Dịch Thơ Đường

Lâm Vĩnh Thế

Bài viết nầy ghi lại một vài suy nghĩ chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân tương đối giới hạn của người viết về việc dịch thơ Ðường sang tiếng Việt, hay nói cho đúng hơn là chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt. Người viết không phải là người đầu tiên làm công việc nầy và cũng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. Và đây chính là lý do hình thành của bài viết nầy: để chia xẻ hứng thú và kinh nghiệm với những người đồng điệu.

Vài nét về thơ Đường

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, triều đại nhà Ðường (618-907) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhứt của thi ca, cả về lượng lẫn về phẩm. Tại nước ta, trong suốt bao nhiêu thế kỷ, “Ðường thi được coi là kho tàng điển-cố trân-quí, là khuôn-mẫu mệnh ý, dụng ngữ cho các nho sĩ khi làm thơ chữ cũng như thơ nôm.” [1] Ngay cả sau khi Nho học đã suy tàn, thơ Ðường vẫn còn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Số người thưởng thức và chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt rất nhiều nhưng nổi tiếng nhứt thì phải kể đến Tản Ðà và Ngô Tất Tố trong giới cựu-học và Trần Trọng San trong giới tân-học.

Phần lớn các tài liệu về văn học Trung quốc đều phân chia văn học thờI Ðường làm 4 giai đoạn: Sơ Ðường (618-713), Thịnh Ðường (713-766), Trung Ðường (766-835) và Vãn Ðường (836-905). MổI giai đoạn đều có nhiều thi sĩ nổI danh nhưng hai ngườI nổI tiếng nhứt là Lý Bạch (701-762), được gọI là Thi Tiên, và Ðỗ Phủ (712-770), được gọI là Thi Thánh; cả hai đều thuộc thời Thịnh Ðường và đều để lại một sự nghiệp rất vĩ đại.

Một trong những đóng góp quan trọng của thời Thịnh Ðường là việc hoàn thiện thể thơ mới để thay thế cho thể thơ cổ phong, gọi là thơ cận thể hay kim thể, với luật lệ rất nghiêm ngặt, chặt chẻ. Do đó về sau người ta gọi là luật thi: ngũ ngôn luật thi hay thất ngôn luật thi.

Trong bài viết nầy, người viết chỉ đề cập đến việc chuyển dịch một số bài thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, 4 câu 7 chữ.

Dịch Thoát Ý Hay Dịch Thật Sát Nguyên Tác

Vấn đề đầu tiên đối vớI ngườI dịch là: dịch thoát ý hay dịch thật sát nguyên tác, theo từng câu, từng chữ. Thi sĩ Tản Ðà, mà phần đông độc giả cho là ngườI dịch thơ Ðường hay nhứt, có hồn thơ nhứt, có lẻ đã chọn lối thứ nhứt vì ông vốn là một thi sĩ, nghĩa là một ngườI nghiêng về sáng tác, vì thế thơ dịch của ông rất là thoát ý. Ta hảy đọc bài thơ của thi sĩ dịch bài thơ Ðường nổI tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế (thuộc thời Thịnh Ðường) sau đây:

Nguyên tác:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Dịch nghĩa:

Trăng tà, quạ kêu, sương đầy trờI

Cây phong trên bờ sông, ánh lửa thuyền câu, trước giấc ngủ buồn

Chùa Hàn San bên ngoài thành Cô Tô

Nữa đêm, tiếng chuông vang đến thuyền khách

Bài dịch của Tản Ðà:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Ðọc qua bài thơ dịch nầy, ai cũng phải nhìn nhận rằng Tản Ðà đã giữ đầy đủ tất cả những ý chính và hình tượng trong nguyên tác: trăng tà, quạ kêu, sương, lửa chài, cây bên bờ sông, giấc ngủ buồn, Cô Tô, chùa Hàn San, nửa đêm, tiếng chuông, thuyền khách.

Trong hai câu đầu của bài thơ dịch, dịch giả giữ được gần như đầy đủ tất cả các ý và hình tượng cũng như thứ tự của chúng trong hai câu đầu của nguyên tác. Tuy nhiên ta cũng nhận thấy có mấy ý trong nguyên tác mà dịch giả đã không dịch được: 1) sương mãn thiên, dịch giả chỉ dịch chữ sương, hình tượng đầy trờI đã bị loại bỏ; 2) giang phong, chỉ được dịch giả dịch là cây bến, chữ bến còn tương đối chấp nhận được vì nó gợI lên ý bến sông nhưng chữ cây thì quá tổng quát, không thể hiện được ý trong nguyên tác là cây phong, một loại cây thường được đề cập đến trong thi cả cổ điển của Trung Hoa và thường gợI lên hình ảnh của mùa thu với một nổI buồn man mác; hình tượng cây phong là một dụng ý của Trương Kế vì một trong những ý chính của bài thơ nầy là nói về một đêm buồn; 3) chữ đối cũng hoàn toàn bị loại bỏ. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề loại bỏ nầy trong phần sau.

Sang hai câu cuối thì rõ ràng dịch giả chỉ giữ một phần nào các ý và hình tượng trong nguyên tác và đồng thời đão lộn thứ tự của chúng luôn. Ta hảy phân tích câu 3 của hai bài thơ:

Nguyên tác: Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

Bài dịch: Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Trước hết, câu 3 của nguyên tác đưa ra 2 hình tương: thành Cô Tô và chùa Hàn San. Dịch giả chỉ giữ lại Cô Tô, nhưng lại đổi nó ra thành bến Cô Tô (nếu phải dùng chữ bến thì có lẻ phải gọi là bến Phong Kiều thì mới đúng, như ta thấy trong tựa đề của nguyên tác); chùa Hàn San không có mặt trong câu 3 của bài thơ dịch, nó bị chuyển qua câu 4; thay vào đó dịch giả lại đưa hình tượng thuyền từ câu 4 trong nguyên tác vào đây. Ta hảy đọc lại câu 4:

Nguyên tác: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bài dịch: Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Trong câu nầy dịch giả giữ lại 2 hình tượng nữa đêm và tiếng chuông trong nguyên tác và đưa hình tượng chùa Hàn San từ câu 3 của nguyên tác vào đây. Ðọc kỷ ta sẽ thấy từ “đáo” trong câu 4 của nguyên tác cũng đã bị loại bỏ.

Có thể nói rằng hai câu cuối trong bài thơ dịch của thi sĩ Tản Ðà không phải là dịch nữa mà gần như là sáng tác; ông chỉ dùng ý của nguyên tác mà thôi, hoàn toàn không bị trói buộc bởi cấu trúc của nguyên tác. Và vì thế bài thơ dịch của Tản Ðà đi vào lòng người đọc một cách êm xuôi, nhẹ nhàng; càng đặc biệt hơn nữa là vì Tản Ðà đã chọn thơ lục bát để làm phuơng tiện chuyển dịch. Do đó bài thơ dịch Phong Kiều Dạ Bạc của thi sĩ Tản Ðà đã được rất nhiều người thuộc lòng và được xem như là hay nhứt.

Cũng bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc nầy, học giả Trần Trọng San đã dịch thành bài thơ như sau:

Trăng tà, tiếng quạ lẩn sương rơi,

Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài.

Ngoài ải Cô-Tô, chùa vắng vẻ,

Nữa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.

Ðọc qua bài thơ dịch của học giả họ Trần ta thấy tuy cũng giữ được phần lớn ý và hình tượng trong nguyên tác nhưng bài thơ dịch nầy có nhiều khác biệt so với bài thơ dịch của thi sĩ Tản Ðà. Trước hết, học giả họ Trần đã không chọn thể thơ lục bát thuần túy của Việt Nam như Tản Ðà mà ông quyết định giữ nguyên thể thơ tứ tuyệt của nguyên tác. Ðây là một điểm son cho bài thơ dịch của học giả họ Trần. Một điểm đặc sắc nữa là học giả họ Trần đã giữ đúng được hình tượng cây phong của nguyên tác trong câu 2. Riêng trong câu 4 học giả họ Trần đã chuyễn dịch được tất cả các ý và hình tượng, kể cả chữ “đáo,” trong nguyên tác, một ưu điểm hiếm có trong các bài thơ dịch. Tuy nhiên ta cũng thấy là dịch giả họ Trần đã bỏ qua một số ý và hình tượng trong nguyên tác: đầy trời (trong hình tượng sương mãn thiên), bờ sông (trong hình tượng giang phong), và đặc biệt nhứt là tên chùa Hàn San. Riêng trong câu 2, cụm từ “giấc lửa chài” có hơi gượng ép. Ngoài ra trong câu 3, dịch giả đã biến thành Cô Tô thành ra ải Cô Tô, và đã tự ý thêm vào ý “vắng vẻ” hoàn toàn không có trong nguyên tác. Tuy nhiên, bỏ qua những điểm tương đối yếu kém nầy, bài thơ dịch của học giả họ Trần vẫn là một bài thơ dịch rất đạt.

Dựa vào kinh nghiệm của hai dịch giả nóí trên, tôi đã dịch bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc như sau :

Quạ kêu, trăng lặn, sương tràn

Ðèn câu lặng ngũ bên hàng phong mơ

Chùa Hàn San, trấn Cô Tô

Nữa đêm chuông vẳng mơ hồ thuyền ai.

Nguyên tắc chính hướng đẫn tôi là dịch thật sát nguyên tác. Dựa vào nguyên tắc nầy, cố gắng chính của tôi trong bài thơ dịch nầy là: 1) giữ lại tất cả các ý và hình tượng của nguyên tác; 2) giữ lại đúng thứ tự xuất hiện của các ý và hình tượng trong từng câu của nguyên tác. Tôi cũng đã cố gắng tránh các khuyết điểm của hai dịch giả kể trên. Tôi đã dùng cụm từ “sương tràn” (tràn đầy) để dịch ý “sương mãn thiên = sương đầy trời”. Tôi đã giữ được hình tượng cây phong trong câu 2. Trong câu 3 tôi giữ được cả hai hình tượng trong nguyên tác: thành Cô Tô và chùa Hàn San, điều mà cả hai bài thơ dịch kể trên đều không làm được. Riêng câu 4 thì gần như sao chụp lại câu 4 của bài thơ dịch của học giả họ Trần vì tôi nghĩ và tin rằng là khó ai có thể dịch sát nguyên tác hơn được. Tuy nhiên bạn đọc chắc chắn cũng đã nhận ra các khuyết điểm trong bài thơ dịch của tôi: 1) tôi cũng đã không dịch được chữ “đối” trong câu 2 của nguyên tác; 2) cụm từ “mơ hồ” tôi đưa vào câu 4 là một ý không có trong nguyên tác.

Chọn Ý, Từ và Sắp Xếp Câu Trong Thơ Dịch

Cái khó khăn lớn nhứt gặp phải khi dịch thơ Ðường là tính cô đọng của nó. Trong một câu bảy chữ mà hàm chứa rất nhiều tình ý trong đó. NgườI dịch thơ Ðường thường phải chịu hy sinh, giữ ý nầy, bớt ý kia, vì khó có thể giữ được tất cả trong bài dịch. Xin lấy bài thơ Bạc Tần Hoài của Ðỗ Mục (803-852) làm thí dụ để minh họa:

Nguyên tác

Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần-Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng Hậu-đình-hoa.

Dịch nghĩa:

Khói phủ lên nước lạnh, trăng phủ lên cát,

Ðêm đến, đậu thuyện lại ở Tần Hoài, cạnh quán rượu

Ngươi kỷ nữ không biết nổi hận mất nước

Bên kia sông vẫn còn hát khúc Hậu-dình-hoa.

Học giả Trần Trọng San dịch bài thơ nầy như sau:

Khói in nước lạnh, trăng in cát;

Ðêm đến Tần-Hoài, cạnh tửu gia.

Ca-nữ đâu hay sầu mất nước,

Cách sông, còn hát Hậu-đình-hoa

Ðọc bài thơ dịch nầy của học giả họ Trần chắc chắn ai cũng phải nhận rằng đây là một bài thơ dịch tuyệt tác, giữ lại được đầy đủ các ý và hình tương, cũng như thứ tự của chúng trong từng câu trong nguyên tác. Tuy vậy, học giả họ Trần cũng đã phải chấp nhận loại bỏ bớt một ý trong bài thơ. Ta hảy phân tích câu 2 của nguyên tác:

Dạ bạc Tần Hoài, cận tửu gia

Câu nầy chỉ có 7 chữ nhưng gồm tất cả 4 ý như sau:

–       ban đêm

–       đậu thuyền lại

–       ở Tần Hoài

–       cạnh quán rượu

Câu 2 của bài thơ dịch của học giả Trần Trọng San như sau:

Ðêm đến Tần Hoài, cạnh tửu gia

Như vậy là, trong câu 2 nầy, học giả họ Trần đã phải hy sinh cái ý “đậu thuyền lại”, chỉ giữ lại cái ý ba ý kia: “ban đêm, ở Tần Hoài, và cạnh quán rượu”. Ðây là điểm đáng tiếc duy nhứt trong bài thơ dịch gần như tuyệt tác nầy của học giả họ Trần. Tôi nói đáng tiếc vì theo ý kiến rất chủ quan của tôi, ý “bạc = đậu thuyền lại” nên được giữ lại vì nó là một trong những ý chính của bài thơ và vì thế đã được tác giả nêu ra ngay trong tựa đề của bài thơ là Bạc Tần Hoài. Nếu phải bỏ bớt một ý trong câu nầy thì tôi nghĩ là nên bỏ cái ý “dạ = ban đêm”. Lý do: trong câu 1 cái ý ban đêm đã được nói đến rồi, trong cụm từ “nguyệt lung sa = trăng phủ cát”, có thể không cần phải được lập lại ở câu 2.

Chính vì suy nghĩ như thế tôi đã dịch bài thơ nầy như sau:

Khói vờn sông lạnh, cát trăng pha,

Tần-Hoài thuyền đậu, quán không xa.

Ca-nữ chẳng hay sầu mất nước,

Bên sông vẫn hát Hậu-đình-hoa.

Trong câu 2, tôi đã loại bỏ ý “ban đêm” mà giữ lại ý “đậu thuyền lại”.

Ngoài ra, còn một điều cần nói thêm về bài thơ nầy. Ðó là vấn đề “vần” cho bài thơ dịch. Tôi không rõ về phần học giả Trần Trọng San, nhưng về phần bản thân tôi thì tôi đã không có lựa chọn nào cả, vì tôi đã thấy trước là ba chữ cuối của câu 4 sẽ phải là “Hậu-đình-hoa”. Vậy vần cho bài thơ bắt buộc phải là vần “a” rồi, còn lựa chọn gì nữa. Từ đó, việc lựa chọn chữ cuối cho hai câu 1 và 2 đã bị giới hạn rất nhiều. Tôi gần như tin chắc rằng đó là lý do học giả họ Trần đã giữ nguyên chữ Hán “tửu gia,” mà không dịch ra tiếng Việt, ở cuối câu 2 trong bài thơ dịch của ông.

Xin lấy một thí dụ nữa. Ðó là bài thơ Hoài Thủy Biệt Hữu của Trịnh Cốc (?-896) như sau:

Nguyên tác

Dương Tử giang đầu, dương liểu xuân,

Dương hoa sầu sát độ giang nhân.

Sổ thanh phong địch ly đình vãn,

Quân hướng Tiêu-Tương, ngã hướng Tần.

Dịch nghĩa:

Ðầu sông Dương Tử, hàng dương liểu màu sắc tươi đẹp,

Hoa dương liểu làm cho người sang sông rất buồn rầu.

Mấy tiếng sáo trong gió, ở trạm chia tay lúc chiều tối,

Bạn đi về hướng sông Tiêu -Tương, tôi đi về hướng đất Tần.

Học giả Trần Trọng San đã dịch bài thơ nầy như sau:

Sông Dương xuân thắm hàng dương,

Hoa dương xui khách sang ngang ngại ngần.

Sáo chiều vẳng tiếng ly tan,

Tiêu-Tương bạn đến, đường Tần tôi đi.

Ta hảy chú ý câu 3 của nguyên tác:

Sổ thanh phong địch ly đình vãn

Câu thơ 7 chữ nầy bao gồm 4 ý sau đây:

– mấy tiếng sáo

– trong gió

– ở trạm chia tay

– vào buổi chiều tối

Dịch giả Trần Trọng San chỉ đưa vào câu 3 của ông được có 3 ý: tiếng sáo, buổi chiều và chia ly; ông đã phải hy sinh cái hình tượng “trong gió.” Tuy nhiên, thay vào đó, ông dùng chữ “vẳng” để mô tả đặc tính “văng vẳng” của tiếng sáo chiều, giúp ta hình dung được tiếng sáo chiều “trong gió” của nguyên tác, và vì vậy câu 3 nầy có thể được xem như rất đạt. Còn cái hình tượng “ly đình = trạm chia tay” thì hoàn toàn phải chịu số phận bị bỏ qua.

Sau đây là bài thơ dịch của tôi:

Ðầu sông Dương-Tử liểu tươi,

Sang sông ngắm liểu lòng người sầu thương.

Chia tay nghe sáo chiều vương,

Ðất Tần tôi đến, Tiêu-Tương bạn về.

Bạn đọc chắc cũng nhận ra là câu 3 của tôi cũng không khá gì hơn câu 3 của học giả họ Trần: tôi cũng đành chịu không tài nào gài vào được câu 3 cái hình tượng “ly đình = trạm chia tay” của nguyên tác. Ngoài ra, trong câu 2, tôi cũng chỉ đưa được vào hình tượng “dương liểu”, và đành phải loại bỏ hình tương “hoa” trong nguyên tác.

Thay Lời Kết

Việc chuyển dịch thơ Ðường (loại thất ngôn tứ tuyệt) sang thơ Việt là một công việc khó nhọc, đòi hỏi nhiều công phu phân tích và chọn lựa. Việc chọn lựa hình thức thơ Việt –lục bát hay thất ngôn–để làm phương tiện chuyển dịch không quan trọng lắm vì chọn hình thức nào đi nữa người dịch cũng chỉ có tối đa 28 chữ để dịch 28 chữ một bài thất ngôn tứ tuyệt. Do giới hạn rất khó vượt qua nầy (vì thông thường để dịch một chữ Hán ta cần phải dùng hai hay ba chữ Việt, thí dụ như chữ “bạc = đậu thuyền lại”), việc chọn ý và từ rất quan trọng vì giá trị sau cùng của bài thơ dịch vẫn là có đưa được đầy đủ các ý và hình tượng của nguyên tác vào hay không. Việc phải chấp nhận hy sinh, loại bỏ bớt một số ý và hình tượng của nguyên tác là không tránh được và cần phải được cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, chính vì những khó khăn, thử thách nầy, việc dịch thơ Ðường sang thơ Việt là một công việc đem lại nhiều thích thú cho người dịch. Chắc chắn mãi mãi về sau vẫn có những người yêu thơ Ðường và dịch thơ Ðường.

Riêng đối với các bạn đọc thông thạo tiếng Anh, nhất là các bạn trẻ sinh trưởng tại Bắc Mỹ, tôi xin giới thiệu địa chỉ Internet sau đây của ấn bản điện tử bản dịch tiếng Anh của quyển Ðường Thi Tam Bách Thủ:

http://etext.lib.virginia.edu/chinese/frame.htm

Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đã được một học giả Tây Phương, ông Witter Bynner, [2] dịch sang tiếng Anh (văn xuôi) như sau:

A Night-Mooring Near Maple Bridge

While I watch the moon go down, a crow caws through the frost;

Under the shadows of maple-trees a fisherman moves with his torch;

And I hear, from beyond Suzhou, from the temple on Cold Mountain,

Ringing for me, here in my boat, the midnight bell.

Dựa trên nguyên tác bằng chữ Hán và phần dịch nghĩa của bài thơ đã trình bày bên trên, xin mời các bạn đánh giá về mức độ chính xác của bài dịch văn xuôi nầy của Bynner và sau đó so sánh với hai bài thơ dịch của thi sĩ Tản Ðà và học giả Trần Trọng San. Tôi thành thật nghĩ và tin rằng các bạn sẽ nhận ra công phu của hai bậc thầy nầy trong việc dịch thơ Ðường sang thơ Việt.

Chú Thích:

1. Trần Trọng San. Thơ Ðường. Quyển 1. Sài Gòn: Tác Giả xuất bản, 1965. Tr. 12.

2. Bynner, Wìtter. The Jade Mountain: a Chinese anthology. New York: Alfred A. Knopf, 1929.