Đàm Trung Pháp

CHÍNH TRỰC VÀ CAN TRƯỜNG

Nguyễn Biểu (1350-1413) ra đời tại tỉnh Hà Tĩnh lúc nhà Trần sắp cáo chung. Ông trở thành một Ngự sử (vị đại thần có trọng trách can ngăn nhà vua không làm điều sai quấy) chính trực và can trường vào bậc nhất trong lịch sử. Lúc Hồ Quý Ly đang cướp ngôi vua và quân nhà Minh bên Tàu đang xâm lăng Việt Nam dưới chiêu bài diệt kẻ chiếm quyền và tái lập vương quyền nhà Trần, Nguyễn Biểu ra giúp vua Trần Trùng Quang chặn đứng quân Minh gian trá. Sau khi thất thủ Nghệ An năm 1413, nhà vua rút quân về Hóa Châu và nhờ ngự sử Nguyễn Biểu thương lượng hòa bình với tướng nhà Minh là Trương Phụ. Nhưng sau cuộc gặp gỡ, Trương Phụ không cho Nguyễn Biểu ra về. Vô cùng tức giận, ông nói vào mặt Trương Phụ và bè lũ, “Chúng bay chỉ giả bộ nhân nghĩa và chính trực kéo quân sang cứu vớt nhà Trần, vì thực ra chúng bay chỉ là một lũ xâm lăng với mưu đồ cướp nước và áp bức dân tộc chúng tao. Chúng bay quả thực là một bọn ăn cướp gian ác” (Nguyễn Huyền Anh 1990, trang 217).

Tái mặt vì lời tố cáo gan dạ ấy, viên tướng xảo quyệt Trương Phụ muốn biết Nguyễn Biểu có thực sự là gan dạ hay không bằng cách hứa hẹn sẽ cho ra về sau khi ông ăn xong một bữa “cỗ đầu người” mà Trương Phụ khoản đãi. Không ngần ngại, ông ngồi xuống, móc mắt đầu lâu luộc cho vào miệng rồi vừa nhai vừa ngâm bài thơ “Ăn cỗ đầu người” nhạo báng kẻ xâm lăng. Trương Phụ nuốt hận mà cho Nguyễn Biểu ra về. Nhưng ngay sau đó, nghe lời xúi dục của bộ hạ, Trương Phụ cho bắt lại vị ngự sử chính trực và can trường ấy, trói ông vào một chân cầu, khiến ông chết đuối khi thủy triều dâng.

Mời quý bạn thưởng lãm bài thơ Đường luật cuối đời của Nguyễn Biểu, ghi lại dưới đây cùng với chút hiểu biết và suy tư hạn hẹp của người viết qua các cước chú liên hệ. Xin các bậc cao minh chỉ giáo nếu bài viết có chỗ nào bất cập.

ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI [1]

Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi [2]
Gia hào thêm có cỗ đầu người
[3]
Nem cuông, chả phượng còn thua béo
[4]
Thịt gụ, gan lân hẳn kém tươi
[5]
Ca lối lộc minh so cũng một
[6]
Vật bày thỏ thủ bội gấp mười
[7]
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
[8]
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời [9]

= = = 

[1] Bài thơ châm biếm này làm theo Đường luật gắt gao. Như các thi sĩ uyên bác thuở xưa, Nguyễn Biểu (một tiến sĩ nho học) dùng nhiều điển tích từ văn học Trung hoa. Ông so sánh bữa tiệc khủng khiếp này với các bữa tiệc sang trọng có ca nhạc du dương của vua chúa mô tả trong Kinh Thi.

[2] Thức ăn ngon đắt tiền.

[3] Thức ăn ngon để nhắm rượu.

[4] “Cuông” là lối phát âm theo phương ngữ Hà Tĩnh của chữ “công.”

[5] “Gụ” là lối phát âm theo phương ngữ Hà Tĩnh của chữ “gấu.”

[6] Nguyễn Biểu ám chỉ đến Kinh Thi, một trong ngũ kinh do Khổng Tử san định. “Lộc minh” là một bài thơ được ngâm nga trong các bữa tiệc vua Tàu ban cho triều thần để kết thân với họ.

[7] Cỗ đầu người này còn ngon hơn cả tiệc lôc minh đến mười lần.

[8, 9] Phàn Khoái là một người có sức khỏe lạ thường, có thể vừa nhảy múa, vừa đánh kiếm, vừa ngấu nghiến cả một vai lợn trong tiệc rượu. Nguyễn Biểu so vai trò của mình lúc này với vai trò của Phàn Khoái khi Phàn Khoái cứu mạng Lưu Bang khỏi tay sát thủ do Hạng Võ gửi đến bữa tiệc. Phàn Khoái sau đó giúp Lưu Bang (một tay kiêu ngạo khét tiếng) lập ra nhà Hán rồi trở thành một danh tướng.

= = = 

Hook, Brian (1991). The Cambridge encyclopedia of China. Cambridge University Press.

Nguyễn Huyền Anh (1990). Danh nhân từ điển. Pearland, TX: Zieleks

Tạ Quang Phát (1969). Thi Kinh tập truyện (Tập II). Saigon: Bộ Giáo Dục.

Trần Trọng Kim (1971). Việt Nam sử lược (Quyển I). Saigon: Bộ Giáo Dục.

Wilkinson, Endymion (2000). Chinese history: A manual. Harvard University Press.

[ĐTP 2019]