Đến nửa chừng bỗng nới dần ra

Căm vì một ả trăng già

Trêu ngươi chi mãi chẳng tha thế này.

Nếu chỉ trách duyên số tơ hồng ở tuổi đôi mươi thì chàng họ Phạm đã chẳng phải tiếp tục oán thán “trêu ngươi chi mãi chẳng tha”, chàng cũng như người tình Quỳnh Như cùng một căn chướng “ kiếp tiên thù với tục”, như rồng vàng tắm nước ao tù, vào đời mà không chấp nhận đời, khiến thế gian trở thành nơi đọa đầy, chính mình trở thành nạn nhân của kiếp sống:

Gian nan vì một chữ tài

Chẳng hay con Tạo quấy rầy ta chi ! 

Cái bẫy tâm lý đó dương ra bắt lấy bóng chim tuyệt mệnh khởi từ chính tâm huyết vùng vẫy bay lên ! Mà cổ kim, cho hay tài mệnh tương đố, có ai thỏa kiếp làm người ! cho dẫu có vào cõi Tiên cõi Bụt cũng không chắc gì đã xuông sẻ :

Nẻo tiên cũng khó tìm nơi hóa

Dấu Phật càng khôn xuống đấy tu

(Chiến Tụng Tây Hồ)

Khi người yêu đã chết, Phạm Thái vẫn còn sống được dăm năm say sưa trong lý tưởng phục Lê, kẻ sĩ lúc này đến chùa Tiêu Sơn khoác áo thiền sư che dấu hoạt động, đi khuyến phả khắp nơi để kết nạp đồng chí hay để thỏa chí ngao du mang vọng tưởng tráng sĩ đang hành hiệp vì nước? Cuộc sống thoát ra từ giấc mơ lồng lộng mang vẻ đẹp đủ mầu sắc: áo nâu sồng tu sĩ, bóng trăng bạc loang loáng thanh gươm, lại văng vẳng tiếng thơ lúc tình tứ, lúc tung hoành đi về giữa thực và mộng :

Căm gan, tóc cũng dựng lên

Tuốt gươm chém án ngâm thiên ca rằng  

Làm trai cho thỏa chí trai

Trong trần ai chớ lụy ai tầm thường

Nhưng điều não nùng ê chề nhất là hăm hở tiến tới một cái đích mà cái đích lại không còn: triều đại ngắn ngủi Tây Sơn đã tan, chúa Nguyễn thống nhất đất nước năm 1802. Mới đầu nhân sĩ Bắc Hà còn ngại ngùng, Nguyễn Du vào tân triều không nói lời nào như vua Gia Long nhận xét, sau dần dần tỉnh táo nhìn thấy chúa Nguyễn cũng giống chúa Trịnh, mà chúa Nguyễn lại chưa từng ép vua Lê như chúa Trịnh khi xưa. Hẳn lúc này, một khoảng trống vô lượng vây quanh Phạm Thái mới 25, 26 tuổi đời, mới sống một phần tư thế kỷ mà mối tình đã vỡ, lý tưởng cũng tiêu, chàng tuổi trẻ tìm quên trong sóng ruợu, nổi danh Chiêu Lỳ, mà có lẽ chàng đã dùng chất men đưa hồn mông lung xuống âm cung thăm người vợ chưa cưới! Bây giờ sống ở dương gian đoạ đầy cũng chẳng hơn gì địa ngục khi hai cái phao của của kẻ sĩ là tình yêu và lý tưởng đều chìm nghỉm :

Chết về Tiên Bụt cho xong kiếp

Đù ỏa trần gian sống mãi chi !

Ở tuổi 30 Tiên Bụt chỉ mới ở vành môi, tới tuổi tri thiên mệnh chắc gì mấy ai đã đạt tới đại viên cảnh trí, nữa là Phạm Thái với chất đam mê ngùn ngụt, ông còn nhỏ ra từng giọt máu tâm tư thấm trên lược gương tình lụy, ngỡ lấy văn thơ mà giải thoát, ngờ đâu, ngôn ngữ giống sợi giây tơ hồng hóa hiện thành độc xà trong bóng đêm sầu hận đầy vơi !

Không chắc gì ông vẫn mặc áo nâu sồng khi đối tượng thù nghịch Tây Sơn đã xụp đổ, mà cho có khoác áo thiền sư thì trước sau ông vẫn là một thi sĩ với túi thơ bầu rượu và bóng giai nhân :

Vào Yên Tử, rất non cùng

Đàn xô nước suối, phách giong cây rừng

Đá sực sực, nước cồn cồn

chông chênh cửa động, chon von mái chùa

tu hành đã có sư cô

dễ đem ngàn nén mà mua tiếng cười

hơi văn của ông bồng bột tuổi trẻ, muốn đổi mới, vượt khuôn sáo, dạo nên nhiều âm thanh kỳ lạ : Lên Hùng Vương rất non cao, vào Yên Tử rất non cùng.., sư dịu dàng dọng, tiểu phong phanh hình với ý tứ rất phóng : chữ viết cua bò thơ rông chó chạy… Thơ văn Phạm Thái quả là tiếng trống giáo đầu cho dòng văn mới cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX, nó tiếp tục mạch sống Bắc Hà trong khi Nguyễn Công Trứ, sinh cùng thời với ông (1778-1858), từ Nghệ Tĩnh vào Huế rất gần gũi miếng mồi đỉnh chung tước lộc của triều đại mới “ không công danh thì nát với cỏ cây” , hồi hộp ngồi đợi vua Nguyễn ra mà dâng Thái Bình Thập Sách ! Ngay cả Nguyễn Du, cũng từ Nghệ Tĩnh, từ bỏ hàng ngũ cũ mà nhập vào giữa – hàng thần lơ láo phận mình ra sao- Chỉ có Phạm Thái là trung thành với lý tưởng từ đầu đến cuối, ông sống trên quê hương Kinh Bắc, cái nôi của các phi hậu Lê Trịnh, ông chẳng vào khoa cử để mua danh, ông chọn nỗi đau, nỗi khổ, nỗi say, trên thớ đất đã sinh ra mình, một kẻ sĩ như thế mới là kẻ sĩ, trọng thơ, trọng bạn, trọng ruợu, trọng tình mất, trọng quê đau, trọng cả từng mảnh vỡ trong giấc mơ hồn mình, giữ được trọn vẹn sĩ khí của đàn nhóm thì dẫu thời, thế và cơ có mất nhưng trái tim tam bách dư niên hậu vẫn sắt vẫn son !

 

Tham khảo chính :