Văn Hóa Uống Rượu

Nguyễn Văn Ngưu

Ngày xuân nâng chén, tôi chúc muôn nơi

Mừng anh nông dân cấy lúa thấm tươi

Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Chén trong bài hát/thơ trên là chén rượu. Việt Nam là một trung tâm nguyên thủy của ngành sản xuất lúa gạo trong thế giới. Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, trong thời buổi mới dựng nước Văn Lang, cho dù đồ ăn của dân chưa đủ, người Việt đã lấy gạo làm rượu. Do đó, rượu đã xuất hiện ở Việt Nam từ ngàn xưa và uống rượu đã đi vào văn hóa Việt Nam và là một truyền thống của dân tộc.

Rượu Việt Nam

Rượu Việt Nam ngày xưa phần lớn là rượu trắng. Rượu trắng là rượu không màu/trong hoặc hơi trắng vàng, có độ cồn tương đối cao. Rượu trắng ngon phải trong vắt, rót sủi tăm bọt nhỏ lăn tăn, uống có mùi vị thơm, ngọt, cay, có độ cồn tương đối cao từ 39 đến hơn 45 độ, uống vô thấy êm dịu và không gây nhức đầu chóng mặt. Người dân trong Nam gọi rượu trắng là rượu đế. Rượu trắng được chưng cất theo phương cách thủ công trong dân gian có từ lâu đời. Người Việt Nam dùng gạo, nếp hay tẻ, để nấu/làm rượu trắng. Những nơi không có nhiều gạo, người ta dùng bắp/ ngô, sắn hay các loại ngũ cốc khác để nấu rượu trắng.

Rượu trắng làm từ các loại gạo nếp như nếp cái hoa vàng, nếp bông chát, nếp ruồi, nếp mỡ, nếp mường, nếp sáp, nếp thơm, nếp hương, nếp ngự, nếp quạ, nếp cái, nếp tiêu, nếp sột soạt, nếp ba tháng và từ các loại gạo tẻ như gạo cúc, gạo co, gạo trì, gạo ba trăng, gạo trăng biển, gạo tứ quý, gạo nhe, gạo bắc thơm, gạo tám, gạo nàng hương là các rượu thơm ngon, ngọt ngào hương vị. Những thương hiệu rượu thường gắn tên rượu với tên của địa phương nơi mà rượu được sản xuất như rượu Kim Sơn, rượu Làng Vân, rượu Kim Long, rượu Bầu Đá, đế Gò Đen, vân vân, hay theo tên của nguyên liệu chính được sử dụng khi nấu rượu như rượu nếp cái hoa vàng, rượu ba trăng, rượu ngô Bắc Hà, rượu nếp cẩm, rượu nếp hương, rượu mầm thóc, vân vân.

Ngoài rượu trắng, ở Cao Nguyên Trung Phần rượu cần, ở miền Nam có rượu nếp than, ở Tây Bắc có rượu nếp nương. Các rượu này có nồng độ nhẹ hơn rượu trắng. Ngoài ra ở Quảng Nam có rượu Tà Vạt làm từ nước rỉ ra từ quả cây Tà Vạt. Rượu Tà Vạt còn là loại rượu phổ biến của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Trong miền Nam, rượu đế củng được dùng ngâm với các loại thuốc Bắc, thuốc Nam; các trái cây như sơ-ri, đào, chuối; và các động vật như rắn, tắc kè, bìm bịp, hổ cốt, cá ngựa. Rượu rắn Phụng Hiệp ở Cần Thơ có tiếng là ngon từ năm 1960 tới nay vẫn còn.

Sau năm 1858, khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, họ mang vào Việt Nam nhiều loại rượu khác và bia. Những giọt bia đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1875, xuất phát từ một phân xưởng sản xuất lập ra ở đường Nguyễn Chí Thanh, Sài Gòn ngày nay. Vào những năm 1960s, Bia 33 rất thịnh hành ở miền Nam, nhất là ở Sài Gòn. Ngày nay ở Việt Nam có nhiều loại và thương hiệu rượu và bia. Trong đó, Bia Sài Gòn thì rất thịnh hành.

Người Việt Nam Uống Rượu

Uống rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng trong những ngày Tết, các lễ hội cúng đình, cúng miễu, hội hè đình đám, lễ hội mừng lúa mới, cơm mới. Trong các lễ hội cúng đình, cúng miễu, rượu giữ vai trò quan trọng về mặt nghi lễ. Xem ra, đến nay không có một lễ nghi nào của người Việt mà không có rượu. Rượu lễ là rượu trắng. Trong phép lễ nghi như cưới hỏi, cúng giỗ, rượu xếp trên cả trầu và cau. Trong mọi hoạt động lễ nghi của đám cưới, đám nói, luôn luôn có một chiếc bình nhỏ và hai chiếc chung nhỏ, gọi là mâm trầu rượu. Muốn nói gì, thưa chuyện gì chú rễ đều phải rót rượu để trình rồi mới thưa chuyện:

Rượu lưu li chân quỳ tay rót,

Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh.

Trong lễ tang, rượu cũng được dùng cúng tế, lễ cúng đám giỗ thì sau ba tuần rượu, hai tuần trà. Trong các lễ nghi như cưới hỏi, cúng giỗ, lễ tang, rượu mời luôn phải rót đầy để tỏ lòng quí khách. Người được mời phải uống cạn để tỏ lòng kính trọng gia chủ.

Ngồi ở nhà sau một ngày làm việc người lao động, người nông dân nhâm nhi một ly rượu để giản gân cốt, trong khi đó người công chức, các quan lại nhâm nhi uống một chén rượu mình để thư giãn đầu óc. Trong những lúc như vậy những người vợ thương chồng cố gắng làm món ngon cho chồng uống rượu. Ca dao Lục Tỉnh có câu:

Đốt than nướng cá cho vàng

Lấy tiến mua rượu cho chàng uống chơi

Nông dân sau khi làm xong công việc gặt hái thường mở một mâm rượu ớ ngoài vườn nhà, hay trên bờ mương đầu ruộng để chia xẽ niềm vui với thợ gặt, láng giềng. Người dân miệt sông nước Cửu Long có đặc tính hào phóng mỗi khi rượu đã vào họ mời vô uống bất cứ ai đi ngang bàn nhậu, không phân biệt quen hay lạ.

Cạn với nhau một chén rượu là để tăng thêm chất men để mừng vui cho ngày gặp mặt trong câu chuyện của những người bạn, người tri kỷ. Trước khi chia tay bạn bè và những cặp trai gái yêu nhau uống với một ly rượu để hẹn với nhau về ngày sẽ gặp nhau trong tương lai. Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu sau:

Chén vui nhớ buổi hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau

Người Việt Nam có tính hiếu khách. Mỗi khi có khách ở xa đến chơi chủ nhà làm một mâm rượu để đải khách:

Bắt con cá lóc nướng trui

Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa.

Ngày xưa, người Việt Nam thích làm thơ và các nhà làm thơ khi gặp nhau họ mời nhau chén rượu rổi họ “chén tạc, chén thù” để tăng thêm thi hứng cho họ đọc thơ, bình thơ trong khi nhâm nhi các cốc/chén rượu. Do đó, khi vắng mặt bạn, nhà thơ mất đi cái hứng thú uổng rượu, làm thơ như Nguyễn Khuyến đã viết:

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

Câu thơ viết đắn đo mới viết

Viết đưa ai ai biết mà đưa

Cũng có nhiều người sau khi chán chê đường công danh hay đã về hưu họ đi về miền quê vắng vẻ và ngồi uống rượu để thưởng thức cảnh thanh bình có trời xanh, mây trắng như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Khi trong tâm-hồn có những chuyện sầu tình lai láng, các nhà thơ thường mang theo túi thơ và bầu rượu và họ uống rượu để tiêu sầu. Trong thời chiến tranh, những người lính ở chốn sa trường thường hay uống rượu để tiêu sầu, để quên đi những tháng ngày xa gia đình và vợ con. Cuộc chiến tranh vừa qua đã đưa nhiều thanh niên đến với quán nhậu, tìm đến rượu bia để quên đi cái đe dọa của cái chết. Quán nhậu có thể ở bên vĩa hè đường hay trong nhà hàng.

Có nhiều người thích uống rượu bằng chén nhỏ/cốc nhỏ; họ thường tay nâng chén rượu lên miệng, nhấp một hớp nhỏ, khẽ chép miệng cho hương vị của rượu ngấm vào đầu lưỡi rồi mới tiếp tục uống hớp thứ hai, thứ ba. Có nhiều người thích uống rượu bằng ly và uống cạn hết ly trong một lần uống. Có nhiều người thích uống rượu từ bình/chai rượu. Trong miền Nam đôi khi cả mâm rượu chỉ dùng chung một ly và “chủ xị” làm người cầm chai rót rượu và chuyền ly rượu đến từng người uống. Tại Mèo Vạc, Đồng Văn, Hà Giang nhiều phụ nữ người H’Mong uống rượu bằng bát. Đồng bào ở cao nguyên Trung Phần dùng cần làm bằng cây trúc, tre thân rỗng, dài gần 1 mét cắm vào tận đáy ghè rượu để uống.

Ảnh Hưởng Của Uống Rượu

Thường thường uống rượu thì say. Khi tửu nhập thì ngôn xuất, mà ngôn lại xuất lúc trí óc không sáng suốt nên lắm lúc nói năng lung-tung, lời qua tiếng lại đụng chạm tha nhân làm mất lòng người. Ca dao Việt Nam có câu:

Ở đời chẳng biết sợ ai

Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày

Khi say rượu thì không thể làm gì được cả, bởi vì khi ma men đang điều khiển thì lý trí bị lu mờ và không có thể kiểm soát được mà chỉ thị cho cơ thể hành động. Uống rượu không điều độ, uống nhiều rượu suốt đêm, là một sự lãng phí, bỏ công ăn việc làm, hao tiền tốn của. Ca dao Việt Nam có các câu sau:

Ai ơi uống rượu thì say

Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo

Hay

Rượu chè, cờ bạc lu bù,

Hết tiền đã có mẹ thằng cu bán hàng

Nhiều người muốn chừa không uống rượu nữa. Nhưng chừa rượu rất khó như Nguyễn-Khuyến có viết:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa

Hay ưa nên nỗi không chừa được

Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa

 

Tuy nhiên, uống rượu có văn hóa và điều độ thì tốt cho sức khỏe như Hải Thượng Lãn Ông có viết:

Sáng ra uống một ấm trà

Buổi tối uống ba chén rượu

Ngày nào cũng như vậy

Thầy thuốc khỏi đến nhà

Người Việt Nam có tục ăn cơm rượu và uống rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ, ngày 5 tháng 5 âm lịch. Tục ăn cơm rượu và uống rượu này là do niềm tin của dân chúng về khả năng chống sâu bọ của rượu.

Uống rượu cũng đem lại niềm vui và tình yêu trong tuổi già như Vô Danh Lão Ông có viết:

Mỗi năm tết đến một lần

Mời em ly rượu tay nâng ngang mày

Vợ cười chưa uống đã say

Ngọt ngào bao nổi đắng cay thì thầm

Quanh năm quyết giữ chữ tâm

Loay hoay chi lắm tóc dần bạc đi

December, 2014