Những Sắc Thái Riêng Biệt Trong

Tín Ngưỡng Dân Gian Miền Nam

Lâm Vĩnh Thế

Người Việt Nam nói chung là một dân tộc rất coi trọng tín ngưỡng. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên trong nhà, người Việt Nam còn thờ phượng rất nhiều thần linh trong nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau, trong đó Đình là một cơ sở mang đặc tính văn hóa tiêu biểu của người Việt. Mổi làng, đơn vị dân cư căn bản của người Việt, đều có một ngôi đình để thờ Thành Hoàng bổn cảnh, vị thần được sắc phong của vua có nhiệm vụ che chở cho dân làng.

Tổ tiên của người Việt vùng Đồng Bằng Đồng Nai – Cửu Long (sau đây sẽ viết tắt là ĐBĐNCL), những lưu dân từ Đàng Trong đã vào khai phá, lập nghiệp ở vùng nầy trong các thế kỷ 17 và 18, cũng đã tiếp tục truyền thống văn hoá Việt nầy. Họ cũng lập làng, dựng đình và thờ Thành Hoàng. Tuy nhiên, cũng giống như trong các nét văn hoá khác trong vùng ĐBĐNCL, những lưu dân nầy đã tạo ra những biến đổi trong văn hoá Việt về phương diện tín ngưỡng.[1]

Bài viết nầy cố gắng ghi lại những sắc thái riêng biệt của văn hoá tín ngưỡng dân gian trong vùng ĐBĐNCL.

Những Cơ Sở Của Biến Đổi Văn Hóa

Biến Đổi Tâm Thức Của Những Lưu Dân

Theo dòng Nam Tiến của dân tộc, những lưu dân Đàng Trong trong quá trình xuôi Nam nầy, do hoàn cảnh phải đương đầu với những khó khăn lớn lao về mọi mặt, đã phải tự tạo cho mình một bản lãnh anh hùng độc đáo, dám nghĩ, dám làm, hoàn toàn không quá câu nệ vào tập tục truyền thống. Cá tính phóng khoáng nầy, mà người viết xin tạm gọi là vượt qua tâm thức lũy tre xanh, một phần nữa cũng do ảnh hưởng địa lý của vùng đất mới đem lại. Cái không gian mênh mông, hùng vĩ, như của thời hồng hoang, (mà Châu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên (thế kỷ 13), đã mô tả trong quyển Chân Lạp Phong Thổ KỶ của ông như sau: “Trên các dải đồng hoang, hàng trăm ngàn trâu rừng tụ họp thành bầy, đàn” [2]) của ĐBĐNCL làm sao không ghi lai những dấu ấn đậm nét trong tâm thức của những lưu dân nầy. Cụm từ “địa linh nhân kiệt” mang một ý nghĩa vô cùng thực tiển trong trường hợp nầy.

Sự biến đổi tâm thức nầy vô cùng quan trọng vì tư tưởng là cơ sở tạo ra hành động. Trên con đường đi tìm một cuộc sống mới trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, người lưu dân không thể hành động rụt rè, dựa trên lối mòn của những nếp suy nghĩ cũ kỷ, trên sách vở cổ điển. Giống như thế hệ của chúng ta hiện nay, bị bứng ra khỏi môi trường thuần Việt sau ngày 30-4-1975 và phải vượt qua những khó khăn của một môi trường sinh sống hoàn toàn xa lạ, tổ tiên của chúng ta đã phải chấp nhận những cái mới để có thể sinh tồn. Cái mới ở đây là những cái gì? Gần như tất cả mọi thứ đều là mới hết. Từ những điều kiện khách quan như địa lý, khí hậu, đất đai, môi trường, các nền văn hoá bản địa, cho đến những điều kiện chủ quan, như tâm thức, tâm lý và tâm cảnh của lưu dân, tất cả đều mới hết. Vượt lên trên tất cả những cái mới nầy, tâm thức mới là yếu tố quyết định hàng đầu. Tâm thức mới nầy nẩy nở được phần lớn cũng do nơi cá tính tâm lý đã có sẳn nơi những lưu dân. Cho dù họ là những quan quân được chỉ định vào Nam để mở dinh điền, hay là những nông dân nghèo vùng Thuận-Quảng, muốn tìm một cuộc sống mới sung túc hơn đồng thời tránh xa cuộc nội chiến Nam-Bắc, hoặc là những tội đồ phải lưu xứ, mẫu số chung về tâm lý của họ là những người thích “phiêu lưu, mạo hiểm, tự do, phóng túng, ít chịu cúi đầu thần phục trước uy quyền, cũng như ít bị ràng buộc vào khuôn khổ phong kiến.” [3] Nói một cách khác, họ là những người không chịu khuất phục trước những khuôn khổ của vùng đất cũ. Vì vậy họ có thể dễ dàng chấp nhận những cái mới, vượt ra ngoài khuôn khổ của những truyền thống của vùng đất cũ.

Ảnh Hưởng Của Khung Cảnh Địa Lý

Trong cuộc Nam Tiến, người lưu dân Đàng Trong, sau khi vào đến vùng ĐBĐNCL, chắc chắn không khỏi bàng hoàng trước không gian mênh mông của vùng đất mới nầy, vì trước đó, trong hàng thế kỷ, tầm nhìn của họ đã bị khép chặt lại bởi dải Trường Sơn trên những cánh đồng duyên hải chật hẹp. Không những mênh mông, ĐBĐNCL còn là một vùng đất phì nhiêu với tài nguyên vô cùng phong phú, khác hẳn với các cánh đồng duyên hải chật hẹp, nghèo nàn của vùng Thuận-Quảng. Cuộc sống của người lưu dân trong vùng đất mới, tuy có rất nhiều khó khăn lúc đầu trong việc khai khẩn, nhưng rõ ràng là sung túc hơn rất nhiều so với trước đó. Câu nói đã truyền tụng trong dân gian Miền Nam, làm chơi ăn thiệt, đâu phải là không có cơ sở. Do cuộc sống tương đối dễ dàng hơn rất nhiều so với cuộc sống ở vùng đất cũ, cá tính tâm lý của người lưu dân cũng dần dà biến đổi, trở nên rộng rãi, phóng khoáng hơn. Lại nữa, trong cuộc đấu tranh gian khổ với thiên nhiên, người lưu dân luôn luôn cần có bè bạn để giúp đở nhau cùng vượt qua khó khăn. Nhu cầu sinh tồn nầy dần dà cũng tạo ra trong người lưu dân tính nghĩa hiệp, sẳn sàng giúp đở những người chẳng may lâm nạn. Câu kiến nghĩa bất vi [4] đã trở thành một mẫu mực sống của người dân ĐBĐNCL.

Sự Tiếp Xúc Với Các Nền Văn Hóa Bản Địa

Khởi đi từ vùng Thuận Quảng, người lưu dân Việt đã được tiếp cận với một số nền văn hoá bản địa phi-Việt. Trước hết là văn hóa Chiêm Thành. Mặc dù bị Đại Việt đánh bại về phương diện quân sự (và sau đó sẽ bị bại vong luôn), Chiêm Thành đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa Việt, đặc biệt là về âm nhạc và tôn giáo. Riêng về phương diện tôn giáo, tín ngưỡng (đề tài của bài viết nầy), nhiều thần linh của Chiêm Thành đã được lưu dân Việt tiếp nhận và thờ phượng. Sau khi tiến vào lưu vực Đồng Nai, lưu dân Việt chính thức tiếp cận với một nền văn hoá bản địa phi-Việt mới: đó là văn hóa Chân Lạp, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn, với một tôn giáo đa-thần vô cùng phong phú. Tuy không phải chịu chung số phận bị diệt vong hoàn toàn như Chiêm Thành, Chân Lạp cũng phải chịu lùi bước trước sức Nam Tiến của dân tộc Việt. Mặc dù vậy, Chân Lạp cũng tạo ra được những dấu ấn quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Trong khía cạnh ảnh hưởng của các nền văn hóa bản địa phi-Việt nầy, người viết nghĩ rằng cũng nên kể đến những đóng góp rất quan trọng của người Minh Hương. Người Minh Hương là một cụm từ dùng để chỉ chung tất cả những người thuộc sắc tộc Hoa đã rời bỏ đất nước họ sang tỵ nạn chánh trị tại Đàng Trong vào hậu bán thế kỷ 17 (1679)[5] sau khi nhà Minh bị bại vong và nhà Thanh thiết lập được chính quyền tại Trung Hoa. Điều quan trọng cần lưu ý là về sau họ hoàn toàn hội nhập vào cuộc sống tại quê hương mới và trở thành những công dân Việt (khác hẳn với người Hoa Kiều nhập cư vào Việt Nam trong thời Pháp thuộc). Họ đã cung ứng nhiều yếu tố rất tích cực vào văn hoá Việt nói chung và tín ngưỡng dân gian Việt nói riêng. Riêng tại Saigon hiện nay vẫn còn một ngôi đình rất lớn và cổ kính của người Minh Hương (tái thiết lần cuối cách đây đã trên 100 năm).[6]

Sắc Thái Riêng Biệt Của Tín Ngưỡng Dân Gian ĐBĐNCL

Cũng giống như người Việt tỵ nạn hiện nay ở khắp nơi trên thế gới, người lưu dân Đàng Trong, trong cuộc xuôi Nam trong các thế kỷ 17, và 18, đã ra đi mang theo quê hương. Cụ thể nhứt của việc nầy là cách đặt tên cho những vùng đất mới bằng tên của các vùng đất cũ ở quê hương mình. Tháng hai năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyển Phúc Chu (Quốc Chúa, 1675-1725) phái vào kinh lược đất Chân Lạp.[7] Về phương diện hành chánh, Ngài lấy xứ Đồng Nai làm Huyện Phước Long, dựng Dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), và lấy xứ Sài Côn làm Huyện Tân Binh, dựng Dinh Phiên Trấn (Sàigon ngày nay).[8] Làng Phước Long, thuộc Huyện Tân Bình, xứ Quảng Bình chính là nơi chào đời của Ngài. Về sau, người Miền Nam thường tự hào rằng mình là dân hai huyện chính là để chỉ hai huyện Phước Long và Tân Bình nầy. Sự tri ân của người Miền Nam đã thể hiện rất đậm nét qua sự kiện gần như khắp nơi ở Miền Nam đều có đền thờ quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Sự tôn kính của người Miền Nam đối với quan Chuởng Cơ còn thể hiện qua cả ngôn ngữ hằng ngày: người Miền Nam kiêng cử chữ Cảnh, và nói trại đi là kiển(g).[9] Ở Sài Gòn hiện nay vẫn còn ngôi đình mang tên là Đình Tân Kiển(g), tọa lạc tại số 718/10 đường Trần Hưng Đạo A, thuộc Phường 2, Quận 5. Tên húy của Ngài là Kính cũng được dân chúng Miền Nam kiêng cử và gọi trại đi là Kiến(g). Từ đó người Miền Nam luôn luôn dùng chữ kiếng thay cho chữ kính, như tấm kiếng, tủ kiếng, lộng kiếng. Người dân Miền Nam chỉ gọi ngài là Quan Chưởng Cơ và danh xưng nầy được đặt cho một số địa danh ở vùng đồng bằng sông Cữu Long (Cù Lao Ông Chưởng) và đi vào ca dao Miền Nam như:

Lắng nghe quạ nói với diều

Cù Lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm

Ngoài việc đặt tên đất để nhớ đến quê hương của mình, người lưu dân còn cố gắng duy trì nền văn hóa của mình trên quê hương mới, thể hiện rõ nét qua việc thực hiện chế độ dinh điền (đã thành công qua bao thế hệ ở vùng Thuận-Quảng), khai khẩn đất đai (để trồng lúa), lập làng (để sống quần tụ với nhau), và cất đình (để thờ phượng thần linh của mình). Tuy nhiên, trong cung cách thể hiện nếp sống văn hóa của mình, người lưu dân, với tâm thức mới, trong khung cảnh địa lý mới, cũng như với ảnh hưởng của các nền văn hóa bản địa, đã có những sáng tạo độc đáo, tạo ra được những sắc thái rất đặc biệt trong văn hóa tín ngưỡng dân gian, mà Đàng Ngoài không có. Chúng ta cố gắng tìm hiểu những sắc thái riêng biệt nầy qua hai phương diện: hệ thống thần linh và cơ sở vật chất, mà đình là cơ sở quan trọng nhứt.

Hệ Thống Thần Linh

Là con dân trung thành của Chúa Nguyễn, người lưu dân Đàng Trong không mang tâm trạng “hoài Lê” như dân Đàng Ngoài. Thực tế nầy đã đưa đến việc Nhà Nguyễn về sau tin dùng người Nam Hà hơn là người Bắc Hà, thậm chí các vua Nhà Nguyễn chỉ chọn người chính thất là người Nam mà thôi. Từ tâm lý “không hoài Lê” nầy, người lưu dân Đàng Trong, tuy không chối bỏ, nhưng cũng không cảm thấy bị hoàn toàn ràng buộc vào hệ thống thần linh của Đàng Ngoài. Họ du nhập tương đối thoải mái các thần linh của các văn hóa bản địa mà họ đã tiếp cận trên đường Nam Tiến.

Nói chung, hệ thống thần linh của dân tộc Việt, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa dựa trên Tam Tài là Thiên-Địa-Nhân, luôn luôn bao gồm ba bộ phận: Thiên Thần (các thần có nguồn gốc thiêng liêng, từ cỏi trên–Thiên– xuống), Nhiên Thần (các thần tượng trưng cho các sức mạnh của thiên nhiên–Địa– như Sơn Thần, Thủy Thần, Thổ Thần), và Nhân Thần (các thần có nguồn gốc là người-Nhân–nhưng do hành trạng đặc biệt đã được tôn vinh lên bực thần). Hệ thống thần linh của người Miền Nam cũng không vượt ra ngoài tính cách chung nầy. Tuy nhiên, hệ thống thần linh của Miền Nam, so với hệ thống của Miền Bắc, có “số lượng ít, chủ yếu gắn bó với các giai đoạn lịch sử từ thời các Chúa Nguyễn về sau.” [10]

Thiên Thần

Trong khối Thiên Thần, những vị thần được thờ phượng phổ biến ở lưu vực sông Hồng, như Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), vv, gần như vắng mặt trong hệ thống Miền Nam. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các vị nầy có thể được nhắc nhở đến trong các bài văn tế khi lễ hội. Một khác biệt quan trọng nữa là trong khối thiên thần ở Miền Nam ta thấy thiếu vắng hẳn những “Phúc Thần.” Nhà nghiên cứu văn hoá Miền Nam lảo thành nổi tiếng Sơn Nam đã khẳng định: “Ở đồng bằng sông Cửu Long, chẳng nghe nói đến hai tiếng phúc thần.” [11] Thay vào đó, các thiên thần của các văn hoá bản địa Chiêm Thành và Chân Lạp đã được chấp nhận và đưa vào hệ thống thần linh của Miền Nam. Trong số nầy đặc biệt nhứt là Thánh Mẫu Pô Nagar của người Chiêm Thành đã được “Các vua triều Nguyển ban sắc phong là: Hoàng huệ, phổ tế, linh cảm, diệu thông, mặc tướng, trang huy, Dực bảo, trung hưng, Thiên-Y-A-Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần.” [12] Vị nữ thần nầy được người Việt gọi dưới nhiều tên khác nhau như Thiên Y A Na, Diễn Ngọc Phi, Vân Hương Thánh Mẫu, Chúa Ngọc, Chúa Tiên. Đền thờ của vị Thánh Mẫu nầy tập trung nhiều nhứt trong tỉnh Khánh Hòa, phần lớn được giữ gìn bởi cả người Chàm lẩn người Việt. Ngôi đền lớn nhứt thờ vị nữ thần nầy là Tháp Bà ở Nha Trang vẫn còn bia đá dựng vào năm Tự Đức thứ 9 (1856) trên đó có khắc bài bia ký ghi lại thần tích của Bà do chính cụ Phan Thanh Giản viết ra.[13] Vào đến ĐBĐNCL, dân chúng thuần Việt đã phổ biến sự thờ phượng vị Thánh Mẫu nầy vào tận đơn vị gia đình, với bài vị và bàn thờ đơn giản trong nhà và gọi là Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên. Hiện tượng thờ Thánh Mẫu nầy ta còn tìm thấy ở rất nhiều địa phương trong vùng ĐBĐNCL, như Bà Đen ở Miền Đông và Bà Chúa Xứ ở Miền Tây. “Tục lệ thờ Bà phổ biến ở Nam Bộ lấy núi Bà Đen ở Tây Ninh làm trung tâm điểm; điện thờ Linh Sơn thánh mẫu, bên sườn ngọn núi cao nhất Nam Bộ.” [14] Tên mới nầy của Thánh Mẫu là do việc triều đình nhà Nguyễn đã ban cho núi Bà Đen tên chữ là Linh Sơn vào năm Tự Đức thứ ba (1850).[15]

Nhiên Thần

Trong khối Nhiên Thần, sắc thái riêng biệt của tín ngưỡng dân gian Miền Nam là thờ Thần Ngũ Hành (trong đó Thổ Thần mà người Miền Nam thường gọi là Thổ Địa hay nôm na hơn nữa là Ông Địa–chiếm địa vị quan trọng nhứt), Thần Hổ và Thần Cá Voi.

Đối với Thần Ngũ Hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ) thông thường thì tất cả được thờ chung, nhưng cũng có nơi thờ riêng hoặc đặt trọng tâm vào một vị, thí dụ “như vùng nào thường xảy ra hỏa hoạn thì hành Hỏa được lập miếu thờ, vùng sông nước lại thờ hành Thủy, vùng trồng lúa thì hành Thổ được tôn vinh.” [16] Vùng ĐBĐNCL là một vùng trồng lúa nên Thổ Thần được đặc biệt tôn vinh. Tuy nhiên, do tâm thức mới, người nông dân Miền Nam đã vượt qua cái khuôn khổ cứng ngắt của tập tục thờ phượng ở Đàng Ngoài, và tiếp cận với Thổ Thần một cách “thân tình” hơn rất nhiều. Họ mạnh dạn gọi Thổ Thần là Ông Địa, và đưa vào thờ trong nhà (tuy cũng có làng vẫn còn có Miếu Thổ Địa hoặc riêng rẽ hoặc là một phần của Đình làng). Họ tự động xuống cấp Thổ Thần, không còn nghĩ rằng Thổ Thần là một vị Thần chịu trách nhiệm cho cả địa phương nữa, mà xem như là một gia thần, chỉ lo bảo vệ cho nhà cửa của mình mà thôi. Bàn thờ Ông Địa thật khiêm tốn, để ngay dưới đất và gần cửa ra vào. Tuy nhiên sự tôn kính và tin tưởng đối với Ông Địa thì vẫn tuyệt đối. Hàng ngày người ta đều có lễ vật dâng cúng Ông Địa, khi thì nải chuối, khi thì phong bánh. Hể mất mát tài vật gì trong nhà thì người dân đều vái Ông Địa để Ông Địa chỉ cho tìm ra vật bị mất đó. Ỡ một vài nơi người dân còn nhờ Ông Địa trong việc cầu mưa, và trong việc nầy, thậm chí người ta còn hành hạ Ông Địa cho tới khi nào được vừa ý mới thôi. [17]

Thần Hổ cũng là một nhiên thần được thờ phượng tại rất nhiều địa phương trong ĐBĐNCL. “Có thể nói, trang sử thứ nhất của vùng Sài Gòn Gia Định do người Việt, Khmer, Chăm, Hoa viết nên bắt đầu từ những ngày đánh cọp để tồn tại.” [18] Khi khai phá vùng đất mênh mông nhưng hoang vu của vùng Đồng Nai cũng như những đầm lầy vô tận của vùng cực Nam, người lưu dân Đàng Trong không những phải đương đầu với những khó khăn với cuộc đất mà còn phải đối phó với nhiều loại thú dữ mà cọp là mối đe dọa thường xuyên nhứt. Tâm lý sợ cọp (mà cũng quyết tâm đánh thắng nó) đã đưa đến việc thờ Thần Hổ trong phần lớn đình làng ở Miền Nam. Ngày nay chúng ta vẫn còn có thể gặp rất nhiều ngôi đình ở Miền Nam có tấm bình phong trước cổng có đấp hình cọp, mà dân chúng thường gọi là bia Ông Hổ.

Một nhiên thần nữa cũng được thờ phượng trong các đình làng ở Miền Nam, phần lớn là tại các làng đánh cá dọc theo bờ biển từ Miền Trung trở vào trong Nam, là Thần Cá Voi. Ở Miền Trung, thần Cá Voi thường được gọi là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, trong sắc phong thường ghi là “Nam Hải cự tộc ngọc lân, gia tăng từ tế, chương linh, trợ tín, trừng phạm, phu ứng, Dực bảo trung hưng hoằng hợp, thượng đẳng thần.” [19] Vào trong Nam, Thần Cá Voi thường được sắc phong là “Nam Hải đại tướng quân, mà ngư dân rất sung bái.” [20] Lý do người Miền Nam thờ phượng Thần Cá Voi là hoàn toàn ngược lại với lý do thờ Thần Hổ. Nông dân thờ Cọp vì sợ nó; nhưng ngư dân thờ Cá Voi vì tin rằng Cá Voi cứu mạng họ khi lâm nguy người biển. Hài cốt cá voi được bảo quản rất kỷ lưởng tại các đình.

Nhân Thần

Trong khối Nhân Thần, các nhân vật lịch sử có công lao trong việc khai phá Miền Nam chiếm một số lượng rất lớn. Trong số nầy, Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chưởng Cơ Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đứng hàng đầu. Riêng Đức Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu hiện có đền thờ tại rất nhiều địa phương như: Quảng Bình, Biên Hòa, Cần Thơ, Định Tường, Châu Đốc, Long Xuyên, Sài Gòn (trong Đình Minh Hương Gia Thạnh của người Minh Hương).[21] Bên cạnh nhóm nhân vật có công lớn trong việc khai phá Miền Nam là nhóm các vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, như Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (ở xã Bình Hòa, Gia Định, mặc dù không có sắc phong của triều đình), Đức Tiền Quân Nguyễn Huỳnh Đức (đại thần duy nhứt từng làm Tổng Trấn cả Bắc Thành, thay thế Nguyển Văn Thành, và Gia Định Thành, thay thế Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, thờ ở đình Ưu Long, quận 8, Sài Gòn), Võ Di Nguy (thờ ở đình Phú Nhuận, Sài Gòn) vv. Kế tiếp là các anh hùng chống Pháp như Trương Định (Gò Công), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Phan Thanh Giản (Vĩnh Long), vv. Ngoài ra rất nhiều làng ở Miền Nam cũng thờ cả những vị có công lập làng, xã, thường được gọi là Tiền Hiền, Hậu Hiền, Khai Canh, Khai Khẩn. Tuyệt đối ở Miền Nam không có tục thờ các tà thần (thí dụ như dâm thần, thần ăn trộm) như ở Miền Bắc. Ở đây cũng nên ghi nhận đóng góp của người Minh Hương trong việc thờ Ông, thờ Bà của dân chúng Miền Nam. Ông ở đây là Quan Vân Trường, hay Quan Công, một trong ba nhân vật “Đào Viên kết nghĩa” của truyện Tam Quốc. Ngài được người Hoa thờ phượng vì Ngài là biểu tượng tối cao của các đức tính “Trung Can Nghĩa Khí.” Ngài thường được tôn xưng là Quan Thánh Đế Quân. Bà ở đây là Bà Thiên Hậu, “một nhân vật huyền thoại trong lịch sử Trung Hoa dưới triều Tống” thường hiển hiện cứu giúp những người bị đắm thuyền. Đời Thanh, Bà được phong là “Thiên Hậu thánh mẫu” [22] Hiện nay tại Miền Nam rất nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có nhiều người Hoa, người Minh Hương, vẫn tiếp tục việc thờ phượng hai vị Nhơn Thần nầy trong các cơ sở tôn giáo gọi là Chùa Ông, Chùa Bà. Riêng tại Sài Gòn hiện nay có khoảng 30 ngôi chùa của người Hoa, trong đó có 3 ngôi Chùa Bà. Riêng Quan Công hay Quan Thánh Đế Quân còn được thờ trong một số Đình. Ngoài ra cũng có một số Chùa Ông được xây dựng để thờ “Ông Bổn.” Ông Bổn, hay Bổn Đầu Công, là danh xưng người Hoa sử dụng để chỉ vị Thái Giám tên là Trịnh Hòa đã được vua nhà Minh (niên hiệu Vĩnh Lạc, 1403-1424) phái chỉ huy một đoàn thương thuyền lớn du hành khắp vùng Đông Nam Á để giao thương cũng như truyền bá văn hóa Trung Hoa. [23]

Định Chế Hóa Hệ Thống Thần Linh

Vua Gia Long, sau khi xác lập được quyền uy tuyệt đối trên toàn cỏi giang sơn đã thống nhứt, vẫn không quên những năm tháng ở đất Gia Định của mình, đầy truân chuyên, gian khổ nhưng luôn luôn được Thần Linh che chở, giúp cho Ngài luôn thoát được những cuộc vây hãm của quân tướng Tây Sơn. Năm thứ ba niên hiệu Gia Long (1804), Ngài quyết định phong tặng “bách thần” và chia Thành Hoàng ra làm ba hạng: Thượng Đẳng, Trung Đẳng và Hạ Đẳng. Nhà vua cũng quy định các loại chữ dùng để phong tặng cho bách thần gọi là mỹ tự, thí dụ “Thác Cảnh” dùng làm mỹ tự cho Thượng Đẳng Thần, “Quang Ý” dùng cho Trung Đẳng Thần, và “Đoan Túc” cho Hạ Đẳng Thần. Minh Mạng là vị vua đầu tiên đã cấp sắc phong cho hệ thống thần linh của Miền Nam. Ngày nay ta còn thấy được sắc phong thần niên hiệu Minh Mạng thứ sáu (1825) tại đình Lý Nhơn, thuộc Quận 4, Sài Gòn.[24] Năm Minh Mạng thứ 20 (1840), nhân lễ Ngũ Tuần Đại Khánh Tiết của Ngài, nhà vua cho tổ chức lễ Đàm Ân, đồng loạt phong tặng cho bách thần, nhưng chưa kịp làm sắc phong cho bách thần thì Ngài đã băng hà. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi và vào năm Thiệu Trị thứ năm (1845) bắt đầu ban sắc thần. Đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 2 (1850), nhà vua lại quy định thêm một số mỹ tự, và đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) nhà vua lại đồng loạt cấp sắc phong thần một lần nữa.[25] Hiện nay, đa số sắc thần ở các đình Miền Nam đều mang niên hiệu nầy.

Cơ Sở Vật Chất: Đình Miền Nam

Cơ sở vật chất quan trọng nhứt để thờ phượng hệ thống thần linh ở ĐBĐNCL nêu trên là Đình. Như phần trên đã có trình bày, người lưu dân Đàng Trong đi đến đâu là lập làng và xây đình ở đó. “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng “lưu dân tập thể”, mặc dầu làng lắm gạo nhiều tiền” [26]

Hiện nay tuy chưa có một thống kê chính thức về con số Đình của Miền Nam nhưng ta cũng có thể suy đoán được phải lên đến hàng ngàn vì chỉ riêng tại Sài Gòn, theo sách Đình ở Thành Phố Hồ Chí Minh của hai tác giả Hồ Tường và Nguyễn Hữu Thế, đã có tất cả là 300 ngôi đình, chia ra như sau:

    • Quận 1: 11
    • Quận 2: 16
    • Quận 3: 3
    • Quận 4: 4
    • Quận 5: 9
    • Quận 6: 9
    • Quận 7: 3
    • Quận 8: 21
    • Quận 9: 20
    • Quận 10: 4
    • Quận 11: 5
    • Quận 12: 16
    • Quận Phú Nhuận: 1
    • Quận Gò Vấp: 4
    • Quận Thủ Đức: 15
    • Quận Bình Thạnh: 7
    • Quận Tân Bình: 8
    • Quận Tân Phú: 4
    • Huyện Hóc Môn: 21
    • Huyện Cần Giờ: 8
    • Huyện Nhà Bè: 18
    • Huyện Củ Chi: 32
    • Huyện Bình Chánh: 51
    • Quận Bình Tân: 10 [27]

Đình là một cơ sở vật chất đóng cùng một lúc hai vai trò trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Đình là nơi hội họp của dân làng, làm cái gạch nối cho tất cả mọi người trong làng. Đình cũng là nơi thờ phượng vị Thành Hoàng Bổn Cảnh cùng nhiều thần linh khác, làm cái gạch nối giữa con người và cỏi thiêng liêng. Với hai vai trò hết sức quan trọng nầy, Đình hiển nhiên phải được thiết kế và xây dựng như là kiến trúc quan trọng nhứt, và đẹp nhứt trong làng. Trong việc thiết kế và xây dựng Đình, người Miền Nam cũng chứng tỏ không quá câu nệ vào khuôn khổ cứng ngắt của truyền thống.

Để tạo nên sự nổi bật của Đình trong tổng thể của làng, việc chọn lựa vị trí của Đình là mối quan tâm đầu tiên của dân làng. Do truyền thống văn hóa Việt, dân chúng vùng ĐBĐNCL cũng có lưu ý về thuật phong thủy khi chọn vị trí cho ngôi Đình, làm sao cho hội tụ khá đầy đủ các đặc tính đắc địa như “tiền án hậu chẩm, tả phù hữu bật, thủy tụ sơn triều, tiền tam thai hậu thất tinh” [28] Tuy nhiên, do địa hình tương đối bằng phẳng, ít đồi núi của Miền Nam, mối quan tâm về phong thủy nầy cũng đựợc châm chước một phần nào. Lại nữa, ở Miền Nam do sự hiện diện của hệ thống kinh rạch chằng chịt, Đình thường được xây cất trên những khu đất cao ráo, “nơi có phong cảnh đẹp. Ðặc biệt là phải ở ngả ba, ngả tư sông để dân làng tớI lui thuận lợi.” [29] Về sau, trong thời Pháp thuộc, nhiều đường bộ được làm ra, cũng như một số kinh rạch bị lấp đi để làm đường bộ thì một số Đình cũng phải thay đổi chính diện cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Sau khi chọn được vị trí tốt rồi thì hướng chính của Đình cũng cần được quan tâm. Ở Miền Bắc, Đình thường được xây hướng về hướng Nam vì về mặt lý thuyết, theo Kinh Dịch, hướng Nam, biểu tượng bởi quẻ Ly, là Lửa, là Dương (2 Dương, 1 Âm), tượng trưng cho cái tốt, cái lành. Về mặt thực tiển, hướng Nam là “hướng gió mát mẻ vào mùa hè, tránh gió rét vào mùa đông” [30] Ngay cả các vua nhà Nguyễn, khi xây dựng kinh đô Huế, tất cả các kiến trúc quan trọng như Hoàng Thành, Đại Nội, Kỳ Đài, Ngọ Môn, Đàn Nam Giao, và cả lăng tẩm, cũng đều có hướng chính là hướng Nam. Thiên Thụ Lăng, tức là lăng Gia Long, “xây về hướng Nam, khởi công năm Gia Long thứ 13 (1814) và hoàn thành sau khi vua băng hà (1920).” [31] Tuy nhiên, người dân Miền Nam, mặc dù rất tôn trọng các Chúa và Vua nhà Nguyễn, đã không hoàn toàn lệ thuộc vào truyền thống chọn hướng Nam nầy. Ở Miền Nam, như trên đã nói, Đình thường được xây trên các khu đất cao ráo, cạnh bờ kinh rạch, nên phần nhiều hướng theo dòng chảy của các kinh rạch nầy, chớ không nhứt thiết phải theo hướng Nam như truyền thống ở Miền Bắc. Và trên thực tế, người dân Miền Nam lưu tâm nhiều hơn đến chuyện tránh hướng của gió mùa và mưa nắng hắt tạt vào bên trong Đình. Vì thế một số Đình trong Miền Nam đã chọn hướng Đông hoặc Đông Nam, thay vì hướng chánh Nam như truyền thống.

Về phương diện cây cảnh chung quanh Đình, ở Miền Bắc, người ta thường trồng các loại cây có tán rộng như cây đa, cây gạo, cây si. Trái lại, ở Miền Nam, chung quanh Đình thường có trồng các loại cây có thân cao vút, dáng đẹp và tán gọn như cây dương, cây sao, cây dầu. Các loại cây nầy được trồng để làm “một điểm nhấn cho cảnh quan ngôi đình nhằm cuốn hút sự chú ý của khách từ xa.” [32]

Về mặt bố cục, Đình của Miền Nam, trên tổng thể, cũng giống như các Đình ở Miền Bắc, với kiến trúc mặt bằng hoặc theo hình chử Công hoặc theo hình chữ Môn. Tuy nhiên cách sắp xếp các bộ phận kiến trúc thì có nhiều khác biệt so với Đình ở Miền Bắc, thậm chí còn có những phần kiến trúc mà Đình ở Miền Bắc hoàn toàn không có. Một cách tổng quát, bố cục một ngôi đình ở Miền Nam, từ trước ra sau, thường gồm những bộ phận kiến trúc sau đây:

    • Cổng Đình, hay còn gọi là Nghi Môn
    • Sân Đình, ngay ở giữa là bình phong có đấp hình cọp, gọi là Bia Ông Hổ
    • Hai bên sân Đình, là các Miếu nhỏ hình vuông thờ các thần phụ của Đình, thường là thờ Bạch Hổ, Thần Ngũ Hành, Cửu Thiên Huyển Nữ, Thổ Thần, Ông Tà (thần Neakta của người Khmer), vv.
    • Nhà Vỏ Ca, một ngôi nhà trống, dùng làm chổ tập hợp những chức sắc có nhiệm vụ tế lễ, và cũng là nơi diễn tuồng hát bội trong các dịp lễ hội
    • Nhà Vỏ Quy, thường dùng làm nơi tụ họp cho dân chúng trước khi vào lể bái ở Chánh Điện
    • Chánh Điện, nơi thờ thần Thành Hoàng của làng và các thần phụ
    • Nhà Túc, hay Nhà Khách, nơi khách sau khi lễ thần xong tụ tập lại đây để uống nước, hàn huyên; loại nhà nầy có hai cách sắp đặt; một cách là xây ngay bên sau Chánh Điện; cách thứ hai là xây thành hai căn dọc theo hai bên hông của Chánh Điện, trong trường hợp nầy thì được gọi là Đông Lang (bên phải) dành cho nữ giới, và Tây Lang (bên trái) dành cho nam giới
    • Nhà Trù, thường xây ngay sau Chánh Điện, bên cạnh Nhà Túc, chính là nhà bếp, nơi chuẩn bị thức ăn để cúng thần cũng như để đãi khách
    • Nhà Cối, bên cạnh Nhà Trù, chính là kho để chứa vật dụng của Đình. [33]

Nhà Vỏ Ca là một “kiến trúc đặc biệt chỉ tồn tại ở các đình Nam Bộ.” [34] Đây là do tập tục riêng của Miền Nam là mổi khi cúng Kỳ Yên thì Đình luôn luôn có tổ chức hát bội trước để cúng thần, sau để dân làng cùng xem. Tập tục nầy xuất phát từ chủ trương nâng đở và phát huy hát bội của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt khi Ngài làm Tổng Trấn Gia Định Thành.

Trong Chánh Điện, ở giữa và trong cùng là bàn thờ thần. “Đình làng Nam Bộ không bao giờ thờ tượng mà chỉ thờ một chữ thần” [35] Và thần ở đây là thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, một danh xưng gọi chung có nghĩa là “Thành Hoàng của vùng đất nầy.” không chỉ định một danh tánh cụ thể nào cả. Chính vì vậy mà Đình Miền Nam thường không có thờ thần tượng như vừa nói ở trên. Trong số 300 ngôi đình ở Sài Gòn có đến 281 đình (tức 93.6%) thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là chánh. Sắc phong thần được các vị chức sắc trong Đình giữ gìn rất kỷ lưởng, thậm chí có khi rất bí mật vì sợ bị đánh cắp. Mổi năm cử hành một lần việc lấy tờ sắc đem ra phơi để tránh bị ẩm mốc, mối mọt; đó cũng là dịp cho dân làng được thấy tờ sắc phong. Nói chung, các sắc phong đều giống nhau với những đặc tính như sau:

    • Tờ giấy kim tiên tốt, dày, màu vàng, có in chìm nền rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hoa văn đẹp
    • Khổ giấy: dài 1,2 đến 1,5 mét; rộng 0,5 đến 0,6 mét
    • Trên tờ sắc có từ 5 đến 11 hàng dọc chữ Nho chép từ phải qua trái; nội dung các dòng chữ cho biết tên Thần, các mỹ tự cũ và mới của vua ban, sự linh hiển của Thần, trách nhiệm bảo vệ dân của Thần, và trách nhiệm thờ cùng Thần của dân; dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng và ngày cấp sắc phong; ấn hình vuông của vua màu son đỏ được đóng chồng lên dòng chữ đề niên hiệu nầy. [36]

Ngoài việc thờ vị Thần chánh (thường là Thành Hoàng Bổn Cảnh), các Đình còn thờ rất nhiều vị thần linh phụ khác. Do đó, hai bên bàn thờ chánh còn có thêm từ 4 đến 8 bàn thờ phụ. Hai bàn thờ sát ngay hai bên cạnh của bàn thờ chánh, gọi là Tả ban và Hữu ban, là để thờ các vị thần hộ vệ cho Thành Hoàng Bổn Cảnh hay vị Thần chánh. Các bàn thờ còn lại là để thờ các vị thần linh khác, và các vị Tiền hiền, Hậu hiền, vv.

Chánh Điện là khu vực quan trọng nhứt trong Đình nên thường tập trung những phần trang trí đẹp nhứt như bao lam, hoành phi, câu đối; tất cả đều được chạm trổ và sơn son thếp vàng rực rở. Hai bên bàn hương án thường có đôi hạc cao lớn (thường bằng đồng) đứng trên lưng rùa. Cạnh đó là lọng tán và lỗ bộ. Lỗ bộ là các cặp (thường nhứt là 8 cặp) binh khí, có thể bằng gỗ hoặc bằng thau, như giáo, kích, phủ việt (búa), mác, đinh ba, xà mâu, vv. Đặc biệt “Đình miếu Nam Bộ không sử dụng các loại cờ như ở miền Trung, miền Bắc.” [37]

Kết Luận

Người Việt vùng ĐBĐNCL, trong khi vẫn cố gắng bảo tồn nền văn hóa Việt do ông cha đã mang từ Đàng Trong vào trong các thế kỷ 17 và 18, do biến đổi tâm thức dưới ảnh hưởng của địa lý và các nền văn hoá bản địa mà họ tiếp cận, đã tạo ra những sắc thái riêng biệt trong tín ngưỡng dân gian của họ. Hệ thống thần linh của vùng ĐBĐNCL thể hiện rõ nét sự gắn bó vào biến chuyển lịch sử của Đàng Trong qua các giai đoạn Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn. Đình làng, cơ sở vật chất dùng làm nơi thờ phượng hệ thồng thần linh nầy, cũng mang nhiều dáng vẻ riêng biệt của Miền Nam, với rất nhiều yếu tố hoàn toàn mới, không tìm thấy trong các ngôi đình ở Miền Bắc.

GHI CHÚ:

  1. Nguyễn Thanh Liêm, “Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam,” Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long, số 1, tr. 13-14. Xin đọc hết cả bài báo (tr. 9-20) để có cái nhìn toàn bộ về những biến đổi văn hóa Việt trong vùng ĐBĐNCL.
  2. Châu Đạt Quan. Chân Lạp phong thổ ký; Lê Hương dịch. Saìgòn: Nhà Xuất Bản Kỷ Nguyên Mới, 1973. Tr. 80.
  3. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế. Đình ở Thành Phố Hồ Chí Minh. TPHCM : Nhà Xuất Bản Trẻ, 2005. Tr. 10.
  4. Đây là cách nói tắt của người Miền Nam để chỉ 2 câu thơ chữ Hán: “Kiến nghĩa bầt vi vô dõng giả, Lâm nguy bất cứu mạc anh hung”, có nghĩa là: “Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người có can đãm; Thấy kẻ khác gặp chuyện nguy hiểm mà không cứu người ta thì không phải là người anh hùng.”
  5. Lưu Vĩnh Khương, “Vai trò người Minh Hương trong cuộc mở đất Miền Nam,Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long, số 3 (Tháng 1/2006), tr. 110. Xin đọc hết cả bài báo để có cái nhìn chi tiết hơn về những đóng góp của người Minh Hương trong việc khai phá Miền Nam.
  6. Lâm Vĩnh Thế, “Đình Minh Hương Gia Thạnh,” Thế Kỷ 21, số 155 (Tháng 3/2002), tr. 48-54.
  7. Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc. Nguyễn Phúc Tộc thế phả, thũy tổ phả, vương phả, đế phả. Huế : Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1995. Tr. 149.
  8. Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, 1650-1700, với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ 17. Tái bản lần thứ hai. TPHCM: Nhà Xuất Bản Văn Học, 1997. tr. 88-89.
  9. Trước đây nhiều người Miền Nam vẫn tưởng là chữ “kiển” là để kiêng tên của Đông Cung Cảnh, hoàng trưởng tử của Vua Gia Long; điều nầy không đúng vì chữ “kiển” đã có từ trước khi Đông Cung Cảnh ra đời (năm Canh TỶ, 1780) rất lâu.
  10. Huỳnh Đình Kết. Tục thờ thần ở Huế. Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 1998. Tr. 17.
  11. Sơn Nam. Đình miếu và lễ hội dân gian. Tái bản. Đồng Tháp: Nhà Xuất Bản Đồng Tháp, 1994. Tr. 33.
  12. Huỳnh Đình Kết, sđd, tr. 23.
  13. Tạ Chí Đại Trường. Thần, người và đất Việt. Westminster, Calif.: Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, 1989. Tr. 259.
  14. Sơn Nam, sđd, tr. 68.
  15. Sơn Nam, sđd, tr. 69.
  16. Huỳnh Đình Kết, sđd, tr. 29.
  17. Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 289-294.
  18. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 41-42.
  19. Huỳnh Đình Kết, sđd, tr. 41.
  20. Sơn Nam, sđd, tr. 125.
  21. Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, sđd, “Liệt kê đầy đủ hình ảnh, chú thích ở các tỉnh có Đền thờ Thượng Đẳng Thần LTH Nguyễn Hữu Cảnh”, tr. 126-177.
  22. Phan An, “Chùa Bà Chợ Lớn,” trong Sài Gòn xưa & nay. Nhà Xuất Bản Trè, 1998. Tr. 263-264.
  23. Vương Hồng Sễn. Sài-Gòn năm xưa. Ấn bản lần thứ hai. Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Khai Trí, 1968, tr. 194-195.
  24. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 101.
  25. Trương Ngọc Tường, Đình miếu ở đồng bằng sông Cửu Long, phần Phụ Lục trong Sơn Nam, sđd, tr. 159-161.
  26. Sơn Nam, sđd, tr. 32.
  27. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, Danh sách đình Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 276-307.
  28. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 27.
  29. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường. Ðình Nam Bộ: tín ngưỡng và nghi lễ. TPHCM: Nhà Xuất Bản TPHCM, 1993. Tr. 23.
  30. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 30.
  31. Thái Văn Kiểm. Cố đô Huế: lịch sử, cổ tích, thắng cảnh. (Văn-hóa tùng-thư). Sài Gòn: Nha Văn Hoá, Bộ Quốc Gia Giáo Dục Xuất Bản, 1960. Tr. 98-99.
  32. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 33.
  33. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 38-53.
  34. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự. Ðình Việt Nam = Community hall in Vietnam. TPHCM: Nhà Xuất Bản TPHCM, 1998. Tr. 36.
  35. Trương Ngọc Tường, sđd, tr. 152.
  36. Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, sđd, tr. 101-102.
  37. Trương Ngọc Tường, sđd, tr. 155.