HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG

TẠI ONTARIO, CANADA

Đàm Trung Phán

Rất nhiều cha mẹ, ngay cả các vị giáo sư Trung học tại Ontario thường chỉ thích cho con mình hay học trò mình đi học Đại Học (University) thay vì Cao Đẳng (College). Bài viết này được dựa theo những kinh nghiệm tai nghe mắt thấy để làm sáng tỏ một số vấn đề trong Chương Trình Giáo Dục Hậu Trung Học (Post Secondary Education) liên quan tới các trường Colleges tại tỉnh bang Ontario, Canada.

Các colleges (Trường Cao Đẳng) tại Ontario còn được gọi là Community College (tạm dịch là Đại Học Cộng Đồng) hay Colleges of Applied Arts and Technology (tạm dịch là Cao Đẳng Bách Nghệ). Các Chương Trình (hay Ngành nghề, Programs) của Colleges đi sát với tính cách thực tiễn (Practical, Hands on) của các ngành nghề chuyên môn trong Công Kỹ Nghệ trong khi Đại Học đào tạo sinh viên theo tiêu chuẩn nặng về lý thuyết và tổng quát (theoretical, general). Nói một cách khác, phần lớn các Sinh viên sau khi tốt nghiệp College có thể sắn tay áo làm việc liền với các cơ sở, theo tinh thần “ Mì Ăn Liền” của người Việt chúng ta vậy!

Tỉnh bang Ontario có 25 Colleges. Mỗi College lớn tại thành phố như Toronto có khoảng trên 10 ngàn Sinh Viên Toàn Thời Gian (Full Time students) và trên 40 ngàn Sinh Viên Bán Thời Gian (Part Time students). Hàng năm mỗi Sinh Viên đều phải đóng tiền học nhưng số học phí không đủ để College trang trải các phí tổn. Chính phủ Liên Bang Canada và Tỉnh Bang Ontario phải cung cấp ngân khoản cho mỗi College bằng 2 số tiền học phí của tất cả sinh viên. Mỗi sinh viên ngoại quốc (International student) phải đóng học phí khoảng 11 ngàn Gia Kim cho mỗi một năm học, theo giá biểu của năm 2002 . Sinh viên Immigrant hay Sinh Viên có quốc tịch Canada có thể mượn tiền Chính Phủ để đi học college.

Sau đây là Website của 15 trong số 25 Colleges của tỉnh bang Ontario nhận sinh viên ngoại quốc vào học. Xin quý vị vào đọc để có thêm ít nhiều chi tiết khác mà chúng tôi không thể nêu lên trong bài viết này được:

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_colleges_in_Ontario

Được mệnh danh là Trường Bách Nghệ, mỗi College lớn dậy từ 80 đến 130 các ngành nghề (Programs) khác nhau.

Bốn trường lớn nhất trong tỉnh bang Ontario là Seneca College, Humber College, Centennial College và Sheridan College. Cả 4 trường này đều nằm trong vùng Đại Đô Thị Toronto. Số sinh viên của mỗi trường này có từ 12 tới 16 ngàn Sinh Viên Full Time và từ 40 tới 100 ngàn Sinh Viên Part Time . Sheridan College rất nổi tiếng trên thế giới với ngành Computer Animation/Computer Graphics. Đặc biệt hơn nữa là Trường La Cité Collégiale tại Ottawa lại dậy hoàn toàn bằng tiếng Pháp!

Có rất nhiều Chương Trình Học (hay ngành nghề, Programs) trong các Phân Khoa khác nhau. Ví dụ như: Chương Trình Điện Toán (Computer Technology Program) trong Phân Khoa Kỹ Thuật, Ngành Báo Chí (Journalism Program) trong Phân Khoa Truyền Thông, Ngành Y Tá ( Nursing Program) trong Phân Khoa Y Tế … Các chương trình này luôn luôn được cập nhật hóa để đáp ứng được những nhu cầu mới nhất của Công Kỹ Nghệ .

Cách tổ chức hành chánh của College cũng chẳng khác Đại Học cho lắm. Tựu chung, mỗi College đều có:

  • Ban Chỉ Đạo (Board of Governors / Directors),
  • Viện Trưởng (President),
  • Vài Phó Viện Trưởng (Vice Presidents),
  • Khoa Trưởng (Deans),
  • Giám Đốc (Chairpersons),
  • Trưởng Phòng (Co-ordinators / Department Heads hay Giáo Sư Trưởng Phòng),
  • Giáo Sư (Faculty / Teaching Staff: Full Time Professors and Part Time/Sessional Professors),
  • Nhân Viên hành chánh/Nhân Viên Kỹ Thuật (Support Staff).

Các thành viên của Ban Chỉ Đạo (ngoại trừ các thành viên như: Viện Trưởng, Đại Diện Ban Giảng Huấn, Đại Diện nhân viên phụ tá, Đại Diện Sinh Viên) đều được Chính Phủ Tỉnh Bang đề bạt cho mỗi nhiệm kỳ là 2 năm. Họ là những người rất thành đạt và có tiếng tăm trong xã hội và làm việc không ăn lương với nhà trường. Với nhiều kinh nghiệm quý báu và thế lực rộng lớn trong xã hội, họ đã là những đầu não đóng góp rất đáng kể vào sự bành trướng mau chóng và mạnh mẽ của các Colleges trong 30 năm qua. Họ đã là những người đặt kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để vị Viện Trưởng thi hành trách nhiệm trong công việc hàng ngày. Tuy nhiên, các nhân viên/giáo sư nhà trường và các sinh viên Toàn Thời Gian vẫn có quyền lên tiếng phản đối kế hoạch của Ban Chỉ Đạo, vì vậy Ban Chỉ Đạo cũng phải lắng nghe các tiếng nói này. Ban Chỉ Đạo cũng đã thường đề nghị với chính phủ giúp đỡ thêm ngân sách cho nhà trường.

Vị Viện Trưởng được Ban Tuyển Chọn Viện Trưởng (President Selection Committee) tuyển chọn dựa theo nhu cầu chính yếu của College trong thời điểm đó. Các Viện Trưởng cần có những cá tính đặc sắc như Khả Năng Thương Lượng, biết cách tổ chức hữu hiệu và quy mô, biết cách điều hành ngân quỹ để tránh thâm thủng, biết cách hợp tác (partnership) với Công Kỹ Nghệ hay các Đại Học … Vị Viện Trưởng nhiều khi cũng cần có kinh nghiệm giảng dậy tại College hay Đại Học, nhất là phải có tài lãnh đạo và tiên đoán được những kế hoạch lớn cho tương lai …

Với những con số hàng trăm ngàn Sinh Viên toàn thời gian và bán thời gian tích lũy trong 30 năm vừa qua, với hàng ngàn nhân viên và giáo sư toàn thời gian và bán thời gian và đồng thời các chương trình lại hay được cập nhật hóa hàng năm , hệ thống hành chánh của mỗi College ở Ontario, Canada càng ngày càng trở nên phức tạp . Hệ thống Điện Toán của nhà trường vừa để cho Ban Hành Chánh sử dụng, vừa để cho Sinh Viên thực tập ngày đêm nhiều khi đã gây ra biết bao trở ngại, nhất là trong 10 năm qua rất nhiều các chương trình học (Programs) đã sử dụng biết bao nhiêu là softwares trong các phòng ốc trang bị với hệ thống Computers. Cách tổ chức Hành Chánh của Colleges trở nên rất tinh vi và phải hữu hiệu để nhà trường không thâm thủng ngân quỹ trong niên học. Trong vài năm trước khi tôi về hưu non tại Centennial College, Hệ Thống Hành Chánh đã thay đổi rất nhiều trong một thời gian khá ngắn hạn, nhất là sau những lần cắt bớt nhân viên (downsizing) những mong làm sao cách làm việc có “hiệu lực” hơn nhưng thực sự cũng đã gây biết bao các nhức nhối và khổ tâm cho nhiều nhân viên và giáo sư còn sống sót sau những vụ “thanh trừng” này! Chung quy cũng chỉ vì chính phủ Liên Bang và Tỉnh Bang càng ngày càng cắt xén ngân quỹ trong khi số sinh viên đi học càng đông và nhà trường lại không dám tăng học phí của sinh viên!

Cách tổ chức của mỗi College có thể khác nhau đôi chút, nhưng thường thì Vị Viện Trưởng của mỗi College cần có sự trợ giúp đắc lực của:

– Phó Viện Trưởng Đặc Trách về Điện Toán, Thông Tin, Kế Hoạch

– Phó Viện Trưởng Đặc Trách về Giảng Dậy

– Phó Viện Trưởng Đặc Trách về Sinh Viên và Xã Hội

– Phó Viện Trưởng Đặc Trách về Hành Chánh và Tài Chánh

Mỗi College có nhiều Phân Khoa (Faculties hay Schools) khác nhau. Có Phân Khoa Học Nghề (Apprenticeship Faculty/School), có phân Khoa Học Chữ (Academic Faculty/School). Phần lớn các Colleges đại loại có các phân khoa sau đây:

-Văn Khoa Ứng Dụng (Faculty/School of Applied Arts)

-Thưong Mại (Faculty/School of Business)

-Y tế (Faculty/School of Health Sciences)

– Khoa Học, Kỹ Thuật (Faculty/School of Technology and Applied Sciences)

-Vận Chuyển (Faculty/School of Transportation).

– Dịch Vụ Xã Hội (Faculty/School of Social Services)

– Truyền Thông (Faculty/School of Communications)

Đứng đầu của mỗi phân khoa là vị Khoa Trưởng (Dean hay Academic Advisor). Mỗi Khoa Trưởng lại có vài Phụ Tá Khoa Trưởng (Chairpersons hay Managers) vì mỗi Phân Khoa thường có rất nhiều các ngành học (programs) khác nhau. Thí dụ như Phân Khoa Kỹ Thuật và Khoa Học Áp dụng tại Centennial College, phân khoa mà tôi đã dậy trong 32 năm, có các ngành sau đây: Điện Tử (Electronics Engineering Technology), Điện Toán (Computer Systems Technology), Sửa và Bảo Trì Máy Điện Toán (Computer Repair and Maintenance), Cơ Khí (MechanicalEngineering Technology), Khuôn Mẫu (Metal Machining -Tool and Die Maker), Vẽ Sáng Tạo Máy Móc (Computer Aided Design and Manufacturing ), Ngành Sinh Vật (Biological Technology), Người Máy và Kỹ Thuật Tự Động (Automation and Robotics Technology), Ngành Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Technology) , Phụ Tá Phòng Thí Nghiệm (Lab Assistant ) .

Đứng đầu của mỗi Department (trên phương diện hành chánh, mỗi ngành hay chương trình học được gọi là Department) là Vị Giáo Sư Trưởng Phòng ( Co-ordinator / Department Head) đảm trách các môn học ( courses hay subjects), các giáo sư, phân chia các môn dậy cho Giáo sư, thu nhập sinh viên, gặp gỡ sinh viên trong Department và chăm lo các công việc hàng ngày của Department . Giáo Sư Trưởng Phòng cũng dậy một số giờ để vẫn giữ tư cách của một Giáo Sư và để gần gũi với Sinh Viên.

Nói tóm lại, mỗi Khoa Trưởng có các nhân viên dưới quyền như Phụ Tá Khoa Trưởng (Chairs hay Chairpersons), Trưởng Phòng (Co-ordinators), Giáo Sư Toàn Thời Gian (Full Time Professors) và Giáo Sư Bán Thời Gian ( Part Time Professors hay Sessional Professors) , Thư Ký (Administrative Assistants, Secretarial Support Staff ), chuyên viên Kỹ Thuật (Technical Support Staff).

Muốn biết thêm chi tiết của College nào, Quý vị có thể đọc chi tiết trong cuốn Full Time Calendar của College đó. Nếu dùng Internet, Quý vị có thể bấm vào, thí dụ như :

www.centennialcollege.ca

để biết về Centennial College

www.senecacollege.ca

để biết về Seneca College

(Hai College này lớn nhất tại Toronto và Ontario)

Sinh viên tại Colleges có rất nhiều quyền hạn nhưng đồng thời họ cũng có trách nhiệm riêng của họ. Sinh viên có quyền gặp riêng các Giáo Sư để hỏi thêm về những điều họ chưa hiểu rõ trong lớp học. Họ cũng có quyền hỏi các Giáo sư về cách chấm điểm của các bài Assignments (bài nộp trong năm), Test Papers (bài thi trong năm và cuối năm) đã được chấm xong và trả lại cho Sinh Viên. Sinh viên còn có quyền được gặp Giáo Sư Trưởng Phòng (Co-ordinators) để tham vấn về tương lai ngành nghề hay than phiền về cách dậy của các Giáo Sư hay cách chấm điểm của các Giáo Sư …Ngược lại, sinh viên nào làm mất trật tự trong lớp (như chửi thề, đánh lộn, to tiếng, say rượu …) hay bị bắt quả tang đã gian lận khi thi cử, các Giáo Sư có quyền mang sinh viên ấy ra Hội Đồng Kỷ Luật . Nếu phạm lỗi nặng như gây thương tích, Sinh Viên không những bị trục xuất khỏi nhà trường mà còn bị pháp luật trừng trị nữa.

Các Giáo Sư Toàn Thời Gian (Full Time Professors) được các Ban Tuyển Chọn (Faculty Selection Committee) xét đơn, phỏng vấn và chấm điểm rất kỹ càng. Phần lớn các Giáo Sư này, ngoài vấn đề bằng cấp đã có, đã từng là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong Công Kỹ Nghệ và phải có Kinh Nghiệm giảng dậy. Trong thập niên 80 và 90, rất nhiều các giáo sư Toàn Thời Gian được tuyển chọn sau khi họ đã dậy nhiều năm trong College với danh nghĩa Giáo Sư Bán Thời Gian (Sessional/Part Time Professors) để lấy kinh nghiệm giảng dậy . Chúng tôi đã có cái may mắn được là một thành viên của nhiều Ban Tuyển Chọn Giáo Sư trong thập niên 80 và 90. Chúng tôi còn nhớ, vào năm 1999 , chúng tôi đã là 1 trong 12 thành viên của Ban Tuyển Chọn Giáo Sư Anh Văn (English Selection Committee). Chúng tôi đã phải duyệt xét hơn 200 đơn xin việc (Résumés and Covering Letters). Ban Tuyển Chọn đã phải lập cách thức (Criteria) để duyệt xét các Résumés để đi đến chỗ “thanh lọc”. Hơn 30 Résumés đã được Ban Tuyển Chọn cùng đồng ý sẽ gửi hồ sơ tới để các ứng viên (candidates) sửa soạn và nộp Giáo Án ( Planned Lesson) cho một kỳ dậy thử (Mini Lecture) trong lớp mà “học trò” là Ban Tuyển Chọn . Lại một lần nữa chúng tôi phải lập cách thức chấm các Giáo Án của từng thí sinh để lấy 15 “thí sinh” vào vòng Chung Kết. Sau đó 15 ứng viên này đã thực sự dậy Anh Văn trước mặt Ban Tuyển Chọn. Cuối cùng, Ban Tuyển Chọn chấm điểm để lựa ra 3 “thí sinh” được điểm số cao nhất .Tất cả các thành viên của Ban Tuyển Chọn lặi cùng bàn cãi (debated) và “chấm điểm” một lần nữa để rồi đi đến quyết định tuyển chọn theo theo ngôi thứ 1, 2, 3. Người Trưởng Ban của Ban Tuyển Chọn có nhiệm vụ phải “check references” của 3 “thí sinh” này. Thú thực với quý vị độc giả là tôi chưa bao giờ từng thấy khó sử như lúc này vì cá nhân tôi thấy cả 3 vị này đều là những người rất sáng giá (bằng cấp rất cao, đã lãnh giải thưởng khi còn đi học Ðại Học, cách dậy rất giỏi, tính tình lại còn cởi mở … Họ có thể dậy cả English as a Second Language, English Communications và English Literature luôn). Trong thâm tâm, tôi hy vọng là nhà trường sẽ thuê cả ba vị giáo sư này!

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT TRƯỚC KHI ĐI HỌC COLLEGE

Không riêng gì người di dân (immigrants), mà ngay người dân bản xứ Canada cũng thấy do dự trước khi đi học Đại Học hay College. Học ngành gì để dễ kiếm việc về sau? Liệu mình có xin vào học được không? Được nhận vào, rồi sau đó, liệu mình có học ra trường được không vì vấn đề tài chánh và khả năng? Và con rất nhiều các câu hỏi khác!

Điều kiện nhập học College khá dễ so với Đại Học. Chỉ cần học xong lớp 12 (thay vì lớp 13 cho các Đại Học) là quý vị có thể xin đi học College được. Nếu trên 21 tuổi mà chưa học xong lớp 12 ở Canada hay ngoại quốc, ai ai cũng có thể xin học College với điều kiện là phải thi môn Anh Văn và Toán, dưới tư cách là 1 “mature student”. Tùy theo khả năng của từng “Mature Student”, nhà trường sẽ cho họ học thêm Toán và Anh Văn. Tôi đã thấy có rất nhiều các sinh viên Canada đứng tuổi (va` dân Immigrants luôn nữa) đã nhập học theo diện “Mature Student”. Dĩ nhiên là họ ra trường chậmhơn chừng 1 hay 2 semesters nhưng còn tốt hơn là họ phải đi học lại Trung Học trước khi xin vào College. Nhập học theo dạng “Mature Student” rất tiện lợi cho người di dân vì College không bắt buộc sinh viên phải có điểm số TOEFL cao như Đại Học, chỉ cần thi môn Anh Văn và Toán của College mà thôi. Nếu thí sinh được kết quả tương đối khá của môn Anh Văn và Toán, họ sẽ được người Co-ordinator phỏng vấn và sau đó College sẽ cho biết kết quả . Nếu được thâu nhận, nhà trường sẽ sắp xếp các môn học đặc biệt cho mỗi “Mature Student” trong Semester đầu tiên và kế tiếp.

Cách hay nhất là người muốn đi học nên đến gặp thẳng người Co-ordinator để trình bầy hoàn cảnh của mình và hỏi thẳng người Co-ordinator về các môn học (courses), trình độ tối thiểu của Sinh Viên, cách tìm việc làm trong mùa hè và khi ra trường, ngành học đó có liên hệ gì với những công sưởng nào , muốn đi học thêm tại Đại Học về sau này sẽ được nhận vào Đại Học nào … Tưởng cũng nên nhắc là các Colleges có rất nhiều các Chương Trình Co-op (Co-op programs , có nghĩa là Sinh Viên sẽ sẽ được gửi đi làm thực tập trong các Co-op Semesters và được trả lương khi đi làm). Các Colleges ăn đứt Đại Học về những Chương Trình “Co-op” này (ngoại trừ Waterloo University có Co-op) vì khi sinh viên ra trường đã có ít nhiều kinh nghiệm làm việc và vì vậy sẽ rất dễ kiếm được việc làm Full Time.

Kể từ cuối thập niên 90, rất nhiều Departments của Colleges đã thu nhập từ 20 đến 30% sinh viên đã tốt nghiệp Đại Học. Các sinh viên này được mênh danh là “Fast Track students” và được miễn khá nhiều các môn học đại cương. Sau khi họ đã hội đủ được 1 số môn học chính về ngành nghề (Technical subjects), họ sẽ được gửi đi làm thực tập trong các Co-op Semesters ( khóa học dành riêng cho đi làm với Công Kỹ Nghệ) . Chắc quý vị cũng thắc mắc là “Tại sao đã tốt nghiệp Đại Học mà còn trở lại Colleges làm gì?” Xin thưa rằng là vì tuy họ đã có bằng Cử nhân (BA, BSc) hay đôi khi đã có Cao Học (MA, MSc) nhưng họ không có một ngành nghề rõ rệt (Vocational background) nên không kiếm được việc có đồng lương cao . Họ trở về Colleges để học được phần thực tiễn chuyên nghiệp của ngành nghề ( Hands – on experience) và họ sẽ được gửi đi thực tập trong các ngành nghề chuyên môn tại Công Kỹ Nghệ , công sở , tư sở …

Một điểm lợi nữa là thời gian đi học College nhanh hơn khi đi học Đại Học mà học phí lại còn rẻ hơn nữa. Tôi đã từng thấy Sinh viên trong lớp tôi dậy vừa đi làm Part time vừa đi học Full Time và họ cũng đã ra trường theo đúng hạn định. Tương đối, sau đã ra trường tại College, sinh viên dễ kiếm việc hơn các sinh viên đã tốt nghiệp tại Đại Học vì vấn đề thực tiễn của các Chương Trình học tại Colleges .

THÀNH QUẢ CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI CENTENNIAL COLLEGE             

Phần lớn các sinh viên VN ra trường đúng thời hạn hơn so với các sinh viên bản xứ Canada, mặc dù họ gặp cản trở về sinh ngữ, văn hóa, sinh kế. Lý do chính là hầu hết các sinh viên Việt Nam chăm chỉ học hành và cố gắng ra trường để đi kiếm việc làm càng sớm càng tốt. Sau khi họ đã tốt nghiệp, họ rất cố gắng kiếm việc. Khi đi làm, họ làm việc siêng năng và mau được thăng quan tiến chức, tạo tiếng tốt cho Cộng Đồng người Việt chúng ta .

Tôi đã có cái may mắn dậy vài Sinh Viên VN trong ngành Công Chánh tại Centennial College . Các em học rất khá so với sinh viên gốc Canada. Tôi nhớ nhất 2 em : L. và Đ.

Tôi dậy em L. trong giữa thập niên 80. Điểm số Trung Bình của em là B+, vì các môn dính dáng tới Anh Ngữ đã kéo điểm em xuống . Lâu lâu tôi không thấy em ở trong lớp học, mà em cũng lại hay đến lớp hơi trễ nữa. Tôi vặn hỏi thì mới biết là rất nhiều đêm em đã phải đi làm đến 3 giờ sáng để tự nuôi thân và gửi tiền về giúp gia đình tại Việt Nam! Em cũng đã ra trường đúng hạn kỳ sau 3 năm học!

Khi em Đ. đến gặp tôi (lúc đó tôi là Co-ordinator của ngành Công Chánh) trong đầu thập niên 90 để chúng tôi “interview”, em đã học xong lớp 13 và em cũng đã được nhận vào mấy Đại Học ở Ontario, nhưng em quyết định học ngành Công Chánh tại Centennial College. Lý do chính là vì em muốn học xong cho nhanh để kiếm tiền gíúp cha mẹ và vì em cũng vừa mới lấy vợ ! Em là sinh viên xuất sắc nhất trong lớp. Em đã lĩnh giải thưởng của ngành Công Chánh tại Centennial College và em cũng đã giật giải thưởng của Hội Đường Xá Ontario (Ontario Good Roads Association) do chính ông bộ trưởng Giao Thông trao tặng. Tôi đã rất vui mừng đi dự lễ lĩnh giải thưởng này cùng với em: cả thầy và trò cùng là người Việt trong Xã Hội Đa Văn Hóa Canada! Vợ của em học ngành Kỹ Thuật Sinh Vật Học (Biological Technology), cùng trong phân khoa của chúng tôi. Em học cũng rất khá và được các đồng sự của tôi hay nhắc tới tên em. Vợ chồng em đã mang lại cho tôi nỗi vui mừng rất khó tả trong khi viết bài này.

Em L. và vợ chồng em Đ., cũng như hầu hết tất cả các sinh viên đủ mọi mầu da trong College chúng tôi, đã kiếm ra việc làm Full Time đúng theo ngành nghề các em theo học. Cũng có một số người sau khi đã ra trường phải đợi một thời gian mới kiếm ra được việc đúng như ý mình muốn. Nhưng cứ “có chí thì nên”, rồi các sinh viên này cũng dần dà kiếm ra được việc theo khả năng và số lương mà họ mong muốn mà thôi.

Trong thập niên 80 và 90, tôi thường đi dự các buổi lễ Phát Phần Thưởng hàng năm (Annual Award Night) của nhà trường. Các sinh viên ưu tú có điểm số cao nhất (Grade Point Average) trong các ngành học được Ban Giám Khảo nhà trường chọn là những Sinh Viên được nhận giải thưởng do các Giáo Sư, Công Tư sở, Kỹ Nghệ, Hội Đoàn …..trao tặng . Hầu như năm nào tôi cũng đọc thấy vài tên của sinh viên Việt Nam trong danh sách các Sinh Viên Ưu Tú này. Các đồng sự người Canada của tôi đã từng nói với tôi

” Điều làm chúng tôi ngạc nhiên và vui thú là hầu hết các sinh viên gốc Việt của nhà trường chúng mình, tuy bị gặp nhiều khó khăn về Anh Ngữ, cách hội nhập trong xã hội mới …nhưng rất nhiều sinh viên Việt Nam đã đạt được kết quả vượt bực. Chúng tôi xin chúc mừng Cộng Đồng Việt Nam của ông! Và xin ông cho chúng tôi biết lý do tại sao?”

Tôi chỉ biết nở một nụ cười hãnh diện và từ từ giải thích cho các đồng sự của tôi.

Trong cương vị Chủ Tịch Hội Phụ Huynh Học Sinh VN tại Toronto, tôi đã có dịp gặp gỡ và trao tặng Tấm Bằng Khen Thưởng cho rất nhiều các học sinh (cấp Trung Học) gốc Việt xuất sắc trong các lãnh vực Học Vấn, Sinh Hoạt Ngoại Khóa, Hoạt Động Cộng Đồng trong thập niên 90. Tôi cũng đã tham dự trong Quỹ Học Bổng Cộng Đồng Toronto từ năm 1992 và tôi đã đôi khi thấy ướt mi nhìn thấy tận mắt một vài em đã đạt được điểm số trung bình tới 98% cho những môn chính trong lớp 12 và 13. Không những vậy, một số lớn các em còn tham gia vào các Sinh Hoạt Ngoại Khoá và Sinh Hoạt Cộng Đồng nữa! Tôi đã đi tìm những hình ảnh đẹp đẽ này kể từ ngày tôi đi du học, lúc tôi mới 19 tuổi đầu ở nơi xứ lạ quê người!

Những thành quả tốt đẹp của các em học sinh Trung Học , của các sinh viên Cao Đẳng và Đại Học trong cộng đồng VN mà tôi đã mắt thấy tai nghe đã mang lại một nguồn cảm hứng cho tôi và tôi đã ghi chép lại vài cảm nghĩ trong bài thơ “ Tôi Đã Gặp” dưới đây :

Tôi đã gặp

Những người trong lứa tuổi yêu đương

Nơi các học đường.

Và trong bảng vàng

Tôi đã đọc được

Những tên Việt Nam quen thuộc:

Nguyễn, Lê , Trần , Hoàng , Vũ ….rất êm tai !

Buổi chiều nay, tuyết phủ ngập sân trường

Sinh viên lớp tôi đến từ các Đại Dương

Nhìn họ đang đắm chìm trong đề thi, sách vở

Tôi cầu mong quê hương tôi có ngày rạng rỡ

Cho tôi trở về với mái trường bên lớp trẻ Việt Nam!

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài sức của người Việt chúng ta nhất là trên phương diện học vấn . Chỉ cần “có chí thì nên” mà thôi! Hệ thống Cao Đẳng của Canada rất hữu hiệu và đã mang lại nhiều thành quả rất khích lệ cho xã hội Canada. Một số quốc gia Trung Đông và Nam Mỹ đã dùng mô hình Hệ Thống Cao Đẳng của Ontario để tổ chức cho các trường Cao Đẳng của họ và họ cũng đã rất thành công trong ngành Giáo Dục cấp Cao Đẳng tại quốc gia họ. Mong rằng người Việt chúng ta sẽ có Hệ Thống Giáo Dục này sau khi quốc gia Việt Nam chúng đã thực sự có Tự Do, Hạnh Phúc cho tất cả mọi người !

GS Đàm Trung Phán

December 2002

Toronto, Canada