Lục Tỉnh Tân Văn:

Một Trong Những Tờ Báo Sống Lâu Nhứt Của Nam Kỳ

Trước Năm 1945

Lâm Vĩnh Thế

Cùng với các tờ Gia Ðịnh Báo (1865-1910), Nhật Trình Nam Kỳ (1883 -?), Phan Yên Báo (1898-1899), Thông Loại Khóa Trình (1988-1889), Nông Cổ Mín Ðàm (1901-1924), Nhật Báo Tỉnh (1905-?), tờ Lục Tỉnh Tân Văn (sau đây sẽ viết tắt là LTTV) là một trong những tờ báo đầu tiên xuất bản tại Nam Kỳ và viết bằng chữ Quốc ngữ. Bài viết nầy cố gắng ghi lại một phần nào lịch sử phát triển và đóng góp của tờ LTTV trong gia tài văn hóa của vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trước năm 1945.

Chế Ðộ Báo Chí Ở Nam Kỳ

Ngược hẳn với truyền thống chung của văn hóa Việt Nam là truyền từ Bắc vào Nam, báo chí Việt Nam lại từ Nam truyền ra Bắc. Lịch sử báo chí Việt Nam đã khởi sự từ đất Nam Kỳ Lục Tỉnh; những tờ báo Việt ngữ đầu tiên của nước ta đều ra đời tại Miền Nam, trước những tờ báo đầu tiên ở Miền Bắc độ khoảng 20 năm. Hiện tượng nầy có nhiều nguyên nhân do lịch sử đem lại.

Trước tiên là khía cạnh luật pháp. Theo các hiệp ước đã ký kết giữa Triều đình Huế và người Pháp thì Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, hoàn toàn không còn thuộc quyền của Triều đình Huế nữa. Tất cả dân chúng người Việt sinh sống ở Nam Kỳ không còn là công dân Việt Nam nữa; họ cũng không phải là công dân Pháp (chỉ có những người được nhập Pháp tịch thì mới chính thức là công dân Pháp mà thôi), họ là “thuộc dân” của Pháp (Sujets Français). Ðó là một thực tại đau đớn cho người dân Nam Kỳ. Nhưng cũng chính do sự kiện Nam Kỳ là đất thuộc địa nên người Pháp muốn đồng hóa người dân Nam Kỳ càng nhanh càng tốt. Vì thế chính phủ Pháp đã ban hành Sắc Lệnh ngày 25-5-1881, trong đó điều 1 ghi rõ như sau: “Những ai đã sinh đẻ ở Nam Kỳ là người Pháp, tuy nhiên họ có thể tiếp tục phải theo các luật lệ hiện hành của người An Nam. Và nếu họ muốn, bắt đầu từ 21 tuổi, họ có thể làm đơn xin nhà cầm quyền Pháp để được hưởng tất cả những quyền lợi của một công dân Pháp.” [1] Ngày 29-7-1881, Luật Tự Do Báo Chí (có tên là Loi du 29 juillet 1881 sur la liberté de la presse [2]) được ban hành ở Pháp và cũng được áp dụng ở Nam Kỳ từ ngày 22-9-1881. Theo điều 5 của đạo luật nầy, “Mọi tờ báo và các ấn phẩm định kỳ đều không cần phải xin phép và không phải nộp tiền ký quỹ, sau khi đã khai theo quy định của điều 7.” [3] Theo điều 7 này thì chỉ cần làm và nộp tại biện lý cuộc một bản khai với các chi tiết sau đây về tờ báo: tên tờ báo, định kỳ xuất bản, tên và địa chỉ của người quản lý, và nơi in báo. Do đó lúc ban đầu việc xuất bản báo chí ở Nam Kỳ đã được thực hiện rất dễ dàng. Nhưng tình trạng tự do báo chí nầy chỉ kéo dài chưa đến được 20 năm thì chấm dứt đối với báo chí Việt ngữ với Sắc Luật ngày 30-12-1898 của Toàn Quyền Ðông Dương, buộc báo tiếng Việt phải làm đơn xin phép.[4] Cũng vì lý do nầy, gần như tất cả các tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Nam Kỳ đều do người Pháp đứng tên để cho việc xin phép được dễ dàng hơn, thí dụ Gia Ðịnh Báo do ông E. Poteau, Ðại Nam Ðồng Văn Nhật Báo do ông François Henri (F.H.) Schneider, Nông Cổ Mín Ðàm do ông Cavanaggio.[5]

Ngoài lý do luật pháp vừa kể trên, cũng còn phải kể đến hai nguyên nhân khác nữa: 1) chữ Quốc ngữ vào giai đoạn nầy đã phát triển đến trình độ có thể sử dụng để diễn tả được gần như tất cả mọi ý niệm cũng như mọi hình thức văn chương; và 2) nghề in (theo lối hoạt bản—chữ rời—) đã phát triển khá mạnh ở Nam Kỳ với rất nhiều nhà in mà chủ nhân phần lớn là người Pháp; người giàu nhứt trong giới chủ nhà in nầy chính là ông F.H. Schneider, về sau là chủ nhân của nhiều tờ báo Việt ngữ ở Nam Kỳ (và cả ở Bắc Kỳ luôn) trong đó có tờ LTTV.

Lục Tỉnh Tân Văn Ra Ðời

Số 1 của báo LTTV ra mắt độc giả ngày 15-11-1907, chủ nhân là ông F.H. Schneider, chủ nhân nhà in F.H. Schneider,[6] lúc đó đã có 2 tờ báo ở Bắc Kỳ là các tờ Ðại Nam Ðồng Văn Nhật Báo (xuất bản từ năm 1893), và Ðăng Cổ Tùng Báo (xuất bản từ năm 1907).

Báo LTTV ra đời với các đặc tính như sau:

         toà soạn: số 4 đường Amiral Krantz [7]

         định kỳ: mổi tuần ra một lần vào ngày Thứ Năm

         khổ giấy: 16 trang, trên giấy khổ 19 x 28 cm.

         giá bán:

mua mặc: [8] 12 tháng 5$ 00

6 tháng 3$ 00

mua chịu: 12 tháng 8$ 00

6 tháng 5$ 00

không bán 3 tháng

giá bán lẽ mỗi số: 0$ 10

         biên tập: ông Schneider giao cho ông Pierre Jantet, một công chức Pháp, điều khiển tổng quát. “Ông Pierre Jantet đã cộng tác với một bộ biên tập toàn người VN, gồm các ông Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Trạc, Thọ An, Thiện Ðắc, Giác Ngã…” [9]

         nội dung: tin tức về chính trị, kinh tế (canh nông, thương mại, vv), xã luận, tiểu thuyết (kể cả truyện dịch từ tiếng Pháp), quảng cáo, vv.

Lịch Sử Phát Triển Của Lục Tỉnh Tân Văn

Qua đầu năm 1908, ông Schneider đã mời ông Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút cho tờ LTTV (như vậy vào lúc đó ông Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút cho cả 2 tờ báo, tờ LTTV và tờ Nông Cổ Mín Ðàm). Ông Trần Chánh Chiếu, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Rạch Giá, sau một thời gian làm công chức, đã khẩn hoang đất ở huyện Giồng Riềng và trở thành đại điền chủ. Ông có quốc tịch Pháp nên cũng thường được biết dưới tên Gilbert Chiếu. Ông là một nhân vật cột trụ của Phong trào Duy Tân và Ðông du tại Nam Kỳ, đã thành lập các cơ sở kinh tài như Nam Trung Khách Sạn ở Sài Gòn, Minh Tân Khách Sạn và Công Ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ ở Mỹ Tho, Hảng Xà bông Con Vịt (Savon Canard).[10] Với Chủ bút Trần Chánh Chiếu, tờ LTTV, trong khoảng 50 số đầu, đã là “tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi động ở Bắc và Trung Kỳ… Ưu điểm nổi bật của Lục Tỉnh Tân Văn là đã dám cổ vũ lòng yêu nước, chống Pháp và bọn phong kiến tay sai, chống tư tưởng vong bản… Lục Tỉnh Tân Văn là tờ báo có uy tín nhất ở Nam Kỳ trong bước khởi đầu của nghề làm báo. Nhiều cây bút của xứ Bắc, Trung đã từng vào Sài Gòn học tập nghề làm báo ở tờ nầy, từ Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi đến Trần Huy Liệu, Tản Ðà … Ngay Ðông Dương Tạp Chí khi mới ra đời cũng phải ghi tên măng xét của mình là “Ấn bản đặc biệt của Lục Tỉnh Tân Văn cho xứ Bắc và Trung Kỳ.”” [11] Vì lập trường nầy, tờ LTTV bị chính quyền Pháp theo dõi chặt chẻ và cuối năm 1908, Chủ bút Gilbert Chiếu bị Pháp bắt giam, và tờ LTTV phải chấm dứt đường lối chính trị tiến bộ đó.

Vì chủ nhơn là người Pháp, ông F.H. Schneider như đã trình bày ở trên, tờ LTTV vẫn tiếp tục được xuất bản, với vị Chủ bút mới là ông Lương Khắc Ninh.[12] Kể từ năm thứ tư (1910), số 142, ra ngày Thứ Năm 13-10-1910, nhằm ngày 11 tháng 9 năm Canh Tuất (Hình số 2), tờ LTTV có thêm Phần phụ lục gồm 12 trang. Qua năm sau, 1911, tòa soạn báo LTTV dọn về nhà số 7 Boulevard (Ðại lộ) Norodom.[13] Trong thời gian nầy tờ báo càng ngày càng tăng thêm phần tin tức về kinh tế, với nhiều bài vở về nền canh nông ở Nam Kỳ, đăng cả bảng thống kê về thương trường của Nam Kỳ, với các con số xuất cảng về lúa, gạo, tấm, tiêu, vv. (Hình số 3). Ðồng thời tờ báo cũng thay đổi định kỳ, lúc đầu ra mỗi tuần 2 lần vào các ngày Thứ Năm và Chúa Nhựt, sau đó tăng lên 3 lần, vào các “ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu. Giá bán mỗi số là 0,04 đồng.” [14] Ðồng thời, trong các trang quảng cáo, báo LTTV bắt đầu cho in hình đen trắng các món đồ vật được quảng cáo. Vào tháng 7/1913, tờ LTTV ra thêm một ấn bản cho Bắc Kỳ và đặt tên là Ðông Dương Tạp Chí, theo như nguyên văn tin vui đã đăng trên trang nhứt của số báo 281, ra ngày 3-7-1913, như sau: “Hỉ Tín. Bổn báo chủ nhơn ra Bắc Kỳ mới thiết lập tờ phụ Lục Tỉnh Tân Văn đặt tên ÐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (chữ Quốc ngữ), ngày thứ năm mỗi tuần phát hành một số. Ðịnh giá bán: Mỗi năm là 6$00, Sáu tháng 4$00, Bán lẽ mỗi số 0$15. Quán tại đường Carreau số 20 Hànội. Trong Lục-châu ai muốn mua thì gởi bạc cho quán Lục Tỉnh Tân Văn cũng được.” (Hình số 4) Sang đầu năm 1918, toà soạn báo LTTV được dọn về số nhà 162 đường Pellerin..[15]

Năm 1919, tờ LTTV có một vị Chủ bút mới là ông Lê Hoằng Mưu.[16] Cũng trong năm nầy, ông Schneider đã già yếu nhiếu, ông quyết định trở về Pháp để sống những năm cuối đời và nhượng lại tất cả những cơ sở thương mại của ông ở Bắc và Nam Kỳ cho chính phủ. Từ số báo 630, ngày 16-5-1919, nhằm ngày 27 tháng 4 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV có ghi rõ như sau: Directeur politique (Giám đốc Chính trị) L. Marty.[17] Ðến số báo 633, ra ngày 4-6-1919, nhằm ngày 27 tháng 5 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV, sau tên của L. Marty, có ghi thêm: Adm. Gérant: Nguyễn Văn Của.[18] (Adm. = viết tắt cho chữ Administrateur; vậy Adm. Gérant tức là Quản Lý Hành Chánh, tức là Chủ nhiệm). Tòa soạn của báo LTTV được chuyển về số nhà 157 đường Catinat [19] (1er étage = Lầu 1); địa chỉ mới nầy chính là nhà in Imprimerie de l’Union của ông Nguyễn Văn Của.

Một năm sau, ông Nguyễn Văn Của điều đình và mua lại của chính phủ tờ báo LTTV. Từ số 727, ra ngày Thứ Sáu 30-1-1920, nhằm ngày 10 tháng 12 năm Kỷ Mùi, trên măng-xét của tờ LTTV chỉ còn tên ông Nguyễn Văn Của là Adm. Gérant. Vì là chủ nhà in / nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Của quen biết nhiều giới thương gia (nhờ đó số thu về quảng cáo ngày càng nhiều), ông lại có giao thiệp rộng với giới công chức nên tờ LTTV phát triển rất mạnh, số độc giả tăng lên rất nhiều, ngay cả số độc giả mua báo dài hạn. Một phần nữa cũng do một số tờ báo khác ở Nam Kỳ đã đình bản, sự cạnh tranh thương mại đối với tờ LTTV càng ngày càng giảm. Ông Nguyễn Văn Của nhìn thấy cơ hội phát triển mạnh hơn cho tờ LTTV, và với lợi thế là tờ LTTV được in tại nhà in riêng của ông, ông đã có một quyết định lịch sử: biến tờ LTTV thành một tờ nhựt báo.

Với số báo 996, ra ngày 1-10-1921, nhằm ngày Mùng Một tháng 9 năm Tân Dậu, tờ LTTV kết hợp với tờ Nam Trung Nhựt Báo, nhưng vẫn giữ tên LTTV, trở thành một tờ nhựt báo với các chi tiết như sau: (Hình số 5)

         Giám Ðốc – Chủ Nhân (Directeur – Propriétaire): Nguyễn

Văn Của

         Chủ bút: Lê Hoằng Mưu

         Toà soạn: 157 đường Catinat, Sài Gòn

         Ðịnh kỳ: xuất bản mỗi ngày, trừ ngày lễ và Chúa Nhựt

         Số trang: 6 trang

         Giá bán:

Ðông Pháp Ngoại Quốc

Một năm 12 $ 00 15 $ 00

Sáu tháng 6 $ 50 8 $ 00

Ba tháng 3 $ 50 4 $ 50

Bán lẽ mỗi số 0 $ 05

         Nội dung: Xã luận, tin tức về chính trị (Việt Nam, Ðông Dương và thế giới), tin tức về kinh tế (canh nông, thuơng mại, công kỷ nghệ), văn nghệ (thơ văn, tiểu thuyết dịch và tiểu thuyết Việt ngữ, vv), kiến thức tổng quát (lịch sử, địa lý, khoa học thường thức, vv.), giải trí (câu đố, chuyện cười, vè, vv.), và quảng cáo.

Một vài năm sau, có lẽ do công việc tăng lên quá nhiều, ông Nguyễn Văn Của quyết định chỉ giữ vai trò Chủ Nhân và Tổng Lý thôi để lo các công việc chung cho tờ báo, và giao lại vai trò Chủ nhiệm cho một người thân tín đảm nhiệm, và người Chủ nhiệm mới đó là ông Lâm Văn Ngọ.[20] Ông Lâm Văn Ngọ sẽ giữ vai trò Chủ nhiệm nầy trong suốt hơn 20 năm cho đến khi tờ LTTV đình bản vĩnh viễn vào năm 1944. Ông Lê Hoằng Mưu vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ bút. Từ năm 1935, trên măng-xét ở trang 1, số báo 4935, ra ngày Thứ Ba 2-4-1935, vẫn ghi ông Lâm Văn Ngọ là Chủ nhiệm, nhưng có ghi thêm: “Gởi bài vở cho ông Lâm Văn Ngọ.” (Hình số 6) Có 2 việc cần nhận định về câu ghi chú nầy: 1) việc nhận bài vở là công việc của ông Lê Hoằng Mưu, Chủ bút, như đã từng ghi rõ trong các số báo trước đó; 2) số báo nầy không còn ghi tên ông Lê Hoằng Mưu làm Chủ bút nữa. Hai điều nầy có nghĩa là rất có thể ông Lâm Văn Ngọ đã được giao cho kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ bút của tờ LTTV. Trụ sở cuối cùng của Tòa soạn bào LTTV là tại số nhà 13 đường Lucien Mossard,[21] gần bên trường Taberd.

Tờ LTTV tiếp tục phát triển và trở thành tờ nhựt báo quan trọng nhứt của Nam Kỳ trong một thời gian rất dài cho đến khi Thế Chiến II (1939-45) bùng nổ ở Âu Châu. Trong thời gian Thế Chiến II, sau khi Pháp bại trận năm 1940 và phải ký hòa ước nhường phân nữa phía Bắc cho quân Ðức chiếm đóng, chính phủ Pháp dưới quyền của Thống Chế Philippe Pétain (người anh hùng của trận Verdun trong Thế Chiến I) chỉ còn quyền cai trị phần phía Nam lãnh thổ Pháp. Giao thương giữa thuộc địa Ðông Dương và mẫu quốc Pháp ngày càng khó khăn, kinh tế Ðông Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Về phương diện in ấn, xuất bản, giấy in sách báo ngày càng khan hiếm. Tờ LTTV chỉ còn ra có 2 trang mỗi ngày. Sau 5 năm cố gắng cầm cự (trong khi phần lớn những báo khác đã đình bản), tờ LTTV ra số cuối cùng, số 7741, ngày Thứ Bảy 30-9-1944, với Kính cáo cùng chư quí bạn đọc như sau: “…Nhưng nạn chiến tranh cứ kéo dài thêm, vật liệu cần thiết trong xứ càng thấy thiếu hụt. Vì vậy các nền thương-mãi kỷ-nghệ nào khác, cho đến nghề xuất bản báo chí như chúng tôi cũng đã thấy giải nghiệp lần hồi. Tờ báo Lục-Tỉnh Tân-Văn chúng tôi đã ráng sức chịu đựng cho đến ngày nay, rồi cũng chẵng không cùng chung một số phận ấy: cái nạn khan giấy. Vậy chúng tôi kính xin thanh minh cùng các nhà đăng quảng cáo và quí bạn đọc thân yêu bấy lâu đã giúp cho đứng vững, chúng tôi tạm biệt một thời gian…” (Hình số 7)

Thay Lời Kết

Tờ báo LTTV tuy không phải là tờ báo Việt ngữ đầu tiên nhưng đã là một trong những tờ báo Việt ngữ sống lâu nhứt của đất Nam Kỳ cho đến trước năm 1945. Ðóng góp của tờ LTTV vào gia tài văn hóa của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh rất quan trọng. Nó đã là cái nôi văn hóa cho đất Nam Kỳ trong một thời gian khá dài, tất cả là 37 năm, với các vị Chủ bút là những nhà văn, tiểu thuyết gia nổi tiếng của Nam Kỳ. Nó đã là trường học cho một số nhà văn, nhà báo về sau nổi tiếng của đất Bắc và Trung Kỳ như các ông Tản Ðà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, vv. Nó đã khởi sự như một tờ báo tiến bộ, chủ trương canh tân đất nước, chống Pháp, chống phong kiến với Chủ bút Trần Chánh Chiếu. Sau khi bị Pháp theo dõi, triệt hạ, bắt giam Chủ bút, tờ LTTV đã né tránh địa hạt chính trị và tập trung vào các khía cạnh văn học và kinh tế, và đã là món ăn tinh thần cho giai cấp trung lưu Nam Kỳ trong một thời gian dài. LTTV xứng đáng được xem là một trong những tờ báo Việt ngữ có ảnh hưởng lớn trong đời sống của dân chúng Nam Kỳ trong nữa đầu của Thế kỷ 20.

GHI CHÚ:

  1. Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam: từ khởi thủy đến năm 1945. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 31-32.
  2. Lịch sử báo chí Việt Nam, 1865-1945 / Ðỗ Quang Hưng (chủ biên), Nguyễn Thành, Dương Trung Quốc. Hà Nội: Nhà xuất bản Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, 2001, tr. 16.
  3. Huỳnh Văn Tòng, sđd, tr. 32.
  4. Huỳnh Văn Tòng, sđd, tr. 33.
  5. Lịch sử báo chí Việt Nam, 1865-1945, sđd, tr. 17.
  6. Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh / Thạch Phương, Lê Trung Hoa (chủ biên). TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ, 2001, tr. 877. Sau đây là tiểu dẫn về Nhà in F.H. Schneider: “F.H. Schneider, Nhà in kiêm xuất bản (Imprimeur – Editeur). Chủ nhân người Pháp. Năm thành lập: 1902. Ngừng hoạt động: 1913. Xuất bản sách dịch tiểu thuyết Pháp, Trung Hoa, truyện cổ tích, truyện thơ. Một số sách của tác giả người Việt như Trương Vĩnh Ký, Trương Duy Toản in tại đây.”
  7. Sài Gòn – Gia Ðịnh xưa: tư liệu & hình ảnh. TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 145. Trong bài “Tên đường Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay” (tr. 120-154), đường [Amiral] Krantz là tên đường trong thời Pháp thuộc, đến thời Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành đường Phan Văn Hùm, và hiện nay là đường Nguyễn Thị Nghĩa, thuộc Quận 1. Sách Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh ghi rõ hơn về đường Nguyễn Thị Nghĩa (tr. 462) như sau: “Ðường nằm trên địa bàn p. [phường] Bến Thành, q. [quận] 1, từ đ. [đường] Phạm Ngu Lão đến ngã sáu SG, dài 246 m, lộ giới 40 m. Thời Pháp thuộc, từ ngày 26-4-1920, [ngày tháng năm nầy không đúng vì như trong Hình số 1, chụp trang 1 của báo LTTV, số 119, ra ngày Thứ Năm 5-5-1910, có ghi rõ tòa soạn báo ở số 4 đường Krantz; vậy đường Krantz đã có ít nhứt là từ năm 1910] đường nầy mang tên Krantz. Từ ngày 22-3-1955, đổi là đ. Phan Văn Hùm. Ngày 4-4-1985, đổi là đ. Nguyễn Thị Nghĩa. Bấy giờ chỉ có đoạn từ đ. Lê Lai đến ngã sáu; sau khi dời ga SG lên Hòa Hưng, đường được làm thêm từ đ. Lê Lai đến đ. Phạm Ngũ Lão.”
  8. Chữ mặc ở đây có lẽ toà soạn muốn nói là mua trả tiền mặt?
  9. Ðặng Văn Nhâm, Lịch sử báo chí Việt Nam: từ khởi thủy đến hiện tại, 1861-1999. California: Việt Nam Văn Hiến, 1999, tr. 35.
  10. Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, sđd, tr. 247. Tiểu sử, có hình chân dung, của Trần Chánh Chiếu (1867-1919).
  11. Lịch sử báo chí Việt Nam, 1865-1945, sđd, tr. 32-33.
  12. Ông Lương Khắc Ninh là một tác giả đã thành danh ở Nam Kỳ tại thời điễm nầy. Ông là tác giả của những tác phẩm sau đây: 1) Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh, truyện thơ, viết chung với các ông Nguyễn Khắc Huề và Nguyễn Dư Hoài, nhà xuất bản Saigonnaise, năm 1901; nhà xuất bản J. Viết tái bản năm 1905); 2) Phú cần kiệm tu thân, phú, nhà xuất bản Huỳnh Kim Danh, năm 1915; 3) Tuồng gia trưởng, kịch, nhà xuất bản Condurier & Montégout, 1906; 4) Tứ mỹ đồ (tuồng hát mới), kịch, nhà in Imprimerie de l’Union, 1916; và 5) Nam quốc lễ nghĩa huấn tục, sách phong tục, nhà in Mỹ Tho, 1923. (Trích từ phần Danh mục tác phẩm bằng Quốc ngữ xuất bản ở Sài Gòn từ 1866 đến 1930 trong cuốn Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, tr. 995-1024).
  13. Sài Gòn – Gia Ðịnh xưa: tư liệu & hình ảnh, sđd, tr. 138, và Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, sđd, tr. 434; đại lộ Norodom trong thời Pháp thuộc được đổi tên là Thống Nhất trong thời VNCH, sau ngày 30-4-1975 đổi tên là Ðại lộ 30 Tháng 4, và sau cùng, ngày 28-4-1987, đổi thành đường Lê Duẫn.
  14. Huỳnh Văn Tòng, sđd, tr.73
  15. Sài Gòn – Gia Ðịnh xưa: tư liệu & hình ảnh, sđd, tr. 146, và Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, sđd, tr. 472; đường Pellerin trong thời Pháp thuộc được đổi tên là Pasteur trong thời VNCH, ngày 14-8-1975 đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai, và đến ngày 28-8-1991 đổi trở lại tên Pasteur như cũ.
  16. Ông Lê Hoằng Mưu là một tên tuổi lớn trong giới văn nghệ Nam Kỳ vào thời điểm nầy. Ông là một nhà văn với nhiều cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng như: 1) Hà hương phong nguyệt, nhà J. Viết xuất bản 1915, tái bản 1916, sau đó bị cấm; 2) Ba gái cầu chồng, tiểu thuyết in hàng ngày (feuilleton) trong báo Nông Cổ Mín Ðàm, 1915; 3) Tô Huệ Nhi ngoại sử, do nhà in Imprimerie de l’Union xuất bản, 1920; 4) Oan kia theo mãi ba mươi hai đêm, J. Viết xuất bản, 1922; 5) Ðầu tóc mượn, Imprimerie de l’Union xuất bản, 1926; 6) Ðêm rốt của người tội tử hình, nhà in Ðức Lưu Phương xuất bản, 1929. Ngoài ra ông cũng có viết một truyện thơ, Hoạn Thơ bắt Thúy Kiều, J. Viết xuất bản, 1915; và một bài phú, Phi công phú, viết chung với Hồ Văn Lang, C. Ardin xuất bản, 1913. (Trích từ phần Danh mục tác phẩm bằng Quốc ngữ xuất bản ở Sài Gòn từ 1866 đến 1930 trong cuốn Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, tr. 995-1024).
  17. L. (Louis) Marty là một công chức Pháp, khởi sự làm Thư ký trong văn phòng Thống Sứ Pháp tại Hà Nội vào năm 1907; về sau trở thành Giám đốc Sở Công An của chính quyền Ðông Dương Pháp (Direction de la Sûreté Générale). Xem thêm chi tiết về nhân vật nầy tại URL sau đây:

http://findarticles.com/p/articles/mi_qa3821/is_200704/ai_n19431906/pg_9?tag=artBody;col1

18. Ông Nguyễn Văn Của, thường được người đương thời gọi là Ông Huyện Của vì ông được chính phủ Pháp phong cho cấp bậc Huyện honoraire (tức Huyện Danh Dự, dân chúng thường gọi là Huyện hàm), có quốc tịch Pháp và là chủ nhà in và xuất bản Imprimerie de l’Union (1917-1944), số 157 đường Catinat, Sài Gòn. Vì gia đình ông có quốc tịch Pháp nên con trai trưởng của ông, ông Nguyễn Văn Xuân, đã được theo học trường võ bị Saint-Cyr của Pháp. Sau khi tốt nghiệp Saint-Cyr, ông Xuân có tham chiến trong trận Thế Chiến I (1914-18), sau đó thăng cấp nhiều lần và là người Pháp gốc Việt Nam đầu tiên thăng lên cấp Thiếu Tướng (Général de Brigade, tức tướng hai sao). Ông Xuân được Hội Ðồng Nam Kỳ bầu làm Thủ Tướng ngày 1-10-1947, và sau đó được đại diện các đảng phái trong nước họp hội nghị tại Sài Gòn ngày 10-5-1948 bầu làm Thủ Tướng Chính phủ Trung Ương Lâm Thời (ông Xuân thăng lên Trung Tướng vào ngày 4-5-1949), từ ngày 2-6-1948 đến ngày 30-6-1949. Sau khi người mẹ của Ông Xuân mất, Ông Nguyễn Văn Của còn lập gia đình hai lần nữa. Xin xem thêm chi tiết ở Ghi chú số 20

19. Sài Gòn – Gia Ðịnh xưa: tư liệu & hình ảnh, sđd, tr. 134, và Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, sđd, tr. 418; đường Catinat trong thời Pháp thuộc được đổi tên là Tự Do trong thời VNCH, ngày 14-8-1975 đổi tên là Ðồng Khởi

20. Ông Lâm Văn Ngọ, mà người đương thời thường gọi là Ông Huyện Ngọ (vì ông cũng được chính phủ Pháp ban cho chức Huyện honoraire như ông Nguyễn Văn Của) là em vợ của ông Nguyễn Văn Của. Như ở Ghi Chú số 18 đã có nói đến, ông Nguyển Văn Của, sau khi người vợ đầu tiên (mẹ của Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân) qua đời, đã tái giá và người vợ thứ nhì nầy là chị ruột của ông Lâm Văn Ngọ. Người vợ thứ nhì nầy chỉ sanh được với ông Nguyễn Văn Của một người con gái duy nhứt, tên là Louise Nguyễn Thị Nhựt, và sau đó mất sớm. Sau khi người vợ thứ nhì nầy qua đời, ông Nguyễn Văn Của còn tái giá một lần nữa và bà vợ thứ ba nầy sanh được nhiều con cho ông Của. (Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm một vài chi tiết có liên quan đến tác giả bài viết nầy: ông Lâm Văn Ngọ chính là Ông Nội của tác giả bài viết nầy; xem thêm Hình số 8, hình ông Lâm Văn Ngọ chụp tại Tòa soạn báo LTTV trích ra từ album hình ảnh của gia đình tác giả, và Hình số 9, trang 1 báo LTTV, số 2291, ngày 8-4-1926, trong Lời Cảm Tạ sau đám tang Cô Louise Nguyễn Thị Nhựt, ngoài tên ông Lâm Văn Ngọ còn có cả tên của ông Lâm Thiên Tích là Cha của tác giả bài viết nầy. Cô Louise Nguyễn Thị Nhựt là chị cô cậu ruột với Cha của người viết và là cháu kêu Ông Nội người viết bằng Cậu ruột)

21. Sài Gòn – Gia Ðịnh xưa: tư liệu & hình ảnh, sđd, tr. 144, và Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, sđd, tr. 453; đường Lucien Mossard trong thời Pháp thuộc đi từ đường Dr. Angier (thời VNCH đổi tên là Nguyễn Bĩnh Khiêm) đến đường Catinat (thời VNCH là đường Tự Do); qua khỏi ngã ba với đường Catinat thì gọi là đường Taberd; sau năm 1955 cả hai đường nhập lại dưới tên chung là đường Nguyễn Du; bây giờ vẫn còn gọi là đường Nguyễn Du.

Phụ Ðính A

 

Bộ Sưu Tập Vi Phim Báo Lục Tỉnh Tân Văn

Tại Ðại Học Cornell

Thành phố Ithaca, Tiểu bang New York, Hoa Kỳ

Ðại Học Cornell có lưu trữ một bộ sưu tập báo Lục Tỉnh Tân Văn duới dạng vi-phim (microfilm). Ðộc giả có thể vào đọc tại Phòng Media Center, ở tầng hầm (Sous-sol = Basement) của Thư Viện John M. Olin. Bộ vi phim LTTV được đánh số Film 562, gồm các số báo từ số 115, ngày 7-4-1910 cho đến số cuối cùng là số 7741, ngày 30-9-1944. Toàn bộ vi-phim nầy được đựng trong tất cả 14 hộp, tất cả có 67 cuồn, mỗi hộp có 5 cuồn vi-phim, trừ hộp cuối cùng chỉ có 2 cuồn thôi, chia ra như sau: (các số hộp và số cuồn ghi bên dưới đây là do tác giả bài viết nầy thêm vào cho dễ trình bày; trên các hộp và cuồn Thư Viện Cornell chỉ ghi số Film 562, và thời gian các số báo mà thôi)

         Hộp số 1:

Cuộn số 1: 7-Apr-1910 — Jan 1911

Cuộn số 2: Feb 1911 — May 1912

Cuộn số 3: July 12 — Dec 1912

Cuộn số 4: Jan – Apr 1913

Cuộn số 5: Jun – Oct 1913

         Hộp số 2:

Cuộn số 6: Nov 1913 – Mar 1914

Cuộn số 7: May – Sep 1914

Cuộn số 8: Oct 1914 – Dec 1915

Cuộn số 9: Jan 1916 – Dec 1917

Cuộn số 10: Jan 1918 – Jun 1919

         Hộp số 3:

Cuộn số 11: July – Dec 1919

Cuộn số 12: Jan – Oct 1920

Cuộn số 13: Nov 1920 – Jun 1921

Cuộn số 14: July – Dec 1921

Cuộn số 15: Jan – Jun 1922

         Hộp số 4:

Cuộn số 16: July – Dec 1922

Cuộn số 17: Jan – July 1923

Cuộn số 18: Aug – Dec 1923

Cuộn số 19: Jan – Apr 1924

Cuộn số 20: May – Sep 1924

         Hộp số 5:

Cuộn số 21: Oct – Dec 1924

Cuộn số 22: Jan – Apr 1925

Cuộn số 23: May – Sep 1925

Cuộn số 24: Oct 1925 – Feb 1926

Cuộn số 25: Mar – Jun 1926

         Hộp số 6:

Cuộn số 26: July – Oct 1926

Cuộn số 27: Nov 1926 – Mar 1927

Cuộn số 28: Apr – July 1927

Cuộn số 29: Aug – Dec 1927

Cuộn số 30: Jan – Mar 1928

         Hộp số 7:

Cuộn số 31: Apr – July 1928

Cuộn số 32: Aug – Dec 1928

Cuộn số 33: Jan – Mar 1929

Cuộn số 34: Apr – July 1929

Cuộn số 35: Aug – Dec 1929

         Hộp số 8:

Cuộn số 36: Jan – Mar 1930

Cuộn số 37: Apr – July 1930

Cuộn số 38: Aug – Dec 1930

Cuộn số 39: Jan – Jun 1931

Cuộn số 40: July – Oct 1931

         Hộp số 9:

Cuộn số 41: Nov 1931 – Mar 1932

Cuộn số 42: Apr – July 1932

Cuộn số 43: Aug – Dec 1932

Cuộn số 44: Jan – Apr 1933

Cuộn số 45: May – Sep 1933

         Hộp số 10:

Cuộn số 46: Oct 1933 – Jan 1934

Cuộn số 47: Feb – Jun 1934

Cuộn số 48: July – Oct 1934

Cuộn số 49: Nov 1934 – Mar 1935

Cuộn số 50: Apr – July 1935

         Hộp số 11:

Cuộn số 51: Aug – Dec 1935

Cuộn số 52: Jan – May 1936

Cuộn số 53: Jun – Sep 1936

Cuộn số 54: Oct 1936 – Jan 1937

Cuộn số 55: Feb – Jun 1937

         Hộp số 12:

Cuộn số 56: July – Oct 1937

Cuộn số 57: Nov 1937 – Mar 1938

Cuộn số 58: Apr – Aug 1938

Cuộn số 59: Sep – Dec 1938

Cuộn số 60: Jan – Jun 1939

         Hộp số 13:

Cuộn số 61: July – Dec 1939

Cuộn số 62: Jan – Sep 1940

Cuộn số 63: Oct 1940 – Mar 1941

Cuộn số 64: Apr – Sep 1941

Cuộn số 65: Oct 1941 – Jun 1942

         Hộp số 14:

Cuộn số 66: July 1942 – Jun 1943

Cuộn số 67: July 1943 – 30-Sep-1944

Phòng Library Media của Thư Viện Olin có khá nhiều (độ 5 hay 6 máy) máy Microfilm Reader / Printer để có thể đọc vi-phim và in ra giấy nếu cần (mỗi trang Thư Viện tính 10 xu; độc giả nào muốn in thì phải mua trước thẻ in photocopy). Tiện lợi hơn nữa là các máy đọc vi-phim nầy hiện có trang bị thêm bộ phận Scanner nên độc giả có thể scan vi-phim để copy vào USB Drive của mình mang theo hay là gửi thẳng về cho Email của mình, và việc nầy thì hoàn toàn miễn phí.

Phụ Ðính B

 

Hình số 1: Trang 1 báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 119, ngày 5-5-1910

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image002.gif

 

  

Phụ Ðính C

 

Hình số 2: Trang 1, Phụ Lục, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 142, ngày 13-1-1910

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image004.gif

 

 

 

Phụ Ðính D

 

Hình số 3: Trang 21, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 236, ngày 15-8-1912

 

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image006.gif

 

Phụ Ðính E

 

Hình số 4: Trang 1, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 281, ngày 3-7-1913

Có đăng Hỉ Tín về việc ấn hành

Aán bản cho Bắc Kỳ gọi là Ðông Dương Tạp Chí

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image008.gif

 

Phụ Ðính F

 

Hình số 5: Trang 1, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 966, ngày 1-10-1921

Lục Tỉnh Tân Văn trở thành một tờ nhựt báo

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image010.gif

 

Phụ Ðính G

 

Hình số 6: Trang 1, báo Lục Tình Tân Văn

Số 4935, ngày 2-4-1935

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image012.gif

 

 

 

 

Phụ Ðính H

 

Hình số 7: Trang 1, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 7741, ngày 30-9-1944

Số báo cuối cùng của Lục Tỉnh Tân Văn

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image014.gif

 

Phụ Ðính I

 

Hình số 8: Ông Lâm Văn Ngọ, Chủ Nhiệm

Chụp Tại Tòa Soạn

Báo Lục Tỉnh Tân Văn

 

 

C:\Users\vinht\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image016.jpg

  

 Phụ Ðính J 

Hình số 9: Trang 1, báo Lục Tỉnh Tân Văn

Số 2291, ngày 8-4-1926

Có đăng Lời Cảm Tạ

Sau Ðám Tang Cô Louise Nguyễn Thị Nhựt