NHỮNG NÔNG DÂN ĐẦU TIÊN

TẠI VIỆT NAM

Trần Văn Đạt, PhD

1. MỞ ĐẦU

Nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương cho rằng nôi nông nghiệp đầu tiên của nhân loại được tìm thấy ở vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ Tây Nam Á hay còn gọi Levant thuộc Trung Đông, gồm các nước Jordan, Syria, Turkey, Iran và Iraq, xuất hiện cách nay khoảng 11.000 năm. Vào thời đó, các cư dân đã biết thuần dưỡng một ít loài ngũ cốc, đặc biệt lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen (rye: Cecale cereale thuộc tộc Triticeae) (Bellwood, 2005). Gần đây, các nhà khảo cổ tìm thấy lúa mạch đen được trồng sớm hơn, khoảng 13.000 năm ở Abu Hureyra thuộc nước Syria (Ladizinsky, 1999). Từ vùng Levant, nông nghiệp sơ cổ bành trướng qua Bắc Phi, vùng Baltics, Châu Âu, Trung Á, Pakistan và Ấn Độ.

Theo một số nhà nghiên cứu Tây phương, một nôi nông nghiệp khác xuất hiện muộn hơn Levant độ 1.000 – 3.000 năm ở Trung Quốc, cách nay khoảng 8 – 9 thiên kỷ. Đó là vùng thung lũng giữa sông Hoàng Hà và Dương Tử có nền nông nghiệp kê xuất hiện ở phía bắc độ 8.000 năm và nông nghiệp lúa ở phía nam (sông Dương Tử) từ 7.000-9.000 năm (Chang and Goodenough, 1996; Zhang and Wang, 1998; Zhao, 1998; Chen, 1999, News Network Archaeography, 2011 và Callaway Ewen, 2014). Theo Bellwood (2005:116), cuộc nghiên cứu gần đây ở động Xianrendong và Diaotonghuan, đông bắc tỉnh Giang Tây cho kết quả không thực tế. Các nhà khảo cổ Trung Quốc cho biết phytoliths[1] lúa hoang đã có mặt cách nay khoảng 13.000 năm; nhưng trong thời kỳ lạnh giá và khô khan “Tiểu hạn” (Younger Dryas: 13.000-11.500 năm) lúa hoang vắng mặt, đã làm cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc xét lại phytoliths lúa và họ cho rằng một phần do thuần dưỡng khoảng 8.000-9.000 năm BC! (Zhao, 1998, Lu et al., 2.000)!

Từ lâu nhiều học giả Trung Quốc và Tây Phương cho rằng nền nông nghiệp (gồm cả lúa) của Trung Quốc tiến về hướng đông qua Nhựt Bổn (khoảng 9.000 năm, nhưng lúa 3.000 năm), Triều Tiên (5.500 năm), Đài Loan, Philippines; về hướng nam đến Quảng Đông, đảo Hải Nam (từ 7.000 đến 5.000 năm) và Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam cách nay khoảng 4.500 đến 3.500 năm (Bellwood, 2005); nhưng chưa thuyết phục các quốc gia liên hệ.

2. DẤU HIỆU XUẤT HIỆN NỀN NÔNG NGHIỆP SƠ KHAI TẠI VIỆT NAM

Cũng cần nhắc lại: Một vùng được xem là nôi nông nghiệp cổ sơ cần phải có hiện diện cả hai loại thảo mộc hoang dại và thuần hóa vào thời kỳ đó. Nếu chỉ tìm thấy bào tử phấn hoa hoặc phytoliths cây ăn quả hoang trong các tầng văn hóa khảo cổ chẳng hạn, chưa chắc nơi đó đã có nền nông nghiệp trồng trọt. Ngoài ra, nền nông nghiệp nguyên thủy của Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á chủ yếu cây củ và cây ăn quả có thể xuất hiện và phát triển mạnh trên các vùng đất cao, xen kẻ với các thung lũng nhỏ, do môi trường địa hình rừng núi và các đợt biển tiến thời tiền sử; trong khi nôi nông nghiệp ngũ cốc sơ khai Trung Quốc và Ấn Độ (sông Ganges) được khai thác đầu tiên tại các thung lũng, đồng bằng rộng lớn.

Về nhân chủng học, ở Việt Nam Người Vượn có thể xuất hiện cách nay độ 250.000 năm hoặc sớm hơn qua một số di vật đá cuội thu thập được ở di chỉ Núi Đọ, Thanh Hóa và Xuân Lộc, Đồng Nai; nhưng chưa có đủ chứng cớ khoa học xác thực. Sau này Người Khôn Ngoan Sớm (Homo sapien) (Hình 1) có thể hiện diện ở nước ta cách nay 70.000-60.000 năm và Người Khôn Ngoan Muộn (Homo sapiens sapiens) độ 30.000 năm đến nay, căn cứ vào một số di vật khảo cổ được tìm thấy, như răng, cốt người hóa thạch trong các hang động.

Hình 1: Gia đình người khôn ngoan sớm (Neanderthal) cách nay 60.000 năm trong thời băng giá ở vùng Levant, họa bởi Zdenek Burian (Lewin, 1988)

Dựa vào nghiên cứu các đặc điểm đo đạc và mô tả các sọ người tại các di chỉ khảo cổ, di cốt người trong văn hóa Hòa Bình có đa số sọ thuộc giống Indonesian (Mã Lai cổ), trong văn hóa Bắc Sơn sọ người dưới dạng Melanesian và Indonesian, trong văn hóa Quỳnh Văn và Đa Bút sọ người dưới dạng Australo-Melanesian và Mongoloid (Viện Khảo Cổ Học, 1998).

Trong thời đại Đá Mới, Việt Nam chịu ảnh hưởng gió mùa, khí hậu nhiệt đới và nóng ẩm rất thích hợp cho phát triển thảo mộc. Cuộc nghiên cứu về khí hậu ở Miền Bắc cho biết không có thời kỳ băng giá trong Kỷ Thứ Tư, như đã thấy ở vùng Levant của nôi nông nghiệp sơ khai nhân loại; nhưng có thể có một thời kỳ lạnh khắc nghiệt đến nước ta và Đông Nam Á vào thời kỳ cuối Cánh Tân, vì tìm thấy lớp dăm đá vôi Cryoclastic (cấu tử đá vôi do nhiệt độ lạnh hình thành) trong mái đá Ngườm ở Thái Nguyên và các phấn hoa của các loài thảo mộc ưa lạnh như Carya (Juglandae), Carpinus (Betalaceae) ở lớp dưới cùng mái đá này (Hà Văn Tấn, 1984). Ngoài khí hậu trở nên ấm áp và ẩm ướt, cũng có ít ý kiến cho rằng áp lực dân số trong nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn gia tăng, môi trường hoạt động và sinh sống giảm (hang động, mái đá), thúc đẩy sáng tạo chuyển đổi từ sinh hoạt hái lượm – săn bắt qua trồng trọt và chăn nuôi ở các thung lũng hoặc trên sườn núi đá vôi (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Cho nên, nền nông nghiệp sơ khai trên đất Việt cổ có thể xuất hiện cách nay khoảng 10.000-8.000 năm qua các bằng chứng khảo cổ và thư tịch có được ngày nay như sau:

(1) Tại các di chỉ văn hóa Hòa Bình (cách nay khoảng 10.000 – 8.000 năm), nghiên cứu về bào tử phấn hoa cho biết chưa có loại thảo mộc nào được thuần hóa (Trần Đạt, 1987); nhưng các nhà khảo cổ học tìm thấy một bức họa đầu người trên vách hang Đồng Nội, một số viên đá hoặc mẩu xương có vết khắc những hình lá cây và động vật (Viện Khảo Cổ Học, 1998:162). Theo Bà M. Colani (1926), nhà Khảo cổ học lớn của Pháp đã khám phá nền văn hóa Hòa Bình, hình lá cây trên có những gân song song thuộc loài Hòa thảo như cây lúa. Ông Bùi Huy Đáp (1980) cũng xác nhận trong loài cây lương thực, lá lúa có hình dáng giống như thế (Hình 2). Đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình là công cụ đá ghè đẽo một mặt (đa số), hai mặt, có hình dáng hạnh nhân, tam giác, hình đĩa giống như “rìu tay” nhỏ; công cụ xương (rìu xương, đục xương, mũi nhọn xương, nạo vỏ trai). Những công cụ này có thể dùng trong các hoạt động nông nghiệp nguyên thủy. Đồ gốm chưa có hoặc rất hiếm.

Do Da- la lua

Hình 2: Hình lá cây thuộc họ Hòa thảo (B)

trên đầu mũi nhọn (A) (theo M. Colani)

(2) Theo nhà khảo cổ học Úc Bellwood (2005), Việt Nam có chỉ dấu nông nghiệp sơ khai cách nay ít nhứt độ 8.000 năm, vì cư dân Hòa Bình đã biết ít hoạt động quản lý cây lương thực khá lâu đời với cây có củ và cây ăn quả trước khi ngành nông nghiệp chánh thức xâm nhập từ phương Bắc. Ngoài ra, ở vùng bờ biển Việt Nam, di chỉ Đa Bút (Thanh Hóa) và Cái Bèo (Hải Phòng) đã có sinh hoạt hái lượm – săn bắt và đánh cá cách nay khoảng 6.500 năm hoặc hơn. Môi trường sinh sống của cư dân văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn là các hang động đá vôi và thức ăn phổ biến là loài nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối, sò hến, bên cạnh săn bắt thú hoang, với bằng chứng vỏ sò ốc được tìm thấy số lượng lớn tại các nơi khai quật. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều di vật khảo cổ học tìm được trong các cuộc khai quật từ đầu thế kỷ 20 đến nay để xác nhận chính thức một nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện trong nước, khi cuộc Cách Mạng Đá Mới xảy ra trên thế giới; tuy nhiên, một số công cụ sản xuất đá được tìm thấy ở di chỉ Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút…, bên cạnh các khám phá di vật như phấn hoa cây ăn trái, vỏ trấu, hạt lúa cổ ở nước láng giềng – Thái Lan.

(3) Đến cuối nền văn hóa Hòa Bình và trong văn hóa Bắc Sơn (cách nay 7.000-6.000 năm), các di vật được tìm thấy trong các cuộc khai quật gồm có công cụ đá mài, công cụ xương và đồ gốm. Các rìu mài lưỡi, còn gọi rìu Bắc Sơn, các công cụ ghè đẽo chiếm tỉ lệ cao nhứt trong nhóm di vật, chứng tỏ chúng có thể được sử dụng trong các hoạt động chặt, đốn cây, phá rừng để trồng trọt. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học không tìm được bào tử phấn hoa và xương động vật được thuần hóa trong giai đoạn này (Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận, 1981).

(4) Trong văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, sinh hoạt của con người thường từng băng nhóm độ 20-30 người của một số gia đình chiếm một vùng đất nào đó để kiếm ăn hàng ngày. Sau đó, trong văn hóa Bắc Sơn có sự gặp gỡ giữa các băng nhóm với nhau qua quan hệ hôn nhân, nên bộ lạc ra đời. Theo tài liệu dân tộc học, các bộ lạc thường sống với nghề nông, chủ yếu làm vườn ở thung lũng hoặc vùng đất cao; nhưng cũng có nhiều bộ lạc còn hái lượm và săn bắt hoạt động khá mạnh trên các sườn đồi, rừng núi. Các bộ lạc ít di chuyển thường xuyên hơn các bầy người và băng nhóm (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Các nhà khảo cổ học phát hiện các di tích Bộ lạc trồng lúa ở Đông Nam Á khoảng 7.000-6.000 năm (xem thêm (6)).

(5) Trong nền văn hóa bờ biển Đa Bút (cách nay 6.000 – 5.000 năm), các nhà khảo cổ học cho biết có nghề đánh cá xuất hiện, cư dân biết nuôi dưỡng như trâu và heo (Patte, 1932 và Vũ Thế Long, 1979), chứng tỏ cư dân ở vùng này đã sử dụng súc vật trong ngành nông nghiệp. Hơn nữa, họ còn tìm thấy, rìu mài, cưa, đục, chì lưới đá… Ngoài ra, họ còn biết trồng cây ăn quả, rau, củ xung quanh nhà (Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận và Trần Đạt, 1980). Ngành nông nghiệp đã xuất hiện rõ nét hơn ở Việt Nam, mặc dù còn sơ khai cách nay ít nhứt 6.000 năm.

(6) Tại Đông Nam Á, giai đoạn nông nghiệp đầu tiên là nông nghiệp trồng củ và cây ăn trái, cư dân cổ biết thuần hóa một số loài thảo mộc; trong khi ngành chăn nuôi chiếm địa vị nhỏ bên cạnh trồng trọt do ít đồng cỏ hiện diện (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Ở hang Ma (Spirit cave), vùng biên giới Thái Lan và Miến Điện, nhà khảo cổ học Chester Gorman (1969) đã tìm được 28 loại bào tử phấn hoa của các loài cây ăn trái khác nhau và phỏng đoán nền nông nghiệp cây ăn trái và khoai củ đã bắt đầu xuất hiện cuối văn hóa Hòa Bình của nước này, khoảng 8.000 – 6.000 năm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết vỏ trấu trên những mảnh gốm ở Non Nok Tha thuộc vùng Cao Nguyên Khorat với niên đại phóng xạ khoảng 6.000 năm (Solheim, 1967). Ông Higham (1989) báo cáo vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò được tìm thấy ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ cách nay 8.000-6.000 năm.

Nhiều bộ lạc trồng lúa xuất hiện ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan trong giai đoạn Đá Mới giữa. Các nhà nghiên cứu cho rằng thời kỳ nông nghiệp sơ khai với cây củ và ăn quả xuất hiện tại nhiều nước Đông Nam Á ít nhứt khoảng 8.000 năm trong nền văn hóa Hòa Bình (Solheim II, 1967 và 1971). Con người đã bắt đầu thuần hóa một số thảo mộc, ngoài sinh hoạt hàng ngày với hái lượm và săn bắt để có nhiều thực phẩm và tránh bớt nguy hiểm từ thú dữ. Đó là những nông dân đầu tiên của vùng Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, những nông dân đầu tiên biết trồng các loại cây lương thực, chủ yếu cây có củ và cây ăn quả cách nay ít nhứt 8.000-7.000 năm trong giai đoạn muộn của nền văn hóa Hòa Bình; nhưng chưa tìm thấy chứng cớ hoạt động thuần hóa, ngoài các công cụ sản xuất trồng trọt. Nông dân có thể trồng lúa rẫy trên các cao nguyên, sườn đồi núi, đất cao cách nay ít nhứt 6.000 năm. Cho nên, cây lúa được thuần hóa trước khi các Bộ lạc trồng lúa xuất hiện – khoảng 7.000 năm hoặc sớm hơn. Đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam chỉ tìm thấy nhiều hạt gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) có niên đại cách nay 3.100 năm (Đào Thế Tuấn, 1988) (Hình 3), ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng) nhiều phấn hoa của một giống lúa nước có niên đại cao nhứt đến nay 3.405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Lúa thuần được trồng ở hạ lưu sông Vàm Cỏ (An Sơn), ĐBSCL khoảng 4.100 năm (Barron và những cộng sự viên, 2017).

Hình 3: Hạt gạo cháy vào thời kỳ văn hóa Đồng Đậu

(3 000-3 500 năm trước) (ảnh: N. K. Quỳnh)

3. KẾT LUẬN

Nền nông nghiệp Việt Nam, nhứt là ngành trồng lúa, không nhứt thiết bắt nguồn từ phương Bắc, trái lại, có thể do cư dân lâu đời đã bắt đầu trồng trọt cây ăn trái và cây củ vào thời đại Đá Mới giữa (khoảng 8.000 năm hoặc hơn), sau nôi nông nghiệp đầu tiên của nhân loại khoảng 3.000 năm, đồng thời với nông nghiệp ngũ cốc nguyên thủy Trung Quốc hoặc muộn hơn khoảng 1.000 năm. Họ là những người nông dân đầu tiên trên đất Việt cổ.

Hy vọng trong tương lai, ngành Khảo cổ học Việt Nam sẽ lưu ý nhiều hơn lãnh vực nông nghiệp trong các cuộc khai quật, và những phương pháp nghiên cứu để phân loại, xác nhận các di vật khảo cổ được hiện đại và đầy đủ hơn. Đặc biệt hy vọng sẽ có các khám phá mới về bào tử phấn hoa, phytoliths, hạt tinh bột, DNA… của thảo mộc và động vật, qua nghiên cứu di truyền tiên tiến, toán học hiện đại, mô hình tin học… trong các cuộc nghiên cứu khảo cổ học mới.

Trần Văn Đạt, Ph. D.

Tài LiỆu Tham KhẢo:

  1. Barron, A., Michael TurnerLevi BeechingPeter BellwoodPhilip PiperElle GronoRebecca Jones, Marc OxenhamNguyen Khanh Trung KienTim Senden, and Tim Denham. 2017. MicroCT reveals domesticated rice (Oryza sativa) within pottery sherds from early Neolithic sites (4150–3265 cal BP) in Southeast Asia

(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5547045/).Bellwood, P. 2005. First Farmers: The Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing, Victoria, Australia, 360 pages.

  1. Bùi Huy Đáp. 1980. Cây lúa Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 trang.
  2. Callaway. Ewen. 2014. Domestication: The birth of rice. Nature, 514: 58-59 (30 October 2014)

(http://www.nature.com/nature/journal/v514/n7524_supp/full/514S58a.html?foxtrotcallback=true).

  1. Colani, M. 1926. Découverte de paléolithique dans la province de Hoabinh. L’Anthropologie, vol XXVI, Paris.
  2. Chang, K.C. and Goodenough, W. 1996. Archeology of Southern China and its bearing on the Austronesian homeland. In W. Goodenough ed., Prehistoric settlement of the Pacific, pp. 36-56. Philadelphia: American Philosophical Society.
  3. Chen, X. 1999. On the earliest evidence for rice cultivation in China. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association 18:81-94.
  4. Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
  5. Gorman, C.F. 1969. Hoabinhian: A pebble tools complex with early plant associates in Southeast Asia. Science, vol. 163.
  6. Hà Văn Tấn. 1984. Lớp dăm đá vôi ở Ngườm với khí hậu cuối Pleistocene ở Đông Nam Á. NPHM, Viện Khảo Cổ Học 1984: 18-20.
  7. Higham, C. F. W. 1989. Rice cultivation and the growth of Southeast Asian civilization. Endeavour 13: 82-8.
  8. Ladizinsky, G. 1999. Identification of the lentil’s wild genetic stock. Genetic Resources and Crop Evolution, 46: 115-8.
  9. Lewin, R. 1988. In the age of mankind. A Smithsonian book of Human Evolution, p 117.
  10. Lu, H, Lieu, Z, Wu, N. et al. 2002. Rice domestication and climate change: phytoliths evidence from East China. Boreas 31:378-85.
  11. News Network Archaeography. 2011. Rice’s origins point to China, genome researchers conclude.

    Read more at https://archaeologynewsnetwork.blogspot.com/2011/05/rices-origins-point-to-china-genome.html#U6WJE18kxKrGAlp6.99.

  12. Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận và Trần Đạt, 1980. Phân tích bào tử phấn hoa ở Cồn Cổ Ngựa (Thanh Hóa). Những phát hiện mới (NPHM), Viện Khảo Cổ Học 1980.
  13. Nguyễn Địch Dỹ và Đinh Văn Thuận. 1981. Kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở Hạ Sơn, Phiêng Tung, Nà Khù, Thần Sa- những di tích của con người thời đại đá. Bắc Thái 1981.
  14. Nguyễn Khắc Sử. 1987. Kỹ nghệ công cụ cuội Việt Nam và vị trí của nó trong thời đá Đông Nam Á. Khảo Cổ Học, 1987 (2): 9-21.
  15. Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn. 2.000. Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
  16. Patte, E. 1932. Le Kjokkenmodding néolithique de Dabut et ses sépultures (province de Thanh Hóa, Indochine). Bulletin du Service Géologique d’Indochine (BSGI), vol. XIX, pt.3.
  17. Solheim, W.W. II. 1967. Two pottery traditions of late prehistoric times in Southeast Asia. Historical Archeological and Linguistic Studies on Southern China, Southeast Asia and the Hong Kong region. Ed. F. S. Drake. Hong Kong University Press, Hong Kong 1967, p. 15-22
  18. Solheim II, W.G. 1971. New light on a forgotten past. National Geographic, Vol. 139, No. 3.
  19. Trần Đạt và Đinh Văn Thuận. 1984. Phân tích bào tử phấn hoa ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). NPHM, Viện Khảo Cổ Học, 1984: 91-93.
  20. Trần Đạt. 1987. Nhìn lại các kết quả phân tích bào tử phấn hoa trong nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Khảo Cổ Học, số 4-1987: 61-68.
  21. Viện Khảo Cổ Học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 457 tr.
  22. Vũ Thế Long. 1984. Người Hòa Bình và thế giới động vật. Khảo Cổ Học, số 1, 2-1984.
  23. Zhang, J. and Wang, X. 1998. Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan province. Antiquity 72:897-901.
  24. Zhao, Z. 1998. The Middle Zangtze region in China is one place where rice was domesticated. Antiquity 72:885-96.
  1. Phytoliths là những vật vi tế trong một số thảo mộc, gồm họ Hòa thảo, đậu, sắn, cây gỗ…, được cấu tạo bằng chất silica hoặc dưới dạng calcium oxalate không bị hủy hại với thời gian, nên được dùng trong khảo cổ học để xác định loại thảo mộc và niên đại.