TỔ CHỨC GIÁO DỤC

THỜI NHO HỌC

 

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Việc học cần thiết vì mở mang dân trí, việc thi cử cũng quan trọng vì chọn được người đủ khả năng giúp nước, giúp đời.

Nền Nho học nước ta nhằm đào tạo về đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; về tài kinh bang tế thế, lại thông kinh sử, rành văn thơ. Vì thế khi đỗ đạt, họ đảm trách mọi chức vụ trị dân, kiến quốc do triều đình giao phó.

Vậy nền Nho học nước ta giảng dạy theo những sách giáo khoa nào và phép thi cử ra sao để tuyển chọn hiền tài?

I – ĐƯỜNG VÀO NHO HỌC

Bước đầu thầy đồ dạy học trò thuộc nhiều từ ngữ thông dụng để đọc và viết chữ Nho (đã bị gọi lầm là chữ Hán) [1], mở mang kiến thức cơ bản, chuẩn bị tiếp nhận tri thức đại học và triết lý Khổng Mạnh.

1 – Giáo khoa từ ngữ:

a/ Nhất thiên tự:

Trước tiên, học sách Nhất Thiên Tự (1000 chữ, nhưng có đến 1015 chữ) cứ một chữ Nho kèm theo một nghĩa Nôm, nối tiếp nhau thành 290 câu thơ lục bát:

Thiên trời, địa đất, vân mây,

  𡗶, 坦, 𩄲,

Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm.

𩄎, 𩙋,  𣈗, 𡖵。

Tinh sao, lộ móc, tường điềm,

𣋀, 霂, 恬,

Hưu lành, khánh phúc, tăng thêm, đa nhiều…

苓, 福, 𣸸, 𡗉。

b/ Tam thiên tự:

Tiếp theo, học Tam Thiên Tự, sách có 3000 chữ, viết thể nói lối, đọc nhịp hai theo điệu bài chòi:

Thiên trời, địa đất, Cử cất, tồn còn,

𡗶, 坦, 拮, 羣,

Tử con, tôn cháu, Lục sáu, tam ba, 

𡥵, 𡥙, 𦒹, 𠀧,

Gia nhà, quốc nước, Tiền trước, hậu sau,

茹, 渃, 𠠩, 𡢐,

Ngưu trâu, mã ngựa, Cự cựa, nha răng,

𤛠, 馭, 拒, 𪘵,

Vô chăng, hữu có, Khuyển chó, dương dê,

庄, 𣎏, 㹥, 羝,

Quy về, tẩu chạy, Bái lạy, quỵ quỳ,

  衛, 𧼋, 𥛉, 跪,

c/ Ngũ thiên tự:

Rồi đến Ngũ Thiên Tự, với 5000 chữ viết theo thể lục bát và xếp thành mục: Khai thuyết, Thiên văn, Địa lý, Quốc chánh, Luân thường, Khuyến thiện, Sĩ, Nông, Công, Thương, Thân thể phụ tạng, Nhân phẩm, Lương thất đống vũ, Miêu vũ, Chu tập, Thực bộ, Chức nhậm cẩm bối, Y phục phủ phất, Bảo ngọc, Khí mãnh, Nhạc khí, Quân khí, Cử động, Họ có lông, Bộ có vảy, Côn trùng, Tiên Phật Thần Quỷ, Mộc, Hòa cốc, Hoa quả, Trúc loại, Chúc tụng, Bổ di…

Thừa nhân, nhàn vắng, hạ rồi,

因, 永, 耒,  

Càn trời, khôn đất, tài bồi, trồng vun,

天, 坦, 掊, 𡍋,

Tích xưa, tự chữ, do còn,

  𠸗, 𡦂, 群,

Quan xem, soạn soạn, viên tròn, thiên thiên…

䀡, 撰, 𧷺, 篇…

Song song với việc học tự vựng, thầy đồ dạy lục thư (6 lối ghép chữ), cách viết chữ, số mục (chữ số) và phải thuộc lòng 214 bộ chữ Nho.

Tập viết cũng quan trọng, thầy đồ dạy thư pháp, viết đẹp và đúng cách. Mới đầu theo lối chân (cầm bút lông gần đầu cán viết, chữ rõ ràng, đủ nét), sau lần lượt dạy lối hành (cầm bút lông ở giữa cán viết), lối thảo (cầm bút lông ở gần đuôi cán để viết cho nhanh), lối triện (viết bằng que nhọn, nét tròn và đều nhau), lối lệ (viết bút gỗ dẹp, nét vuông và đậm lợt to nhỏ, không đều).

02 – Giáo khoa kiến thức cơ bản: 

a/ Sơ Học Vấn Tân:

Sách dạy kiến thức, có nghĩa đen là bắt đầu học hỏi bến, nghĩa bóng ý nói hỏi đường lối học hành cho người mới đi học. Sách gồm 270 câu, mỗi câu 4 chữ, không vần, nhiều câu không đối. Nội dung chia làm ba phần:

Lược sử Trung Hoa từ thượng cổ đến những năm đầu niên hiệu Đạo Quang (1821 – 1850) nhà Thanh (130 câu đầu).

Lược sử Việt Nam từ khởi thủy đến nhà Nguyễn (64 câu tiếp).

Dạy học trò về việc học và cách xử thế (76 câu cuối). Phần Việt sử có những câu như:

Kỳ tại quốc bản, cổ hiệu Việt Thường,

圻 在 國 夲 , 古 號 越 裳 ,

Đường cải An Nam, Hán xưng Nam Việt.

唐 改 安 南, 漢 稱 南 越。

Thần Nông tứ thế, thứ tử phân phong,

神 農 四 世, 庶 子 分 封 ,

Viết Kinh Dương Vương, hiệu Hồng Bàng thị…

曰 涇 陽 王, 號 鴻 龎 氏。

Việt Thao dịch:

Cõi đất nước ta, xưa là Việt Thường,  

Đường đổi An Nam, Hán gọi Nam Việt.

Thần Nông bốn đời, con thứ được phong,  

Gọi Kinh Dương Vương, hiệu họ Hồng Bàng…

H 1: Thầy đồ dạy học, ảnh tài liệu xưa.

b/ Ấu Học Ngũ Ngôn Thi:

Gồm 278 câu thơ năm chữ, nội dung đề cao sự học, ước mong thi đỗ Trạng nguyên, nên sách còn có tên gọi Trạng Nguyên Thi:

Di tử mãn doanh kim

遗 子 满 籯 金

Hà như giáo nhất kinh  

何 如 教 一 經

Tính danh thư quế tịch

姓 名 書 桂 籍

Chu tử tá triều đình

朱 紫 佐 朝 廷

Việt Thao dịch:

Để lại con rương vàng

Sao bằng sách mở mang  

Tên ghi vào sổ quế  

Áo tía giúp vua quan

03 – Giáo khoa đại học:

Những sách kể trên, dạy vỡ lòng và sơ học. Ở trình độ cao hơn, học các sách sau đây:

a/ Tứ Thư:

Tên gọi của 4 bộ sách do môn đệ của Khổng Tử (Kong Zi) soạn, gồm:

1) Đại Học:

Tăng Tử (Zeng Zi) điền giải lời Khổng Tử dạy về đạo làm người quân tử. Bộ sách dành cho học sinh bậc cao đẳng, chia làm 10 chương, với 3 điều cốt yếu, gọi là Tam Cương Lãnh, gồm: Minh đức, Tân dân, Chỉ chí thiện. Ngoài ra còn có Bát Điều Mục, gồm: Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chánh tâm, Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.

2) Trung Dung:

Gồm 33 chương do Tử Tư (Zi Si), cháu của Khổng Tử, viết về thuyết Chiết trung của ngài.

3) Luận Ngữ:

Các học trò của Khổng Tử chép lời của ngài dạy về triết lý, luân lý, học thuật, chính trị.

4) Mạnh Tử (Meng Zi):

Bộ sách gồm 7 thiên, của Mạnh Kha (Meng Ke, 372 – 289 TCN) chép những điều ông đối đáp với vua các nước chư hầu hoặc với môn đệ. Nội dung sách không ngoài việc trình bày thuyết tính thiện, đề cao nhân nghĩa, phản đối vụ lợi.

b/ Ngũ Kinh:

Bộ kinh do Khổng Tử san định và trước tác, gồm:

1) Kinh Thi:

Trong 3000 bài thơ cổ, khoảng từ đời nhà Thương (Shang, 1583 – 1135 TCN) đến nhà Chu (Zhou, thế kỷ 12 đến 6 TCN), Khổng Tử san định còn 311 bài (trong đó 6 bài chỉ chép đề mục) phân làm ba nhóm chính:

– Phong: gồm 100 bài ca dao và nhạc điệu của dân gian, chia ra Chính phong là những bài hát trên đất nhà Chu, và Biến phong là những bài ở 13 nước chư hầu.

– Nhã: là phần sáng tác của quý tộc, gồm Tiểu nhã có 80 bài ca dùng cho yến tiệc ở triều đình, và Đại nhã có 31 bài dùng cho thiên tử họp chư hầu.

– Tụng: có 40 bài khen ngợi các đời vua trước, đó là loại ca nhạc cung đình dùng tế lễ ở tôn miếu, chia ra 31 bài Chu tụng, 4 bài Lỗ tụng, 5 bài Thương tụng.

Kinh thi có đủ ba thể: phú, tỷ, hứng; với nội dung lành mạnh, thể hiện tính tình, phong tục cổ xưa của người Tàu; có giá trị về luân lý, nhân bản, nghệ thuật và là tuyển tập thơ đầu tiên của Trung Hoa.

2) Kinh Thư:

Chi chép việc chính trị và lời khuyên răn về đạo nghĩa, nhân chánh của các đấng minh quân, hiền thần, lương phụ ở đời Đường Nghiêu (Tang Yao), Ngu Thuấn (Yu Shun), Tam Đại. Kinh thư có điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh; là thiên ký sự đầu tiên của Tàu, như Thượng thư (sử liệu tối cổ), Chu cáo (lời nhà Chu bố cáo thiên hạ), Tần thệ (lời thề của vua Tần); tác giả khuyết danh, Khổng Tử san định.

3) Kinh Dịch:

Sách triết học lý số với 8 quái, 64 quẻ, 384 hào nhằm lý giải sự biến hóa của trời đất. Tương truyền của vua Phục Hy (Fu Xi), sau có Văn Vương (Wen Wang), Chu Công Đán (Zhou Gong Dan, con của Văn Vương) bổ khuyết, Khổng Tử san định.

4) Kinh Lễ:

Gồm Châu lễ, Nghi lễ và Lễ ký; cả thảy là 46 thiên. Tuy có ba phần nhưng chỉ có Lễ ký được liệt vào Ngũ kinh, đó là những lễ nghĩa trong các đời Ngu (Yu), Hạ (Xia), Thương (Shang), Chu (Zhou) từ triều chính đến làng xã và gia đình.

5) Kinh Xuân Thu:

Chép sử nước Lỗ (Lu) từ đời Lỗ Ẩn Công năm đầu (722 TCN) đến Lỗ Ai Công năm thứ 14 (481 TCN) gồm 12 đời vua, 242 năm, theo lối biên niên, Khổng Tử san định lại. Bởi Lỗ sử đặt tên sách là Xuân Thu, nên người đời sau nhân đấy gọi thời đại ấy là Xuân Thu [2].

c/ Hiếu Kinh:

Tăng Tử chép lời của Khổng Tử dạy về đạo hiếu với cha mẹ. Gồm 18 chương: Khai Tông Minh Nghĩa (1), Thiên Tử (2), Chư Hầu (3), Khanh Đại Phu (4), Sĩ (5), Thứ Nhân (6), Tam Tài (7), Hiếu Trị (8), Thánh Trị (9), Kỷ Hiếu Hành (10), Ngũ Hình (11), Quảng Yếu Đạo (12), Quảng Chí Đức (13), Quảng Dương Danh (14), Gián Tránh (15), Cảm Ứng (16), Sự Quân (17), Tang Thân (18).

d/ Minh Tâm Bửu Giám:

Bộ sách gồm 6 chương, chia thành 20 mục, 739 điều:

– Mệnh Phận: Thiên Lý (9 điều), Thuận Mệnh (6 điều), An Phận (8 điều).

– Thiện Tín: Kế Thiện (47 điều), Tồn Tín (7 điều), Ngôn Ngữ (25 điều), Giao Hữu (24 điều).

– Tu Trị: Trị Chính (22 điều), Trị Gia (16 điều), Chính Kỷ (117 điều).

– Tâm Tính: Tỉnh Tâm (250 điều), Tồn Tâm (83 điều), Giới Tính (15 điều).

– Hiếu Nghĩa: Hiếu Hạnh (19 điều), Phụ Hạnh (8 điều), An Nghĩa (5 điều), Tuân Lễ (21 điều).

– Huấn Học: Khuyến Học (23 điều), Huấn Tử (17 điều), Lập Giáo (17 điều).

Về nội dung, Minh Tâm Bửu Giám nêu nhân cách của thánh hiền, là tấm gương báu soi sáng cõi lòng, để người đời noi theo.

đ/ Minh Đạo Gia Huấn:

Sách dạy con cháu trong nhà Minh Đạo, tức Tiến sĩ Trình Hiệu (Cheng Hao), làm quan đời Tống Thần Tông (1068 – 1086). Sách gồm 500 câu thơ 4 chữ, gieo vần liên vận hay cách vận, với nội dung khuyên về luân thường đạo lý, dạy cách xử thế và tu thân, nhiều câu đã trở thành cách ngôn được người đời truyền tụng như: “Tích cốc phòng cơ, Tích y phòng hàn.” (chứa thóc phòng đói, chứa áo phòng lạnh).

e/ Tam Tự Kinh:

Tác phẩm có 1.188 chữ, trình bày dưới dạng thơ 3 chữ, hợp thành 396 vế, có 198 câu (mỗi câu hai vế). Chữ cuối câu trên vần với chữ cuối câu dưới, và liền vần trắc rồi vần bằng.

Tác giả là Vương Ứng Lân [3] và người đời sau bổ sung vào một số câu. Nội dung, có tính cách tổng quát, bao trùm nhiều mặt, có thể coi là kim chỉ nam của học trò thời xưa, sách chia làm 7 đoạn:

– Bàn về nhân tình và sự giáo huấn.

– Bổn phận của trẻ em phải lễ nghi hiếu đễ.

– Kiến thức phổ thông: Tam tài (trời, đất, người), Tam quang (mặt trời, mặt trăng, các vì sao), Tam cương (vua tôi, cha con, vợ chồng), Tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), Tứ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc), Ngũ hành (thủy, hỏa, mộc, kim, thổ), Ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), Lục cốc (nếp, lúa, lúa mì, đậu, kê, bắp).

– Kê các sách học: Hiếu Kinh, Tứ Thư, Ngũ Kinh, Ngũ tử (5 nhà hiền triết), Chư tử (Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Tuân Tử, Tôn Tử…)

– Kể các triều vua Trung Hoa từ khởi thủy đến Nam Bắc triều.

– Nêu gương hiếu học của người xưa.

– Khuyên học trò chăm học để đạt hiển vinh.

Dưới đây, trích một số câu của phần đầu và phần cuối:

Nhơn chi sơ Tánh bổn thiện

人 之 初 性 本 善

Tánh tương cận Tập tương viễn

性 相 近 習 相 远

Cẩu bất giáo Tánh nãi thiên

苟 不 教 性 乃 迁

Giáo chi đạo Quý dĩ chuyên

教 之 道 贵 以 专

Tích Mạnh mẫu Trạch lân xử

昔 孟 母 择 邻 处

Tử bất học Đoạn cơ trữ

子 不 学 断 机 杼。

… …

Ấu nhi học Tráng nhi hành

幼 而 學 壯 而 行

Thượng trí quân Hạ trạch dân

上 致 君 下 澤 民

Dương danh thanh, Hiển phụ mẫu

揚 名 聲 顯 父 母

Quang ư tiền Thùy ư hậu

光 於 前 裕 於 後

Nhân di tử Kim mãn doanh

人 遺 子 金 满 籯

Ngã giáo tử Duy nhất kinh

我 教 子 惟 一 經

Cần hữu công Hý vô ích

勤 有 功 戲 無 益

Giới chi tai Nghi miễn lực.

戒 之 哉 宜 勉 力。

Việt Thao dịch:

Người lúc đầu Vốn tánh tốt

Nết cùng gần Thói xa nhau

Nếu không dạy Tánh bèn đổi

Dạy ấy đạo Quý ở chuyên

Xưa, mẹ Mạnh (tử) Chọn ở gần

Con không học Chặt cửi thoi

… …

Trẻ thì học Để lớn làm

Trên thờ vua Dưới giúp dân

Nổi tiếng tăm Rạng cha mẹ

Sáng đời trước Truyền đời sau

Người cho con Vàng đầy rương

Ta dạy con Một bộ sách

Chăm ắt thành Giỡn không lợi

Khuyên ấy vậy Nên gắng sức.

g/ Sách triết lý:

Bao gồm các học thuyết của hàng chư tử sống vào thời Xuân Thu (722 – 481 TCN) và Chiến Quốc (480 – 222 TCN) viết để truyền bá tư tưởng của mình như Lão Tử có Đạo Đức Kinh, Trang Tử thuyết Yếm thế, Tuân Tử nói về lễ nghĩa, Tôn Tử với binh pháp, Liệt Tử thuyết Lão Trang, Hàn Tử và Thân Tử thuyết Hình danh, Mặc Tử thuyết Kiêm ái, Dương Châu thuyết Vị ngã… Ngoài ra còn có Cửu lưu là 9 học phái lớn gồm Nho gia, Đạo gia, Âm dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung hoành gia, Tạp gia, Nông gia.

h/ Sách sử ký Trung Hoa từ Bàn Cổ (Pan Gu), Tam Hoàng (San Huang), Ngũ Đế (Wu Di), Nghiêu (Yao), Thuấn (Shun), Hạ (Xia), Thương (Shang), Chu (Zhou), Tần (Qin), Hán (Han), Tấn (Jin), Tùy (Sui), Đường (Tang), Tống (Song) đến hiện tại.

i/ Sách Việt sử từ Hồng Bàng (鴻 龎), Thục (蜀), Triệu (趙), Bắc thuộc lần thứ nhất, Trưng Vương (徵 王), Bắc thuộc lần 2, Tiền Lý (李), Bắc thuộc lần 3 đến Ngô (吳), Đinh (丁), Tiền Lê (黎), Lý (李), Trần (陳) và cho tới nay.

Những sách trên không những thí sinh phải học thuộc mà còn biết phân tích, bình giải, đánh giá từng câu của cổ nhân.

II – HỆ THỐNG HỌC ĐƯỜNG

Trường học chữ Nho có hai loại: Trường công do triều đình lập tại kinh đô, và mở tại các tỉnh, phủ, huyện. Trường tư do tư nhân mở tại các thôn ấp.

Trường công lập do bộ Lễ trực tiếp điều hành, các học quan và nhân viên ngành giáo dục được triều đình trả lương.

01 – Quốc Tử Giám ở Thăng Long:

Trường công lập cao cấp mở tại kinh đô gọi là Quốc Tử Giám, đặt quan Tế tửu (tương đương chức Viện trưởng Đại học ngày nay) và Tư nghiệp (Phó Viện trưởng) lo việc điều hành và giảng dạy.

H 2: Tượng Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An,

thờ tại Quốc Tử Giám Hà Nội (BKTTM).

Năm Bính Thìn (1076), Lý Nhân Tông, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (英 武 昭 勝) lập nhà Quốc Tử Giám [4] ở bên cạnh Văn Miếu Thăng Long, là trường đại học đầu tiên của nước ta. Ban đầu trường chỉ dành cho con vua và hoàng tộc, sau có thêm con cháu nhà quý tộc và quan lại.

Năm Quý Sửu (1253), Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong thứ 3 (元 豐), xuống chiếu cho học trò vào Viện Quốc Tử (tức Quốc Tử Giám) để nghe giảng Tứ Thư Ngũ Kinh và cũng từ đấy Trường Giám mở rộng thu nhận con của thường dân có học lực xuất sắc được các địa phương tiến cử [5].

Quốc Tử Giám tại kinh đô Thăng Long tồn tại từ năm 1076 – 1788, suốt 5 triều đại: Lý (李), Trần (陳), Hồ (胡), Hậu Lê (黎 ), Mạc (莫), Lê Trung Hưng. Có những vị Tế tửu và Tư Nghiệp nổi tiếng, tiêu biểu như:

Thời Trần có Chu Văn An (1292 – 1370) đỗ Thái học sinh giữ chức Tư nghiệp; Nguyễn Phi Khanh (1355 – 1428) đỗ Thái học sinh năm 1374, làm Tư nghiệp.

Thời Hậu Lê có Ngô Sĩ Liên, đỗ Tiến sĩ năm 1442, Tư nghiệp; Thân Nhân Trung (1419 – 1499) đỗ Tiến sĩ 1469, Tế tửu.

Thời Lê Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) đỗ Hoàng giáp năm 1580, Tế tửu; Lê Quý Đôn (1726 – 1784) đỗ Bảng nhãn năm 1752, Tư nghiệp.

02 – Quốc Tử Giám ở Huế:

Năm Quý Hợi (1803) Gia Long thứ 2 dựng Đốc Học Đường [6] mặt ngó ra sông Hương, nằm bên cạnh Văn Miếu Huế. Cơ sở này thuộc địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây.

Năm Canh Thìn (1820) Minh Mạng thứ nhất (明 命) đổi tên Đốc Học Đường thành Quốc Tử Giám [7] và phát triển cơ sở. Năm sau (Tân Tỵ, 1821) nhà vua cho xây dựng ở giữa Di Luân Đường, Giảng đường ở giữa, Di Luân Đường và tả hữu là hai dãy nhà cho tôn sinh và giám sinh ăn ở, đọc sách [8].

Năm 1908 Duy Tân thứ 2 (維 新), Quốc Tử Giám được dời vào Kinh thành Huế, góc Đông Nam Hoàng thành. Ở vị trí mới, kiến trúc Di Luân Đường và hai dãy phòng tả hữu vẫn giữ nguyên. Nhưng cơ sở mới có thêm nhiều công trình phụ, tiếp theo sau, ở giữa là Tân Thơ Viện, hai bên là cư xá của Tế tửu, Tư Nghiệp, các học quan và nhân viên của trường. Hiện nay khu kiến trúc này vẫn còn.

H 3: Quốc Tử Giám ở Huế.

(Ảnh: Bách Khoa Toàn Thư Mở)

Quốc Tử Giám Huế hoạt động trong 116 năm (1803 – 1919) có những vị Tế tửu, nổi tiếng như: Đỗ Phát đậu Tiến sĩ năm 1843, Vũ Duy Thanh đỗ Bảng nhãn năm 1851, Nguyễn Quang Bích đỗ Hoàng giáp năm 1869. Trường đã đào tạo 560 vị đỗ đại khoa (từ Phó bảng trở lên) không kể 12 vị ở khoa thi Hội năm Ất Dậu (1885) không biết rõ tên vì biến cố Kinh đô thất thủ.

03 – Trường công lập tại các địa phương:

Trường mở tại các tỉnh (trấn, doanh, lộ) đặt quan Đốc học trông coi, gọi là trường Đốc. Trường mở tại các phủ, đặt chức Giáo thọ, gọi là trường Giáo; và mở ở các huyện, châu đặt chức Huấn đạo, gọi là trường Huấn. Thời Tây Sơn, trường công mở rộng đến tận cấp xã, trường làng gọi là Xã học, chọn nho sĩ tại địa phương làm Xã giảng, trực thuộc quan Giáo thọ hay Huấn đạo.

04 – Trường tư:

Trường tư còn gọi là Hương học, do nho sĩ mở trong các thôn xóm, tại tư gia mà không bị ràng buộc một điều kiện nào. Thầy giáo, có vị đỗ đạt nhưng không ra làm quan hoặc những quan lại bị cách chức hay đã về hưu. Thầy giáo cũng có thể là những người thi hỏng, gọi là thầy đồ hay thầy khóa. Tuy là hương học nhưng dạy đủ các lớp, từ vỡ lòng đến cấp đại học, và sinh đồ ngồi chung một phòng. Lớp nhỏ ngồi trước, lớp lớn ngồi sau, và mỗi trình độ lo phần học riêng của mình. Nhờ áp dụng phương pháp phụ đạo phụ giảng, học trò lớp trên chỉ vẽ cho học trò lớp dưới, nên một thầy giáo cùng lúc có thể dạy những học trò với nhiều trình độ khác nhau. Ngoài ra, thầy giáo còn chọn hai học trò lớp lớn nhất làm trưởng tràng:

– Trưởng tràng nội, phụ giúp thầy điều khiển lớp học, giữ trật tự, nếu có việc thưa kiện thì giải quyết và trình bẩm với thầy.

– Trưởng tràng ngoại, phụ giúp thầy tiếp xúc với bên ngoài. Thầy giáo trường tư không hưởng lương triều đình, nhưng bổn phận học trò, tùy theo khả năng, tự nguyện đóng góp vào mỗi kỳ nghỉ mùa gặt tháng 5 (1 tháng) hay kỳ nghỉ Tết (2 tháng) để tỏ lòng biết ơn thầy, việc này do Trưởng tràng ngoại lo liệu.

H 4: Thí sinh mang vật dụng vào trường thi,

tự dựng lều để làm bài. (Ảnh tài liệu xưa)

III – VĂN TRƯỜNG THI

Nền giáo dục Nho học nặng về chữ nghĩa, tư tưởng, nhưng lại thiếu khoa học toán và thực nghiệm. Các bài làm thường dùng trong những cuộc khảo thí, gọi chung là Văn trường thi, gồm có các môn sau đây:

01 – Kinh nghĩa:

Kinh là sách chép lời dạy của thánh hiền, đời đời dùng làm khuôn phép. Đời Bắc Tống (960 – 1126) có 13 kinh. Đời Nam Tống (1127 – 1279), Chu Hy (Zhu Xi) xếp lại còn 9 kinh, gọi là Cửu kinh tức Tứ thư, Ngũ kinh.

Kinh nghĩa là một bài làm bằng văn xuôi, thể nghị luận, không vần nhưng có đối (biền ngẫu), nhằm giải thích và bình luận một câu trích trong kinh truyện như Tứ thư, Ngũ kinh.

Ví dụ, Kinh Thư có câu “Việt nhược kê cổ đế Nghiêu” (Rằng như vua Thuấn xưa kia), quan trường chỉ lấy hai chữ “Việt nhược” làm đề thi, thí sinh phải thông kinh truyện mới biết xuất xứ của hai chữ ấy mà làm bài.

Kinh nghĩa còn gọi là Tinh nghĩa, khi đề thi nhằm đòi hỏi sự tinh thông kinh sách của thí sinh, hoặc gọi là Chế nghĩa khi đề bài dùng trong kỳ Chế khoa tức khoa thi đặc biệt do nhà vua xướng chế ra [9].

Các khoa thi dưới thời Lý Trần, bài kinh nghĩa hoặc theo lối lưỡng phiến, vào bài bằng hai câu phá đề và thừa đề (không đối), phần thân bài chia làm hai đoạn đối nhau. Hoặc làm bài theo lối tản hành, thân bài không hạn định số đoạn và mỗi đoạn ngắn dài tùy thích.

Từ niên hiệu Bảo Thái 9 (保 泰, 1728) đời Lê Dụ Tông [10], thi kinh nghĩa theo lối bát cổ, bài văn chia làm 8 phần: phá đề (2 câu) mở đầu nói chữ và nghĩa của đề; thừa đề (4 đến 6 câu) nói rõ ý của phá đề; khởi giảng là đoạn yết hầu, nói đại ý của đề; đề cổ có đối và khai triển ý của khởi giảng; hư cổ có đối, dùng tiếp ý trên và có thêm phần giới hạn đề bài; trung cổ có đối và chia ứng cho hai cổ trên; hậu cổ vẫn còn đối dùng mở rộng ý mà phần trung cổ chưa nói hết; thúc đề (đại kết) thâu tóm ý của các đoạn trên để kết thúc bài.

Cũng có tài liệu, 8 phần trong bài bát cổ, gọi khác đôi chỗ là: phá đề, thừa đề, khởi giảng, khai giảng, trung cổ, hậu cổ, kết cổ, và thúc đề.

02 – Văn sách:

Sách là mưu lược, kế hoạch. Văn sách là bài nghị luận bằng văn xuôi hay biền ngẫu [11], không vần; nhằm lý giải cho thông suốt những hiểu biết, mưu lược, phương sách của mình trước một vấn đề gì.

Văn sách có từ thời Hán (202 trước TCN – 220 SCN). Nhà Hán có lệ mời sĩ tử vào sân triều đình, nêu ra những câu hỏi về chính trị, xã hội, giáo dục nhờ những bậc cao kiến dâng kế sách giải quyết. Vì vậy văn sách được xem như bài vấn bút, thường có liên quan đến thời sự. Và tùy theo cách ra đề của quan trường, người ta chia văn sách làm hai loại: – Văn sách mục là đầu bài có nhiều mục với nhiều câu hỏi nên bài văn phải dài. – Văn sách đạo chỉ có một vấn đề nên bài ngắn.

Thí sinh làm bài văn sách phải theo công thức sau đây [12]: Mở đầu bằng ba chữ “Đối sĩ văn” (Xin thưa kẻ sĩ này nghe) dùng cho thi Hương; “Đối sinh văn” (Xin thưa kẻ nho sinh này nghe) dùng cho thi Hội; “Thần đối thần văn” (Thần xin thưa thần nghe) dùng cho thi Đình.

Thân bài phải bắt đầu bằng câu: “Tư thừa sách vấn nhi lược trần chi” (Nay vâng lời sách hỏi mà bày tỏ qua như sau). Khi qua mỗi câu hỏi cũng phải bắt đầu bằng chữ “Thiết vị” (Trộm nghĩ rằng) để tỏ ý khiêm tốn.

Kết thúc bao giờ cũng có câu: “Sĩ giả hạnh phùng thạnh thế, tòng sự văn trường quản kiến như tư, vị tri khả phủ, nguyên chấp sự kỳ trạch nhi tiên chi, sĩ cẩn đối.” (Kẻ sĩ này may mắn gặp đời thịnh, theo việc văn trường, kiến thức hẹp hòi như vậy, chưa biết có phải hay không, xin quan trường coi việc kén lựa mà cất nhắc cho. Xin vâng lời sách mà đáp). Nếu là ngự đề (đề bài vua ra) phải kết bằng: “Thần cẩn đối, cẩn luận” (Kẻ hạ thần kính cẩn đáp, kính cẩn bàn).

03 – Biểu:

Bài văn của thần dân viết dâng lên vua để chúc mừng (hạ biểu), để tạ ơn (tạ biểu), để bày tỏ điều gì (trần tình biểu); vì thế lời văn phải rất mực cung kính, khiêm tốn.

04 – Chế:

Quyết định vua phong thưởng cho công thần, danh sĩ, viết thành văn.

  05 – Chiếu:

Thể văn vua dùng ban bố mệnh lệnh có thể bằng văn vần, văn biền ngẫu hay văn xuôi, lời văn mang tính nghiêm trang, đĩnh đạt. Chẳng hạn như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (1010 – 1028).

Biểu, chế, chiếu nếu làm bằng văn xuôi gọi là cổ thể, nếu làm theo thể tứ lục (có từ đời nhà Đường) gọi là cận thể. Tứ lục là lối biền văn, hai câu đối nhau từng cặp, mỗi câu gồm hai đoạn 4 và 6 chữ, đôi khi có số chữ nhiều hơn cũng được.

06 – Cáo:

Lời vua, viết theo thể nghị luận, văn biền ngẫu, báo với thần dân một vấn đề trọng đại. Bài cáo phải có lời lẽ hùng hồn, giọng điệu thống thiết, giãi bày thông suốt và lý luận đanh thép. Chẳng hạn như bài Bình Ngô Đại Cáo của Lê Thái Tổ (1428 – 1433) do Nguyễn Trãi viết.

07 – Hịch:

Lời vua, thủ lãnh, tướng lãnh viết để cổ động, kêu gọi mọi người chống phản loạn hay ngoại xâm. Văn hịch phải rõ ràng (không được tối nghĩa), lý lẽ phân minh, khí thế hùng mạnh, lời lẽ quyết đoán, mang tính thuyết phục. Bố cục có 3 phần:

– Nêu cao đạo lý và truyền thống bất khuất của dân tộc nhằm kích thích lòng yêu nước.

– Vạch trần tội ác của đối phương, gây lòng căm thù cao độ.

– Đề ra đường lối, chủ trương để giải quyết, và kêu gọi sự đoàn kết quyết chiến đấu đến thắng lợi.

08 – Sắc:

Lời vua phong cho thần dân.  Khi làm bài chế, chiếu, cáo, hịch, sắc thí sinh phải dùng lời lẽ đứng vào địa vị của người nói mà viết.

09 – Trướng:

Lời chúc thọ, chúc mừng thăng thưởng hay thi đỗ, cũng có khi dùng để viếng nguời chết. Bài trướng viết trên khổ lụa hoặc vải quý hình chữ nhật, treo dọc (trái với hoành phi, treo ngang), dùng thể phú, thơ hay văn tế, có khi chỉ 3, 4 chữ cô đọng đầy ý nghĩa.

10 – Luận:

Cứ theo đề bài mà mô tả, diễn giải, bình luận, viết thành bài văn xuôi, gồm 4 phần:

– Nhập đề: hoặc trực khởi, nói thẳng vào đề; hoặc lung khởi, nói bao quát rồi mới đi vào đề. Có 4 cách lung khởi: định nghĩa và đặt vấn đề thảo luận, tương phản với đề bài, suy diễn, qui nạp.

– Chuyển mạch: vừa nối kết vừa chuyển ý giữa nhập đề và thân bài.

– Thân bài: khai triển và phân tích cho thấu triệt đề bài nhưng tránh mông lung làm mờ nhạt các ý chính, và nhất là tối kỵ lạc đề.

– Kết đề: khép lại, đóng gói tất cả các ý đã trình bày. Xong, thí sinh có thể mở rộng vấn đề để quan trường thấy được tầm nhìn xa hiểu rộng của mình.

11 – Thi:

Quan trường ra đề, có khi còn ra vần, thí sinh làm thơ theo thể Đường luật bát cú, thất ngôn nếu thi Hương và ngũ ngôn nếu thi Hội. Bài thơ có 4 phần: đề gồm câu 1 phá đề, câu 2 thừa đề; trạng hay thực gồm câu 3 trạng trắc, câu 4 trạng bằng; luận gồm câu 5 luận trắc, câu 6 luận bằng; kết gồm câu 7 thúc và câu 8 kết. Các câu trong bài được phân nhiệm rõ rệt: phá ám, thừa minh, trạng cảnh, luận tình, thúc dồn, kết cảm.

12 – Phú:

Một thể loại xen lẫn văn vần và văn xuôi dùng miêu tả, tự sự, bàn luận. Khác với tỷ và hứng, phú phô bày thẳng, mô tả trực tiếp. Trong thi cử, quan trường ra đề, thí sinh làm phú theo lối cận thể, còn gọi là phú Đường luật tức có vần, có đối và luật thanh. Vần lại có hạn vận, quan trường ra sẵn một câu làm vần, phải theo thứ tự các chữ trong câu ấy mà gieo vần. Câu dài ngắn tùy ý, có thể dùng tứ tự, bát tự, song quan, cách cú, gối hạc; nhưng bao giờ cũng chia làm hai vế đối nhau, vần gieo ở chữ cuối vế dưới. Ở mỗi câu, luật bằng trắc chỉ chú trọng chữ đầu vế, chữ đậu (tức chữ cuối mỗi đoạn trong một vế), chữ cuối vế; nếu các chữ ấy của vế trên là bằng thì các chữ tương ứng của vế dưới phải trắc và ngược lại. Về bố cục, Đường phú chia làm 6 phần:

– Lung: bao quát toàn bài.

– Biện nguyên: xuất xứ và nghĩa chữ của đầu bài.

– Thính thực: giải thích và phân tích ý nghĩa của đầu bài.

– Phụ diễn: trình bày, dẫn chứng thêm cho phần thính thực.

– Nghị luận: bình luận, nhận định, đánh giá ý nghĩa của đề bài.

– Kết: thắt ý lại để kết thúc bài.

Bốn loại văn thể gồm: Cáo, Hịch, Sắc, Trướng có trong chương trình giáo khoa nhưng ít khi ra đề thi.

IV – CON ĐƯỜNG KHOA CỬ

Ngày xưa người ta thường nói: “Nhất duyên, nhì mệnh, tam phong thổ, tứ tích âm công, ngũ độc thị.” Tức là việc thi cử thứ nhất nhờ duyên phận, thứ nhì nhờ số mệnh, thứ ba nhờ đất đai phong thủy, thứ tư nhờ phúc đức ông bà, thứ năm mới đến công lao học hành. Bởi việc thi cử thời Nho học quá nhiêu khê, phải qua nhiều rào cản. Luật lệ trường thi lại quá khắt khe, đã không bổ ích gì cho sự học mà còn cản trở tài năng, như luật kiêng húy, thiệp tích; hành văn lại gò bó như bát cổ, biền ngẫu, hạn vận; chữ nghĩa hạn hẹp trong niêm, luật, đối:

Rõ thật nôm hay mà chữ dốt  

Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.

(Thi Hỏng – Trần Tế Xương)

Thời gian thi cử kéo dài cả tháng (phép thi 4 kỳ và 3 kỳ), các khoa lại thưa thớt (lệ 6 và 3 năm mở một khoa), tỷ lệ lấy đỗ lại quá thấp. Chẳng hạn, trường Hà Nam [13] khoa Tân Mão (1891) hơn 7200 người thi Hương, nhưng trúng tuyển chỉ có 70 Cử nhân, tỷ lệ 0,95%; khoa Giáp Ngọ (1894) hơn 9700 người thi Hương chỉ lấy đỗ 60 Cử nhân, tỷ lệ 0,61%. Cho nên sĩ tử dù đã làu thông kinh sử vẫn không dám tin ở sức học mình. Kinh nghiệm đã đúc kết thành tục ngữ “học tài thi phận” là thế, và Trần Tế Xương phải than:

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín  

Thi không ăn ớt thế mà cay.

Vậy đường khoa cử khó khăn ra sao, và thí sinh phải vượt qua những rào cản nào?

H 5: Hội đồng Giám khảo Trường thi Hà Nam,

khoa Đinh Dậu. (Ảnh tài liệu xưa, 1897)

01 – Thi Sơ khảo:

Hằng năm tại mỗi phủ, huyện có kỳ thi Sơ khảo do huấn đạo (cấp huyện) hay giáo thụ (cấp phủ) tổ chức để cấp bằng Tuyển sinh, tương đương với bằng Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc. Học trò các trường công, tư thuộc địa phương đều được dự thí.

02 – Thi Phúc khảo:

Ai trúng tuyển ở cấp phủ, huyện được dự thi Phúc khảo do quan đốc học tổ chức tại tỉnh để lấy bằng Khóa sinh, tương đương với bằng Sơ học Pháp Việt thời Pháp thuộc hay bằng Tiểu học ngày nay. Hai kỳ sát hạch trên do địa phương cấp bằng và để sĩ tử quen với thi cử nên chương trình thi giống như thi Hương nhưng đơn giản và dễ dàng hơn.

03 – Thi Tuyển thí sinh:

Từ khoa Mậu Thân (1848), Tự Đức (嗣 德) lên ngôi đặt lệ thêm một lần khảo hạch nữa gọi là kỳ thi Tuyển thí sinh, mở trước kỳ thi Hương một năm, do quan đốc học tổ chức, nhằm loại bớt những người chưa xứng đáng thi Hương. Ai trúng tuyển gọi là Thí sinh, người đỗ đầu gọi là Đầu xứ. Kỳ hạch này rất quan trọng, tất cả học quan và thầy đồ trong tỉnh phải tham gia tuyển chọn. Nếu trong kỳ thi Hương có một thí sinh nào làm bài quá kém, hoặc phạm nặng trường qui thì hội đồng kỳ thi tuyển thí sinh của tỉnh ấy phải chịu trách nhiệm. Vì thế bài thi không rọc phách để hội đồng giám khảo là những thầy đồ địa phương nhận biết tên những học trò kém nhưng nhờ gian lận hoặc gặp may vẫn làm bài khá mà loại ra.

Khoảng 3 tháng trước kỳ thi Hương, tỉnh còn mở kỳ thi tuyển Thí sinh bổ túc, dành cho những ai vắng mặt ở kỳ trước. Quan tỉnh đệ nạp danh sách thí sinh về triều để bộ Lễ phân định số lấy đỗ Cử nhân và phân phối nhân sự điều hành trường thi hợp với nhu cầu thực tế.

Ngoài việc gạn lọc về học lực, việc xét hạnh kiểm và lý lịch cũng rất khắt khe. Từ khoa thi Hương năm Nhâm Ngọ (1462) niên hiệu Quang Thuận 3 (光 順), Lê Thánh Tông định lệ bảo kết [14]. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu ngoa dù có văn tài cũng không được dự thi Hương. Luật định giới xướng ca, kẻ phản nghịch, phạm trọng tội không những bản thân mà cả con cháu (ba đời) đều bị loại ra khỏi trường thi. Thí sinh phải khai rõ gốc tích, quê quán, tuổi tác, lý lịch của ông cha; xã trưởng ký nhận bảo đảm, quan sở tại liên đới chịu trách nhiệm.

Triều Nguyễn còn đặt lệ đại tang không được dự thi. Khoa Bính Ngọ (1846), Thiệu Trị thứ 6, có Mai Thế Quý, người xã Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An, lấy đỗ Giải nguyên (vị thứ 1/28) ở trường thi Nghệ An. Nhưng bị phát giác đang có tang, triều đình truất học vị Cử nhân. Đến khoa Nhâm Tý (1852), ông cải danh là Mai Quý, được dự thi Hương lại, và đỗ ở vị thứ 11/16 [15].

04 – Thi Hương:

Môn thi, cách ra đề, thể thức làm bài, chấm bài có thay đổi chút ít tùy lúc; tuy nhiên vẫn là hai phép thi chính là Tứ trường hoặc Tam trường. Thí sinh đỗ Trường nhất mới được dự thi Trường nhì, và cứ như thế cho đến Trường ba nếu phép Tam trường, và đến Trường tư nếu phép Tứ trường.

a) Tứ trường:

Phép Tứ trường kéo dài suốt 435 năm, kể từ khoa thi Hương đầu, năm Bính Tý (1396) đời Trần Thuận Tông đến khoa Tân Mão (1831) Minh Mạng thứ 12. Chương trình thi được quy định như sau:

– Trường nhất: kinh nghĩa 5 đề, truyện 1 đề; thí sinh phải làm 1 đề kinh và 1 đề truyện, thêm nữa càng tốt.

– Trường nhì: chiếu, chế, biểu; mỗi loại 1 đề, phải làm đủ.

– Trường ba: thơ, phú; mỗi thứ 1 đề, phải làm đủ. Bài phú có 8 vần bắt buộc.

– Trường tư: văn sách 1 đề, đầu bài là 1 câu trong cổ thư hay tân thư.

Người đỗ cả 4 kỳ, tức tứ trường gọi là Cử nhân (Hương cống). Nếu đỗ đến 3 kỳ, nhưng không qua được kỳ 4, gọi là Tú tài (Sinh đồ). Tuy nhiên không phải tất cả thí sinh đã đỗ đến Kỳ ba đương nhiên đạt học vị Tú tài, mà tùy theo số hạn định lấy đỗ Tú tài.

b) Tam trường:

Phép thi Tam trường được thực hiện từ khoa Giáp Ngọ (1834) Minh Mạng thứ 15 (明 命) đến khoa thi Hương cuối vào năm Mậu Ngọ (1918) Khải Định thứ 3. Trong đó có 3 khoa, vào những năm 1850, 1852, 1855 đời Tự Đức, trở lại phép Tứ trường.

Chương trình thi theo phép Tam trường như sau:

– Kỳ nhất: kinh nghĩa, dùng lối bát cổ, thí sinh phải làm 1 đề kinh và 1 đề truyện.

– Kỳ hai: thơ, phú; mỗi thứ 1 đề phải làm đủ. Từ khoa Mậu Ngọ (1858) thi chiếu biểu, luận; còn thơ phú lên thi Hội mới dùng.

– Kỳ ba: văn sách.

Trên danh nghĩa gọi là 3 kỳ, nhưng thực tế còn 1 kỳ phúc khảo làm 1 đề biểu mừng. Từ khoa Kỷ Dậu (1909) kỳ phúc hạch gồm văn sách, phú, luận chữ quốc ngữ, mỗi thứ một đề, điểm từ 7 trở lên mới được trúng phúc hạch; rồi cộng chung với điểm 3 kỳ để xếp hạng Cử nhân.

Lệ định từ khoa Tân Sửu (1841) Thiệu Trị 1 (紹 治), trên toàn quốc mỗi khoa thi Hương lấy đỗ 123 Cử nhân, từ khoa Nhâm Tý (1852) định 124 Cử nhân chia ra: trường Hà Nội 20, trường Nam định 20, trường Thanh Hóa 20, trường Nghệ An 18, trường Thừa Thiên 20, trường Bình Định 13, trường Gia Định 13. Tuy đã quy định số lấy đỗ, nhưng mỗi khoa vẫn gia giảm đôi chút, tùy theo số dự thi và trình độ của thí sinh.

Hạn số lấy đỗ Tú tài trước kia không chừng, từ khoa Bính Tý (1876) Tự Đức thứ 29 (嗣 德), lệ định 1 Cử nhân lấy 2 Tú tài. Từ khoa Giáp Thân (1884) Kiến Phúc thứ 1 (建 福), tăng số lấy đỗ Tú tài lên 3 người cho 1 Cử nhân [16].

Người đỗ đầu khoa thi Hương gọi là Giải nguyên, đậu nhì là Á nguyên, từ thứ 3 đến chót cùng gọi chung là Cử nhân và liệt kê danh sách theo thứ tự điểm cao thấp.

H 6: Hội đồng Giám khảo Trường Hà Nam

trong ngày thi. (Ảnh tài liệu xưa, 1897)

05 – Thi Hội:

Lệ định thi Hương vào mùa thu năm trước, thi Hội vào mùa xuân năm sau. Điều kiện phải có bằng Cử nhân mới được dự thi Hội. Từ khoa Giáp Thìn (1844) Thiệu Trị thứ 4 (紹 治), mở rộng cho chân Tú Tài nguyên là Giám sinh (học Quốc Tử giám) hoặc đang giữ chức Huấn đạo, Giáo thụ, nếu sát hạch trúng cũng được dự thi Hội.

Thi Hội mở ở kinh đô, trước ở Thăng Long (Lý, Trần, Lê), sau ở Huế (Nguyễn) và phân làm 4 giai đoạn nhưng chung quy chỉ có hai phép thi chính:

a) Giai đoạn Tam trường: Từ khoa đầu tiên, năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa Ất Hợi (1275) đời Trần Thánh Tông, trải dài 200 năm.

b) Giai đoạn Tứ trường:

Từ khoa Giáp Thìn (1304) đời Trần Anh Tông đến khoa Nhâm Thìn (1832) Minh Mạng thứ 13 (明 命), kéo dài 528 năm và mỗi thời có sửa đổi đôi chút. Mới đầu phép thi Tứ trường gồm có:

– Trường nhất: ám tả.

– Trường nhì: kinh nghĩa, thơ, phú.

– Trường ba: chế, chiếu, biểu.

– Trường tư : văn sách.

Đến năm Bính Tý (1396) đời Trần Thuận Tông, bỏ thi ám tả và chuyển môn kinh nghĩa từ trường nhì xuống trường nhất. Từ khoa Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông, trường nhất thi Tứ thư, Ngũ kinh; chuyển môn chế, chiếu, biểu từ trường ba xuống trường 2 và đem thơ phú lên trường ba [17].

Dưới triều Tây Sơn và thời Gia Long (từ sau năm 1787 đến trước năm 1822), thời gian này có 33 năm, không mở thi Hội.

c) Trở lại giai đoạn Tam trường:

Từ khoa Ất Mùi (1835) Minh Mạng thứ 16 đến khoa Kỷ Dậu (1849) Tự Đức thứ 2, các môn thi giảm bớt, chỉ còn :

– Trường nhất: kinh nghĩa.

– Trường nhì: thi, phú.

– Trường ba: văn sách.

d) Trở lại giai đoạn Tứ trường:

Kể từ khoa Tân Hợi (1851) Tự Đức thứ 4 đến khoa Kỷ Mùi (1919) Khải Định thứ 4, chấm dứt nền Nho học.

– Trường nhất: kinh nghĩa ít nhất 3 đề.

– Trường nhì: chiếu, biểu, luận.

– Trường ba: thơ ngũ ngôn bát cú, phú tám vần.

– Trường tư: văn sách.

Phép thi, ai trúng trường nhất mới được thi trường nhì và cứ như thế số thí sinh qua từng trường bị giảm nhiều. Đến bảng trường tư gọi là Trúng cách, tức đỗ thi Hội, người cao điểm nhất gọi là Hội nguyên. Bảng kê danh sách đỗ từ cao xuống thấp, nhưng thứ tự này chưa phải là học vị chính thức vì còn phải qua một kỳ thi quyết định nữa ở hoàng cung.

06 – Thi Đình:

Chờ ở kinh đô vài ngày, có khi hàng tuần, các viên Hội thí trúng cách được quan Nội thị dẫn vào hoàng cung, trình diện nhà vua ở sân rồng (sân lớn của triều đình). Vua ngự trên cung điện chủ trì cuộc thi, có khi còn đích thân xét tướng mạo từng người. Chẳng hạn, khoa Bính Thìn (1496) vua Lê Thánh Tông đã loại 13 người trúng cách dự thi Hội, không cho dự thi Đình [18].

Các thí sinh được phát giấy bút, làm bài sách vấn (đối sách) tại sân rồng gọi là thi Đình (Điện thí). Đề thi do nhà vua ra (ngự đề) chỉ một đề thôi nhưng là câu hỏi lớn về chính sách, hoặc hành chánh, chính trị hay luân lý. Thí sinh phải làm bài văn dài mới trình bày hết sách lược, quan điểm của mình trước vấn đề đặt ra.

Ngày hôm sau, vua ngự ở điện Hội Anh, chủ tọa cuộc chấm thi. Hội đồng giám khảo do nhà vua chỉ định, gồm các vị đại thần có uy tín và học vấn uyên thâm ở Bộ Lễ, Viện Hàn Lâm, Quốc Tử Giám… Các quyển thi đều do toàn thể hội đồng giám khảo chấm rồi đệ trình nhà vua duyệt xét và thẩm định tối thượng.

Kết quả cuộc thi Đình nếu lấy đủ cung bậc học vị, theo thứ tự có:

– Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh (Trạng nguyên)

– Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh (Bảng nhãn)

– Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam danh (Thám hoa)

– Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) có nhiều người đỗ.

– Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) có nhiều người đỗ.

Đệ Nhị giáp và Đệ Tam giáp chỉ liệt kê danh sách theo thứ tự điểm cao thấp, gọi chung là Hoàng giáp và Tiến sĩ chứ không phân biệt vị thứ như Đệ Nhất giáp.

Tỷ số lấy đỗ Tiến sĩ rất thấp, thường không quá 1/100. Chẳng hạn khoa Quý Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận 4 (光 順), đời Lê Thánh Tông, có 4400 thí sinh, chỉ lấy đỗ 44 người, trong đó 1 Trạng nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, 15 Hoàng giáp và 26 Tiến sĩ [19].

Đời Nguyễn, số lấy đỗ Tiến sĩ ít hơn thời Lê, nên từ khoa Kỷ Sửu (1829) Minh Mạng thứ 10, đặt lệ Phó bảng. Những thí sinh có số điểm gần sát với hạng Đệ Tam giáp cũng được lấy đỗ nhưng tách riêng thành một bảng phụ, gọi là Phó bảng. Đỗ Phó bảng được xếp vào hàng đại khoa, học vị cũng tương đương với Tiến sĩ nhưng quyền lợi và sự đãi ngộ ít hơn đậu chính bảng.

07 – Kiêng húy:

a/ Kiêng húy là gì?

Húy (諱) là cữ, kiêng, phải giấu đi một số chữ “cấm” không được nói đến. Nói một cách khác, là cách viết hay đọc trại âm hay viết khác một từ nào đó do bị cấm. Húy còn gọi là kiêng húy, hay kỵ húy, nếu ai không tuân sẽ bị tội phạm húy.

b/ Kiêng húy thời Hậu Lê:

Thời Hậu Lê, từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, có tất cả 25 chữ húy, tổng hợp từ 2 tài liệu:

* Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [20]

– Lê Thái Tổ, tháng 5 năm 1428, ra dụ 7 chữ húy: “Đinh” (汀) tên của ông nội vua, “Quách” (郭) tên bà nội vua, “Khoáng” (曠) tên của cha vua, “Thương” (蒼) tên của mẹ vua, “Lợi” (利) tên vua, “Trần” (陳) tên của Phạm Hoàng hậu (Cung Từ), “Học” (學) tên người anh cả của vua.

– Lê Thái Tông, tháng 3 năm 1435, ra dụ 1 chữ húy: “Long” (龍) tên của vua.

– Lê Nhân Tông, tháng 4 năm 1443, ra dụ 2 chữ húy: “Cơ” (基) tên vua, “Anh” (英) tên mẹ vua (bà Tuyên Tử).

– Lê Thánh Tông, tháng 2 năm 1461, ra dụ 2 chữ húy: “Thành” (誠) tên vua, “Dao” (瑤) tên mẹ vua (bà Quang Thục).

– Lê Hiến Tông, tháng 3 năm 1497, ban bố 2 chữ húy: “Tranh” (錚) tên vua, “Hằng” (恒) tên mẹ của vua là Hoàng thái hậu Trường Lạc [21].

– Lê Túc Tông, tháng 7 năm 1504, ban bố 2 chữ húy: “Thuần” (淳) tên vua, “Hoàn” (環 ) tên mẹ vua (bà Trang Thuận).

*Theo Ngô Đức Thọ, Chữ Húy Đời Lê Sơ:

– Lê Uy Mục (1505 – 1509) có 2 chữ húy: Tuấn (濬) tên vua, “Cẩn” (瑾) tên mẹ vua ( bà Chiêu Nhân).

– Lê Tương Dực (1509 – 1516) có 1 chữ húy: “Oanh” (瀅) tên vua.

– Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) có 1 chữ húy: “Tân” (鑌) tên ông nội của vua.

– Lê Hoàng đệ Xuân tức Lê Cung Hoàng (1522 – 1527) có 5 chữ húy: “Tuyên” (瑄) tên bà nội của vua (bà Huy Từ) cũng vừa là mẹ của Tương Dực, “Sùng” (崇) tên của cha vua, “Loan” (鸞) tên của mẹ vua, “Ỷ” (椅) tên vua, “Xuân” (春) tên vua.

c/ Kiêng húy thời Nhà Nguyễn:

Bước sang triều Nguyễn, việc kiêng húy càng nghiêm nhặt hơn:

Theo Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ [22], năm Gia Long thứ 6 (1807) ra dụ “kính lục,” khi đọc đến phải tránh âm, khi viết văn nếu gặp các chữ ấy, phải đổi ra chữ khác, quy định như sau:

– Tên của vua Gia Long lúc nhỏ là Nguyễn Phúc Noãn (阮 福 暖): bên tả có chữ “nhật” (日), bên hữu là chữ “viên” (爰), hợp lại thành chữ “noãn” (暖) nghĩa là “ấm áp.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “úc” (燠), cũng có nghĩa là “ấm.”

– Tên của vua Gia Long lúc nhỏ là Nguyễn Phúc Chủng (阮 福 種): bên tả có chữ “hòa” (禾), bên hữu là chữ “trọng” (重), hợp lại thành chữ “chủng” (種) nghĩa là “giống thóc.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “thực” (植) nghĩa là “các loài cây có rễ.”

– Tên của vua Gia Long lúc lớn có tên là Nguyễn Phúc Ánh (阮 福 映): bên tả có chữ “nhật” (日), bên hữu là chữ “ương” (央), hợp lại thành chữ “ánh” (映) nghĩa là “ánh sáng giọi lại.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “chiếu” (照) nghĩa là “soi sáng.”

– Nguyễn Phúc Luân ( ), thân sinh Nguyễn Ánh: bên tả có chữ “nhật” (日), bên hữu là chữ “luân” (侖), hợp lại thành chữ “luân” () nghĩa là “luôn luôn.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “diệu” (曜) nghĩa là “tia nắng.”

– Ý Tĩnh Khang hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn (阮 氏 環) là thân mẫu của vua Gia Long, bên tả có chữ “ngọc” (玉), bên hữu là chữ “hoàn” (寰) nghĩa là “vật hình tròn,” hợp lại thành chữ “hoàn” (環) có nghĩa là “cái vòng ngọc.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “viên” (圓) nghĩa là “hình vòng tròn.”

– Lan (蘭) [23] nghĩa là “hoa lan,” trên có “thảo” đầu (艹), dưới là chữ “môn” bọc lấy chữ “gián” ở trong (闌), hợp lại thành chữ “lan.” Khi làm văn phải đổi ra chữ “hương” (香) nghĩa là “mùi hương.”

Thật ra, cổ tục kiêng húy phát sinh từ lòng tôn kính bậc tiền nhân, những người có công đức; nhưng vì các bậc vua chúa lạm dụng và nghiêm khắc, trở thành hình luật. Chẳng hạn đời Gia Long có 2 lần ra dụ “kính lục” vào năm 1807 và 1819. Đời Minh Mạng xuống dụ “kính lục” vào các năm 1820, 1825, 1833, 1834, 1837.

Nên khi nói đến “kỵ húy” người ta nghĩ rằng chỉ có tên của vua chúa mới kiêng cữ và gọi là quốc húy.

Bộ luật Gia Long quy định hình phạt về phạm húy: Nếu trong tờ trình tấu dâng lên vua mà có một chữ trùng với tên vua hay hoàng khảo (cha vua), sẽ bị đánh 80 gậy. Nếu tội ấy mắc phải trong những giấy tờ khác (không phải dâng lên vua), thì bị phạt 40 gậy.

Còn với sĩ tử khi đi thi, nếu phạm húy, không những chịu hình phạt, còn bị đánh hỏng dù bài văn xuất chúng. Ngoài ra người thầy dạy cũng bị liên can.

d/ Phương pháp tránh phạm húy:

Khi làm văn, sĩ tử có mấy nguyên tắc sau đây để tránh phạm húy:

* Cải tự: thay một chữ khác có cùng nghĩa hay nghĩa chỉ gần giống.

– Trường hợp đồng nghĩa: chữ “noãn” (暖) nghĩa là “ấm áp”; thay bằng chữ “úc” (燠), cũng có nghĩa là “ấm.”

– Trường hợp gần giống: chữ “lợi” (利, 俐) nghĩa là “nhanh nhẩu, lợi ích”; thay vào chữ “tiện” (便) nghĩa là “thuận lợi.”

* Chiết tự:

Nếu chữ kỵ húy được cấu tạo bởi hai hay nhiều chữ hợp lại, dùng lối chiết tự, cách này vừa xác định rõ chữ kiêng húy vừa tăng giá trị văn học của bài văn. Trong Văn bia Vĩnh Lăng, Nguyễn Trãi đã dùng chiết tự tránh tên của vua Lê Thái Tổ là húy “Lợi,” đã viết:

“Tính Lê, húy tả tòng Hòa, hữu tòng Đao” (姓 黎, 諱 左 从 禾, 右 从 刂), nghĩa là: Vua họ Lê, tên húy bên trái là “Hòa,” bên phải là “Đao” (tức chữ Lợi 利).

Tên cha của vua Lê Thái Tổ, chiết tự viết: “húy tả tòng nhật, hữu tòng quảng

(左 从 日, 右 从 廣),nghĩa là: tên húy bên trái là “Nhật,” bên phải là “Quảng” (tức chữ Khoáng 曠).

* Khuyết bút:

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [24], dưới đời vua Trần Anh Tông, vào năm Kỷ Hợi (1290), xuống chiếu các chữ húy dưới đây phải viết thiếu nét, gồm: Ngụy (魏), Thấp (湿), Nam (南), Càn (乾), Tô (穌), Tuấn (峻), Anh (英), Tảng (顙).

* Trại âm: cố ý nói chệch âm chính đi một chút, tức là chọn một âm na ná thay thế cho âm chính. Khi chuyển qua Quốc ngữ (tiếng Việt mẫu tự La Tinh), trại âm viết thành trại ngữ.

Ví dụ: chính âm là “Nguyên” (tên của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, 1613 – 1634) trại âm thành “Ngươn”; chính âm “Đảm” (tên của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Đảm) trại âm thành “Đởm”; chính âm “Hồng” (tên lót của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) trại âm thành “Hường.”

* Khuyết tự: chỉ thực hiện một khi không tìm được chữ tương đương, cũng không thể chiết tự. Người viết chỉ còn cách bỏ trống chữ húy ấy. Trường hợp này người đọc có thể lầm lẫn, vì không xác nhận nhân vật, nên ít dùng, nhưng không phải là không có.

Thí dụ: Tên húy là…, lại húy là…

* Dùng danh hiệu, tước hiệu, hay học vị: đối với những nhân vật quá nổi tiếng, nhiều người biết, việc kiêng húy theo cách này là tốt nhất.

Ví dụ: Trần Quốc Tuấn là đích danh, người đời kiêng húy nên dùng danh hiệu, tước hiệu là: “Trần Hưng Đạo” (陳 興 道), hay Hưng Đạo Đại Vương (興 道 大 王),  hoặc “Đức Thánh Trần” để gọi Ngài. Nguyễn Bỉnh Khiêm là đích danh, người ta thường gọi bằng học vị kết hợp với tước hiệu của Ngài là “Trạng Trình” (đỗ Trạng nguyên, được phong tước Trình Quốc Công). Nguyễn Khuyến là đích danh, người ta thường gọi bằng học vị, kết hợp bản quán là “Tam Nguyên Yên Đỗ” (三 元 閼 堵), vì ông là người xã Yên Đỗ và đỗ đầu cả 3 kỳ: thi Hương, thi Hội, thi Đình.

V – XƯỚNG DANH VÀ TRUYỀN LÔ

01 – Xướng danh Cử nhân:

Xướng danh là lễ đọc tên các tân khoa Cử nhân tại trường thi. Buổi lễ rất long trọng, trên khán đài có đủ mặt các quan trong hội đồng thi, phẩm phục chỉnh tề, với sự tham dự đông đảo các quan trong vùng.

Trước khán đài, các thí sinh cùng gia đình và bạn hữu đứng chờ nghe tên. Dân chúng quanh vùng và các nho sinh đến xem đông nghẹt. Từ trên chòi cao, vị Truyền lệnh sứ dùng loa lần lượt xướng danh các thí sinh trúng tuyển Cử nhân, nêu đủ tên họ, tuổi tác, quê quán (làng, tổng, huyện, phủ, tỉnh).

Chẳng hạn, khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1912), tại trường thi Bình Định, ông Trần Phan, 36 tuổi, người xã Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ Giải nguyên. Vị Truyền lệnh sứ xướng danh là: Cử nhân Đệ Nhất danh Trần Phan, niên canh tam thập lục tuế, quán tại Bồ Đề thôn, Mộ Đức huyện, Quảng Ngãi tỉnh.

Từ trong đám đông, vị thủ khoa lên tiếng “dạ” lớn, lách mình tiến đến khán đài trình diện, được ban áo mão cân đai và tàn lọng, quay về phía các quan trong Hội đồng thi lạy tạ hai lạy, rồi đứng vào ô dành riêng cho các vị tân khoa, trước sự trầm trồ ngưỡng mộ của mọi người.

Xong, tiếp tục xướng danh: Cử nhân Đệ Nhị danh Trần Đình Thoại, niên canh nhị thập cửu tuế, quán tại Thuận Thái thôn, An Ngãi tổng, An Nhơn phủ, Bình Định tỉnh. Rồi đến Cử nhân Đệ Tam danh… Đệ Tứ danh… Lễ xướng danh xong, danh sách trúng tuyển được yết tại cửa Giáp (mặt tiền, bên tả) của trường thi.

H 7: Xướng danh thí sinh trúng tuyển ở Trường Hà Nam

(Hà Nội và Nam Định). Ảnh tài liệu xưa.

Những người đỗ Tú tài không được xướng danh, không có áo mũ của triều đình. Danh sách đỗ niêm yết tại cửa Ất (mặt tiền, bên hữu) của trường thi. Nơi đây cũng đông nghẹt vì các thí sinh cố chen lấn xem bảng kiếm tên mình. Đỗ Tú tài tuy còn phải thi Hương nữa, nhưng đã có chân trong khoa mục, được vĩnh viễn miễn phu dịch và lính tráng.

H 8: Thí sinh khoa Đinh Dậu, tề tựu tại Trường Hà Nam

nghe công bố kết quả. (Ảnh tài liệu xưa, 1897)

Quan trường dẫn các tân khoa Cử nhân đến nhà Vọng Cung làm lễ bái vọng vua và dự yến tiệc tại nhà khách tỉnh do quan Tổng đốc sở tại thết đãi. Trong bàn tiệc, các tân khoa, nhất là hai vị Giải nguyên, Á nguyên được các khảo quan và tỉnh quan thử tài thi phú.

Các người đỗ Tú tài tề tựu ở cửa Tiền tỉnh thành, đợi các tân Cử nhân dự yến xong, rồi cùng hồi hương.

02 – Truyền lô Tiến sĩ:

Lễ truyền lô các tân khoa Tiến sĩ tại điện Thái Hòa, tuy không đông đảo như lễ xướng danh Cử nhân, nhưng long trọng hơn nhiều vì có vua ngự triều và đủ mặt bá quan văn võ tại kinh đô.

Vị Chánh chủ khảo tâu vua về kết quả cuộc thi, vị Giám thí phụng mệnh vua phát cho mỗi vị tân khoa 1 bộ áo mũ đại triều có đủ cân đai hia hốt, 1 lá cờ và 1 tấm biển. Các tân khoa triều phục chỉnh tề theo quan Thượng thư bộ Lễ vào điện, quỳ thành hàng ngay ngắn trước bệ rồng.

Quan Lễ bộ đến giữa ngự đạo, quỳ xuống rồi đọc: Niên hiệu, năm, tháng, ngày… bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ mấy người, họ, tên; Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân mấy người, họ, tên; Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân mấy người, họ, tên. Đọc xong, phủ phục, đứng dậy, lui ra đứng vào chỗ cũ. Quan Lễ bộ cùng Tự ban mang bảng vàng từ cửa bên tả sân rồng đi ra, trống và nhạc đi trước, các Tiến sĩ đi theo sau, rước đến cửa nhà Thái học, treo lên.” (trích Lịch Triều Hiến Chương, bản dịch, Tập 2, trang 191) .

Thái quan mở tiệc yến ở công đường bộ Lễ, mỗi tân khoa dâng lên vua một bài tạ biểu. Các tân khoa được nhà vua cho thăm vườn ngự uyển, được hái một bông hoa theo ý thích để thợ kim hoàn tại triều đánh lại bằng vàng, làm kỷ niệm. Bộ Lễ còn đem các tân khoa đi xem phố xá khắp kinh thành để dân chúng chiêm ngưỡng [25].

VI – VINH QUY BÁI TỔ

Để chứng tỏ “Thiên tử cầu hiền” và đãi ngộ nhân tài, nền khoa cử Nho học có lệ vinh qui bái tổ. Dù thi Hương, thi Đình, các tân khoa đều được báo tin về quê quán, chính quyền địa phương có bổn phận lo việc đón rước. Theo lệ, đỗ đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng) cả phủ huyện đón rước; đỗ Cử nhân đón rước cấp tổng; Tú tài rước cấp làng xã [26].

Chính quyền địa phương phải cử người đến tận trường thi gặp vị tân khoa để biết ngày giờ hẹn. Dân làng và chính quyền địa phương đón vị tân khoa nơi đầu huyện (Tiến sĩ) hoặc đầu tổng (Cử nhân) hay đầu làng (Tú tài). Dù ở học vị nào, đám rước cũng chỉnh tề, long trọng, có đủ cờ quạt, bát bửu, lục bộ, trống chiêng vang dậy cả một vùng và hai bên đường, người đứng xem đông nghẹt.

Nhất là đám rước Tiến sĩ vô cùng to lớn và trọng thể, đội hình xếp theo thứ tự quân, sư, phụ. Đi đầu là cờ biển của vua ban cho vị tân khoa, rồi đến kiệu hay võng có che lọng của thầy dạy học, của cha mẹ, tiếp theo là vị tân khoa, và sau cùng là vợ (nếu có), đúng với câu “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.”

H 9: Lễ rước các tân khoa dạo phố.

(Ảnh tài liệu xưa)

Về tới nhà, cha mẹ và thầy dạy cùng vị tân khoa làm lễ bái tổ tiên ở từ đường, ở đình làng và lễ đức Khổng Tử ở Văn Miếu. Sau đó người nhà tổ chức tiệc mừng mời cả huyện, hoặc cả tổng hay cả làng tùy theo học vị; chi phí quá lớn nhưng không sao vì có họ hàng, bạn bè, hương chức và cả những nhà giàu có sẵn sàng giúp đỡ.

H 10: Lệ yến tiệc cho các tân khoa Cử nhân.

(Tổng đốc Nam Định khoản đãi, 1897)

VII – DỰNG BIA TIẾN SĨ

Năm Canh Tuất (1070), Lý Thánh Tông niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (神 武), mùa thu, tháng 8, cho xây Văn Miếu ở phía Nam kinh thành Thăng Long ngoài việc thờ Khổng Tử , Chu Công và các bậc tiên thánh, còn là nơi học tập của các hoàng tử [27].

Năm Bính Thìn (1076), Lý Nhân Tông, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1 (英 武 昭 勝) lập nhà Quốc Tử Giám [28] là trường đại học đầu tiên của nước ta.

Thời Hậu Lê, bia Tiến sĩ được dựng ở Văn Miếu ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý. Mỗi khoa thi là một tấm bia bằng đá đặt trên lưng rùa. Từ ngoài vào, phải qua Văn Miếu Môn, là cổng tam quan dẫn vào khu Nhập Đạo.

Năm Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (大 寶), Lê Thái Tông sai soạn văn bia đề tên các Tiến sĩ. Lệ bia Tiến sĩ có từ đấy [29]. Nhưng mãi đến năm Giáp Thìn (1484), Hồng Đức thứ 15 đời Lê Thánh Tông mới có một lần dựng bia đại quy mô bao gồm các khoa Tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1484, tất cả 10 tấm, đặt ở Vườn Bia có hồ Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) trước Đại Thành Môn, khởi đầu cho hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn Miếu và Quốc Tử Giám tại kinh đô Thăng Long.

H 11: Khuê Văn Các ở Văn Miếu Hà Nội.

(Ảnh: Văn Phúc)

Từ khoa Đinh Mùi (1487) Hồng Đức thứ 18 (洪 德) đời Lê Thánh Tông, việc dựng bia Tiến sĩ thực hiện ngay trong năm có khoa thi. Nhưng từ khoa Ất Sửu (1505) Đoan Khánh thứ 1 (端 慶) đời vua Lê Uy Mục, việc dựng bia thường bê trễ, như khoa Tân Mùi (1511) Hồng Thuận thứ 3 (洪 順) đời Lê Tương Dực, sau 2 năm mới dựng được; khoa Giáp Tuất (1514) Hồng Thuận thứ 6, sau 7 năm mới thực hiện; còn khoa Mậu Dần (1518) Quang Thiệu thứ 3 (光 紹) đời Lê Chiêu Tông thì mãi 18 năm sau (1536) đời Mạc Đăng Doanh mới dựng bia.

Dưới triều Mạc, chỉ một lần dựng bia khoa Kỷ Sửu (1529) niên hiệu Minh Đức thứ 3 (明 德) đời Mạc Đăng Dung, ngay trong năm đó.

Triều Lê Trung Hưng, đời Lê Thần Tông (1649 – 1662) và Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), xúc tiến việc dựng bia cho 25 khoa, từ năm Giáp Dần (1554) đến năm Nhâm Thìn (1652). Đây là đợt dựng bia lớn nhất trong lịch sử khoa cử nước ta, thực hiện vào năm Quý Tỵ (1653) niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (盛 德). Nhưng rồi từ khoa Bính Thân (1656), Thịnh Đức thứ 4 đời Lê Thần Tông, việc dựng bia bị đình hoãn cho đến năm Đinh Dậu (1717) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (永 盛) đời Lê Dụ Tông (1705 – 1729) và chúa An Đô Vương Trịnh Cương (1709 – 1729) mới thực hiện 21 bia tồn đọng từ khoa Bính Thân (1656) đến khoa Ất Mùi (1715). Đây là lần dựng bia lớn thứ nhì trong lịch sử khoa cử thời Nho học.

Từ khoa Mậu Tuất (1718) Vĩnh Thịnh thứ 14 về sau, việc dựng bia Tiến sĩ không tồn đọng nữa nhưng cũng phải 2 hoặc 3 năm sau mới xong. Từ niên hiệu Cảnh Hưng (景 興) đời Lê Hiển Tông (1740 – 1786), việc dựng bia tương đối đều đặn và sớm sủa. Lần dựng bia cuối cùng vào năm 1780 cho khoa Kỷ Hợi (1779) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40. Sau đó, triều Lê còn mở 4 khoa thi nữa nhưng không kịp đặt bia.

Nhà Nguyễn, khoa thi Tiến sĩ đầu tiên vào năm Nhâm Ngọ (1822) Minh Mạng thứ 3 nhưng mãi đến năm Tân Mão (1831) mới dựng bia, khởi đầu việc lập hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế, nằm bên bờ sông Hương và phía Tây kinh thành. Lần dựng bia cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là năm chấm dứt nền khoa cử Nho học là khoa Kỷ Mùi (1919) Khải Định thứ 4 (啟 定), dựng bia ngay trong năm đó.

Qua các bia ký, thấy được phần nào tình trạng học hành, phép thi cử và cách đãi nhân tài của một triều đại. Chẳng hạn bài văn bia khoa Bính Tuất (1466) niên hiệu Quang Thuận 7 (光 順), có đoạn:

Nhân tài đối với nhà nước, quan hệ rất lớn… Lê Thái Tổ bình định đất nước, giáo dục nhân tài, về mặt rộng hỏi thì tìm người ẩn dật, về mặt lựa chọn thì có thi học sinh, dù tên khoa Tiến sĩ chưa đặt ra, nhưng khí mạch của văn hóa đã đủ. Thái Tông nối ngôi, từ năm Nhâm Tuất (1442) khai khoa, người tài đều thu gồm được. Nhân Tông mở luôn ba khoa, văn vật càng rõ rệt thêm. Đến Thánh Tông trung hưng, số người đỗ khoa Quý Mùi nhiều hơn các năm trước… Đỗ thi Hội được ghi tên vào sổ; đã vẻ vang ở đương thời, lại có bia đá khắc tên, đủ để khuyến khích người sau nữa…”

Một bia khác cũng dựng trong đợt đầu (1484), có đoạn chép:

Việc lớn trong chính trị của đế vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài; chế độ của nhà nước muốn được kỹ càng, tất phải đợi hậu thánh. Bởi vì làm chính trị mà không cốt ở nhân tài, chế độ mà không nhờ hậu thánh, thì mọi việc đều còn là cẩu thả, trị hiệu và phong hóa đâu đã được thịnh, văn vật và điển chương đâu đã được là đủ?…” (trích Lịch Triều Hiến Chương, bản dịch, tập 2, trang 157, 159).

H 12: Bia Tiến Sĩ ở Văn Miếu Hà Nội.

(Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực chụp, 1993)

Ngày nay, ở Văn Miếu Hà Nội hiện còn 82 bia và Văn Miếu Huế có 32 bia. Đây là bảng danh sách bằng đá liệt kê chính xác các Tiến sĩ của nước ta từ năm 1442 đến năm 1919. Một di tích lịch sử của nền Nho học Việt Nam đã đóng góp vào đất nước nhiều nhân tài làm vẻ vang cho dân tộc.

VIII – THAY LỜI KẾT

Việc thi cử thời Nho học đặt việc công minh lên hàng đầu, có thế mới chọn được hiền tài. Năm 1499, vua Lê Hiến Tông (黎 憲 宗; 1498 – 1504) ban hành luật trường thi rất nghiêm. Các giám quan phải khám xét kỹ khu vực trường và chịu trách nhiệm nếu có việc chôn giấu sách vở. Khi thí sinh vào trường, bị khám xét rất ngặt tại cổng vào, nếu phát hiện có sự gian dối như: mang theo sách vở, tài liệu, hoặc đi thi hộ cho người khác, sẽ bị phạt làm lính ở bản phủ 3 năm và suốt đời không được dự thi. Các viên chức trong hội đồng thi không làm tròn nhiệm vụ, hoặc không minh chính, sẽ bị tội biếm giáng (hạ chức). Nhà vua phán: “Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh thì không lấy được người thực tài.” [30].

Luật lệ còn nghiêm cấm không cho các các viên chức trong hội đồng thi đến công tác tại trường thi có thân nhân họ hàng của người ấy ứng thí. Ngay cả những viên thư lại, phụ giúp vào việc văn phòng, không hề dự vào việc chấm thi, cũng phải kiêng tránh. Năm 1835, vua Minh Mạng (明 命; 1820 – 1840) xuống dụ:

“Phàm nhân viên lấy đi việc trường thi, mà người nào có chú bác, con, cháu, chú, cháu, và anh em là họ thân đi thi thì viên ấy được phép trình bày rõ, và được kiêng tránh. Nếu quan được phái đi, sau khi nhận được chỉ của vua, thì phải làm tờ tâu xin kiêng tránh ngay. Đến như các thư lại, thì cho phép trình các quan quản lãnh để cử người khác. Nếu người nào cố tình ẩn giấu, có ai tố giác ra, sẽ phải tội nặng.” [31].

San Jose, ngày 11- 07- 2000

Bổ chính lần 3: 16- 08- 2014

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Hà Văn Thùy (tài liệu trên Net):

– Không Có Cái Gọi Là “Từ Hán Việt” (trích)

Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc.”

Cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ ‘từ Hán Việt’ khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.” (hết trích)

– Chữ Việt Là Chủ Thể Tạo Nên Chữ Trung Hoa (trích)

Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa.” (hết trích)

[2] Phan Khoang; Trung Quốc Sử Lược (Sài Gòn, nxb Văn Sử Học, 1970); trang 51.

[3] Vương Ứng Lân (Wang Ying Lin, 1223 – 1296), tự Bá Hậu (Bo Hou), hiệu Thâm Ninh (Shen Ning), người tỉnh Chiết Giang, là chính khách và học giả của Tàu vào cuối thời Nam Tống.

[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học dịch, Tập I (nxb Giáo Dục, 1998); trang 353.

[5] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Hoàng Văn Lâu dịch, Tập II (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); trang 25.

[6, 7, 8] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ nhất kỷ, Quyển 10; Viện Sử Học dịch (Đà Nẵng, nxb Giáo Dục, 2007): Tập 1, trang 565; Tập 2 trang 45 và trang 118.

[9] Mở Chế khoa đầu tiên ở nước ta vào năm Giáp Dần (1554), niên hiệu Thuận Bình 6 (順 平) đời Lê Trung Tông (1549 – 1556).

[10] Đỗ Đức Hiểu và nhiều tgk; Từ Điển Văn Học, Quyển I (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1983); trang 60.

[11] Biền ngẫu: Biền là hai con ngựa chạy song đôi. Biền ngẫu là lối văn có những cặp câu hay trong mỗi câu có những cặp nhóm từ đối nhau.

[12] Đỗ Đức Hiểu và nhiều tgk; Từ Điển Văn Học, Quyển II (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1983); trang 527.

[13] Cao Xuân Dục; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1992); trang 528.

[14] Phan Huy Chú; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tổ phiên dịch Viện Sử Học Việt Nam dịch, Tập 2 (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992); trang 156.

[15, 16] Cao Xuân Dục; sách đã dẫn; trang 252 và 314, trang 55.

[17] Toan Ánh; Nếp Cũ Con Người Việt Nam, in lần thứ hai (Sài Gòn, Khai Trí, 1970); trang 74 và 76.

[18, 19] Ngô Đức Thọ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam (Hà Nội, nxb Văn Học, 1993); trang 12, 15 và 105.

[20] Quốc Sử Viện Triều Lê; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hoàng Văn Lâu dịch Tập II; các trang 294, 327, 354, 393, 524.

[21] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch, Tập II, trang 524, chép: “Tên húy Thái hậu (Trường Lạc) là Hằng (恒).” Nhưng trong bản dịch Tập III, trang 7, lại chép “Mẹ ngài là Trường Lạc Thánh từ Hoàng Thái hậu họ Nguyễn, tên húy là Huyên (咺)”

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch Tập III (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); trang 35.

[22] Nội Các Triều Nguyễn; Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Quyển 121: Những điều răn cấm, bản dịch, Tập 8 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1993); trang 144.

[23] Theo “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ,” trong danh sách “Kính lục” của vua Gia Long, có 1 chữ húy là “Lan” (蘭) nghĩa là “hoa lan,” thuộc bộ “thảo” (艸), không rõ nhân vật nào? Còn Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (阮 福 瀾), “lan” có nghĩa là “sóng lớn,” thuộc bộ thủy (水). Vì dòng họ chúa Nguyễn, phần nhiều đặt tên đều có bộ “thủy.”

[24] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Hoàng Văn Lâu dịch, Tập II, trang 76:

[25, 26] Toan Ánh; Nếp Cũ Con Người Việt Nam, in lần thứ hai (Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí, 1970); trang 97, 98.

[27] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Ngô Đức Thọ dịch, Tập I (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); trang 275.

[28] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học dịch, Tập I, trang 353.

[29] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; Hoàng Văn Lâu dịch, Tập 2, trang 351.

[30] Phan Huy Chú; Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, nhóm Đỗ Mộng Khương dịch (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992); Tập 2, trang 161.

[31] Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, bản dịch, Tập 7, trang 223

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ CAO XUÂN DỤC; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch; Sài Gòn, nxb TP/ HCM, 1992.

02/ CAO XUÂN DỤC; Quốc Triều Khoa Bảng Lục, Lê Mạnh Liêu dịch; Hà Nội, nxb Văn Học, 2001.

03/ ĐỖ ĐỨC HIỂU và nhiều tgk; Từ Điển Văn Học, bộ 2 tập; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1983.

04/ ĐỖ VĂN NINH; Văn Bia Quốc Tử Giám Hà Nội; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000.

05/ . . . . . . . . ; Quốc Tử Giám Và Trí Tuệ Việt; Hà Nội, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001.

06/ NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên và 2 tgk; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam 1075 – 1919; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.

07/ NGUYỄN PHU; Giáo Dục Và Khoa Cử Triều Nguyễn; Sài Gòn, nxb Trẻ, 1997.

08/ NỘI CÁC TRIỀU NGUYỄN; Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, nhóm Nguyễn Trọng Hân dịch Tập 7, và nhóm Đỗ Mộng Khương dịch Tập 8; Huế, nxb Thuận Hóa, 1993.

09/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, bộ 7 quyển; Sài Gòn, tác giả xuất bản, Khai Trí phát hành, 1958 – 1972.

10/ PHAN HUY CHÚ; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Tổ phiên dịch Viện Sử Học Việt Nam dịch; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.

11/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Tập 1 và 3; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

12/ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, 47 quyển; Viện Sử Học dịch, ấn hành thành 2 tập; không đề nơi, nxb Giáo Dục, 1998.

13/ QUỐC SỬ VIỆN TRIỀU LÊ; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản Chính Hòa, khắc in năm 1697, 27 quyển; bản dịch ấn hành thành 4 tập: Ngô Đức Thọ dịch Tập 1 (10 quyển), Hoàng Văn Lâu dịch Tập 2 (9 quyển), Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch Tập 3 (8 quyển), Tập 4 sao chụp nguyên văn chữ Nho; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1993.

14/ TOAN ÁNH; Nếp Cũ Con Người Việt Nam; Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1970.   15/ TRẦN ĐỘ chủ biên; Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp; Hà Nội, Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương xuất bản, 1989.

16/ PHAN KHOANG; Trung Quốc Sử Lược; Sài Gòn, nxb Văn Sử Học, 1970.

17/ VỤ BẢO TỒN BẢO TÀNG; Niên Biểu Việt Nam; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1984.