C:\Users\Admin\Desktop\Phu Con Muoi\Con Muỗi.png

 

Bài Phú Con Muỗi: Từ Văn Chương Đến Thực Tế

Nguyễn Văn Sâm

Tặng hai cựu đồng nghiệp của tôi ở trường Đại Học Văn Khoa ngày trước:

Nguyễn Thiên Thụ, Canada

Nguyễn Khuê, Saigon

Trước hết nên phân biệt giữa bài hịch và bài phú. Về phương diện chủ đích, hịch là lời truyền rao kêu gọi làm chuyện gì đó. Đánh kẻ thù ngoại chủng, diệt kẻ bạo tàn đồng chủng chẳng hạn. Nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất chinh. (Chinh Phụ ngâm). Xuất chinh là gì, nếu không phải là ra quân dẹp giặc ngoài hay dẹp giặc trong?

Xưa còn truyền tụng đến nay chỉ vài ba bài hịch: Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Hịch Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trải. Hịch đánh Trịnh tương truyền là của Nguyễn Hữu Chỉnh, Thảo Thử hịch (Bài hịch giết chuột, chuột đây cũng là giống sâu dân mọt nước, theo kẻ thù tàn hại dân lành…, tên tác giả vẫn còn là vấn đề ).

Phú là bài nói lên ý mình, giải bày những suy nghĩ của tác giả có tính cách văn chương niêm luật. Phú để giải bày là phần chánh, lời kêu gọi dường hầu như vắng bóng, không như hịch chuyện kêu gọi, khích động thiệt rõ ràng. Phú, Việt Nam còn lại thật nhiều, nhứt là phú viết bằng chữ Nôm. Ông Vũ Khắc Tiệp đã in quyển Phú Nôm tập hợp những bài phú thật hay là quyển sách có giá trị cho tới nay chưa có thêm quyển nào về loại nầy, nói chi là vượt được quyển của Vũ Khắc Tiệp. Học sinh Trung học thời Việt Nam Cộng Hòa ai cũng biết ba bài phú danh tiếng là bài Phú Hỏng Thi của Trần Tế Xương, bài Phú Tài Tử Đa Cùng của Cao Bá Quát và bài Phú Hàn Nho phong vị của Nguyễn Công Trứ.

Như đã nói, phú Nôm tài hoa hay ho rất nhiều nhưng không có trong chương trình trung học nên ít người biết, chẳng hạn như phú Tài bàn cũng là một bài hay, bài phú Ngã Ba Hạc của Nguyễn Huy Lượng thì là bài rất nặng ký về thể loại nầy….

Bài Phú Con Muỗi nầy tôi cho là bài gợi ý, nói cách nôm na là mô phỏng, từ bài Hịch Con Muỗi mà tôi ngờ là của Nguyễn Đình Chiểu (NĐC).

Tác giả bài Phú nầy không biết là ai, người sưu tập được bản văn Nôm trước khi nhường cho tôi nói rằng mình thủ đắc được trong vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Dựa trên lời kể của người sưu tập tôi đoán tác giả sáng tác chậm nhứt là những thập niên đầu thế kỷ 20 và sớm nhứt là hai ba thập cuối thế thế kỷ 19, nghĩa là không xa sau khi xuất hiện bài Hịch Con Muỗi.

Phú Con Muỗi nhắm một điều hơi khác với Hịch Con Muỗi. Không phải kêu gọi diệt trừ muỗi mà là kể tội con muỗi, tức là vạch ra những điểm bất lương, tàn độc của bọn Tây hay bọn tay sai theo Tây ngày trước. (Có ứng dụng được cho ngày nay hay không là quyền suy nghĩ của người đọc.)

Về tác giả, chúng ta không biết gì hơn là một người có học Nho chút đỉnh, sống vùng Long Xuyên – Châu Đốc, đầu thế kỷ 20, viết chữ Nôm bằng giọng Nam rặc ròng khiến người đời sau đọc rất khó, trong trí dầu có sẵn nguyên tắc rằng chữ Nôm chỉ cần viết hơi đúng âm là được cũng thấy lúng túng trong việc phiên âm. Xin ghi những trường hợp Nôm kiểu miền Nam sử dụng ở đây. Nói rằng kiểu miền Nam vì những tác phẩm của người Nam khác cũng thường viết như vậy. (Cho tới nay người ít học khi viết thơ từ, tuy bằng quốc ngữ, cũng viết kiểu nầy. Họ viết theo âm nói của mình.)

Âm Nôm đúng -> Tác giả dùng để viết:

ban 班 -> bang 邦; giận 𢠣-> vận 運; da 䏧-> gia 加;

làn da瀾䏧 -> làng gia 廊加 ; chun 墫 -> chung 終

gác óc 挌腛 -> gác ốc 挌屋

mắc cỡ 纆舉 -> mắt cỡ 眜舉; cấm viện 禁院 -> cấm diện 禁面

lẩn quẩn 吝窘 -> lẩn quẩng 吝廣; thoát khỏi 脱塊 -> thác khỏi 托塊

trận sau 陣𢖖 -> trận sao 陣牢; trời giết 𡗶𣩂 -> trời viết 𡗶曰

mắc phải 纆沛 -> mắt phải 眜沛; khoét thịt 抉𦧘 -> quét thịt 刖𦧘

tấm vải 𤗲𦃿 -> tắm giải 沁觧; điền dã 田野 -> điền giả 田者

ít có 𠃣固 -> ích có 益固; ngang tàng 昂藏 -> ngang toàn 昂全

phong tiền chúc 风前燭 -> phong tuyền chúc 风泉燭

Hàn Tín 韓信 -> Hàn Tính 韓倂; hung hăng 㐫𡃳 -> hung hăn 㐫欣

Khảo sát những chữ viết gọi là “sai chuẩn chánh tả ngày nay” ta thấy tác giả viết thuần theo giọng đọc Nam. Không phân biệt giữa /v/, /d/, /gi/ ở âm đầu, không phân biệt /u/ và /o/ ở âm cuối. Cũng vậy đối với âm /c/ và /t/. Những tiếng đọc phải bẻ miệng như thoát bị viết thành thác hay ngược lại tiền bị viết thành tuyền

Một vài địa danh quí giá thấy trong bài phú như Cống Nhà Neo, Kinh Lạc Dọc, Núi Sam, cho ta tin tưởng hơn tác giả là người vùng Thất Sơn, Bảy Núi.

Bản Nôm có chữ neo được ghi bằng quốc ngữ, cho thấy lúc nầy chữ quốc ngữ đã thịnh lắm, phổ thông đến nỗi người viết sợ người đọc đọc chữ Nôm sai trại nên thay bằng chữ quốc ngữ. Nhớ lại trước đây học giả Hồ Hữu Tường khi viết về Nguyễn Đình Chiểu có nói rằng mình đang sử dụng một bản Nôm cung cấp từ gia đình của bà Sương Nguyệt Anh trong đó cũng thỉnh thoảng có chữ quốc ngữ. Hồ Hữu tường cho rằng bản Nôm là chữ viết tay của bà Sương Nguyệt Anh và chuyện thay thế một chữ Nôm có thể gây hiểu lầm bằng một chữ quốc ngữ thời Sương Nguyệt Anh là chuyện bình thường.

Từ đây tôi nghiệm ra rằng bài Phú Con Muỗi được viết ra vào đầu thế kỷ 20. Thời gian trước đó chừng 1, 2 chục năm thì sự bình định tàn khốc của thực dân Pháp ở Miền Nam phải nói là có cường độ cao với bao nhiêu tổ chức kháng chiến của Nguyễn Trung Trực, Phan Tôn, Phan Liêm, Trương Định… đều bị quét sạch.

Bài hịch nầy vì vậy coi như phản ứng của dân chúng trước sự kềm kẹp của thực dân ngoại bang kết hợp với chó săn bản xứ.

Đọc bài nầy chúng ta sẽ có cảm tưởng rằng tác giả là một nhà tiên tri. Ông biết trước mọi chuyện. Không cần bàn sấm Trạng Trình, chỉ cần nhìn những vần thơ yêu nước của người xưa khi kể tội thực dân ta cũng thấy quí vị đó là những nhà tiên tri cho một thế kỷ sau. Tôi trân trọng những bài như thế nầy, dầu tác giả vô danh hay đã để lại một cái tên nào đó. Thấy những điều đau khổ của dân để phơi bày bằng ngòi bút, tác giả đã làm cho chúng ta, người sau một thế kỷ, ứa nước mắt bi thương như những chi tiết về các lưu trầm của con người trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (Nguyễn Du). Và đọc tới những câu cảnh báo số phận sau nầy của bọn chó săn làm tay sai cho ngoại quốc kiểu Nguyễn Thân, Huỳnh Tấn: Gẫm thân ngươi như thảo thượng sương, nhìn phận bậu như phong tiền chúc… (Nghĩ thân chúng bây [rồi sẽ] dễ tan như sương trên đầu cỏ, như đuốc ra trước gió… ) ta thoáng thấy đâu đây cái lý nhân quả phải có của những người mọt quốc sâu dân làm điều sái quấy, quậy quơ cho tàn nước hại nhà.

Bèn cảm khái than theo cổ nhân:

Ta hồ, văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ!

= Ôi! Một chút lòng đau phổ vào văn chương góp với đời.

Từ than thở trong phòng văn đến vui mừng trên thực tế trước mắt hỏi vậy chớ con đường bao xa? Ngút ngàn, mút chỉ chăng hay rất cận kề?

(Nguyễn Văn Sâm, Victorville, CA, 01-05, Feb. 2017)

Phú con Muỗi

C:\Users\Admin\Desktop\Phu Con Muoi\Phu Con Muoi 01.jpg
C:\Users\Admin\Desktop\Phu Con Muoi\Phu Con Muoi 02.jpg

Ban đêm trong khi tối, tôi giận loài muỗi căm gan.

Miệng nhà ngươi uống máu thế gian, mỏ nhà gã châm da thiên hạ.

Lúc bây đói bất câu[1] quen lạ, cơn bây thèm chẳng lọ xa gần.

Sao không thương những kẻ cơ bần, thấy rách rưới bâu đầu châm chích.

Sao chẳng biết kẻ khinh người lịch, thấy làn da giậm miệng châm ngay

Sao không thương vị kẻ tôn ti, Bây chẳng biết thương người lớn nhỏ.

Cơn giông gió bây chun đầu xuống đám cỏ, Lúc bình thường bây gác óc[2] trên ngọn cây.

Suy đi xét lại lũ bây, Thiệt là đứa sáng đi tối ở[3].

Muỗi hỡi muỗi sao không mắc cỡ, Cắn làm chi trẻ dại bé thơ?

Chốn sản phòng[4] là chỗ uế nhơ, nhà bây cũng tới hả răng hả miệng.

Rất đỗi người trong cấm viện[5], bây cũng lần hồi lẫn quẩn bên tai.

Bất câu là con gái nhà ai, hễ gặp mặt là bây ve [bây] vản.

Bây là đồ trí mạng, Coi chết cũng như không.

Uống máu người lớn bụng to hông, Bây không thỏa ** cứ đáp…

Còn mấy người cờ bạc, trộm phép quan đánh lén bụi bờ…

Máu thiên hạ làm vây làm kiếng, thịt thế gian nên dạng nên hình.

Trời sanh chi những xác A (Ai) Hành, đất nỡ đẻ giống loài ác nghiệp.

Đầu dựa gối chưa rồi giấc điệp, bị mỏ ngươi châm dọc châm ngang.

Đặt trôn xuống chiếu không an, vì miệng gã cắn cao cắn thấp.

Giận thời muốn đập, e lại nhơ tay.

Thoát khỏi trận nầy, trận sau không khỏi.

Thương những kẻ nông phu mệt mõi, tối ngủ nghê bây cũng không cho.

Thương những người tu sĩ học trò, tối học tập thời bây cũng phá phách.

Phải trời giết đoàn bây chết sạch, thời nhơn dân thiên hạ âu ca.

Sống làm chi di hại người ta, chết cho mất rồi đời tuyệt tộc.

Loài muỗi lớn cắn chưa mấy độc, lúc muỗi con cắn mới thảm sâu.

Mới sanh ra trăng trắng cái đầu, lời tục ngữ kêu rằng muỗi cỏ.

Hình tướng coi thời nhỏ, miệng thời độc địa to.

…Nghe mấy chỗ gió sao sóng dợn, thời kiếm đường lánh mặt cho xa (t3)

Bằng chỗ nào khoét thịt trầy da, thời giậm miệng soi hang mạch máu.

Dầu có ghét không bề vào đạo, tình không ưa khó nỗi ngẩn ngơ.

Kẻ cơ bần một tấm vải thưa, bây cũng đến châm cho tới thịt.

Yêu thương thời ít, thù oán thời nhiều.

Làm lời phú nầy cho ngươi giá tánh[6].

Khá cải tà qui chánh, tua cãi dữ theo lành.

Nghe lời tao thời đặng toàn sanh, bằng cãi mỗ ắt là yểu tử.

Tri bĩ bất tri thử, ninh kỷ mạc ninh nhơn.

Cắn làm chi kẻ giận người hờn, cắn làm chi kẻ thù người oán.

Nơi diền dã ngươi thường lai vãn, chốn thị thành ít có nhiễu nhương.

Gẫm thân ngươi như thảo thượng sương, nhìn phận bậu như phong tiền chúc[7].

Tiếng đồn kinh Lạc Dọc, núi Sập kia là cửa là nhà.

Cống Nhà Neo là căn là quán.

Rất đổi ngang tàng là Sở Hạng, Bị tay Hàn Tín còn phải bỏ mình.

Hung hăng là Tạ Ôn Đình, bị Phàn Diệm tử vu phi mệnh.

Chớ học đòi Sở Hạng, đừng bắt chước Ôn Đình[8].

Sanh sự sự sanh, hại nhơn nhơn hại.

Ở đời phải suy đi xét lại, đừng ỷ tài nhảy thấp bay cao.

C:\Users\Admin\Desktop\Phu Con Muoi\Phu Con Muoi 03.jpg
C:\Users\Admin\Desktop\Phu Con Muoi\Phu Con Muoi 04.jpg

Sách còn ghi âm pháp nan đào. Câu thiên võng sơ nhi bất lậu.(t4)

Dầu ngươi có cao phi viễn tẩu, lẽ tuần hoàn chẳng kíp thời chầy.

Thoát khỏi trận nầy, hay qua trận khác,

Làm những điều bạc dữ, chẳng tưởng chữ hậu ân.

Nẽo luân trầm qua lại mấy lần, đường sanh tử đổi dời mấy cuộc.

Ai khéo đặt chữ thôn là nuốt, ai khéo bày chữ thực là ăn….

Nguyễn Văn Sâm 5-22 Feb. 2017

(Phiên âm lần đầu tiên theo bản Nôm

đầu thế kỷ XX sưu tầm được gần đây)

  1. Bất câu 不句: bất cứ thứ gì, bất cứ chuyện gì.
  2. Gác óc 挌屋: Kê đầu lên.
  3. Sáng đi tôi ở nghĩa là kẻ lang thang, đồng thời là kẻ khi cần gì mới tới để được giúp, để nhở vã rồi ra đi, không trung thành với ai dầu là người đã giúp mình nhiều.
  4. Sản phòng 產房: Phòng người đàn bà sanh đẻ.
  5. Người trong cấm viện: Kẻ trong cugn điện, người trong nhà tu kín…
  6. Giá tánh 嫁性: Đổi tánh.
  7. Thảo thượng sương 草上霜: Sương trên ngọn cỏ. Phong tiền chúc 風前燭: Đuốc trước gió. Hai thành ngữ chỉ sự mong manh dễ tan biến.
  8. Nhắc đến chuyện trong thời Hán Sở tranh hùngtuồng San Hậu.