ĐẦM THỊ NẠI

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Bờ biển tỉnh Bình Định có chiều dài 134 km, nếu tính cả hệ số quanh co là 148 km. Dọc theo đoạn bờ biển ấy, từ Bắc xuống Nam có ba đầm lớn: đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ, có khúc sông Châu Trúc thông ra biển bằng cửa Hà Ra; đầm Nước Ngọt nằm giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, với con ngòi thông ra biển bằng cửa Đề Gi. Còn đầm Thị Nại ở phía Đông Nam của tỉnh, trải dài từ cực Bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Qui Nhơn. Đầm này không những lớn nhất tỉnh mà còn có tầm quan trọng bậc nhất về mặt lịch sử, địa lý, phong thủy, quân sự, kinh tế, thắng cảnh… nên ca dao miền này có câu:

Bình định có hòn Vọng Phu

Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh.

Và cái tên Thị Nại nghe rất quen thân trong cuộc sống người dân Bình Định. Niên học 1948 – 1949, Nhà giáo Nguyễn Hữu Lộc [1] đã sáng lập và đứng ra làm hiệu trưởng ngôi trường Trung học tư thục gồm 12 lớp với gần 1000 học sinh, tại làng Tri Thiện (xã Phước Quang), bên dòng Nam Phái sông Côn. Ông lấy tên đầm Thị Nại đặt tên cho ngôi Trường đã hằn sâu vào ký ức lớp học sinh trung học thời bấy giờ về một ngôi trường tuy vắn số nhưng rất nổi tiếng.

I – ĐỊA DANH

1 – Vấn đề tên gọi:

Theo Đinh Văn Hạnh, Tên Gọi Thị Nại Qua Các Thời Kỳ Lịch Sử và các tài liệu khác, từ thời vương quốc Champa [2] đến nay, đầm Thị Nại có nhiều tên gọi như: Cribandi, Cribanơy, Cribone, Criboney, Crivinaya, Crivini, Hải Hạc đầm (đầm Biển Cạn), Nước Mặn Qui Nhin, Pi-ni, Pinic, Quienin, Tân Châu (Sin Tchéou), Thi-lị-bì-nại, Thi-lợi-bì-nại, Thi Nại, Thu-mi-liên, Tì-ni. Và tên gọi hiện nay là Thị Nại.

Sở dĩ đầm Thị Nại có nhiều tên gọi là do việc thay đổi chủ, do vai trò của đầm gắn liền với lịch sử, với tiềm năng kinh tế, và còn do nhiều cách phiên âm khác nhau từ ngôn ngữ gốc Champa. Chẳng hạn người Trung Hoa theo âm của tiếng Chăm là Crivinaya, phiên âm ra Hán tự, nếu đọc theo Hán Việt là Thi-lị-bì-nại, rồi người nước ta Việt hóa thành Thi Nại, sau lại được chuyển hóa một lần nữa thành tên gọi Thị Nại cho đến ngày nay. Trong lúc người Pháp gọi là Cribone, người Bồ Đào Nha gọi là Crivini hay Cribanơy.

H 1: Bản đồ do Trung Tâm Kỷ Thuật,

dịch vụ Địa Chánh xuất bản, tháng 7 năm 2003.

Ngay trong các sách sử Việt, cũng có nhiều tên gọi khác nhau về đầm Thị Nại:

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa (正 和), khắc in năm 1697, trong phần Bản Kỷ, Quyển VII, tờ 43b, dòng 8 và 9, chép việc vua Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh Champa năm Đinh Tỵ (1377), đã viết: “Xuân, chính nguyệt nhị thập tam nhựt, đại quân chí Chiêm Thành Thi Nại hỗn cảng khẩu” (春 正 月 二 十 三 日 大 軍 至 占 城 尸 耐 混 港 口), tức là: Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành…”

Cũng trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển VI, tờ 18a, dòng 7 và 8, lại chép là “Tỳ Ni” (毗 尼) [3].

Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 9 (tỉnh Bình Định), gọi Thị Nại là “Hải Hạc đầm”; bản dịch ghi “đầm Biển Cạn,” (Tập 3, trang 35). Sách Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn của Nguyễn Đình Đầu, phần tỉnh Bình Định, quyển 2, trang 815, cũng dịch là “đầm Hải Hạc.”

Xứ Đàng Trong của Phan Khoang, dựa theo Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư (quyển VI, kỷ Trần Anh Tông), gọi Thị Nại là “cửa biển Tì-ni” (trang 123).

– Các Sử sách khả tín như: Việt Nam Sử Lược (năm 1920) của Trần Trọng Kim (trang 172), Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định (năm 1935) của Bùi Văn Lăng (trang 10), Quang Trung Nguyễn Huệ (năm 1944) của Hoa Bằng (trang 50), và Việt Sử Tân Biên, Quyển 1 (1968) của Phạm Văn Sơn (trang 347) đều chép là “đầm Thị Nại.”

2 – Hiện tượng chuyển hóa:

Từ “Thi Nại” (chữ “Thi” không dấu nặng) đến “Thị Nại” (chữ “Thị” có dấu nặng), một sự kiện chuyển hóa về ngữ học. Bởi dân cư ở ven đầm Thị Nại (nhất là xã Phước Thuận và Phước Hậu) đời đời chuyên làm ruộng muối. Muối ở Thị Nại rất tốt, hạt to, vuông vức, tinh khiết, mặn vừa phải và không chát. Lại sản xuất rất nhiều, dân trong tỉnh dùng không hết, cần sự tiêu thụ các vùng khác. Tương truyền, ngày xưa vùng này có chợ Nại rất lớn, chủ yếu là dân địa phương bán muối cho các thương nhân tứ xứ. Vậy từ ngữ “Thi Nại” đã Việt hoá từ lối phiên âm của Trung Hoa, một lần nữa lại được dân chúng chuyển hóa thành “Thị Nại,” chợ ruộng muối [4] để chỉ cái đầm mà họ thường lui tới mua bán muối. Vả lại, ngữ âm Thị Nại thích nghi với khẩu ngữ hơn vì dễ đọc mà còn hợp với phương diện ngữ nghĩa nữa.

3 – Tại sao có sự chuyển hóa:

Đành rằng, tên gọi “Thi Nại” (“Thi” không dấu nặng) hay Tì Ni có ghi trong các bộ sử của thời Lê và Nguyễn, nhưng từ ngữ này nặng ảnh hưởng Trung Hoa (rút gọn từ chữ Thi- lị- bì- nại), không đem lại ý nghĩa gì cho đầm, nên không được phổ biến trong quần chúng, vì dân ta quen đặt địa danh mang đặc tính của vùng đất. Cho nên vẫn dùng từ ngữ đó, nhưng có thêm dấu nặng để ngữ nghĩa nói lên được tầm vóc quan trọng của đầm, một thời cung cấp muối không những cho tỉnh Bình Định, biệt nạp cho triều đình, và cả vùng Tây Nguyên thông qua quốc lộ 19. Chính vì vậy, người ta nhanh chóng công nhận sự chuyển hóa thanh điệu này để được thích hợp và gần gũi với dân chúng. Vậy tên gọi Thị Nại (chữ Thị có dấu nặng) trở thành chính thức thông dụng không những trong lời nói, văn chương truyền khẩu và cả trong văn học thành văn nữa [5].

3 – Và chuyển hóa từ lúc nào?

Theo Đỗ Bang và Nguyễn Tấn Hiểu, Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn, cho rằng vào đầu thế kỷ 20 mới có sự chuyển hóa thanh điệu “Thi Nại” (không dấu nặng) thành “Thị Nại” (có dấu nặng). Ông viết: “Có thể, từ đó địa danh Thi Nại vào đầu thế kỷ XX này đã chuyển âm thành Thị Nại. Vì theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, bản Duy Tân (1910) vẫn dùng tên Thi Nại để chỉ cửa Tấn này… (trang 156)

Nếu chỉ căn cứ vào Đại Nam Nhất Thống Chí, bản Duy Tân (1910) mà xác định khoảng thời gian chuyển âm ra Thị Nại là đầu thế kỷ 20, e rằng thời điểm đó quá muộn. Vì thói thường ở nước ta “phép vua thua lệ làng,” mặc cho sách vở Quốc Sử Quán và Châu Bản Triều Nguyễn vẫn tiếp tục gọi là “Thi Nại” nhưng ở địa phương và đại chúng đã chuyển hóa từ lâu rồi.

Thật vậy, hiện tượng chuyển hóa phải có thời gian để phổ cập trong dân chúng, trước khi bài Vè Cát Lái Hát Ra (176 câu) ra đời. Bởi trong bài ấy, có câu 146, đề cập đến tên mới của đầm:

Đi cho thấu chữ Qui Nhơn,

Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh.

(Ca Dao Nam Trung Bộ, trang 452)

Tương truyền, tác giả bài vè là La Xuân Kiều, người huyện Phù Ly (nay là huyện Phù Mỹ và Phù Cát), trấn Bình Định. Ông là một trong Lục Kỳ Sĩ thời Tây Sơn, không chịu thuần phục Gia Long, bỏ quê quán theo nghiệp ghe bầu, vận tải hàng hóa đường biển, từ Nam ra Bắc và ngược lại.

Dù tác giả là ai, chỉ căn cứ vào nội dung của bài vè với các địa danh xưa, từ ngữ cổ, lối sinh hoạt thương mại và cuộc hải trình, có thể đoán được bài vè xuất hiện đầu thế kỷ 19 hay trước nữa. Như vậy, hiện tượng chuyển âm thành “Thị Nại” (chữ “Thị” có dấu nặng) phải xảy khoảng đầu thế kỷ 19.

II – THỊ NẠI VỚI TRUYỀN THUYẾT

Địa hình của tỉnh Bình Định như chiếc máng xối chúc đầu về Đông. Theo thống kê, 70% diện tích trong tỉnh có độ dốc trên 25º. Mùa mưa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, nước tràn xuống chảy xiết như thác đổ, cuốn đi lớp đất màu, theo dòng sông Côn và Hà Thanh đổ vào đầm Thị Nại nhuộm màu trắng đục. Bởi vậy, lòng đầm phía Tây và phía Bắc (có các cửa sông) cạn dần thành những bãi bùn, những cồn cát, những mảng rừng nước mặn; cứ thế, đất liền mỗi ngày một lấn dần về Đông.

Theo tương truyền, ngày xưa mặt đầm Thị Nại lan rộng về phía Tây, ít nhất cũng bao trùm cả các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước, Phước Lộc và đến tận phía Tây chân núi Thù Lộ, quen gọi là núi Ông Vồ, thuộc thôn Thanh Huy xã Phước An huyện Tuy Phước. Trần Xuân Toàn, tác giả bài Truyền Thuyết Phước An, đã viết:

Nếu cánh đồng bàu Đưng bỗng dưng hóa thành biển cả

Đưa ta trở về với truyền thuyết Phước An.

Kiểm chứng trong thực tại, ở thôn Thanh Huy, dưới chân núi Ông Vồ có một vùng rộng lớn, nước sâu, không cày cấy được, gọi là bàu Đưng. Dấu vết của một vùng biển còn sót lại khi các vùng xung quanh bị lấp cạn thành đất liền. Và ngay tại vùng đình Thanh Huy, người ta còn tìm thấy những dây neo của thuyền bè, các vỏ sò ốc biển nằm sâu trong lòng đất. Ở xóm Vinh Bắc thuộc thôn Vinh Thạnh xã Phước Lộc huyện Tuy Phước, khi đào ao chống hạn, người ta cũng thường gặp dây neo và dấu vết sinh vật của biển.

Tại thôn Lộc Hạ xã Phước Thuận huyện Tuy Phước có một ngọn núi nhỏ, không cao lắm, chạy dài từ hướng Tây Bắc – Đông Nam, nằm trơ trọi giữa đồng ruộng. Điểm đặc biệt là khắp bề mặt của núi phủ dày đá trắng, trên đỉnh và sườn núi đá dựng lởm chởm, nhọn hoắt, trắng toát long lanh dưới ánh nắng, trông giống như đống xương cá. Núi ấy có tên là Ngư Cốt nhưng dân địa phương thường gọi là núi Xương Cá. Trong quá trình bồi đắp, thiên nhiên đã đẩy lùi những hòn độc sơn của vùng này nằm sâu trong đất liền. Và núi Xương Cá là ngọn núi cuối cùng bỏ đầm Thị Nại về với đồng bằng, mang theo sự tích ông Khổng Lồ.

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở Bình Định có ông Khổng Lồ làm công việc dời non lấp biển, sắp đặt núi non ở tỉnh nhà. Sau khi ổn định các dãy núi ở phía Tây (vùng Bình Khê), ông Khổng Lồ tiến về phía Đông, gánh hai hòn Kỳ Sơn và Chóp Vung, đặt Kỳ Sơn ở phía Tây và Chóp Vung ở phía Đông Nam đầm Thị Nại. Đâu đó yên vị, ông ngồi nghỉ chân, thấy trong đầm có nhiều cá nên vun cát nối liền các núi đảo phía Đông của đầm làm bờ ngăn (thành dãy Triều Châu, sườn núi cát trải dày) để tát nước bắt cá. Vì thế nước đầm cạn đi, thành đồng bằng. Cá trong đầm ngon hơn cá ngoài biển, ông ăn mãi không chán, đến nỗi xương cá vun thành núi Xương Cá. Bỗng có một con cá to phóng mình vượt qua bờ ngăn, thoát ra biển Đông, ông Khổng Lồ nhoài người nhảy theo chụp cá lại nhưng không kịp. Bước chân ông dẫm phải mép bờ ngăn, đất sụp khuyết sâu vào bờ biến thành vũng rộng, phần bờ đá còn lại thành cái eo dài độ 2 km, hẹp chừng 500 mét. Do sự tích này, nên vũng và núi nơi ấy đều mang tên là Eo Vượt, nối Phương Mai (nay là Nhơn Hải) với Hội Lộc (nay là Nhơn Hội). Có người nói vì chụp hụt cá, ông Khổng Lồ giận quá bỏ đi mất, không thèm tiếp tục sắp đặt núi non ở vùng này nữa. Có người lại kể rằng, ông ham ăn nhiều cá đến nỗi trúng thực, phải bỏ mạng dưới chân đống xương cá.

Cổ Bàn Nhân cảm tác truyền thuyết ấy qua mấy vần thơ, và Quách Tấn đã chép vào Nước Non Bình Định [6]:

Khổng Lồ ăn cá bỏ xương,

Xương khô thấy đó nghĩ thương Khổng Lồ!

Chừ còn gánh núi phương mô,

Hay hòn Xương Cá là mồ chôn ông?

Chuyện đời tuy có mà không,

Tuy không mà có chuyện ông Khổng Lồ.

III – CỬA CÁCH THỬ BỊ LẤP

Đầm Thị Nại lại một lần nữa thay đổi hình dáng do thiên nhiên tạo tác. Sau vụ ông Khổng Lồ đắp bờ tát cá, dãy Triều Châu tuy đã kết liền với nhau nhưng vẫn là một hải đảo. Và đầm Thị Nại thông ra biển Đông bởi cửa Cách Thử, còn gọi là Kẻ Thử, ở phía Bắc và cửa Phương Mai ở phía Nam, cách nhau chừng 15 km. Ngày xưa, cửa Cách Thử ghe thuyền vào ra tấp nập, buôn bán trù phú. Là một thương cảng quan trọng nên các triều vua đều đặt quan trông nom, gọi nơi đây là Nha Phiên Hải Tấn, lưu thông cùng đầm Thị Nại ở phía Nam [7]. Đại Nam Nhất Thống Chí, ghi là “Tấn Nha Phiên ở phía Đông huyện Phù Cát, tục gọi Kẻ Thử, có thủ sở.” [8]. Cũng theo các tài liệu sử [9] năm Quý Sửu (1793) Nguyễn Ánh cho đoàn binh thuyền đánh vào cửa Kẻ Thử, tiến chiếm kho Càn Dương và Tân Phủ của Tây Sơn ở chân núi Càn Dương thuộc khu Đông Nam núi Bà (nay là xã Cát Tiến huyện Phù Cát). Và Đỗ Bang còn xác định cửa Kẻ Thử nằm ở vĩ độ 13º 54’ Bắc, cách mỏm núi cao Xương Lý khoảng 5 km về phía Tây Bắc [10].

Thế nhưng, nguyên nhân nào mà cửa Cách Thử bị lấp?

Tương truyền Nguyễn Nhạc đào sông La Vĩ, thông với sông Côn, để đưa nước về cửa Cách Thử, và con sông đào này bị sạt lở ở bờ Đông (phía thành Đồ Bàn), nên lấp cạn cửa biển. Nhưng thực tế La Vĩ chỉ là nhánh sông nhỏ dài chừng 20 km, dù có sạt lở vài mùa lụt cũng không thể lấp cạn cửa biển lớn như Cách Thử trong một thời gian ngắn ngủi. Có thể sự kiện đào sông La Vĩ nhằm vào thời kỳ cuối của một quá trình bồi đắp lâu dài nên có sự lầm lẫn. Vì theo Đỗ Bang [11], trích dịch từ cuốn Le Séjour en Indochine de L’Abassade Lord Macartney (1793) của Imbert (H), nxb Extrême Orient, Hà Nội, 1924, sđd trang 12:

Ở phía Bắc mũi Nạy (Varella- TG) là Quin Nong (tức Qui Nhơn- TG), nơi ghe tàu trong vùng thường qua lại… Vùng biển này rất tốt. Nó là chỗ chắn tất cả các loại gió. Cũng có một con lạch đi qua rất hẹp nên những con tàu muốn đi vào đầm phải chờ thủy triều lên.”

Bởi có quá trình bồi đắp, nên đoàn sứ bộ người Anh đến Qui Nhơn vào năm 1793. thấy cửa Cách Thử cạn và hẹp đến nỗi tàu thuyền phải chờ thủy triều lên mới vào đầm được.

Truyền thuyết cho rằng vào đầu thế kỷ 19, cuối thời Gia Long, một đêm tối bỗng có tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả vùng này và đất trồi lên xóa dấu vết cửa Cách Thử. Hiện tượng này có thể giải thích dưới lòng đất có mạch đứt gãy từ đầm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) qua núi Bà (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) đến tận núi Phương Mai (xã Nhơn Hải thành phố Qui Nhơn). Cửa Cách Thử nằm ngay trên đường đứt gãy nên xảy ra hiện tượng kiến tạo đột biến.

Còn một truyền thuyết nữa, vào năm Quý Tỵ (1833) Minh Mạng thứ 14, biển Đông nổi giận, cửa Cách Thử bị cát lấp đầy thành một vùng đất: phía Đông giáp biển được trồng dương liễu ven bờ để chắn gió, phía Tây nối với đất liền, nay là thôn Phú Hậu thuộc xã Cát Chánh huyện Phù Cát. Và dãy Triều Châu, cũng nối với đất liền, trở thành bán đảo kéo dài đến mũi Mác ở Phương Mai, nên còn gọi là dãy Phương Mai, dài ngót 20 km, theo chiều Bắc Nam, là bức trường thành thiên nhiên ngăn cách đầm Thị Nại với biển Đông. Tuy vậy, nước trong đầm vẫn còn mặn vì hằng ngày nhận thủy triều ở biển qua cửa Phương Mai, tức cửa Thị Nại.

Trong sách Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn Bình Định (Tập 1 và 2) của Nguyễn Đình Đầu, cũng thấy rõ hiện tượng cát bồi ở cửa Cách Thử. Phần ghi địa giới của 3 thôn có liên quan đến cửa Cách Thử, từ Bắc xuống Nam, lần lượt là Đông Lương, Phú Toàn và Hội Lộc, giới cận có sự thay đổi như sau:

– Thời Gia Long (1802 – 1819) lập địa bạ năm 1815, ghi là: “Đông Lương khách hộ ấp: Đông giáp đầm Nha Phiên” (trang 358); “Phú Toàn Cựu Bình khách hộ ấp: Đông giáp đầm” (trang 368); và “Hội Lộc khách hộ ấp: Đông giáp đầm (Nha Phiên) và núi” (trang 360).

– Đến đời Minh Mạng (1820 -1840), lập địa bạ năm 1839, lại ghi: “Đông Lương thôn: Đông giáp thôn Nha Phiên và đầm” (trang 754); “Phú Toàn thôn: Đông giáp đầm Hải Đông” (trang 766); và “Hội Lộc thôn: Đông giáp khu cát trắng và núi” (trang 755).

Chỉ trong thời gian 24 năm (2815 – 1839), đầm Nha Phiên (tức cửa Cách Thử) đã bị biển Đông đem cát vào lấp đầy, phía Đông Lương biến thành “thôn Nha Phiên,” phía Hội Lộc biến thành “khu cát trắng,” giữa là thôn Phú Toàn có “đầm Hải Đông” liền với biển Đông, không còn thông với đầm Thị Nại, tức là cửa Cách Thử bị cát bồi lấp kín. Nay vẫn còn chứng tích là trảng cát rộng hơn 2 km và dài 8 km từ núi Bà (phía Bắc) dọc theo bờ biển Đông đến núi Đơn (phía Nam) ở Xương Lý, tức nằm giữa 13º53’ đến 13º57’ Bắc vĩ độ. Và dải cát này, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp sông. Nơi đây bờ biển thấp và hẹp vì cát trắng vun từ mé biển đến đỉnh núi, lấp lánh dưới ánh mặt trời trông như mái nhà khổng lồ dát bạc.

IV – ĐỊA GIỚI XƯA VÀ NAY

Căn cứ theo Nguyễn Đình Đầu, Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định và các tài liệu khác, thời Gia Long (嘉 隆; 1802 – 1819) hệ thống hành chánh còn đặt trấn, đầm Thị Nại phía Đông thuộc địa phận tổng Hạ, huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Còn bờ phía Tây, Nam và Đông Nam (đến vũng Eo Vượt) là địa phận các thuộc Võng Nhi, Hà Bạc, Thời Tú của huyện Tuy Viễn (huyện này có 6 thuộc và 1 tổng) lệ vào phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Trường hợp đất Huỳnh Giản, tuy ở phía Đông Bắc đầm Thị Nại, nhưng thời ấy lại cách xa bờ và vị thế là một hòn đảo, nên thuộc về Võng Nhi. Nguyễn Đình Đầu, sách đã dẫn, trang 380, chép: “Huỳnh Giản khách hộ ấp: Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp đầm Hải Hạc.”

Năm 1832, Minh Mạng thứ 13 (明 命), cải tổ lớn về hành chánh, bỏ trấn lập tỉnh, phân chia lại phủ huyện, thống nhất việc đổi “thuộc” [12] ra “tổng,” dùng “thôn” thay “ấp.”

Năm 1839, Minh Mạng thứ 20, Bình Định là tỉnh duy nhất lập quân điền và làm lại địa bạ; theo đó, đầm Thị Nại bờ phía Đông thuộc địa phận tổng Trung An, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn. Còn cả ba tổng: Vân Dương, Thời Tú, Tuy Hà của huyện Tuy Phước thuộc phủ An Nhơn, đều nằm ven bờ phía Tây, Nam và Đông Nam của đầm Thị Nại.

Ngày 20- 10- 1898, Thành Thái thứ 10 (成 泰), nhà vua ra dụ tách hai thôn Cẩm Thượng và Chánh Lộc (thời Gia Long gọi là ấp Thượng Lộc khách hộ) của tổng Tuy Hà huyện Tuy Phước phủ An Nhơn, để lập thị xã Qui Nhơn. Địa giới phía Nam đầm Thị Nại, từ đấy thuộc Qui Nhơn.

Năm 1906, Thành Thái thứ 18, sắp đặt lại ranh giới và sửa đổi tên các tổng; huyện Tuy Phước được cải đặt làm phủ, trực tiếp coi bốn tổng đồng bằng gồm Quảng Nghiệp, Nhơn Ân, Dương An, Dương Xuân và một tổng miền núi là Hà Thanh (tức huyện Vân Canh ngày nay). Như vậy, các tổng quanh đầm Thị Nại cũng đổi tên: phía Đông có tổng Chánh Lộc thuộc huyện Phù Cát; phía Tây và Đông Nam có các tổng Quảng Nghiệp, Nhơn Ân, Dương An đều thuộc phủ Tuy Phước; phía Nam giáp thị xã Qui Nhơn và cửa Thị Nại.

Năm 1930, Bảo Đại thứ 5 (保 大), thôn Hưng Thạnh thuộc tổng Dương An (Tuy Hà cũ) phủ Tuy Phước được sáp nhập vào Qui Nhơn. Đầm Thị Nại có biên giới chung với thành phố này [13] từ mũi Cổ Rùa (cực Nam) đến hết vùng Tháp Đôi của Hưng Thạnh.

Năm 1938, Bảo Đại thứ 13, một số làng ven bờ Tây đầm Thị Nại thuộc hai tổng Nhơn Ân và Dương An, được tách ra để lập hai tổng mới là Kỳ Sơn và An Định.

Năm 1946, cải tổ hành chánh, bỏ phủ và tổng, dùng danh hiệu tỉnh, huyện, xã và duy trì đơn vị thôn (có từ xưa) để lập xã, cứ chừng ba thôn liền nhau hợp thành một xã. Ở bờ Đông (phía đầu Bắc) thôn Huỳnh Giản (đã dính vào đất liền) và thôn Hội Lộc hợp thành xã Huỳnh Lộc thuộc huyện Tuy Phước. Phía bờ Tây, từ Bắc xuống Nam, lần lượt gặp thôn An Lợi và Lạc Điền thuộc xã Vạn Lịch; thôn Tân Giản thuộc xã Nhật Tân; thôn Kim Trì Đông thuộc xã Kim Trì; các thôn Dương Thiện, Lộc Thượng, Vinh Quang và Lộc Trung thuộc xã Nghĩa Liệt; các thôn Lộc Hạ, Nhơn Ân và Bình Thái (còn gọi là Bình Thới) thuộc xã Trung Dũng; thôn Quảng Vân thuộc xã Bảo Tín; thôn An Định thuộc xã Khánh Lộc; các thôn Lương Nông, Bình Thạnh thuộc xã Đôn Hậu. Bờ đầm phía Đông Nam chỉ có thôn Phương Mai, bấy giờ dân cư đã tăng nhiều để trở thành xã Phương Mai. Các xã kể trên đều thuộc huyện Tuy Phước. Phía Nam của đầm vẫn là Qui Nhơn và cửa biển Thị Nại. Duy có huyện Phù Cát không còn biên giới với đầm Thị Nại.

Năm 1948, hợp xã lần thứ hai, vẫn giữ đơn vị thôn và cứ trung bình ba xã cũ hợp thành một xã mới. Như vậy, đầm Thị Nại thời ấy có các xã viền quanh như : phía Đông là xã Phước Hòa (thôn Hội Lộc, Huỳnh Giản); Đông Nam là xã Phước Hải (tức xã Phương Mai cũ); phía Bắc và phía Tây lần lượt có các xã Phước Thắng (thôn An Lợi, Lạc Điền), Phước Hòa (thôn Tân Giản, Kim Trì Đông), Phước Sơn (thôn Dương Thiện, Lộc Thượng, Vinh Quang và Lộc Trung), Phước Thuận (thôn Lộc Hạ, Nhơn Ân, Bình Thái và Quảng Vân), Phước Hậu (thôn An Định, Lương Nông và Bình Thạnh) đều thuộc huyện Tuy Phước; bờ đầm phía Nam vẫn như cũ.

Khoảng năm 1966, ấp Hội Lộc được tách ra khỏi Phước Hòa để nhập vào xã Phước Lý mới thành lập. Như vậy đầm Thị Nại, bờ phía Đông có xã Phước Hòa (đầu Bắc), xã Phước Hải (đầu Nam) và xã Phước Lý (đoạn giữa). Thời điểm này, quận Tuy Phước bao quanh đầm Thị Nại vì Qui Nhơn chỉ là một xã đặc biệt thuộc Tuy Phước.

Năm 1970, sắc lệnh số 113- SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và được chỉnh lý năm 1971, cải biến xã Qui Nhơn thành thị xã trực thuộc tỉnh Bình Định. Thị xã Qui Nhơn được nới rộng, bao gồm Qui Nhơn cũ và ba xã của quận Tuy Phước là Phước Hậu, Phước Tấn, Phước Hải để lập thành hai quận Nhơn Bình và Nhơn Định gồm 16 phường. Lúc bấy giờ, bờ đầm Thị Nại thuộc thị xã Qui Nhơn là một hình chữ U mà đáy bị thủng và lệch về phía mũi Gành Hổ. Nhánh bờ Tây, khởi đầu từ Đông Định (thôn An Định chia hai thành Đông Định và Tây Định, ấp của xã Phước Hậu cũ) trực thuộc phường Trung Nghĩa; rồi đến Lương Nông, Bình Thạnh (ấp của xã Phước Hậu cũ) trực thuộc phường Trung Hậu; tiếp nữa là bờ phía Nam có các phường Trung Thiện (ấp Tháp Đôi cũ), Trung Ái (ấp Huyền Trân cũ), Trung Chánh (ấp Bạch Đằng cũ) là chấm dứt quận Nhơn Định. Vẫn tiếp theo bờ phía Nam nhưng thuộc quận Nhơn Bình, khởi đầu là phường Trung Từ (ấp Đào Duy Từ cũ), phường Trung Cảng (ấp Hải Cảng cũ); vượt qua hải khẩu (cửa Thị Nại) là bờ phía Đông, từ mũi Gành Hổ (tên chữ là Hổ Ky) đến vũng Eo Vượt là phường Trung Hải (tức xã Phước Hải, mới sáp nhập vào Qui Nhơn).

Sau năm 1975, xã Phước Lý được cải danh là xã Nhơn Lý, thuộc xã ngoại thành Qui Nhơn. Địa phận bờ Đông đầm Thị Nại trực thuộc Qui Nhơn, kéo dài thêm đến cuối thôn Hội Lộc. Và năm 1979, thôn Hội Lộc được tách ra khỏi Nhơn Lý để nâng thành xã Nhơn Hội, cũng thuộc xã ngoại thành Qui Nhơn, gồm bốn thôn: Hội Thành, Hội Bình, Hội Tân, Hội Giáo đều nằm ven đầm Thị Nại theo thứ tự từ Bắc xuống Nam. Bờ đầm Thị Nại thuộc Qui Nhơn đã đổi thành hình chữ J, vì nhánh bờ Đông cao hơn bờ Tây, kéo dài đến giáp thôn Huỳnh Giản xã Phước Hòa huyện Tuy Phước.

Năm 1986, thị xã Qui Nhơn lại một lần nữa được nâng lên cấp thành phố, trực thuộc tỉnh. Lần này, thành phố Qui Nhơn cũng lấy thêm đất của huyện Tuy Phước, nhưng không xâm phạm đến các thôn ven đầm Thị Nại. Bờ đầm phía Tây, vẫn lấy cửa sông ở thôn Đông Định làm cột mốc, bờ Đông vẫn giữ biên địa thôn Huỳnh Giản (xã Phước Hòa) và Hội Thành (xã Nhơn Hội) làm ranh giới cho huyện Tuy Phước và thành phố Qui Nhơn.

Theo bản đồ năm 2001, phần bờ đầm Thị Nại thuộc địa phận Qui Nhơn, nếu tính từ bờ Tây vòng xuống Nam rồi quần lên Đông, lần lượt có các phường nội thành: Nhơn Bình (Trung Nghĩa và Trung Hậu, thuộc xã ngoại thành cũ của Qui Nhơn), Đống Đa (Trung Thiện và Trung Ái cũ), Thị Nại (khu đất mới lấn ra đầm, tách ra từ phường Trần Hưng Đạo tức Trung Chánh cũ), Hải Cảng (Trung Từ và Trung Cảng cũ). Vượt qua cửa Thị Nại, có Nhơn Hải rồi đến Nhơn Hội là hai xã ngoại thành của Qui Nhơn.

V – VÀI NÉT PHÁC HỌA

Nhìn chung, đầm Thị Nại giống hình trái bầu, đầu hướng về Bắc và thon dần ở đoạn xã Phước Sơn, rồi thắt lại ở đoạn xã Phước Hòa, Phước Thắng tựa như cái cuống bầu. Sông Côn từ hướng Tây chảy xuống, có hai nhánh đổ nước vào đầm Thị Nại. Nhánh Bắc tiếp giáp với đầu cuống ở thôn An Lợi (xã Phước Thắng), nhánh Nam nối với thân cuống qua cửa sông Gò Bồi (xã Phước Hoà). Các nhánh sông ấy giống như những chiếc râu tua tủa níu chặt trái bầu khổng lồ vào đất liền.

Nhưng trái bầu ấy, bên phía bờ Tây thì tạo hoá nặn hình bầu tượng, vì từ thôn Lộc Hạ (xã Phước Thuận) trở xuống Nam, bờ đầm tương đối không lồi lõm mấy nên dáng thon thả, lại chi chít những phân chi lưu của sông Côn, sông Hà Thanh như vô số chiếc lông măng mọc ra trên thân trái bầu tơ nõn nà.

Phía bờ Đông, tạo hoá lại nặn hình bầu ve, vì đang nở nang suôn sẻ ở đoạn xã Nhơn Hội bỗng có doi đất nhô ra làm lõm sâu vào thân bầu, rồi lại phình ra như một cái bướu to tướng. Do tích dấu chân ông Khổng Lồ nhoài người chụp cá hụt năm xưa, tạo thành eo và bụng cho trái bầu ve.

Phía bờ Nam có mũi Cổ Rùa và mũi Gành Hổ là hai chiếc răng nanh giao đầu che chở cho đầm Thị Nại, tựa như đỡ lấy trái bầu khổng lồ khỏi rơi tuột ra biển Đông.

IMG_1539

H 2: Đầm Thị Nại, trích chụp từ bản đồ

tỉnh Bình Định năm 2001. (Ảnh: Việt Thao)

Ngày nay, đầm Thị Nại có chiều dài (Bắc Nam) chừng 16 km, chiều rộng (Đông Tây) thường là từ 3 đến 4 km. Cũng có chỗ hẹp chỉ còn 500 mét (cuống bầu), có chỗ rộng đến 6 km kể cả vũng Eo Vượt (bụng bầu). Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chu vi đầm đo được 9500 trượng, tức 38 km [14] và theo tài liệu thống kê, diện tích đầm hơn 5000 mẫu tây.

Gần bờ phía Tây, thuộc khu vực Hưng Thạnh, ngay Tháp Đôi ngó ra, có một cụm đá, khi thủy triều lên chỉ cách mặt nước hơn 1 mét và rộng độ vài sào. Cụm đá ấy vun dần lên giống như ngọn tháp mà chóp đã bị bào mòn. Nơi đây, tụ điểm của chim bói cá, dân địa phương quen gọi là chim thầy bói, nên cũng gọi cụm đá này là đảo Tháp Thầy Bói.

Ngay tại cửa Làng Sông, do nhánh sông Tọc thuộc sông Hà Thanh chảy ra, có hai cồn cát nổi lên mặt đầm, cồn phía Bắc thuộc thôn Bình Thái, cồn phía Nam thuộc thôn Quảng Vân (Diêm Vân). Cả hai đều có tên là Bãi Nhạn vì có chim nhạn cư ngụ. Giống chim này cũng chuyên bắt cá trên đầm như chim thầy bói, nhưng lớn hơn nhiều, cánh dài và đuôi trắng.

Ngoài ra còn có đảo Cồn Chim rộng lớn nằm giữa đầm Thị Nại, ngay thôn Lộc Thượng và Vinh Quang ngó ra. Nơi đây tập hợp nhiều loại chim ăn cá.

Ngày trước, mỗi lần ghe thuyền đi qua các nơi này, chim vụt bay lên rợp cả vùng trời. Trước cảnh cát vàng, nước biếc, rừng xanh, trời trong và cánh chim trải rộng như muôn ngàn múi bông lơ lửng giữa không trung, thi sĩ Quách Tấn đã hạ vần thơ tức cảnh:

Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm,

Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi…

(Nước Non Bình Định)

Cảnh đầm Thị Nại về đêm với chiếc thuyền con lênh đênh trên sóng nước, Đào Tấn (1845 – 1907) không tả cảnh trực tiếp mà chuyển tình vào cảnh qua bài Huỳnh Giản Châu Dạ 黄 簡 舟 夜 (Đêm đi thuyền đến Huỳnh Giản):

Biển châu nhất dạ giang hồ viễn

扁 舟 一 夜 江 湖 遠

Phù thế ngô sinh ưu lạc đa

浮 世 吾 生 憂 樂 多。

Tảo dục quy canh, kim hựu lãn

早 欲 歸 耕 今 又 懶

Thương Lang cực mục phó hàm ca.

滄 浪 極 目 付 酣 歌 。

(Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo)

Việt Thao dịch:

Thuyền con đêm tối nước mênh mông

Đời tớ buồn vui lắm nỗi lòng.

Về sớm cấy cày, nay lại biếng

Sông Thương ca hát mặc tình rong.

H 3: Cảnh đầm Thị Nại lúc hoàng hôn.

(Ảnh: Lê Cẩm Khoáng cung cấp)

Thiên nhiên đã tạo tác khung cảnh đầm Thị Nại là thế. Con người cũng cố gắng góp phần tô điểm ít nhiều, đôi lúc làm cho cảnh sắc đẹp hơn, nhưng cũng có khi khiến cho khuôn mặt đầm trở nên vụng về, giả tạo.

Phía cực Bắc đầm Thị Nại có con đập khá lớn. Từ khi dời xuống sát cửa sông thì gọi là đập Mới, lại thuộc thôn An Lạc và Lạc Điền nên có tên chữ là Lạc Lợi. Nếu đập này làm mất đi vẻ hoành lệ của cửa sông mở rộng và ngăn lối thuyền bè thông thương giữa đầm và nội địa, nhưng về mặt kinh tế nó đem lại lợi ích rất lớn, biến thủy phá thành thủy lợi. Con đập vừa ngăn nước mặn cho cánh đồng lúa phì nhiêu của xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), vừa giữ nước đủ dùng trong mùa nắng cho các cánh đồng ăn nước Bắc Phái sông Côn.

Phía Nam của đầm có chiếc cầu nằm trong cửa Thị Nại. Thời vương quốc Champa đã có con đường đá từ doi đất Cổ Rùa Qui Nhơn chạy ra giữa đầm và xây cầu bằng đá để bốc giỡ hàng hoá từ thuyền bè lên bộ và ngược lại. Cầu này sử sách gọi là Thạch Kiều. Thời Pháp thuộc, cầu được đúc xi măng cốt sắt và thiết kế để tàu sắt trọng tải lớn có thể cặp bến và mang tên mới là Cầu Tấn. Con đường đá nối từ cầu đến đất liền cũng được nới rộng và đặt đường sắt cho tàu lửa chuyên chở hàng hoá đến ga Qui Nhơn.

Thập niên 1960, vai trò Cầu Tấn trở nên quan trọng cho vùng Tây Nguyên khi quốc lộ 19 nối Qui Nhơn và Pleiku – Kontum trở thành xa lộ. Năm 1967, Cầu Tấn được thiết kế đủ đáp ứng cho nhiều tàu lớn cặp bến cùng lúc. Cũng vì thế người ta quen gọi là Cầu Tàu. Và con đường đá nhỏ hẹp, cũ kỹ nối cầu và đất liền cũng không còn thích ứng nữa. Với cơ giới hiện đại, khu vực bến tàu ở phía Nam đầm Thị Nại được vét sâu, đem cát đất đắp thành con đường lớn, dùng cho tàu lửa và xe hơi, dài hơn 3 km thẳng tắp từ Cầu Tàu băng qua đầm theo hướng Tây Bắc, rồi quẹo về hướng Tây Nam một đoạn ngắn để gặp đại lộ chính ra vào thành phố tại núi Bà Hỏa.

H 4: Đầm Thị Nại nhìn từ bờ Tây sang bờ Đông.

(Ảnh: Việt Thao, tháng 6 năm 1993)

Đường ấy, xứng đáng với tên gọi là đường Đống Đa. Có thể nói, ngày xưa với con đường Cầu Đá, từ năm 1967 có đường Cầu Tàu, là nét đặc biệt của đầm Thị Nại. Nhất là con đường mới (Đống Đa) dài và rộng, như con rắn khổng lồ nổi giữa đầm. Về mùa hè, sau một ngày làm việc mệt nhọc, đạp xe chầm chậm hay thả bộ trên đại lộ Đống Đa hóng mát, ngắm cảnh bát ngát giữa trời biển: phía bờ Đông, triền cát trắng vun tận đầu non trải dài xa tắp; bên bờ Tây, phố xá san sát, xa xa là cánh đồng muối trắng mờ lẫn hút trong hoàng hôn.

Nhưng đến đầu thập niên 1990, thành phố Qui Nhơn nới rộng, đẩy lùi con đường Bạch Đằng vốn là biên cương với đầm Thị Nại từ xa xưa, vào sâu trong đất liền. Và phố xá lấn ra đầm đến giáp con đường Đống Đa, làm mất đi nét hùng tráng và vẻ thơ mộng của cái thuở Đống Đa đơn độc trườn mình ra giữa đầm sâu, trơ gan cùng sóng gió.

IV – THỊ NẠI TRONG LỊCH SỬ

Vào cuối thế kỷ thứ 10, vua Chăm là Hari Varman II (988- 998), dời đô đến miền Bắc Vijaya, lập kinh thành Đồ Bàn, nay là thôn Bắc Thuận và Nam Tân (tức thôn Nam An cũ thuộc phạm vi thành, hợp nhất với Tân Ninh) thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Kinh đô mới có địa thế phòng thủ tốt. Ba mặt Tây, Nam, Bắc đều được núi non che chở, phía Đông là đồng bằng có núi Long Cốt (cao 43 mét) làm tiền án ngó ra đầm Thị Nại. Vì vậy, muốn chiếm Đồ Bàn phải tiến quân vào Thị Nại, yết hầu của kinh đô. Nơi đây kín đáo, có thể chứa cả ngàn chiến thuyền, thuận tiện cho việc đổ bộ cùng lúc hàng vạn quân. Bởi ưu thế đó, Thị Nại đã gắn liền với lịch sử qua những trận đánh lớn, một mất một còn. Theo Việt Sử Tân Biên và các tài liệu sử khác, ngót 10 thế kỷ qua, đầm Thị Nại ít nhất cũng đã 12 lần có mặt trong quân sử:

1 – Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông (1054-1072) thân chinh đi đánh Champa. Từ Thăng Long, đại quân ta đi ngót 26 ngày đường biển mới đến đầm Thị Nại. Viên Tổng tư lệnh Chăm là Bố-bì-đà-la dàn trận trên bờ sông Tu Mao (một nhánh của sông Côn). Lý Thường Kiệt đánh tan lực lượng tiền phương và giết được Bố-bì-đà-la, rồi vượt thêm hai sông nữa (cũng thuộc sông Côn) để tới Đồ Bàn.

Vua Chăm là Chế Củ (Rudravarman IV) bỏ kinh đô chạy về miền Nam. Lý Thường Kiệt đem quân đuổi theo suốt một tháng trời, đến tận biên giới Chân Lạp. Vua Chăm và 5 vạn quân dân bị bắt. Tháng 7 năm ấy, Lý Thánh Tông về đến Thăng Long với ca khúc khải hoàn, giải theo vua Chăm và quyến thuộc. Sau Chế Củ dâng 3 châu: Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh [15] mới được tha cho về nước. Đây là lần đầu tiên đầm Thị Nại có tên trong quân sử Đại Việt.

2 – Ngày 21 tháng chạp năm Giáp Thân (1284), 50 vạn quân Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Thái tử Mông Cổ là Thoát Hoan (Tuo Huan), chia quân làm hai đạo: bộ binh do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy, tiến vào Lạng Sơn, giả tiếng mượn đường Đại Việt đi đánh Champa. Thủy quân do Toa Đô (Suo Du) dẫn đầu, gồm 1000 chiến thuyền và 10 vạn quân, từ Quảng Châu tiến thẳng vào đầm Thị Nại của Chăm quốc. Vị trí tiền tiêu bảo vệ kinh đô Đồ Bàn là thành Thị Nại nằm bên bờ sông Gò Tháp, thuộc Nam Phái [16] sông Côn, ở địa phận xã Phước Hoà, túc trực 1 vạn quân, có trang bị voi chiến, chặn các đường hiểm yếu không cho quân Nguyên tiến vào kinh đô. Toa Đô đánh mãi không được, đành phải bỏ Thị Nại, theo đường bộ vào Đại Việt, đến Nghệ An, rồi rút ra Bắc, định họp quân với Thoát Hoan, nhưng bị bao vây ở Tây Kết (một làng nhỏ ở bờ sông Hồng), trúng tên, bỏ thây ở chiến trường.

3 – Năm Đinh Tỵ (1377), vua Trần Duệ Tông (1373-1377) đem 12 vạn quân đi đánh Champa. Ngày 23 tháng giêng, đại quân tiến vào cửa Thị Nại, lấy đồn Thạch Kiều, chiếm động Kỳ Man (động cát ở chân núi Xuân Quang, gần Gành Ráng và Qui Hoà). Quân ta đang đắc thắng thì vua Chăm là Chế Bồng Nga giả kế trá hàng. Đại tướng Đỗ Lễ biết mưu gian của địch, can vua Duệ Tông, nhưng vua không nghe, bảo rằng: “Dụng binh quý như thần tốc. Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.” [17]. Rồi nhà vua cho tiến quân ào ạt đến Đồ Bàn. Quân Chăm phục kích sẵn ở chỗ hiểm yếu, bất thần bốn mặt giáp công, khép chặt vòng vây. Quân ta tuy đông nhưng không phòng bị nên thua to. Vua Trần Duệ Tông tử trận, quân sĩ chết hai phần còn một, phải mở đường máu mới thoát được.

4 – Năm Canh Dần (1470), Hồng Đức nguyên niên (洪 德), vua Chiêm là Trà Toàn sai sứ sang cầu viện nhà Minh, rồi cho quân ra cướp phá đất Hoá Châu. Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu huy động 26 vạn tinh binh và tự cầm quân chinh phạt Champa. Sau trận đại thắng ở Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), hạ tuần tháng 2 năm Tân Mão (1471) thủy quân ta tiến vào đầm Thị Nại. Ngày 27 tháng 2, vua Lê Thánh Tông chỉ huy đánh chiếm thành Thị Nại. Ngày 28, kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Champa bị vây hãm, đến mùng 1 tháng 3 thì hạ thành, bắt sống Trà Toàn và hoàng gia. Từ đấy, đầm Thị Nại và cả miền đất Vijaya đến đèo Cù Mông, vĩnh viễn thuộc về Đại Việt.

H 5: Đầm Thị Nại trích chụp từ bản đồ quân sự

tỉnh Bình Định trước năm 1975 (Ảnh: Việt Thao).

5 – Năm Nhâm Tý (1792), sau 3 thế kỷ (1471 – 1792) đầm Thị Nại được hưởng thái bình, giờ đây xảy ra trận thủy chiến đầu tiên tại quân cảng này giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Nhân lúc gió mùa, Nguyễn Ánh cùng các tướng Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương và các tướng người Pháp là Dayot (tên Việt là Nguyễn Văn Phấn), Vannier (tức Nguyễn Văn Chấn), De Redon, D’Auray, Olivier de Capentras (tức ông Tín) đem cả binh thuyền bất thần tấn công vào Thị Nại, căn cứ hải quân quan trọng nhất của vua Thái Đức. Lợi dụng gió Nam thổi mạnh, quân Nguyễn Ánh tiến vào cửa Thị Nại tức là ở vị trí đầu ngọn gió, nên đã dùng hoả công thiêu rụi toàn bộ binh thuyền của Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Đô đốc Nguyễn Thành chống cự không nổi, phải chạy lên thành Hoàng Đế tức là thành Qui Nhơn (Đồ Bàn cũ).

6 – Năm Quý Sửu (1793), cũng đợi lúc gió mùa Tây Nam thổi mạnh, thủy quân của Nguyễn Ánh ra đánh Thị Nại lần thứ hai. Thái tử Nguyễn Bảo chống cự không nổi, rút quân vào thành. Kinh đô lâm nguy, Nguyễn Nhạc phải cầu cứu Phú Xuân. Vua Quang Toản sai Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung, Ngô Văn Sở đem 17 ngàn quân và 80 thớt voi đi đường bộ. Ngoài ra còn sai Đặng Văn Chân thống lĩnh thủy quân, với 30 chiến thuyền, vào cấp cứu Qui Nhơn. Nguyễn Vương thấy viện binh quá mạnh, phải rút lui. Từ ấy, quân cảng Thị Nại và toàn bộ đất Qui Nhơn thuộc về triều đình Phú Xuân. Quang Toản giao cho Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành.

7 – Năm Ất Mão (1795), Nguyễn Ánh đem thủy quân ra tới Thị Nại; trong lúc Đông cung Cảnh, có Olivier chỉ huy pháo binh, từ Diên Khánh tiến quân ra Phú Yên. Quân Phú Xuân tuy bị uy hiếp cả hai mặt nhưng vẫn còn mạnh, lại gặp lúc thời tiết bất lợi nên Nguyễn Vương rút quân về.

8 – Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Vương đem đại binh ra đánh lấy Qui Nhơn, tiến quân nhiều mặt: Hậu quân Võ Tánh và Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức đem quân lên bộ đóng chốt ở Trúc Khê. Tiền quân Nguyễn Văn Thành, có tượng binh và pháo binh tăng cường, ra đánh lấy Phú Yên rồi tiến quân tiếp ứng cho Võ Tánh. Còn Nguyễn Vương mang thủy quân đánh thốc vào Thị Nại, có Đông Cung Cảnh mang tả quân hỗ trợ. Phú Xuân sai Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vào cứu, nhưng viện binh bị quân của Nguyễn Văn Thành chặn lại ở Quảng Ngãi. Quân cảng Thị Nại và thành Qui Nhơn về tay Nguyễn Ánh. Chúa cho đổi thành Qui Nhơn là thành Bình Định để mừng ngày lấy lại đất cũ.

9 – Tháng giêng năm Canh Thân (1800), Tây Sơn mở chiến dịch phản công tại Bình Định. Hai danh tướng Phú Xuân là Trần Quang Diệu chỉ huy bộ binh vây chặt thành Bình Định, Võ Văn Dũng mang thủy quân chiếm lại Thị Nại. Tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh chỉ còn cách cố thủ trong thành để chờ viện binh. Chúa Nguyễn cho đại binh ra cứu, bộ binh từ Phú Yên tiến ra nhưng không thể đến gần, còn thủy quân tấn công mấy lần vẫn không vào được Thị Nại.

10 – Tháng giêng năm Tân Dậu (1801), Chúa Nguyễn đem cả đại binh do các tướng Võ Duy Nguy, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương và nhiều tướng người Pháp chỉ huy đánh vào Thị Nại. Biết không thắng được bằng vũ lực, Nguyễn Ánh dùng mưu, kếp hợp với hỏa công. Chúa cho gián điệp trà trộn vào thủy quân của Tây Sơn lấy mật hiệu. Rồi nhân lúc gió thổi mạnh, Võ Duy Nghi dùng thuyền có tay chèo phóng lửa đốt thủy đồn của Tây Sơn phòng thủ ngoài cửa biển. Lê Văn Duyệt dùng thuyền lửa và thuyền có đại bác tấn công ba chiến hạm đang án ngữ hải khẩu. Lê Văn Trương, nhờ biết mật hiệu, dùng thuyền nhỏ lẻn vào Gành Hổ (Phương Mai) đốt thủy trại. Tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng đương chỉ huy trận tiền, thấy lửa cháy ở hậu cứ, tưởng là có nội ứng, bèn chia binh vào cứu. Nhân lúc ấy, Võ Duy Nguy cho thuyền xông vào đầm Thị Nại, bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, vừa vượt khỏi tầm súng trên các đồn lũy bắn xuống thì lại gặp thuyền của Tây Sơn xông tới đánh giáp lá cà. Lợi dụng đứng trước đầu ngọn gió, Lê Văn Duyệt dùng hỏa công. Lửa cháy rợp trời, thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết. Võ Văn Dũng bỏ Thị Nại lên bờ, hợp với Trần Quang Diệu giữ các nơi hiểm yếu. Đó là trận thủy chiến lớn nhất, đẫm máu nhất và là trận cuối cùng tại quân cảng Thị Nại trong thời kỳ nội chiến.

11 – Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), Pháp chiếm xong kinh đô Huế, thấy Phong trào Cần Vương ở Bình Định lên mạnh, liền đem binh thuyền vào cảng Thị Nại bắn phá các đồn lũy hải quân của triều đình ta. Chúng cho quân vào cửa Làng Sông, theo nhánh sông Tọc (Bắc Phái sông Hà Thanh) tiến chiếm căn cứ của nghĩa quân Cần Vương trên núi Hàm Long (tục gọi là núi Trường Úc), cách đầm Thị Nại chừng 3 km. Nghĩa quân tuy thiệt hại nhiều nhưng cương quyết tử thủ, chống trả anh dũng. Võ Trứ, tướng lãnh Cần Vương, đã mô tả trận đánh qua bài Trường Úc Quan Thượng Hữu Cảm [18] 長 郁 關 上 有 感 (Cảm xúc viết trên ải Trường Úc):

Oanh thiên tặc pháo phá ngô doanh

轟 天 賊 砲 破 吾 營

Nghĩa sĩ huy đao thệ thủ thành.

義 士 揮 刀 誓 守 城 。

Huyết nhục cương ư đồng thiết đạn

血 肉 剛 於 銅 鐵 彈

Đan tâm khả sử quỷ thần kinh.

丹 心 可 使 鬼 神 驚。

Việt Thao dịch:

Rền trời súng giặc phá trại doanh

Nghĩa sĩ vung gươm quyết giữ thành.

Máu thịt đương đầu đồng sắt đạn

Lòng son thần quỷ khiếp lưu danh.

12 – Tướng Navarre lập kế hoạch bình định miền duyên hải Nam Trung Việt. Ngày 12 tháng 3 năm 1954 (Giáp Ngọ), ông cho mở cuộc hành quân Atlante đợt hai vào cửa biển Qui Nhơn, với lực lượng gồm 18 tàu thủy, 2 tàu đổ bộ, 4 trung đoàn thủy quân lục chiến và 1 tiểu đoàn công binh, có phi cơ, xe tăng và trọng pháo yểm trợ. Pháp thiết lập căn cứ quan trọng tại Qui Nhơn và bán đảo Phương Mai. Tàu chiến vào đầm Thị Nại, đổ quân đóng chốt ở các thôn Hội Lộc, Huỳnh Giản (phía bờ Đông); Vân Hà, Quảng Vân, Bình Thái, núi Trường Úc (phía bờ Tây); lập vành đai hỏa lực quanh Qui Nhơn, nhằm tiến chiếm tỉnh Bình Định bằng ba mặt: Thị Nại đánh lên để gặp cánh quân từ đèo An Khê đánh xuống, và từ Sông Cầu (Phú Yên) đánh ra. Nhưng thất bại, cánh quân Thị Nại phải rút về giữ Qui Nhơn.

H 6: Một góc phía Bắc đầm Thị Nại, nhìn từ bờ Tây tại Qui Nhơn.

(Ảnh: Việt Thao, tháng 3 năm 2002)

Sóng nước đầm Thị Nại hiền lành, với triền cát trắng mịn, có ai ngờ nơi đây đã nhiều phen nhuộm đỏ máu quân thù, lẫn máu của những chiến sĩ giữ nước, và mở nước. Trường Xuyên cảm khái qua bài thơ Hoài cổ, Quách Tấn chép vào Nước Non Bình Định [19]:

Thi [20] Nại xưa kia vũng chiến trường,

Nổi chìm thế sự mấy triều vương.

Non mây còn ngát hơi binh dữ,

Biển ráng chưa tan bọt máu hường.

Nhạn Lãnh [21] sóng vờn gương đế bá

Phương Mai rừng đắp vết tang thương.

Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại,

Lớp lớp xe ai rộn phố phường!

VII – TIỀM NĂNG KINH TẾ

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển VI, kỷ Trần Anh Tông (1293 – 1314), có chép việc Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chăm quốc, trước năm 1303, như sau: “Hôm sau, Đoàn Nhữ Hài treo bảng cấm về việc buôn bán ở Tì Ni (Thị Nại, chỗ bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn) tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo: ‘Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là chỗ bến tàu xung yếu, khó giữ gìn, sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất.’” [22]. Qua sự kiện Đoàn Nhữ Hài thấy cảng Thị Nại thuyền buôn ra vào tấp nập, không tiện an ninh cho đoàn sứ giả, nên yết thị tạm thời cấm buôn bán, chứng tỏ nơi đây là thương cảng phồn thịnh của Chiêm Thành có từ lâu, muộn nhất cũng đã 7 thế kỷ rồi.

Trong truyền thuyết cũng nói lên sự phồn thịnh của đầm Thị Nại qua cửa Cách Thử, cửa biển phía Bắc của đầm. Ngày xưa, thương nhân về đây buôn bán tấp nập, chẳng những khách mua hàng là người trần, còn có cả khách mua ở cõi âm, mắt phàm khó phân biệt được. Người bán hàng thường bị lỗ to vì tiền thu được, khi về nhà giở ra xem, toàn là giấy tiền và giấy vàng bạc (loại giấy đốt cho người chết, thay thế tiền bạc thật). Người ta mới nghĩ ra cách thử tiền ngay tại chỗ mua bán: bỏ tiền vào chậu nước, tiền của người thế gian làm bằng kim loại, tiền thật, tất phải chìm. Tiền của kẻ ở âm phủ là giả (giấy tiền vàng bạc) nên nổi. Do cách thử tiền nơi cửa biển này, người ta gọi luôn là cửa Cách Thử.

Ngày nay, ven đầm Thị Nại còn sót lại những địa danh nổi tiếng một thời buôn bán sầm uất như chợ Giã (Thị Giã), chợ Nại (Thị Nại), chợ Kỳ Sơn, chợ Gò Thị, vạn Gò Bồi, chợ Cách Thử. Tất nhiên đầm Thị Nại phải có tiềm năng kinh tế dồi dào, đủ sức hấp dẫn để hình thành những trung tâm thương mại trù phú này, ca dao đã ghi nhận:

Nước mắm Gò Bồi,

Trả nồi An Thái.

Về thủy sản, đầm Thị Nại có rất nhiều tôm cua, có đủ các loại cá nước mặn và nước lợ. Vì nhiều thức ăn nên cá trong đầm chóng lớn, béo hơn cá ngoài biển, gọi là cá bờ, được thị trường ưa thích. Cho nên chồng thường dặn vợ xuống đầm mua cho được cá ngon về phụng dưỡng cha mẹ, sự hiếu thảo ấy đã đi vào ca dao:

Em về dưới chợ Kỳ Sơn

Mua tôm mua cá đền ơn mẹ già.

Cá nục sống ở biển, nên trong đầm Thị Nại chỉ có vùng gần hải khẩu mới có cá ấy, nhưng rất ngon. Đúng với câu truyền khẩu “Cá nục Thị Nại ăn mãi không nhàm.

Ngoài nguồn thủy sản phong phú, dân địa phương quanh đầm, nhất là xã Phước Hoà, Phước Sơn, Phước Thuận chuyên nghề truyền thống nuôi tôm sú và tôm bạc. Diện tích nuôi tôm nước lợ mỗi ngày một tăng, toàn tỉnh có khoảng hơn 1200 hecta nhưng phần lớn ở đầm Thị Nại.

Nguồn lợi muối cũng đáng kể. Các thôn Lộc Hạ, Nhơn Ân, Bình Thái, Quảng Vân, Đông Định, Bình Thạnh, Hưng Thạnh đời đời chuyên nghề làm muối. Muối đầm Thị Nại sạch, trắng, mặn dịu, kết tinh lớn và đều hạt nên vào thời Minh Mạng, riêng thôn Hưng Thạnh đã có đến 32 mẫu 7 sào 13 thước 8 tấc 3 phân 1 ly ruộng muối biệt nạp cho triều đình, tương đương với 160.498 mét vuông tức hơn 16 hecta. Đó là theo số liệu của địa bạ triều Nguyễn. Còn theo tài liệu thống kê thì năm 1952, riêng xã Phước Hậu (có 3/13 thôn là ruộng muối) đã sản xuất 3420 tấn muối, trong 13.529 tấn muối của cả tỉnh. Ngày nay diện tích ruộng muối của đầm Thị Nại còn tăng lên nhiều, vào khoảng 100 hecta.

H 7: Đầm Thị Nại phía Tây Nam, góc phố nhà thờ Chánh Tòa.

(Ảnh trước năm 1975, Lê Cẩm Khoáng lưu trữ và cung cấp)

Về đặc sản quý hiếm, có yến sào. Ở cuối dãy Triều Châu, tức bán đảo Phương Mai, có mũi đá nhọn hoắt trực chỉ hướng Nam đâm thẳng ra biển, oai phong như một ngọn giáo, canh chừng lối vào cửa Thị Nại. Nơi đây, xứng đáng với tên gọi là Mũi Mác, lại còn gọi là Yến Chủy vì có chim yến xây tổ. Hằng năm khai thác yến sào vào khoảng 500 kg.

Về khoáng sản, đầm Thị Nại có mỏ dầu hỏa trữ lượng trung bình và còn non. Tuy vậy, ở vùng Phương Mai và Hội Giáo thỉnh thoảng có dầu trong các kẽ đá rỉ ra lẫn với nước, đem gạn lọc có thể thắp đèn được. Và ở Phương Mai có một lần dầu từ lòng đất trào lên làm chết cả hoa màu.

Nhưng điều đáng nói hơn hết, đầm Thị Nại là một hải cảng tốt. Vùng đầm phía Tây Bắc có thương cảng Gò Bồi, nằm trên cửa sông, nổi tiếng một thời. Ghe thuyền các nơi như Sông Cầu, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết lui tới buôn bán tấp nập. Cảng này còn có thể thông với đất Tây Sơn cũ, cả đường sông và đường bộ:

Anh về dưới vạn [23] Gò Bồi,

Bán mắm bán cá lần hồi cưới em.

(Ca dao)

Gò Bồi còn là bến cảng thu mua cá để làm mắm và nước mắm. Trước năm 1945, nơi đây có các vựa cá đồ sộ của bà Thủ Thính, bà Thủ Cự, bà Củng (thân mẫu ông Tàu Quăng), các nơi đều biết tiếng. Tiếng đồn nước mắm Gò Bồi, nhất là nước mắm cá cơm, cá nục, không kém nước mắm Nam Ô (Quảng Nam) và ngon hơn nước mắm Phan Thiết. Đặc sản này còn lưu mãi trong ca dao:

Gò Bồi có nước mắm cơm,

Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.

Vùng đầm phía Nam – Đông Nam có hải cảng dành cho các tàu lớn. Vùng này nước sâu đến 20 mét, đủ rộng cho nhiều thuyền bè cặp bến cùng lúc và thả neo trong nhiều ngày. Tàu trọng tải từ 5 đến 10 ngàn tấn cũng có thể ra vào an toàn.

VIII – GIÁ TRỊ PHONG THỦY

Dãy Phương Mai, còn gọi là dãy Triều Châu, kéo dài như một con rồng, đầu là vùng núi đá Phương Mai, Gành Hổ là nanh, Mũi Mác là sừng, Eo Vượt là cổ, dãy núi cát từ Giốc Ngựa đến Cách Thử là mình và phần đuôi kéo dài vài chục cây số đến cửa Đề Gi (huyện Phù Cát). Con rồng ấy án ngữ mặt Đông, suốt từ Nam ra Bắc, che chở cho đầm sóng êm bể lặng, mặc cho biển Đông gào thét trong những ngày mưa bão.

Cửa Thị Nại tức cửa Qui Nhơn là một hải khẩu lý tưởng, nước sâu và đủ rộng cho tàu biển vô ra. Rộng nhưng không trống trải, vì có mũi Cổ Rùa (phía Tây), giao đầu với mũi Gành Hổ (phía Đông), như hai cánh cổng trời khép lại, bảo vệ cho đầm Thị Nại vừa kín đáo vừa ấm cúng. Các nhà phong thủy rất đắc ý, khen là cuộc đất “thủy khẩu giao nha.” Thật vậy, tương lai của cảng Thị Nại đầy hứa hẹn, có khả năng hấp dẫn không những Tây Nguyên, Phú Yên mà cả Hạ Lào và miền Đông Bắc Cao Miên nữa.

H 8: Đầu con rồng là núi Phương Mai.

(Ảnh: Khổng Xuân Hiền, Cuongde.org)

Thành phố Qui Nhơn đã ôm ấp đầm Thị Nại, tạo nên sự trù phú. Đáp lại, đầm Thị Nại đã nuôi dưỡng Qui Nhơn chóng trưởng thành. Cái duyên hội ngộ giữa hai vùng đất ấy, không những bền vững với trời biển, mà mãi mãi còn trong lòng ca dao của dân tộc, và thi sĩ Quách Tấn đã chép vào Nước Non Bình Định:

Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát

Bãi Qui Nhơn mịn cát dễ đi,

Phương Mai, Gành Ráng tương tri

Ngâm câu “thủy tú sơn kỳ…” thảnh thơi.

San Jose, ngày 29- 9- 1997

Bổ chính lần 4: 11- 9- 2012

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Nguyễn Hữu Lộc, thông thạo chữ Nho, theo học ban Toán, và đỗ Tú tài Triết học dưới thời Pháp thuộc. Ông không ra làm quan, chỉ muốn cống hiến sở học của mình cho nền giáo dục. Ông vừa làm Hiệu trưởng vừa dạy nhiều môn ở “Nam Anh Học Hiệu” (trường Trung học Tư thục Đệ nhất cấp tại Qui Nhơn), vừa nhận dạy khế ước cho trường Công lập Collège de Quinhon. Ông bị Việt Minh xử bắn lúc 5 giờ chiều ngày 24- 2- 1952, tại Gò Rộng, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Trong thời Việt Nam Cộng Hòa (1955 – 1975), để tưởng nhớ một nhà giáo khả kính của Bình Định, ở thị xã Qui Nhơn có con đường mang tên ông, chạy dài dọc theo phi trường, từ ngã ba đường Nguyễn Huệ (phía biển) đến ngã ba đường Nguyễn Thái Học (phía núi). Những ai ở Khu Sáu, vùng Phi trường Qui Nhơn, ga xe lửa, bến xe đò… muốn đến trường Trung Học Vi Nhân, trường Sư Phạm Qui Nhơn, trường Trung Học Kỹ Thuật, phải qua con đường này, rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Huệ.

[2] Tên gọi hiện nay là Champa hay Chăm; còn có các tên khác như: Chăm Pa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Lâm Ấp, Hời (ít dùng). Người Việt quen gọi là Chàm (như: tháp Chàm, gò Chàm), hay Chiêm Thành (như: dân tộc Chiêm Thành, Chiêm quốc); người Champa gọi dân tộc họ là Chăm.

[3] Tỳ Ni: do chữ “Thi Li Bì Nại” được rút gọn lại và chuyển hóa từ ngữ.

[4] Các từ điển định nghĩa chữ “Nại” như sau:

– Huình (Huỳnh) Tịnh Paulus Của; Đại Nam Quấc (Quốc) Âm Tự Vị, Tome II: M – X (Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896); trang 63, ghi là: “Nại muối: Chỗ làm muối.”

– Hoàng Phê (chủ biên); Từ Điển Tiếng Việt (Hà Nội, Trung TâmTừ Điển Ngôn Ngữ xuất bản, 1992); trang 651. Và Nguyễn Như Ý (chủ biên); Đại Từ Điển Tiếng Việt (nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999); trang 1163; cả hai, đều ghi là: “Nại: Ruộng muối.”

[5] Thật ra tên gọi “Thị Nại” đã được phổ biến từ lâu, và có mặt trong văn học thành văn, qua các tài liệu, chẳng hạn:

– Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược; Imprimerie du Trung Bắc Tân Văn, 1920. Tái bản lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964. Sách đã dẫn, các trang 172, 398, 400.

– Bùi Văn Lăng; Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, in lần thứ nhì; Imprimerie de Quinhon, 1935. Sách đã dẫn, các trang 7, 10.

– Bùi Văn Lăng; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, Tác giả xuất bản, 1942. Sách đã dẫn, các trang 37, 42, 43.

– Hoa Bằng; Quang Trung Nguyễn Huệ Anh Hùng Dân Tộc; xuất bản 1944 tại Hà Nội; Sài Gòn, nxb Bốn Phương tái bản, 1958; Đại Nam tái bản không đề năm. Sách đã dẫn, trang 50.

– Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Định; Địa Phương Chí Tỉnh Bình Định; Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Định biên soạn và ấn hành, 1966. Sách đã dẫn, các trang 6, 8, 9.

– Trịnh Vân Thanh; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển; Gia Định, Tác giả xuất bản, 1966. Quyển I, sách đã dẫn trang 680; Quyển II, các trang 1446, 1453.

– Quách Tấn biên soạn thời Việt Nam Cộng Hòa; Tìm hiểu Bình Định; bản đánh máy lưu giữ ở Thư Viện Qui Nhơn. Sách đã dẫn, các trang 2, 3, 9.

– Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển IV; Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1968. Sách đã dẫn, các trang 201, 202, 215.

– Đặng Qúy Địch; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971. Sách đã dẫn, các trang 82, 83.

– Nguyễn Huyền Anh; Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, tái bản lần thứ 3; Sài Gòn, nhà sách Khai Trí, 1972. Sách đã dẫn, các trang 189, 630, 642.

– Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973. Sách đã dẫn; các trang 9, 11, 12.

– Đào Văn A & Cao Văn Chư; Văn Học Dân Gian Nghĩa Bình, Tập I; Qui Nhơn, Sở Văn Hóa Thông Tin Nghĩa Bình, 1986. Sách đã dẫn, các trang 28, 42.

– Đông Tiến; Nước Tôi Dân Tôi; San Jose, nxb Đông Tiến, 1992. Sách đã dẫn, trang 425.

– Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế; Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992. Sách đã dẫn, các trang 387, 945.

– Hoàng Chương & Nguyễn Có; Bài Chòi Và Dân Ca Bình Định; không đề nơi, nxb Sân Khấu, 1997. Sách đã dẫn, các trang 210, 301.

– Đỗ Bang & Nguyễn Tấn Hiểu; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; nxb Thuận Hóa, 1998. Sách đã dẫn, các trang 202, 203, 204.

– Vũ Ngự Chiêu; Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Tập 1; Houston, nxb Văn Hóa, 1999. Sách đã dẫn, trang 35.

– Lam Giang Nguyễn Quang Trứ; Vua Quang Trung; không đề nơi, nxb Thanh Niên, 2001. Sách đã dẫn, các trang 144, 146, 154.

– Hoàng Cơ Thụy; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 2; Paris, nxb Nam Á, 2002. Sách đã dẫn, các trang 913, 914, 915.

– Quách Tấn & Quách Giao; Nhà Tây Sơn; San Jose, nxb An Tiêm, 2003. Sách đã dẫn, các trang 193, 195, 206.

– Trần Gia Phụng; Nhà Tây Sơn; Toronto (Canada), nxb Non Nước, 2005. Sách đã dẫn, các trang 232, 233.

[6, 7] Quách Tấn; Nước Non Bình Định (Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967); trang 105, 186.

[8] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch , Tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 42.

[9] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên – Đệ nhất kỷ, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Tập 2 (Hà Nội, nxb Sử Học, 1963), trang 172; và Đại Nam Thống Nhất Chí; bản dịch, Tập 3, trang 26.

[10, 11] Đỗ Bang và Nguyễn Tấn Hiểu; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn (Qui Nhơn, nxb Thuận Hóa, 1998); trang 80, 79.

[12] Thuộc là đơn vị hành chánh cấp cơ sở dưới cấp huyện và trên cấp xã, ấp, thôn. Thuộc tương đương cấp tổng và gồm nhiều ấp họp lại. Dưới thời chúa Nguyễn, những vùng đất mới khai phá ở nơi gần núi hay ven biển của các tỉnh miền Nam Trung phần thì lập làm thuộc. Thời ấy, phủ Thăng Hoa có 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, Phủ Qui Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển IX, tái bản lần thứ nhất, Tập 1, bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh hiệu đính; trang 140). Dưới thời Gia Long (1802 – 1819) và đầu đời Minh Mạng vẫn còn dùng đơn vị hành chánh này. Năm 1832, Minh Mạng đổi “thuộc” thành “tổng.”

[13] Ngày 30- 4- 1930, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định nâng thị xã Qui Nhơn lên thành phố Qui Nhơn và trực thuộc tỉnh Bình Định. Công sứ Bình Định kiêm nhiệm chức Đốc lý, có hội đồng thành phố và ngân sách riêng (Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, bản in lần thứ 2; Tập 2, trang 186).

[14] Nguyên thước của ta có nhiều loại: 1 thước mộc bằng 0 mét 424 (tức 42 cm 4), 1 thước ruộng bằng 0 mét 4664 (tức 46 cm 64), 1 thước vải bằng 0 mét 636 (tức 63 cm 6). Để thống nhất về độ dài, năm 1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer qui định 1 thước ta bằng 0 mét 400 (tức 40 cm) và 1 trượng bằng 4 mét.

[15] Châu Bố Chánh, nay là đất các huyện: Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch. Châu Địa Lý là huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh ngày nay, đều thuộc tỉnh Quảng Bình. Châu Ma Linh, nay là huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

[16] Nam Phái: Dòng sông Côn chảy qua khỏi thị tứ An Thái (thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc) chừng 500 mét rồi chia làm hai: nhánh chảy về hướng Đông Nam, gọi là Nam Phái; nhánh chảy ra hướng Đông Bắc gọi là Bắc Phái. Nhánh Nam Phái chảy chừng 1 cây số, gần tới Phụ Ngọc (Nhơn Phúc) và Quang Quang (Nhơn Khánh) lại phân đôi: một nhánh chảy vòng dọc theo phía Bắc thôn Quang Quang và hướng thẳng về Đông, gọi là Trung Phái; nhánh kia chảy vào Phụ Ngọc và thẳng hướng Đông Nam chừng vài cây số nữa rồi xuôi về Đông vẫn mang tên gọi là Nam Phái.

[17] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, Hoàng Văn Lâu dịch, Quyển 2 (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã hội, 1993); trang 161.

[18] Căn cứ vào bản phiên âm trong tập “Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập I,” trang 166, chúng tôi tạm phục chế nguyên tác bài thơ bằng chữ Nho, có thể không khỏi sai lầm, kính mong các bậc cao minh chỉ bảo cho.

[19] Quách Tấn, sách đã dẫn, trang 196.

[20] Quách Tấn căn cứ vào sách cổ, chép là “Thi Nại” (chữ Thi không dấu nặng). Nhưng địa danh này đã có sự chuyển hóa về ngữ học, từ tên gọi Thi Nại (chữ “Thi” không dấu nặng) đến Thị Nại (chữ “Thị” có dấu nặng), xem các tiểu mục: “Vấn đề tên gọi, Hiện tượng chuyển hóa, Và chuyển hóa từ lúc nào?”; nơi trang 1 & 2 của bài này.

Nếu gọi theo tên cũ là đầm “Thi Nại” (“Thi” không dấu nặng) cũng được, vì có ghi trong sách xưa; nhưng gọi là “Thị Nại” (chữ “Thị” có dấu nặng) thì được phổ cập hơn, sát với thực tại và nhất là gần gũi với mọi người.

Trở lại trường hợp Quách Tấn, ngoài tác phẩm “Non Nước Bình Định” xuất bản năm 1967; sau đó, ông còn 2 tác phẩm khác, cũng chuyên đề về tỉnh nhà. Đó là: Bản thảo địa phương chí còn ở dạng đánh máy được gọi là “Tìm Hiểu Bình Định,” và một tác phẩm nữa có tên là “Nhà Tây Sơn” đã xuất bản. Điều đáng nói, hai tác phẩm này khi nhắc đến tên cái đầm thuộc địa phận Qui Nhơn và Tuy Phước đều chép là “đầm Thị Nại,” chữ “Thị” có dấu nặng. Sự thay đổi này, chứng tỏ tác giả công nhận hiện tượng chuyển hóa là hợp lý.

[21] Nhạn Lãnh tức Nhạn Châu Lãnh, tên của vùng núi tại Gành Ráng (Qui Nhơn).

[22] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sách đã dẫn, trang 87.

[23] Vạn: làng ở cửa sông của những người đánh cá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ DƯƠNG KINH QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, bản in lần thứ 2, Tập 1 (1858- 1918) và Tập 2 (1919- 1945); Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.

02/ ĐÀO TẤN; Tiên Nghiêm Mộng Mai Ngâm Thảo, Nữ nhi Trúc Tiên, Chi Tiên đồng ký lục, Tịnh Ba phụng sao; Sài Gòn, tài liệu chép tay, 1964.

03/ ĐINH VĂN HẠNH; Tên Gọi Thị Nại Qua Các Thời Kỳ Lịch Sử; chi tiết về xuất bản bị thất lạc.

04/ ĐỖ BANG và NGUYỄN TẤN HIỂU; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; Huế, nxb Thuận Hóa, 1998.

05/ HOÀNG PHÊ (chủ biên); Từ Điển Tiếng Việt; Hà Nội, Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ xuất bản, 1992.

06/ HUÌNH (HUỲNH) TỊNH PAULUS CỦA; Đại Nam Quấc (Quốc) Âm Tự Vị, Tome II: M – X; Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896.

07/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều NguyễnBình Định, 3 tập; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.

08/ NGUYỄN NHƯ Ý (chủ biên); Đại Từ Điển Tiếng Việt; Không đề nơi, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.

09/ ĐÀO VĂN & 2 tgk sưu tầm và biên soạn; Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập 1; Qui Nhơn, Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1981.

10/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, bộ 7 quyển; Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1959 – 1972

11/ PHAN KHOANG; Xứ Đàng Trong 1558 – 1777; Sài Gòn, Khai Trí, 1970.

12/ QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.

13/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Tập 3; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

14/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Tập 1; Hà Nội, nxb Sử học, 1962.

14/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển IX, tái bản lần thứ nhất, Tập 1, bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh hiệu đính; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2007.

15/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục Chính Biên – Đệ nhất kỷ, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Tập 2; Hà Nội, nxb Sử Học, 1963.

16/ QUỐC SỬ VIỆN TRIỀU LÊ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, 27 quyển; bản dịch ấn hành thành 4 tập: Ngô Đức Thọ dịch Tập 1 (10 quyển), Hoàng Văn Lâu dịch Tập 2 (9 quyển), Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch Tập 3 (8 quyển), Tập 4 sao chụp nguyên văn chữ Nho; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993.

17/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.