TÔI NGỒI DƯỚI CHÂN CỔ THỤ

Hạ Long Bụt sĩ Lưu Văn Vịnh

  • Tôi ngồi dưới chân cổ thụ, giữa sân chùa Tiêu Sơn, nơi đây mới hai trăm năm qua Phổ Chiêu Thiền Sư Phạm Thái đã để lại bóng áo cà sa khoác trên tấm lưng tráng sĩ và không chừng cả một con chủy thủ cất dấu đáy túi khuyến phả ! Sân chùa Tiêu vừa vặn bề ngang dăm bước, bề dài hơn mươi bước, hình chữ nhật lát gạch lớn rêu phong, từng viên gạch đỏ xạm, mặt gạch lõm xuống như vết chân tâm sự người xưa đi đi lại lại, cùng thời gian nặng nề đè xuống.Hai đầu sân hai tháp vuông vắn với cổng tò vò như tháp canh, trên đồi cao mát rượi bóng cây cổ thụ nhìn bao quát được cả một vùng ruộng nương óng ả Kinh Bắc, đất quan họ thanh lịch văn vật nghìn năm. Tôi ngồi đây như trở về lòng quê hương, có vòng tay của hiền sư Vạn Hạnh với pho tượng ngồi thiền phía sau đồi cao, và bóng dáng người mẹ vua Lý Công Uẩn từng ra vào bậc chùa này nghìn năm xưa, huyết mạch ấm cúng rộn rã như thể dòng sống con cháu đất Kinh Bắc đang nẩy mầm chuyển hóa sau những thế kỷ đằng đẵng khô cằn.
  • Tôi đi lại mấy lần quanh sân chùa, tay chân căng nhựa như cổ nhân thổi lửa vào người, bỗng muốn múa một vài đường quyền và giả thử có một thanh đao thì cũng dám vung lên vài nhát, chém vào thinh không cho hả nỗi lòng vạn cổ! Đôi mắt lúc này soi gương tất thấy lồng lộng hồn phách họ Phạm : phơi phới trang thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, mênh mang dòng kinh Bát nhã Kim cương, cuồn cuộn bắp chân Thiếu Lâm Đạt Ma, thoang thoảng hương tóc Quỳnh Như, thêm be sầu sóng sánh thiên cổ… Ôi! sống có 37 năm mà anh chàng họ Phạm này đã có cuộc chơi khá đầy đủ, nhìn lại thân mình nửa thế kỷ trôi qua chỉ là một cành tre mảnh trúc, lúc dạt vào sông Cửu, lúc thoát ra biển Đông, lúc quanh co trên xứ lạ…Tạo hóa trêu ông nhưng vẫn cho ông lựa chọn cuộc chơi trên quê hương, ông vẫn hơn những cành tre khúc trúc thấp thỏm trên dòng nước lạ, rất nhiều đồ chơi, nhưng cuộc chơi rất nhạt và ngay cả cơn đau có lấy ống trúc thổi lên vài khúc vật vã thì cũng chẳng còn ai nghe trên hí trường điện tử cơ tâm kỹ thuật quê người !

Chùa Tiêu vang vang tiếng chuông khua động dĩ vãng, phong cảnh in hệt ngôi chùa quê ngoại làng tôi thơ ấu trên đồi cao bờ Yên Tử Hạ Long, và có lẽ, cũng giống hệt ngôi chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên…hay tất cả ảnh tượng đều cùng một cấu trúc dựng lên từ cõi tâm vời vợi bóng trăng thiên cổ huyền hoặc ? Tôi vẫn thấy sau chùa còn sào ruộng tám thơm cho sư tổ, có nương sắn mỗi lần gió lên cây lá quanh đồi rào rào như thể bàn tay chú tiểu Lan hái lá…giữa sân chùa dưới bóng cây lấp loáng hoa nắng, nhìn lên cao thấy cả vạt mây đang thả bóng quét ngả nghiêng lúa mạ đồng xanh.

Nơi đây những làn mây bạc “ ngập ngừng” của Khái Hưng vẫn chưa chịu bay đi, hơn nửa thế kỷ qua rồi mà bao nhân vật vẫn bật dậy từ trang tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ của ông: Phạm Thái tỷ thí dao găm với Quang Ngọc lúc chưa quen nhau vào một đêm tối dưới mái chùa này, anh chàng tráng sĩ Lê Báo ngổ ngáo sau lại thành một thiền sư chăm chỉ tụng kinh gõ mõ, Nhị Nương phải chăng là hình bóng Quỳnh Như hay là nét họa một cô gái Lim, một nữ đồng chí bên đảng trưởng Quang Ngọc, như Loan với Dũng trong Đoạn Tuyệt ? Thế hệ 200 năm trước của Phạm Thái đã như thế, “ chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân”, mà thế hệ của Khái Hưng thời 1940 cũng chẳng khác là bao, vẫn chí hướng sĩ phu nhập thế cuộc vì nước vì dân …và vì chính giấc mơ của đàn chim đẳng cấp mình! Không có những giấc mơ tuyệt đẹp chập chùng truyền từ đời này sang đời khác thành những chuỗi mây trắng trên trời cao dắt díu nhau đi, thì lịch sử chỉ còn lại mấy trang giấy nhớp nhơ những máu cùng me!

Trưa nay, lại đến thế hệ chúng tôi hãnh diện tiếp nối giấc mơ đó, món ăn tinh thần của tiền nhân để lại giống như viên ngọc báu, tuy chẳng mài ra mà ăn được nhưng lúc buồn ngồi ngắm vẫn thấy sáng lóe dựng cả tóc gáy! Và vẫn đẹp hơn những viên sỏi đá sinh thức từ Nga, từ Tầu, từ Tây mang sang..Đâu đây văng vẳng âm thanh uất hờn mà tràn đầy hy vọng của một Luther King : I have a dream…Mục sư King và Thiền sư Vạn Hạnh dung tam tế, giá được gặp nhau giữa sân chùa Tiêu Sơn này để cùng ngồi thưởng một bình trà ướp sen Đại Việt thì có lẽ cái giấc mơ thiên hạ thái bình Đông Tây có cơ đồng qui về một mối.

Sân chùa Tiêu Sơn ( tượng Vạn Hạnh sau Chùa) 1997

Tôi bước xuống, chậm chãi từng bực, rời sân chùa Tiêu mà mắt vẫn nhìn lên vành nắng ngà lay láy quanh tàn cây rung rinh gió thoảng. Bất giác thấy cuộc sống ở dương gian là chuyện phí phạm của Tạo Hóa, chẳng những vứt vô lượng trí tuệ vào sọt rác thời gian mà còn ném nhầm cả vô lượng thiện tâm cao sĩ xuống quốc độ ngồi chơi đáy giếng cùng loài ếch nhái !

Chùa Tiêu 1- 1999