ĐƯỜNG VÀO MÔN PHÁI

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Ai có dịp ghé ngang những làng mạc ở Bình Định, không khỏi thất vọng, vì tiếng đồn là “Miền Đất Võ” mà chẳng thấy một dấu vết gì võ nghệ cả. Người dân ở đây thật thà, trầm tĩnh, lẫn chút rụt rè thì làm sao có được cái nét quắc thước của con nhà võ!

Nhận xét ấy, chỉ đúng một phần. Không phải tất cả dân Bình Định đều có võ. Lại nữa, những người càng giỏi võ, lại càng nhũn nhặn, khiêm tốn và kín đáo.

– Nhà sư Bửu Thắng, trông tấm thân mảnh mai, tưởng chừng gió thổi ngã, gặp vũng nước cũng vén quần xách dép lội qua. Ai ngờ, trong con người ấy có một đường roi chiến (trung bình tiên) khốc liệt, cuốn người như bão táp mưa sa. Sá gì một cú nhảy xa gấp ba lần vũng nước vừa mới lội qua.

– Ông Bảy Tòng râu tóc bạc phơ, thân thể tráng kiện là kết quả của quá trình tập luyện. Nhưng trước mặt mọi người, ông vẫn khiêm tốn, không bao giờ nhận mình là thầy võ, dù học trò của ông đều là những võ sĩ nổi tiếng.

– Với Thanh Tùng, lại càng kín đáo lạ thường. Cô ngoan hiền về nhà chồng như bao cô gái Bình Định khác. Ngày ngày, cô chăm chỉ bên chiếc máy may, nhỏ nhẹ với khách hàng. Trông dáng dấp liễu yếu đào tơ, không ai thấy ở Thanh Tùng một dấu vết gì về võ nghệ, đã một thời nổi tiếng biểu diễn quyền, roi ở điện thờ Quang Trung. Đừng lầm! Khi cần tự vệ, “con người võ” của Thanh Tùng vụt dậy. Đôi mắt hiền lành bỗng rực sáng như gươm bén và đôi tay mềm mại biến thành thanh sắt.

Võ Đình Huyền, bút hiệu Hồng Tâm, một nhà thơ Bình Định, diễn tả sự trổi dậy của con người võ qua bài Truyền Thống Võ Thuật Bình Định:

Trai thanh gái lịch đất hùng,

Nêu gương truyền thống Quang Trung thuở nào.

Vung roi gió nổi ào ào,

Buông roi, quyền cước sóng trào đêm trăng.

Lung linh đôi cánh chim bằng,

Mai hoa ẩn hiện, vuông trăng trang đài.

Thu gươm ngắn, bắt giáo dài,

Đưa tay điểm huyệt, khóa tài đối phương.

Theo quan niệm thông thường, con nhà võ phải ăn to nói lớn. Thế nhưng, người giỏi võ ở Bình Định lại thường kín đáo. Tại sao vậy?

Rút kinh nghiệm ở nhà Tây Sơn, nhổ cỏ không nhổ tận gốc, Nguyễn Ánh mới có cơ phục hưng. Thế nên, khi Gia Long lên ngôi, ra sức tận diệt không những nhân sự, mồ mả, mà cả di sản văn hóa thuộc Tây Sơn. Thời ấy, người trong vùng thường nói:

Muốn thi cải dạng nam nhi

Muốn yên phần mộ bia ghi tên bà.

Võ Tây Sơn là mối nguy hiểm hàng đầu, cần được tẩy xóa. Các loại như kỳ, đao, kiếm, cổ bị cấm ngặt. Không được tụ tập đông người để luyện võ, các lò võ bị rình rập, võ sư bị theo dõi. Suốt chiều dài triều đại nhà Nguyễn, chính sách tận diệt tàn tích Tây Sơn vẫn được duy trì. Tiếp đến thời đại Pháp thuộc, những người giỏi võ cũng bị Pháp nghi kị, tìm cách trừ khử. Vì thế, các lò võ ở Bình Định phải thu hẹp lại, chỉ còn tính cách gia truyền. Mạch võ sống âm thầm trong nhiều thế hệ. Tập quán e dè, kín đáo trở thành truyền thống của con nhà võ Bình Định.

Lại nữa, tiêu chuẩn thu nhận môn sinh của phái võ Bình Định, đòi hỏi người theo học phải đạt cả hai phương diện: khả năng và đức hạnh. Là một võ sĩ lý tưởng, đối với bản thân, phải toàn vẹn về thể xác lẫn tinh thần, không khoe mình, chê người. Đối với môn phái, không phản sư phế đạo, phải phát huy và truyền dạy võ công của môn phái theo chính đạo. Đối với thiên hạ, không ỷ tài hiếp sức, không loạn dâm hiếu sắc, không đắm sa vào các thói hư tật xấu, không sanh tâm đạo tặc. Đối với địch thủ, không vì thắng vinh, bại nhục; phải kiên trì luyện tập để chiến thắng.

Chính những điều luật trên, đã đào luyện con nhà võ giữ được đức tính bình tĩnh, kín đáo và từ tốn.

Khi có người đến xin học. Công việc đầu tiên của võ sư, xem tướng để quyết định thu nhận hay không. Bằng đôi mắt nhà nghề, thầy xét từng điểm trên ngoại hình. Nếu có khuôn mặt phản sư, đôi mắt háo sắc, nốt ruồi đạo tặc… thầy võ tìm cách từ chối. Đến lượt xét tuổi tác, nếu thầy trò khắc kỵ nhau, thầy tuổi Tý trò tuổi Mẹo thì cũng không nhận.

Qua được vòng loại, thầy chọn ngày làm lễ nhập môn. Lễ ấy đơn giản, một mâm xôi với vài con gà luộc, trước là khấn tổ, sau ra mắt với đám môn đệ. Võ sinh thường ăn ở ngay tại nhà thầy, được coi là đệ tử, được đối xử như con cháu trong nhà. Tất cả công việc nhà thầy từ cày bừa, thu hoạch, giổ chạp đến việc ân oán, các đệ tử đều chung sức gánh vác với thầy.

Việc luyện võ thường kín đáo, chọn chỗ tập là sân sau nhà, mé núi, gò vắng. Buổi tập từ khi trời chưa sáng, đến lúc mặt trời mọc chừng nửa cây sào (7 giờ sáng) thì mãn. Chiều, tập từ lúc mặt trời sắp chen núi (5 giờ) đến đỏ đèn (7 giờ tối). Những đêm có trăng, buổi tập kéo dài đến quá canh một (khoảng 9 giờ tối) mới nghỉ. Thời gian tập luyện kéo dài vài năm, chủ yếu dạy cho hết trình độ căn bản và tất cả các thế võ thông dụng. Trong giai đoạn thử thách này, thầy võ loại dần những người thiếu khả năng và kém đạo đức.

Giai đoạn cuối cùng, thầy dạy ở trình độ cao. Chủ tâm truyền lại tất cả những gì thầy đã học được trong đời võ thuật. Tuy nhiên, thầy vẫn còn giữ lại một vài thế hiểm để phòng thân, nếu có sự phản trắc. Và chỉ truyền lại cho đệ tử nào tâm đắc nhất, khi thầy sắp qua đời.

Khoảng đầu thập niên 1970 có lò võ Trần Trọng, địa phương quen gọi là ông Xã Hào, ở Trường Úc, thị trấn Tuy Phước, đã sa thải một võ sinh mà tiếng đồn vang xa về lòng nhân của thầy dạy võ. Một thanh niên đến xin thọ giáo, ông Xã Hào nhận ngay. Anh ta tính nết rất tốt, học hành chăm chỉ, lại thông minh và cầu tiến. Có một điều, ông Xã Hào chưa yên tâm. Anh ta tỏ ra tham đòn nên ông còn ngần ngại, chưa dám dạy các độc chiêu. Một lần, anh liếc thấy thầy dạy các ngón bí truyền cho một môn sinh khác, anh học lỏm được ngay.

Đợi lúc thầy đi vắng, anh ta biểu diễn độc chiêu ấy, hăng máu đâm đầu roi xuyên thủng bao cát, mà còn thừa sức đi hết thân roi. Thầy về, thấy dấu vết, anh ta thành thực trình bày. Thầy khen là trung thực, nhưng lại xót xa khuyên anh ta không nên tiếp tục theo đuổi võ nghệ nữa. Ông Xã Hào giải thích, người quyết chí học hành như vậy là tốt, nhưng bản chất quá thừa hung khí, dù không cố ý, trước sau gì cũng gây án mạng. Tốt hơn nên giải nghệ để khỏi rước họa vào thân.

Một võ sinh học xong giai đoạn cuối, xin thầy cho ra đời, gọi là thời kỳ xuất sư. Mỗi môn đệ có thể mở trường riêng, truyền bá môn phái. Dù đã sống độc lập nhưng tình thầy trò vẫn khắng khít như thuở nào. Họ vẫn thường xuyên lui tới tổ đường, vẫn một lòng bảo vệ thầy và môn phái khi bị xâm phạm. Như thế, việc chọn mặt gửi vàng của nhà võ không phải là thừa. Các cao thủ thường nói: thà chịu mất đi một phần tinh hoa của võ thuật, còn hơn là chân truyền cho kẻ bất nhân hại đời. Ngay cả con cháu mình, thầy cũng thận trọng khi truyền lại những thế võ độc hiểm.

Võ sư Hồ Nhu, người đời quen gọi là Hồ Ngạnh (gọi theo tên con). Ông sinh năm 1891 (trên mạng, có tài liệu ghi năm 1886), mất năm 1976; người thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Một thời, ông nổi tiếng về roi chiến (chiều dài ngang với tầm mắt), đánh cả hai đầu và sở trường về lối đánh nghịch. Khi địch thủ tấn công, ông không đỡ mà lượn theo ngọn roi của đối thủ để trả đòn, theo nguyên tắc lấy nghịch chế thuận. Nói cách khác, ông vận dụng triệt để phép âm dương. Ngọn roi của ông, tài tình đến độ xuất quỷ nhập thần, địch thủ hết đường chống đỡ.

Huyền thoại những đệ nhất võ lâm trời Nam (kỳ 1), Thể thao, vo thuat, vo lam, huyen thoai, viet nam

Võ sư Hồ Ngạnh (1891- 1976), ảnh từ trang mạng.

Ông chỉ có một con trai duy nhất nên rất yêu quý và hết lòng truyền dạy võ nghệ từ tấm bé. Ngặt nỗi, con ông lại thiếu trầm tĩnh, chưa thể dạy các độc chiêu. Ông định chờ con đứng tuổi, đằm tính, sẽ truyền dạy cũng không muộn.

Thế rồi, vào một đêm đông, trời tối như mực, có tiếng tháo cổng chuồng bò. Con trai đi vắng. Hồ Ngạnh phải cầm roi ra vườn đuổi trộm. Vừa đến nơi, ông bị một tên vung roi chặn lại. Quần thảo với tên trộm một hồi, Hồ Ngạnh nghĩ thầm, tay roi này vững lắm. Hắn cố cản đường để đồng bọn đủ thì giờ lùa bò đi. Hồ Ngạnh, phần thì sợ mất của, phần thì vì danh dự của dòng phái “Roi Thuận Truyền.” Ông định ra độc chiêu ngay nhưng nghĩ lại, bèn nói lớn: “Nếu mày không lui, tao đánh chết!”

Tên trộm nghe nói thế, thay vì rút lui, lại càng đánh hăng. Ông kiên nhẫn nhắc lại đến lần thứ ba, tên trộm vẫn quyết xông tới. Ông đổi thế đánh, đường roi lạ đâm ngay đối thủ. Tên trộm tê người, ngã khụy.

Khi đèn đuốc thắp lên, ông nhận ra tên trộm chính là con trai mình hóa trang. Ông bồng con vào nhà, khóc nức nở. Hỏi ra, con ông vì nóng lòng muốn biết sớm thế võ độc của cha, nên giả làm tên trộm, khêu cho ra thế võ ấy để học lỏm. Ông là thầy thuốc võ nổi tiếng nhưng vô phương cứu chữa. Vài ngày sau con ông qua đời!

Câu chuyện được loan truyền trong vùng, nhiều người quả quyết có thật. Chẳng hạn như ông Nguyễn Mai người thôn Vĩnh Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, hiện định cư tại San Jose (CA). Ông cho biết đích xác, trước năm 1975 thường gặp Hồ Ngạnh trong tình thân, được ông ấy tâm sự nhiều về việc đau buồn. Nhưng với võ sư Đinh Văn Tuấn, hiện ở Qui Nhơn (Việt Nam), đệ tử tâm đắc của Hồ Ngạnh, lại nhất quyết rằng không hề có chuyện ấy. Con trai duy nhất của thầy, mất sớm vì cơn bệnh ngặt, người đời lại thêu dệt thành chuyện ly kỳ, tổn hại đến tình cảm gia đình của võ sư.

 

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG