LƯỢC SỬ VIỆN VIỆT HỌC 

VÀ TẬP SAN VIỆT HỌC 

 

VIỆN VIỆT HỌC được thành lập năm 2000 tại thành phố Westminster, California với mục đích duy trì, phổ biến, và phát triển những giá trị truyền thống của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay, Viện Việt Học đã xuất bản trên 40 tác phẩm có giá trị giáo dục cao về các bộ môn khác nhau (văn học, ngôn ngữ, tự điển, lịch sử, môi trường …) liên hệ đến Việt học. Ngoài ra, Viện Việt Học cũng đã liên tục tổ chức được các buổi diễn thuyết, các cuộc hội thảo, các ngày ra mắt sách, các đêm trình diễn văn nghệ cổ truyền, cũng như các lớp dạy tiếng Việt và chữ Nôm. 

Ba vị cựu Viện trưởng Viện Việt Học là cố Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, cố Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, và Giáo sư Trần Ngọc Ninh. Từ khi Giáo sư Trần Ngọc Ninh từ nhiệm chức vụ Viện trưởng năm 2010 vì lý do sức khỏe, Viện Việt Học được duy trì bởi một Hội Đồng Điều Hành mà các thành viên là những người ở tuổi trung niên thành đạt trong nghề nghiệp và còn nặng lòng với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam: Vương Quốc Anh, Nguyễn Khắc Đôn, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Lan, Nguyễn Kim Ngân, Trần Uyên Thi, Nguyễn Chí Thông, Nguyễn Doãn Vượng. Họ đã hợp tác với cố Tổng Thư Ký Viện Việt Học Nguyễn Minh Lân (1946-2018) đảm nhiệm trọng trách này. 

 

TẬP SAN VIỆT HỌC được Viện Việt Học khai trương vào đầu năm 2018 để giúp thăng hoa mức hữu hiệu chức năng hàn lâm của cơ sở này.

Các bài viết cho Tập San Việt Học (qua mạng lưới toàn cầu từ mùa xuân 2018 đến nay) là những đóng góp giá trị của nhiều nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Việt học truyền thống từ mọi nơi. Các vị cộng sự viên đầy nhiệt tình này đã kiên trì cung cấp những bài viết song ngữ Việt-Anh có giá trị hàn lâm về các chuyên mục như Môi trường, Ngôn ngữ, Văn học, Văn hóa, Văn minh, Lịch sử, Địa lý, Tôn giáo, Kiều học, vân vân. Các tài liệu phổ biến trên Tập San Việt Học đã được độc giả mọi nơi tích cực đón nhận và cổ võ. Chúng cũng được đăng lại (pingback) trên một số websites khác. 

Ban chủ biên đương nhiệm gồm Giáo sư Đàm Trung Pháp, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, và Giáo sư Thái Công Tụng.