VÕ HỌC BÌNH ĐỊNH

 

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

 

Mảng vui Hương Thủy, Ngự Bình

Ai vô Bình Định với mình thì vô.

Chẳng lịch bằng đất kinh đô

Nhưng Bình Định không đồng khô cỏ cháy

Ba dòng sông chảy, ba dãy non cao

Biển Đông sóng vỗ dạt dào

Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.

Câu ca dao trên là bức tranh phác hoạ “Miền Đất Võ”: xứ Bình Định, quê tôi, một miền đất thuộc vùng duyên hải Nam Trung Phần. Về vị trí, từ tỉnh lỵ của Bình Định, thành phố Qui Nhơn [1], cách Hà Nội 1.070 km về phía Nam Đông Nam, cách kinh thành Huế 407 cây số cũng về phía Nam Đông Nam, và cách Sài Gòn 652 km về phía Bắc Đông Bắc.

Địa hình Bình Định có ba mặt núi non hiểm trở: Phía Tây dựa lưng vào dãy Trường Sơn trùng điệp, phải qua đèo An Khê dốc đứng, vượt sông Ba rồi lên đèo Măng Giang mới tới được vùng Tây nguyên. Phía Bắc có dãy Thạch Tấn nối từ Trường Sơn ra tận biển, ngăn cách hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, với đường ranh giới chung 63 km, và chỉ còn thông nhau qua đèo Bình Đê. Phía Nam có dãy Nam Sơn, còn gọi là vùng núi Bình Sau, gồm các ngọn như hòn Ông, hòn Bà (thuộc xã Canh Thuận, cao 1.152 mét), hòn Am, hòn An Tượng, ngăn cách Bình Định và Phú Yên, với đường ranh giới chung 50 km. Muốn vào Nam phải vượt đèo Cù Mông. Phía Đông giáp biển, trải dài 134 cây số. Bờ biển gập ghềnh, lồi lõm với nhiều cửa như Thiện Chánh, Cà Công, Hà Rá, Phú Thứ, Đề Gi, Thị Nại. Bình Định có hai con sông lớn chắn ngang. Phía Bắc là sông Lại Giang, còn gọi là Lại Dương, bắt nguồn từ hai vùng núi An Lão và Kim Sơn, đổ ra biển qua cửa An Giũ. Phía Nam cũng có một sông tương xứng: sông Côn, chia làm ba nhánh chảy vào đầm Thị Nại. Ngoài ba dãy núi và hai sông chính, Bình Định còn có nhiều nhánh núi tẻ ra từ dãy Trường Sơn và con sông La Tinh nằm vắt ngang giữa tỉnh. Núi, sông xen kẽ đồng bằng, tạo cho miền đất này một địa hình phức tạp.

Các nhà phong thủy nhìn cuộc đất Bình Định như một ngai vàng khổng lồ, có đủ năm yếu tố: Minh đường, tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ. Tay vịn phía tả là dãy Thạch Tấn làm Tả long. Tay vịn phía hữu là dãy Nam Sơn làm Hữu hổ. Lưng dựa là dãy Trường Sơn cao ngất làm Hậu chẩm, mặt quay về hướng Đông lồng lộng trời cao biển cả, có 3 đầm lớn là Trà Ổ, Đạm Thủy, và Thị Nại làm Minh đường; ngoài ra ven bờ có đến 33 hải đảo lớn nhỏ làm Tiền án. Trong đất liền, rải rác đó đây là những ngọn tháp Chàm còn sót lại. Ở huyện Phù Cát có tháp Phúc Lộc, tục gọi là Phốc Lốc. An Nhơn có tháp Cánh Tiên. Tuy Phước với chùm tháp Bánh Ít ở Đại Lễ, tháp Thanh Trúc ở Bình Lâm, Tháp Long Triều ở Xuân Mỹ. Qui Nhơn có tháp Đôi. Bình Khê với tháp Thủ Thiện và chùm tháp Dương Long. Những tháp cổ cao vút lên nền trời, trông như những cây bút lông khổng lồ “ghi tiếng anh hào vào mây xanh.”

13_ThápDươngLong_AnChánh_TâyBình_TâySơn

H 1: Chùm tháp Dương Long, thôn An Chánh, huyện Tây Sơn.

(Ảnh: www.baobinhdinh.com.vn/ditich)

Với bốn mặt núi sông biển vây phủ, lại thêm thiên tai bão lụt thường xuyên, người dân miền này muốn sinh tồn cần thích ứng với miền đất hiểm trở, đầy bất trắc. Đấy là nhân tố để võ nghệ Bình định nảy nở. Rồi ngành dệt phát triển, nghề chạm cẩn tinh vi, lại có những đặc sản như bánh tráng, bún Song thần An Thái (còn gọi là Song thằng), đường cát Dương An, rượu Bầu Đá, chình Châu Trúc, muối Thị Nại, nước mắm gò Bồi, nón Gò Găng, gốm chợ Gồm, ngói Phú Phong… Hải sản Bình Định thì quá dư dả, cần phải thông ra ngoài, tìm thị trường tiêu thụ, hoặc trao đổi:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

(Ca dao)

Thời trước, buôn bán với “nậu nguồn” quan trọng hơn cả. Lượt lên mang cá khô, mắm, muối. Chuyến về chở măng le, trầu nguồn, nài rễ. Vốn một, lời mười. Ca dao còn truyền lại:

Buôn mọi bán rợ, Mấy chú An Khê,

Ở trển đem về, Xấp trầu nài rễ…

Tổ phụ của Nguyễn Nhạc là Hồ Lang chuyên nghề buôn bán trầu nguồn. Đến đời Hồ Phi Phúc, rồi Nguyễn Nhạc cũng nối nghiệp cha ông. Số người buôn bán hàng chuyến rất đông. Chở hàng ra Quảng, vào Nam, lên Tây Nguyên đều có cả. Vì vậy võ nghệ cần được phổ biến và phát huy để hộ tống hàng hoá vượt đèo, qua sông; vừa chống chọi với mãnh thú, vừa đề phòng nạn trộm cướp dọc đường, hoặc ngay tại nhà. Không những đàn ông mà ngay cả đàn bà, trẻ con cũng phải học võ hộ thân và bảo vệ tài sản, đã trở thành truyền thống:

Ai về Bình Định mà coi,

Con gái Bình Định múa roi, đi quyền.

(Ca dao)

Tuy vậy, dòng chảy của Võ học Bình Định cũng có những thăng trầm, qua các giai đoạn sau đây:

I – THỜI KỲ MỞ MANG (1470 – 1558)

Năm Canh Thìn (1470) Hồng Đức nguyên niên, vua Chăm [2] là Trà Toàn đem quân đánh phá đất Hoá Châu và sai người sang Tàu cầu viện nhà Minh. Vua Lê Thánh Tông tự cầm quân, đem đại binh 20 vạn quân đánh Champa, phá được kinh đô là thành Đồ Bàn (Vijara) và chiếm đất đến đèo Cù Mông. Từ đấy, miền này được sáp nhập vào đạo Quảng Nam, đặt tên là phủ Hoài Nhơn [3] gồm ba huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.

Dân các tỉnh Bắc Kỳ, nhất là người Hà Đông và các tỉnh miền Bắc Trung Phần vào đây lập nghiệp. Họ đến lấp vào chỗ trống, vì có một số người Chăm đã rút về phía Nam. Để sinh tồn, họ góp nhóp vốn liếng võ nghệ của cố hương, pha trộn với các thế võ của người Chăm, của dã thú, của gà đá… rồi sửa đổi, sàng lọc, ứng chế cho thích hợp với hoàn cảnh, địa thế của quê hương mới. Đầu tiên, hai thế võ thông dụng là lối đánh bằng tay chân, gọi là quyền; và lối đánh bằng gậy, gọi là roi. Họ dùng khúc cây vừa làm đòn gánh, vừa làm vũ khí hộ thân. Di chuyển hàng hoá bằng cách gánh, bao giờ cũng tiện hơn mang vai hoặc xách tay. Gánh, có thể chịu được sức nặng gấp ba lần trọng lượng của mang, xách mà vẫn đi được xa. Đòn gánh làm bằng gốc tre già, vừa chắc vừa dẻo, tiện cả hai mặt: Gánh thì êm, vì đòn nhún theo nhịp đi; đánh lại bền, vì cây roi không bị gãy hay giập bể.

Đó là những năm tháng dài, hình thành một nền võ thuật mới mẻ, độc đáo, được cả nước quen gọi là Võ Bình Định.

II – THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1558 – 1771)

Từ cuối năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, lập nên xứ Nam Hà, cho đến năm Tân Mão (1771) Tây Sơn khởi nghĩa. Trong ngót hai thế kỷ, võ Bình Định đã tiến một bước dài, phát triển đầy đủ các môn binh khí và đi vào nề nếp. Sự kiện chàng Lía xảy ra trong thời kỳ này, còn lưu lại một bài vè dài 1438 câu [4] chia làm 6 đoạn, đã phản ánh phần nào tình trạng võ nghệ ở Bình Định lúc bấy giờ.

Kết hợp nội dung bài vè và lời truyền tụng của dân chúng về cuộc đời của Lía, nhân vật tiếng tăm ấy có tên thật là Võ Văn Doan, người đời quen gọi thân mật là Chú Lía. Quê nội ở huyện Phù Ly, nay là Phù Mỹ, cha mất sớm, Lía theo mẹ về quê ngoại tại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn; nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn (quận Bình Khê cũ). Nhà nghèo, mẹ thường đau yếu, Lía lại còn nhỏ không làm ra tiền để nuôi mẹ. Nhiều lần Lía đến các nhà phú hộ xin nhờ bát cơm thừa, hay xin làm thuê ở mướn, nhưng bị họ từ chối và còn mắng nhiếc thậm tệ. Lía tự nhủ: “Dốc lòng cố giữ lòng thành, mà trời chẳng giúp phải đành lòng tham” (Vè Chú Lía) nên phải nhổ nhặt sắn khoai, cứu sống mẹ qua cơn ngặt nghèo.

Một hôm, Lía vào trộm gà vịt của một nhà phú hộ, bị bắt quả tang, họ trói và đánh đập tàn nhẫn, rồi mới giải giao cho hương chức để chịu tiếp một trận đòn thừa chết thiếu sống. Từ đấy, Lía nuôi trong lòng mối hận thù kẻ giàu có và bọn cường hào ác bá.

Có một hương sư, thương cho tình cảnh của Lía, bèn mướn chăn trâu. Ngày ngày Lía thả trâu ăn cỏ trên các sườn đồi. Nhân có các võ sư thường đem môn sinh đến mé núi dạy võ, Lía ghé mắt học lóm và tiếp thu rất nhanh, thấy đâu nhớ đó. Nhờ có sức mạnh phi thường, thêm năng khiếu về võ nghệ, lại thông minh sáng tạo; một hôm thấy con cá lóc nhảy từ dưới thấp lên trên ruộng cao, Lía học được ngay:

Lía ta thấy vậy tức cười

Khen con cá lóc vô hồi tài ba

Chớ chi cá lóc dạy ta

Học theo miếng đó, thiệt là mang ơn

và chịu khó tập luyện thành thạo:

Nhảy cao như Lía thiệt tài

Nóc nhà nhảy khỏi ai ai cũng nhường.

Từ ấy, bọn chăn trâu trong vùng tôn Lía làm “vua.” Chỉ có thằng Mướp không phục, thách Lía đấu võ, ai thắng mới chính thức lên ngôi vị:

Mướp ta cầm một khúc cây

Đánh nam đỡ bắc múa may loạn trào

nhưng hắn không đủ sức chống đỡ ngọn roi khốc liệt của Lía:

Đường côn toàn vẹn trăm bề

Múa lên giông tố tiếng nghe vù vù

nên Lía đã lỡ tay đập vỡ đầu thằng Mướp, chết ngay tại chỗ.

Lía hoảng sợ, bỏ vào rừng trốn biệt. Bọn cướp từng nghe danh Lía, bèn mời về sơn trại. Sau đó Lía cầm đầu một đảng cướp nổi tiếng. Nhưng Lía chỉ đánh cướp những nhà giàu có mà gian ác, hay những nhà của bọn tham quan ô lại. Nếu chủ nhà biết điều, nộp tiền của và không chống cự, Lía chỉ lấy hai phần ba của cải, một phần để lại cho chủ. Tài sản cướp được, Lía đem về sơn trại một nửa, nửa kia phân phát cho dân nghèo trong vùng. Lía cấm đàn em không được sách nhiễu dân chúng, cấm chặn đường cướp giật bừa bãi, hoặc thu tiền mãi lộ. Đối với bọn cường hào có thành tích hà hiếp dân đen, Lía cho thủ hạ trừng trị làm gương. Nhờ thế, tuy là tướng cướp, Lía vẫn được dân chúng ủng hộ và che giấu. Chính quyền địa phương tốn nhiều thì giờ và công sức, vẫn không dẹp được đảng cướp của Lía. Các nhà giàu trong tỉnh lo sợ, bèn mướn võ sư canh giữ tài sản và tập luyện võ nghệ cho gia nhân; tạo cho tỉnh nhà có đông người rành võ nghệ, gây thành phong trào thượng võ.

Nhưng rồi Lía cũng chán cuộc đời thảo khấu, nhất là được tin mẹ qua đời vì buồn phiền về đứa con cầm đầu đảng cướp. Lía buồn bã giã từ sơn trại ở vùng Phú Phong, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), đi về mạn Bắc, định tìm đến một nơi xa lạ, sống đời lương thiện.

Thế nhưng, việc võ nghệ là nghiệp chướng đeo đuổi mãi cuộc đời của Lía. Trên đường ra Quảng Ngãi, Lía phải qua Truông Mây, đoạn đường dài độ vài cây số, xuyên qua rừng mây dày đặc. Nơi đây, còn gọi là Hóc Sấu, nằm trên địa bàn hai thôn: đầu Bắc là Phú Thuận, đầu Nam là Vĩnh Hòa, đều thuộc tổng Hạ, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn; nay thuộc xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Địa thế Truông Mây rất hiểm trở, phía Đông và Đông Nam gặp nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, quanh năm nước xanh lè như màu lá; phía Tây núi non trùng điệp và có hòn Núi Một tách ra, sừng sững như chiếc bình phong. Nơi đây, Lía bị một bọn cướp chặn đường nên phải ra tay. Hàng chục tên cướp ngã gục. Chúng hoảng sợ, vội phi báo với chủ trại là cha Hồ và chú Nhẫn. Lại một phen Lía phải tỷ thí với hai tên đầu sỏ toán cướp:

Cự đương một đánh với hai

Tả xung hữu đột bụi bay mù trời.

Gặp ngọn roi thần của Lía, bọn chúng phải bái phục:

Lía càng sung sức hoành hành

Cha Hồ chú Nhẫn thất kinh đuối rồi.

Chúng bèn rước về sơn trại, rồi nhường chức thủ lãnh cho Lía.

Võ thuật trong thời kỳ này đã có những cao thủ thuộc giới nữ lưu:

Mụ Mân khoảng độ bốn hai

Làu thông võ nghệ ít ai sánh bì.

đến nỗi trình độ võ nghệ như cha Hồ chú Nhẫn hiệp sức lại vẫn không thắng nổi:

Phút thôi Hồ, Nhẫn cả hai

Đuối tay kéo chạy như bay khác nào.

nhưng khi gặp đường roi của Lía, mụ Mân không thể áp đảo được:

Lía ta bình tĩnh đối đang

Mụ Mân tuy giỏi khó toan vẫy vùng,

rồi Lía dùng độc chiêu hạ đối thủ:

Cầm chừng mụ đánh một hồi

Lía gạt đao gãy, đá bồi một chân.

Và cũng từ ngày Lía được tôn làm chủ soái Truông Mây, chú đã ra lệnh cho thủ hạ phải triệt để áp dụng tôn chỉ của mình. Truông Mây không còn là chỗ cướp bóc bừa bãi khách bộ hành nữa. Trái lại, còn bảo vệ người qua đường khỏi bị ác thú hãm hại. Nhờ vậy, đảng cướp được dân chúng cảm tình, được nhiều người gia nhập. Tiếng đồn về Lía vang dội khắp vùng:

Lía ta nổi tiếng anh hào,

Sơn hà một góc thiếu nào người hay.

Bạc tiền thừa đủ một hai,

Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông.

Làm cho bốn biển anh hùng,

Mến danh đều tới phục tùng chân tay.

Mục tiêu đánh cướp của Lía nhắm vào những:

Kẻ nào tàn ác lâu nay,

Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung.

Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng

Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan.

Nhất nhì những bậc nhà quan

Nghe chàng Lía dọa kinh hoàng như điên.

Nhà nào nhiều bạc dư tiền,

Mà vô ân đức, Lía liền đoạt thâu.

Có binh hùng tướng mạnh, Lía cho sửa sang sơn trại thành đồn lũy, luyện tập đàn em thành thạo các môn quyền, roi, đao, kiếm, siêu, thương, cung, ná…

Lía nay ở chốn sơn trung,

Ngày đêm luyện tập ung dung chén nồng.

Từ một đảng cướp, Lía đã biến thành một lực lượng vũ trang có tổ chức, biết tự túc tự cường:

Lâu la mấy vạn tụ đông

Vỡ rừng làm rẫy vun trồng bắp khoai.

Chúa Nguyễn phải cử một đội quân đông đảo đến đánh dẹp:

Truyền cho mười vạn binh hùng

Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng.

Lía đã đón đánh quan binh bằng chiến thuật bất ngờ, nhanh như một đường roi bí hiểm:

Lâu la kén đủ năm ngàn

Thình lình cướp trại đánh ngang quân trào…

Đại tướng thoát trận thoát nàn

Về trào chịu tội mất thành binh tan.

Lần này, không thể xem thường Lía như đám giặc cỏ, triều đình phải cử một tướng lãnh tài ba:

Đô đốc võ nghệ vẹn toàn

Quân binh hùng dũng chiến tràng đua tranh.

Lía bèn giục ngựa ra thành,

Quyết cùng Đô đốc giao tranh so tài.

Đôi bên xáp chiến cả ngày,

Bất phân thắng bại, khen thay anh hào.

Nhưng rồi Lía không làm sao giữ nổi thành trì trong thời gian dài:

Tính toan thành khó giữ nào

Bởi chưng quân ít không sao chống kình.

Lía ngầm muốn tính bỏ thành,

Ngặt vì binh tướng trào đình phủ vây.

Lía đã dùng ngón võ tuyệt kỹ để thoát thân:

Cơn nguy chuyển hết sức thần,

Dùng miếng “cá lóc” giậm chân nhảy liền.

Quân trào vây kín khắp miền,

Lía vọt ra khỏi rất nên kỳ tài.

Trên đây là những câu thơ trích trong Vè Chàng Lía (dân chúng quen gọi là Vè Chú Lía), cho thấy Võ học Bình Định ở thời kỳ này đã thịnh hành và đóng vai trò then chốt trong chiến đấu.

Chàng Lía là một Robin Hood [5] của Bình Định. Triều đình đã dẹp yên đảng cướp ở Truông Mây, nhưng tình cảm của dân chúng đối với chú Lía còn mãi trong ca dao:

Chiều chiều én liệng Truông Mây,

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

III – THỜI KỲ CỰC THỊNH (1771 – 1802)

Từ năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa ở gò Tô, đất Tây Sơn đến năm Nhâm Tuất (1802) vua Quang Toản bị bắt ở huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Ninh, nền Võ học Bình Định mở ra một kỷ nguyên mới. Đó là võ Tây Sơn.

1 – Tam Kiệt phát tích ở đất Tây Sơn:

Tam kiệt Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc (? – 1793) anh cả, Nguyễn Huệ (1753 – 1792) anh thứ (thường gọi là chú Ba Thơm), và Nguyễn Lữ (1754 – 1788) em trai út [6]; người ấp Kiên Mỹ khách hộ, thôn Vĩnh An, thuộc Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn; năm 1832 đổi là thôn Kiên Mỹ, tổng Thời Hòa; năm 1955 là ấp Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê; nay Kiên Mỹ thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.

Nguyễn Tây Sơn nguyên là họ Hồ, dòng dõi Hồ Quí Ly. Ông tổ bốn đời là Hồ Phi Khanh ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm Ất Tỵ (1655), Trịnh Nguyễn giao tranh lần thứ năm, quân Nguyễn tấn công Nghệ An. Hồ Phi Khanh cùng dân địa phương bị quân Nguyễn bắt đem vào huyện Tuy Viễn, phủ Qui Ninh [7] để khai hoang. Ông đến ở làng Bàng Châu (nay thuộc xã Đập Đá, huyện An Nhơn), được họ Đinh đỡ đầu, gây dựng. Đời con là Hồ Lang, dời về làng Phú Lạc, xã Bình Thành. Đời cháu là Hồ Phi Phúc, lấy vợ là Nguyễn Thị Đồng rồi dời qua ấp Kiên Mỹ. Nơi đây ba anh em Tây Sơn ra đời, trước theo họ cha, sau đổi ra họ mẹ.

Lúc nhỏ, anh em Tây Sơn theo học chữ Nho với thầy giáo Trương Văn Hiến, một bậc tài danh, bất mãn vì chế độ thối nát, nạn Trương Phúc Loan chuyên quyền, tham tàn.

Sau đó, anh em Tây Sơn học võ với thầy Đinh Văn Nhưng, thường gọi là ông Chảng, người làng Bàng Châu. Võ sư Chảng là người bộc trực, gan dạ và ngang ngạnh nhất vùng, chẳng hề kiêng nể bọn cầm quyền. Ông tự phong “Chảng Chảng ngang thiên.” Câu ví von của người đương thời “ngang quá ông Chảng” nay đã trở thành tục ngữ. Ba anh em được thầy yêu quý, dạy cho nhiều thế võ bí truyền. Thấy được sự lợi hại của võ Bình Định, Tam kiệt Tây Sơn đã đem võ thuật vào chiến thuật trong cuộc khởi nghĩa và phát huy võ học Bình Định đến mức cực thịnh.

08_LongGiengNuoc_NgayXuaTamKietTaySonUongNuocGiengNay

H 2: Giếng nước cổ ở vườn nhà Tam Kiệt, nay vẫn còn.

(Ảnh: Khổng Xuân Hiền, 2011, Cuongde.org)

2 – Binh khí:

Trong binh đội Tây Sơn, mỗi chiến sĩ là một võ sĩ. Sự huấn luyện quân đội, cơ bản là tập võ nghệ. Người lính phải biết sử dụng tất cả, hoặc một số, các binh khí truyền thống sau đây:

1/ Quyền: lối đánh võ bằng tay chân, còn gọi là thảo bộ. Quyền gồm nhiều thảo bộ, sẽ liệt kê trong phần các bài thiệu. Hễ quyền giỏi thì roi cũng xuất sắc. Vì vậy quyền là môn võ căn bản, cần thiết. Quân Tây Sơn đã dùng chiến pháp sở trường này trong thế trận đánh giáp lá cà, thanh toán chiến trường.

2/ Roi: lối đánh võ bằng gậy, còn gọi là côn. Roi không nên lớn quá hoặc nhỏ quá, phải vừa cỡ tay nắm người sử dụng thì đường roi mới mạnh và nhanh. Có hai loại: roi trường và roi đoản. Roi trường là roi trận, dài khoảng 2 mét 5, đầu lớn là đốc roi, đầu nhỏ là ngọn roi. Người sử dụng roi trường ngồi trên ngựa và chỉ đánh một đầu. Roi đoản là roi đấu, dài “tề mi” tức là ngang lông mày người sử dụng (chừng 1 mét 6). Roi đấu, cầm ở giữa thân roi nên có thể đánh cả hai đầu. Chẳng hạn, đầu roi bổ xuống như trời giáng khiến đối thủ lo chống đỡ, nhưng đó chỉ là cú đánh hư. Trong lúc ấy, nhanh như chớp, đốc roi thúc mạnh vào hạ thể đối thủ, đó mới là cú đánh thực. Ngày xưa, các võ sĩ thường vắt vai một khăn lông to và dài, gặp khi bất trắc có thể dùng khăn thế roi, gọi là roi nhuyễn tiên, không phải để đánh mà để “vung roi” che mắt đối thủ, rồi xông vào hất tung binh khí.

Học roi, phải biết 15 thế căn bản, gọi là Thập ngũ thế côn pháp, gồm: Bật hoành, Bật trực, Bật điếu ngư (câu cá), Bật gốc bật ngọn, Bật lên bật xuống, Bật thuận đón nghịch, Bật trung bình trích thủy, Đâm thượng bật hạ, Địa xà tự (chữ rắn đất), Phục hổ điếu ngư (cọp núp câu cá), Phục hổ phụng đầu (cọp núp đầu phụng), Phục hổ thừa chu (cọp núp đi thuyền), Phục hổ trích thủy (cọp núp giọt nước), Phục hổ xích phê, Tam tinh điểm nhãn (ba ngôi sao chấm vào con mắt).

3/ Song sĩ: hai cây gỗ cứng kẹp dọc cánh tay, ló ra ở hai đầu. Khi đấm hay thúc cùi chỏ thì đầu nào của song sĩ cũng có thể ấn sâu vào cơ thể của đối thủ.

4/ Đao: để chém và đâm. Nếu đao có lưỡi bè ra rất lớn thì gọi là đại đao.

5/ Kiếm: gồm độc kiếm và song kiếm, lưỡi dài nhưng không quá 1 mét.

6/ Siêu: giống như đao, nhưng cán dài. Thế võ kết hợp giữa kiếm và đao.

7/ Thương, giáo, mác, lao đều có cán dài, dùng để đâm, đánh và phóng.

8/ Xà mâu, đinh ba, bừa cào đều có cán dài, đầu có nhiều nhánh, đường võ chậm chạp, ít thông dụng.

9/ Lăng, khiên: tròn dẹp, có tay nắm ở tâm điểm; dùng để che, đỡ khi lâm trận.

10/ Song chùy: hình cầu bầu dục, xẻ răng cưa như cạnh khế, có cán nắm, dùng để đánh, cũng ít sử dụng.

11/ Dây xích bằng sắt dùng để quất, lợi thế như một cây roi.

12/ Cung, ná, nỏ dùng để bắn tên khi đối thủ còn ở xa.

06_CayMeCoThuTrongDenThoTamKiet

 H 3: Cây me xưa ở vườn nhà Tam Kiệt, nay vẫn còn.

(Ảnh: Khổng Xuân Hiền, 2011, Cuongde.org) 

3 – Các bài thiệu:

Đặc điểm của võ Tây Sơn là mỗi thế võ đều có một bài thiệu đi kèm, tức là phần lý thuyết được diễn thành thơ có vần, có điệu cho dễ, dễ nhớ. Người học võ phải thuộc lòng bài thiệu, đọc đến đâu múa đến đó, lý thuyết ăn khớp với thực hành. Lối học võ này rất tiện cho việc luyện tập nhiều người cùng một lúc, được áp dụng trong trường huấn luyện quân đội của Tây Sơn.

Bài thiệu thời Tây Sơn rất nhiều, nay chỉ còn lưu giữ được một ít. Chẳng hạn, các bài thiệu thảo bộ (tức thảo quyền) có: Độc Lập Sinh Hoa Quyền (tức Mai Hoa), Én Bay Thảo Pháp (chữ Nôm, thơ lục bát), Lão Mai Độc Thụ, Ngọc Trản, Phượng Hoàng, Thần Đồng, Thiền Sư, Tiên Ông, Tứ Hải, Tứ Môn.

Bài thiệu thảo roi như: Chấp Thủ Đằng Côn, Côn Thất Bộ, Dương Côn Thế Thái Tổ luyện tập Võ Nghệ Pháp Bộ (chữ Nôm và chữ Nho, thơ lục bát và 4 chữ), Khổng Minh Côn Pháp (chữ Nôm, thơ lục bát), Ngũ Môn Phá Trận, Tam Thế Côn Thảo, Tấn Hưng Thảo Pháp (chữ Nôm, thơ lục bát), Tấn Nhất Ô Du, Thái Sơn, Thiện Đồng Viết (chữ Nôm, thơ lục bát), Trực Chỉ, Trường Côn Diễn Quốc Âm Ca (chữ Nôm, thơ lục bát), Trường Côn Thế Pháp 1 và 2 (chữ Nôm, thơ lục bát).

Về thảo kiếm, có bài thiệu Long Môn, Song Kiếm, Trường Kiếm, Thần Nhân Biến Bách Thế.

Về thảo đao siêu, có bài thiệu Long Đao (2 bài), Siêu Đao, Siêu Ông Bát Quái, Tam Thế Đằng Bài, Xung Thiên.

Các bài thiệu trên, căn cứ các tài liệu cổ đựng trong trắp, thờ tự chung với gia phả, bài vị, tại các địa điểm như: Tư liệu của từ đường họ Trương, ở thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ; tập bằng giấy bổi đã rách nát chỉ còn 26 trang, chép 17 bài thiệu. Tư liệu của võ đường Phan Thọ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn; tập này chỉ còn lại 18 bài thiệu nguyên vẹn do ông Đào Thống tự ký. Tư liệu của võ đường Thanh Long do võ sư Nguyễn Văn Đấy ở thị trấn Bồng Sơn lưu giữ; tập này dày 136 trang, trong đó có 36 trang ghi các bài thiệu. Cả ba tài liệu trên đều bằng chữ Nho và Nôm.

66_GiaVuongQuangTrung_HoaSiTrungQuocVeNam1790_TrichTDVanHoc

H 4: Giả vương Quang Trung sang Tàu năm 1790,

Họa sĩ vâng lệnh vua Thanh vẽ truyền thần.

(Nguồn: “Từ Điển Văn Học” trang 800a)

4 – Trống trận Tây Sơn:

Thời ấy còn sáng chế ra điệu trống kết hợp giữa nghệ thuật và chiến thuật, giao hòa giữa âm nhạc và âm thanh trận mạc. Dân gian quen gọi là “Trống trận Tây Sơn,” hoặc gọi theo văn chương là “Nhạc võ Tây Sơn,” còn gọi theo nhạc pháp là “Song thủ đả thập nhị cổ.” Đúng với kinh điển, nhạc khí này là một bộ trống gồm 12 cái, mặt trống căng dùn và lớn nhỏ khác nhau, cùng một mức độ tác dụng nhưng tạo ra những âm thanh với cung bậc khác nhau. Mỗi trống mang tên một con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Người đánh trống phải là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một võ sĩ thượng thặng dùng thế côn quyền mới có thể điều khiển 12 cái trống cùng lúc; vừa tác động bằng tay gọi là quyền trống, vừa dùng dùi gọi là roi trống. Khi quyền trống thì sử dụng cả ngón tay, bàn tay, cạnh tay, cổ tay, nắm tay tác động lên mặt trống. Khi roi trống thì đánh hay vuốt đầu roi (ngọn roi), đuôi roi (đốc roi), có khi cả thân roi trên các mặt trống. Cứ như thế, đôi tay nhảy múa trên 12 cái trống cùng lúc, tạo ra những âm thanh khác nhau thành bản hùng ca.

Nhạc võ Tây Sơn chia làm bốn hồi: xuất quân, xung trận, công thành, khải hoàn; và chỉ có tiến, chiến thắng, chứ không có hồi lui quân. Tiếng trống trong hồi xuất quân mang âm hưởng nhịp nhàng, rầm rập, hùng tráng như hàng vạn bước chân, vó ngựa trên đường ra trận mạc. Tiết tấu trong hồi xung trận chuyển sang khích động, dồn dập, xối xả như trận mưa rào. Kế đến hồi công thành, âm thanh chan chát, gào thét, tiết tấu thể hiện chiến trận khốc liệt tiếng ngựa hí, quân reo, binh khí chạm nhau, hùng khí ngút trời. Và cuối cùng, hồi khải hoàn, âm thanh réo rắt, vui nhộn, phấn khởi, thể hiện niềm vui khúc ca chiến thắng.

Ngoài bộ trống 12 cái đặt trước mắt, còn có 5 trống treo sau lưng gồm 1 trống vừa tầm đập ngửa đầu, 2 trống vừa tầm thúc hậu hai cùi chỏ, 2 trống vừa tầm gót chân đá hậu. Nhưng chỉ có vài nghệ sĩ siêu việt vượt khỏi tầm kinh điển mới có khả năng sử dụng 17 cái trống cùng lúc.

Trên đây, mang tiếng gọi là Trống trận Tây Sơn, nhưng thực ra chỉ dùng để luyện tập quân sĩ và biểu diễn quân lực. Lúc ra trận, cần gọn nhẹ, tiện di chuyển, nên chỉ dùng hai trống lớn đặt trên xe cho ngựa kéo hay người khiên. Nghệ sĩ dùng roi chầu (dùi lớn) đánh theo nhạc võ trận, âm thanh vang xa, dồn dập, kích thích lòng hăng hái của binh sĩ.

2_TrốngTrậnTâySơn_ẢnhViệtThao_14Dec2003

H 5: Biểu diễn trống trận Tây Sơn

Hội Tây Sơn Bình Định Bắc Cali. (Ảnh: Việt Thao, 2003)

5 – Võ thuật và chiến thuật:

Chiến thuật của Tây Sơn là áp đảo đối phương từ tầm xa đến tầm gần. Xa thì có đại bác đặt trên mình voi. Khi cách mục tiêu chừng 100 mét thì dùng súng trường. Gần thì đến lượt cung nỏ, rồi hoả hổ. Cuối cùng là xung phong, cận chiến, dùng các thế võ để giải quyết chiến trường theo nguyên tắc “nhất nhân địch quần nhân.”

Như vậy, binh đội của Tây Sơn không cần đông mà cốt ở tinh và dũng cảm. Binh đội gọn nhẹ, di chuyển nhanh chóng, thích hợp lối tác chiến thần tốc. Đánh nhanh, đánh mạnh, hư thực không rõ, bất ngờ thọc sâu vào kẽ hở của địch quân. Chiếm mục tiêu thì dùng tượng binh làm lá chắn, vừa là pháo đài di động cho bộ binh tiến lên. Đó là kỹ thuật tác chiến của Tây Sơn, ảnh hưởng bởi bản chất của nhà võ.

Tương truyền các tướng Tây Sơn đều là những tay võ xuất chúng. Nguyễn Huệ sở trường về roi. Nguyễn Lữ xuất sắc về côn quyền, đã sáng chế ra Hùng Kê Quyền, lấy từ các thế võ của gà đá. Võ Văn Dũng (? – 1835) rất giỏi về đao, người đời có câu truyền tụng “Phá sơn trung tặc, dị; Thắng Văn Dũng đao, nan” (Phá được giặc trong núi thì dễ, thắng được ngọn đao của Văn Dũng thì khó). Đặng Văn Long, tức Đô đốc Long, tự là Tử Vân (có sách chép là Mưu) lại quán thông cả cương quyền (ngạnh công) lẫn miên quyền (nhuyễn công), với đôi tay mạnh và cứng như sắt nên người đời thường gọi là “Đặng thiết tý.” Bùi Thị Xuân (? – 1802) không ai sánh kịp về môn kiếm. Trần Quang Diệu (? – 1802) đánh cọp bằng tay không. Ngô Văn Sở (? – 1795) cháu nội của Đại tướng Ngô Mãnh. Võ Đình Tú sở trường về côn, được Bùi Thị Xuân tặng danh hiệu “Thiết côn vô địch” thêu trên lá cờ lệnh.

Tóm lại, võ Tây Sơn là võ truyền thống của Bình Định đã được tập hợp và tinh luyện để đưa vào quốc phòng. Võ trở thành chiến lược độc đáo của thời Tây Sơn, thời huy hoàng nhất của nền võ học Bình Định.

01_TuongHoangDeQuangTrung

H 6: Tượng đài Hoàng Đế Quang Trung tại Kiên Mỹ.

(Ảnh: Khổng Xuân Hiền, 2011, Cuongde.org)

IV – THỜI KỲ ẨN MÌNH (1802 – 1867)

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh dẹp nhà Tây Sơn và lên ngôi vua, xưng đế hiệu là Gia Long. Không những nhà vua trả thù một cách dã man đối với Tây Sơn, mà còn có cả một kế sách lâu dài, nhằm tận diệt tất cả những gì có liên quan đến Tây Sơn. Vì vậy võ Tây Sơn không còn được lưu hành nữa. Các nhà võ rút lui vào bóng tối, chỉ âm thầm truyền dạy cho con cháu, nên gọi là “Võ vườn.” Những bài thiệu cũng phải giấu trong trí nhớ và chỉ truyền miệng trong phạm vi gia đình. Điệu trống Tây Sơn im bặt trong những ngày lễ hội đông người. Thời kỳ này kéo dài suốt các triều Gia Long (嘉 隆), Minh Mạng (明 命), Thiệu Trị (紹 治) và đầu đời Tự Đức (嗣 德); nên các bài võ nổi tiếng như: Nghiêm Thương, Hùng Kê Quyền, Song Phượng Kiếm, tương truyền của Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Bùi Thị Xuân đều bị thất truyền hoặc đã mất gốc.

Để tránh sự sát hại của Gia Long, quan tước hầu Nguyễn Văn Hiệp cùng hai con là Nguyễn Văn Đinh và Nguyễn Văn Búa đều là võ tướng Tây Sơn chạy vào Phan Thiết, mai danh ẩn tích và truyền dạy võ nghệ, đánh cọp, trừ trộm cướp. Dân địa phương nhớ ơn, lập đền thờ ở đình Thạch Long và đình Khánh Thiện, hiện nay vẫn còn. Ngoài ra còn có một bộ tướng của Tây Sơn chạy vào Tân Khánh, tỉnh Bình Dương lánh nạn, lập ra trường phái Võ Thuật Tân Khánh. Năm 1850, hậu duệ của gia đình này có người con gái tên là Trà chiêu mộ nghĩa quân, luyện tập võ Tây Sơn, nổi lên chống Tự Đức [8].

V – THỜI KỲ TRUNG HƯNG (1867- 1924)

Từ khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), quân Pháp luôn luôn tìm cách gây hấn với nước ta để có cớ xâm chiếm. Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Năm 1861, mất Định Tường (Mỹ Tho), đảo Côn Lôn và Biên Hoà. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trước các biến cố dồn dập, nền võ học Bình Định trong thời kỳ này cũng có nhiều đóng góp vào đất nước.

1 – Thành lập trường thi Hương Võ:

Trước tình thế cấp bách, cần tăng cường quân đội để bảo vệ những phần đất còn lại. Đối với Tự Đức, đề phòng Tây Sơn không còn là việc thiết thực nhưng họa xâm lăng của Pháp thì sờ sờ trước mắt. Vì thế năm 1867, nhà vua cho thành lập trung tâm tuyển chọn võ quan ngay trên “Miền Đất Võ.” Đó là trường thi Hương võ Bình Định tại thôn An Thành, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn; nay là thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Nơi đây, cách trường thi Hương văn (thôn Hòa Nghi, xã Nhơn Hòa) vài cây số, xuyên qua các thôn Trường Cửu, Quang Châu nằm dọc theo hữu ngạn Nam phái sông Côn.

Vốn sẵn truyền thống yêu thích võ nghệ, nay được nhà vua mở trường thi, tuyển chọn nhân tài, các mạch võ ẩn tàng hơn sáu mươi lăm năm qua, giờ đây bùng lên trổ hoa kết trái. Các lò võ ở Bình Định mọc lên như nấm. Những đêm trăng, trong sân nhà hay trên dãy gò hoang vắng, tốp năm tốp ba, võ sinh miệt mài tập luyện.

2 – Đào tạo các bậc võ khoa:

Thời ấy, ở Bình Định có Nguyễn Văn Tứ sinh năm Đinh Sửu (1817), đỗ Đệ Tam giáp Đồng Võ Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn (1868), lúc 52 tuổi. Đặng Đức Tuấn sinh năm Giáp Ngọ (1834), người huyện Phù Mỹ, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Võ Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Tỵ (1869), lúc 36 tuổi.

Các Cử nhân võ có: Bùi Điền, Nguyễn Công Bình (tức Nguyễn Hóa), Phạm Toản, Tăng Doãn Văn (tức Tăng Bạt Hổ)… Và có các võ sư nổi tiếng như Lê Khanh, Lê Thượng Nghĩa, Lê Tuyên, Lê Văn Thống.

Về phái nữ, thời ấy có Trần Thị Quyền, người huyện Bồng Sơn, nổi tiếng võ nghệ, hai lần đánh thắng cọp (xem tiểu mục Giết Cọp Để Cứu Mẹ, trong bài Con Gái Bình Định).

3 – Ứng nghĩa cứu nước:

Rồi kinh đô thất thủ (1885), vua Hàm Nghi bôn đào và xuống chiếu Cần Vương. Võ Bình Định đã góp phần vào việc chống Pháp. Lãnh tụ Phong trào Cần Vương ở Bình Định là một người văn võ song toàn: Mai Xuân Thưởng (1860 – 7/ 6/ 1887) người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Trong bài Điếu Mai Nguyên Súy [9] 弔 梅 元 帥 (Điếu Nguyên soái Mai Xuân Thưởng), Nguyễn Bá Huân một danh sĩ đương thời, đã hết lòng khâm phục:

Đan tâm chỉ vị cứu lương dân

丹 心 只 爲 救 良 民

Hoành sóc ngâm thi hữu kỹ nhân

橫 槊 吟 詩 有 技 人

Nhất phó hung khâm hoành vũ trụ

一 副 胸 襟 副 宇 宙

Tam niên cầm kiếm định phong trần

三 年 琴 劍 定 風 塵

Chiến y nguyệt chiếu sinh hàn khí

戰 衣 月 照 生 寒 氣

Cao lũy nhật tà ám xích cân

高 壘 日 斜 暗 赤 巾

Túng sử anh hùng thành đại chí

縱 使 英 雄 成 大 志

Khải ca cao xướng nhập thanh vân.

凱 歌 高 唱 入 青 雲。

Việt Thao dịch:

Lòng son chỉ muốn cứu dân lành

Vung giáo ngâm thơ khó kẻ tranh

Một dạ tâm can trùm vũ trụ

Ba năm đàn kiếm dẹp phong trần

Trăng soi áo trận dờn hơi lạnh

Chiều xuống trên thành bớt thắm khăn

Giá thử anh hùng xong chí lớn

Hát mừng thắng trận ngút mây xanh.

Hưởng ứng Phong trào Cần Vương, bên làng võ Bình Định có các Cử nhân võ như: Thống chế Nguyễn Hóa (1842 – 1887) người làng Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn; Thống trấn Bùi Điền (? – 1887); Tăng Bạt Hổ (1858 – 1906) người làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Các võ sĩ ứng nghĩa có Nguyễn Đăng (1835- 1887) người thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn; Huỳnh Ngạc người thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (Bình Giang cũ), huyện Tây Sơn; Võ Đạt (sinh khoảng 1835) người làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn.

Dưới cờ khởi nghĩa của Mai Nguyên Soái, ở Bình Khê còn có một dòng võ mà cả ba thế hệ gồm hàng trăm võ sĩ, võ sinh theo thầy đứng trong hàng ngũ nghĩa quân. Đó là lò võ Lê Thượng Nghĩa, sư tổ của Hồ Tá Quốc. Họ Hồ đã ca tụng tay kiếm lợi hại của Thầy trong việc cứu nước, qua bài Tặng Lê Công Thượng Nghĩa [10] 贈 黎 公 上 義 (Tặng ông Lê Thượng Nghĩa):

Lão sư thân thủ nhược du long

老 師 身 手 若 遊 龍

Lẫm liệt tu mi khí lực hùng

凜 冽 鬚 眉 氣 力 雄

Tích nhật Cần Vương đồng tá quốc

昔日 勤 王 同 佐 國

Tây trù trảm tận hiển hùng phong.

西 疇 斬盡 顯 熊 風。

Việt Thao dịch:

Dáng Thầy như thể lượn thân rồng,

Đáng bậc mày râu toát vẻ hùng.

Ngày trước theo Vua cùng giúp nước

Giặc Tây, chém sạch rõ oai phong.

Trong bài Trường Úc Sơn Quan Đại Chiến Hậu, Hựu Đại Thắng Ư Cẩm Văn Thôn Hữu Cảm [11] 長 郁 山 關 大 戰 後, 又 大 勝 於 錦 文 村 有 感 (Cảm xúc sau khi đánh lớn trên ải Trường Úc, lại thắng lớn ở thôn Cẩm Văn), sư tổ Lê Thượng Nghĩa cũng đã nói rõ, thắng lớn là nhờ áp dụng võ thuật vào chiến thuật:

Bình nhung hào kiệt vũ Ngô câu

平 戎 豪 傑 武 吾 鈎

Xung đột trùng vi trảm tặc đầu

衝 突 重 圍 斬 賊 頭

Trường Úc, Cẩm Văn tề báo tiệp

長 郁 錦 文 齊 報 捷

Nghĩa binh thanh giá chấn toàn châu.

義 兵 聲 價 振 全 州。

Việt Thao dịch:

Diệt thù, hào kiệt múa gươm thiêng

Xông phá vòng vây chém giặc liền

Trường Úc, Cẩm Văn đều thắng lớn

Nghĩa quân lừng lẫy khắp trong miền.

Tướng Đặng Đề, cũng người huyện Tây Sơn (quận Bình Khê cũ), một tay võ nghệ nổi tiếng, đã chỉ huy mặt trận Thủ Thiện [12], cho quân xung phong cận chiến, có trống trận yểm trợ tinh thần, y như đạo quân Tây Sơn ngày trước. Qua bài Thủ Thiện Đại Phá Lang Sa Hữu Cảm (首 善 大 破 浪 沙 有 感), ông viết:

Thủ Thiện thôn trung bề cổ động,

首 善 村 中 鼙 鼓 動

Nghĩa binh phấn dũng vũ đao thương.

義 兵 奮 勇 武 刀 槍

Lang Sa [13] mã hạ hoành thi biến,

浪 沙 馬 下 橫 尸 徧

Tặc huyết lưu thành nhất tuyến trường.

賊 血 流 成 一 線 長。

Việt Thao dịch:

Thủ Thiện, trong thôn trống trận rền,

Nghĩa quân dũng cảm giáo vung lên.

Lang Sa dưới ngựa phơi đầy xác,

Máu chảy dài theo, vết đặc sền.

LăngMộMaiXuânThưởng_ẢnhChụp1962_NướcNonBìnhĐịnh

H 7: Lăng mộ Mai Xuân Thưởng tại xã Bình Tường,

chụp năm 1962. (Ảnh: “Non Nước Bình Định,” Quách Tấn)

4 – Giết giặc trừ gian:

Năm 1908, làng võ Bình Định lại một lần nữa góp phần chống Pháp trong Phong trào Kháng Thuế tại tỉnh nhà. Các võ sĩ ở An Vinh và An Thái tham gia rất đông. Họ lãnh trách nhiệm trừng trị bọn tay sai của Pháp và những tên thổ hào dựa vào giặc để nhiễu hại dân lành. Căn cứ vào các châu bản triều Duy Tân [14], ở huyện Bình Khê có Hà Khuê, Hồ Cường, Lê Lý, Lê Hữu, Lê Thức, Võ Nghiệp… đã lùng bắt các viên chức đắc lực của chính phủ Bảo hộ để trừng trị, tiêu biểu có tên Vinh và Giao bị nịch sát. Ở vùng An Vinh và An Thái [15] có Nguyễn Văn Khải lý trưởng An Vinh, chỉ huy toán bắt cóc bọn làm tay sai cho giặc, tiêu biểu có tên Uẩn đền tội, xác thả trôi sông. Ở huyện Phù Cát, Nguyễn Hoành đã ám sát hai viên chức gian ác do phủ phái tới là tên Bá và Tường. Ở huyện Bồng Sơn có Đỗ Dương, Nguyễn Điềm, Phạm Quế, Phan Thuần đem thủ hạ khoảng 50 người cầm đao, côn đến huyện đường kháng cự với lực lượng đàn áp. Ngoài ra, toán võ sĩ còn thi hành bản án tử hình đối với những thường dân vì tham tiền chịu làm do thám hoặc chỉ điểm cho giặc, như trường hợp nịch sát tên thợ Cẩn để làm gương.

Khoảng năm 1920, cả hai tỉnh Bình Định và Phú Yên mất ăn mất ngủ vì nạn cướp Dư Đành. Võ sĩ bốn huyện Tây Sơn (thời ấy là Bình Khê), An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát được quan tỉnh điều động vào việc bắt cướp. Dư Đành người làng Kiên Ngãi, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, giỏi võ nghệ và có sức mạnh phi thường. Hắn có thể kẹp nách một con bò nghé, nhẹ nhàng như bồng một đứa bé. Người đương thời ví Dư Đành “Sức đương Hạng Võ, mạnh kình Trương Phi.” Dư Đành cầm đầu một toán cướp 11 tên: Hựu (quân sư), Phỉ, Cao, Đen…, toàn là những tên cướp hung bạo khét tiếng. Chỉ có tay roi Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền là Dư Đành né tránh. Còn Bảy Lụt cũng là một tay quyền nổi tiếng ở An Vinh, bị Dư Đành và đồng bọn phục kích đánh bất tỉnh để cảnh cáo làng võ đang tìm bắt chúng. Hành động của chúng còn lưu lại trong bài vè:

Dư Đành sức mạnh quá trâu,

Vùng lên đánh ngã cả xâu triều đình.

Triều đình khiển trách quan tỉnh, tỉnh nạt xuống huyện. Quan huyện đổ cáu trút lên đầu làng xã. Khổ cho đám dân đinh phải canh phòng nghiêm nhặt suốt ngày đêm, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, vẫn không tìm ra tung tích bọn cướp. Tình cờ, người ta thấy Dư Đành đang ngủ say dưới lòng tảng đá hàm ếch, thuộc vùng núi Dương An, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Đám dân phòng phải lập thế, dùng cây gỗ đè lên người hắn “Kiềng kiềng ba khúc cán ngay yết hầu” (vè Dư Đành) và có súng bắn thị uy, Dư Đành mới chịu bó tay.

Xét cho cùng, thời kỳ Trung hưng đã trải dài trên nửa thế kỷ, nhưng làng võ Bình Định không thể có lại cảnh huy hoàng rực rỡ như thời Tây Sơn. Tuy vậy, võ học Bình Định thời kỳ này cũng đã phục hưng được ý hướng tốt đẹp là dạy võ, học võ để ứng thí, cứu nước và giúp đời.

VI – THỜI KỲ XÂM NHẬP (1924 – 1945)

Từ xưa, Bình Định đã có câu truyền tụng: “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” và “Trai An Thái, gái An Vinh” là những địa danh thuộc tỉnh nhà, đã phát tích những dòng võ nổi tiếng và nối nghiệp cho đến bây giờ. Thôn Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (trước là quận Bình Khê). Thôn An Vinh thuộc xã Tây Vinh (xã Bình An cũ), cùng huyện. Còn An Thái là một thị tứ, thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn.

1 – Môn phái Thuận Truyền:

Đời Minh Mạng gọi là thôn Kiên Truyền, sau đổi là Thuận Truyền, thuộc xã Bình Thuận, ở phía Tây Bắc huyện Tây Sơn. Thuận Truyền, Tây giáp thôn Kiên Hòa (Thuận Hòa) và rừng, Bắc giáp rừng và núi, Đông giáp núi và thôn Trà Sơn, Nam giáp Trà Sơn và Vân Tường. Thuận Truyền ở vào địa thế ba mặt giáp rừng, núi Hòn Trưng và núi Thơm, nạn thú dữ thường trực đe dọa. Trước sự sống còn, dân làng cần có thế võ và môn binh khí phòng thân. Nơi đây, nhiều môn phái, nhiều cao thủ đua nhau xuất hiện như Hồ Triêm, Hồ Cường, Cai Quên, Xã Trấp, Lê Thị Quỳnh Hà… nhưng dòng võ họ Hồ vẫn vượt trội cả về phẩm và lượng.

Đứng đầu làng võ Thuận Truyền có Hồ Triêm, tục gọi là Đốc Năm, một võ quan của triều Nguyễn, sinh năm 1843, tại thôn Hòa Mỹ, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn. Vợ Hồ Triêm là Lê Thị Quỳnh Hà, sinh năm 1850, cũng là một dòng họ cao thủ trong vùng. Ông bà Triêm sinh hạ 10 người con đều theo nghiệp võ, trong đó có người con thứ 9 là Hồ Nhu, kế tục đứng đầu môn phái Thuận Truyền.

Hồ Nhu, tên thường gọi là Hồ Ngạnh (tục gọi theo tên con), sinh năm 1891, mất ngày 6 tháng 2 năm 1976, thọ 85 tuổi.

Ngay từ lúc bé, Hồ Nhu đã được cha mẹ dạy võ gia truyền. Lớn lên, ông học roi của cao sư Ba Đề, học nội công của ông Đội Sẻ, tiếp đến học roi của ông Hồ Khiêm. Đường roi kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, lại thêm nội công nên cứng cáp và sâu hiểm vô cùng. Từ roi thế, roi đấu, roi chiến, đến roi trận, ông đều tinh thông. Ông thường sử dụng roi chiến (tề mi), đánh cả hai đầu, nổi tiếng với ngọn roi xuất quỷ nhập thần qua lối đánh nghịch.

Khoảng năm 1932, tiếng tăm ông đã vang dội khắp bốn tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú. Nghe danh, học trò đến xin thọ giáo rất đông, từ các ông Bộ Lâm, Dư Đính, Hồ Cừu, Hồ Tuyền, Huỳnh Xuyến, Xã Nung, Xã Thọ đến Lê Thành Phiên, Nguyễn Song Bá. Con trai chết sớm, ông truyền nghề cho cháu nội, nay là võ sĩ Hồ Sừng. Học trò tâm huyết, lớp lớn có ông Mười Mỹ (sinh năm 1912) ở Trường Úc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, được ông riêng dạy ngón độc chiêu bí truyền. Học trò lớp sau có Đinh Văn Tuấn ở Qui Nhơn, đang độ sung sức, nối nghiệp thầy làm vẻ vang cho lò võ Thuận Truyền.

2 – Môn phái An Vinh:

Thôn An Vinh nằm bên tả ngạn (bờ Bắc) sông Côn, thuộc xã Tây Vinh (Bình An cũ), đối diện với An Thái ở bên hữu ngạn (bờ Nam). An Vinh nằm về phía Đông huyện Tây Sơn và cách Thuận Truyền khoảng 15 km. Vùng này hoa màu tốt tươi, nhiều nhà giàu có, nạn cướp bóc thường xuyên, nên dân chúng đua nhau học võ đã trở thành truyền thống.

“Quyền An Vinh” có từ lâu, nhưng cũng chỉ biết từ đời võ sư Nguyễn Ngạc, thường gọi là Hương mục Ngạc. Ông sinh năm 1850, trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ông rất sở trường về quyền thuật và quan niệm rằng quyền là môn võ căn bản, phải thông thạo quyền thì mới hòng giỏi các môn võ khác. Kinh nghiệm đó đã đúc kết qua câu tục ngữ: “Quyền liền roi.” Chính ông là người khai sáng ra môn phái và chọn hướng đi độc đáo cho làng võ An Vinh. Mạch võ này còn có ông Năm Nghĩa, cũng là bạn đồng môn đồng khoá, nhưng sau chuyên về roi.

Hương mục Ngạc học quyền Bình Định rồi học thêm quyền Tàu của ông Khách Bút. Sở dĩ ông nổi tiếng là nhờ tổng hợp được nhiều nguồn võ khác nhau, tạo nên tay quyền xuất sắc nhất trong làng võ Bình Định đương thời. Ông có các người con nổi tiếng về võ nghệ như Hương kiểm Cáo, Bảy Lụt, Tám Cảng (nữ) và Chín Giác. Học trò của ông như Ba Thông, Bốn Mỹ, Đinh Hề tức Hương kiểm Mỹ, Đội Sẻ, Sáu Hà đều có chỗ đứng xứng đáng trong làng võ. Trong đám môn đệ, nổi tiếng nhất là Hai Tửu, Bảy Lụt: chẳng những xuất sắc về võ thuật, còn gan dạ và có sức mạnh đáng kể, với tay không có thể vật ngã một con trâu đực đang sung sức.

Bảy Lụt có hai người con trai là Nguyễn Tiếp và Nguyễn Thiếp đều là võ sư nổi tiếng, nối nghiệp dòng họ. Bảy Lụt còn chân truyền mạch võ cho Phan Thọ. Sau này, Phan Thọ còn học thêm võ trận Tây Sơn với ông Sáu Hà, nên đã tiếp thu được cả tinh hoa quyền An Vinh, từ mạch võ Hương mục Ngạc, lẫn võ chiến của Tây Sơn. Hiện nay, lò võ Phan Thọ ở thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, vẫn đông học trò dù ông đã vào tuổi thất tuần.

3 – Môn phái An Thái:

An Thái là một thị tứ trù phú có đặc sản bún Song Thằng, quen gọi là Song Thần, với hàng tơ lụa và nghề nhuộm the. Từ năm 1932 về trước, phủ lỵ An Nhơn đóng ở đây, làm tăng bề thế cho An Thái. Hằng năm, Lễ hội Đổ Giàn, mang màu sắc truyền thống thượng võ, được tổ chức tại chùa Bà An Thái, còn vang vọng trong ca dao:

Tiếng đồn An Thái, Bình Khê

Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo.

Từ ngày Trương Văn Hiến vào An Thái lánh nạn, mở trường ở thôn Thắng Công, dạy cả văn lẫn võ. Mục đích đào tạo nhân tài, quyết lật đổ bạo quyền Trương Phúc Loan. Học trò Thầy giáo Hiến rất đông, đặc biệt là ba anh em Tây Sơn, tạo cho vùng đất An Thái và Thắng Công [16] thành một trung tâm võ thuật. Từ đó, vùng An Thái đua nhau xuất hiện những cao thủ, những võ sư nổi tiếng như: Ba Phùng, bà Sáu Sanh, Chín Kỳ, Lâm Đình Thọ (tức Hương kiểm Lài), Lâm Hữu Phong, Phó tuần Chẩn, Tám Lẻo,…

Nhưng đến năm 1924, một biến cố xảy đến cho làng võ Bình Định nói chung và dòng võ truyền thống của An Thái nói riêng. Đó là sự xuất hiện của môn phái quyền Tàu. Người sáng lập môn phái này là ông Tàu Sáu, tên thật là Diệp Trường Phát, sinh năm 1896 tại An Thái. Tuy là người Tàu nhưng dòng dõi đã ba đời ở thị tứ An Thái, bà nội và mẹ ông đều là người Việt. Ở quê mẹ, gia đình và bản thân Tàu Sáu đã hấp thụ tinh thần thượng võ. Năm 13 tuổi, ông được gửi về Tàu để học võ từ những cao sư Bắc phái Thiếu Lâm. Sau 15 năm ròng rã tầm sư học võ, ông Tàu Sáu lúc bấy giờ đã 28 tuổi, trở lại An Thái, mở trường dạy quyền Tàu, sở trường hai môn Hổ quyền và Long quyền. Ông dạy võ gần 50 năm, môn đệ rất đông, không bao lâu phái quyền Tàu Thiếu Lâm của ông đã rải khắp “Miền Đất Võ.” Riêng ở An Thái, võ quyền truyền thống bị quyền Tàu lấn át làm lu mờ. Vì thế, có người đã sửa lại câu truyền tụng từ xưa thành: “Roi Thuận Truyền quyền An Thái.

Dân Bình Định đến với lò võ Tàu Sáu, có người vì xuất thân chuyên về quyền Tàu như Đào Hoành, Hải Sơn; có người chỉ để bổ túc cho tay roi võ truyền thống được cứng cáp thêm như Mười Mỹ.

Trong thời kỳ này, ngoài võ Thiếu Lâm của Tàu Sáu còn có võ Thái cực đạo, võ Quyền Anh cũng xâm nhập làng võ Bình Định và được người Pháp nâng đỡ để làm giảm bớt ảnh hưởng của võ truyền thống. Chính phủ Bảo hộ thường tổ chức những cuộc đấu võ đài đến chết mới thôi. Trên võ đài, để sẵn một cỗ quan tài, gây ấn tượng ghê rợn ở khán giả. Các lò võ cố luyện cho gà nhà những cú đánh tàn bạo, độc hiểm để thủ thắng càng nhanh, càng tốt. Vì thế, gây nên sự thù hằn, hiềm khích giữa các lò võ. Đó chính là mục đích “chia để trị” của thực dân. Tuy nhiên, vẫn có những nhà võ ý thức được điều đó. Họ khước từ những cuộc thách thức tranh tài, chỉ đóng cửa truyền võ để khỏi mất dòng và để tự vệ.

VII – THỜI KỲ TRẦM LẮNG (từ 1945 đến nay)

Cuộc chiến kéo dài 30 năm, với vũ khí tối tân: côn, quyền, gươm, giáo không còn tính cách quyết định. Số người học võ để đi thi đã chấm dứt từ lâu. Học võ để phòng cướp hay làm mưa làm gió như Dư Đành, cũng không còn. Hội Đổ Giàn, tục Tranh Heo đã mai một từ khi khói lửa lan tràn. Số người học võ tuy có giảm bớt, nhưng tinh thần thượng võ, trở lại với ý nghĩa chân chính.

Khoảng năm 1948, võ sư Hà Trọng Sơn người xã Phước An, huyện Tuy Phước, đã sáng tạo ra bài Kiếm 12, gồm 12 thế võ sử dụng kiếm để tấn công đối thủ. Đặc điểm Kiếm 12 là rút tỉa những thế kiếm cổ truyền, mang tính thực tế chiến đấu, qua các động tác đâm, chém, né, đỡ. Vì thế, không có phần bái tổ và không mang tính cách trình diễn múa may, uyển chuyển đẹp mắt.

1 – Điện thờ Tam Kiệt và Lễ hội Tây Sơn:

Năm 1960, trong ý nghĩa tìm về cội nguồn, tưởng nhớ đến người sáng lập võ Tây Sơn, nhân dân toàn quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) đã chung sức lập xong đền thờ Tam Kiệt Tây Sơn tại nền đình cũ đã bị phá hủy thời Việt Minh. Nguyên khuôn viên ấy là vườn nhà của gia đình ba anh em Tây Sơn. Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) lên ngôi, cho xây dựng thành một nhà từ đường khang trang. Khi Gia Long diệt Tây Sơn, ra lệnh san bằng ngôi nhà. Sau, dân làng lập ngôi đình làng Kiên Mỹ tại đó để bí mật thờ Tam Kiệt Tây Sơn.

Đền thờ Tây Sơn có ba gian. Gian giữa thờ Quang Trung Hoàng Đế. Hai gian bên thờ vua Thái Đức và Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Trước sân đền đặt tượng bán thân của vua Quang Trung và dựng bia ca tụng công đức Ngài.

Cũng từ năm 1960, hằng năm cứ vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán, tỉnh Bình Định lại tổ chức trọng thể lễ Đống Đa. Trong ngày lễ hội có biểu diễn võ trận và trống trận Tây Sơn. Người xem hội từ các nơi đổ về đông nghẹt đường.

ĐiệnThờTamKiệtTâySơn_TạiKiênMỹ_1962_NướcNonBìnhĐịnh

H 8: Điện thờ Tam Kiệt Tây Sơn tại Kiên Mỹ, Bình Định.

(Ảnh: chụp năm 1962,“Nước Non Bình Định”)

2 – Phục hồi nhạc võ Tây Sơn:

Khoảng thập niên 1960, có nghệ sĩ Tân Phong (tức Nguyễn Phong) trong ban Tân Phong Gió Mới, người Hoài Nhơn, còn giữ được chân truyền, đánh 12 trống đúng theo nhạc pháp trống trận Tây Sơn. Ông thọ giáo Thầy Tám Ngang, người Bình Khê, khi thành danh đã từng đi trình diễn nhạc võ nhiều nơi, có quay phim làm tài liệu. Tân Phong mất khoảng năm 2000, nhưng cũng đã truyền lại môn nhạc võ Tây Sơn cho hậu thế.

Ngoài ra, còn có nghệ sĩ Nguyễn Đào, thành viên trong ban nghi lễ đền Kiên Mỹ thờ Tam Kiệt, đã chân truyền trống trận Tây Sơn cho con gái út là Nguyễn Thị Thuận. Năm 1976, ông mất, Nguyễn Thị Thuận tiếp tục vai trò trình diễn của thân phụ và nay bà lại truyền nghiệp cho con gái út là Dương Thị Hương đang tuổi đôi mươi.

Vào đầu thập niên 70, một ngôi sao loé sáng trên vòm trời võ học Bình Định: nữ võ sĩ Thanh Tùng của miền sông Côn. Chưa ai thấy cô thắng trên võ đài hay từng tranh tài cao thấp với ai, người ta chỉ thấy Thanh Tùng ở Điện thờ Quang Trung dịp lễ Đống Đa biểu diễn quyền như bài Lão Mai Độc Thụ hay roi như bài Tấn Nhất Ô Du là đã đủ khiếp.

Xét cho cùng, điều ấy là lẽ dĩ nhiên. Thanh Tùng là con nhà võ, đời đời nối nghiệp và thừa hưởng các ngón bí truyền của một dòng võ cao thủ. Ông nội của Thanh Tùng là một tay roi quỷ khiếp thần kinh, người đồng thời và xứng tài với Hồ Ngạnh. Thân sinh cô vẫn nối nghiệp nhà, giữ vai trò đứng đầu hàng võ tại địa phương. Rồi đến Thanh Tùng, tuy là gái, cô vẫn tiếp nối thừa hưởng tinh hoa con nhà võ.

LễĐốngĐaNămTânSửuTrướcTượngVuaQuangTrung_1962_TạiKiênMỹ_BĐ

H 9: Lễ Đống Đa năm Tân Sửu (1962) tại Kiên Mỹ,

khánh thành tượng vua Quang Trung bằng đồng đen.

(Ảnh: “Nước Non Bình Định,” Quách Tấn)

3 – Hội Võ Thuật Bình Định và việc bảo tồn võ truyền thống:

Năm 1972, hội Võ Thuật Bình Định được thành lập, thành phần sáng lập viên gồm có: các võ sư Hà Trọng Sơn, Huỳnh Liễu, Lý Xuân Tạo, Nguyễn Nghè, Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Thành, Thanh Hoàng, Thành Nở, Xuân Sơn Quảng và ba huấn luyện viên là Lý Thành Nhân, Nguyễn Thành Công, Xuân Trường Tịnh. Võ sư Thanh Hoàng có tên thật là Nguyễn Bính, sinh năm 1935, người thôn An Phú, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, được bầu làm Tổng thư ký. Tôn chỉ của hội là bảo tồn và phát triển võ Bình Định. Hội hoan nghênh các phái võ khác gia nhập vào làng võ Bình Định, làm phong phú thêm cho nền võ học tỉnh nhà; nhưng cương quyết ngăn chặn các môn võ ngoại lai đang muốn đồng hoá võ truyền thống.

Việc làm đầu tiên của hội là ủy nhiệm cho ông Tổng Thư ký viết đơn kiện võ sư Diệp Bảo Sanh (con trai ông Tàu Sáu) ở An Thái, đã soạn và xuất bản quyển sách dạy võ, động chạm đến lịch sử võ Bình Định. Trong lá đơn thứ nhất có đoạn viết [17]:

Trong cuốn sách Võ Thuật Bình Định Chân Truyền viết toàn các nội dung võ Tàu thuộc môn phái Thiếu Lâm chân truyền gồm Hổ quyền và Long quyền, các bài múa như Thất Bộ, Miêu Tẩy Diện, Tứ Môn, Tam Cước Hổ; ngoài ra không có bài nào thuộc võ Bình Định cả. Theo như lời nói đầu về tiểu sử tổ sư Diệp Trường Pháp, tự là Tàu Sáu, thì ông là người Tàu, sinh tại làng An Thái, về Tàu học võ từ năm 13 tuổi, đến năm 28 tuổi ông trở về An Thái dạy toàn võ Tàu. Ngoài ra, không có đoạn nào nói võ sư Tàu Sáu học võ thuật Bình Định của một võ sư tiền bối nào trong tỉnh cả. Cũng trong bài viết trên, còn có đoạn viết – cùng thời gian chú Tàu Sáu dạy võ tại An Thái có nhiều võ sư biết tài nghệ của chú và thán phục tài nghệ…

Cứ như trên thì ta cũng thấy trước khi chú Tàu Sáu về nước học võ thì ở Bình Định đã có nhiều võ sư tài giỏi thuộc phái võ Bình Định rồi. Võ sư Diệp Bảo Sanh tự ý sửa câu ca dao khẩu truyền Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh thành ra Roi Thuận Truyền, quyền An Thái là quê chú Tàu Sáu. Xin thành thực nói rõ cùng võ sư Diệp Bảo Sanh và các quý vị là tôi rất tôn kính cụ Tàu Sáu, nhưng tôi không thể đồng ý quyển sách trên lấy tên là võ Bình Định chân truyền được, vì nội dung chẳng có tí võ Bình Định nào cả. Tôi rất tán đồng một người viết sách phổ biến võ thuật Bình Định, dù người đó ở tỉnh nào, mang quốc tịch nào, nhưng miễn sao viết cho đúng nguồn gốc võ thuật của Bình Định…

“Nhóm chúng tôi họp tại nhà võ sư Nguyễn Văn Thành vào cuối năm 1972 đồng kính đơn xin lập hội Võ Thuật Bình Định. Chúng tôi đã cử người tới tận nhà võ sư Diệp Bảo Sanh để mời hợp tác, ông đã từ chối. Nhưng ông lại luôn lấy danh nghĩa võ thuật Bình Định để làm rạng danh cho ông và môn phái của ông, gây ra sự hiểu lầm các võ phái Bình Định khác, trong khi ông chỉ dạy toàn võ Tàu. Để tránh sự hiểu lầm của độc giả trên toàn quốc và con em chúng ta sau này nghĩ rằng võ Bình Định học lại của thân chủ không nguồn không gốc.

“Vì mục đích không muốn cho Võ học Bình Định bị đồng hoá thành võ Tàu, mong quí vị võ sư buộc võ sư Diệp Bảo Sanh phải thay thế tựa đề của cuốn sách. Yêu cầu võ sư Diệp Bảo Sanh thu hồi số sách chưa bán và đính chính trên mặt báo để làm sáng tỏ việc trên và không được lấy tên võ đường của mình là ‘Võ Thuật Tây Sơn Bình Thái Đạo’. Còn nếu muốn để tên trên thì phải dạy võ Bình Định.

Mong võ sư Diệp giải quyết gấp để tránh mọi sự bất hoà mà thật tình chúng tôi không muốn có. (trích Miền Đất Võ).

Sau đó hội Võ Thuật Bình Định còn gửi tiếp lá đơn thứ hai, với lời lẽ quyết liệt hơn. Nhưng rồi việc thưa kiện cũng chẳng đi đến đâu. Hội phải ra tay “xuống đường” hủy sách, nhưng cũng chỉ trong phạm vi nhỏ. Hai mươi năm sau, sách ấy lại thấy bày bán, với đầu đề Võ Tây Sơn – Phái An Thái do nhà xuất bản Thể Dục Thể Thao (Hà Nội, chi nhánh tại Sài Gòn) ấn hành năm 1993, số lượng 2000 cuốn, trên khổ giấy 13×19.

Một điều quan trọng là từ năm 1972, hội Võ Thuật Bình Định được thành lập với đầy đủ các môn võ của Bình Định. Trước đó chỉ có phân cuộc Quyền Thuật Bình Định được thành lập mà thôi và trực thuộc vào Tổng Cục Quyền Thuật Sài Gòn.

Lại nữa, võ Bình Định cũng được phổ biến rộng rãi qua các võ đường ở Sài Gòn và các tỉnh, như võ đường Sa Long Cương ở Sài Gòn do sư trưởng Trương Thanh Đăng người Bình Định tổ chức, dạy cả võ Bình Định lẫn võ Thiếu Lâm.

4 – Mạch võ nhà chùa:

Thời kỳ này có những thiền sư nổi tiếng về võ Bình Định như Thượng tọa Thích Bửu Thắng, tuổi ngoài 80, trụ trì chùa Quang Hoa, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, là một tay roi chiến thượng thặng. Hòa thượng Thích Hạnh Hòa, khoảng ngũ tuần, trụ trì chùa Long Phước, ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, một tay võ danh tiếng. Sư chú Thích Vạn Thanh, 30 tuổi, cũng ở chùa Long Phước, tay roi tay đao đang thời sung sức. Hai thầy trò chân truyền võ Bình Định cho các tăng nhân và dân chúng, hình thành môn phái võ cổ truyền chùa Long Phước.

HT_ThíchHạnhHòa_VõCổTruyềnChoĐệTử_ChùaLongPhước

H 10: Hòa thượng Thích Thạnh Hòa dạy võ cổ truyền Bình Định

cho các đệ tử chùa Long Phước. (Ảnh từ Google)

5 – Thuốc võ và các danh y:

Học võ, phải học luôn cả thuốc võ để tự chữa trị những chấn thương do đánh võ gây nên. Tuy nhiên trong trường hợp thương tích quá nặng, hoặc bị đánh trúng các huyệt đạo thì phải tìm đến các thầy thuốc võ chuyên môn điều trị làm phục hồi các chức năng tạng phủ, kinh lạc. Những bài thuốc võ thông dụng chữa trị nội thương như giải độc, trật đả, trục ứ, chấn thương thổ huyết, hóa giải các huyệt đạo. Những bài thuốc chữa ngoại thương như gãy xương, đứt gân, sai khớp, tê bại, vết thương.

Các lương y phải xuất thân từ những lò võ danh tiếng mới học được các bài thuốc bí truyền. Sau đây, một số võ sư kiêm danh y của tỉnh nhà:

– Ở huyện Tuy Phước có Nguyễn Chánh với Trục ứ phương thang; Nguyễn Hữu Nghĩa với Trục ứ thang; Trần Khải với bài Trật đả dược tửu phương; Trương Văn Vịnh (biệt hiệu Phi Long Vịnh) với Trật đả thang.

– Ở huyện Tây Sơn có Cửu Bút với Dược tửu phương; Hồ Nhu với nhiều bài thuốc gia truyền; Nguyễn Bá Ngọc với Giải độc thang và bài thuốc dán.

– Ở thị xã An Nhơn có Lê Minh Hoàng với bài Ứ huyệt nội thương toàn thân; Lưu Dư Khoa (An Thái) với bài Thương cân dược thủy (thuốc xoa bóp) và thuốc bó trật đả bong gân; Lê Văn Chương ở thị trấn Bình Định với bài thuốc phục hồi gân cốt; Nguyễn Chánh với Trục ứ phương thang; Hoà thượng Thích Huyền Ấn trụ trì chùa Bích Liên với các bài Thập tam vị phương, Đạt mạng đơn, Thập tứ vị phương thang, Tử kim đơn phương, Thất ly tán.

– Ở huyện Phù Cát có Nguyễn An Ngự với bài Trật đả hoàn phương.

– Ở huyện Hoài Nhơn có Phan Tiên Dền với bài Trật đả dược hoàn phươngChính cốt tử kim đơn (thuốc tán); Nguyễn Tử Trác chuyên trị bị đánh nặng thổ huyết. Hai vị lương y này không phải là võ sư.

– Ở thành phố Qui Nhơn có Minh Tân Phạm Hà Hải với toa thuốc Thoa bóp (không được uống) và nhiều bài thuốc võ gia truyền khác.

Tiếc rằng Hồ Nhu, sư Bích Liên và nhiều vị khác đã qua đời, nhưng trong làng võ y Bình Định còn biết bao danh sư khác nối tiếp được chân truyền.

02_PhạmHàHải_ThếTrảiNgựaPhơiRoi_ẢnhChụpTrước1945

H 11: Danh y Phạm Hà Hải, chụp trước năm 1945.

(Ảnh do chính đương sự cung cấp)

VIII – MẠCH VÕ MÃI CÒN

Ngày nay lớp người từ 60 tuổi trở xuống, đang giữ vai trò nòng cốt làng võ Bình Định, tuy không nhiều nhưng rải rác khắp các địa phương trong tỉnh.

– Ở Qui Nhơn có Đinh Văn Tuấn, tác giả cuốn Võ Thuật Cổ Truyền Bình Định; Kim Đình gốc người Hoài Nhơn; Nguyễn Lê Thanh.

– Ở Bình Khê có Hồ Sừng (cháu nội Hồ Nhu, con Hồ Ngạnh), Phạm Thi, Phi Long.

Riêng lò võ Hồ Gia thuộc môn phái Thuận Truyền, đến nay đã truyền võ nghệ qua nhiều đời. Được biết từ võ sư Hồ Triêm, sang thế hệ thứ hai là Hồ Nhu, con Hồ Nhu là Hồ Ngạnh chết sớm vì nghiệp võ, nhưng Hồ Ngạnh có con nối nghiệp là Hồ Sừng, các con Hồ Sừng là Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Hiệp, Hồ Dư, Hồ Sĩ. Và thế hệ thứ 6 có Hồ Thứ, Hồ Thị Thảo, Hồ Đức Hạnh… đời đời nối nghiệp võ. Đây là một trong những dòng họ võ lâu đời nhất ở Bình Định, có công rất lớn bồi đắp cho nền võ thuật cổ truyền tỉnh nhà.

– Huyện Tuy Phước có Thanh Hoàng (cựu Tổng thư ký hội Võ Thuật Bình Định) ở Cầu Gành; Hồng Khanh; Minh Tinh (con võ sư xã Hào) ở Trường Úc; Đào Văn Thanh ở xã Phước Thuận và Trần Can ở ngả ba Diêu Trì cả hai đều thuộc mạch võ của Hà Trọng Sơn. Nhà chùa thì có các sư Hạnh Hòa, Vạn Thanh ở chùa Long Phước.

– Huyện An Nhơn có Lý Thành Nhân (con võ sư Lý Xuân Tạo) ở Đập Đá, Vũ Lê Cang.

– Huyện Phù Cát có võ sư Trần Diễn.

– Và các huyện phía Bắc là Phù Mỹ có Kim Hòa, ở Hoài Nhơn có Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Thành Tín,…

vo

H 12: Võ sư Hồ Sừng luyện võ cho con là Hồ Sĩ.

(Ảnh: Bình Phương, Google)

Tóm lại, mạch võ Bình Định như một dòng sông, lúc uốn khúc, lúc bằng phẳng, khi vơi, khi đầy. Nhưng với khí thế của đất trời: “Ba dòng sông chảy, ba dãy non cao, biển Đông sóng vỗ dạt dào, tháp kia làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.” Dòng chảy ấy không bao giờ dứt.

San Jose, ngày 23- 11- 1995

Bổ chính lần 4: 25- 10- 2012

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Qui Nhơn là một địa danh có từ năm 1602, do chúa Nguyễn Hoàng đổi từ phủ Hoài Nhơn (府 懷 仁) sang phủ Qui Nhơn (府 歸 仁). Rồi từ khi chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh được phổ biến, các tài liệu cổ đều viết là “Qui Nhơn” (Qui: I ngắn) như:

– Bản đồ tỉnh Bình Định vẽ từ đầu thế kỷ XX (trích trong Annuaire General de l’Indochine; Hanoi, 1910; trang 513).

– Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược; Imprimerie du Trung Bắc Tân Văn, 1920. Tái bản lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964; sách đã dẫn: các trang 392, 394, 395, 396, 397, 398, 399, 400,…

– Bùi Văn Lăng; Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, in lần thứ nhì; Imprimerie de Quinhon, 1935. Sách đã dẫn, trang 8, 10, 14, 15, 16, 18, 33, 35, 38, 39,…

– Bùi Văn Lăng; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, Tác giả xuất bản, 1942. Sách đã dẫn các trang 36, 37, 41, 42, 43, 44, 46, 49, 182, 183,…

– Hoa Bằng; Quang Trung Nguyễn Huệ Anh Hùng Dân Tộc; xuất bản 1944 tại Hà Nội; Sài Gòn, nxb Bốn Phương tái bản, 1958; Đại Nam tái bản không đề năm. Sách đã dẫn các trang 27, 28, 34, 35, 50, 52,…

– Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Định; Địa Phương Chí tỉnh Bình Định; Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Định biên soạn và ấn hành, 1966. Sách đã dẫn, các trang 5, 6, 7, 8, 9, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 28, 29, 30,…

– Trịnh Vân Thanh; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển; Gia Định, Tác giả xuất bản, 1966. Quyển I, sách đã dẫn trang 76; Quyển II, các trang 854, 1366, 1453,..

– Quách Tấn; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967. Sách đã dẫn các trang 12, 13, 14, 15, 17, 189, 204, 205, 377,…

– Quách Tấn biên soạn thời Việt Nam Cộng Hòa; Tìm hiểu Bình Định; bản đánh máy lưu giữ ở Thư Viện Qui Nhơn. Sách đã dẫn, trang 3, 4, 9,…

– Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển IV; Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1968. Sách đã dẫn các trang 202, 204, 207, 208, 212, 213, 214, 215, 216, 217,…

– Đặng Qúy Địch; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971. Sách đã dẫn các trang 15, 23, 25, 34, 49, 59, 70, 81, 84, 87,…

– Nguyễn Huyền Anh; Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, tái bản lần thứ 3; Sài Gòn, nhà sách Khai Trí, 1972. Sách đã dẫn các trang 28, 58, 303, 337, 338, 561, 562,…

– Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973. Sách đã dẫn: trang bìa, và các trang: 8, 9, 10, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20,…

Một địa danh đã có lâu đời, hầu hết các tài liệu trước năm 1975 đều viết là “Qui Nhơn.” Riêng với địa danh này, chúng tôi vẫn tiếp tục viết theo truyền thống “Qui, I ngắn.”

[2] Tên gọi hiện nay là Champa hay Chăm; còn có các tên khác như: Chăm Pa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Lâm Ấp, Hời (ít dùng). Người Việt quen gọi là Chàm (như: tháp Chàm, gò Chàm), hay Chiêm Thành (như: dân tộc Chiêm Thành, Chiêm quốc); người Champa gọi dân tộc họ là Chăm.

[3] Phủ Hoài Nhơn xưa, nay là tỉnh Bình Định, đã đổi tên nhiều lần: phủ Hoài Nhơn (1471), phủ Qui Nhơn (1602, Đại Nam Nhất Thống Chí ghi 1604), phủ Qui Ninh (1651), phủ Qui Nhơn (1742), thành Bình Định (1799), dinh Bình Định (1801), trấn Bình Định (1808). Năm 1832, đổi trấn ra tỉnh, tỉnh Bình Định quản lãnh phủ Hoài Nhơn (gồm ba huyện là Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát) và phủ An Nhơn (gồm hai huyện Tuy Viễn, Tuy Phước). Vậy từ năm 1832, phủ Hoài Nhơn thu hẹp chỉ còn ba huyện phía bắc tỉnh Bình Định. Năm 1899 thành lập huyện Hoài Ân, tách ra từ huyện Bồng Sơn. Năm 1930 phủ và huyện quyền hành ngang nhau, chỉ khác là phủ quan trọng hơn huyện, lần này phủ Hoài Nhơn thu hẹp chỉ còn là một huyện cho đến ngày nay.

[4] Hoàng Chương và Nguyễn Có; Bài Chòi Và Dân Ca Bình Định (không đề nơi, nxb Sân Khấu, 1997); xem Vè Chàng Lía, 1438 câu, từ trang 139 đến 197.

[5] Robin Hood là một nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của nước Anh. Ông là một tay bắn cung, đánh kiếm tuyệt kỹ và xuất chúng. Ông được nhiều người biết đến qua việc cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo khổ.

[6] Miền Trung gọi con cả là thứ hai, con kế tiếp là thứ ba, kế nữa là thứ tư… Và căn cứ vào người địa phương gọi Nguyễn Huệ là “Chú Ba Thơm,” Nguyễn Lữ là “Thầy Tư Lữ,” có thể cho rằng Nguyễn Nhạc là con trưởng, rồi đến Nguyễn Huệ và sau nữa là Nguyễn Lữ. Tuy vậy, giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ai anh ai em? Chưa thống nhất, được trên các tài liệu thành văn, và chia làm hai nhóm:

Các sách ghi Nguyễn Huệ anh, Nguyễn Lữ em, đa số soạn giả là người Bình Định như: Quách Tấn, Nước Non Bình Định (xb năm 1967), trang 352; Đặng Quý Địch, Nhân Vật Bình Định (xb năm 1971), trang 53; Nguyễn Văn Thuận tổng biên tập, Bước Đầu Nghiên Cứu Nguồn Gốc – Đặc Trưng Võ Cổ Truyền Bình Định (xb năm 2000), trang 29; Nguyễn Xuân Nhân, Các Ngôi Sao Tây Sơn (xb năm 2001); Quách Tấn và Quách Giao, Nhà Tây Sơn (xb năm 2000), trang 18. Ngoài ra, còn có Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch (xb năm 1998), Tập 2, trang 720, là bộ sách xưa nhất, khả tín nhất.

Các sách ghi Nguyễn Lữ anh, Nguyễn Huệ em, có: Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ (xb năm1944), trang 28; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận (xb năm 2002), Cuốn 2, trang 769; Mộng Bình Sơn, Gió Lộng Cờ Đào (xb năm 1989), Tập 1, trang 10; Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (xb năm 1992), trang 541; Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, Quyển 3 (xb năm 1959), trang 327; Phan Khoang, Xứ Đàng Trong (xb năm 1970), trang 255; Phan Trần Chúc, Vua Quang Trung (tái bản năm 1957), trang 9; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (tái bản năm 1964), trang 345.

[7] Xem ghi chú số 3.

[8] Nguyễn Văn Thuận; Bước Đầu Nghiên Cứu Nguồn Gốc – Đặc Trưng Võ Cổ Truyền Bình Định (Qui Nhơn, không ghi nxb., 2000); trang 57, 66.

[9, 10, 11] Đào Văn & 2 tgk. sưu tầm và biên soạn; Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập 1; Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1981. Toàn tập thơ, nhóm biên soạn chỉ phổ biến bản phiên âm, không chép nguyên tác bằng chữ Nho. Chúng tôi phải căn cứ vào bản phiên âm, tạm phục chế nguyên tác, có thể không tránh khỏi sai lầm. Kính mong các bậc cao minh chỉ bảo cho.

[12] Thủ Thiện: thời Minh Mạng gọi là thôn Thủ Hương, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nay chia thành hai thôn: Thủ Thiện Thượng và Thủ Thiện Hạ, đều thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

[13] Lãng Sa, còn gọi Lang Sa, là tiếng trong thời nhà Nguyễn dùng để chỉ cho người Pháp, nước Pháp, do phiên âm từ chữ Français. Căn cứ vào các tài liệu sau đây:

– Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Tứ kỷ, Quyển XXVIII (28); nhóm Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Tập 7 (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2007); các trang 805, 806, 819, đều chép là “Phú Lãng Sa.”

– Hoàng Cơ Thụy; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 2 (Paris, nxb Nam Á, 2002); trang 1176: Sao chụp Bản Quốc thư, đề ngày 30- 12- 1869, nguyên văn bằng chữ Nho, vua Tự Đức phúc đáp cho vua nước Pháp, viết là: “大 南 國 皇 帝肅 復,大 富 浪 沙 國 皇 帝” (chữ 浪 có hai âm Việt là Lãng và Lang). Phiên âm: Đại Nam quốc Hoàng đế túc phục, Đại Phú Lãng Sa quốc Hoàng đế. Dịch nghĩa: Hoàng đế nước Đại Nam phúc đáp cho Hoàng đế nước Phú Lãng Sa.

Sử Ký Đại Nam Việt Quấc (Quốc) Triều, viết bằng chữ Quốc ngữ, do các Linh mục địa phận Nam Kỳ ở Tân Định biên soạn, in lần đầu tại Sài Gòn năm 1879; bản in lần thứ 2 (Saigon, Imprimerie de La Mussion, 1885), nơi trang 64, chép Hiệp ước ký kết tại Paris, ngày 28- 11- 1787 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 48, năm Đinh Vị) giữa đại diện của Pháp (dưới triều vua Louis XVI) và đại diện của An Nam (Đông Cung Cảnh, Đức Thầy Vê-rô), trong tờ giao kèo có đoạn: (trích)

“Điều 2: Vua Pha-lang-sa buộc mình phái 20 chiếc tàu trận, đủ khí giái (giới) và quân lính để mà giúp vua An-nam;…”

“Điều 3: Vã (vả) lại buộc mình sai bảy cơ quân Pha-lang-sa sang nước An-nam cho đặng giúp vua nước ấy.” (hết trích)

– Lương Văn Lưu; Biên Hòa Sử Lược Toàn Biên, Quyển 1: Trấn Biên Cổ Kính (Sài Gòn, Tác giả xuất bản,1972); trang 89, chép câu ca dao địa phương:

“Giặc Lang Sa đánh tới Châu Thành

“Dầu ai ngăn qua đón lại,

“Dạ cũng không đành bỏ em!”

Qua bốn tài liệu tiêu biểu, có 2 nhóm từ ngữ:

*Viết là “浪 沙” trong nguyên bản bằng chữ Nho, có âm đọc là Lãng Sa hay Lang Sa.

*Viết là “Lãng Sa” và “Lang Sa” trong bản dịch ra chữ quốc ngữ, và bản phiên âm.

Nhưng bản phiên âm bài “Thủ Thiện Đại Phá Lang Sa Hữu Cảm,” trong sách “Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình” Tập 1, trang 78, chép là “Lan Sa” (chữ “Lan” không có “g”), lại không kèm theo nguyên tác bằng chữ Nho đối chiếu, vì thế, không rõ soạn giả đã dùng chữ “Lan” theo nghĩa nào. Thêm vào đó, sự không nhất quán của soạn giả khi phiên âm các bài thơ để đưa vào sách “Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập 1.” Đã chép “Lan Sa” không có “g,” trong 15/17 bài, nơi các trang: 31, 57, 59, 62, 78, 83, 101, 104, 120, 133, 136, 156, 169, 172, 173. Và chép “Lang Sa” có “g,” trong 2/17 bài, nơi trang 32 và 115.

Vậy, khi phục chế chữ Nho cho bài thơ này, chúng tôi phải căn cứ vào Bản Quốc Thư (chữ Nho), đề ngày 30- 12- 1869, để tạm dùng chữ 浪 沙 (đọc là Lang sa hay Lãng sa), trong khi chờ đợi sự sưu tầm nguyên bản.

[14] Nguyễn Thế Anh; Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân (Sài Gòn, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên xb., 1973); trang 84, 81, 82, 100

[15] An Vinh và An Thái cách nhau bởi sông Côn. Thôn An Vinh nằm bên tả ngạn (bờ Bắc) thuộc tổng Thời Đôn, còn An Thái là một thị tứ của thôn Mỹ Thạnh, nằm bên hữu ngạn (bờ Nam) thuộc tổng Thời Hòa, đều cùng huyện Tuy Viễn. Sau năm 1945, An Vinh thuộc xã Bình An quận Bình Khê, sau năm 1975 đổi là xã Tây Vinh huyện Tây Sơn. Năm 1946, An Thái thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã Tập Phúc. Năm 1947, hai xã Tập Phúc và Đôn Tín hợp thành xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

[16] Trước kia, thị tứ An Thái thuộc thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, và nằm bên hữu ngạn sông Côn. Nay An Thái tách ra trở thành thôn An Thái, và xã Nhơn Phúc có 8 thôn bao gồm: Thắng Công, An Thái, Thái Thuận, Hòa Mỹ, Nhơn Nghĩa Đông, Nhơn Nghĩa Tây, Mỹ Thạnh, Phụ Ngọc.

[17] Lê Thì và 2 tgk; Miền Đất Võ (Qui Nhơn, Sở Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xb., 1987); trang 149, 150.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– DIỆP BẢO SANH; Võ Tây Sơn – Phái An Thái; không ghi nơi, nxb Thể Dục Thể Thao, 1993.

– ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG; Phong Trào Cần Vương Qua Thi Ca; nguyệt san Làng Văn (Toronto, Canada), số 138, tháng 2 năm 1996; trang 40 – 49.

ĐÀO VĂN & 2 tgk. biên soạn; Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập 1; Qui Nhơn, Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1981.

– HOÀNG CHƯƠNG và NGUYỄN CÓ; Bài Chòi Và Dân Ca Bình Định; không đề nơi, nxb Sân Khấu, 1997.

– LÊ THÌ và 2 tgk.; Miền Đất Võ; Qui Nhơn, Sở Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1987.

– NGUYỄN THẾ ANH; Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân; Sài Gòn, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên xb., 1973.

– NGUYỄN VĂN THUẬN tổng biên tập; Bước Đầu Nghiên Cứu Nguồn Gốc – Đặc Trưng Võ Cổ Truyền Bình Định; Qui Nhơn, không ghi nxb., 2000.

– QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.

– TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.

– VŨ MỸ CHÂU và các tgk.; Nước Tôi Dân Tôi, tái bản lần thứ nhất; San Jose CA, Đông Tiến xuất bản, 1992.