Chung Một Giấc Mơ

Lâm Vĩnh Thế

 

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức (KMTÐ) khai giảng năm học đầu tiên vào năm 1965 với cơ sở vật chất đồ sộ nhứt trong cả nước, cùng với một ban giáo sư gồm 21 vị cho đủ tất cả các môn học. Trong ban giảng huấn nầy, có một số vị đã tốt nghiệp từ các trường đại học của Hoa Kỳ như là:

  • Giáo sư (GS) Dương Thiệu Tống (Hiệu Trưởng)
  • GS Phạm Văn Quảng (Hướng Dẫn Khải Ðạo)
  • GS Nguyễn Ứng Long (Thư Viện)
  • GS Trần Cẩm Hồng (Công Kỷ Nghệ)
  • GS Dương Thị Kim Sơn và Huỳnh Thị Bạch Tuyết (Kinh Tế Gia Ðình)
  • GS Nguyễn Huy Du (Tổng Giám Thị).

Bên cạnh đó là một số GS đã tốt nghiệp Trường Ðai Học Sư Phạm Saigon (ÐHSPSG) như là:

  • GS Nguyễn Văn Tâm và Trương Thị Lệ Khanh (Vạn Vật; riêng GS Lệ Khanh, tôi không nhớ rõ là tốt nghiệp ÐHSPS hay ÐHSP Huế)
  • GS Trịnh Tiến Ðạt (Lý Hóa)
  • GS Huỳnh Hữu Thế (Toán)
  • GS Dương Thủy Ngân (Pháp Văn)
  • GS Phan Hồng Lạc và Phạm Văn Ðang (Việt Văn)
  • GS Nguyễn Hữu Phước và Trần Ngọc Ban (Kiến Thức Xã Hội).

Xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây là các GS tốt nghiệp ÐHSP là Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp chuyên giảng dạy các lớp Ðệ Nhị Cấp từ Ðệ Tam đến Ðệ Nhứt, nhưng tại trường KMTÐ các vị đã chấp nhận dạy các lớp Ðệ Nhứt Cấp.

Ngoài ra còn có:

  • GS Nguyễn Văn Trường (Toán; tốt nghiệp ở Pháp về; trước khi về trường KMTĐ, GS Trường đã đãm nhận chức vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục trong Chính phủ Trần Văn Hương từ ngày 4-11-1964 đến ngày 28-1-1965; về sau GS Trường còn giữ chức vụ Ủy Viên Giáo Dục trong nội các Nguyễn Cao Kỳ từ ngày 13-7-1966 đến ngày 11-11-1966)
  • GS Nguyễn Thị Nguyệt (Pháp Văn, tốt nghiệp ở Pháp về)
  • GS Ðỗ Quang Giao (Canh Nông)
  • GS Bùi Kim Nhiệm (Doanh Thương)
  • GS Lan Ðài (Nhạc)
  • GS Hoàng Hương Trang (Hội Họa).

Từ số GS trong năm học đầu tiên đó, ban GS của trường KMTÐ đã tăng trưởng với thời gian cho đến năm 1975, thì đã trở thành một lực lượng GS thật hùng hậu, với khả năng và kinh nghiệm giảng dạy vô cùng phong phú và độc đáo. Ngoài sự phát triển của ban GS về số lượng và chất lượng nầy còn phải kể đến sự kết hợp một cách hết sức kỳ diệu của ban GS thành một khối rất thuần nhất, rất đồng bộ với một tinh thần đồng đội rất cao. Đặc điểm nổi bật của khối GS nầy là tính nhất quán của triết lý giáo dục tổng hợp và phương pháp giảng dạy bằng lối thuyết trình đặt nặng trên nguyên tắc giải quyết vấn đề. Ði song song với cách học thực tiển nầy (vừa học các môn văn hóa bắt buộc vừa học các môn nhiệm ý), các học sinh KMTÐ còn được các GS tạo điều kiện cho tiếp cận với các sinh hoạt ngoài học đường qua các cuộc du khảo thường xuyên. Các học sinh KMTÐ không phải chỉ học giỏi mà còn biết làm việc giỏi. Ðiều nầy thể hiện rất rõ qua sinh hoạt Hiệu Ðoàn của các em, và đặc biệt nhứt là các cuộc vận động tranh cử hằng năm đầy hào hứng và sáng tạo của các em vào ban chấp hành của Hiệu Ðoàn. Sự thành tựu vượt bực hiện nay (kể cả ở trong nước và hải ngoại) của một số lớn các cựu học sinh KMTÐ là một bằng chứng hùng hồn của giá trị thực tiển của phương pháp giảng dạy hết sức độc đáo của ban GS KMTÐ.

Tinh thần đồng đội của ban GS KMTÐ thể hiện rõ rệt nhứt sau khi GS Phạm Văn Quảng lên đãm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng. Một luồng gió mới và lành mạnh làm thay đổi hẳn bộ mặt và sinh hoạt của trường ở cả hai phía thầy cô và học sinh. GS Nguyễn Nhã thay thế GS Phạm Văn Quảng trong vai trò Huớng Dẫn Khải Ðạo đã thật sự tạo ra một mối liên hệ thầy trò chặt chẻ, thân thương và bền bĩ, tiếp nối cho đến cả ngày hôm nay, hơn 40 năm sau ngày trường bị xóa tên, và một số cựu học sinh KMTÐ đã bước vào tưổi lục thập nhi nhĩ thuận. Sau khi GS Phạm Văn Quảng thuyên chuyển về giảng dạy tại ÐHSPS và GS Dương Văn Hóa lên đãm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng thì tinh thần đồng đội nầy lại càng được nâng cao hơn. Hàng loạt các trại hè cũng như trại sinh hoạt được tổ chức cho cả thầy cô và học sinh KMTÐ tại khuôn viên nhà trường cũng như tại Vũng Tàu. Qua các trại nầy, tình thân giữa các thầy cô và học sinh KMTÐ ngày càng thêm thắt chặt.

Khi Trường ÐHSPSG bắt đầu mở Ban Cao Học Giáo Dục, một số khá đông các GS KMTÐ đã hăng hái ghi danh theo học để nâng cao thêm nữa kiến thức chuyên môn. Và cũng chính một GS KMTÐ, GS Trần Thái Hồng (Việt Văn), là ngườI đã bảo vệ thành công luân văn Cao Học Giáo Dục đầu tiên của trường ÐHSPSG. Ðề tài luận văn Cao Học Giáo Dục nầy là chương trình giáo dục tổng hợp tại Việt Nam. Cũng nên ghi nhận thêm một điều là một trong các GS cơ hữu của Ban Cao Hoc Giáo Dục của ĐHSPSG là GS Dương Thiệu Tống, Hiệu Trưởng đầu tiên của trường KMTÐ.

Môt điểm son nữa của ban GS KMTÐ là tinh thần làm việc vô vụ lợI và chí công vô tư. Tôi còn nhớ mãi và vô cùng tự hào về câu chuyện nhỏ sau đây. Mùa hè năm 1968, trong kỳ thi tuyển vào lớp Ðệ Thất của trường, trong số thí sinh có một em là con của vị đương kim Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục. Sau khi có kết quả, em nầy không đủ điểm để được chấm đậu. Theo thông lệ, mỗi năm trường KMTÐ chỉ tuyển vào 4 lớp Ðệ Thất, mỗI lớp 35 học sinh, tổng công tối đa là 140 học sinh. Trước khi kết thúc hội đồng thi, có ngườI nêu lên một vấn đề tế nhị như sau: có nên đặc biệt chiếu cố cho em học sinh nầy hay không để tránh làm mất mặt vị Thứ Trưởng cũng như để tránh những khó khăn trong quan hệ giữa trường và Bộ sau nầy. Ban GS, sau khi thảo luận rất cặn kẻ, đã quyết định không dành cho em thí sinh nầy một sự chiếu cố đặc biệt nào cả. Lý do: nếu lấy em nầy vào số đậu thì phải loại một em khác một cách bất công. Ðiều đáng nói hơn nữa là thái độ rất đàng hoàng, đứng đắn của vị Thứ Trưởng kia: ông vui vẻ chấp nhận quyết định nầy của ban GS KMTÐ và còn nhắn lời khen ngợI của ông đến ban GS.

Khởi đi từ những khác biệt cá nhân về giới tính, địa phương tính, tôn giáo, ngành học chuyên môn, và, có lẽ, cả ước vọng của riêng từng người, các GS KMTÐ, qua quá trình xây dựng và phát triển ngôi trường thân yêu, đã vươn lên và kết hợp thành một đội ngủ nhà giáo tiên phong trong việc thực hiện một nền giáo dục tổng hợp đầu tiên cho Việt Nam. Các nhà giáo nầy đã có chung một giấc mơ là đào tạo một thế hệ công dân Việt Nam mới có đầy đủ kiến thức, khả năng, đầy tình ngườI và nặng lòng với quê hương, đất nước. Cũng như bao nhiêu giấc mơ khác, có giấc mơ thành sự thật, có giấc mơ vĩnh viễn là giấc mơ. Giấc mơ nầy của các GS KMTÐ đã không trở thành sự thật vì hệ thống giáo dục tổng hợp tuy đã được thử nghiệm thành công tại trường KMTÐ nhưng chưa được mở rộng trên cả nước vì biến cố 30-4-1975. Niềm an ủi sâu xa cho đội ngũ nhà giáo đầy tâm huyết nầy là nhìn thấy được phần nào hiện thực của Giấc Mơ Chung xuyên qua sự thành công trong nghề nghiệp, tình nghĩa đối vớI thầy cô và bạn bè, cũng như tấm lòng đối với quê hương, đất nước Việt Nam thể hiện rõ rệt trong nếp sống của những cựu học sinh KMTÐ còn ở trong nước cũng như ở hải ngoại. (Xin mời bạn đọc vào xem hoạt động của các cưu học sinh KMTĐ tại Trang Web sau đây: http://www.kieumauthuduc.org/)

Người xưa có nói không lấy thành bại mà luận anh hùng. Ðiều quan trọng nhứt đối với các nhà giáo KMTÐ là họ đã từng có và chia xẻ với nhau một Giấc Mơ Chung.