Thủ Đức: Xưa và Nay

 

Lâm Vĩnh Thế

 

 

Một Chút Lịch Sử Và Ðịa Lý

 

Cũng như tất cả các vùng đất khác ở Miền Nam, vùng Thủ Ðức đã trãi qua nhiều đổi thay về lãnh thổ và hành chánh trong mấy thế kỷ vừa qua.

 

Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725, tức Quốc Chúa) cử vào “kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Ðông Phố thành hai huyện: lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Ðịnh).” [1] Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1837, vua cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình chính là vùng Thủ Ðức ngày nay. Trong thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An (Thủ Ðức) được cho chuyển sang thuộc tỉnh Gia Ðịnh. Trong thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (1955-75) quận Thủ Ðức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Ðịnh. Sau ngày 30-04-1975, quận Thủ Ðức đổi thành huyện Thủ Ðức và thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trước năm 1975, quận Thủ Ðức có diện tích vào khoảng 200 km2 và gồm có tất cả 15 xã vớI một dân số là 184.989 người. 15 xã là các xã sau đây: [2]

 

–       Long Thạnh Mỹ

 

–       Long Bình

 

–       Phú Hữu

 

–       Thạnh Mỹ LợI

 

–       Bình Trưng

 

–       Linh Xuân

 

–       An Phú

 

–       Phước Long

 

–       Tam Bình

 

–       Linh Ðông

 

–       Hiệp Bình

 

–       Long Trường

 

–       Long Phước

 

–       Tăng Nhơn Phú

 

–       Phước Bình

 

Sau năm 1975, có một số thay đổi về hành chánh và lãnh thổ của huyện Thủ Ðức. Theo quyển Danh Mục Các Ðơn Vị Hành Chánh Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê xuất bản năm 1993, huyện Thủ Ðức, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 1 thị trấn và 20 xã như sau: [3]

 

–       Thị trấn Thủ Ðức

 

–       Xã Linh Ðông

 

–       Xã Hiệp Bình Chánh

 

–       Xã Hiệp Bình Phước

 

–       Xã Linh Xuân

 

–       Xã Linh Trung

 

–       Xã Tam Phú

 

–       Xã Tam Bình

 

–       Xã Phước Long

 

–       Xã Phước Bình

 

–       Xã Tân Phú

 

–       Xã Hiệp Phú

 

–       Xã Tăng Nhơn Phú

 

–       Xã Long Thạnh Mỹ

 

–       Xã Long Bình

 

–       Xã Long Phước

 

–       Xã An Phú

 

–       Xã Bình Trưng

 

–       Xã Phú Hữu

 

–       Xã Long Trường

 

–       Xã Thạnh Mỹ LợI

 

Theo Nghị Ðịnh số 3-CP do Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 06-03-1997,[4] lãnh thổ của huyện Thủ Ðức được chia thành 3 quận: quận Thủ Ðức, quận 2 và quận 9. Quận Thủ Ðức chỉ còn bao gồm Thị trấn Thủ Ðức, các xã Linh Ðông, Linh Xuân, Linh Trung, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, và một phần của các xã Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú. Quận 2 bao gồm các xã An Phú, Bình Trưng và Thạnh Mỹ Lợi (thêm các xã An Khánh và Thủ Thiêm). Quận 9 bao gồm các xã Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, Phú Hữu, Long Trường, và một phần của các xã Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú. Với sự thay đổi mới nhứt nầy, danh xưng của vùng Thủ Ðức được đổi trở lại là Quận và các xã được đổi lại gọi là Phường. Quận Thủ Ðức mới nầy gồm 12 phường với tổng số diện tích là 4.726 ha và với một dân số tổng cộng là 151.818 nhân khẩu, chia ra như sau:

 

Tên Phường Diện tích (Ha) Nhân khẩu

 

Linh Ðông 295 19.206

 

Hiệp Bình Chánh 626 16.508

 

Hiệp Bình Phước 766 12.254

 

Tam Phú 298 12.926

 

Linh Xuân 382 13.666

 

Linh Chiểu 130 11.576

 

Trường Thọ 409 20.161

 

Bình Chiểu 549 12.288

 

Linh Tây 141 11.838

 

Bình Thọ 108 10.906

 

Tam Bình 341 7.831

 

Linh Trung 681 14.134

 

_________ ___________

 

Tổng cộng: 4.726 Ha 151.818 dân

 

Theo bản đồ mới nhất của T.P. Hồ Chí Minh do Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản năm 2000, Quận Thủ Ðức phía Bắc giáp với Huyện Thuận An của Tỉnh Bình Dương, phía Ðông giáp với Quận 9, phía Nam với Quận Bình Thạnh, và phía Tây giáp với Quận 12 và Quận Gò Vấp của T.P. Hồ Chí Minh. Con sông Sài Gòn là ranh giới của Quận Thủ Ðức về phía Nam và Tây Nam. Xa lộ Biên Hòa là ranh giới về phía Ðông giữa Quận Thủ Ðức và Quận 9. Xin xem chi tiết trong bản đồ bên dưới đây:

 

 

Bản đồ Quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9 của TP Hồ Chí Minh

 

Thủ Ðức Ngày Xưa: Một Vùng Nửa Chợ Nửa Quê

 

Do vị trí tiếp cận với Sài Gòn, Thủ Ðức, ngay trong thời Pháp thuộc, đã từng là một vùng nửa chợ nửa quê. Từ Sài Gòn đi lên Thủ Ðức, khi tôi còn nhỏ, trong thập niên 40 và 50, chỉ có một lối duy nhứt là theo Quốc Lộ 1 qua Cầu Bông (Ða Kao), vào Bà Chiểu, qua Ngả Tư Bình Hòa và Ngả Năm Bình Hòa, qua Cầu Băng Ky, Cầu Bình Lợi, Cầu Gò Dưa, và sau cùng là Cầu Ngang để vào Chợ Thủ Ðức. Sang thập niên 60, thì có thêm một lối nữa là đi bằng Xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy Xi Măng Hà Tiên, khu vực Làng Ðại Học, rồi rẽ trái tại Ngả tư Xa lộ để vào Chợ Thủ Ðức (nếu rẻ phải thì vào Chợ Nhỏ và Trường Bộ Binh Thủ Ðức). Bây giờ thì có thêm một lối đi nữa là theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (tức là đường Hồng Thập Tự trước 1975), qua Ngả tư Hàng Xanh, theo Quốc lộ 13, qua Cầu Bình Triệu, đến Ngả tư Bình Triệu thì rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa.

 

Tính cách nửa chợ nửa quê nầy của vùng Thủ Ðức thể hiện qua nhiều phương diện. Giữa Cầu Gò Dưa và Chợ Thủ Ðức ta có thể trông thấy nhiều cánh đồng lúa, nhiều khu vườn cây ăn trái với những ngôi nhà tranh vách đất, nhưng xuống khỏi dốc Cầu Ngang thì đã vào Thị trấn Thủ Ðức với phố xá san sát hai bên Chợ Thủ Ðức. Tính cách nửa chợ nửa quê nầy càng thấy rõ hơn qua mặt kinh tế. Thủ Ðức có những cánh đồng lúa, những khu vườn cây ăn trái, những vườn cao su, nhưng cũng có những nhà máy kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất trong nước (thời Việt Nam Cộng Hòa) như Nhà máy Xi Măng Hà Tiên, Nhà máy dệt VIMYTEX, Nhà máy làm sửa hộp Foremost, Nhà máy nước Ðồng Nai, Nhà máy nhiệt điện Thủ Ðức, Nhà máy kim khí VIKIMCO, Nhà máy sản xuất tôle VINATON,vv.

 

Một khía cạnh nữa là sự kiện từ lâu vùng Thủ Ðức đã là “sân sau” của người Sài Gòn. Trong thời Pháp thuộc, Thủ Ðức đã là một khu ăn chơi nổi tiếng qua câu nói “Chợ Thủ Ðức năm canh thức đủ” (xin lưu ý về cách chơi chữ, nói lái, trong câu nói). Tài tử giai nhân Sài Gòn thời “thái bình” (từ ngữ của thế hệ cha ông chúng ta để mô tả giai đoạn cực thịnh của thời thực dân Pháp), sau một chầu hát bộI hay “ca ra bộ” ở Sài Gòn, có thể đi “xe kiếng” hay “xe song mã” lên Thủ Ðức nhậu nhẹt và ăn nem (lúc bấy giờ nem Thủ Ðức là nổi tiếng nhất Nam Kỳ; sang thời Việt Nam Cộng Hòa thì nem Thủ Ðức đã xuống dốc nhiều và nhường địa vị lại cho nem Lái Thiêu) cho đến sáng mới trở về Sài Gòn, và vì thế mới tạo ra câu nói kể trên. Người ta cũng rủ nhau đi tắm suối Xuân Trường, một con suối nhỏ ở khoảng giữa Thủ Ðức và Dỉ An. Thi sĩ Tản Ðá, sau khi đã trở lại đất Bắc, vẩn còn bâng khuâng tưởng nhớ đến nem Thủ Ðức và suối Xuân Trường qua câu thơ:

 

Thủ Ðức, Xuân Trường, khách vắng đông? [5]

 

Trong thờì Việt Nam Cộng Hòa thì dân Sài Gòn vẩn tiếp tục truyền thống nầy. Mỗi cuối tuần, nếu không đi chơi xa như Vũng Tàu, Long Hải để tắm biển, hay không lên Lái Thiêu, Bình Dương hái và mua trái cây, thì ngườI ta lên Thủ Ðức tắm “piscine”. Hồ bơi Hoàn Cung, ngó ngang qua quán Con Gà Quay, đã một thời làm ăn phát đạt. Về sau thì lại có thêm một hồ bơi nữa là Ngọc Thủy. Chính vì sự hiện diện của các hồ bơi nầy mà suối Xuân Trường đã dần dà bị rơi vào quên lảng. Khoảng cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì Thủ Ðức lại có thêm một trung tâm giải trí lớn nữa là khu Ðường Sơn Quán bên phía Xa lộ Ðại Hàn với sân trượt (patin) nổi tiếng và thu hút rất đông dân Sài Gòn vào mổi cuối tuần.

 

Thủ Ðức, Một Vùng Ðất Văn Hóa

 

Cũng do vị trí tiếp cận với Thủ đô Sài Gòn, Thủ Ðức cũng là một trung tâm văn hóa khá quan trọng. Về phương diện giáo dục, trong thời Việt Nam Cộng Hòa, Thủ Ðức là đơn vị hành chánh cấp quận duy nhất có đầy đủ các trường từ cấp tiểu học lên đến đại học. Về trường đại học, không phải một mà tớI hai trường: Ðại Học Khoa Học Sài Gòn (Ban Vật Lý Ðịa Cầu) và Ðại Học Kỹ Thuật Bách Khoa. Nếu không có ngày 30-04-1975, trường Ðại Học Kỹ Thuật Bách Khoa (Viện Trưởng là Giáo sư Tiến sĩ Ðổ Bá Khê, đã từng giữ chức vụ Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục thời Bộ Trưởng Ngô Khắc Tỉnh) có thể đã trở thành trường đại học có cơ sở và khuôn viên (campus) lớn nhất tại Miền Nam. Về trường trung học công lập, ngoài trường trung học phổ thông, Thủ Ðức còn có trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường trung học dạy chương trình tổng hợp đầu tiên tại Miền Nam với cơ sở dồ sộ và khang trang nhất trong toàn quốc. Ngoài ra còn có Trường Trung Hoc Kỹ Thhuật Việt Ðức ờ Ngả tư Xa lộ. Giáo hội Công giáo cũng có một số trường trung học như trường Lasan Mossard, trường Thánh Phan-Xi-Cô, và một trường nữa có nội trú dành cho nữ sinh.

 

Về phương diện tôn giáo, vùng Thủ Ðức tập trung khá nhiều những cơ sở quan trọng của Giáo hộI Công Giáo như An Phong Học Viện (tiểu chủng viện của Dòng Chúa Cứu Thế; tôi đã từng dạy Sử Ðịa tại đây trong thời gian 1969-71; hiện nay cơ sở nầy đã bị sung công để làm bệnh viện cho quận Thủ Ðức); Tu viện Dòng Phước Sơn trong đó có một cơ sở đóng sách do các Linh Mục thuộc nhà dòng trông nom (trong thời gian làm Quản Thủ Thư Viện cho Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức tôi thường mang sách cũa thư viện sang đây đóng bìa); Tu viện Phan Xi Cô (Tăng Nhơn Phú); Nhà thờ Dòng Ða Minh (Trường Thọ); Nhà thờ và Tu viện Khiết Tâm (Tam Bình); Nhà thờ Họ đạo Thủ Đức (Linh Chiểu). Về đạo Tin Lành thì có Nhà thờ HộI thánh Tin Lành ở Hiệp Phú.

 

Về Phật Giáo, vùng Thủ Ðức có rất nhiều chùa: chùa Huê Nghiêm (Bình Thọ), chùa Huỳnh Vỏ (Linh Trung), chùa Long Nhiểu (Linh Tây), chùa Vạn Quang (Linh Tây), chùa Pháp Trí (Linh Xuân), chùa Vô Ưu (Linh Ðông), chùa Thiên Phước (Trường Thọ), chùa Nhất Trụ (tức Một Cột, Bình Thọ), chùa Bửu Long (Long Bình), chùa Thanh Sơn (Long Bình), chùa Xá Lợi Phật Ðài (Long Bình), chùa Kiều Ðàm (Tân Phú), chùa Pháp Bảo (Tân Phú), và chùa Thiên Minh (Phước Bình).

 

Trong các cơ sở tôn giáo, đặc biệt đáng kể là Chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Phật Giáo), Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung (Cao Ðài), và Ðình Phong Phú.

 

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ là một ngôi chùa với kiến trúc mô phõng theo chùa Một Cột tại Hà Nội (xây cất từ thờI Nhà Lý, tên chữ là chùa Diên Hựu), do Thượng tọa Thích Trí Dũng, trụ trì chùa Phổ Quang, đứng ra khởI công xây cất vào năm 1970, trên một mãnh đất rộng 8.000 mét vuông bên cạnh đường Nguyễn Du, thuộc Làng Ðại Học Thủ Ðức. Việc xây cất hoành thành vào năm Nhâm Tý (1972). Chùa được xây trên một cột trụ to vươn lên từ giữa một hồ sen đủ màu rộng trên 600 mét vuông với hàng ngàn cá chép nuôi thả trong hồ. Ngoài chánh điện thờ Tam Thế Phật, và các kiến trúc phụ thuộc như nhà tổ, nhà trai, gác chuông và cổng tam quan, đặc biệt là chùa Nhất Trụ còn có những khu vườn trồng cây ăn trái đủ loại cung cấp trái cây đủ bốn mùa để cúng dường Tam Bảo.[6, 7]

 

nam thien nhat tru - chua mot cot giua long tp.hcm hinh anh 4

 

Chùa Nam Thiên Nhất Trụ – Tòan cảnh

 

Thánh Thất Liên Hoa Cửu Cung, tọa lạc tại xã Linh Xuân, trên một miếng đất rộng 8150 mét vuông, được khởI công xây cất trong năm 1940 và khánh thành năm 1941 và bị thiêu hủy vào đêm 17 Tháng Tư năm 1946. Thánh Thất được tái tạo vào năm 1960, vớI kinh phí trên 10 triệu đồng và khánh thành vào ngày 15 Tháng MườI năm 1967. [8]

 

lien-hoa-cuu-cung-tphcm

 

Thánh Thất Cao Đài Liên Hoa Cửu Cung – Linh Xuân, Thù Đức

 

Ðình Phong Phú là một ngôi đình cổ kính, tọa lạc tại làng Phong Phú, tổng An Thủy (sau năm 1940, làng Phong Phú đổI tên thành Tăng Nhơn Phú, nhưng tên đình vẫn giữ nguyên). Ðể đến ngôi đình nầy, ta có thể theo Xa lộ Biên Hòa, qua khỏi khu vực Làng Ðại Học, rẽ tay mặt tại ngả tư xa lộ, đi về hướng Trường Bộ Binh Thủ Ðức, khoảng hơn một cây số, nhìn về phía tay phải ta sẽ thấy cái cổng đình bằng gạch tô đá mài vớI dòng chữ to Ðình Phong Phú. Ta hảy nghe tác gỉa Huỳnh Minh mô tả cảnh trí ngôi đình: “Từ đầu cổng đi vô, trải qua một con đường đá đỏ quanh co. Hai bên có những thửa vườn cây ăn trái. Vào một đổI đường, nhìn về phía trái, thấy ngay ngôi chùa Phong Linh Tự. Tiếp tục đi xa thêm chút nữa, là đến vuông rào đình Phong Phú, diện tích khoảng 1800 m2. Bước qua cửa tam quan vào sân đình, có hòn non bộ sừng sững trên một hồ nước nhỏ xây ở giữa sân. Phong cảnh đầy thơ mộng. Cạnh phía cổng đình, tạc hình một con bạch mã to lớn trông oai vệ. Nhà vỏ ca cũng khá rộng, để đến khi lệ kỳ yên thì hát cúng nơi đây. Ngôi đình có ba vòng bao lam, chạm trổ khá tinh vi. Bên trong, biển, liển vàng son hực hỡ. Kiểu mẫu theo lối cổ, đình có ba nóc, rồng doanh phụng múa uy nghi. Giữa Long đình, một pho tượng râu dài, mắt sáng, mặt hồng hào, vận triều phục, tay cầm quạt. Cạnh bên có đựng một thanh giản. Tương truyền ấy là tượng vị Thành hoàng bổn cảnh của làng Phong Phú. Nhưng không ai biết rõ danh hiệu của vị thần. Hẳn là một vị võ quan công thần triều Nguyễn chi đây. Phía sau long đình có ba bàn thờ sát vách. Hai bàn hai bên thờ hia mão và một long bào, bàn giữa thờ chữ Thần hai bên có đôi câu liển:

 

Nhất trung càn khôn, nhơn nhơn triệu lỗI lạc

 

Ân quang hải nhạc, chúng chúng ngưỡng thăng bình

 

Hai bên vách, một bên có thờ chiếc võng điều, một bên có tượng bạch mã. Hẳn đây cũng là kỹ vật của vị Thần đã lưu lại”.[9]

 

Hàng năm vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 11 âm lịch là lệ kỳ yên. Theo các vị bô lảo trong làng, đình Phong Phú đã có từ gần 200 năm, như vậy có thể liệt ngôi đình nầy vào hàng những ngôi đình cổ nhất tại miền Nam. Đình Phong Phú đã bị hư hại nặng nề trong thời gian chiến tranh. Sau năm 1975, Đình đã được xây cất lại hoàn toàn, “phía trước thì xây bê tông, nhưng trong gian chính điện vẫn dựng bằng cột gỗ.” [10]

 

http://soi.today/wp-content/images/2017/04/dinh-phong-phu.jpg

 

Đình Phong Phú, Thủ Đức – Tiền diện

 

Ngoài các cơ sở tôn giáo vừa kể trên, Thủ Ðức còn có lăng quý tộc nhà Hồ cũng là một di tích lịch sử quan trọng. Ngôi lăng nầy tọa lạc tại xã Linh Chiểu Tây, cách quận lỵ Thủ Ðức độ 500 mét về hướng Ðông Bắc, chiếm một diện tích khoảng 5000 mét vuông. Ðó là lăng của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi (còn có tên là Vui), một công thần của Vua Gia Long. Cụ có một ngườI con gái là Bà Hồ Thị Hoa (còn có tên là Thật), được Vua Gia Long chọn làm phối thất cho Hoàng Tử Nguyễn Phúc Ðảm. Bà Hồ Thị Hoa sinh được hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, về sau lên ngôi là Vua Thiệu Trị. (Vì vậy, về sau, cả hai chữ Hoa và Thật đều trở trở thành trọng húy [11]). Vậy cụ Hồ Văn Bôi chính là ngoại tổ của Vua Thiệu Trị. Trong khu lăng nầy, ngoài ngôi lăng của Phúc Quốc Công, còn có ngôi lăng của thân mẫu của ngài và ngôi từ đường gọi là Hồ Tộc Từ, về sau được Vua Tự Ðức đổi tên lại gọi là Dũ Trạch Từ.[12] Chính vì sự hiện diện của khu lăng mộ nầy, nhà Nguyễn đã cố gắng nhiều trong việc thương thuyết vớI Pháp để chuôc lại ba tình Miền Ðông. Về sau, khi ký hiệp ước Pháp-Việt ngày 15-03-1874, nhà Nguyễn đã yêu cầu ghi vào một điều khoản là Pháp phải cam kết bảo vệ khu lăng mộ đó và chính quyền địa phương phải cấp 100 mẫu ruộng chung quanh để lo việc hương khói và tu bổ cho khu lăng mộ. Toàn bộ khu lăng mộ này “ngày nay đã thành phế tích, và nằm lẫn trong khu dân cư ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Phần linh vị vợ chồng Hồ Văn Vân và linh vị vợ chồng Hồ Văn Bôi thì được người dân đưa vào thờ tại đình Linh Chiểu, quận Thủ Đức.” [13]

 

Thủ Ðức Ngày Nay: Một Vùng Ðô-Thị-Hóa

 

Thủ Ðức ngày nay đã có những thay đổi rất lớn, với tính cách đô-thị-hóa ngày càng đậm nét. Lý do chính của hướng phát triển đó là vì ngày nay Thủ Ðức đã trở thành một quận nội thành của T.P. Hồ Chí Minh, các xã đã trở thành các Phường. Nhiều công trình xây dựng đã được thực hiện để phát triển hạ tầng cơ sở của nền kinh tế địa phương, đặc biệt là hệ thống giao thông và điện nước.

 

Về nông nghiệp, diện tích trồng trọt đã sụt giãm rất nhiều, chỉ còn 2.000 ha, với năng suất (cho cây lúa) kém xa vùng đồng bằng sông Cửu Long (từ 2,4 đến 3,3 tấn/ha so với từ 6 đến 8 tấn/ha của đồng bằng Cửu Long). Chăn nuôi (trâu, bò, gà, vịt, bồ câu, chim cút, cá…) chỉ có tính cách gia đình, quy mô nhỏ. Nhiều ao, hồ đã được lấp đi, để lấy đất bán cho việc làm đường xá, hay xây dựng nhà máy thành các khu công nghiệp.

 

Về công nghiệp, Thủ Ðức ngày nay có rất nhiều nhà máy mới của các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp tư doanh, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, thí dụ như Công ty sơn ICI, Công ty thuốc thú y BIOS Pharmachemie của Bayer, Công ty máy móc điện tử National Panasonic, Công ty nước ngọt Coca-Cola, Công ty thời trang Triump, Công ty dầu nhớt Castrol, vv. Ðặc biệt ở Phường Linh Trung có Khu Chế Xuất Linh Trung được thành lập năm 1993 trên một diện tích 150 ha, với vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở 14 triệu Mỹ kim. Hiện nay Khu Chế Xuất Linh Trung đã quy tụ được 32 công ty nước ngoài (với tổng số vốn đầu tư là 171 triệu Mỹ kim) đang hoạt động trong các ngành điện, điện tử, hoá chất, may mặc, da giấy, vv. Từ năm 1996, Quận Thủ Ðức lại hình thành thêm 2 Khu Công Nghiệp lớn: Khu Công Nghiệp Linh Trung-Linh Xuân (450 ha), và Khu Công Nghiệp Bình Chiểu (200 ha). Toàn Quận Thủ Ðức hiện nay có trên 150 nhà máy có quy mô sản xuất lớn (phần lớn tập trung trong các Khu Công Nghiệp, Khu Chế Xuất) và hàng ngàn nhà máy nhỏ sản xuất đày đủ các mặt hàng tiêu thụ.

 

Về thương mại, ngoài các chợ truyền thống như chợ Bình Triệu, chợ Linh Xuân, chợ Phước Long, chợ Hiệp Phú, chợ Tăng Nhơn Phú, chợ Tân Phú, Quận Thủ Ðức cũng có rất nhiều khu thương mại và dịch vụ lớn tại các Phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Bình Chiểu, Linh Xuân. Tại đây ngườI dân có thể tìm thấy bất cứ hàng hoá, dịch vụ cần thiết nào, ngay cả các hàng hóa ngoại quốc mà không cần phải vào trung tâm Sài Gòn để tìm mua.

 

Về phương diện giáo dục, Quận Thủ Ðức hiện có:

 

–       trường tiểu học (lớp 1-5): 19 trường

 

–       trường phổ thông cơ sở (lớp 6-9): 11 trường

 

–       trưởng phổ thông trung học (lớp 10-12): 6 trường

 

Ðặc biệt, Quận thủ Ðức còn có Làng Thiếu Nhi tọa lạc trên đường Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, do Marina Picasso Foundation thành lập. Ðây là cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi rất hiện đại với cảnh quan rất đẹp. Một nét đặc biệt nữa về giáo dục là Quận Thủ Ðức cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học và trung học chuyên nghiệp, thí dụ như:

 

–       Trường Ðại Học Ðại Cương: đào tạo Chứng chỉ đại cương cho các trường đại học thuộc hệ thống Ðại Học Quốc Gia TPHCM

 

–       Trường Ðại Học Nông Lâm: đào tạo kỹ sư các ngành Cơ khí nông lâm, Chế biến lâm sản, Chăn nuôi thú y, Nông học, Lâm nghiệp, Thủy sản, Chế biến bảo quản nông sản, Kinh tế nông lâm, Quản lý đất đai, Phát triển nông thôn

 

–       Trường Ðại Học Khoa Học Tự Nhiên: đào tạo cử nhân các ngành Toán tin học, Công nghệ thông tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ sinh học, Ðịa chất, Khoa học môi trường

 

–       Trương Ðai Học Sư Phạm Kỹ Thuật: tọa lạc tại Phường Linh Chiểu, đào tạo giáo viên kỹ thuật có trình độ đại học thuộc các ngành Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí động lực, Ðiện dân dụng, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật in, Kỹ thuật điện-điện tử, Cơ kỹ thuật, Thiết kế máy, Công nghệ cắt may, Kỹ thuật nữ công, Kỹ thuật nông nghiệp

 

–       Trường Ðại Học Thể Dục Thể Thao: tọa lạc tại Phường Linh Trung, đào tạo giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý các bộ môn thể dục thể thao

 

–       Trung Tâm Huấn Luyện Thể Dục Thể Thao Trung Ương 2: tọa lạc tại Phường Linh Trung, là nơi tập trung huấn luyện chuyên môn cho các độI tuyển thể thao quôc gia, các độI tuyển thể dục thể thao của các ngành, các tỉnh thành

 

–       Trường Ðại Học Luật: tọa lạc tại Phường Hiệp Bình Chánh, đào tạo cử nhân luật các ngành Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hành chánh, Luật hình sự, Luật quốc tế

 

–       Trường Cao Ðẳng Xây Dựng: tọa lạc tại Phường Linh Chiểu, đào tạo cán sự trung cấp cho các ngành Thi công và Thiết kế xây dựng

 

–       Trường Ðại Học Giao Thông Vận Tải: tọa lạc tại Phường Tăng Nhơn Phú (nay thuộc Quận 9), đào tạo kỹ sư các ngành về giao thông vận tải

 

–       Học Viện Chính Trị Quốc Gia: tọa lạc tại Phường Tăng Nhơn Phú (Quận 9), đào tạo cử nhân lý luận chính trị cho các cán bộ đảng trung và cao cấp

 

–       Trường Kinh Tế Kỹ Thuật Công Nghiệp Nhẹ: tọa lạc tại Phường Tăng Nhơn Phú, đào tạo cán sự trung cấp cho các ngành Cơ khí, Ðiện công nghiệp và dân dụng, Dệt, Sợi, Nhuộm, Da giấy, May, Công nghệ giấy và cellulose

 

–       Trường Kỹ Thuật Công Nghiệp May và Thời Trang: tọa lạc tại Phường Linh Ðông, đào tạo cán sự trung cấp cho các ngành Công nghệ may, Sửa chửa thiết bị máy

 

–       Trường Dạy Nghề NgườI Tàn Tật Trung Ương 2: tọa lạc tại Phường Phuớc Long, dạy nghề và kỹ thuật cho ngườI tàn tật

 

Về phương diện vui chơi giải trí, Quận Thủ Ðức và Quận 9 hiện nay là nơi tập trung nhiều khu vực vui chơi giải trí cuối tuần cho ngươi dân TPHCM và các vùng lân cận. Ðáng kể nhất là:

 

–       Công Viên Nước (Saigon Water Park) tọa lạc trên đường Kha Vạng Cân, Phường Linh Ðông, là một khu giải trí hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ các trò chơi giải trí dưới nước như hồ bơi, trượt nước trong lòng máng, lòng ống, cầu trượt, hồ náo hoạt, ống đen tốc độ, đường rơi tự do

 

–       Thế GiớI Nước (Vietnam Water World): tọa lac tai Phường Long Thạnh Mỹ (Quận 9), phục vụ các trò chơi giải trí dưới nước giống như Công Viên Nước nhưng với quy mô rộng lớn hơn, ngoài ra còn có hồ tạo sóng nước như bải biển, khu cắm trại picnic (rộng 22 ha), và sân đua xe kart và sân trượt (roller skating), các phòng hát karaoke, và sân khấu ca nhạc poprock

 

–       Khu Du Lịch Suối Mơ: tọa lạc tại Phường Long Bình (Quận 9), với hồ bơi, nhà hàng, và, đặc biệt, có sân khấu nước để biểu diển cá heo, hải cẩu, hải sư

 

–       Công Viên Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc: hiện đang xây dựng, trên một diện tích 400 ha, tọa lạc tại Phường Long Bình (Quận 9), nhằm phục vụ nhu cầu giải trí và tìm hiểu các nền văn hóa của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; chia thành 4 khu: Khu 1, Các nền văn hoá Thời Cổ đại (80 ha), Khu 2, Thời Trung đại (33 ha), Khu 3, Thời Cận đại (30 ha), và Khu 4, phục vụ các trò chơi giải trí và sinh hoạt dân gian (265 ha)

 

–       Khu Du Lịch Suối Tiên: tọa lạc cạnh Xa lộ Hà NộI (tức Xa lộ Biên Hòa củ), thuộc Phường Tân Phú (Quận 9), là khu vực văn hóa có phong cảnh đẹp, nhiều cây xanh bóng mát, và thường được gọi là Vùng đất Tứ Linh với Long, Lân, Quy, Phụng. Tại đây, du khách có thể ngắm Quần thể Thiên cảnh, Hoàng Mai Ðài, Tháp ngà thần, Thiên đàng bảo tháp, Long hoa nhật nguyệt thiên cảnh bồng lai, Thiên đình cung, Kỳ lân cung, Phụng hoàng cung, Sơn cung, Thủy cung, Ðại cung lạc cảnh hồ, Cung vàng điện ngọc, Ðại bồ cung vớI tượng Phật Thích Ca nhập thiền, Quang minh cảnh, vv. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia cac trò chơi giải trí như đi tàu lượn siêu tốc vượt qua dãy Ngân hà, qua động chằng tinh, đi đu quay, đua xa, đạp xe trên đường rây trên không qua hồ cá sấu, tháp đu dây ly tâm, các mô hình vòng xoay, bến du thuyền, bơi thuyền trên hồ, biển nhân tạo hoặc đến tham quan sở thú thu nhỏ với hàng trăm thú rừng chim muông. Ðặc biệt những ngày lể, thứ bảy, chúa nhựt còn có trình diển sân khóa hóa điện ảnh huyền sử trận đánh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, múa Lân Sư Rồng, thi đấu cờ ngườI, ca nhạc tạp kỷ poprock,vv.

 

–       Vietnam Golf & Country Club: tọa lạc tại Phường Long Thạnh Mỹ (Quận 9), là sân golf lớn và hiện đại (với 36 lổ), nhằm phục vụ cho ngườI giàu và ngườI nước ngoài

 

–       Sân Chim: tọa lạc tại Phường Long Thạnh Mỹ (Quận 9), trên một cù lao của sông Ðồng Nai, nơi vào buổI chiều tối có hàng ngàn chim muông, nhiều nhất là chim cò, bay về đậu kín trên các cành cây, ngọn dừa trong vườn; du khách thường đến vào buổI chiều tối để quan sát chim và ngủ lại qua đêm

 

Kết Luận

 

Vùng Thủ Ðức, do vị trí đặc biệt tiếp cận với Sài Gòn, đã mang một số cá tính đặc thù. Nó là một vùng nửa chợ nửa quê vừa dễ thương, vừa hấp dẫn đối với ngườI dân Sài Gòn. Nó có đầy đủ những chổ vui chơi, giải trí cho dân Sài Gòn sau một tuần làm việc mệt nhọc Nem Thủ Ðức là một đặc sản nổI tiếng trong cả nước qua nhiều thập niên. Thủ Ðức lại còn là một vùng đất văn hóa khá quan trọng của Miền Nam, với lăng mộ, chùa chiền, thánh thất, đình miếu cổ kính. Hiện nay, Quận Thủ Ðức đang biến thành một vùng đô-thị-hóa rất quan trong của TPHCM. Trong tương lai, chắc chắn vùng Thủ Ðức sẽ còn phát triển nhiều hơn về mọi mặt, đặc biệt là hướng công nghiệp hóa. Đường xe điện ngầm (Métro = Subway) đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh (mà cũng có thể là đầu tiên của cả nước), có thể được khánh thành vào năm 2020 tới đây, sẽ nối liền trung tâm Sài Gòn (Bến Thành) đến Thủ Đức (ga cuối cùng đặt tại Suối Tiên).

 

Ghi Chú:

 

1.   HộI Ðồng Trị Sự Nguyển Phúc Tộc. Nguyền Phúc tộc thế phả: thủy tổ phả, vương phả, đế phả. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996. Tr. 149.

 

2.   Huỳnh Minh. Gia Ðịnh xưa và nay. Sài Gòn: Tác giả xuất bản, 1973. Tr. 429.

 

3.   Nguyễn Ðình Ðầu. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Biên Hòa (Sông Bé, Ðồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu). Tp Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1994. Tr. 117.

 

4.   Công Báo, ngày 15-03-1997, tr. 283-289.

 

5.   Huỳnh Minh, sđd, tr. 401.

 

6.   Huỳnh Minh, sđd, tr. 283-285.

 

7. Dương Thanh. Nam Thiên Nhất Trụ: Chùa Một Cột giữa lòng TP.HCM, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://danviet.vn/tin-tuc/nam-thien-nhat-tru-chua-mot-cot-giua-long-tphcm-623363.html

 

8.   Huỳnh Minh, sđd, tr. 301-303.

 

9.   Huỳnh Minh, sđd, tr. 315-316.

 

10. Đặng Thái. Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://soi.today/?p=233798

 

11. Võ Hương-An. Từ điển Nhà Nguyễn. Irvine, Calif.: Nam Việt, 2012. Tr. 283.

 

12. Huỳnh Minh, sđd, tr. 68-71.

 

13. Hồ Văn Bôi, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_V%C4%83n_B%C3%B4i

 

14. Tuyến metro đầu tiên của TPHCM dần hình thành, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://baomoi.com/tuyen-metro-dau-tien-cua-tphcm-dan-hinh-thanh/c/27539180.epi