Dân Tộc Tính trong Văn Học

Xuân Bích

Nếu trong một khoảnh khắc nào đó ta trầm tư, tự hỏi “dân tộc tính là gì, quan trọng ra sao và ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống,” có lẽ cuối cùng trong tâm thức ta cũng chỉ thấy thoáng hiện ý niệm đó là đặc trưng nổi bật của một cộng đồng dân tộc có chung một quê hương, nói khác đi là chung một lãnh thổ, một ngôn ngữ, một nền văn hóa đã trải nghiệm qua quá trình lịch sử.

Nét đặc thù của “dân tộc tính” thường là không hoặc ít khi bộc lộ một cách cụ thể như một biểu hiện hữu hình mà là một sự thấm sâu trong tâm hồn qua những cảm xúc, những gì thu nhận được qua các giác quan, tạo nên “nhân sinh quan” để rồi thể hiện qua những câu “truyền khẩu” và qua những tác phẩm của các văn gia, thi sĩ, ví như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Người đọc thấy trong đó nhiều địa danh, nhân vật, kể cả nội dung câu chuyện đều có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng với tài năng sáng tạo và Việt hóa của nhà thơ, ta vẫn cảm nhận được hồn dân tộc thấm đậm trong từng trang Truyện Kiều.

Nhân vật Thúy Kiều chính là mẫu người phụ nữ Việt với tinh thần trọng hiếu nghĩa, chịu đựng tất cả vì gia đình. Nàng đã hy sinh mối tình riêng thơ mộng với Kim Trọng để cứu cha khỏi vòng lao lý. Kiều cam chịu mọi tai tiếng, mọi sự phê phán, lên án gắt gao của người đời trong xã hội. Khi tác phẩm Truyện Kiều ra đời có kẻ khen cũng có người chê, trong số những người lên án Kiều đều nhắm vào quan điểm đạo đức, cho Kiều là hạng “gái lầu xanh”:

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai

(Nguyễn Công Trứ)

Dân tộc tính (DTT) là những nét mang tính lập đi lập lại thành nếp tinh thần của một dân tộc. Trên một khía cạnh khác nêu lên những đức tính của phụ nữ Việt, từ xa xưa cho tới ngày nay hầu như có một điểm gì chung là chịu khó, chung thủy, nặng tình cảm, giầu lòng hy sinh. Những tình tự ấy quả đã bàng bạc trong những áng ca dao, trong những khúc hát ru con, trong những tiếng dân ca, và cụ thể là qua những công việc thường nhật.

Đó là trong thi ca nói chung, còn riêng với thơ hẳn nhiều người trong chúng ta cũng đã từng đọc hoặc từng nghe những tâm tình của các thi gia như Tú Xương với những câu tình nghĩa viết về bạn đời:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân có khi quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông

Hoặc ta còn nghe nhà thơ Hồ Dzếnh ca tụng người con gái Việt Nam:

Cô gái Việt Nam ơi

Từ thuở sơ sinh lận đận rồi

Tôi biết tình cô u uất lắm

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa

Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha

Khi cô vui thú là khi đã

Bồng bế con thơ đón tuổi già

Đó là chuyện những cô gái thời xưa còn ngày nay chắc cuộc sống ít nhiều gì cũng đã có phần khác xưa. DTT còn thể hiện qua cái nhìn đối với thế giới bên ngoài, trước không gian và qua thời gian, qua mối quan hệ xã hội. Người quân tử sống an nhiên tự tại với thiên nhiên, cảnh vật như ta nghe Nguyễn Trãi trong bài “Côn Sơn Ca”:

Côn Sơn có khe

Tiếng nước chẩy rì rầm

Ta lấy làm đàn cầm

Côn Sơn có đá

Mưa xối rêu xanh đậm

Ta lấy làm chiếu thảm

Và rồi một Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Nhàn” lại có những câu:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao.

Tác giả có thật là người dại không? Hẳn là không, cái dại ở đây, trên một khía cạnh nào đó, chính là cái khôn của người từng trải. Kinh nghiệm trần thế vốn đã cho ta thấy muốn được thư thái, an bình trong tâm hồn thường chỉ có ở những nơi vắng vẻ, yên tĩnh với không khí thiền, ngược lại chỗ ồn ào, xôn xao tâm hồn dễ bị giao động.

Có thể nói DTT là thuộc tính tất yếu của văn học mà một khi đã được ghi nhận là thuộc tính thì hẳn nhiên không nên có sự đánh giá.Từ đó đã có quan niệm cho rằng nếu không có DTT, không thể là con người thực sự. Chế độ cộng sản chủ trương “tam vô” (gia đình, tổ quốc, tôn giáo) tức đã chối bỏ DTT, khiến cho con người bị chế độ này áp bức dễ trở thành tàn bạo, vô lương tâm.

Với quê hương Việt Nam, ngay từ thời dựng và giữ nước, trong những tác phẩm giá trị của tiền nhân để lại đã đậm nét hồn Việt trong những ngôn từ dân tộc. Điển hình như trong bài “Nam Quốc Sơn Hà”của Lý Thường Kiệt, hoặc như Truyện Kiều, một trường thi sâu sắc nhất từ hình thức (thơ lục/bát – một thể thơ mang bản sắc dân tộc, bắt nguồn từ ca dao, tiếng nói tâm thức của người dân) đến nội dung đậm đà tình và nghĩa.

Trở lại với văn học dân gian, mỗi khi trên bước đường lưu lạc, lòng nhớ cố hương, niềm nhớ gắn liền với đất nước, với những kỷ niệm ngọt bùi cay đắng trong những ngày nắng mưa, gió mùa, khuya sớm, như trong câu ca dao:

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai gánh nước bên đường hôm nao

Ca dao chính là nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng hồn dân tộc. Những hình ảnh miền quê sau lũy tre xanh khó phai mờ một khi hồn Việt còn canh cánh bên lòng hun đúc tình quê. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã có lần gợi lại qua những vần tình tự:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.

DTT còn là một khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng-thẩm mỹ, có mối liên hệ giữa văn học và dân tộc. DTT không hẳn là một yếu tố định vị, bất biến, bởi với cộng đồng nhân loại ta còn có những liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau qua giao tiếp, từ đó ít nhiều gì cũng có sự pha trộn đem lại những nét mới, hoàn thiện và thăng hoa phẩm chất dân tộc. Vì vậy có thể nói “nhân loại tính” là thước đo DTT. Sự giao thoa văn hóa và văn học nghệ thuật có thể phong phú hóa, hiện đại hóa DTT cho nhau.

Văn học và văn hóa lên tiếng bằng ngôn từ nghệ thuật. Qua các thể loại của văn chương truyền miệng, và độc đáo trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người ta thấy được vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, những bức tranh dân gian linh hoạt, ý nhị. Ngoài ra còn qua những kịch tác phẩm. Văn học không chỉ ở đề tài mà còn ở tinh thần sáng tác của tác giả đồng thời ở tinh thần tiếp nhận nơi độc giả. Do đó văn học là thước đo vừa ước lượng vừa kiểm nghiệm phẩm chất cũng như trình độ văn hóa xã hội trong từng giai đoạn. Thơ Tản Đà được coi như là xen kẽ giữa cũ và mới, giữa văn hóa truyền thống Đông phương và văn hóa hiện đại Tây phương trong bước đầu hội nhập.

Có thể nói mất bản sắc dân tộc trong văn học thì văn học của dân tộc đó cũng không còn, các tác phẩm của cá nhân đó cũng không còn giá trị văn học thuần túy nghệ thuật nữa và đương nhiên không được chấp nhận là văn học dân

tộc. Một thí dụ là trường hợp thơ của Tố Hữu:

Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một thương ‘ông’ thương mười

hoặc:

Yêu biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin

Trước hết với góc nhìn của con mắt nghệ thuật, hai câu trên đúng ra là những khẩu hiệu tuyên truyền cho một chủ nghĩa qua hình thức tôn sùng cá nhân hơn là thơ vì đã tước bỏ yếu tố nghệ thuật của thơ là tiếng nói tâm thức của hồn Việt, đã pha mầu chính trị làm mất đi bản sắc văn hóa dân gian. Văn hóa dân tộc nào cũng thế, không chấp nhận thứ tình cảm yêu thương một ngoại nhân gấp mười lần tình cảm dành cho người thân, cho cha mẹ, chồng con.

Trở lại với loại thơ phi bản sắc dân tộc, cố thi hào Vũ Hoàng Chương đã có lần sau biến cố “Quốc Hận” tháng Tư 1975, nhân khi được mời (với tính cách ép buộc) tham dự “Đêm Họp Mặt Văn Nghệ’ chủ yếu là để nhà thơ họ Vũ đề cao thơ Tố Hữu, dõng dạc lên tiếng:

Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phô diễn nên lời một tình tự nào đó rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phô diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao […] Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực, không chấp nhận loại tình tự hư hoang […] Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tượng trên sự thực để thăng hoa sự thực. Tiếng khóc, tiếng nói của bà mẹ trong thơ Tố Hữu là tiếng tuyên truyền không có sức truyền cảm, nó trở nên gian dối, hoang tưởng, vô giá trị cả về phương diện văn học lẫn dân tộc tính. Điều khẳng định ở đây không có một bà mẹ Việt Nam chân chính nào có thể lên tiếng nói, tiếng khóc như bà mẹ giả tưởng của Tố Hữu.”

Có thể nói DTT thể hiện rõ nét nhất ở ngôn ngữ vì ngôn từ là yếu tố cần thiết của văn chương. Đặc tính giầu hình ảnh và nhạc tính của ngôn ngữ Việt quả đã là điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và trình diễn. Từ xưa ta đã có câu “Thi trung hữu nhạc/họa.” Ngoài những áng ca dao, Truyện Kiều là một tuyệt tác phẩm với những hình ảnh và từ ngữ gợi thanh đầy thi tính.

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bác ngang

hoặc:

Dưới cầu nước chẩy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Mầu sắc dân tộc trong văn học là gì nếu không là những tình tự phát xuất từ nếp sống đơn sơ, hồn nhiên nơi miền thôn dã. Trong thơ Nguyễn Bính người ta cũng đã cảm nhận điều này qua những câu:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào

Hình ảnh biểu trưng làng quê mộc mạc, nên thơ, không là nơi xa hoa tráng lệ, phồn hoa. Như nỗi nhớ qua sự ví von:

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Nhà thơ dùng các danh xưng còn vương ý e dè, ý nhị, khác với một Xuân Diệu sôi nổi, cuồng nhiệt theo cường độ lãng mạn Tây phương, âu cũng là dấu hiệu chuyển mình phần nào của DTT vậy:

Trời ơi!… ôm lấy say sưa

Mặt khao khát mặt lòng mơ ước lòng

hoặc:

Áo em để lại dáng hình

Treo trên mắc áo cho mình thấy thương

Văn học và giáo dục đồng hành trong việc xây dựng nền văn hóa mang DTT sâu sắc, đầy đặn ý tình. Tại Việt Nam trước đây những nhà văn tên tuổi với những tác phẩm giá trị của họ ta có thể kể như:

“Việc Làng, Lều Chõng” của Ngô Tất Tố

“Con Trâu, Chồng Con” của Trần Tiêu

“Làm Lẽ, Sống Nhờ” của Mạnh Phú Tứ

“Quê Người” của Tô Hoài

Con đường mà nhân loại đã đang đi chính là hành trình tiến tới các giá trị nhân văn với mọi nền văn hóa. Tuy nhiên với Việt Nam trong tinh thần Việt hóa tài tình nên vẫn duy trì và thể hiện được bản sắc riêng của mình.Éo le thay, một đất nước với tinh thần hiếu hòa lại phải đối đầu với giặc ngoại xâm, phải chịu đựng hai phần ba lịch sử chiến tranh.