CÂU ĐỐI

對聯

Trần Bích San

Dân tộc Việt Nam từ thượng cổ đã tổ chức thành xã hội sinh sống ở vùng đất Bắc Kỳ và miền cực bắc Trung Kỳ ngày nay. Trong lúc nước ta còn ở trình độ bán khai thì bị Tàu đô hộ hơn 1000 năm (từ 207 TTL đến 939 STL). Với chủ trương đồng hóa của người Tàu sau một thời gian dài tất nhiên không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng về nhiều phương diện.

Sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng lấy lại được nền độc lập vào năm 939, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng của Tàu về phương diện tư tưởng và văn hóa. Chữ Tàu được dùng làm văn tự của quốc gia trong việc học hành, thi cử, luật lệ, giấy tờ. Sĩ phu theo đạo Nho, học hành thi cử, viết văn bằng chữ Nho (chữ Tàu bị Việt hóa), trước tác thơ văn cũng theo các thể văn và lề luật văn chương Tàu.

Cuối thế kỷ thứ 13, Hàn Thuyên sáng tác thi ca bằng chữ Nôm (chữ riêng của Việt Nam biến chế từ chữ Nho mà thành), nhờ thế tạo được phong trào viết văn bằng chữ Việt. Từ đó về sau mới có nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm nhưng các thể thơ văn, phép tắc, niêm luật phỏng theo thơ Tàu, chỉ có một số ít là của riêng nước ta.

Thi pháp của ta tức là thi pháp Tàu. Thơ, phú, văn tế, văn bia, cho đến thể lục bát hay song thất lục bát của ta cũng đều có câu đối ở trong.

CÁC THỂ VĂN

Các thể văn mượn của Tàu gồm 3 loại:

1. Vận Văn 韻 文: (vận = vần) loại văn có vần gồm thơ Đường, thơ Cổ Phong, Cổ Phú, Đường Phú và Văn Tế. Vận văn có vần ở câu cuối, hầu hết thơ, phú chữ nôm đều theo Đường cách. Bài phú sớm nhất của ta hiện còn là về đời Mạc. Văn Tế theo thể Đường Phú chỉ thấy xuất hiện vào thời nhà Tây Sơn. Các thể văn của riêng nước ta đều thuộc về văn vần gồm có lục bát, song thất và các biến thể của 2 loại này là hát nói, sẩm, lý, hề, điên, tuồng.

2. Tản Văn 散 文:(tản = tản mác, không bị kiềm thúc, tự do) không có vần cũng không cần phải đối, tức là văn xuôi.

3. Biền Văn 騈 文: (biền = 2 con ngựa đi sóng nhau) còn gọi là biền ngẫu 偶, đối ngẫu 對 偶, là loại văn không vần nhưng có đối gồm các thể Câu Đối, Tứ Lục (Chiếu, Hịch, Cáo), Văn Sách, Kinh Nghĩa. Biền văn là loại văn có đối trong câu. Các loại biền văn có rất ít trong văn chữ Nôm. Hai thể Văn Sách và Kinh Nghĩa chỉ còn mấy bài của Lê Quí Đôn nhưng tựa như ông làm để đùa cợt với lối văn khoa cử. Thể tứ lục có vào thời nhà Tây Sơn được dùng trong Chiếu, Cáo, Hịch.

ĐỐI TRONG THƠ VĂN

Định Nghĩa

Đối là 2 chữ, câu, hoặc đoạn văn đi sóng đôi với nhau cân xứng, đối chọi nhau cả về ý lẫn lời.

Luật Đối

Phép đối đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài các chữ đối nhau còn có các câu hoặc đoạn văn đối nhau. Không những trong vận văn và biền văn bắt buộc phải dùng phép đối, ngay cả tản văn tuy không bắt buộc nhưng đôi khi cũng phải dùng cho câu văn được cân đối, xuôi tai, êm ái, du dương.

1. Đối ý

Hai ý tưởng cân xứng nhau, chẳng hạn như trong bài Chiều Hôm Nhớ Nhà của Bà Huyện Thanh Quan, câu 3 và 4 là hai cảnh cân xứng trong buổi chiều tà, một bên là hình ảnh vài cánh chim bay về tổ đối lại với một bên là người lữ khách tha hương bâng khuâng nhớ nhà:

Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà

2. Đối chữ

Đối về thanh của chữ và đối về loại của chữ.

– Đối về thanh: vần bằng đối với vần trắc, và ngược lại, vần trắc đối với vần bằng. Trong thể thơ các chữ trong câu đều phải đối về thanh, nhưng trong thể phú chỉ cần đối một vài chữ theo lệ đã định về thanh mà thôi.

– Đối về loại: hai chữ phải cùng một loại, có 2 loại:

  1. Thực tự (chữ nặng): như trời đất, cây cỏ, nhà cửa, ao vườn, v.v.
  2. Hư tự (chữ nhẹ): như các chữ thì, là, mà, vậy, ru.

Thực tự phải đối với thực tự, hư tự phải đối với hư tự. Nói cách khác, 2 chữ đối nhau phải cùng một tự loại như danh từ đối với danh từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ, trạng từ đối với trạng từ, động từ đối với động từ. Nếu có chữ Nho thì chữ đối cũng phải là chữ Nho.

Thí dụ: câu 5 và 6 trong bài Đi Thi của Trần Kế Xương:

Lộc nước cũng nhờ thêm giải ngạch
Phúc nhà may được sạch trường quy

(giải ngạch đối với trường quy)

Nếu đối được cả về ý lẫn chữ thì được gọi là đối chỉnh hay đối cân.

Câu đối là bước đầu căn bản làm văn. Một câu đối vài chữ mà làm được thì nhiên hậu mới có thể sáng tác các loại khác như thơ, phú, bài đoạn, văn sách, kinh nghĩa. Câu đối đơn giản so với các loại thơ văn khác vì vỏn vẹn chỉ có 2 câu nhưng rất khó. Mỗi từ phải chọn lựa, gạn lọc, so sánh sao cho chắc chắn, già dặn, đối chọi, cân xứng, xắp đặt, mài dũa, gọt tỉa cho phân minh, gọn gàng, sáng sủa. Ý đối cho hay và cần sâu xa, thâm thúy.

VẾ CÂU ĐỐI

Định Nghĩa

Vế câu đối chữ Nho là đối liên 對 聯, doanh liên, doanh thiếp (doanh = cái cột, liên = đối nhau, thiếp = mảnh giấy có viết chữ) là 2 câu văn đi sóng đôi với nhau cân xứng cả về ý, chữ, và luật bằng trắc, mỗi câu là 1 vế. Vế câu đối gọi là đôi liễn (do đọc trại từ chữ liên) là 2 bức dài làm bằng giấy bồi hoặc vóc lụa, mỗi bên viết một vế của câu đối, dùng dán lên cột nhà hoặc treo tường. Câu đối thờ làm bằng gỗ sơn mài, chữ xà cừ hoặc sơn son thiếp vàng.

Câu đối do một người làm thì câu trước gọi là vế trên (bắt buộc chữ cuối của vế trên phải là vần trắc), câu sau gọi là vế dưới (chữ cuối cùng phải là vần bằng). Nếu do hai người làm thì câu của người làm trước gọi là vế ra (không bắt buộc chữ cuối phải là vần trắc, vần nào cũng được), câu của người làm sau đáp lại gọi là vế đối.

Cách Treo Câu Đối

Chữ Nho hay chữ Nôm khi viết từng chữ thì các nét đi từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Nguyên câu phải viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái (bìa trước quyển sách chữ Nho là bìa sau của sách Chữ Quốc Ngữ).

Khi treo câu đối thì vế trên treo bên tay phải, vế dưới treo bên tay trái của người nhìn vào câu đối. Người ta chỉ treo câu đối do một người làm, không ai treo câu đối một người ra, người khác đối.

Với Chữ Quốc Ngữ, để cho dễ đọc, câu đối chữ Việt được treo thuận tức là vế trên ở bên trái, vế dưới ở bên phải của người đứng nhìn, đọc câu đối.

Xuân tái đáo môn tiền phúc đáo.jpgHoa hựu khai thiên ngoại thi khai.jpg

Xuân tái đáo môn tiền phúc đáo

Hoa hựu khai thiên ngoại thi khai

Cách treo câu đối chữ Nho hay chữ Nôm: vế trên bên phải, vế dưới bên trái (câu cuối vần trắc treo bên tay phải, câu cuối vần bằng treo bên tay trái)

Câu đối 01 - Copy.jpgCâu đối 01.jpg

Cách treo câu đối chữ Quốc Ngữ từ trái sang phải

(vế trên bên trái, vế dưới bên phải)

I. CÁC THỂ VÀ LUẬT CỦA VẾ CÂU ĐỐI

Vế câu đối không hạn chế số chữ, dài ngắn thế nào cũng được, gồm 3 thể chính là Tiểu Đối, Câu Đối Thơ, Câu Đối Phú.

1. Tiểu Đối

Thể Tiểu Đối là câu đối có 4 chữ hoặc ít hơn. Bắt buộc vần của chữ cuối vế trên phải ngược lại với vần của chữ cuối vế dưới. Bằng đối với trắc và ngược lại, nếu tất cả  các chữ của 2 vế cùng đối nhau về bằng trắc thì tốt nhất.

Đông Tây! đông Tây!
Vắng khách! vắng khách!

Giai thoại: Hoàng Tích Chu chủ bút báo Đông Tây ở Hà Nội hay lui tới phố Khâm Thiên vì quen thân với bà Đốc Sao là chủ nhà hát cô đầu mặc dù ông không biết đánh trống ả đào và bà chủ cũng chưa hề gõ phách bao giờ. Câu đối trên diễu cợt hai người khi thấy họ Hoàng giơ cao roi chầu đánh mấy tiếng trống dạo Tom! Tom! Tom! Tom! mà âm thanh từa tựa như Đông Tây! Đông Tây! Trong khi bà Đốc gõ dịp phách đáp lại kêu lát chát, lát chát âm thanh nghe na ná như Vắng khách! Vắng khách!

Câu đối đùa bỡn dí dỏm ở chỗ chữ đông là đông đúc, đông Tây còn có nghĩa là nhiều người Pháp, vế dưới chữ “vắng” đối với “đông”, chữ khách còn có nghĩa là người Tàu, vắng khách là ít Tàu đối với nhiều Tây. Thêm nữa, Đông Tây là tên tờ báo của Hoàng Tích Chu, còn vắng khách chỉ sự ế ẩm nhà cô đầu của bà Đốc Sao.

2. Câu Đối Thơ

Thể Câu Đối Thơ là câu đối làm theo thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ):

– Thể ngũ ngôn

Vắt vẻo sườn non trạo

Lơ thơ mấy ngọn chùa

(Vô Danh, câu thực của ngũ ngôn)

Nỗi ấy biết cùng ai

Cảnh này buồn cả dạ

(Nguyễn Khuyến, câu luận của ngũ ngôn)

– Thể thất ngôn

Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương

(Cao Bá Quát)

Ba hồi trống giục đù cha kiếp

Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời

(Cao Bá Quát)

Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn

Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang

(Cao Bá Quát, Hịch Khởi Nghĩa)

Phải theo đúng luật bằng trắc của 2 câu thực (3 & 4), hoặc 2 câu luận (5 & 6) trong lối thơ ngũ ngôn và thất ngôn.

Lưu ý: nếu thấy câu đối thơ nào không theo luật thơ ngũ ngôn và thất ngôn thì những câu ấy làm theo luật bằng trắc của thể câu đối phú.

3. Câu Đối Phú

Chữ cuối 2 vế phải theo luật bằng, trắc. Chữ cuối vế trên là vần bằng thì chữ cuối vế dưới phải là vần trắc, hoặc ngược lại. Làm theo lối đặt câu của thể phú, có 3 loại:

3.1 Song Quan (song quan 雙 關 = hai cửa): là câu đối có từ 6 đến 9 chữ:

Mười rằm trăng náu mười sáu trăng treo

Tháng chạp sấm ra tháng ba sấm dậy

Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi
Cuộc uống rượu be sành chắp cổ

(Nguyễn Công Trứ, Hàn Nho Phong Vị Phú)

Trói chân kỳ kí tra vào rọ
Rút ruột tang bồng trả nợ cơm

(Nguyễn Công Trứ, Tự Vịnh)

Kỳ kí: tên 2 loại ngựa quý. Kỳ 騏 ngựa xám, ngựa tốt. Kí 驥: ngựa kí ngày đi nghìn dặm mà lại thuần.

Tang bồng: tang 桑: gỗ dâu, bồng 蓬: cỏ bồng. Ngày xưa cung làm bằng gỗ dâu (tang hồ 桑弧: cung dâu), tên làm bằng cỏ bồng. Hai chữ tang bồng thường đi với hồ thỉ. Hồ 弧: cái cung gỗ, thỉ 矢: cái tên. Tang bồng hồ thỉ 桑 蓬 弧 矢 ý nói chí làm trai vẫy vùng ngang dọc.

3.2 Cách Cú (cách 隔 = ngăn ra, cú 句 = câu): mỗi vế câu đối chia làm 2 đoạn:

– Đoạn trước ngắn, đoạn sau dài

Đất chẳng phải chồng/đem gởi thịt xương sao lợi?
Trời mà chết vợ/thử xem gan ruột mần răng?

(Thày đồ xứ Nghệ khóc vợ)

Đoạn trước dài, đoạn sau ngắn

Bình gấm phất phơ/oanh chọc én

Trướng hoa nghiêng ngửa/phượng đè loan

(Tú Xuất, mừng đôi trai gái mới thành hôn)

Nguyên là câu đối chữ Nho:

Loan đề phượng ngữ/nghênh hoa trướng

Yến trục oanh phi/phất cẩm bình

Nghĩa là:

Chim loan hót, chim phượng ca, nghênh đón trướng hoa

Chim yến đuổi, chim oanh bay, rung động màn gấm

Đọc ngược câu đối chữ Hán:

Bình cẩm phất phi, oanh trục yến

Trướng hoa nghênh ngữ, phượng đề loan

Nghĩa là:

Bình gấm phất phơ, oanh chọc én

Trướng hoa nghiêng ngửa, phượng đè loan

Câu đối công phu vì xuất xứ từ đọc ngược lại của câu đối chữ Nho, nhưng nói được cảnh phòng the “phượng đè loan” của đôi trái gái mới lấy nhau thì quá tài tình.

3.3 Gối Hạc (hay Hạc Tất) 鶴 膝: mỗi vế câu đối có từ 3 đoạn trở lên, đoạn giữa (gọi là đậu câu) thường ngắn xen vào 2 đoạn kia như cái đầu gối giữa 2 ống chân con hạc.

Chữ cuối của một vế và chữ cuối của tất cả các đậu câu (tất cả các đoạn phía trước đoạn cuối cùng, kể cả đoạn đầu) phải theo luật bằng trắc. Nếu chữ cuối của vế vần bằng thì chữ cuối của tất cả đậu câu phải là vần trắc, và ngược lại.

Câu đối có 3 đoạn

Trên quan dưới dân/sao cho trên thuận dưới hòa/lắm kẻ yêu hơn nhiều người ghét

Người làng trong họ/ quý hồ ngoài êm trong ấm/một câu nhịn là chín câu lành

Câu đối có 4 đoạn

Nghển cổ cò/trông bảng không tên/Trời đất hỡi/văn chương xuống bể

Lủi đầu quốc/về nhà gọi vợ/mẹ đĩ ơi/tiền gạo lên trời

Người nước Nam/hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng Tây/hỏi tiếng Tàu chẳng biết tiếng Tàu/cho nên phải minh tiên vương chi đạo dĩ đạo

Nhà hướng Bắc/người chưa rét thì mình đã rét/người chưa bức thì mình đã bức/mới gọi là tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu

(Nguyễn Khuyến)

Minh tiên vương chi đạo dĩ đạo nghĩa là làm sáng tỏ cái đức của vua đời trước mà noi theo. Tiên thiên hạ nhi ưu chi ưu nghĩa là lo trước những điều lo của mọi người.

Câu đối này độc đáo ở chỗ có cả chữ Nôm và chữ Nho.

– Câu đối có 5 đoạn

Đồ vương tranh bá/thôi nói chi lịch đổi số trời/hỏi trước sau hơn bốn ngàn năm/nước biếc non xanh/bờ cõi ai xây bờ cõi ấy

Vấn tổ tìm tông/nay vẫn còn lăng xưa miếu cũ/kể nhiều ít hai mươi lăm triệu/con đàn cháu đống/cỗi cành đâu chẳng cỗi cành đây

(Nguyễn Kỳ Nam, câu đối đền Thượng Vua Hùng)

4. Câu Đối Khổ Độc

Khổ độc có nghĩa khó đọc, không xuôi tai, khó nghe.

Mười mấy khóa còn gì, nhờ trời có phúc có phận

Năm mươi tuổi thành tài, mừng ông càng dẻo càng dai

(Vợ Bùi Hoàn mừng chồng thi đỗ)

Vế đầu, cuối đoạn 1 vần bằng (gì), vế dưới cuối đoạn 1 phải vần trắc, nhưng vẫn là vần bằng (tài).

5. Câu Đối Thất Luật

Các câu đối không theo luật đối (về ý và thể loại) là các câu đối thất luật. Thí dụ như chữ cuối của vế trên và vế dưới không đối nhau:

Tháng tám gặt chin tháng một

Nồi tư mua năm quan sáu

Vế trên câu cuối vần trắc (một), vế dưới câu cuối lẽ ra phải vần bằng, nhưng ở đây vẫn là vần trắc (sáu).

II. CÁC LOẠI CÂU ĐỐI

Được phân loại theo ý nghĩa, câu đối gồm các loại sau:

01. Câu Đối Tết (Xuân thiếp 春 帖)

Dán nhà, đền, chùa vào dịp tết Nguyên Đán.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

TDG 14

Dựng cây nêu ngày Tết – Tranh mộc bản

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

(Tú Xương)

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà

(Nguyễn Công Trứ)

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lý lại nằm mèo

(Nguyễn Khuyến)

Khi chén rượu, khi cuộc cờ, nét vẽ, cung đàn câu thơ, làng chơi biết cho đủ

Lúc mây mưa, lúc hoa sớm, nước biếc, trăng trong gió mát, ngày Xuân hãy còn dài

(Câu đối Tết, tập Kiều)

Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đem quỉ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho

thiếu nữ rước xuân vào

(Hồ Xuân Hương)

https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQszXToIYFBEb3PgNbWsd7fxTTU1dlDJ_dABTHS_EAdiHMMMGC2Wg

Tranh Tết

02. Câu Đối Các Dịp Vui, Buồn

Làm trong những dịp vui như chúc thọ, thi đỗ, đám cưới, nhà mới, thăng quan tiến chức hoặc trong dịp tang ma, thương tiếc người thân.

Mừng bạn đỗ đại khoa:

Nhất cử đăng Hoàng Giáp
Toàn gia vô bạch đinh

Hoàng Giáp : Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp. Bạch đinh 白丁: chân trắng, người dân thường.

Nghĩa: thi một lần đỗ ngay Tiến Sĩ, cả nhà không có ai chân trắng (người nào cũng có bằng cấp, chức tước).

Học trò mừng thày là Tam Đăng Phạm Văn Nghị có 2 học trò giỏi Trần Bích San và Nguyễn Khuyến đều đỗ Tam Nguyên:

進 士 祖 黄 甲 孫 鳴 世 文 章 家 四 代

Tiến Sĩ tổ, Hoàng giáp tôn, minh thế văn chương gia tứ đại

渭 川 前 安 堵 後 趨 廷 詩 禮 國 三 元

Vị Xuyên tiền, Yên Đổ hậu, xu đình thi lễ quốc Tam Nguyên

Nghĩa: Ông đỗ Tiến Sĩ, cháu đỗ Hoàng Giáp, một nhà văn chương lừng lẫy đến 4 bốn đời

Trước Vị Xuyên, sau Yên Đổ, dưới sân đứng lễ có 2 ông Tam Nguyên

Mừng ông quan chột mắt tên Long đậu Phó Bảng khoa thi võ:

Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi!

(Nguyễn Khuyến)

“Đổ dồn 2 mắt lại”, “chỉ có một ngươi thôi”: nghĩa 1 hết lời ca tụng, khen tặng, nghĩa 2 người có một mắt.

Phúng viếng người chết:

Bác đã về rồi, đời đáng chán!
Tôi còn ở lại, rượu cùng ai?

(Tản Đà)

Phúng viếng bạn văn:

Kìa ai chín suối xương không nát

Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn

(Nguyễn Khuyến viếng tang Tú Xương)

Cạm Bẫy Người tạo hóa khéo căng chi? Qua Giông Tố tưởng thêm Số Đỏ

Số Độc Đắc văn chương vừa trúng thế, bỗng Dứt Tình Không một Tiếng Vang

(Đồ Phồn khóc Vũ Trọng Phụng 1939)

Cạm Bẫy Người, Giông Tố, Số Đỏ, Trúng Số Độc Đắc, Dứt Tình, Không Một Tiếng Vang là tên các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.

Người Quay Tơ, Đôi Bạn, Tối Tăm, Anh Phải Sống chứ sao Đoạn Tuyệt

Đời Mưa Gió, Lạnh Lùng, Bướm Trắng, Buổi Chiều Vàng đâu chỉ Nắng Thu

(Vũ Hoàng Chương viếng tang Nhất Linh)

Người Quay Tơ, Đôi Bạn, Tối Tăm, Anh Phải Sống, Đoạn Tuyệt, Đời Mưa Gió, Lạnh Lùng, Bướm Trắng, Hai Buổi Chiều Vàng, Nắng Thu là tên các tác phẩm của Nhất Linh.

Khóc người phối ngẫu:

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi

(Vua Dực Tông Tự Đức khóc Bằng Phi, có người cho là của Nguyễn Gia Thiều)

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân xiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm

(Nguyễn Khuyến khóc vợ)

03. Câu Đối Thờ

Tán tụng công đức tổ tiên, tiền nhân, thần thánh để treo trước bàn thờ ông bà, đình chùa, miếu mạo.

Treo ở đền Hùng Vương Phú Thọ:

Có tổ có tôn, có tôn có tổ, tổ tổ tôn tôn, tôn tổ cũ
Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà

04. Câu Đối Tự Thuật, Tự Thán

Dán hoặc treo ở chỗ ngồi chơi, nơi uống trà, thư phòng.

Cáo quan về quê sống:

Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, nào lình nào cả, nào bàn ba, xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp làm sao, thủ lợn nhìn lâu trơ cả mắt.

Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử nhấp nhô đứng trước, này phú, này thơ, này đoạn một, bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế, mắt gà đeo mãi mỏi bên tai

(Nguyễn Khuyến)

Tự vịnh lúc chưa thành đạt:

Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác

Trời đất nhẻ! gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh

(Nguyễn Công Trứ)

Cảnh buồn dạy học tỉnh lẻ:

Nhà lá ba gian, một thày, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi

(Cao Bá Quát)

05. Câu Đối Tức Cảnh

Nhân cảnh trước mắt mà làm ngay câu đối.

Trượt té xoạc chân:

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài

(Hồ Xuân Hương)

Cảnh thanh nhàn trăng thanh, gió mát:

Gió tựa tường ngang, lưng gió phẳng
Trăng nhòm cửa sổ, mắt trăng vuông

06. Câu Đối Đề Tặng

Tiệm cắt tóc:

Cười phấn cợt son, tô điểm tóc tai người tứ xứ
Mài dao đánh kéo, mở mang mày mặt khách năm châu

Hàng thợ nhuộm:

Đã chót nhúng tay, xấu đều hơn tốt lỏi
Quý hồ thuận mắt, thắm lắm lại phai nhiều

Hàng thịt lợn:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngàn liễu đôi bồ dục điểm trang

07. Câu Đối Trào Phúng

Nguyễn Khuyến cợt một ông Chánh Tổng bị cách mới được phục chức và có nhà mới:

Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc

Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm

– Nhất cận thị, nhị cận giang: thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông.

– Tị ốc: do câu Đường ngu chi thời, khả tị ốc nhi phong nghĩa là về đời Đường Ngu nước có nhiều người hiền nên nhiều nhà ở liền vách nhau đều được khen thưởng. Vế trên toàn chữ Nho, vế dưới toàn chữ Nôm, đây là câu đối độc đáo trong kho tàng câu đối nuớc ta.

Đùa chú tiểu nói ngọng, diễu cợt nhà sư già móm rụng hết răng ở chùa Đọi thuộc tỉnh Hà Nam thiếu đạo đức, tin vào bùa phép bậy bạ:

Phất phát phóng phong phan, pháp phái phi phù phù phụng Phật
Căn căn canh cổ kệ, cao ca kỷ cứu cứu cùng kinh

(Nguyễn Khuyến)

Vế trên là giọng hết hơi của người già, vế dưới nhái tiếng nói ngọng nhịu. Câu đối là 2 câu chữ Nho dịch nôm có nghĩa là:

Phất phơ cờ phướn bay trước gió, đạo pháp làm phép đốt bùa, bùa đem thờ Phật

Oang oang hòa giọng đọc kệ cổ, cất cao tiếng nghiền

ngẫm kinh, nghiền ngẫm đến cùng

Câu đối rất hợp với cảnh chùa nhưng khi đọc lên thì vế trên rõ ra là giọng phều phào của vị sư già bị móm rụng hết răng, vế dưới đúng là tiếng nói ngọng líu, ngọng lo của chú tiểu phát âm sai một số chữ.

08. Câu Đối Chiết Tự

Chiết tự: chiết = bẻ gãy, phân ra, tách ra, tự = chữ, chiết tự 折 字 nghĩa là lấy ra từng nét hoặc từng phần rồi thêm vào một hay nhiều nét khác của một chữ Nho:

Chữ Đại là cả, bỏ một nét ngang, chữ Nhân là người, chớ thấy người sang bắt quàng làm họ

Chữ Bì là da, thêm ba chấm thủy, chữ Ba là sóng, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

Chữ Đại (lớn, cả) nếu lấy đi nét ngang ở trên thành chữ Nhân (người). Chữ (da) thêm 3 chấm thủy bên trái thành chữ Ba (sóng).

Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy

Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này

Chữ tự (chữ) bỏ phần trên thành chữ tử (con), chữ

vu (chưng) bỏ gạch ngang thành chữ đinh (đứa).

09. Câu Đối Tập Cú

Lấy những câu có sẵn trong sách hoặc tục ngữ ca dao để làm câu đối:

Miệng nhà quan có gang có thép
Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm

(vế trên là tục ngữ, vế dưới của Trạng Quỳnh)

Tính ông hay, hay tửu hay tăm, hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa, tuổi ngoại sáu mươi còn mạnh khoẻ

Nhà ông có, có bàu có bạn, có ván cơm xôi, có nồi cơm nếp, bày ra một tiệc thấy linh đình

Câu đối 02

10. Câu đối tập Kiều

Ngày Xuân em hãy còn, còn nước, con non, còn nhớ đến

Làng chơi ta phải biết, biết người, biết mặt, biết lòng sao

(Câu đối dán nhà cô đầu)

Nền phúc hậu, nếp phong lưu, mai trúc sum vầy ơn chin chữ

Kẻ thiên tài, người quốc sắc, đá vàng trọn vẹn ước trăm năm

(Hồng Liên Lê Xuân Giáo, câu đối mừng đám cưới)

11. Câu Đối Chữ Nho

Khi đi qua Vị Xuyên, quê hương của Trần Bích San, Tôn Thất Thuyết, người cầm đầu phong trào Cần Vương, làm câu đối viếng ca ngợi và thương tiếc một con người tài hoa, trung hiếu của đất nước:

Lân quân độc thủ cô thành, quốc trung thần, gia hiếu tử
Sử ngã kinh qua thử địa, giang bán dạ, nguyệt trung thu

Nghĩa:

Thương ông riêng tấm lòng thành, tôi trung của nước, con hiếu của nhà

Khiến tôi qua nơi đất cũ, dòng sông đêm vắng, vầng trăng giữa Thu

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên quyền trong vòng 4 tháng phế lập 3 vị vua nhà Nguyễn. Trong lúc triều chính rối loạn, Pháp bắt triều đình Huế phải thuận cho đặt tòa Khâm Sứ bên kia bờ sông Hương, một con sông mà 2 bên có 2 nước nên có câu đối:

Nhất giang, lưỡng quốc, nan phân Thuyết

Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất Tường

12. Câu đối Nho-Nôm

Không vô trong nội nhớ hoài

Bán mãi cửa quan sợ cụ

Vế trên: Không = vô, trong = nội, nhớ = hoài.

Vế dưới: bán = mãi, cửa = quan, sợ = cụ.

Câu đối độc đáo ở chỗ dùng từ Hán Nôm cùng nghĩa.

13. Câu đối Pháp-Việt

Tám giờ xe lửa huýt

Hai cẳng nằm ngay đơ

Tám = huit (số 8), hai = deux (số 2)

14. Câu đối nói lái

Con cá đối nằm trong cối đá

Chim vàng lông đậu tựa lồng vang

Cá đối nói lái là cối đá, vàng lông nói lái là lồng vang.

Sống ngoài bảy chục không đeo kính

Nằm suốt năm canh vẫn sợ gà

Câu đối làm tặng lão khách làng chơi. Đeo kính nói lái là kinh đéo, sợ gà nói lái là gạ sờ.

Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn

Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo

(Vịnh ảnh mỹ nhân trên báo Loa, 1934)

Rồng lộn nói lái là l. rộng, cố đeo nói lái là đéo cô.

Câu đối 04

5. Câu đối 2 người làm (vế ra và vế đối)

Trời sinh ông Tú Cát

(vế ra của ông Tú tên Cát)

Đất nứt con bọ hung

(vế đối của Trạng Quỳnh)

Áo đỏ lấm phân trâu
Dù xanh che dái ngựa

(vế đối của Xiển Bột)

Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên

(vế ra của 1 ông quan)

Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước

(vế đối của 1 người học trò)

Lợn cấn ăn cám tốn

Chó khôn chớ cắn càn

(vế đối của Trạng Quỳnh)

Lợn cấn (lợn cái cộc) ăn tốn nhiều cám, nhưng chữ “cấn” (thôi, ngăn lại) và “tốn” (nhún, thuận) còn là 2 quẻ trong 8 quẻ bát quái 八 卦 của Kinh Dịch. Vế đối có 2 chữ “khôn” và “càn” (còn gọi là Kiền) cũng là 2 quẻ trong bát quái.

Sấm động Nam bang

(vế ra của sứ Tàu)

Vũ qua Bắc hải

(vế đối của Trạng Quỳnh)

Nghĩa: Sấm rung chuyển nước Nam

Mưa qua biển Bắc

Trong lúc đi thuyền qua sông Nhị Hà, viên sứ Tàu trung tiện, y chữa thẹn ra câu đối xấc xược nước Nam. Trạng Quỳnh ra mạn thuyền hướng về phía bắc tiểu tiện xuống sông, đối lại bỉ thử nước Tàu:

南 邦 一 寸 土 不 知 幾 人 耕

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỉ nhân canh

(vế ra của sứ Tàu)

北 國 大 丈 夫 皆 由 此 途 出

Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.

(vế đối của Đoàn Thị Điểm).

Nghĩa: Nước Nam có một tấc đất không biết có bao nhiêu người cày.

Đàn ông nước Tàu cũng đều từ đó mà ra.

Đời vua Lê Thuần Tông sứ Tàu sang phong vương, vua sai Trạng Quỳnh đón tiếp sứ. Trạng triệu Đoàn Thị Điểm giả làm cô gái bán hàng ở quán nước bên sông Nhị Hà. Trạng mời sứ Tàu vào nghỉ chân uống nước chờ thuyền qua sông. Sứ Tàu thấy Thị Điểm nhan sắc mặn mòi nên bỡn bằng câu “Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh”, Đoàn Thị Điểm đối lại ngay “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất”. Một cô gái bán quán mà văn chương cái thế khiến sứ Tàu khâm phục nước Nam nhiều người tài.

過 關 遲 關 關 閉 願 過 客 過 關

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

(vế ra của viên quan Tàu giữ ải)

出 對 易 對 對 難 請 先 生 先 對

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(vế đối của Mạc Đĩnh Chi)

Nghĩa: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, xin khách qua đường cứ qua

Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước

Khi Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên bên Tàu gặp ngày mưa gió khi đến cửa ải thì thành đã đóng. Viên quan giữ ải muốn thử tài sứ ta nên ra câu đối, nếu đối được mới mở cửa thành cho vào. Vế ra hiểm hóc, chỉ có 11 chữ mà có tới 4 chữ “quan”. Ông ứng khẩu đối ngay với 4 chữ “đối” khiến viên quan Tàu khâm phục sai lính mở cửa thành đón ông vào.

Đời Hậu Lê, thượng thư Đàm Thận Huy người xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn dạy học, môn sinh rất đông. Một hôm trời mưa lớn học trò ở lại trú mưa, ông ra câu đối thử tài:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

(Mưa không có khóa mà giữ được khách ở lại)

Một người học trò con nông dân đối là:

Phẩn bất uy quyền dị sử nhân

(Cứt không có uy quyền mà vẫn dọa được người)

Nguyễn Chiêu Huấn (sau đỗ bảng nhãn) đối:

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân

(Trăng giống như cái cung nhưng không bắn người)

Nguyễn Giản Thanh đối hay hơn vế ra của thày:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân

(Sắc đẹp không có sóng gió mà làm cho ta chết chìm)

Về sau ông đỗ trạng nguyên năm 1508 đời vua Lê Huy Mục.

君 子 惡 其 人 之 箸

Quân tử ố kỳ nhân chi trứ

(vế ra của Hà Tôn Quyền)

聖 人 不 得 已 用 權

Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền

(Vế đối của Nguyễn Công Trứ)

Nghĩa: Người quân tử ghét văn lòe loẹt

Bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến quyền hành

Hà Tôn Quyền đang làm Thượng Thư bộ Lại rất ghét Nguyễn Công Trứ, lúc đó còn giữ một chức nhỏ, vì tính cương trực nói thẳng của ông. Một hôm nhân dịp ông Trứ đến tư dinh, ông Quyền nói có làm một câu đối cho đám trẻ trong nhà nhưng chúng không đối nổi. Ông Trứ hỏi xem là câu gì. Ông Quyền nói thác ra thế nhưng thực ra là muốn cho biết ý mình không ưa ông Trứ. “Quân tử ố kỳ nhân chi trứ” lấy từ sách Trung Dung 中 庸 nhưng câu này còn có nghĩa là ông không ưa ông Trứ. “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền” lấy từ một lời bàn trong Tứ Thư 四 書 còn có nghĩa là nhà vua bất đắc dĩ phải dùng đến ông Quyền. Vế đối hay ở chỗ cũng dùng chữ trong sách đối lại chữ lấy trong sách của vế ra.

子 能 承 父 業

Tử năng thừa phụ nghiệp

臣 可 報 君 恩

Thần khả báo quân ân

Nghĩa: Con hay nối nghiệp cha

Bầy tôi báo ơn vua

Câu đối do vua Tự Đức làm, treo trong cung, quần thần ai cũng tấm tắc khen hay. Cao Bá Quát lúc đó đang giữ chức Hành Tẩu Bộ Lễ trong triều một hôm cầm bút đề vào bên cạnh mấy chữ “Hảo hề! hảo hề! phụ tử quân thần điên đảo 好 兮 好 兮 父 子 君 臣 顚 倒 nghĩa là: Tốt thay! tốt thay! cha con vua tôi lộn ngược! chữ tử 子 (con) nằm trên chữ phụ 父 (cha), chữ thần 臣 (bầy tôi) ở trên chữ quân 君 (vua). Vua Tự Đức hay biết truyền gọi ông vào bắt chữa. Ông vâng mệnh cầm bút nhưng không viết thêm chữ nào, chỉ chuyển vế dưới lên trên và đổi vị trí các chữ thành ra:

君 恩 臣 可 報

Quân ân thần khả báo

父 業 子 能 承

Phụ nghiệp tử năng thừa

Nghĩa: Ơn vua bầy tôi phải báo

Nghiệp cha con hay noi theo

Câu sửa của Cao Bá Quát ngoài tính cách thuận cảnh trên dưới trong trật tự tam cương của Nho giáo, còn mạnh mẽ vững chắc hơn của nhà vua rất nhiều. Vua Tự Đức phục là tài nên có lời khen tặng ông trong câu “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”.

Nước trong leo lẻo cá đớp cá

(vế ra của Đặng Trần Thường)

Trời nắng chang chang người trói người

(vế đối của Cao Bá Quát)

Cao Bá Quát khi còn niên thiếu một buổi trưa Hè tắm truồng dưới hồ gần đường lớn. Gặp lúc Gia Long xa giá đi ngang, quan quân đi trước dọn đường thấy vậy bắt trói. Chuyện đến tai, Gia Long truyền cho lính điệu lại hỏi chuyện. Cao Bá Quát thưa là học trò, trời nóng nực xuống tắm chứ không có ý phạm thượng. Gia Long sai Đặng Trần Thường, lúc đó đang làm Bộ Binh Bắc Thành đi theo tháp tùng, ra câu đối để thử tài. Ông ứng khẩu đối ngay nên được tha tội. Sau này ông làm quân sư cho Lê Duy Cự khởi nghĩa ở Mỹ Lương dưới triều Tự Đức đưa đến việc bị giết cùng 2 con, toàn gia bị tru di tam tộc đã ẩn trong khẩu khí từ lúc ông còn nhỏ tuổi.

Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?

(vế ra của Đặng Trần Thường)

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế!

(vế đối của Ngô Thì Nhiệm)

Vế ra có 5 chữ “ai” vừa nôm vừa chữ, vế đối cũng có 5 chữ “thế” vừa nôm vừa chữ, láy đi láy lại nhiều lần khéo léo tài tình cực hay, nói lên được tâm trạng của 2 người. Đây là câu đối tuyệt tác trong văn chương Việt Nam.

Ngô Thì Nhiệm con Ngô Thì Sĩ, danh sĩ Bắc Hà, đỗ Tiến Sĩ khoa Ất Mùi (1775) đời Lê Hiển Tông nhà Hậu Lê. Được Ngô Văn Sở ngầm báo Vũ Văn Nhậm có ý làm phản, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ 2 (1788) bắt Nhậm giết đi. Bắc Bình Vương ở lại đặt các quan lục bộ và trấn thủ, để Lê Duy Cẩn làm Giám Quốc chủ trì các việc tế lễ, dùng Ngô Thì Nhiệm làm Lại Bộ Tả Thị Lang. Đổi đặt quan quân, chỉnh đốn mọi việc xong, Nguyễn Huệ về Nam để Ngô Văn Sở ở lại giữ Bắc Hà. Khi Tàu sang xâm chiếm nước ta Quang Trung đem quân ra Bắc đại phá quân Thanh vào Tết Nguyên Đán năm Kỷ Sửu (1789), xong sai Ngô Thì Nhiệm viết thư giảng hoà. Mọi việc giao thiệp với nhà Thanh giao cho Ngô Thì Nhiệm và Phan Huy Ích đảm trách. Năm 1792 Ngô Thì Nhiệm được cử làm Chánh Sứ sang Tàu.

Đặng Trần Thường (1759-1816) người huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, sau dời về ở Sơn Nam, Nam Định, đậu Sinh Đồ về cuối đời Hậu Lê, là bạn học thuở nhỏ với Ngô Thì Nhiệm, cả 2 đều nổi tiếng hay chữ. Thường không ra làm quan với nhà Tây Sơn, vào Nam phò Nguyễn Ánh từ hồi còn ở Gia Định lập nhiều công trạng, làm quan tới chức Tán Lý, rồi lĩnh chức Bộ Binh Bắc Thành, được triệu về Kinh làm Binh Bộ Thượng Thư. Giữa ông và Lê Chất có hiềm khích, bị Chất tố cáo làm giả sắc phong thần cho Hoàng Ngũ Phúc là tướng của chúa Trịnh. Triều đình khép vào tội “khinh người, dối thần” tuyên án xử trảm nhưng sau được tha. Năm 1816 lại bị Lê Chất dâng biểu tố cáo nhũng lạm, chiếm giữ đầm ao, ẩn lậu dinh điền lúc còn ở Bắc Thành. Ông bị bắt giam rồi khép vào tội giảo (thắt cổ).

Gia Long là vị vua tàn nhẫn giết hại công thần. Những tướng theo giúp Nguyễn Ánh từ thuở ban đầu, lập nhiều công lớn đều bị giết. Nguyễn Văn Thành theo từ khi khởi binh đánh Tây Sơn phải tự tử chỉ vì người con là Cử Nhân Nguyễn Văn Thuyên làm thơ gửi mấy văn nhân ở Thanh Hóa có câu:

Sơn tể phen này dù gặp gỡ

Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Đỗ Thành Nhân, đại công thần theo phò từ lúc Nguyễn Ánh mới 17 tuổi bị Ánh triệu đến họp rồi cho phục binh giết chết. Lê Văn Câu có công chiếm được Gia Định năm 1787, khi thua trận Phan Rang bị truất hết chức tước, phải uống thuốc độc tự tử vì tủi hổ.

Đối với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh tỏ ra thiếu đức độ quân tử. Trần Quang Diệu khi chiếm lại được thành Qui Nhơn năm 1801 đã tha chết các binh tướng của chúa Nguyễn, cho chôn cất trọng thể 2 tướng giữ thành là Võ Tánh (em rể Gia Long) và Ngô Tùng Châu. Năm 1802 bị bắt, Diệu xin tha nhưng Gia Long không cho mà còn xử lột da đau đớn tột độ để cho chết chậm. Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân và con gái là Bùi Bích Xuân mới 14 tuổi bị xử tử bắng cách cho voi dày.

Đối với các tướng sĩ nhà Tây Sơn bị bắt hay ra hàng, Gia Long cho giải về trước Thái Miếu ở Huế làm lễ Hiến Phù xử lăng trì (xẻo thịt). Nguyễn Ánh cho đào mả Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc bỏ hài cốt vào chum giam trong ngục, cưa sọ Quang Trung làm bô đi tiểu.

Sau khi Nguyễn Ánh lấy được Thăng Long, Đặng Trần Thường được giao việc trị tội Ngô Thì Nhiệm và Phan Huy Ích. Thường cho giải 2 ông ra trước Văn Miếu, trước ra câu đối cho Ngô Thì Nhiệm, sau sai lính nọc đánh mỗi người 100 trượng. Ích bị đòn nhẹ không chết, riêng Nhiệm bị đòn nặng về đến quê thì mất.

16. Câu đối khó

Câu đối chưa ai đối được chỉnh.

Câu đối 04.jpg

Da trắng vỗ bì bạch

Đoàn Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh đối

Da = Bì, trắng = bạch. Bì bạch cũng là da trắng. Vỗ bì bạch hiện lên hình ảnh và âm thanh của bàn tay vỗ lên da có nước khi tắm. Có nhiều người đối nhưng chưa có câu nào được chỉnh:

Giấy đỏ viết chỉ chu (giấy đỏ = chỉ chu)

– Trời xanh màu thiên thanh (trời xanh = thiên thanh)

– Nhà vàng ngồi đường hoàng (nhà vàng = đường

hoàng)

Tóc xanh nghe phát thanh (tóc = phát, do câu phát đoản tâm trường = tóc ngắn mà lòng dài, xanh = thanh).

Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, mặt đỏ hồng hồng

Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song

Song雙 = hai, song 囱 = cửa sổ

Ngày nay ngày nay in nhà in nhà

(vế ra của Tự Lực Văn Đoàn)

Ngày Nay = hiện nay = tên tuần báo Ngày Nay. In nhà in nhà = in/nhà in/nhà. Có nghĩa là bây giờ báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn in ở nhà in của mình. Ngày nay có 2 nghĩa: hiện tại và tên tờ báo. Khó đối vì các chữ ngày nayin nhà được lập lại mà vẫn có nghĩa.

Cha con thày thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử

Hồi hương = về quê; Phụ tử = cha con.  Cả 2 chữ còn là

tên của hai vị thuốc Bắc.

Gái tơ chỉ kén ngài quân tử

4 chữ: tơ, chỉ, kén, ngài đều có 2 nghĩa:

Tơ = tơ lụa/trẻ tuổi, non măng

Chỉ = sợi chỉ/chỉ thế mà thôi, không thể khác

Kén = cái kén nằm trong con nhộng/chọn lựa

Ngài = con tằm/lối xưng hô với người tôn quý

Tôi là con gái Nghi Xuân, tôi đi Chợ Hạ, mua cá thu về, chợ hãy còn đông

Nghi Xuân = tên huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh

Chợ Hạ = tên chợ ở Nghi Xuân

4 chữ xuân, hạ, thu, đông còn là tên của bốn mùa

Tôi tên là Lễ con nhà thi thư, gặp đời Xuân Thu thì phải dịch

Ngũ kinh của đạo Nho: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu

Con gái bên đông lấy chồng bên tây, cứ ở lòng ngay chớ hề nam bắc

Cô Miên ngủ một mình

= một mình, miên = ngủ. Cô miên = ngủ một mình.

Cô Lan bán giấy cửa Đông, kẻ Nam người Bắc chưa bằng lòng cô

Chữ lan 闌 gồm chữ môn 門 là cửa. Trong chữ môn có chữ đông東, nên chữ lan cũng là cửa đông.

Hẹ cậu nghệ khóc gừng, rức lác láng giềng ỏm tỏi

Gái quê ở đất nhà quê, quê của, quê người, quê cả thói

Lên phố mía gặp cô hàng mật cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường

Bò lang chạy vào làng Bo

Bò lang nói lái lại là làng Bo

Lăm le làm lẽ là lẽ lầm

(tất cả các chữ đều bắt đầu bằng chữ l).

Vợ cả vợ hai hai vợ đều là vợ cả

KẾT LUẬN

Tuy mượn thể văn của Tàu nhưng câu đối của ta phong phú, đa dạng hơn. Tàu không có những câu đối nói lái, Hán-Nôm, Pháp-Việt, tập Kiều. Những loại câu đối loại này là sáng tạo của Việt Nam.

Thời Nho học thịnh hành, câu đối rất phổ quát trong dân gian. Câu đối được treo trong nhà, bàn thờ ông bà, nơi công đường, đình chùa, miếu mạo. Câu đối được sử dụng trong việc quan hôn tang tế như chúc thọ, thăng quan tiến chức, mừng thi đỗ, viếng người chết, khóc bạn hữu, vợ con.

Dịp Tết người ta nhờ hoặc thuê một ông đồ văn hay chữ tốt viết giúp cho câu đối để treo trước cổng hay trong nhà. Nếu được một vị khoa bảng tặng cho đôi câu đối thì là một vinh hạnh lớn. Trong việc bang giao với Tàu, giai thoại đối đáp giữa ta và sứ Tàu đã giúp bảo vệ quốc thể.

Chữ nghĩa trong câu đối cô đọng, đãi lọc như lối chọn từ trong thơ. Nguyễn Văn Ngọc thu thập được hơn 300 câu đối nổi tiếng nhưng chỉ có khoảng 40 câu được coi là hay. Một câu đối được cho là tuyệt tác đòi hỏi văn phong tự nhiên, phóng khoáng, thoát ra ngoài khuôn sáo, câu văn mạch lạc, rõ ràng, chữ dùng chính xác, gợi hình, tạo âm hưởng, đọc lên nghe giòn giã, sang sảng. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ, càng thấy hay, thêm hứng thú. Làm được một câu đối tuyệt bút xưa nay hồ dễ được mấy người.

Trần Bích San

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Bảo Vân & Quỳnh Liên Tử, Giai Thoại Câu Đối, nxb

Quê Hương, Canada, 1983.

– Dương Quảng Hàm, Văn Học Việt Nam, nxb Viet Nam

Foundation tái bản, Virginia, Hoa Kỳ 1977.

– Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, nxb

Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục tái bản lần thứ 9,

Sàigòn, 1968.

– Lãng Nhân, Chơi Chữ, nxb Zieleks, Hoa Kỳ, 1978.

– Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho, nxb Nam Chi Tùng

Thư, Sàigòn, 1966.

– Lê Kim Ngân, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tường Minh, Văn

Học Việt Nam Thế Kỷ Thứ XIX, Phần Cổ Văn, nxb Văn

Hiệp, Sàigòn, 1960.

– Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi,

Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam 1075-1919, nxb Văn

Học, Hà Nội, 2006.

– Nguyễn Văn Ngọc, Câu Đối, nxb Vĩnh Hưng Long,

Hànội, 1931, nxb Văn Hóa Thông Tin tái bản, TP/HCM

2001.