HỘI LỄ ĐỔ GIÀN

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Tại trường thi Hương võ Bình Định ở thôn An Thành, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn [1]; nay là thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn [2], tỉnh Bình Định, cứ khoảng mỗi ba năm một lần, thí sinh Hương võ và thân nhân từ sáu tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận, về đây tham dự đông cả vạn người. Thì cũng trong thị xã An Nhơn, xã Nhơn Phúc, thôn An Thái [3] có Lễ hội Đổ Giàn được tổ chức hằng năm, người tham dự lên đến vài ngàn.

Hằng năm, cứ đến cuối tháng sáu âm lịch, hội từ thiện địa phương đã chuẩn bị xong cuộc làm chay đổ giàn. Tại Chùa Bà Hỏa [4] ở An Thái, giữa sân rộng, người ta dựng một giàn cao chắc chắn, lót ván, mỗi bề 12 thước, có thể chứa được nhiều người và có mái che mưa nắng. Vật liệu xây cất bằng tranh, tre có tính cách tạm thời nhưng không xiêu vẹo nhờ dây buộc bằng lạt tre, hoặc bằng sợi mây rất dẻo; các cây cột chống được chôn sâu dưới đất và được kềm chặt với nhau bởi một hệ thống ngàm. Trên giàn, lễ vật bày la liệt, nào hoa quả, bánh trái, nhang đèn,… Đồ mã là nhiều nhất, chất đống cao như núi: từ lâu đài, nhà cửa, xe cộ, tàu bè, võng lọng, lính hầu, mỹ nhân,… đến gia súc, quần áo và các vật dụng hàng ngày, ngay cả binh khí và ngựa chiến, voi trận cũng có đủ… Tất cả đều bằng giấy, phất trên sườn tre, tô vẽ xanh đỏ.

Từ sáng mồng một đến hết ngày rằm tháng 7 âm lịch, các nhà sư nổi tiếng trong vùng thay phiên nhau lên đàn tụng kinh lễ Phật. Suốt đêm, đèn đuốc trên giàn sáng rực, tiếng mõ cầu kinh không lúc nào dứt, tiếng đại hồng chung sớm chiều lanh lảnh vang xa. Mờ sáng ngày 16 tháng 7, xong lễ cầu siêu, chấm dứt việc cúng chay, đến lượt các pháp sư lên đàn ngã mặn. Mười hai thớt heo còn nguyên con, một nửa đã quay, một nửa còn thịt sống, được sắp trên giàn cùng các thứ bánh mặn, chay lẫn lộn. Trên giàn, ngoài việc chủ tế do các pháp sư đảm trách, còn có các bô lão trong vùng mặc áo thụng xanh, đứng hầu đám cúng suốt ngày hôm đó.

Xong các thủ tục lễ bái, đến 9 giờ tối đêm 16, người ta đốt đồ mã, ngọn lửa cao sáng rực một vùng và kéo dài cả tiếng đồng hồ. Lễ đốt đồ mã vừa chấm dứt, đến lễ Đổ Giàn. Sau câu thần chú và bắt ấn của vị pháp sư, người ta xô từ giàn chẩn tế xuống đất 12 con heo và tất cả bánh trái, hoa quả, gạo thóc, tiền bạc… Dân chúng tranh nhau lượm lễ vật. Dù được một túi gạo, một gói muối, một đòn bánh tét, một cái bánh ít hay chỉ được một trái chuối, một trái nhãn… cũng mừng, vì đó là lộc của nhà chùa, sẽ đem lại vận may suốt năm ấy.

Duy 12 con heo là phần tranh giành của làng võ Bình Định. Họ đoạt heo không phải để lấy thịt, mà vì danh dự của môn phái. Theo tục lệ của làng võ Bình Định, môn phái nào đoạt được nhiều heo nhất, tức thì được giới võ nghệ trong tỉnh và cả chính quyền công nhận chức Đệ Nhất Môn trong một năm. Ca dao Bình Định có câu:

Tiếng đồn An Thái Bình Khê

Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo

là nói về tục tranh heo trong lễ Đổ Giàn này.

Tục tranh heo ở Hội lễ Đổ Giàn trở thành cái “nghiệp” của làng võ. Họ luôn luôn luyện tay nghề, nâng võ thuật lên hàng chiến thuật và mưu lược, mới hòng thắng được đối phương. Cá nhân, dù tài giỏi đến đâu cũng không thể địch lại trước sự tấn công của hàng trăm cao thủ. Vì thế, họ liên kết thành nhóm, thường thì mỗi lò võ là một đơn vị.

Trước ngày lễ hội Đổ Giàn, các phe phái cho đàn em giả dạng người ăn xin, bán hàng dạo, làm thuê… len lỏi vào các lò võ nghe ngóng tình hình. Phái võ nào cũng có một thầy làm quân sư để phân tích tin tình báo, bàn định kế hoạch, bố trí nhân sự. Nếu họ thấy không đủ sức đoạt thắng lợi thì liên kết với nhóm khác, thà chịu chia xẻ nửa phần vinh dự còn hơn là mất trắng. Muốn nắm chắc phần thắng, phải đủ sức mạnh thực hiện cả hai kế hoạch: Nếu đoạt được heo, phải bảo vệ việc di chuyển về điểm tập trung. Nếu không đoạt được heo tại lễ hội thì cũng có sức bám riết theo địch thủ trên đường di chuyển để giành lại.

Đêm hội Đổ Giàn đầy không khí căng thẳng. Dưới giàn chẩn tế, các võ sĩ đã tề tựu, không ai nói với ai một lời. Mọi người sẵn sàng hành động theo sự phân công, tập dượt từ trước. Mười hai con heo rơi xuống chưa chạm đất, đã nhẹ nhàng nằm gọn trên vai các cao thủ. Người có trách nhiệm đoạt heo, ngoài tài võ nghệ, còn có sức mạnh và lanh lẹ phi thường. Phải hứng lấy con heo nặng chừng 1 tạ tức 60 kg [5], ngay từ khi còn ở trên cao, phải có đôi chân bền như thép, nhanh như chớp để nhảy qua vòng vây, vượt hào sâu, tường cao và bơi lội như rái. Toán theo bảo vệ cho mỗi con heo đoạt được, phải có ít nhất là 4 võ sĩ thượng thặng, trấn cả bốn mặt. Để phân tán lực lượng của đối phương và đề phòng bị mất trắng, 12 con heo đoạt được, chia làm 12 nhóm, chạy thoát các ngả đường khác nhau. Chẳng hạn, nhóm 1, chạy về hướng Đông nhưng hơi chếch về Nam, qua cầu Phụ Ngọc vào các thôn Quan Quang, Khánh Lễ, An Hòa (đều thuộc xã Nhơn Khánh), rồi Kim Châu (phường Nhơn Hưng) để đến tỉnh thành Bình Định, cách An Thái chừng 8 km. Nhóm 2, cũng chạy về Đông, băng đồng, qua thôn Phụ Ngọc (xã Nhơn Phúc), vượt sông Côn; theo hướng Đông Bắc, xuyên qua các thôn Hòa Phong (xã Nhơn Mỹ), rồi Thiết Trụ, Vân Sơn và thành Đồ Bàn (đều thuộc xã Nhơn Hậu). Nhóm 3, thẳng hướng Nam, lội thủy đạo, xuyên qua thôn Nhơn Ngãi rồi Cù Lâm Bắc (xã Nhơn Lộc). Nhóm 4, trực chỉ chánh Tây, mất hút trong cánh đồng bắp, đậu, mía ngút ngàn từ Thắng Công (xã Nhơn Phúc) đến Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Nhóm 5, chạy về Tây Nam, qua thôn Thái Thuận (Nhơn Phúc), vào Thủ Thiện (Bình Nghi). Nhóm 6, nhắm hướng Bắc, vượt sông Côn, đến được tả ngạn là đất an toàn của phái quyền An Vinh (nay thuộc xã Tây Vinh, Bình An cũ). Nhóm 7, cũng vượt sông Côn nhưng bơi xuôi về Đông Bắc đến thôn Đại Bình, qua Đại An (đều thuộc xã Nhơn Mỹ), rồi chạy ra xã Cát Tân huyện Phù Cát… Mặc dù phân tán khắp nơi nhưng khi đã thoát được bước chân săn tìm của đối phương, họ lại bí mật quay về địa điểm tập trung đã được ấn định trước.

Đối phương cũng không phải tay vừa, tuy không đủ sức đoạt heo ngay tại giàn chẩn tế nhưng đã bố trí việc cướp heo trên khắp các nẻo đường, cả những đường mòn; ngoài ra còn cho người mai phục ở các nơi nghi là điểm tập trung của đối thủ. Nếu gặp mục tiêu, toán trinh thám theo bén gót và báo hiệu cho toán chủ lực xông ra đánh tạt cạnh sườn, cướp heo cho kỳ được. Trên nguyên tắc là vậy, nhưng đối thủ của họ còn cao kiến hơn, đâu có dại khờ đi trên các lộ trình quen thuộc. Họ như cánh chim vượt ngàn, nhanh nhẹn trong đêm tối như dã thú. Họ vượt sông, nhảy rào, băng đồng, luồn qua đám mía… không ai biết họ đi đường nào. Và khi các con heo đã được đưa về điểm tập trung tuyệt đối bí mật, lập tức họ cho người về tỉnh thành Bình Định, ở thôn An Ngãi và Liêm Trực (nay thuộc phường Bình Định, thị xã An Nhơn), phi báo thành tích đạt được. Tỉnh liền cử người trong đội Vệ sĩ giáo đến thị chứng và công bố danh vị tân Đệ Nhất Môn.

Ngày nay, lễ Hội Đổ Giàn không còn nữa, nhưng câu ca dao sôi nổi về những cuộc đổ giàn ngày nào, còn vang vọng mãi trong lòng người dân Bình Định:

Rủ nhau đi Hội Đổ Giàn,

Ngày Rằm tháng Bảy đò ngang chật đò.

Trắng phau đôi cánh con cò,

Hội Giàn vui lắm trễ đò uổng công.

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Địa danh thời Minh Mạng.

[2] An Nhơn: Nghị quyết số 101/NQ-CP, ký ngày 28- 11- 2011, chuyển huyện An Nhơn thành thị xã An Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định.

[3] An Thái: nguyên địa danh này là một thị tứ, thuộc thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc. Sau năm 2011, An Thái tách ra, trở thành một thôn của xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Và xã Nhơn Phúc có đến 8 thôn, gồm: Thắng Công, An Thái, Thái Thuận, Hòa Mỹ, Nhơn Nghĩa Đông, Nhơn Nghĩa Tây, Mỹ Thạnh, Phụ Ngọc.

[4] Chùa Bà Hỏa, còn gọi là chùa Bà Sau. Bởi lý do nào, và thời gian nào đã lập ra ngôi chùa này? Từ lâu, An Thái là thị tứ công nghiệp, nổi tiếng sản xuất bún song thần, lạp xưởng, gạch ngói, khăn lông; những ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với lửa củi. Nhưng ngày xưa, chưa có thiết bị an toàn phòng cháy, nên hỏa hoạn là mối đe dọa lớn nhất. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở thị tứ này xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi cả làng nghề. Sau đó, người ta lập chùa thờ thần hỏa, cầu xin sự bình an. Hằng năm, vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, chùa này mở hội làm chay và đổ giàn, để tạ ơn thần linh đã phù hộ một năm qua bình yên không có hỏa hoạn.

Ở An Thái còn một ngôi chùa Bà nữa, dựng lên thờ bà Thiên Mẫu, nhưng để phân biệt, gọi là chùa Bà Trước (chữ “trước” không phải để xác định vị trí không gian trước sau, mà tính theo thời gian lập chùa). Chùa có tên chính thức là An Hòa tự, lấy tên trang (thôn) An Hòa (địa danh thời bấy giờ) đặt tên cho ngôi chùa, khai sơn năm 1760, do ba họ Lâm, Trịnh, Quách gốc người Minh Hương tạo dựng.

[5] Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1858 – 1918 (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 282: căn cứ vào một tạ Thái Lan (picul) bằng 60 kg và cũng tương đương với một tạ Việt Nam. Ngày 10- 7- 1903, Toàn quyền Paul Beau, ra nghị định một tạ Việt Nam bằng 60 kg và cho áp dụng trên toàn cõi Đông Dương.