VỤ ÁN VĂN HỌC

CON RỒNG CHÁU TIÊN

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Trong lịch sử văn học Việt Nam, có một giai đoạn liên tiếp xảy ra những cuộc bút chiến. Đó là những năm cuối cùng của thế hệ văn học 1913 – 1931 và gần suốt cả thế hệ văn học 1932 – 1945.

Thực vậy, chỉ trong vòng 12 năm, từ 1930 đến 1942, đã xảy ra chín cuộc tranh luận văn học với quy mô lớn về số người tham gia, về tầm mức phổ biến, về số độc giả theo dõi diễn tiến sự việc.

Cuộc bút chiến văn học giữa Phan Khôi và phe Tản Đà gồm các ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Tiến Lãng, Vân Bằng, xảy ra vào giữa năm 1931 và kéo dài 11 tháng, được gọi là: “Vụ Án Con Rồng Cháu Tiên” [1] vì cả hai phe đều nhắm vào bốn chữ “con rồng cháu tiên” làm đề tài cho cuộc tranh luận.

I – PHÊ BÌNH TÁO BẠO

Ngay khi tờ Phụ Nữ Tân Văn vừa tái sinh, số 83 ngày 21 tháng 5 năm 1931, Phan Khôi đăng bài Gia Đình Ở Nước Ta Nay Cũng Thành Vấn Đề Rồi. Trong đó ông kịch liệt chỉ trích, buộc tội thuyết Tam Cang của Hán Nho. Ông cho rằng thuyết ấy chủ trương tôn quân, có lợi cho việc cai trị của nhà vua. Được chế độ quân chủ trọng đãi, và dựa vào thuyết ấy lập ra những luật lệ, tóm thâu quyền hành về cho gia trưởng. Hậu quả, lập thành một chế độ gia đình quá ư hà khắc. Xã hội Việt Nam vì chịu ảnh hưởng thuyết ấy đã gánh chịu bao nhiêu đè nén từ nhiều thế kỷ qua. Có người vì không chịu nổi sự áp chế ấy phải tự tử. Theo Phan Khôi, nên bài trừ thuyết Tam Cang để xóa bỏ cái “trật tự” vô lý ấy.

Cũng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn kế tiếp, số 84 ngày 28 tháng 5 năm 1931, Phan Khôi viết bài Cái Cười Của Con Rồng Cháu Tiên. Một Cái Cảm Tưởng Trong Khi Đọc Cay Đắng Mùi Đời,” được đăng ở trang 5, ký tên thật Phan Khôi. Nội dung bài viết bày tỏ cảm nghĩ sau khi đọc cuốn tiểu thuyết Cay Đắng Mùi Đời của Hồ Biểu Chánh. Phan Khôi đề cập đến tâm lý nhân vật là bà Hội Đồng trong tác phẩm, để chỉ trích cái tật cười vô ý thức của dân quê nước ta. Ông nêu ra với mục đích muốn sửa đổi những tập tục không hay, không đẹp của người mình; nhưng nếu chỉ có cái tật cười thì tại sao Phan Khôi lại lôi cả “con rồng cháu tiên” ra làm gì? Phải có sự khác lạ, quan trọng nào chứ? Trong bài trên, Phan Khôi lý luận:

“Chúng ta cứ mở miệng ra thì xưng là con rồng cháu tiên, tưởng mình là văn minh lắm, khôn ngoan lắm, ngờ đâu là một cái cười cũng không nên dáng!”

Cũng trong bài ấy, ở một đoạn khác, Phan Khôi chỉ trích cái cười không đúng lúc của bà Hội Đồng, khi gặp lại con, sau mười lăm năm lưu lạc. Bà ta vừa mừng, vừa tủi, vừa khóc; nhưng khi nghe con kể những chuyện buồn cười, trong những ngày tháng nó phải trải qua, bà vẫn không nhịn được, cười ngất. Ông viết:

“Dường như con rồng cháu tiên có một tánh chung: dầu là con ruột đi nữa hễ khi nghe đến nó bị thiệt hại một cách trớ trêu, thì thương mấy đó mặc kệ, cười cái đã.”

Cuối bài, ông còn nhắc “con rồng cháu tiên” một lần nữa:

“Như khi gặp trời mưa, đường trơn, có người nào đó bất kỳ đi vô ý mà trợt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó họ có cười hay không? Tôi, và nhiều người như tôi nữa dám chắc rằng họ chẳng những không cười mà còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa. Còn như con rồng cháu tiên ta, ai không biết chớ tôi, tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, họ phải cười một chặp cho no nê đã.”

ChânDungPhanKhôi_Vi

H 1: Phan Khôi, tác giả loạt bài phê bình táo bạo.

(Ảnh: Wikipedia tiếng Việt)

Tiếp sang Phụ Nữ Tân Văn số 85, ngày 4 tháng 6 năm 1931, Phan Khôi đăng bài Cái Chế Độ Gia Đình Nước Ta Đem Giồng (trồng) Với Cái Luân Lý Của Khổng Mạnh, để bổ túc cho bài đăng ở số 83, bác bỏ thuyết Tam Cang.

Theo ông, Khổng Tử (Kong Zi) chủ trương thuyết “Ngũ Luân” tức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là đúng đạo làm người. Nhưng “đến đời nhà Hán, bọn Hán nho vì muốn đền ơn trả thảo cho nhà vua, mới rứt ba cái ngũ luân ra mà lập thành thuyết Tam Cang. Thuyết Tam Cang thì rõ là vua áp chế tôi, cha áp chế con, chồng áp chế vợ, mà không còn cái tinh thần bình đẳng của ngũ luân nữa.”

Bởi vậy, theo ông, Tam Cang là trái với bổn ý Khổng Mạnh, vì “Tam Cang lợi cho nhà vua, là vì theo thuyết ấy thì kẻ làm cha, làm chồng phải chịu trách nhiệm về vợ con mình, chẳng khác nào hương chức ngày nay phải chịu trách nhiệm quản thúc những tù phạm được tha! Làm như vậy rất là vững vàng chắc chắn cho cuộc trị an của nhà vua, khỏe cho nhà vua lắm.”

Ông cũng cho rằng “Gia đình ta trọng về ân ái, mà khi chịu ảnh hưởng của Tam Cang rồi thì ân ái hầu muốn tiêu diệt đi mà hiện ra cái vẻ oai nghiêm.

Và ông kết luận “Cái chế độ gia đình của ta bây giờ, là căn cứ ở Hán Nho chớ không phải căn cứ ở luân lý Khổng Mạnh.” (PNTV số 85)

II – CHÂM NGÒI BÙNG NỔ

Người đầu tiên lên tiếng phản đối loạt bài của Phan Khôi là Nguyễn Xuân Dương. Đề bài là Thuyết Tam Cang Có Quả Là Gây Nên Cái Quyền Vô Lượng Trong Gia Đình Và Xã Hội Không?, đăng trên tờ An Nam Tạp Chí số 24, tuần thứ nhất của tháng 6- 1931 (năm Tân Tỵ), trang 1 đến 4. Nguyễn Xuân Dương lý giải thuyết Tam Cang không phải là cha đẻ của sự áp bức trong chế độ gia đình. Ông viết:

“Cái chế độ gia đình và xã hội vẫn phải theo cái lệ chung tiến hóa của nhân quần, không những là nước Tàu có sự áp bách như thế, kìa như nước Nga từ khi chưa lập hiến trở về trước vẫn cũng còn quân chủ chuyên chế, mà cả đến các dân tộc khác ở trên hoàn cầu vào độ dân trí chưa khai thông, dân quyền chưa phát đạt trở về trước cũng đều thế cả. Ý hẳn những sự áp bách về chế độ gia đình và xã hội các nơi đó, cũng đều vì thuyết Tam Cương của nhà Nho tràn lan ra đấy du (ru)?”

Về việc tự tử mà Phan Khôi đổ tội cho chế độ gia đình (PNTV số 83), Nguyễn Xuân Dương cũng trích lời của họ Phan để thẳng thắn bài bác:

“Xem ra ‘giai (trai) vì tiêu một xu phải xin, đi một bước phải bẩm, mà không muốn sống; gái vì nhân duyên, vì mang tiếng mà phải trầm mình,’ đó chẳng qua là sự nhỏ nhặt vì cảnh ngộ vì tình ái; là sự tự do về hình chất riêng từng người, không đáng kể. Sự nhỏ nhặt mà không nhẫn nại được, vậy ở đời sự tự do thuộc về quần chúng lớn lao hơn nữa, còn có lòng nhẫn nại đâu mà tiến thủ được du (ru)? Những người biết trọng cương thường thực không ai thế.”

Và ông đưa ra lời phán xét quả quyết: “Lời nói ông Phan Khôi thật là một lời nói làm hại cho nền danh giáo, cho nền đạo đức không biết là bao! Sai lạc hết cả cái tinh thần của nhà Nho vậy.

Dù thế, bài phản đối trên chưa đủ mạnh để triệt hạ Phan Khôi, nó chỉ có tính cách thế thủ hơn là thế công.

III – PHẢN ỨNG ÁP ĐẢO

Phan Khôi đang ở thế thượng phong, gặp sự chống trả yếu ớt, càng phấn khích, hăng hái viết ba bài nữa nói về chế độ gia đình.

– Bài thứ nhất, Phan Khôi trả lời Nguyễn Xuân Dương qua tựa đề Lại Nói Về Tam Cang Với Ngũ Luân. Vì Một Bài Phản Đối Trong An Nam Tạp Chí, bài đăng trong Phụ Nữ Tân Văn số 89, ngày 2- 7- 1931.

Cách chống trả của Phan Khôi là lùi một bước để tiến ba bước. Vì vậy mới đầu ông chấp nhận Nguyễn Xuân Dương viết bài phản đối là phải, nhưng ông lại lý luận:

“Xem bài của ông Dương đây thì biết trong khi ông viết bài phản đối đó, chỉ mới xem bài trước của tôi mà thôi chớ chưa thấy đến bài sau. Tôi không hiểu: nếu khi ông ấy thấy bài sau của tôi rồi, thì ông có còn viết bài phản đối này không? Muốn hiểu sự này cũng không khó, cứ đợi đây coi thử có không thì biết. Nhưng trong khi ông mới thấy một bài trước thì ông nói viết bậy là phải, đăng bài của ông là phải.

Rồi ông Phan vạch cái hớ của đối thủ là vội vàng lên tiếng quá sớm và nói chuyện vu vơ. Ông chê ra mặt:

“Bài của ông Dương, lý sự hơi non nớt, có bài thứ hai của tôi rồi, thì cũng đủ đính chánh những chỗ sai lầm trong bài của ông. Bởi vậy tôi bỏ qua đi mà không đem ra biện luận làm chi. Duy có chỗ ông giải nghĩa tam cang, càng sai lầm hơn nữa, tôi phải trích ra đây mà bác đi mới được. Ông vẫn cắt nghĩa chữ ‘cang’ là ‘giềng lưới.’ Song sau lại, ông lại cho là ‘cái dây liên lạc.’ Ông nói rằng: ‘Quân vi thần cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang,’ nghĩa là: ‘Vua là cái dây liên lạc với tôi, cha là cái dây liên lạc với con, chồng là cái dây liên lạc với vợ’. Ông nói như vậy rồi lại tấm tắc khen nó nữa. Cách đoạn ấy không xa, ông nói rằng: ‘Cái thuyết tam cang như thế rất là bình đẳng’.

“Tôi xin hỏi: Đã hiểu ‘cang’ là cái giềng lưới, là cái ôm lấy những mắc lưới, hễ nó giương ra thì mắc lưới cũng giương theo, nó xếp lại thì mắc lưới cũng xếp theo, thế thì biết nó là gì rồi, sao còn cắt nghĩa được là cái dây liên lạc? Nếu là cái dây liên lạc, thì nói được ‘vua là cái dây liên lạc với tôi’ há không nói được ‘tôi là cái dây liên lạc với vua’ hay sao? Nói được ‘cha là cái dây liên lạc với con’ há không nói được ‘con là cái dây liên lạc với cha’ hay sao?…Mà nếu nói được như cách sau đó thì đảo ngược lại, thành ra ‘Thần vi quân cang, tử vi phụ cang’ cũng được sao? Cho nên ông dùng chữ ‘cái dây liên lạc’ để giải ý chữ cang, thật là khó mà trôi được vậy. Ông Dương cắt nghĩa quàng xiên như vậy rồi khen là bình đẳng thì cũng phải!”

Ông Phan còn nhắc lại hai câu tục ngữ Gươm vua thì xa, gươm cha thì gầnGái có chồng như gông đeo cổ để dẫn chứng về sự khắc nghiệt của chế độ gia đình do tam cang mà ra. Và cuối bài, đầy tự tín, ông lên mặt dạy đời Nguyễn Xuân Dương, luôn tiện mắng khéo Tản Đà. Ông viết:

“Về sau xin ông phải chú ý cho lắm trong khi viết văn, đừng để cho cái lầm như vầy. Bài phản đối của ông dầu là hay mấy đi nữa mà bị một chữ ấy, kẻ bị ông phản đối, nếu là tay thâm hiểm, họ sẽ bắt lấy một chữ đó rồi nói ông học chưa thuộc mặt chữ, không thèm biện luận với ông, có phải là mình chịu lép không? Cái cách ấy tôi thường thấy trong nhiều trận bút chiến. Nhưng tôi không có vậy đâu, tôi chỉ chỉ ra cho ông và luôn thể ông ‘chủ sự’ An Nam Tạp Chí thấy mà thôi.” (PNTV số 89, ngày 2- 7- 1931).

– Bài thứ hai, nhan đề Tống Nho Với Phụ Nữ cũng đăng Phụ Nữ Tân Văn số 95, nơi trang 5, ngày 13 tháng 8 năm 1931, Phan Khôi kịch liệt đả kích Nho giáo đời Tống về việc cấm tuyệt người đàn bà góa chồng không được tái giá, mà không châm chước cho một trường hợp đặc biệt nào, đến nỗi “chết đói là chuyện rất nhỏ, còn thất tiết là sự rất lớn”. Ông viết :

“Theo lời Trình Tử đó thì đàn bà chết chồng dầu có nghèo nàn đến nỗi chết đói đi nữa cũng ở vậy mà chịu chết, chớ không được lấy chồng khác. Nếu mà lấy chồng khác thì là thất tiết. Mà thất tiết là tội nặng lắm không phải vừa.

Nhưng việc đả phá Tống Nho, ông không bao trùm mà lại giới hạn. Ông viết:

“Nói ‘Tống Nho’ không phải nói tràn lan hết thảy đâu, khi nào nói như vậy, người ta thường chỉ vào phái Trình Tử, Châu Tử, tức là gọi phái Đạo học hay Lý học. Tôi nói đây cũng vậy, chỉ vào phái nho giả từ Trình Hy (sanh năm 1033) trở về sau mà chuyên trọng về một phương diện họ đối với phụ nữ thế nào.

Thái độ của Phan Khôi đối với phái Lý học thật quyết liệt. Khởi đầu bài viết ông đã khẳng định: “Cái luật cấm cải giá là bất công vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế đi là phải. Và ở phần cuối bài, ông không ngần ngại cho rằng các Nho giả nhà Thanh có nhiều vị đã chỉ trích cái lý học của Tống Nho “đến nỗi họ cho cái lý ấy là đồ sát nhân, đồ ăn thịt người.

– Bài thứ ba, vẫn trên Phụ Nữ Tân Văn số 96, ngày 20 tháng 8 năm 1931. Lần này Phan Khôi đả kích chế độ đại gia đình ở khía cạnh mẹ chồng nàng dâu. Bài mang tựa đề Một Cái Hại Của Chế Độ Đại Gia Đình: Bà Gia Với Nàng Dâu.

Trong chế độ đại gia đình, thường có hai người dâu không cùng một thế hệ ở chung một nhà. Bà gia cũng là dâu nhưng dâu cũ, thuộc thế hệ trước, thế hế dâu mẹ, lên chức mẹ chồng. Vợ của con trai mình mới cưới về, thuộc thế hệ dâu con, đang là phận nàng dâu. Theo Phan khôi, hai thế hệ dâu ấy cùng ở chung trong một nhà là một tai hại vì có sự xích mích giữa mẹ chồng nàng dâu. Ông cho rằng tục lệ ấy không nên duy trì và chế độ đại gia đình phải dẹp bỏ.

Từ số 83 đến số 96 Phụ Nữ Tân Văn, Phan khôi đã đăng sáu bài đả kích, trong đó có một bài động đến giống nòi, còn năm bài kia thì xâm phạm đến Nho giáo. Có thể nói ông là người đầu tiên dám hạ bệ Nho giáo với thái độ quá khích. Tất nhiên ông làm sao tránh khỏi sự nổi giận và buộc tội khắt khe của lớp người cũ còn đông đảo, đang tôn thờ Nho giáo.

PhụnữTânVăn_1929_1935

H 2: Trang bìa tuần báo Phụ Nữ Tân Văn,

(Ảnh sưu tầm trên mạng)

IV – KẾT TỘI PHAN KHÔI

Tám tháng sau kể từ ngày đầu tiên xảy ra vụ bút chiến, Tản Đà đóng vai công tố, đăng bốn bài liền trên An Nam Tạp Chí, là bốn cáo trạng luận tội Phan Khôi và đồng thời đóng vai quan tòa tuyên án Phan Khôi trong vụ án văn học này.

– Cáo trạng số 1, Một Cái Nạn Lưu Hành Ở Nam Kỳ: Phan Khôi, đăng trên An Nam Tạp Chí số 26, ngày 23 tháng 1 năm 1932. Tản Đà xét đến những động lực xa gần khiến Phan Khôi viết ra những điều tầm bậy. Ông viết:

“Sự hại đó, không phải là ông Khôi có định chí làm hại, chỉ là ông quá dụng sức về nhẽ (lẽ) ‘ăn cây nào rào cây ấy’, viết bài cho Tân Văn Phụ Nữ thời chiều theo tâm chí của phần nhiều phụ nữ đó mà thôi. Phần nhiều phụ nữ tân thời này, muốn tự do, muốn giải phóng, ông Khôi phải giải phóng, phải tự do. Đối với các độc giả có được lòng, tờ Tân văn mới phát đạt; tờ Tân văn có phát đạt thời giá mua bán bài mới cao. Tờ Tân văn được lòng độc giả vì ai, thời giá bài của người ấy tất phải đắt. Huống chi chủ nhân là Mme Nguyễn Đức Nhuận tức cũng lại là một vị độc giả phụ nữ tân thời. Ngoài chiều ý người mua bài. Ông Phan Khôi mới hết sức viết những lời tầm bậy. Lời tầm bậy đã in lên báo, thời chiều ai mà tức thị là ai. Đó là do tâm tình mà những lời viết báo của ông Phan Khôi thành ra làm hại cho phụ nữ lưu vậy.”

Tản Đà ví Phan Khôi như con ngựa hay mà không được người tài đức cầm cương vững (trách ông Phạm Quỳnh chủ trương báo Nam Phong, chê ông Huỳnh Thúc Kháng chủ trương báo Tiếng Dân), đã để cho con ngựa hay ấy sổ chuồng, nên mới lọt vào tầm tay của bà Nguyễn Đức Nhuận. Vì thế, ông Phan đã dùng cái tài học của mình phục vụ cho tờ Phụ Nữ Tân Văn, viết ra những điều tầm bậy, gây nên hậu quả nghiêm trọng:

“Ác vì ông Khôi là người có tài học, cho nên về phần ông thời lấy sức tài học mà viết, về phần độc giả thời tin ở tài học của ông mà nghe, mới thành ra cái nạn ‘Phan Khôi’ lưu hành lai láng ở xã hội ta vậy.

Rồi ông bố cáo rằng những bài viết của Phan Khôi trên báo Phụ Nữ Tân Văn phát hành trong Nam, chính là những viên thuốc độc bọc đường cho đám nữ lưu hai miền Trung, Nam. Ở ngoài Bắc không bị ảnh hưởng “cái nạn Phan Khôi”, nhưng vì tình nghĩa đồng bào nên “tòa soạn báo An Nam không thể thấy thế mà điềm nhiên,” phải lên tiếng tiễu trừ cái nạn ấy.

– Cáo trạng số 2, Bài Trừ Cái Nạn Phan Khôi Ở Nam Kỳ, đăng trên An Nam Tạp Chí số 29, ngày 20 tháng 2 năm 1932.

Theo Tản Đà, Phan Khôi có tội “làm hại nữ lưu,” nhưng tội ấy còn nhẹ so với tội thứ hai, ông đã phạm phải. Đó là tội “đại bất kính” vì dám đem bốn chữ “con rồng cháu tiên” ra mỉa mai, chế giễu, nặng tội với quốc dân và thủy tổ cả nước. Tản Đà lý luận:

“Trong Phụ Nữ Tân Văn đăng bài ấy của ông Khôi, dưới cái đầu đề in chữ to là: ‘Cái Cười Của Con Rồng Cháu Tiên,’ lại có một dòng cũng là đầu đề mà in bằng thứ chữ nhỏ hơn là: ‘Một cái cảm tưởng trong khi đọc Cay đắng mùi đời.’ Cứ như hai dòng chữ đầu ấy, nhận ra cái gian tính của ông Khôi đã phơi trắng ra ở mặt giấy. Đó là ông muốn cổ động cho cuốn tiểu thuyết ‘Cay Đắng Mùi Đời’ ấy, mà ông mượn bốn chữ ‘con rồng cháu tiên’ đặt làm đại đề mục. Khiến cho ‘con rồng cháu tiên’ làm quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết kia, mà lại đem những giọng mỉa mai, lời riễu (giễu) để đối với bốn chữ ấy.”

Chỉ có cái cười vô ý thức của người dân quê, lúc dân trí chưa được mở mang, mà ông Phan vội cho rằng xứ người toàn là văn minh, rồi lôi bốn chữ “con rồng cháu tiên” ra chế giễu gống nòi dân tộc mình, trong lúc nước nhà đang vận không may thì thật là quá đáng. Tản Đà viết:

“Dân tộc Việt Nam ta, kể từ sau đời Hùng Vương, cũng đã nhiều lừng lẫy, như những hồi Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Hưng Đạo phá Nguyên, Lê Thái Tổ bình Ngô, Nguyễn Quang Trung trừ Thanh. Đương những lúc như ấy, thời trong quốc dân ta, ‘con rồng cháu tiên’ chắc không có ai kể xấu nhau về tiếng nói câu cười. Bụt nhà đến lúc không thiêng, thằng nhỏ chăn trâu mới dám lấy gai mà chọc mắt.

Rồi ông kết luận:

“Cứ cái tội án Phan Khôi do ở bài ‘Cái Cười Của Con Rồng Cháu Tiên’ về phần tôi sơ thẩm như thế, nghĩ nên kết theo lối Thân Đô Gia Bảo Đặng Thông: ‘Đại bất kính. Dương trảm!’. Duy trong luật lại có điều ‘trảm giam hậu,’ nghĩa là kết tội chém nhưng còn giam đó, để đợi quyết. Vậy cái tội Phan Khôi, xin nghĩ kết trảm, giam hậu. Một là để đợi quyết. Hai là để trong quốc dân ta, ai có vì Phan Khôi thân oan. Phan Khôi có tự lấy mình làm oan, xin cứ hết lời thân oan.

AnNamTạpChí_TảnĐà

H 3: Hình bìa An Nam Tạp Chí

(Ảnh từ trang mạng)

– Cáo trạng số 3, Bài Trừ Cái Nạn Phan Khôi Ở Nam Kỳ, có thêm hàng chữ: Cùng bài “Tống Nho Với Phụ Nữ” (trong ngoặc đơn) đăng ở An Nam Tạp Chí số 34, ngày 26- 3- 1932. Tản Đà hạch tội Phan Khôi về việc xúc phạm đến Tống Nho. Ông viết:

“Còn như đối với sự cải giá của đàn bà, xưa nay, dù vua chúa, dù thánh hiền, chỉ có khuyên người ta giữ được đạo trinh tiết, là đáng quý, đáng chuộng, chớ chưa từng có điều luật, kinh điển nào dám nói rõ ‘cấm bất đắc cải giá’ bao giờ.

Tản Đà trích lại cả đoạn Phan Khôi đã dịch từ sách Tống nho để dẫn chứng. Ông viết:

“Cứ nguyên văn một đoạn trong sách chữ Hán như trên, mà ông Khôi dịch nghĩa ra như thế, là đúng. Dịch nghĩa đã đúng mà nhận nghĩa sao lại còn sai? Chỉ là ông Khôi cố ý buộc lỗi cho Trình Tử, cho nên lời luận lý thành ra khiên cưỡng mà không chánh đáng vậy.

Ở một đoạn khác, Tản Đà nhắc lại:

“Nay ông Khôi đã dẫn dịch câu ấy như thế, mà buộc chặt cho Trình Tử rằng ‘Cấm tiệt đàn bà không được cải giá,’ thực là vu hãm tiền hiền.

Cũng theo Tản Đà, sự thủ tiết “thực do thượng cổ truyền lại, gốc ở chữ trong Kinh Dịch nẩy mầm ra; đời đời nối tiếp vun bồi, gây thành cái phong hóa tuyệt thanh quý trong nhân loại. Ông trình Tử và Chu Tử đời Tống chỉ làm cái việc kế tục bảo tồn. “Nay Phan Khôi dám cho những sự đó là đàn bà chịu sự thiệt thòi, mà lại quy cái ảnh hưởng trực tiếp là chịu của Tống Nho thực là loạn ngôn hoặc chúng vậy.

– Cáo trạng số 4, cùng đầu đề như cáo trạng số 3, đăng ở An Nam Tạp Chí số 37 ra ngày 16 tháng 4 năm 1932. Lần này, Tản Đà bác bỏ hai luận lý cuối cùng của Phan Khôi và tuyên bố hình phạt để kết thúc vụ án:

“Ông Khôi chỉ biết có hai việc ẩm thực và nam nữ là tính trời sinh, mà không biết tính trời sinh của người ta không những chỉ là hai việc ẩm thực, nam nữ đó.”

Bởi vì, theo Tản Đà, ông Phan Khôi chỉ cắt bốn chữ “thực sắc tính dã” trong sách Mạnh Tử dẫn chứng để làm căn cứ cho luận lý của mình, mà cố lờ đi lời Mạnh Tử còn nói nhiều về tính trời sinh của con người. Rồi Tản Đà dẫn dịch lời Mạnh Tử giảng giải về tính trời sinh như sau:

“Miệng người ta với cái vị ngon, mắt với cái sắc đẹp, tai với cái tiếng hay, mũi với cái mùi thơm, bốn chân tay với sự yên thư nhàn rỗi, đó là tính; vậy mà có Mạnh. Người quân tử không bảo nó là tính.

Người quân tử mà kể là tính, thời như: điều nhân, điều nghĩa, điều lễ, điều trí, gốc rễ ở trong lòng. Mà những cái đó phát hiện ra bên ngoài, lào lạo trông thấy ở trước mặt, nây núc ở sau lưng, rung rinh cả ở bốn chân tay (Quân tử sở tính, nhân nghĩa lễ trí căn ư tâm. Kỳ sinh sắc dã, thúy nhiên hiện ư diện, áng ư bối, thi ư tứ thể)…

Cái kiến giải của ông Mạnh Tử đối với cái tính trời sinh của người ta, rộng lớn cao quý là như bao! Càng đủ thấy hai việc Ẩm thực và Nam nữ của người đời, tuy cũng là do cái tính trời sinh, mà địa vị giá trị của nó thật là hèn thấp nhỏ bé vậy.”

Nhưng, theo Tản Đà, ông Phan viết cho Phụ Nữ Tân Văn nên:

“Ông mang một cái cảm tưởng chú trọng ở ‘kiếm hột cơm bỏ vô miệng,’ phát ra những lời ngôn luận cố ôm nâng quyền lợi của đàn bà con gái, mà coi xem cái đạo làm người rất là rẻ rúng, không còn giá trị một chút chi. Chữ ‘tiết’ thuộc về đạo đàn bà con gái, nếu chỉ đáng đem mà quăng đi thời hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ của đàn ông con trai, cũng đều là những chữ dư thừa, còn cần chi giáo dục làm chi vậy.

Và để nhấn mạnh đến hậu quả nghiêm trọng của việc Phan Khôi làm, Tản Đà viết:

“Cứ mấy lời luận lý của ông Khôi, nếu không hết sức bài trừ mà để ông được hành những cái gian, cái ác, cái tiểu nhân, thời nay ông đã viết ra bài này, mai chắc ông viết ra bài khác, ngấm ngầm truyền bá vào trong tâm lý một số người trong xã hội, xui khiến con gái bĩ trinh tiết, trai bỏ trung hiếu, phàm những cái tốt đẹp trong đạo làm người như nhân, từ, tín, hậu, lễ, nghĩa, liêm, sĩ đều bị những lời luận lý vô đạo ấy làm cho đến mất hết giá trị.

Nếu qua các bản cáo trạng trên, Tản Đà đóng vai công tố buộc tội Phan Khôi, thì giờ đây, một lần nữa, ông đóng vai quan tòa trịnh trọng tuyên án:

“Họp hai bài ‘Bài trừ.’ An Nam Tạp Chí số 34 và 37 đây, thời Phan Khôi viết bài Tống Nho Với Phụ Nữ đăng trong Phụ Nữ Tân Văn số 95 ra ngày 13 Aout 1931 tức là kẻ có tội với danh giáo:

  1. Vu hãm tiền hiền,
  2. Loạn ngôn hoặc chúng,
  3. Bại hoại phong hóa.

“Nay, chiếu theo hình luật ở Á Đông từ đời vua Thuấn mới đặt, có minh văn trong Kinh Thư rằng: ‘Phốc tác giáo hình,’ nghĩa là ‘cái roi, dùng làm hình phạt thuộc về sự giáo huấn.’ Cứ Phan Khôi phạm về tội danh giáo, vậy nên dùng roi để trừng.

“Chiếu theo các trường dạy học chữ Nho của ta khi xưa, phàm học trò học dốt, đọc không thuộc, hoặc có tội vô lễ, thời bắt nằm sấp xuống đất, đánh ba roi.

“Chiếu theo pháp lý Á Đông, làm tội người trọng đem ra ở chợ, để cùng có công chúng dự biết. Cứ Phan Khôi về tội danh giáo, nên đánh đòn ở trước sân Văn Miếu, để trên có các vị tiên thánh, tiền hiền cùng giám lâm, dưới có các nho sĩ phu trong phái Hán học cũng được dự biết.

“Cứ các lẽ đã sơ thẩm như trên, xin nghĩ kết Phan Khôi phải chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ba nơi:

1. Đánh ở trước Văn Miếu Thăng Long là nơi gốc văn vật của sự học nho của nước ta từ triều Lý.

2. Đánh ở Huế, là nơi thủ phủ xứ Trung Kỳ.

3. Ở Quảng Nam, là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng học tập.

“Ngoài các tội án Phan Khôi đã nghĩ kết, chiếu theo thường luật có bắt tội oa chủ; vậy những điều tiền phí giải Phan Khôi từ Nam ra Bắc, cho lại về đến Huế, về đến Quảng Nam do Ban trị sự của Phụ Nữ Tân Văn phải trích tiền quỹ của báo quán ấy mà cung cấp.

Còn “tội đại bất kính,” sơ thẩm có bản án “trảm giam hậu” (đã nêu trong cáo trạng số 2), Tản Đà cũng tuyên bố:

“Giở lên các điều án nghĩ theo như lệ nghĩ kết về bài Phan Khôi viết ‘Cái cười của con rồng cháu tiên’ riêng bản án này, trên có tòa Thượng thẩm riêng xét về danh giáo là toàn thể sĩ phu phái Hán học trong nước sẽ cùng phúc thẩm, dưới có tội nhân và oa chủ, ai có muốn thân oan, cứ được hết lời thân oan. (ANTC số 37, ngày 16- 4- 1932)

TànĐàNguyễnKhắHiếu

H 4: Tản Đà, đóng vai công tố luận tội

và quan tòa kết án Phan Khôi.

(Ảnh: Nguyễn Anh Đào, Google).

V – THÁI ĐỘ CỦA PHAN KHÔI

Khi khởi đầu loạt bài viết hạ bệ Nho giáo, trong đề tài Lại Nói Về Tam Cang Với Ngũ Luân, đăng trong Phụ Nữ Tân Văn số 89 ra ngày 2 tháng 7 năm 1931, Phan Khôi đã tiên đoán phản ứng dữ dội của lớp người sùng thượng Nho giáo. Ông viết:

“Tam cang là một cái xã hội ta bấy lâu phong làm thần thánh, coi như khuôn vàng thước ngọc, là cái mà không ai dám nói động đến, cũng không ai nỡ nói động đến. Vậy mà nay tôi khống cáo nó, đổ lỗi cho nó, đến nỗi buộc nó vào tội như là thủ phạm gây ra sự áp chế tàn nhẫn trong gia đình, thì há chẳng phải làm cho có kẻ lắc đầu le lưỡi mà lấy làm quái lạ sao? Hay là có kẻ nghiến răng dựng tóc mà vì nó tức giận sao? ‘Vào thầy ra tớ’ (Hàn Dũ nói: Nhập giả chủ chi, xuất giả nô chi), ấy là cái tâm lý phổ thông trong cõi học thuật tư tưởng xưa nay, tôi cũng đã liệu thấy trước rồi, có lẽ nào tôi chỉ nói tắt ngang có bấy nhiêu lời, không giãi bày rõ hơn, hầu cho kẻ lấy làm lạ đừng lấy làm lạ nữa, kẻ tức giận đừng tức giận nữa.

1 – Đối với Tản Đà:

Biết sẽ gặp phản đối mạnh nhưng đầy tự tin về trình độ luận lý của mình. Phan Khôi nghĩ rằng có thể thuyết phục được phe cũ, tức là những người sùng thượng Nho giáo. Và nếu gặp đối thủ, ông tin rằng có thể áp đảo được.

Nhưng dự tính của Phan Khôi chỉ đúng có một phần. Đó là việc ông “đánh” phủ đầu Nguyễn Xuân Dương, thu về thắng lợi vẻ vang. Nhưng chính cũng vì say men chiến thắng, Phan Khôi trở nên chủ quan, khinh địch; khiêu khích Tản Đà qua đoạn dạy đời Nguyễn Xuân Dương mà lại mắng xéo ông “chủ sự” báo An Nam Tạp Chí.

Bốn bài cáo trạng, bằng lý luận chặt chẽ của Tản Đà, ông Phan Khôi không còn phong độ nghênh ngang, như lúc ra quân gặp đối thủ Nguyễn Xuân Dương. Lần này, họ Phan đuối lý, đành im lặng.

2 – Phan Khôi với Nguyễn Tiến Lãng:

Nhưng liệu Phan Khôi đã hoàn toàn chịu thua chưa khi Nguyễn Tiến Lãng đăng bài bình phẩm Cái Nạn Phan Khôi Ở Nam Kỳ trên báo tờ Nhật báo Trung Bắc Tân Văn ?

sW11Rem

H 5: Nhật báo Trung Bắc Tân Văn

(Ảnh trên trang mạng)

Thưa không! Phan Khôi chỉ nể Tản Đà, nhưng lại “ăn miếng trả miếng” với Nguyễn Tiến Lãng, qua bài Ôi Cũng Là Cái Học Vào Lỗ Tai Ra Lỗ Miệng, đăng ở tờ Tuần báo Đông Tây số 160 ra ngày 6 tháng 4 năm 1932, nơi trang nhất.

Ngay từ đầu bài phản biện, Phan Khôi đã trêu chọc Nguyễn Tiến Lãng. Họ Phan cho rằng cái học của họ Nguyễn chưa thấu đáo, nên mới “vào lỗ tai ra lỗ miệng,” vì đã dùng sai chữ Polémique. Theo Phan Khôi, “chưa tự cãi lại ông Hiếu (tức Tản Đà) thì chưa coi được là có Polémique” và ông nói “Tản Đà bẻ tôi, tôi đáp lại mới là Polémique” (báo Đông Tây số 160).

ĐôngTâyTuầnBáo_HoàngTíchChu_vi

H 6: Đông Tây Tuần Báo của Hoàng Tích Chu

(Ảnh từ Vi.wikipedia)

Nguyễn Tiến Lãng viết bài trả lời ngay, dưới hình thức một bức thư gửi cho ông Hoàng Tích Chu, chủ bút báo Đông Tây nhờ đăng trên mặt báo, nhưng họ Hoàng không đăng. Ông bèn gửi thư ấy cho An Nam Tạp Chí và được đăng vào số 38 ra ngày 23 tháng 4 năm 1932. Bức thư có đoạn:

“Nếu Phan Khôi có được chút Tây học, sẽ hiểu rằng: Polémique là cãi nhau chung quanh một hoặc vài ý kiến, mà người cãi nhau dù là ai, mặc dầu, ông Hiếu viết ông Khôi trên đàn ngôn luận, bè bạn Phan Khôi đứng lên kêu, đó là một cuộc cãi lẽ vì ý kiến Phan Khôi, đó là có Polémique. Phan khôi có biết tra tự vị chữ Tây, giở cuốn Litré ra mà coi…Hoặc Phan Khôi tự phụ hiểu chữ Tây hơn các nhà văn sĩ, cùng Hàn Lâm Viện nước Pháp, tôi sẵn lòng coi Phan Khôi là có bệnh về tinh thần, mà cho va mặc sức…nói láo.

Nguyễn Tiến Lãng chê Phan Khôi là người lỗ mãng, ông viết:

“Tôi là tôi, cho nên đối với Phan Khôi mà nhời (lời) khen chê của tôi, tôi cũng bắt buộc nó giữ lấy nếp văn nhã.

“Phan Khôi là Phan Khôi, cho nên bao nhiêu nhời Phan Khôi đối phó với tôi, phần nhiều quá đáng, nhưng tôi há chẳng hiểu cái nhẽ (lẽ): người làm sao, văn tất phải làm vậy (Le style, c’est l’homme). Tôi trách Phan Khôi làm chi?”

Sau cùng, Nguyễn Tiến Lãng trích đoạn cuối bài Ôi Cũng Là Cái Học Vào Lỗ Tai Ra Lỗ Miệng của Phan Khôi đăng ở báo Đông Tây số 160 ngày 06- 4- 1932, để trả lời trực tiếp với ông Khôi, và làm đoạn kết cho bài viết của mình. Ông viết:

“Câu kết của Phan Khôi: ‘Ai không biết đến đầu đến đuôi đâu hết, thấy bài Nguyễn Tiến Lãng nói như vậy rồi tin đi, ắt phải cho Phan Khôi là người bậy bạ. Hoặc giả Nguyễn Tiến Lãng dụng tâm như thế chăng? Ông Nguyễn Tiến Lãng nên hối ngộ liền, đừng còn nhỏ tuổi mà lập tâm bất chính như vậy rồi sau sẽ hỏng!

“Nguyễn Tiến Lãng tôi đáp: ‘Phan khôi bậy bạ hay không bậy bạ, xã hội đã thừa rõ rồi cho nên Lãng này chẳng cần nói thêm. Nếu chỉ vì có một lời nói của Lãng mà xã hội từ trước vẫn nhầm về Khôi, đến nay mới biết Khôi là người như thế nào, thì dù uất bởi ngòi bút này mà phải lớn tiếng nhưng Nguyễn Tiến Lãng cũng rất vui lòng vì đã làm được một việc ích. Ông Phan Khôi, nên hối ngộ liền, tuy đã già đời, nhưng cũng còn thì giờ cải tà quy chính, một đời chưa đến nỗi hỏng tất cả. Đối với tôi nói thế là đủ, sau này mặc cho Khôi lớn tiếng, xin để xã hội nghe cáo trạng của thi sĩ Tản Đà mà cùng cười với tôi. (báo ANTC số 38, ngày 23- 4- 1932).

NguyễnTiếnLãng_BìaSáchLesCheminsDeLaRévolte_DPI600

H 7: Chân dung Nguyễn Tiến Lãng trên bìa sách

“Les Chemins de La Révolte”của ông.

3 – Phan Khôi với Vân Bằng:

Một người nữa đứng về phe Tản Đà, ông Vân Bằng, cũng lên tiếng đả kích Phan Khôi. Nhưng Vân Bằng không đả động gì đến chuyện “Con Rồng Cháu Tiên” hay Tống Nho. Ông chỉ đề cập đến thái độ bất nhã của Phan Khôi trong lúc bút chiến với Nguyễn Tiến Lãng.

Trong bài Tôi Thất Vọng Về Ông Phan Khôi. Ôi! Cũng Vẫn Còn Là Cái Học Vào Lỗ Tai Ra Lỗ Miệng đăng trên An Nam Tạp Chí số 39, ra ngày 30 tháng 4 năm 1932, Vân Bằng viết:

“Sự thất vọng của tôi về ông Phan Khôi là do ở cái cách xưng hô bất lịch sự của ông đối với ông Nguyễn Tiến Lãng, cái cách xưng hô đó đã tỏ ra rằng ông Phan Khôi không nhớ cái lễ độ của học giả và quên mất cái thuyết ‘vô bất kính’ của làng nho.

“Vậy, tôi cứ theo như cái sự ngay thật người luận biện phải giữ mà kể cái cách xưng hô của ông Phan trên tờ Đông Tây số 160 như sau này: Bắt đầu ông viết: ‘Ông Nguyễn Tiến Lãng’ sau đến ‘Lãng ta’ sau đến ‘va’ sau đến ‘Tiến Lãng’ sau lại ‘ông Nguyễn Tiến Lãng’; ‘Nguyễn Tiến Lãng’ và ‘Lãng’ trống trơn…

“Không những riêng cách xưng hô bất lịch sự đó, ông lại còn mở cuốn ‘tự vị riêng’ mà dùng những tiếng ‘xỏ lá, ba que’ (xin lỗi độc giả tôi cũng không hiểu nghĩa rõ) trên bài luận thuyết ‘tràng giang đại hải’ của ông (Đông Tây số 160, cột 5, trang 1) như vậy thật là thiếu cái vẻ lễ độ đối với công chúng nữa.

Phần cuối, Vân Bằng thừa nhận Phan Khôi bẻ lý về chữ Polémique rất đúng, nhưng lại tiếc ông thiếu đức tính “lễ nhượng, khiêm tốn thì cái học của ông Phan Khôi thật chẳng có tâm đắc gì hết. Ông viết quốc văn có tài thật song chỉ có tài văn tự đó thôi, những chữ ‘tiểu nhân, quân tử, học giả, Tăng Tử’ vào lỗ tai Phan tiên sinh từ hồi tiên sinh còn cắp sách theo thầy, rồi nó chọn cái lúc ra được thì nó ra từ lỗ miệng tiên sinh lúc bấy giờ, là lúc tiên sinh viết báo, chứ chẳng có cái gì giỏi hết.”

Rồi ông kết luận:“Tôi rõ thất vọng về ông Phan Khôi. Và tôi xin vì ông Phan Khôi mà than rằng: Ôi! cũng vẫn là cái học vào lỗ tai ra lỗ miệng.”

Câu này, cũng là câu kết thúc cuộc bút chiến kéo dài 11 tháng qua.

VI – NHẬN XÉT

Vụ án nghiêm trọng, không phải vì tại bản chất của nó, nhưng vì cả hai phe (nhất là phe cũ) thấy đối thủ của mình quá tai hại, cần phải loại trừ càng sớm càng tốt, nên đã trở thành to chuyện.

a/ Phe mới chỉ có một mình Phan Khôi, đơn thương độc mã, xông xáo nơi trận tiền. Hoàng Tích Chu, chủ nhiệm báo Đông Tây, từng gọi Phan Khôi là Leon Daudet [2] của Việt Nam, dù có cảm tình với tư tưởng mới mẻ của Phan Khôi, cũng không dám ra mặt tiếp ứng bạn.

Phát xuất từ lòng yêu dân tộc, nóng lóng muốn xây dựng một xã hội Việt Nam, lúc ấy, sao cho mau theo kịp đà văn minh Tây phương. Chủ trương của họ Phan là làm sao cho dân trí được nâng cao, từ đó tiến dần từ bình đẳng đến dân chủ, tự do và độc lập. Vì vậy, ông có những tư tưởng rất mới như:

– Xóa bỏ mặc cảm tự tôn, lúc nào cũng khoe khoang giống Lạc Hồng, con rồng cháu tiên, bốn ngàn năm văn hiến…

– Đả phá thói quen ỷ lại vào tổ tiên, giống nòi.

– Khuyến khích tự lập và đổi mới để theo kịp đà tiến bộ của Tây phương.

– Phan Khôi còn có những tư tưởng táo bạo, dám hạ bệ Nho giáo. Ông chê Khổng Tử và Mạnh Tử thiếu óc lý luận khoa học qua bài Mời Trần Trọng Kim Tiên Sanh Đi Với Khổng Tử, Mạnh Tử Đến Nhà M. Logique Chơi, Tại Đó, Chúng Ta Sẽ Nói Chuyện (Phụ Nữ Tân Văn số 63, ngày 31- 7- 1930). Ông đả phá thuyết Tam cương của Hán Nho, bài bác việc cấm tái giá của Tống Nho, chống chế độ đại gia đình của Nho giáo…Việc đòi hạ bệ Nho giáo của Phan Khôi còn đi trước cả nhóm cấp tiến Tự Lực Văn Đoàn.

Với những tư tưởng mới lạ và táo bạo trên, cộng thêm sự quá khích như việc chối bỏ lòng tự hào dân tộc, tất nhiên Phan Khôi phải bị phe cũ không tiếc lời đả kích và gắt gao lên án.

b/ Về phía phe cũ, đội ngũ rất đông đảo. Họ chống lại phe mới cũng chỉ vì lòng yêu nước, bênh vực dân tộc một khi tự ái dân tộc bị tổn thương.

Đối với họ, cần phải có lòng tự tin, đoàn kết, và ổn định để cứu vãn tình trạng quốc gia lâm nguy, đất nước bị xâm chiếm, dân tộc bị nô lệ. Họ đau lòng trước cảnh ngọn cờ Cần Vương tàn lụi: Vua Hàm Nghi bị bắt tại chiến khu Quảng Bình (1888), vua Thành Thái bị truất phế (1907), vua Duy Tân bị bắt tại chùa Thiên Mụ ở Huế (1916). Một số quan lại chạy theo quyền lợi cá nhân, kết thân với Pháp, sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang…

Phe cũ muốn phục hồi kỷ cương của Nho giáo, đang bị nền văn minh vật chất của Tây phương làm băng hoại. Đất nước có kỷ cương, xã hội có trật tự là sức mạnh để chiến thắng kẻ thù, đang ỷ vào sức mạnh vật chất để xâm chiếm nước ta.

Từ quan niệm đó, phe cũ nhìn Phan Khôi như một kẻ “phá hoại” đất nước: Một kẻ có tài nhưng phạm nhiều trọng tội như “đại bất kính, vu hãm tiền hiền, loạn ngôn hoặc chúng, bại hoại phong hóa” (xem các bản cáo trạng của Tản Đà). Một người mất cái “lễ độ của học giả, lễ độ đối với công chúng” (lời Vân Bằng). Vì vậy, họ khép án Phan Khôi rất nặng, đòi “trảm giam hậu,” phạt trượng đến “300 roi, chia đánh ở ba nơi.” Và họ cùng nhau ra sức bài trừ “Cái Nạn Phan Khôi Ở Nam Kỳ,” để cứu nguy dân tộc.

VII – LỜI KẾT

Tóm lại, cuộc bút chiến xảy ra giữa hai phe cũ và mới, cùng bắt nguồn từ lòng yêu nước, lòng lo lắng đến dân tộc, và muốn cải thiện xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Tiếc rằng, họ đã không hiểu nhau, vì mỗi bên chỉ đứng ở một đầu cân mà nhìn sự việc. Tất nhiên, lối phán xét ấy phải thiên lệch. Từ đấy, xảy ra cuộc xung đột, mà chiến trường là những trang báo của bốn cơ quan ngôn luận gồm: Phụ Nữ Tân Văn, An Nam Tạp Chí, Đông Tây, Trung Bắc Tân Văn.

Và cuộc xung đột ấy, đã để lại cho nền văn học Việt Nam một vụ án, có cái tên khá thú vị. Đó là Vụ Án Văn Học Con Rồng Cháu Tiên.

San Jose, ngày 14- 07- 1994

Bổ chính lần 2: 04- 11- 2012

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Các tạp chí dùng làm tài liệu tham khảo, bản đánh máy, gồm:

Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn) số 83, ngày 21- 5- 1931, có bài Phan Khôi

– 84, ngày 28- 5- 1931, – Phan Khôi

– 85, ngày 04- 6- 1931, – Phan Khôi

– 89, ngày 02- 7- 1931, – Phan Khôi

– 96, ngày 20- 8- 1931, – Phan Khôi

An Nam Tạp Chí (Hà Nội) số 24, tuần 1 – 6- 1931, có bài Nguyễn Xuân Dương

– 26, ngày 23- 1- 1932, – Tản Đà

– 29, ngày 20- 2- 1932, – Tản Đà

– 34, ngày 26- 3- 1932, – Tản Đà

– 37, ngày 16- 4- 1932, – Tản Đà

– 38, ngày 23- 4- 1932, – Nguyễn Tiến Lãng

– 39, ngày 30- 4- 1932, – Vân Bằng

Đông Tây (Hà Nội) số 160, ngày 06- 4- 1932, có bài Phan Khôi

Nhật báo Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội), có bài Nguyễn Tiến Lãng.

[2] Léon Daudet (1867 – 1942) là tiểu thuyết gia, nhà báo và cũng là nhà tranh luận của nước Pháp.