Tiếng Việt cả hồn lẫn xác

Nguyễn Hy Vọng

Abugida là một tiếng Phạn có nghĩa là cả hồn lẫn xác.

Ta thường nói: bài viết có hồn, hồn thơ lai láng, linh hồn, hồn thiêng sông núi, thoát hồn, hoàn hồn, nhập hồn, cầu hồn, gọi hồn, cô hồn, vô hồn, không hồn …

Hồn là cái tư tưởng, mượn cái âm thanh là xác để nhập vào và sinh ra cái tiếng, cái tên gọi, cái từ.

Không hồn hay không xác thì chả ra cái gì. Có hồn không xác thì ai biết cái hồn cho, có xác không hồn thì cũng bỏ đi.

Mọi ý niệm tôn giáo đều phải nhắc đến cái hồn, huống gì là những ý niệm về ngôn ngữ.

Tiếng Việt là con đẻ của mối tình giữa nàng Nguyễn Thị Hồn Việt [tư tưởng Việt] và chàng TrầnThanh Việt [âm thanh Việt] sinh ra cả thảy 12,206 tiếng một là đám con cháu từ mấy chục ngàn năm về trước, và đại gia đình này đã sinh thêm ra chừng 100,000 tiếng ghép cháu chắt, chắt chiu, rồi chiu chít qua mấy trăm đời và mấy ngàn năm giòng giõi.

Mãi gần đây, chỉ mới cách đây 2,000 năm thôi, qua mối lái của tiếng Tàu có nuôi thêm 2,734 đứa con nuôi gốc tiếng Tàu và gần đây hơn nữa có cho mượn thêm chừng 500 người giúp việc tiếng Tây tiếng Anh Mỹ để cho hợp với đòi hỏi mới của khoa học và chuyên môn thế kỷ vừa qua vì chúng nó vượt trội hơn mình.

Cái hay của tiếng Việt, linh hồn và xác của dân Việt là rất “mắn” đẻ con:

     Nói600 cách nói.

     Lời 42 cách đưa lời.

     Tiếng146 cách lên tiếng.

     Giọng cũng không chịu thua, có ít nhất là 55 cách nói về đưa giọng và nhấn giọng.

Cả mấy tiếng một đó cộng lại có chừng gần 1,000 cách nói phô, phô bày, bày tỏ tư tưởng, ý nghĩ của người Việt trong khi tiếng Pháp chỉ có nhiều lắm là chưa tới 200 cách để làm cái chuyện đó và tiếng Anh Mỹ cũng chừng ấy thôi.

Xin thưởng cho ai kiếm ra trên 200 cách nói phô trong tiếng Pháp hay tiếng Anh Mỹ, 100 đô la xài chơi!

Vì là một sinh ngữ có cả xác lẫn hồn [abugida], có đời sống riêng biệt nên tiếng Việt luôn luôn lột xác, có những tiếng xưa không ai nói nữa [cổ độ, thệ thủy, thanh thủy, thu thủy,… hàng ngàn những tiếng như thế].

  • Có những tiếng rất cần nói, rất dễ nói, nói rất thoải mái, như là ăn uống, chạy nhảy, leo trèo, tay chân, mặt mũi … không bao giờ vô dụng, hàng chục ngàn những tiếng như thế. Có hàng ngàn những tiếng Tàu con nuôi giờ đã bị cho ra rìa vì nghe ẹ quá, đâu ai muốn nói đến như: khoa đẩu, tri thù, hồ điệp … Có những tiếng con ruột cũng bị lơ là: ốt dột, chừ răng, mựa lo chi, v.v..
  • Có những tiếng mới học mót theo Tàu và Nhật cũng bị vất bỏ như là: yên sĩ phi lý thuần, á tế á, thượng uyển, yên chi thảo, Pháp Lang Sa, Anh Cát Lợi, Cựu Kim Sơn . . .

Tại sao vậy? Tại vì cái đám người dân Việt tầm thường đi cày đi cấy đi buôn đi bán mới thật là đang xét xử, cầm cân nảy mực, cân nhắc, so đo và tính toán cho mọi tiếng nói của dân Việt…chứ không phải là những nhà văn, nhà trí thức, nhà chuyên môn, nhà học giả nào mà làm được cái đó cả.

Họ nói tiếng Việt và cùng lúc đó họ đóng góp cho tiếng Việt có một sức sống bền bỉ, chứ không phải là những tác phẩm văn học mà làm được cái việc sàng sẩy đó.

Truyện Kiều khá hay ho, nhưng giờ đây cả mấy ngàn tiếng Tàu điển tích và văn chương khách sáo trong đó đã không được người Việt xài và dùng mà nói nữa.

Vậy mà vẫn còn lại chừng 10,000 cái tiếng Việt từ muôn đời được nói thoải mái, được dùng để nói hằng ngày với cái cách nói phô rất dặc biệt của tiếng Việt mà không một ngôn ngữ nào giống nó cả:

     ăn cơm ba chén lưng lưng,

     uống nước cầm chừng để bụng thương anh.

     rượu là cơm bữa, gái là bướm đêm.

     trời mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ,

     anh thương một người có mẹ không cha.

     lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây …

Cái túi khôn của tiếng Việt là ở đó!

 

Nguyễn Hy Vọng