Chánh sách khai hóa và khai thác của

thực dân Pháp tại Nam Kỳ

(Phần 2)

Lâm Văn Bé

Phần 2. Khai thác

Như tất cả các chánh sách thực dân, Pháp chiếm Việt Nam là để khai thác tài nguyên  đem về bản xứ.

2. 1 Sưu cao thuế nặng

Ngày 10-01-1863,  chánh phủ ra nghị định là ngoài chi phí về quân sự, Soái phủ Nam Kỳ phải tự túc về mọi chi phí cai trị. Một hệ thống thuế khóa mới được tổ chức để thực thi quyết định nầy.

2. 1.1  Mở mang thương cảng Saigon

Không phải chờ đợi có nghị định, ngay từ 1860, Compagnie des Messageries impériales đã ký kết với các tàu buôn trên đường chuyển vận từ kinh Suez đến Hong Kong được cập bến hải cảng Saigon. Cũng trong năm nầy, thương cảng đã tiếp nhận 246 tàu, trong đó có 111 tàu từ Âu châu mang đến nửa triệu quan thuốc phiện và một triệu quan hàng hóa các loại và chở đi 53 593 tấn gạo trị giá hơn 5 triệu quan và 1 triệu quan hàng hóa khác. Cuộc hải trình Marseille – Saigon trước kia mất 13 tuần qua Cap Bonne-Espérance nay chỉ còn 32 ngày khi đi qua kinh Suez,  gia tăng thêm số tàu bè từ các nơi đến Saigon.

Thương cảng Saigon là một mối lợi lớn cho nước Pháp. Năm 1920, số tàu buôn xuất nhập là 1500 tàu, tăng lên 1800 tàu năm 1930  và 2000 tàu năm 1939. Saigon đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của đế quốc Pháp.

(Nguyễn Thế Anh, tr.181).

2.1.2 Tịch thu nhà đất và bán đấu giá

Khi thành lập thành phố Saigon, nhà và đất bị truất hữu theo nghị định ngày 20-02-1872. Đất được chia ra từng lô trên họa đồ, nhà cửa, đất đai bị truất hữu và được bán lại. Nếu người chủ không đủ tiền mua lại hay không kịp thời khiếu nại vì giặc giả phải xiêu tán, nhà và đất bị mất. Để phóng đường và xẻ kinh hay cất công thự, thân nhân phải hốt cốt mồ mã trong vòng 15 ngày. (Sau năm 1975, Cộng Sản còn tinh vi hoá hơn chính sách cướp nhà cướp đất của nhân dân)

2.1.3  Bán và cho công thổ

Gọi là công thổ, những đất hoang hay đất có chủ theo bằng khoán thiết lập từ đời Tự Đức mà không khai khẩn hay không khai báo với nhà nước sau khi đăng trong công báo 3 tháng thì trở nên vô thừa nhận thuộc về chánh phủ.

Nhà nước bán với giá 10 quan một mẫu (năm 1865) hay phát không cho người có công. Thực dân Pháp đã ngang nhiên cướp đất của dân. Sau đây là một trường hợp điển hình trong muôn một.Cù lao Năm Thôn là vùng trù phú ở MỹTho trên đó đã có dân cư sinh hoạt tại 5 xã (5 thôn). Chiến tranh khiến dân chúng bỏ chạy, Pháp đem cấp 300 mẫu cho Taillefer biến thành một giang sơn riêng của y. Dân làng trở về phải làm tá điền, bị bốc lột bởi công ty Taillefer nên họ chống đối, lại bỏ đi và không trả nợ, Taillefer khánh tận bán đất lại cho Tổng đốc Trần Bá Lộc, sau để lại cho gia đình đốc phủ Lê Văn Mầu là ông ngoại của Philippe Franchini.

2.1.4  Thuế điền và thuế thân

Dưới thời Tự Đức, thuế điền được đánh bằng hộc lúa (60kg) cho mỗi mẫu ruộng hạng nhất. Người Pháp nay bắt đóng bằng tiền. Một hộc lúa trị giá trước đây độ 4 quan, nay phải tăng lên 5,5 quan cộng với 0,3 quan tiền công thu thuế. Thực ra, Pháp bắt làng thu thuế rồi đem nộp cho chánh phủ thay vì như trước đây, các điền quan đi thu thuế từng người dân. Đó là một phương thức vừa tiết kiệm được nhân viên, vừa bắt chẹt các làng phải đóng một số thuế quy định, do đó xảy ra nạn cường hào ác bá ở thôn quê và người dân phải đóng thuế theo ý muốn của làng xã.

Về thuế thân, mỗi người dân phải đóng từ 1,20 đến 1,50 quan mỗi năm, gia tăng dần nếu cộng cả tiền sưu (thuế để thay những ngày không đi làm  sưu dịch) có thể lên đến 12 quan. Tổng số thuế thu được năm 1864 là 6 291 000 quan  và tăng lên 14 triệu quan năm 1874.

Măc dù so với  số thuế khi xưa dân đóng cho triều đình tương đương với 3 triệu, nay tăng lên đến 14 triệu, vậy mà thống đốc Luro vẫn cho là chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu mới vể hành chánh, « rất bác học cho một dân tộc nghèo». (Devillers, tr. 215).

Ngoài ra, Pháp còn đặt ra các loại thuế khác như thuế muối, thuế rượu, thuế nha phiến, gọi chung là thuế công quản là một món lợi khổng lồ. Các loại thuế này tăng dần mỗi năm. Năm 1911, tổng số thuế Pháp thu về là 4,8M đồng; năm 1920 : 6,2M, 1930 :10M ( Nguyễn Thế Anh, tr. 158).

Sơn Nam, một nhà văn và nghiên cứu về Nam Bộ đã mô tả về đời sống cơ cực của người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ như sau

« Hai gánh nặng cho người dân là thuế thân và xâu (sưu). Lúc ban đầu, thuế thân được quy định đồng đều là 1 đồng một năm và một số tiền gọi là bách phân phụ trội cho ngân sách tùy theo năm để cho ngân sách được quân bình chi tiêu. Ngoài ra, mỗi người phải chịu 5 ngày làm xâu, có thể chuộc bằng tiền (nếu không đi làm) lại còn phụ thâu về thủy lợi, về rừng, tổng cộng chung tất cả vào đầu thế kỷ mỗi người khoảng 5 đồng. Giá lúa lúc ấy là vài cắc một giạ, một đứa chăn trâu suốt năm chỉ lãnh được 10 đồng. Tuy nhiên, thuế thân và tiền xâu có nơi lại quá cao thí dụ làng Vĩnh Hòa Hưng ở Rạch Giá lên đến 8 đồng 3 xu năm 1914. Do đó, nhiều tá điền không có tiền để đóng và khi bị làng khám xét bọn trốn xâu lậu thuế, họ chạy ra đồng hay vào rừng mà trốn. Nếu bị bắt vì trốn thuế thân thì bị phạt 5 ngày tù và 15 quan phạt vạ. Khi mãn tù thì phải đóng thuế, nếu không tiền thì đi làm cu li để lấy tiền mà trả nợ. Gặp năm mất mùa, người tá điền không đóng đủ địa tô (lúa ruộng) và thuế thân thì đành phải bỏ làng trốn sang làm ăn ở xứ khác, đổi tên họ, làm ruộng lưu động và tiếp tục cuộc sống trốn tránh. Ngoài thuế thân, việc làm xâu là một cực hình của người dân, khi đào kinh, làm đường nhiều tuần mà phải đem theo ky, vật dụng làm việc và thức ăn, nhà nước không cấp phát gì cả. Đó cũng là những dịp để dân làng bỏ trốn…» (Sơn Nam. Chương 2.)

Về địa tô tức lúa ruộng mà tá điền đóng cho điền chủ thì tùy theo sự thỏa thuận giữa đôi bên. Thông thường, điền chủ thâu 80% số lúa gặt hái được. Trung bình đất tốt được 1 600kg lúa mỗi mẫu, đất xấu khoảng 1000kg. Với nhu cầu cho mỗi người để ăn là 200kg, không kể để làm rượu, chăn nuôi, thì tá điền chỉ còn đủ lúa để mua sắm ăn chơi trong mấy ngày Tết rồi ra giêng thì bắt đầu vay nợ mới và cuộc đời cứ thế xoay vần.

2.2  Khai thác cao su

Ngoài sưu cao thuế nặng, cao su là một tài nguyên quan trọng trong công cuộc khai thác kinh tế của Pháp từ đầu thế kỷ tại Nam Kỳ. Cao su nguyên gốc ở Ba Tây (Brésil), đầu tiên được Jean-Louis Pierre, một nhà thực vật học người Pháp đem trồng thử ở Vườn Bách Thảo Saigon năm 1877, nhưng không thành công. Sau đó, năm 1897, toàn quyền Paul Doumer cho trồng tại vườn thực nghiệm Ông Yệm ở Bến Cát (Thủ Dầu Một), nhưng  phải chờ đến  cuộc thử nghiệm thành công của Yersin rồi người Pháp mới chính thức khai thác tại Nam Kỳ từ năm 1904. Cao su thích hợp với vùng đất basalte ở miền Đông Nam Kỳ, vì lẽ Pháp có đem ra miền Bắc trồng ở vài nơi nhưng năng suất rất kém vì đất đai và khí hậu không thích hợp.

Việc khai thác cao su ở Nam Kỳ là một mối lợi lớn cho tư bản Pháp để thỏa mãn nhu cầu cao su trên thế giới. Năm 1918, Pháp sở hữu một diện tích đất 185 000  mẫu ở Nam Kỳ trong đó có 7000 mẫu dùng trồng cao su. Trong ¼ thế kỷ, số diện tích canh tác tăng gấp đôi và sản lượng  tăng lên gấp 20 lần

1920 : 70 000 mẫu đồn điền;   3 000 tấn cao su

1930 : 80 000 mẫu               ;   8 000 tấn

1940 : 97 300 mẫu               ; 58 000 tấn

1945 : 138 400 mẫu             ; 77 400 tần.

Đồn điền cao su ở miển Đông Nam Kỳ tập trung trong  tay 5 đại công ty của Pháp như :

– Công ty Đồn Điền Đất Đỏ (Plantation des Terres Rouges gọi tắt là SPTR)  là công ty hỗn hợp Pháp-Bỉ, lớn nhất ở VN tập trung ở vùng  Quản Lợi, Xa Trạch, Xa Cam, Biên Hòa, Bà Rịa lan qua cả Cao Miên có đến 420 000 nhân viên (1914 đến 1945), có vốn khổng lồ, trang bị cả phòng thí nghiệm riêng.

– Công ty cao su Đông Dương (Société indochinoise des plantations d’hévéas, gọi tắt là SIPH) ở vùng Lộc Ninh, Hớn Quản thu  dụng 350 000 nhân công ở khắp nơi được mộ về (1914-1945). Công ty rất mạnh nhờ vốn của Ngân Hàng Đông Dương, Công ty Đông Dương Thương Mại và Tài Chánh (SICAF) và nhờ kỹ thuật khai thác khéo léo.  Công ty có 10 000 mẫu và sản xuất mỗi năm 10 000 tấn.

– Công ty các đồn điền Michelin ( Société des plantations et pneumatiques Michelin au Viet Nam) đặt trụ sở ở Thủ Dầu Một sản xuất cao su và có nhà máy làm vỏ xe đạp, vỏ xe hơi tại chỗ.  Vào năm 1945, Michelin chiếm 7% diện tích đồn điền và 11% sản lượng cao su trên toàn cỏi Đông Dương. Michelin là công ty nổi tiếng hà khắc với nhân công, là nơi xuất phát nhiều cuộc tranh đấu, đình công chống chủ nhân.

– Công ty Viễn Đông (Société des caoutchoucs d’Extrême-Orient (CEXO), trụ sở đặt tại Paris khai thác vùng Lộc Ninh, Bù Đốp thu dụng hơn 200 000 nhân công (1925-1954).

– Công ty cao su Đồng Nai ((Le Caoutchouc Dona, viết tắt là LCD) trụ sở cũng ởParis, hoạt động ở vùng Trãng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng.

Ngoài các đại công ty do Pháp làm chủ còn có độ 60 đồn điền cao su nhỏ,  diện tích trên dưới 100 mẫu của người Việt là những công kỹ nghệ gia như Trương Văn Bền hay các công chức trung cấp thân Pháp như quan tòa Đỗ Hữu Trí, Đốc phủ Đoàn Hữu Trung…Các đốn điền nầy không phát triển và không cạnh tranh được với đồn điền của Pháp vì thiếu vốn (trung bình phải 7 năm cao su mới bắt đầu cho mủ),thiếu thế lực bởi lẽ các khu rừng cao su thường là bãi chiến trường trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt và các đồn điền  nhỏ của chủ nhân Việt Nam thường bị tàn phá, dội bom trước tiên.

Từ khi khai thác cao su ở Nam Kỳ, số xuất cảng cao su ở Nam Kỳ đã chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng số  hàng  xuất cảng ở Đông Dương : năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 : 18%, năm 1939 : 27,4%. Trong vòng 10 năm (1928-1939) trị giá cao su xuất cảng đã tăng lên gấp 7 lần, từ 11 triệu quan năm 1928 lên đến 96 triệu năm 1939.

Chánh sách bóc lột và đàn áp nhân công tàn nhẩn hiện rõ trong việc khai thác đồn điền cao su. Năm 1939, 19 công ty cao su Đông Dương lời được 309 triệu quan, trong khi số lương trả cho nhân công chỉ 40 triệu (Huỳnh Lứa, tr. 81). Bị bóc lột và đói khổ, nhân  công bỏ trốn đồn điền quay trở vế quê, (chỉ trong năm 1926 có đến 4484 phu bỏ trốn) do đó nhu cầu mộ phu ở khắp nơi Trung Nam Bắc là vấn đế cấp thiết.

Bởi lẽ được trả từ 10 đến 20 đồng cho mỗi phu mộ được, chánh sách cưỡng ép, bắt bớ tạo thêm căm hờn, bạo động mà điển hình là vụ ám sát tên mộ phu tàn ác René Bazin năm 1929 đã khiến hơn 200 đảng viên Quốc Dân Đảng  bị bắt giam và 76 người bị cầm tù.

Des Rousseaux trong một báo cáo mật gởi cho Toàn Quyền Đông Dương đã viết :

 « Người nông dân chỉ chấp nhận rời khỏi làng đi làm việc nơi khác là khi nào họ bị đói. Do đó phải đi đến kết luận lạ lùng cho phương thuốc thiếu nhân công [ở đồn điền] là phải bần cùng hóa nông thôn, rút bỏ các khoản trợ cấp, hạ giá nông sản…»  (Huỳnh Lứa, tr. 23).

Nếu chánh sách sưu cao thuế nặng ở đồng ruộng miền Tây đã tạo thành một nồi thuốc súng thì chánh sách bóc lột sức lao động, đàn áp các cuộc chống đối của phu đồn điền ở miền Đông là ngọn lửa căm thù khơi ngòi các cuộc nổi dậy. Đồn điền cao su là lò đào tạo các nhà cách mạng yêu nước chống thực dân, nhưng  bằng mưu chước xảo quyệt, đảng Cộng Sản đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để sau khi chiến thắng, áp đặt một chế độ thực dân mới trong đó nhiều phu đồn điền xưa đã trở nên những người lãnh đạo trong chánh quyền Cộng Sản.

Kết luận

Từ con số 4 triệu quan, chi phí theo ước tính của đô đốc Fourichon năm 1857 để đánh chiếm Nam Kỳ cho đến 700 triệu quan vàng, chi phí thật sự mà Pháp đã phải trả để chiếm được Việt Nam, Pháp đã tận tình khai thác và bóc lột kinh tế VN và thu về chính quốc hàng trăm, hàng ngàn lần số chiến phí mà Pháp đã bỏ ra. Sau gần một thế kỷ cai trị (1860-1954), máu và mồ hôi nước mắt của dân quân VN đã đổ ra trên các đồng lúa, trên các đồn điền, trên các sông rạch để phục vụ cho chế độ thuộc địa và sau đó để đánh đuổi thực dân giải phóng quê hương.

Không ai có thể vô lương tri và mù quáng binh vực cho chế độ thực dân, nhưng nếu dùng 600 trang sách để chỉ  tuôn ra toàn những lời nguyền rủa, nhào nặn ra những danh từ thô lỗ nhất, ngôn từ tượng thanh, tượng hình nhất về  hận thù, khích động nợ máu, xuyên tạc sự kiện lịch sử thì chỉ có « sử gia » loại như Trần Văn Giàu, chủ tịch của nhiều hội sử học của Việt Nam Cộng Sản mới làm được.

« Chống xâm lăng : lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898» của Trần Văn Giàu là điển hình cho kho sử liệu  được viết lại với những sự kiện man trá, lý luận thiênvị Cộng Sản trắng trợn, cổ súy hận thù.

Chúng ta hãy đọc lời nói đầu của tác giả :

« Cơ sở lý luận và phương pháp của công trình nghiên cứu mà hôm nay chúng tôi xin trình bày cho bạn đọc là những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê :

– Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản (Mác và Angghen)

– Tư bản luận (Mác)

– Đế quốc chủ nghĩa, thời kỳ cuối cùng của tư bản chủ nghĩa (Lê-nin)

– Vấn đề dân tộc (Stalin)

– Bàn về cách mạng Trung quốc (Mao Trạch Đông)

– Bàn về cách mạng VN của Trường Chinh…..» (Trần Văn Giàu, tr.10)

Và sau đây là một đoạn văn tiêu biểu trong 600 trang sử của tác giả đã có 60 công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực lịch sử, tư tưởng.

« Trường nầy [trường thông ngôn] do cha Croc và cha Thu phụ trách. Rồi chính bọn du côn vô loài, vô học, bập bẹ ba chữ Tây nầy sẽ đẻ ra những tên quan to như phủ Ca, huyện Sĩ….tàn nhẩn khét tiếng. Nếu đọc tờ báo Le Courrier de Saigon lúc đó, ta sẽ thấy vô số thông ngôn hãm hại đồng bào, cướp của, giật ruộng, ăn hối lộ, tàn sát, nhân dân bất bình, cho đến nỗi có khá nhiều lần, ngay bọn Pháp (đã chia phần sư tử với đám thông ngôn kia) cũng phải đưa ít đứa vào tù hay đi Côn Lôn để che miệng thế gian… Bọn tay sai của địch đều là những tên côn đồ, vô loại, chữ nghĩa chẳng có gì……Bọn thực dân lập thêm sáu trường dạy tiếng Pháp do hạ sĩ và lính săng đálàm hiệu trưởng và giáo sư » (Trần Văn Giàu, tr. 242-43).

Ông Trần Văn Giàu chắc «vô tư» không biết những lãnh tụ, đồng chí của ông cũng hành động còn tàn tệ hơn «bọn» thực dân (ông Giàu không biết chữ nào khác ngoài chữ nầy) như đốt sách, cướp đất, cướp nhà (tất cả các công thự, nhà cửa của «bọn» nầy, các ông từ ngoài Bắc và trong rừng vào tịch thu để  vừa ở, vừa nuôi heo, nay thì sang nhượng lại cho tư bản đỏ), các người cán bộ ngu dốt còn hơn lính săng đá của Pháp mà ông miệt thị được các ông bổ nhiệm làm viện trưởng, thủ trưởng… Những tên thực dân nón cối trắng, giày trắng mà ông chửi là quân cướp nước thì chẳng khác gì những người nón cối vàng dép râu, những Bonard, Charner thì chẳng khác chi những Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Lê Chí Thọ…  Nếu người Pháp khi xưa khác máu tanh lòng mà các ông nguyền rủa với tất cả kho tàng ngôn ngữ của các ông thì hôm nay cùng là một nhà một gốc mà các ông còn cư xử tệ bạc hơn, căm thù hơn, thì có ngôn ngữ nào để mô tả các ông? Khi xưa, Gabriel Aubaret còn biết quý trọng văn hóa Việt Nam, đem dịch Lục Vân Tiên, Gia Định Thành Thông Chí ra tiếng Pháp, Luro nghiên cứu tổ chức chánh trị và xã hội VN (Le pays d’Annam: étude sur l’organisation politique et sociale des Annamites – Paris:1878, 252p.) thì hôm nay, tìm đâu ra trong hàng ngũ lãnh đạo và văn công  các ông một người (chỉ một người thôi) biết trân quý di sản văn hóa Việt Nam không  marxiste. Việc đốt sách và cầm tù các nhà văn miền Nam VNCH còn tàn tệ hơn chánh sách đồng hóa của « bọn thực dân khát máu» mà trong lịch sử chỉ có Tần Thủy Hoàng, Pol Pot và các ông mới dám làm mà thôi.

Đọc «Chống xâm lăng» và các tài liệu sử học của các đỉnh cao trí tuệ các ông, người đọc không tránh được nỗi thất vọng và niềm bi phẩn khi thấy lịch sử Việt Nam đã bị các ông viết lại, bóp méo sự kiện lịch sử với văn phong thù hận, ngôn từ hạ cấp đối với người không cùng chiến tuyến với các ông, nhưng lại ngông nghênh huyễn hơặc với đảng và lãnh tụ.

Nói về hậu quả xấu và tốt của chế độ thực dân Pháp thì quá nhiều, nhưng cái hậu quả bi đát nhất của chế độ thực dân đã để lại là cuộc chiến tranh giành độc lập của dân Việt Nam  đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam phản bội để áp đặt một chánh sách khai hóa và khai thác mới, tuy phương thức có khác, nhưng bản chất cũng  nghiệt ngã như thời thuộc địa.

Philippe Devillers, một sử gia am tường Việt Nam đã đặt một câu hỏi làm cái tựa cho thiên nghiên cứu sử học của ông : Français et Annamites: partenaires ou ennemis? (Người Pháp và người Việt, bạn hay thù ?).

Qua hơn 500 trang giấy, phần lớn rút từ các tài liệu quý trong văn khố, ông không có câu trả lời dứt khoát. Đối với người Việt có chút suy tư và tinh thần công chính, không nhất thiết thân Pháp hay thân Cộng, thái độ có lẽ cũng như Philippe Devillers, tuy  mức độ có khác .

Ai trong chúng ta không chứng kiến cảnh đàn áp, bóc lột của thực dân để không mang mối hận thù. Tuy nhiên, khi nhìn lại tất cả các cựu thuộc địa của Pháp sau khi giành được độc lập, miền Nam (VNCH) đã tìm ngay được tiềm lực và sinh lực xây dựng một quốc gia. Cái sinh lực ấy, một phần là do tâm thức và ý thức của người Việt đã được un đúc và trưởng thành trong thời gian bị trị, nhưng phần khác, cũng do ý muốn khai hóa của người Pháp. Đồng ý rằng những công thự, những hạ tầng cơ sở là do sự đóng góp mồ hôi và xương máu của người Việt , nhưng nếu không nhờ ý chí, trí lực và vật lực của thực dân, Saigon không thể là Hòn Ngọc Viễn Đông và nửa triệu mẫu đất hoang vu miền Tây vẫn còn tiếp tục úng thủy.

Chỉ cần đan kể, nhà thờ Đức Bà, đẹp và lớn nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ hoàn toàn do vật liệu chở từ Pháp sang và  hệ thống  5000km kinh đào lớn nhỏ ở miền Tây sẽ không phát triển như hiện nay nếu không có sự tiếp tay của các chuyên viên và máy móc của Hảng Xáng Đông Dương. Thực dân Pháp đã khai thác bóc lột Phi Châu trong thời thuộc địa mà để lại rất ít  cơ cấu cho dân Phi Châu tự lực nên nửa thế kỷ sau khi thực dân ra đi, Phi Châu vẫn còn đói, chậm tiến về kinh tế. Với Việt Nam, thực dân Pháp có khai thác, bóc lột nhưng lại có đầu tư và người Việt Nam vẫn thụ hưởng được ít hay nhiều (tùy lãnh vực, tùy cảm nhận) những đầu tư nầy.

Về văn hóa, nếu chánh sách đồng hóa đã đào tạo một lớp công chức thừa hành người Việt   để làm công cụ cho nền hành chánh thuộc địa, và nếu những cải tổ giáo dục nhằm hướng dẩn người Việt Nam  theo kịp văn hóa và nếp sống Tây Phương đã không đạt được ý muốn trọn vẹn, những toan tính nầy cũng đã đem lại cho nhiều thế hệ tiếp nối  biết gạn lọc cái hay cái đẹp của văn hóa Tây phương để có thể  bắt tay ngay vào việc xây dựng quốc gia khi độc lập. Những cán bộ cao cấp và trung cấp làm nền tảng cho chế độ VNCH là những người  đã trưởng thành trong cái nôi văn hóa Tây Phương mà thực dân Pháp đã góp phần truyền bá trực tiếp hay gián tiếp. Chính cái di sản văn hóa nầy đã  hài hòa với văn hóa cổ truyền Đại Việt để trong đó  20 triệu dân quân miền Nam trong 20 năm đã xây dựng một quốc gia dân chủ, tuy không hoàn thiện, nhưng đủ đảm bảo cho người dân những quyền tự do để rồi năm 1975, bằng bạo lực và lừa dối, Cộng Sản đã từ miền Bắc và rừng rú tràn vào cưỡng chiếm quốc gia nầy, khai hóa văn hóa và khai thác kinh tế quốc gia nầy theo chủ thuyết Cộng Sản .

Lâm Văn Bé

 

 Tài liệu tham khảo chính yếu

– Léopold Augustin Charles Pallu de Barrière. Histoire de l’expédition de

Cochinchine en 1861. – Paris : Librairie Hachette &Cie, 1864.

– Henri Aurillac. Cochinchine, Annamites, Moïs, Cambodgiens.- Paris : Éditeur

Challamel Aîné, 1870.

– Albert Morice. Saigon récit –  Paris : Magellan &Cie, 2007. (Texte intégral ayant pour titre : Voyage en Cochinchine, publié en 1875 dans Le Tour du Monde)

– Georges Taboulet. Le geste français en Indochine. – Paris: Maisonneuve,1956.

– Philippe Franchini.  Saigon 1925-1945 : de la Belle Colonie à l’éclosion

révolutionnaire. – Paris : Éditions Autrement, 1992.

– Philippe Franchini. Continental Saigon.– Paris : Métaillé, 1995.

– Philippe Devillers. Français et annamites, partenaires ou ennemis ?– Paris :

Denoël, 1998.

– Samuel P. Huntington. Le choc des civilisations.–Paris :ÉditionsOdile Jacob, 1997.

– Philippe Héduy. Histoire de l’Indochine, la perle de l’Empire 1624-1954.-  Paris : Albert Michel, 1998.

– Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Saigon : Lửa Thiêng, 1970.

– Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897). Paris : Tác giả xb, 1995. (dịch từ : Les débuts de l’installation du système colonial français au Viet Nam).

Địa dư chí TP Hồ chí Minh. Tập 2. – TPHCM: Nxb TPHCM, 1998.

– Trần Văn Giàu. Chống xâm lăng: lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898. – TPHCM : Nxb TPHCM, 2001.

– Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang miền Nam. –TPHCM: Nxb Trẻ, 2002.

– Huỳnh Lứa.  Lịch sử phong trào công nhân cao su VN. – TPHCM : Nxb Trẻ,

2003.

– Nguyễn Thanh Lợi. Tạp chí Xưa & Nay, số 286, số 6, 2007.

– Nguyễn Văn Trung. Lục Châu Học. (http://namkyluctinh.org)