Hồ Biểu Chánh: Nhà Văn Lớn của Miền Nam

Lâm Văn Bé

http://khoahocnet.files.wordpress.com/2012/08/hobieuchanh.jpg?w=179&h=150

Một nhà văn hay một nghệ sĩ nói chung, ngoài thiên phú sáng tạo và khả năng tri thức, còn phải nhờ vào kinh nghiệm sống và môi trường sống để hoàn thành một tác phẩm. Trường hợp của Hồ Biểu Chánh là biểu tượng rõ rệt của nhận định nầy bởi lẽ cuộc đời của ông và những vùng đất mà ông đã sống trong thời niên thiếu (Gò Công), thời ông đi học (MỹTho, Saigon) và thời làm việc (các tỉnh miền Hậu Giang, Saigon) là những chất liệu quan trọng cấu thành các tác phẩm của ông. Trong viễn tựợng ấy, trước khi đề cập đến văn nghiệp của HBC, tưởng nên biết qua về thân thế của tác giả.

  • Thân thế Hồ Biểu Chánh

Ông tên thật là Hồ Văn Trung, tự là Biểu Chánh, bút hiệu là Thứ Tiên (thường ký trong các bài thơ), sinh ngày 1-10-1885 (năm Ất Dậu) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, trong một gia đình nghèo, đông con (ông là người con thứ năm trong 12 người).

Trong tập ký ức, viết ngày 24/12/1957, tại Phú Nhuận, bản đánh máy, nhan đề  Đời của tôi về văn nghệHồ Biểu Chánh đã viết về thời niên thiếu của ông như sau:

Từ 8 đến 12 tuổi, học nhấp nhem chữ Nho với thầy giáo dạy trong làng. Đến 13 tuổi, nhờ cha mẹ dời về ở chợ Giồng Ông Huê, mới bắt đầu học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, rồi xuống trường tỉnh Gò Công học tiếp 3 năm thi đậu học bổng. Được vào trường trung học Mỹ Tho học 2 năm (1902 và 1903) rồi được lên trường trung học Chasseloup-Laubat ở Sàigòn học thêm 2 năm nữa. Cuối năm 1905 thi đậu bằng Thành Chung.

Cuộc đời cơ cực của ông thời niên thiếu đã khiến ông thấu hiểu nỗi thống khổ của người nghèo, do đó trong tiểu thuyết của ông, ông viết nhiều về giới nông dân, thợ thuyền, nói chung những người cùng cố trong xã hôi. Hãy nghe ông tự thuật đời ông trong Lời di chúc (bản đánh máy do ông Hồ Văn Kỳ Trân, trưởng nam sao lại (Nguyễn Khuê, tr. 20) :

Còn hai bữa nữa tới ngày ta phải đi, mẹ ta than hết tiền, cha ta mới đi kiếm người đặng mượn tiền cho ta đi. Ta lo quá, sợ không đi được. Bữa chót, đến tối mà cũng không thấy cha ta về. Ta than nếu có một đồng bạc thì đủ cho ta đi. Mẹ ta khuyên ta đừng lo…Thiệt khuya, mẹ ta gói một cặp áo hàng, đi bộ với ta xuống chợ mà cầm. Chủ tiệm chịu cầm ba đồng. Mẹ ta xếp giấy bỏ vô túi, còn bạc thì đưa hết cho ta. Ta lấy hai đồng mà thôi. Mẹ ta không chịu, ép phải lấy hết, rồi đưa ta xuống tàu. Lúc tàu mở dây mà chạy, ta đứng ngó mẹ ta trên cầu tàu, ta chảy nước mắt…

Nếu chúng ta xúc động khi đọc những lời tự thuật chân tình nầy thì chắc hẳn chúng ta cũng sẽ không ngăn được giọt lệ thương cảm cho những cảnh đời ngang trái trong nhiều tiểu thuyết của ông.

Sau khi thi đậu Thành Chung, ông định xin làm giáo viên, nhưng theo lời khuyên của một ông thầy cũ, ông đi thi Ký Lục. Năm 1906, ông đậu Ký lục và được bổ nhiệm làm việc ở dinh Thượng Thơ Saigon. Cuộc đời hoạn lộ của ông bắt đầu từ đây, nhưng lúc nào ông cũng giữ tư cách thanh cao, chính trực, đời sống thật khiêm túc.

Trong di chúc ông viết :

Tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ đỡ, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cãi, thì phận mình khỏi hổ, mà thiên hạ lại được nhờ nữa (Nguyễn Khuê, t. 22)

Ông Bằng Giang, một văn hữu của Hồ Biểu Chánh đã mô tả ngôi nhà của HBC ở Vĩnh Hội hồi năm 1943 như sau lúc HBC đã là ông Đốc Phủ sứ :

Năm 1943, lúc còn làm hai tờ Nam Kỳ Tuần Báo và Đại Việt Tạp Chí, có một thời gian, hàng tuần, ông họp mặt anh em biên tập viên tại tòa soạn ở đường Reims (bây giờ là đường Lê Công Kiều, gần chợ Sài gòn). Chỉ có một lần, ông đưa anh em đến một nhà hàng ở đường Pellerin đãi ăn. Nữa chừng, ông ngã ra bất tỉnh, người nhà phải đưa ông về ngay. Tiệc tan, mấy văn hữu của ông kéo nhau lội bộ qua thăm ông bên Vĩnh Hội. Căn nhà ở góc đường Nguyễn Khoái -Tôn Thất Thuyết (đường Tôn Thất Thuyết chạy dọc theo Kinh Đôi trước năm 1945 là nơi đổ rác của địa phương Saigon-Chợ Lớn) lúc bấy giờ thật hẽo lánh. Ít ai ngờ được rằng đó là một căn nhà nhỏ vách ván, không điện, không nước. Đêm xuống, cả một vùng chìm trong bóng tối như ở giữa thôn quê. Gian nhà phía trước hẹp, có kê một cái bàn, nơi ông làm việc, tiếp khách, không có trang hoàng chi hết… (Hồ Biểu Chánh : người mở đường …., tr.107)

Năm 1911, Thống đốc Nam Kỳ nghi ông có liên lạc với nhóm Gilbert Trần Chánh Chiếu, chống Pháp nên đổi ông xuống Bạc Liêu. Được 9 tháng, ông tình nguyện đi Cà Mau thay cho một đồng liêu có con còn nhỏ, sợ xuống Cà Mau bị muỗi mòng, nước độc, tuy rằng lúc đó ông cũng vừa có đứa con đầu lòng mới 1 tuổi (là Hồ Văn Kỳ Trân), gởi lại cho nhạc mẫu nuôi. Năm sau ông lại đổi đi Long Xuyên (1913) và tại đây ông cùng với một số bạn bè trong hội Khuyến Học thành lập tờ Đại Việt Tạp Chí (tờ báo chỉ phát hành được 13 số thì đình bản). Năm 1918, ông được đổi về Gia định.

Năm 1921, ông thi đậu Tri huyện và năm 1927 được thăng Tri phủ. Từ đây, ông được xem như công chức cao cấp, được cử làm Chủ Quận Càng Long (1927), Ô Môn (1932). Năm 1934, vì bất đồng ý kiến với viên Chủ Tỉnh, ông bị đổi đi Phụng Hiệp (1934). Năm1936 ( lúc ông 51 tuổi), ông được thăng Đốc phủ sứ.

Tháng 6 năm nầy (1936), ông đã làm việc được 30 năm nên ông xin hồi hưu, nhưng chính phủ Pháp viện lẽ thiếu người nên lưu dụng ông đến tháng 6 năm 1941. Nhưng chỉ hai tháng sau, ngày 4-8-1941, ông được cử làm nghị viên Hội Đồng Liên Bang Đông Dương, rồi nghị viên Hội đồng thành phố Saigon kiêm Phó Đốc Lý. Trong thời gian nầy, ông còn làm giám đốc cho hai tờ báo là Nam Kỳ Tuần Báo và Đại Việt Tạp Chí (bộ mới). Năm 1946, khi ông Nguyễn Văn Thinh lập chánh phủ «Nam Kỳ tự trị» ông có làm đổng lý văn phòng, nhưng đến cuối năm, khi Nguyễn Văn Thinh tự tử, ông mới thực sự từ giả chính trường để vừa an hưởng tuổi già, vừa viết văn cho đến lúc tạ thế ngày 4-11-1958 tại tư thất ở Phú Nhuận, hưởng thọ 74 tuổi.

Hồ Biểu Chánh có 8 người con trong số có nhiều người tham chánh.

– Hồ Văn Kỳ Trân : sinh năm 1911 ở Chợ Lớn, giáo sư, dân biểu thời Đệ nhất Cộng Hòa, mất năm 1981 ở Austin, Texas.

– Hồ Văn Ngọc Ưỡng (bà) : sinh năm 1912 ở Cà Mau, mất năm 2004 ở VN.

– Hồ Văn Minh Cảnh : sinh năm 1914 ở Long Xuyên , mất ở VN

– Hồ Văn Vân Anh (bà) : sinh năm 1914 ở Long Xuyên, mất năm 2014 VN.

– Hồ Thị Sương : sinh năm 1922 ở ChợLớn, mất năm 1955 ở VN.

– Hồ văn Di Thuấn, sinh năm 1928 ở Trà Vinh, mất năm 1994 ở Cali.

– Hồ Văn Di Hinh, sinh năm 1928 ở Trà Vinh, tổng Trưởng Thanh Niên, Thị Trưởng ĐàLạt, mất năm 2002 tại Pháp.

– Hồ Văn Ứng Kiệt, sinh năm 1934, phi công tử nạn năm 1964.

Nếu phải kể thêm người con thứ 9 là bà Hồ Văn Madeleine (chị của Hồ Văn Ứng Kiệt), chết lúc mới sanh.

  • Văn nghiệp

Hồ Biểu Chánh bắt đầu viết văn từ năm 1906, cùng lúc với nghề công chức, nhưng ông đã sống với nghiệp văn đến hơi thở cuối cùng. Nếu nghề công chức là một phương tiện sinh sống thì viết văn, đối với Hồ Biểu Chánh là một đam mê và một sứ mạng «văn dĩ tải đạo». Ông nói : Viết văn để cho người mình đọc chuyện xảy ra ờ nước mình bằng chữ nước mình.

Những năm cuối cùng ông có bịnh đau tim và ông rất yếu.

Ông Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại :

« Bịnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng : « Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó » ….Cách đó ít bữa thì ba tôi từ trần. Trên bàn viết còn để lại bản thảo một tác phẩm viết dở» ( Quyển Hy Sinh).(Thụy Khuê RFA)

Sau nửa thế kỷ sáng tác, ông để lại cho hậu thế một văn nghiệp đồ sộ với 131 tác phẩm đủ các thể loại như truyện ngắn, thơ, tuồng cải lương, hát bội, văn tế, dịch thuật…Với số lượng tác phẩm nầy, Hồ Biểu Chánh được xem như nhà văn có nhiều tác phẩm và nhiều thể loại nhứt Việt Nam trước 1975. Những tác phẩm của ông có thể được liệt kê như sau :

– 64 tiểu thuyết

– 8 đoản thiên

– 4 truyện ngắn

– 2 truyện dịch

– 12 tuồng hát (5 hài kịch, 4 hát bội, 3 cải lương)

– 5 tập thơ và truyện thơ

– 8 tập ký

– 28 tập khảo cứu và phê bình.

Nhưng những tác phẩm thuộc các thể loại kể trên ít ai biết đến mà người dân cũng ít biết đến tên ông đốc phủ sứ Hồ Văn Trung. Người ta chỉ biết tên nhà văn Hồ Biểu Chánh với một thể loại duy nhất, đó là tiểu thuyết.

Nhiều tiểu thuyết của ông được độc giả yêu mến từ lúc mới xuất bản cho đến ngày nay và đã có 16 tiểu thuyết nổi tiếng được dựng thành phim

Danh sách 64 tiểu thuyết theo mẫu tự của tựa, thời gian và nơi sáng tác

    • Ai làm được (Cà Mau 1912, phỏng theo André Cornelis của Paul Bourget)
    • Ái tình miếu (Vĩnh Hội – 1941)
    • Bỏ chồng (Vĩnh Hội – 1938)
    • Bỏ vợ (Vĩnh Hội – 1938)
    • Bức thơ hối hận (Gò Công – 1953)
    • Cay đắng mùi đời (Sài Gòn – 1923, phỏng theo Sans famille của Hector Malot
    • Cha con nghĩa nặng (Càng Long- 1929) phỏng theo Le calvaire của Pierre Decourselle
    • Chị Đào, Chị Lý (Phú Nhuận – 1957)
    • Chúa tàu Kim Qui (Sài Gòn – 1923, phỏng theo Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas
    • Chút phận linh đinh (Càng Long –1928, phỏng theo En famille của Hector Malot
    • Con nhà giàu (Càng Long – 1931)
    • Con nhà nghèo (Càng Long – 1930)
    • Cư Kỉnh (Vĩnh Hội – 1941)
    • Cười gượng (Sài Gòn – 1935)
    • Đại nghĩa diệt thân (Sài Gòn – 1955)
    • Dây oan (Sài Gòn –1935)
    • Đỗ Nương Nương báo oán (Saigon – 1954)
    • Đóa hoa tàn (Vĩnh Hội – 1936) phỏng theo Le Rosaire của Octave Mirbeau
    • Đoạn tình (Vĩnh Hội –1940)
    • Đón gió mới, nhắc chuyện xưa (Phú Nhuận – 1957)
    • Hai chồng (Sài Gòn – 1955)
    • Hai khối tình (Vĩnh Hội – 1939)
    • Hai vợ (Sài Gòn – 1955)
    • Hạnh phúc lối nào (Phú Nhuận – 1957)
    • Kẻ làm người chịu (Càng Long – 1928) phỏng theo Les deux gosses của Pierre Decourselle
    • Khóc thầm (Càng Long – 1929)
    • Lá rụng hoa rơi (Sài Gòn – 1955)
    • Lạc đường (Vĩnh Hội – 1937)
    • Lẫy lừng hào khí (Phú Nhuận – 1958)
    • Lời thề trước miễu (Vĩnh Hội – 1938)
    • Mẹ ghẻ con ghẻ (Vĩnh Hội – 1943)
    • Một chữ tình (Sài Gòn – 1923)
    • Một đời tài sắc (Sài Gòn – 1935)
    • Một duyên hai nợ (Sài Gòn – 1956)
    • Nam cực tinh huy (Sài Gòn – 1924)
    • Nặng bầu ân oán (Gò Công – 1954)
    • Nặng gánh cang thường (Càng Long-1930)
    • Ngọn cỏ gió đùa (Sài Gòn – 1926) phỏng theo Les Misérables của Victor Hugo
    • Người thất chí (Vĩnh Hội –1938, phỏng theo Crimes et châtiments  của Fyodor Dostoevsky
    • Nhơn tình ấm lạnh (Sài Gòn – 1925)
    • Những điều nghe thấy (Sài Gòn – 1956)
    • Nợ đời (Vĩnh Hội – 1936)
    • Nợ tình (Phú Nhuận – 1957)
    • Nợ trái oan (Phú Nhuận – 1957)
    • Ở theo thời (Sài Gòn – 1935) phỏng theo vở kịch Topaze của Marcel Pagnol
    • Ông Cả Bình Lạc (Sài Gòn – 1956)
    • Ông Cử (Sài Gòn – 1935) phỏng theo L’artiste, ông không ghi tên tác giả
    • Sống thác với tình (Phú Nhuận – 1957)
    • Tại tôi (Vĩnh Hội – 1938)
    • Tân Phong nữ sĩ (Vĩnh Hội – 1937)
    • Tắt lửa lòng (Vĩnh Hội – 1957)
    • Thầy Thông ngôn (Sài Gòn – 1926)
    • Thiệt giả, giả thiệt (Sài Gòn – 1935)
    • Tiền bạc, bạc tiền (Sài Gòn – 1925)
    • Tìm đường (Vĩnh Hội – 1939)
    • Tình mộng (Sài Gòn – 1923)
    • Tơ hồng vương vấn (1955)
    • Trả nợ cho cha (Sài Gòn – 1956)
    • Trọn nghĩa vẹn tình (Gò Công – 1953)
    • Trong đám cỏ hoang (Phú Nhuận – 1957)
    • Từ hôn (Vĩnh Hội – 1937)
    • Vì nghĩa vì tình (Càng Long – 1929) phỏng theo Fanfan et Claudine của Pierre Decourselle
    • Vợ già chồng trẻ (Phú Nhuận – 1957)
    • Ý và tình (Vĩnh Hội – 1938 – 1942)

Đoản thiên (8)

    • Chị Hai tôi (Vĩnh Hội – 1944)
    • Thầy Chung trúng số (Vĩnh Hội – 1944)
    • Ngập ngừng (Vĩnh Hội)
    • Một đóa hoa rừng (Vĩnh Hội – 1944)
    • Hai Thà cưới vợ (Vĩnh Hội)
    • Lòng dạ đàn bà (Sài Gòn – 1935)
    • Người vợ hiền (1929)?
    • Hy sinh (Viết dang dở, 1958)

Dịch thuật

    • Tân soạn cổ tích (cổ văn Trung Quốc, Sài Gòn-1910)
    • Lửa ngún thình lình (dịch tiếng Pháp, SG, 1922)

Thơ

    • U tình lục (Sài Gòn – 1910)
    • Vậy mới phải (Long Xuyên – 1913)
    • Biểu Chánh thi văn (Tập i, ii, iii bản thảo)

Tùy bút phê bình

    • Chưởng Hậu quân Võ Tánh (Sài Gòn – 1926)
    • Chánh trị giáo dục (Gò Công – 1948)
    • Tùy bút thời đàm (Gò Công – 1948)

Hồi ký

    • Ký ức cuộc đi Bắc Kỳ (1941)
    • Mấy ngày ở Bến Súc (1944)
    • Đời của tôi: 1. Về quan trường, 2. Về Văn nghệ, 3. Về phong trào cách mạng
    • Một thiên ký ức: Nam Kỳ cộng hòa tự trị (Gò Công – 1948)
    • Tâm hồn tôi (Gò Công – 1949)
    • Nhàn trung tạp kỷ (tập i, ii, iii Gò Công – 1949)

Hài kịch

    • Tình anh em (Sài Gòn – 1922)
    • Toại chí bình sinh (Sài Gòn – 1922)
    • Đại nghĩa diệt thân (Bến Súc – 1945)

Hát bội

    • Thanh Lệ kỳ duyên (Sài Gòn 1926 – 1941)
    • Công chúa kén chồng (Bình Xuân – 1945)
    • Xả sanh thủ nghĩa (Bình Xuân – 1945)
    • Trương Công Định qui thần (Bình Xuân – 1945)

Cải lương

    • Hai khối tình (Sài Gòn – 1943)
    • Nguyệt Nga cống Hồ (Sài Gòn – 1943)
    • Vì nước vì dân (Gò Công – 1947)

Truyện ngắn

    • Chuyện trào phúng, tập I, II (Sài Gòn – 1935)
    • Chuyện lạ trên rừng (Bến Súc – 1945)
    • Truyền kỳ lục (Gò Công – 1948)

Biên khảo

    • Pétain cách ngôn Á đông triết lý hiệp giải (Sài Gòn – 1942)
    • Gia Long khai quốc võ tướng (1942)
    • Gia Long khai quốc văn thần (Sài Gòn – 1944)
    • Gia Định Tổng trấn (Sài Gòn) (1944)
    • Chấn hưng văn học Việt Nam (Sài Gòn – 1944)
    • Trung Hoa tiểu thuyết lược khảo (Sài Gòn – 1944)
    • Đông Châu liệt quốc chí bình nghị (Bến Súc – 1945)
    • Tu dưỡng chỉ nam (Bến Súc – 1945)
    • Tiểu sử Trương Công Định (1945)
    • Pháp quốc tiểu thuyết lược khảo (Bình Xuân – 1945)
    • Một lằn chánh khí: Văn Thiên Tường (BX 1945)
    • Nhơn quần tấn hóa sử lược (Gò Công – 1947)
    • Âu Mỹ cách mạng sử (Gò Công – 1948)
    • Việt ngữ bổn nguyên (Gò Công – 1948)
    • Thành ngữ tạp lục (Gò Công – 1948)
    • Chánh trị giáo dục ( Gò Công, 1948)
    • Phật tử tu tri (Gò Công, 1948)
    • Nho học danh thơ (Gò Công) (1948)
    • Thiền môn chư Phật (Gò Công – 1949)
    • Địa dư đại cương (Gò Công) (1949)
    • Hoàng cầu thông chí (Gò Công) (1949)
    • Phật giáo cảm hóa Trung Hoa (1950)
    • Phật giáo Việt Nam (1950)
    • Trung Hoa cao sĩ, ẩn sĩ, xứ sĩ (1951)
    • Nho giáo tinh thần (1951)
    • Pháp quốc tiểu thuyết lược khảo (Saigon, 1955)
    • Những điều nghe thấy (Saigon,1955-56)
    • Vườn xưa ghé mắt. Tùy bút phê bình, Đại Việt Tạp Chí số 39-40

Phim

Chuyển thể từ các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, có 16 phim

  • Ngọn cỏ gió đùa (1989)
  • Con nhà nghèo (1998)
  • Ân oán nợ đời (2002)
  • Nợ đời (2002)
  • Chúa tàu Kim Quy (2002)
  • Cay đắng mùi đời (2007)
  • Tại tôi (2009)
  • Tân Phong nữ sĩ (2009)
  • Tình án (2009)
  • Khóc thầm (2010)
  • Lòng dạ đàn bà (2011)
  • Ngọn cỏ gió đùa (2013)
  • Hai khối tình (2015)
  • Con nhà giàu (2015)
  • Thế thái nhân tình (2017)
  • Tơ hồng vương vấn (2017)

Sau 1975, một số tác phẩm chưa xuất bản hay đã xuất bản được nhà Xuất Bản Tổnghợp Tiền Giang và nhà xuất bản Trẻ xuất bản hay tái bản nhiều lần.

• Văn phong

Điều cần biết về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là trong số 64 tiểu thuyết, có 12 quyển ông cảm tác hay phóng tác từ tiểu thuyết của Pháp.

Về chuyện phóng tác ông cho biết:

Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn, hễ tôi cảm thì tôi lấy chỗ tôi cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc tách riêng ra mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn VN…Tuy tôi nói phỏng theo, song kỳ thiệt tôi lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi lật ngược đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn, tâm lý khác xa với truyện Pháp (Hồ Biểu Chánh. Đời của tôi về văn nghệ).

Thực ra, nếu ông không nói ra điều nầy, không ai biết đến tác phẩm mà ông đã cảm tác hay phóng tác. Sự thành thật của ông phải nói là hiếm hoi trong văn giới.

Những tiểu thuyết mà ông cảm tác hay phóng tác do chính ông ghi lại có 12 quyển tựa như sau :

– Chúa tàu Kim Quy : cảm tác từ Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas

– Cay đắng mùi đời : từ Sans famille của Hector Malot

– Chút phận linh đinh : từ En famille của Hector Malot

– Ngọn cỏ gió đùa : từ Les Misérables của Victor Hugo

– Thầy thông ngôn: từ Les amours d’Estève của André Theuriet

– Kẻ làm người chịu : từ Les deux gosses của Pierre Decourselle

– Cha con nghĩa nặng : từ Le calvaire của Pierre Decourselle

– Vì nghĩa vì tình : từ Fanfan et Claudinet của Pierre Decourselle

– Ở theo thời : từ vở kịch Topaze của Marcel Pagnol

– Đóa hoa tàn : Le Rosaire của Octave Mirbeau

– Ông Cử : L’artiste, ông không ghi tên tác giả

– Người thất chí : từ Crimes et châtiment của Fédor Dostoievski

Nhà biên khảo văn học Thanh Lãng cho là quyển tiểu thuyết đầu tiên Ai làm được, viết năm 1912 ở Cà Mau là mô phỏng theo quyển André Cornélis của Paul Bourget, và nếu đúng như thế, có tất cả 13 tác phẩm cảm tác hay phóng tác từ các tác phẩm ngoại quốc.

Tuy ông cảm tác từ tiểu thuyết của Pháp (trừ quyển Crimes et châtiment cảm tác từ Dostoievski, văn hào Nga) nhưng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh chẳng có hơi hám gì với tác phẩm gốc.

Lấy thí dụ quyển Sans Famille (Vô gia đình) của Hector Malot viết năm 1878, được Hồ Biểu Chánh cảm tác thành Cay đắng mùi đời năm 1923. Đoạn đầu cốt truyện Sans famille như sau :

Rémi là một cậu bé con nhà giàu, bị người chú lập mưu bắt cóc lúc mới năm sáu tháng, đem đi bỏ ở một nơi công cộng để cho người khác bắt được đem về nuôi, hy vọng ngườianh bị tuyệt tự thì cả gia tài của người anh sẽ về hết phần mình. Rémi được Barberin, một người thợ đẽo đá đi qua nhặt được đem về nuôi, thầm nghĩ là cha mẹ đứa bé giàu nầy sẽ đem tiền chuộc lại. Nhưng nhiều năm sau Barberin chẳng thấy ai chuộc và vì tai nạn nghề nghiệp, ông rơi vào cảnh khốn cùng, nên phải bán Rémi cho một người hát dạo, mặc cho sự phản đối của người vợ đã gắn bó yêu thương thằng nhỏ như con ruột. Từ đó Rémi sống đời giang hồ lưu lạc, nhiều năm sau mới tìm lại được mẹ ruột.

Hồ Biểu Chánh mượn cốt truyện ấy để viết Cay đắng mùi đờinhưng ông đem tác phẩm vào xã hội Việt Nam, với nhiều tình tiết ly kỳ hơn và một văn phong hoàn toàn khác với nguyên bản. Đoạn đầu của Cay đắng mùi đời như sau :

Chồng của Lê Thị Thời ( Ba Thời) là Trần Văn Hữu đi làm ăn xa và có vợ bé, ở nhà Ba Thời lượm được một đứa nhỏ năm sáu tháng bỏ trong bụi cây, bèn đem về nuôi đặt tên là Được. Khi Được lên 9 tuổi thì Hữu trở về, anh ta đem Được bán cho thầy thông ngôn Trần Cao Đàng .Vì bị cấp trên chèn ép,Trần cao Đàng từ chức lại bị vợ bạc đãi vì không chịu được cảnh sống khổ sở nên Đàng bỏ nhà đi lang thang khắp miền lục tỉnh, dạy cho thằng Được đàn ca để đi hát dạo kiếm tiền.

Chỉ đoạn đầu thôi, phân tích ra, chúng ta thấy những nét khác biệt giữa tác phẩm gốc và tác phẩm phóng tác. Hãy nghe giọng văn tự sự của Rémi nói về người mẹ nuôi của mình là bà Barberin :

Tôi là một đứa trẻ bỏ rơi. Nhưng cho đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có một người mẹ như những đứa trẻ khác, vì lúc nào tôi khóc thì lại có một bà đến ôm ấp, dỗ dành cho tôi nín. Không bao giờ tôi đi ngủ lại không có bà đến vuốt ve tôi. Về mùa đông, khi gió gieo tuyết vào cửa kính trắng xóa, bà kéo chân tôi ủ vào hai bàn tay bà và ru tôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ giọng hát và câu hát của bà.

Khi tôi chăn bò trên những con đường cỏ xanh hay ở bãi hoang mà chợt gặp mưa to, bà vội vã chạy ra đón, kéo vạt áo che đầu cho tôi và đưa tôi về. Khi tôi cãi nhau với một đứa trẻ khác, bà bảo tôi kể lại cho bà nghe rồi bà tìm lời ngọt dỗ tôi và bao giờ cũng cho tôi là phải. (Vô Gia Đình . Chương 1. Bản dịch của Hà Mai Anh)

Và sau đây là đoạn văn thật ngắn, Hồ Biểu Chánh vừa mô tả vóc dạng của người mẹ nuôi là Ba Thời, tình cảm của thằng Được với bà mẹ nuôi:

« Con chó vàng thình lình trong nhà vụt chạy thẳng ra sân, thằng nhỏ ngó theo thì thấy ngoài bờ có một người đàn bà xăm xăm đi vô, nó liền la lớn  «má về» rồi buông gáo chạy ra nắm tay mừng rỡ mà dắt vô. Người đàn bà nầy trạc chừng ba mươi bốn tuổi, áo xăn ngang, ống quần vo tới đầu gối, nước da không đen không trắng, mặt tròn, chơn mày rặm, mình mẩy ướt loi ngoi, sau lưng có giắt một cây nọc cấy, trên đầu bịt trùm khăn vải trắng, ngoài đội thêm một cái nón lá dừa, đi vô vừa tới sân, mắt liếc ngó chuồng vịt rồi hỏi thằng nhỏ:

– Con cho heo ăn rồi hay chưa vậy con ?

– Chưa má à! Tôi mới tắm rồi đuổi vô nhà đó đa.

– Vịt về đủ hay không con?

– Tôi nhốt mà quên đếm

(Cay đắng mùi đời, nxb Văn nghệ TPHCM in lại năm 1997, trang 8).

So sánh lối viết của Hector Malot và của Hồ Biểu Chánh trong cách giới thiệu nhân vật , chúng ta thấy có hai lối viết hoàn toàn khác nhau: Hector Malot kể. Hồ Biểu Chánh tả. Hector Malot viết ở ngôi thứ nhất theo lối lãng mạn, để tình cảm xen vào ngòi bút, và dùng tình cảm của mình để lôi cuốn người đọc. Hồ Biểu Chánh viết ở ngôi thứ ba theo lối tả chânông đứng ngoài, mô tả, không lộ một chút cảm tình riêng tư nào của mình.

Ông để cho độc giả tự tìm niềm cảm xúc khi đọc.

Qua đoạn văn trên, chỉ với đôi dòng, HBC đã giới thiệu người đàn bà với tất cả vóc dáng, y phục, tuổi tác, và lời đối đáp giữa hai mẹ con, nói lên tình mẫu tử giữa thằng Được và Ba Thời. Chỉ với sự diễn đạt súc tích bằng 10 chữ đứa nhỏ la lớn, buông gáo, chạy ra mừng rỡ, HBC để cho người đọc cảm nhận thắm thía tình thương của thằng Được với bà mẹ nuôi.

Đọc thêm một đoạn nữa, đoạn Jérôme Barberin, người chồng, làm thợ ở Paris, tình cờ thấy đứa nhỏ bị bỏ rơi, Hector Malot viết :

Một buổi sáng ở Paris, như thường lệ Jérôme đi làm qua con đường mang tên đại lộ Breteuil, rộng và nhiều cây; anh ta nghe tiếng trẻ khóc, dường như phát ra từ một khung cửa vườn. Trời mới rạng đông, tháng hai. Anh ta lại gần và thấy một đứa bé nằm trên thềm. Jérôme nhìn quanh xem có ai không, bỗng thấy một người núp sau một thân cây lớn vội vàng chạy trốn (Sans Famille, trang 29).

Và cũng đoạn này, Hồ Biểu Chánh viết:

“Ba Thời đương đi, thình lình nghe trong bụi lứt dựa gò mả có tiếng con nít khóc. Ban đầu chị ta tưởng ma nhát nên ngực nhẩy hồi hộp, mặt mày tái xanh, muốn bỏ mà chạy. Song chị ta nghĩ trời mới tối không lẽ có ma, mà dầu có ma thiệt đi nữa, đây cũng đã gần nhà, không đủ lo sợ, nên chị ta đứng lại lóng nghe cho chắc coi thiệt phải con nít khóc hay không.

Ba Thời đứng lóng nghe thì tiếng khóc một hồi rồi nín. Chị ta vừa muốn bỏ đi, lại nghe khóc nữa. Chị ta mới làm gan lần lần đi vô chỗ bụi lứt coi vì cớ nào mà có con nít khóc trong đó. Đi gần tới thì tiếng khóc lại càng lớn hơn nữa” (Cay đắng mùi đời, trang 16).

Tiếp đó, Hồ Biểu Chánh mô tả cảnh Ba Thời bước vô bụi, thấy đứa nhỏ nằm trên cái mền, bèn vội cuốn nó vào mền, rồi ôm cả bọc tất tả đi vào nhà vợ chồng chú Tích gần đấy. Tới nhà chú Tích, Hồ Biểu Chánh viết tiếp:

“Ba Thời bèn thuật hết đầu đuôi việc mính xí được đứa nhỏ lại cho vợ chồng chú Tích nghe, rồi mới biểu thím Tích đem đèn lại đặng có dở đứa nhỏ ra coi bao lớn, con trai hay là con gái, có đau ốm chi hay không.

Ba Thời thấy nó trắng trẻo ngộ nghĩnh mà chẳng bịnh hoạn thì mừng húm, liền bồng mà hun trơ hun trất rồi nói rằng: “Con ai như vầy mà đem đi bỏ cho đành!  Mình xí được, thôi, để mình nuôi chơi” (trang 17-18).

Những đoạn văn trên là biểu tượng những đặc điểm chính yếu khiến tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn được độc giả miền Nam ưa thích từ một thế kỷ nay.

Trước hết, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh người và đất Nam kỳ vào những thập niên của đầu thế kỷ XX. Nhiều nhà phê bình cho là tiểu thuyết của Hồ biểu Chánh là một thứ tự điển bách khoa về xã hội và phong tục Nam Kỳ.

Qua các tiểu thuyết của ông, người đọc nhìn thấy rõ ràng những con kinh, những con sông với tiếng còi tàu súp lê, những cánh đồng, những rừng tràm với chim kêu vượn hú, những phố chợ và các sinh hoạt ở Nam Kỳ với hàng trăm địa danh quen thuộc với người dân Nam kỳ như: Ô Môn, Bình Thủy, Càng Long, Sốc Trăng, Trà vinh, nhà ga Chợ Gạo, và cả những nơi thị tứ như chợ Xã Tài, Khánh Hội.

Ai ở Gò Công mà không thấy nao nao khi đọc đến những địa danh quen thuộc : Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi tới khúc quanh 

Khi xưa, người viết tiểu thuyết lấy các địa danh bên Trung hoa xa lạ, trái lại HBC xây dựng tiểu thuyết của ông trên những vùng đất quen thuộc của độc giả, đó chính là một trong những yếu tố tại sao tiểu thuyết của HBC gần gũi với độc giả và được độc giả miền Nam ưa thích. (Chỉ trừ quyển tiểu thuyết lịch sử Nặng gánh cang thường, câu chuyện hoàn toàn diễn ra ở miền Bắc). Và để cho hấp dẫn, trong mỗi cuốn tiểu thuyết, ông thường xây dựng câu chuyện cho xảy ra ở nhiều nơi, nếu đoạn đầu xảy ra ở nhà quê thì đoạn cuối xảy ra ở thành phố hay ngược lại.

Tên các nhân vật trong các tiểu thuyết của HBC cũng đặc sệt là cách đặt tên hay cách gọi tên của người Nam Kỳ : thằng Được, thằng Tý, Con Lựu, con Liên, Lê Văn Đó, Lê Văn Đây… hay kêu theo ngôi thứ trong gia đình : Ba Thời, Sáu Lý, hay kêu theo chức phận : Bá hộ Siêu, Còm mi Đảnh, Hương hào Hội…Trong cách xưng hô, Hồ Biểu Chánh phản ảnh trung thực cách xưng hô của người dân Nam Kỳ, đặc biệt ở vùng nhà quê, dưới thời Pháp thuộc . Lần đầu tiên trong tiểu thuyết, HBC đã ghi lại cách xưng hô của bạn bè, vợ chồng ở vùng nhà quê, ruộng rẫy gọi nhau là mầy tao, mình, má sắp nhỏ, má nó, cha thằng Sung, hay cách nói biến chế để gọi người thứ ba vắng mặt : thẩy (thầy ấy), ổng, bả, cỏn (con ấy), thẳng (thằng ấy), ở trển (trên ấy)…

Ngoài những tên đất và tên người, Hồ Biểu Chánh gần gũi với giai cấp trung lưu và bình dân Nam Kỳ vì ông viết theo tiếng nói của giai cấp nầy trong tiểu thuyết của ông. Ông đã tài tình diễn tả tâm lý và mô tả nhân vật, cảnh vật bằng những tiếng địa phương của miền Saigon Lục Tỉnh. Có độ 800 phương ngữ Nam Kỳ trong các tiểu thuyết . Chỉ cần đan kể : nín khe, đi lơn tơn, mặt mày tèm lem,, nhai nhóc nhách, đầu cổ chờm bờm, la bài hãi, đứng ké né, hỏi đon hỏi ren…Nhiều chữ viết theo cách nói «trại» của người bình dân, tưởng như viết sai : xao xiến (xao xuyến), chính chiên (chính chuyên), phiển ba đô hội (phồn hoa đô hội), tấn hóa (tiến hóa) hay do kiêng kỵ : bình yên (bình an), bông hường (hồng), cây đờn (đán)... Có những chữ mà nhiều người dân gốc Nam Kỳ hiện nay có thể đã quên nghĩa vì từ lâu không còn dùng như : ông bác vật (kỹ sư), cô thầy thuốc (vợ bác sĩ), anh bam bù (người mang hành lý), ông mái chính (đại diện hãng buôn), ảnh đụng em (cưới em )…

Và vượt lên trên tất cả những nét độc đáo trên, Hồ biểu Chánh là nhà văn có văn phong mộc mạc, bình dân, tự nhiên, nói sao viết vậy. Về điểm nầy, nhiều nhà phê bình văn học miền Bắc, kể cả Đông Hồ là nhà văn miền Nam, chê là tiểu thuyết của HBC không phải là văn chương, thiếu trau chuốt, (Chính vì quan niệm định giá văn chương như thế nên Dương Quảng Hàm, tác giả quyển Việt Nam văn học sử yếu (1944), quyển sách giáo khoa cho chương trình Việt văn cấp Trung học trước 1975 đã không kể HBC như là một nhà văn. Sau 1975, Hồ Biểu Chánh được đem vào chương trình Việt Văn lớp 11 với vài đoạn văn trích từ Cha con nghĩa nặng.)

Tuy ông có văn phong bình dân, nhưng ông là nhà văn đầu tiên đem yếu tố hư cấu vào tiểu thuyết, xây dựng cốt chuyện như chuyện ngoài đời với những quan sát thật tinh tế. Trong tiểu thuyết của ông có hàng ngàn nhân vật, và ông diễn tả chân dung và tâm lý của mỗi nhân vật điển hình như ngoài đời và đúng với từng hoàn cảnh, từng hạng người.

Hãy nghe tâm trạng của anh nông dân chất phát Trần Văn Sữu trong Cha con nghĩa nặng khi anh ta nghe thiên hạ đồn là vợ mình ngoại tình với Hương hào Hội, qua ngòi bút của Hồ Biểu Chánh :

…Anh ta chống cằm trên đầu gối, lấy ngón tay vẽ hình dưới dưới cát mà suy nghĩ việc nhà. Mấy năm nay thiệt Hương hào Hội hay ghé nhà mình, mà mình có ý coi, lần nào Hương hào ghé, thì vợ mình lo trầu nước lăng xăng, coi bộ niềm nỡ lắm. Tuy vậy mà mình không thấy Hương hào chọc ghẹo hay là giỡn hớt với vợ mình, mình không gặp hai đàng nói chuyện với nhau, vợ mình cũng không có ý muốn bỏ mình. Tánh vợ mình hỗn ẩu, nó hay mắng nhiếc mình, mà mắng thì mắng chớ vợ chồng cũng ăn ở như thường. Nếu vợ mình nó lấy Hương hào Hội thì chắc nó bỏ mình rồi, chớ có lý nào nó không thương mình nữa mà nó còn ở với mình. Hương tuần Tam nói thiên hạ họ đều biết Hương hào Hội lấy vợ mình. Họ có gặp hay sao mà họ dám chắc ? Hay là họ thấy Hương hào Hội để ruộng cho mình làm, họ ganh ghét nên kiếm chuyện đặt điều mà nói xấu …

Và chuyện anh ta bị vợ là Thị Lựu chửi mắng khi anh ta tra hỏi vợ rồi sau đó là sự hoang mang, bán tín bán nghi của anh ta đã được HBC kết thúc một cách ý nhị vào buổi tối như sau:

Cách một hồi lâu, Thị Lựu ở trong buồng cất tiếng kêu rằng :

– Cha thằng Sung, a

– Giống gì ?

– Vô biểu một chút

Trần Văn Sửu lồm cồm ngồi dậy đi gài cửa, bưng đèn đem để trên bàn thờ mà tắt, rồi men men đi vô buồng, miệng cười ngỏn ngoẻn, vì đã quên hết những điều Hương tuần Tam nói…

Ông diễn đạt một tư tưởng, một quan niệm của ông, không phải bằng lời nói của ông, mà bằng lời nói của những nhân vật mà ông khéo léo sắp xếp theo một bố cục mà ông chuẩn bị nhiều khi lâu hơn khi viết. Thí dụ, bộ tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa, dài hơn 500 trang, ông phải mất 5 năm để làm bố cục, nhưng ông chỉ viết có hai tháng thì xong.

Và tuy văn phong bình dị, bình dân, nhưng tiểu thuyết của HBC hấp dẩn vì câu chuyện có nhiều tình tiết éo le gay cấn, các nhân vật bị xô đẩy vào những biến cố ly kỳ, những tai họa bất ngờ để rồi ông tìm ra một kết cuộc có lý, thông thường là có hậu, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão.

Chủ đích tác phẩm của Hồ Biểu Chánh

Tuy tiểu thuyêt của Hồ Biểu Chánh có nhiều thể loại khác nhau, từ ái tình đến phiêu lưu, từ lịch sử đến xã hội, nhưng tất cả các tiểu thuyết trên đều hướng về hai chủ đích chính; phác họa xã hội và quảng bá đạo lý.

  • Hồ biểu Chánh là nhà văn phong tục

Ðược đi nhiều nơi và có dịp tiếp xúc nhiều với nhiểu hạng người, Hồ Biểu Chánh có một kiến thức phong phú về xã hội miền Nam qua tất cả các hạng người, từ giới giàu có đến giới cùng đinh, từ người lưu manh đến kẻ lương thiện, ở nông thôn cũng như ở thành phố. Ông xây dựng tiểu thuyết của ông với các hạng người trên trong một đất nước Nam Kỳ thuở giao thời giữa hai nền văn hoá cũ và mới . Nói chung, ờ nông thôn cũng như ở thành thị, tiểu thuyết của ông là tiểu thuyết của 2 thế giới quyền thế và bị trị, đối tác nhau trong một xã hội Nho học đang bị dao động dữ dội trong một nền văn hóa Tây phương.

– Ở nông thôn:

– Giới quyền thế ở nông thôn là giới điền chủ độc ác, tham lam, tìm mọi cách để ức hiếp bóc lột dân lành, (Khóc thầm, Con nhà nghèo). Tuy nhiên, không phải tất cả địền chủ đều gian ác, xấu xa, vẫn có những điền chủ tốt bụng, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ người nghèo (Hội đồng Chánh trong “Khóc thầm“, Hương quản Tồn trong “Cha con nghĩa nặng“).

Bên cạnh giới địền chủ, là các hương chức trong ban hội tề. Độc giả lần lượt nhận thấy chân dung và hành động của 12 chức sắc trong ban hội tề với tất cả bản chất thiện và ác. (Ban Hội tề theo sắc lệnh năm 1927 có 12 chức vụ là : hương cả, hương chủ, hương sư, hương trưởng, hương chánh, hương giáo, hương thân, hương hào, hương bộ, hương quản, xã trưởng, chánh lục bộ)

– Về giới nghèo khổ ở nông thôn, HBC đặc biệt chú tâm đến giới tá điền, làm lụng vất vả quanh năm mà luôn bị nợ nần, áp bức bởi giới điền chủ, bọn cường hào ác bá.

Trong, Con nhà nghèo, Cai Tuần Bưởi, sau khi dầm mưa dãi nắng suốt năm, gặt lúa được 320 giạ thị phải nôp lúa ruộng cho chủ điền hết 300 giạ « thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ, chỉ còn có 20 giạ mà thôi. Mà trong đó còn phải đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy, thì còn dư nỗi gì »

Trong Ngọn cỏ gió đùa, Lê Văn Đó vì quá nghèo đói phải liều thân đi ăn trộm nồi cháo heo để cứu đói cho mẹ già và đàn cháu nhỏ để bị bắt và phải nhận hình phạt 5 năm tù. Vượt nguc bị bắt lại, Lê Văn Đó bị kêu án 20 năm chỉ vì nồi cám cho heo ăn.

– Ở thành thị:

Đời sống nghèo khổ của giới lao động , làm thuê làm mướn kiếm cơm từng ngày một, cuộc sống không ngày mai, chui rúc trong các ngôi nhà xiêu vẹo, trong các ngõ hẽm tăm tối, thiếu ăn, đã được HBC đề cập đến trong nhiều tác phẩm, đặc biệt trong Lạc Đường.

Trong Lạc Đường, Hai Cư vác hàng ở bến tàu bì thùng hàng đè, nhưng chỉ được đưa vô nhà thương thí, cặp rằng Mậu vì túng thiếu phải đi ăn cướp để rồi vô tù. Giới gái điếm (gái ăn sương) và bọn trẻ bán báo cũng là hai hạng người được Hồ Biểu Chánh đưa vào tiểu thuyết.

Ngoài ra, ông còn đề cập đến giới thông ngôn ký lục, giới thượng lưu, trưởng giả những kẻ nịnh bợ Tây, sợ sệt quan trên, bắt nạt dân lành, ăn chơi trác táng, trọng tiền tài danh lợi , xem nhẹ nhân nghĩa ( Nợ đời, Cười gượng)

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không chỉ mô tả thực trạng xã hội mà còn đề cập đến những phong tục làm nền cho xã hội Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX . Là một trí thức tân học nhưng thấm nhuần Nho giáo, Hồ Biểu Chánh có tư tưởng dung hoà cũ và mới, trái với lập trường của Tự Lực Văn Đoàn là đoạn tuyệt với cái cũ. Theo ông cái cũ và cái mới đều có hay dở riêng, điều cần thiết là phải biết chọn lọc những cái hay, cái đẹp của cũ và mới để áp dụng trong cuộc sống cho hài hòa,

Trong hôn nhân, ông đã đề cập đến những khía cạnh tiêu cực của những hủ tục như cưỡng bách hôn nhân (Ai làm được, Lời thề trước miểu), vụ lợi trong hôn nhân (Nhân tình ấm lạnh, Tỉnh mộng,Thầy thông ngôn), tự do hôn nhân (Cười gượng), tiền dâm hậu thú, (Ai làm được, Chút phận linh đinhmôn đăng hộ đối (Sống thác với tình), tục nôm vợ ( con nhà giàu lỡ chửa hoang thì thuê một chàng trai cưới để bảo vệ danh giá như trong Tỉnh Mộng ), sinh con trai nối dõi (Nợ đời).

Ngoài ra, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn đề cập đến hiện tượng tranh giành gia tài (Nhân tình ấm lạnh), mẹ ghẻ cha ghẻ (Mẹ ghẻ con ghẻ, Ai làm đượcmê tín dị đoan, cảnh cưỡng hiếp, ngoại tình (Chúa tàu Kim quy, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng). Ðặc biệt, án mạng thường xuất hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (Khóc thầm, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng.)

  • Hồ Biểu Chánh là một nhà văn đạo lý

Tuy đa số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là tiểu thuyết xã hội và phong tục, Hồ Biểu Chánh không phải là nhà phong tục học hay xã hội học. Ông viết tiểu thuyết xã hội, phong tục cốt là để quảng bá đạo lý. Quan niệm «văn dĩ tải đạo» đã được ông xác nhận trong tập ký ức « Đời của tôi về văn nghệ» như sau :

Viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh hay như trong tiểu thuyết Bức thơ hối hận với cái tựa « Uống trà ngon nhắc chuyện cũ», ông viết : Phải viết đặng ghi cái hay cái dở của nhơn tình thế thái về khoảng đời trụy lạc mà để lại cho em cháu đời sau được biết chỗ thấp chỗ cao. Phải viết đặng chỉ đường vạch nẻo cho con cháu trong nhà ngó thấy…

Cùng rao giảng đạo lý như cụ Đồ Chiểu, nhưng ông theo một con đường khác với Nguyễn Đình Chiểu. Ông NĐC rao giảng đạo thánh hiền như một ông thầy dạy học trò, như một người cha dạy con, nói khác đi bằng áp đặt với những lý luận cao siêu,hiền triết. Hồ Biểu Chánh quảng bá đạo lý như một người kể chuyện, dùng những hệ lụy của cuộc đời, để người dân tự tìm cho mình một hướng đi, một thái độ. Tác dụng của cảm hóa thâm trầm, sâu sắc hơn và độc giả nhớ rất lâu câu chuyện qua cái ý hướng đạo lý mà Hồ Biểu Chánh muốn chuyên chở trong tác phẩm.

Kết Luận

Qua thân thế và sự nghiệp của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đa số các nhà phê bình văn học cận đại đều xác nhận ông là một nhà văn lớn của miển Nam. Lẽ ra, phải nói đúng hơn là nhà văn lớn của Nam Kỳ, tên gọi vùng địa lý của thời Hồ Biểu Chánh, chứ không phải miển Nam của thời kỳ đất nước qua phân, nhưng bởi lẽ người VN đã sống qua những kỷ niệm lịch sử đau buồn, những danh từ như Nam Kỳ,Trung Kỳ, Bắc Kỳ có thể gợi lên những âm hưởng phân chia lạc điệu.

Và trong cái âm hưởng phân chia nầy, chúng tôi muốn nhắc lại đây lời tâm sự của GS

Nguyễn Văn Trung, nguyên Khoa Trưởng Đại học Văn KhoaSaigon.

Ông viết :

«Dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc »

Sau khi đọc xong, nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay, thật hấp dẫn. Một người bạn lớn tuổi của ông đã thú nhận, với ông : « chả nhẽ tôi trên 60 tuổi rồi mà còn bị xúc động như muốn rơi nước mắt» . GS Trung đặt ra câu hỏi: «Tại sao một cuốn truyện sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn hấp dẫn, gây xúc động với người ở một địa phương khác với địa phương của tác giả. ? (Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, nxb Văn nghệ TPCCM, 1999, tr. 677)

Ông Bùi Xuân Bào, nguyên Khoa Trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Saigon, trong luận án tiến sĩ (luận án phụ) của ông tựa là Le roman vietnamien contemporain: tendances et évolution du roman vietnamien contemporain1925-1945 trình ở đại học Sorbonne năm 1961, ông cho rằng một kiệt tác (chef-d’oeuvre) là một tác phẩm hoặc được độc giả ưa thích lúc đương thời và mãi mãi về sau, hoặc được ưa thích tại địa phương của tác giả và cả các địa phương khác. Nói khác đi, một kiệt tác là một tác phẩm vượt thời gian và không gian.

Nhà biên khảo Thụy Khuê thì càng chính xác hơn cho rằng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh có tính hiện đại, nghĩa là không bị lỗi thời vì nó gắn bó với hai yếu tố là đồng đại (synchronique) và lịch đại (diachronique), nói cách khác nó có bản chất vượt thời gian.

Hãy nghe lời ông Huyện hảm Tân nói với ông chủ quận trong tác phẩm Cư Kỉnh:

Hiện nay sự tồi tệ của mình nó tràn lan cùng hết, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Trong nhà trường, thì học trò không biết cung kính mang ơn thầy, mà cũng khổ, có nhiều thầy không biết kính trọng cái thiên chức giáo dục, coi môn đệ là kẻ nạp lương cho mình xài mà thôi. Trong gia đình thì vợ không biết kính trọng chồng, mà nhiều ông chồng cũng không biết thương yêu vợ; con không biết ơn sanh thành dưỡng dục, mà nhiều cha mẹ cũng không cần dạy dỗ con; anh không biết thương em, mà em cũng không biết kính trọng anh, còn xã hội thì quá lắm, mọi người đều đuổi theo một chủ nghĩa này: “Kiếm tiền cho nhiều đặng ăn xài cho ngỏa nguê sung sướng” kiếm tiền mà không ưa cần lao, dùng phương chước tốt xấu gì cũng được, miễn là được đồng tiền là thôi, không kể nhơn nghĩa, không kể liêm sỉ, không kể danh dự.

Đọc đoạn văn trên của Hồ Biểu Chánh viết năm 1941 mô tả xã hội VN dưới thời Pháp thuộc vào nửa thế kỷ trước thì chúng ta thấy có khác chi với xã hội VN dưới thời Cộng Sản hôm nay.

Dựa theo nhận định của GS Trung về hiện tượng bỏ quên (không được biết) và bỏ qua (biết nhưng vì đánh giá thấp nên không được xét đến) các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng như quan điểm của GS Bào và nhà biên khảo Thụy Khê về bản chất vượt thời gian của của một tác phẩm, từ các nhận định trên, người viết xin được kết luận: Hồ Biểu Chánh là nhà văn lớn của miền Nam và của Việt Nam.

      Lâm Văn Bé

Sách tham khảo chính yếu :

– Nguyễn Khuê. Chân dung Hồ Biểu Chánh. Saigon : Lửa Thiêng, 1974.

– Hồ Biểu Chánh : người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. TPHCM : NXBVăn Nghệ, 2006.

– Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX / Nguyễn Kim Anh chủ biên. TPHCM : NXB Đại Học Quốc Gia TPHCM, 2004.

– Thụy Khuê. Hồ Biểu Chánh (trên RFA)