Cái nôi tín ngưỡng tiền Cao Đài

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Bán thế kỷ đầu của thế kỷ XX được đánh dấu bởi hai phong trào lớn của nông dân tại Việt Nam : phong trào nông dân nhập Đạo Cao Đài năm 1926 tại Nam Kỳ và phong trào nông dân đầu quân theo cộng sản trên toàn quốc gọi là cách mạng tháng tám 1945. Khi nghiên cứu Đạo Cao Đài, câu hỏi thường được đặt ra là tại sao trong một thời gian rất ngắn, Đạo Cao Đài đã thu hút 3 triệu người qui theo và được coi như một phong trào nông dân quan trọng đầu tiên của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX?

Các soạn giả tiếp cận Đạo Cao Đài thường trả lời theo quan điểm tây phương hoặc mác-lê và đều chỉ nhìn điều đó dưới góc độ kinh tế, xã hội, chính trị ( đói khổ, sưu cao thuế nặng, giai cấp thống trị đàn áp…).

Quan điểm tây phương thí dụ như G. Goulet nói đến đức tính khoan dung tôn giáo của dân Việt và truyền thống Tam Giáo nên không có đối kháng của tín ngưỡng tại chỗ[1].

Quan điểm Mác-Lê :Theo tác giả Trần Văn Giàu, Đạo Cao Đài phát triển là vì Tam Giáo yếu kém không đáp ứng mong mỏi của người dân[2]. Theo quan điểm tác giả cộng sản Đặng Nghiêm Vạn, Đạo Cao Đài nhập thế hiểu tâm lý xã hội nông dân đương thời, và « chỉ con đường giải thoát ức chế của cuộc sống thường ngày »[3]. Nguyễn Thanh Xuân thì giải thích « Bị áp bức bóc lột, bị đói khổ, bần cùng, lại bị thất bại bế tắc trong cuộc đấu tranh chống Pháp, một bộ phận nhân dân Nam Bộ đã đi tìm đến với tôn giáo, tìm đến với Đạo Cao Đài »[4].

Để trả lời câu hỏi về phong trào nông dân qui theo Đạo Cao Đài mà không phân tích 3 sự kiện quan trọng : Thiên thời, địa lợi, nhơn hòa thì thật là thiếu sót.

Thiên thời

Chính Thượng Đế theo « Thiên định » mà khai Đạo tại Việt Nam. Người sáng lập Đạo là Đấng vô hình chứ không thể nhìn như nhiều soạn giả cộng sản bàn về người sáng lập như một nhà chính trị tại thế.

Khai Đạo muôn năm trước định giờ,

Tam Kỳ thường chuyển bởi Thiên Thơ.

Địa lợi

« Địa lợi » là cái nôi tiềm ẩn Đạo Cao Đài nằm trong 2 vùng đất thiên nhiên : Miền phù sa nước ngọt và vùng đất cao miền Đông. Trong cái nôi đó, Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng) và tín ngưỡng thờ Thờ Quan Công, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và cầu cơ… đã nằm phục sẵn chờ Thượng Đế đến khai hóa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Việt Nam.

Nhơn hòa

Trước sự áp bức bóc lột, đói khổ, bần cùng của nông dân, chính các chức sắc Cao Đài vừa là giới thống trị (quan chức, trí thức, điền chủ…) vừa là sứ giả của Thượng Đế. Các sứ giả này không nói đến triết thuyết cao siêu của Thượng Đế mà đến chỉ con đường giải thoát bằng tình cảm cao thượng như thương yêu lại coi nông dân như anh em, cùng là con cái của Thượng Đế thử hỏi không « nhơn hòa » sao được.

1. Yếu tố « nhơn hòa »

Sau năm Khai Đạo 1926 là cảnh cả triệu người ồ ạt nhập Đạo Cao Đài tạo nên một phong trào gồm đa số là nông dân và nòng cốt là giới trí thức, quan lại, điền chủ tại thành thị.

Trong thời kỳ sơ khai, dù Đạo chưa có cơ sở thờ phượng nguy nga, giáo lý và chức phẩm chưa chấn chỉnh, mà tại sao trong điều kiện đó Đạo lại thu hút được lòng người thành một phong trào nhập Đạo? Nếu tìm câu trả lời, chúng ta sẽ thấy ngay 03 yếu tố thiết thực lôi cuốn dân Việt ồ ạt theo Đạo. Đó là :

– Cách mạng Huynh Muội,

– Thờ Ông Trời,

– Sứ giả và thông điệp.

Cách mạng « Huynh Muội »

Khi nghiên cứu chiều sâu của Đạo, đôi khi tìm hiểu những điều ta nghĩ là thường tình nhưng lại là nhưng điều căn bản thu hút người theo Đạo. Đó là những tiếng gọi Thầy, Mẹ, huynh muội thân mật như trong gia đình, trong xóm làng thí dụ như :

– Tại thôn quê, ngôn từ thầy mẹ thì quá ư quen thuộc như Thầy giáo, Thầy thuốc, Thầy rắn, Thầy ngải, Thầy võ… Nay với Đạo Cao Đài, kêu các Đấng ta tôn thờ là Thầy (Đức Chí Tôn), Mẹ (Đức Diêu Trì ) thì thật là gần gũi như trong gia đình.

– Giữa các tín đồ xưng hô với nhau hiền huynh, hiền tỉ, hiền muội như anh chị em cùng một nhà, như cùng một cha mẹ;

– Mọi người đều bình đẳng khi đứng trước Đức Từ Mẫu, thí dụ đến dự Yến Diêu Trì, tín đồ là chức sắc, quan chức hay nông dân đều mặc áo trắng bình đẳng với nhau.

– Nơi đảnh lễ Thầy thì gọi là Thánh thất tức nhà chung cho mọi người.

Trong thời gian đầu truyền Đạo, đa số các đại chức sắc đều thuộc giai cấp thống trị (đốc phủ, tri huyện, đại địa chủ…) đã mang đến cho nông dân (giới bị trị) một sự che chở và khởi đầu bằng một cuộc cách mạng quan hệ « Huynh Muội »[5].

Độc giả hãy tưởng tượng lại trong một cảnh truyền Đạo như năm 1928, sứ giả của Thượng Đế là ông Nguyễn Văn Ca, tri phủ Chợ Mới, Mỹ Tho (đại diện giới thống trị) nhập Đạo, tiếp nhận chức Phối Sư khuyên mọi người đừng coi ông là quan lớn, mà là quan hệ huynh đệ. Chỉ một lời rao giảng đơn sơ này đã thu hút hơn 3000 tá điền của ông Ca theo đạo Cao Đài[6].

Vào những năm 1928-1930, nhiều công chức, trí thức nhất là người lãnh đạo phong trào lập hiến như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Dương Văn Giáo gia nhập Đạo Cao Đài và đã nói những câu đơn sơ với nông dân rằng gia nhập Đạo Cao Đài :« sẽ không phải đóng thuế, không bị cường hào áp bức, sẽ được che chở…»[7].

Ngoài ra Đạo Cao Đài cũng thu hút giới dân thành thị là nhờ giới lãnh đạo trí thức dùng báo chí quảng bá giáo lý Cao Đài và giảng giải cơ bút thí dụ như ông Nguyễn Phan Long, chủ tờ báo L’Écho annamite[8].

Trong Đạo, mọi người coi nhau như huynh đệ, tỷ muội, có Cha chung Thượng Đế và Mẹ chung Đức Diêu Trì là đủ tạo nên nền tảng cho cuộc cách mạng « Huynh Muội » thu hút lòng người tạo nên phong trào dân Việt theo Đạo tại Nam Kỳ. Ngày nay, nếu người ngoại Đạo muốn cảm nhận được cuộc cách mạng huynh muội thì chỉ cần đến dự lễ và cơm chay tại một Thánh Thất trong nước hay ở hải ngoại.

Tiếp nối truyền thống

Từ thời xa xưa, tín ngưỡng dân gian Việt là thờ Trời biểu lộ trong ngôn ngữ bình dân hàng ngày. Quan niệm siêu hình về Thượng Đế thời xưa chỉ chất phác là có một Đấng vạn năng gọi là Ông Trời, ngồi trên 9 tầng mây chỗ giáp đất ấy là chân Trời. Người dân coi Trời là một Đấng Chí Tôn, thiêng liêng, vạn năng, quyền phép vô song, là Đấng Tạo Hóa sắp xếp mọi việc dưới vòm trời, ấn định số mạng cho mỗi cá nhân, qui tiên rồi thì về với Ông Trời. Vì vậy mà nói đến Ông Trời là từ thôn dân đến sĩ phu đều hiểu và cảm thấy ngay.

Cho nên khi sứ giả đi truyền bá thông điệp của Thượng Đế chỉ cần giảng giải rằng Đạo Cao Đài thờ kính Ông Trời, Ông Trời tức là Thượng Đế, Đức Chí Tôn và kể chức năng của Ông Trời là thôn dân cảm nhận ngay được Ông Trời của Đạo Cao Đài và Ông Trời mà tổ tiên thờ kính từ ngàn năm xưa chỉ là một. Còn đối với giới trí thức, Ông Trời qua cơ bút đã « mạc khải » cho biết cả một vũ trụ của Ông Trời. Điều này đã thẩm thấu ngay vào lòng người và dẫn đến việc Ông Trời giáo hóa giới trí thức, quan lại tây học để khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và tiếp theo đó nhận làm sứ giả đi truyền Đạo.

Sứ giả và thông điệp

Sứ giả (messenger).

Trong thời kỳ đầu của truyền Đạo, vai trò sứ giả truyền Đạo quan trọng hơn thông điệp của Thượng Đế.

Trước sự áp bức bóc lột, đói khổ, bần cùng của nông dân, sứ giả của Thượng Đế đến chỉ con đường giải thoát bằng từ bi, bác ái để cùng coi nhau như huynh đệ, tỉ muội về hiệp với Thượng Đế. Áo mão phẩm trật, chức sắc là chỉ để chầu lễ Đức Chí Tôn và các Đấng, sau lễ là cuộc sống hòa đồng, bình đẳng trong sinh hoạt xã hội.

Đa số các sứ giả truyền Đạo thuộc thành phần thống trị có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp xã hội tại Nam Kỳ nhất là giới nông dân. Các sứ giả gồm :

Giới địa chủ như ông Cao Triều Phát (đại điền chủ gốc Triều Châu), Nguyễn Văn Ca…

Giới quan chức. Rất nhiều đốc phủ, tri phủ, tri huyện có uy tín, quyền thế ngoài đời nhập Đạo như quí ông Ngô Minh Chiêu, Nguyễn Ngọc tương, Lê Bá Trang… Khi nhập môn, giới quan chức, địa chủ kéo theo bạn bè, anh em và hàng ngàn tá điền nhập môn.

Tu sĩ Ngũ Chi Minh Đạo như Ngài Trần Đạo Quang, Lê Văn Lịch … kéo theo hàng ngàn tín đồ và cơ sở chùa nhập vào Đạo.

Giới trí thức  như ông Đoàn Văn Bản (đốc học trường Cầu Kho), ông Nguyễn Trung Hậu (Đốc học trường tư thục Đa Kao) và các giáo viên như ông Nguyễn Văn Trò, Nguyễn Văn Hương, Phạm Văn Tỷ… là những chức sắc truyền đạo chủ chốt.Thí dụ như tháng 7-1930, Phối Sư Nguyễn Văn Ca (đốc phủ, địa chủ, trí thức) sáng lập nguyệt san Revue caodaïste ra được 12 số nhưng đã quảng bá hữu hiệu Đạo Cao Đài thời kỳ đầu.

Hành Đạo như vậy thử hỏi dân Việt không đến với Đạo Cao Đài sao được.

Thông điệp (divine message)

Đến khi số chức sắc và tín đồ đã đông đảo thì đòi hỏi Tòa Thánh Tây Ninh phải thiết kế về tổ chức cơ sở và phẩm trật chức sắc theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật Đạo trong vòng kỷ luật để thông điệp của Thượng Đế giữ vai trò trọng yếu của truyền Đạo hơn là vai trò của sứ giả. Đến nay tôn giáo Cao Đài đã trở thành một tôn giáo lớn nên sứ mạng chánh yếu của người truyền Đạo là rao giảng thông điệp của Thượng Đế để con người đến với Đạo.

2. Yếu tố địa lợi

« Địa lợi » là cái nôi tín ngưỡng tiền Cao Đài. Trước khi Đạo Cao Đài khai sáng, từ thế kỷ XVII, ba tỉnh của Nam Kỳ Lục Tỉnh, : Gia Định (Tây Ninh, Sài Gòn), Vĩnh Long (Mỹ Tho, Bến Tre), An Giang (Bạc Liêu) đã tạo nên một cái nôi tín ngưỡng tiền Cao Đài. Trong cái nôi đó, Tam giáo cổ truyền, Thờ Đức Quan Công, cầu cơ thỉnh Tiên, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Diêu Trì Kim Mẫu… đã nằm phục sẵn chờ Thượng Đế đến khai hóa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Việt Nam.

Thờ Đức Quan Công

Năm 1673, Chúa Nguyễn cho phép 3000 binh sĩ với 50 chiến thuyền của các bại tướng nhà Minh vào định cư ở các vùng sau.

Binh sĩ của Trần Thượng Xuyên vào cửa biển Cần Giờ, lên đồn trú ở Bàn Lăng xứ Đồng Nai[9].

Binh sĩ Long Môn của Dương Ngạn Địch vào cửa Tiểu, cửa Đại rồi đến vùng nước ngọt ở Mỹ Tho và định cư ở vùng Ba Giồng[10] rất thuận lợi làm canh nông. Tiếp theo, tướng Văn Trinh dẫn binh sĩ của Long Môn đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho[11].

Cũng trong thời kỳ này, người Hoa đến quy tụ tại Hà Tiên với Mạc Cửu để giao thương với ghe thuyền qua lại trong vịnh Thái Lan.

Từ thế kỷ XVI, áp lực nhân khẩu, loạn lạc đã thúc đẩy một số nông dân hoa kiều nhất là nông dân Tiều[12] đến định cư tại Bạc Liêu, Ba Xuyên, Cà Mau.

Sự hình thành cái nôi tín ngưỡng tiền Cao Đài tại Nam Kỳ Lục Tỉnh bắt đầu từ những làn sóng lưu dân Hoa Kiều. Ngoài nếp sống tinh thần kết tinh Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng) trong lòng người dân Việt, các lưu dân Hoa Kiều đã mang lại cho Nam Kỳ Lục Tỉnh tín ngưỡng thờ Quan Công biểu tượng gương trung nghĩa của lưu dân đối nhà Minh.

Để bày tỏ lòng trung nghĩa với nhà Minh như Quan Công với nhà Hậu Hán, nhiều lưu dân Hoa Kiều thờ Đức Quan Công trên bàn thờ chính giữa nhà. Việc sống chung đụng và hội nhập với người Việt nên thờ Quan Công đã đi vào tín ngưỡng người Việt và khá phổ biến tại Nam Kỳ Lục Tỉnh. Khi Đạo khai sáng, Đức Quan Công là một trong Tam Trấn Oai Nghiêm của Đạo Cao Đài.

Vào năm 1973, chúng tôi khảo cứu ruộng muối tại Bạc Liêu [13] nên có dịp viếng thăm nơi định cư của người Tiều tại Bạc Liêu. Đa số sống trên giồng đất cao[14] trồng rãy (rau cải xanh, dưa, củ cải làm sái pấu…), trồng cây trái nhất là nhãn hoặc đầu vàm sông rạch làm chài lưới (đẩy sịp, đặt đăng nò, dăng lưới)[15], hoặc ven rừng chồi, làm ruộng muối. Tại đây, chúng tôi nhận xét thấy hai bên cửa chính của nhiều nhà, mỗi bên viết một chữ nhựt 日và nguyệt月ghép lại là chữ minh 明[16]. Gian giữa của căn nhà chính, đặt bàn thờ Đức Quan Công.

Năm 1974, chúng tôi đến xã Ba Chúc, quận Tri Tôn, tỉnh An Giang để thăm viếng chùa Tam Bửu, tổ đình của Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa khai nguyên tại núi Tượng vào năm 1876. Tại tư gia tín đồ, sự thờ phượng được sắp đặt như sau.

Trước cửa nhà : bàn thờ Thông Thiên hai tầng : tầng trên thờ Chánh Đức Thiên La Thần, tầng dưới thờ Thổ Trạch Long Thần.

Trên bàn thờ đặt ở gian giữa trong nhà: trên cùng thờ Quan Thánh, bên dưới Phật, Thánh, Tiên; dưới nữa : Thập Vương, Hộ Pháp Vi Đà, Cửu Phẩm, Tam giáo…

Thời thơ ấu, nhà dượng Ngài Ngô Văn Chiêu tại Mỹ Tho lập trang thờ Đức Quan Thánh, tụng kinh Minh Thánh.

Những điều mà mọi người chúng ta đều có thể nhìn thấy như trên chứng tỏ việc thờ phượng Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Thánh của Đạo Cao Đài, thờ Phật, chư Tiên chư Thánh đã hiện diện tại Nam Kỳ Lục Tỉnh đã tạo nên « địa lợi » cho Thượng Đế khai sáng Đạo Cao Đài năm 1926.

Ngũ Chi Minh Đạo

Ở Việt Nam, Tam Giáo đồng nguyên phát triển mạnh từ thế kỷ thứ X sau đó bị suy giảm trước văn minh âu châu và tôn giáo mới nhất là thời Pháp Thuộc. Vào thời kỳ người Hoa di dân vào đồng bằng Cửu Long, sự thâm nhập Ngũ Chi Minh Đạo đã phục hưng Tam Giáo Đồng Nguyên tại Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Minh Sư bắt nguồn từ môn phái Phật Đường (vào thế kỷ VIII) của Phật Giáo Thiền Tông bên Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ XVII, Phật Đường chấn hưng mang tính chất tôn giáo theo tinh thần Tam Giáo : thờ Phật, tu Tiên, cầu cơ. Dưới thời nhà Thanh, quan thần nhà cựu Minh tụ tập thành 2 nhóm phản Thanh phục Minh : Quan võ lập nên Thiên Địa Hội, quan văn lập nên Minh Sư Đạo dựa trên nền tảng của hệ phái Nam Thiên Tông dùng tư tưởng của Phật Đường làm cứu cánh « Phản Thanh, phục Minh ». Bị đàn áp, Minh Sư bị đẩy xuống Hoa Nam rồi ra hải ngoại sang Việt Nam.

Từ cuối thế kỷ XVII, sau khi được du nhập vào Nam Kỳ Lục Tỉnh, tín ngưỡng của tông Minh Sư đã ảnh hưởng đến nhiều chức sắc Cao Đài và việc phân chia hệ phái.

Lược sử

Một số cựu thần nhà Minh dựng nên tại Trung Hoa một mối đạo tu Tiên (tu đơn) mệnh danh là Minh Sư vào khoảng năm 1650 hoặc 1670. Tông phái Minh Sư thờ Tam Giáo, nhưng trọng về Lão Giáo, xử dụng cơ bút, tu đơn, có khoảng 50 ngôi chùa tại Việt Nam. Sang đến Việt Nam, Minh Sư chia thành ba Tông:

Tông Đức Kế do Thái lão Vương Đạo Thâm lãnh đạo, có chùa: Quảng Nam Đường, Khánh Nam Đường (Bình Thạnh), Nam Nhã Đường (Bình Thủy, Cần Thơ), Mỹ Nam Đường (Mỹ Tho), Vạn Bửu Đường (Gò Công), Nam Tông Đường (Hội An), Hòa Nam Đường (Đà Nẵng),

Tông Phổ Tế do Thái Lão sư Trần Đạo Quang lãnh đạo, chùa Linh Quang Đường (Hóc Môn), Long Hoa Đường (Cai Lậy), Phổ Hòa Đường (Mỹ Tho) …

Tông Hoằng Tế, Thái Lão Sư Lâm Đạo Ngươn, chùa Quang Âm Đường (TX Tân An), Trọng Văn Điền (Bình Điền).

Từ ba Tông này chia ra làm 4 chi khác nhau.

Minh Đường lập năm 1908, có cơ sở là Vĩnh Nguyên Tự tại Cần Giuộc do ông Lê Đạo Long (thân phụ của Đầu Sư Lê Văn Lịch, đồng sáng lập phái Tiên Thiên).

Minh Lý hình thành năm 1924 do những người cầu cơ tại nhà ông Âu Minh Chánh (Minh hương) chủ trương dùng kinh sách và cầu cơ bằng chữ quốc ngữ, Ngày 2-2-1927, Minh Lý môn sanh khai buổi cúng đầu tiên tại chùa mới được Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng ban hiệu chùa là Tam Tông Miếu[17] tại xóm Bàn Cờ (82 Cao Thắng Sài Gòn) và Bát Nhã Tịnh tại Vũng Tàu.

Minh Thiện: Từ trước năm 1915, một nhóm nhân sĩ thường họp mặt tại chùa Quan Đế (Thanh An Tự), thị xã Thủ Dầu Một (nay trên đường Hùng Vương) để cầu cơ thỉnh Tiên theo Minh Sư (phò Đại Ngọc cơ) rồi do ông Trần Hiển Vinh lập ra một chi mới là Minh Thiện.

Minh Tân. Trong Ngũ Chi Minh đạo, Minh Tân được lập cuối cùng, sau các Chi khác. Năm 1923, Ông Lê Minh Khá lập chi Minh Tân và xây Tam Giáo Điện Minh Tân hiện tại cạnh bên phải số 221 Bến Vân Đồn, để chuyển Cao Thâm Đàn ở Trảng Bàng về đây, lập thành ngôi Cao Tân Đàn. Bốn chi này hợp với chi Minh Sư trở thành Ngũ Chi Minh Đạo.

Ngôi chùa Minh Sư đầu tiên Quảng Tế Phật Đường dựng tại Hà Tiên, sau đó là Chiếu Minh Phật Đường (Sài Gòn ), Vân Nam Phật Đường (Quy Nhơn).

Sang đến Việt Nam, để tránh bị nghi ngờ làm chính trị, Minh Sư đổi là Minh Đường[18] rồi từ Minh Đường các nhóm cầu cơ chia ra làm Minh Thiện, Minh Lý, Minh Tân gọi chung là Ngũ Chi Minh Đạo[19].

Điểm đặc biệt đáng chú ý là tông phái chính Minh Sư chia thành các chi nhỏ hoạt động tương đối độc lập với nhau nhưng tất cả vẫn thờ phượng Ngọc Hoàng Thượng Đế với « sắc thái riêng biệt tùy theo xu hướng mỗi chi ». Hình ảnh phân chia này không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến quan điểm của một số chức sắc Cao Đài đã có liên hệ với Ngũ Chi Minh Đạo như Ngài Ngô Văn Chiêu, Trần Đại Quang, Nguyễn Ngọc Tương…

Năm 2014, Ban Tôn Giáo Chính Phủ công nhận tổ chức tôn giáo Minh Sư Đạo có 52 Phật Đường ở 18 tỉnh với 10 000 tín đồ.

Tín ngưỡng của Ngũ Chi Minh Đạo

Sự hòa đồng nhanh chóng giữa Ngũ Chi Minh Đạo và tôn giáo Cao Đài là nhờ có liên hệ mật thiết về thờ phượng và kinh kệ.

Điện thờ

Chánh điện chùa Minh Sư thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Phật, chư Tiên (hoặc thờ tượng, hoặc bài vị, tùy nghi), tụng kinh Ngọc Hoàng Tâm Ấn, Bắc Đẩu Chơn Kinh, Địa Mẫu Chơn Kinh.

Chánh điện của Tam Tông Miếu[20] thuộc chi Minh Lý thờ:

Cấp thứ nhất thờ Tam Cực : Vô Cực (Diêu Trì Kim Mẫu),Thái Cực (Ngọc Hoàng Thượng Đế), Hoàng Cực (Hồng Quân Lão Tổ)

Cấp thứ nhì thờ Tam Giáo Đạo Tổ.

Cấp thứ ba thờ Tứ Đại Bồ Tát.

Cấp thứ tư thờ Ngũ Vị Tinh Quân,

cùng nhiều bàn thờ khác từ trong ra ngoài.

Chùa Minh Thiện (Thanh An Tự) tức Đàn Minh Thiện thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, tụng Minh Thánh Kinh, nhưng tại đây cũng có rất nhiều tượng chư Bồ Tát, Phật Tổ…

Ngôi Cao Tân Đàn của chi Minh Tân thờ đủ bài vị: Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, và chư Tiên, Phật, có thêm bàn thờ Đức Lê Sơn Thánh Mẫu.

Đóng góp của Ngũ Chi Minh Đạo cho Cao Đài

Đóng góp vào Đạo Cao Đài là : kinh kệ, chùa, cầu cơ. Điều ghi nhận là các đóng góp này vừa là động cơ phát triển Đạo vừa là động cơ phân chia thành hệ phái.

Kinh kệ

Bài Kinh chuyển từ Minh Sư sang Cao Đài. Một số bài Kinh nhật tụng của Đạo Cao Đài có gốc từ Minh Sư như Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế[21], bài Khai Kinh[22], bài Niệm Hương[23] và ba bài xưng tụng Tam Giáo Đạo Tổ[24].

Chùa trở thành thánh thất

Tại Cà Mau, bổn đạo chùa Minh Sư hiến chùa cho Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang lập thành thánh thất Ngọc Phước  là thánh thất đầu tiên của Minh Chơn Đạo (khánh thành năm 1928, nay thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).

Vĩnh Nguyên Tự của chi Minh Đường (Long An) nay là một ngôi thánh thất của Đạo Cao Đài, tên Minh Đường không còn nghe nói nữa.

Năm 1924 qua 1925, Đàn Minh Tân đã hình thành thâu nhận rất nhiều tín đồ vùng Khánh Hội. Vào ngày mùng 6 tháng 10 năm Bính Dần, toàn thể nam nữ tín đồ Minh Tân qui tụ về chùa cùng làm lễ Minh Thệ nhập môn vào Đạo Cao Đài. Từ đây Minh Tân trở thành một thánh thất của Đạo Cao Đài. Sau khi lập thành Tam Giáo Điện Minh Tân, cách thức thờ phượng vẫn giữ nguyên như trước (lúc nầy đã qui nhập về Cao Đài), chỉ thêm Thánh Tượng Thiên Nhãn đặt phía trên cao.

Việc truyền Đạo ra miền Trung được sự giúp đỡ tích cực của Minh Sư như tín đồ của Minh Sư nhập Đạo Cao Đài. Chùa Minh Sư tại Quảng Nam trở thành thánh thất như: Đồng Chơn Tự- thánh thất Tịnh Thanh Quang, Tam Giáo Tự-thánh thất Trung An, Đức Nguyên Tự-thánh thất Trung Nguyên, Giác Tế Đường-thánh thất Hưng Đông, Hòa An Tự-thánh thất Trung Hòa.

Cầu cơ và chức sắc Cao Đài

Trước khi Đạo Cao Đài khai sáng, nhiều chức sắc lãnh đạo hệ phái sau này và một số tín đồ đã có quan hệ mật thiết với Ngũ Chi Minh Đạo và đã quen với việc phân chia thành chi độc lập, sửa đổi thờ phượng tùy nghi theo xu hướng của mỗi chi nhưng vẫn giữ thờ phượng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Người đầu tiên tách khỏi tôn giáo Cao Đài là Ngài Ngô Văn Chiêu rất thân cận với Ngũ Chi Minh Đạo. Năm 1902, Ngài Ngô lên hầu Đàn Minh Thiện (Thanh An Tự) tai Thủ Đầu Một cầu thọ cho thân mẫu và có ở một thời gian tại Ngọc Hoàng Điện (Đa Kao) xây năm 1900 do ông Lưu Minh tu Minh Sư với ý phản Thanh phục Minh[25]. Năm 1921, Ngài Ngô Văn Chiêu thọ giáo pháp Cao Đài tại Quan Âm Đường[26] ở Phú Quốc thuộc Tông Hoằng Tế của chi Minh Sư. Nhờ nhiều lần hầu Đàn Minh Thiện, Ngài biết rõ cách cầu cơ, nên khi thay đổi từ chấp bút qua Đại Ngọc cơ, Ngài Ngô dễ dàng chấp hành.

Ông Phan Văn Tý, một vị trong Ban Cai quản Đàn Minh Thiện là bạn Ngài Cao Quỳnh Cư, lại ở gần nhà, đã hướng dẫn nhị vị Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư phò Đại Ngọc Cơ thuần thục.

Trước khi gia nhập Đạo Cao Đài, Ngài Trần Đạo Quang là Thái Lão Sư cầm đầu chi Minh Sư ở Việt Nam, cộng tác với Minh Chơn Lý rồi lập hệ phái Minh Chơn Đạo.

Ông Nguyễn Văn Ca vâng theo Cơ bút[27] của ông Trương Kế An (hiệu là Tuyết Vân Mặc Khách thuộc Minh Thiện ở Rạch Giả) mà sửa đổi thờ phượng, lễ nghi khác biệt với tôn giáo gốc.

Năm 1920, Ngài Nguyễn Ngọc Tương, Quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh lãnh đạo Ban Chỉnh Đạo có tiếp xúc với tông phái Minh Sư.

Tóm lại, chính nhờ có địa lợi tức cái nôi tín ngưỡng tiềm ẩn đạo Cao Đài ở Nam Kỳ Lục Tỉnh mà, khi đạo Cao Đài phổ độ Lục Tỉnh, số tín đồ quy về rất mau lẹ và đông đảo. Và cũng chính trong cái nôi này mà hình ảnh phân chi của Ngũ Chi Minh Đạo đã gây ấn tượng chia phân hệ phái trong suy nghĩ của một số chức sắc sau này. Lớp tín ngưỡng này vừa là động cơ phát triển tôn giáo Cao Đài vừa là một hình ảnh phân chia thành hệ phái.

C:\Users\Admin\Documents\cd634.jpg

Bản đồ hành chánh Nam Kỳ Lục Tỉnh (1856)

Lạp Chúc Nguyễn Huy

  1. G. Goulet, Cultes et religions de l’Indochine annamite, 1929, Saigon

  2. Trần Văn Giàu, Lịch sử phát triển tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám, tập II

  3. Đặng Nghiêm Vạn, Bước đầu tìm hiểu về đạo Cao Đài, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1995

  4. Nguyễn Thanh Xuân, Đạo Cao Đài, hai khía cảnh lịch sử và tôn giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, (Nguyễn Thanh Xuân is the deputy head of the religion department of the Vietnamese government, who directly controls Caodaism now.), sđd, tr. 49

  5. J.S.Werner, sđd, nhấn mạnh đến quan hệ giữa chức sắc (quan chức, địa chủ…) và tín đồ (nông dân và địa chủ)

  6. Blagov, sđd, tr. 49

  7. Nguyễn Thanh Xuân, sđd, tr.100

  8. Các báo phổ biến Đạo: L’Action indochinoise (1928), Revue caodaïste của Tòa Thánh Tây Ninh (1930, do Nguyễn Văn Ca sáng lập), Đuốc Chơn Lý (1933, chủ bút Nguyễn Van Ca), Đại Đạo (1936, chủ bút Lê Thế Vĩnh), Đại Đồng (1938 của Liên Hòa Tổng Hội)

  9. Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, Nha Văn Hóa, quyển trung, Sài Gòn, tr. 9-10

  10. Ngày nay là Tân Hiệp, Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường).

  11. Trịnh Hoài Đức, Gia Định…sđd, quyển hạ, tr.119.

  12. Người phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông đến định cư đông đảo nên có câu :

    Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,

    Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu.

  13. Nguyễn Huy, Huỳnh Tư, Les marais salants de la province de Bạc Liêu, Société des Études indochinoises, T. XLIX. 1974

  14. Giồng là dải duyên hải xưa, người Tiều gọi là lếng nghĩa là rồng vì tin vào phong thủy, long mạch; đầu rồng quay phía Bắc

  15. Trên bãi bùn lớn ở Bạc Liêu, mỗi lần thủy triều xuống, tôm cá ăn từng bày dầy đặc ở lằn nước từ 0, 5m ra sâu 4m.

  16. Hai chữ nhựt 日, nguyệt月ghép lại là chữ minh 明, ý nói trung nghĩa với nhà Minh theo gương của Quan Công với nhà Hậu Hán

  17. Tam là Tam thể đồng nhứt, Tam giáo đồng nguyên. Tông là thừa kế, tiếp nghiệp của Tổ truyền. Miếu là tòa ngự của các Đấng thiêng liêng tại thế.

  18. Minh Đường là một phân nhánh của Minh Sư. Danh hiệu Minh Đường được tìm thấy trong TNHT; Ơn Trên đều dùng tên Minh Đường để chỉ Vĩnh Nguyên Tự. Và do tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật,…. của chư vị Lão Sư Minh Đường tại Vĩnh Nguyên Tự đều không khác Minh Sư.

  19. Ngũ: Năm, thứ năm. Chi: chia ra, nhánh. Minh: sáng, ẩn ý nhà Minh bên Tàu. Đạo: tôn giáo; muốn biết rõ chi tiết về Ngũ Chi Minh Đạo, xem Tự Điển Cao Đài của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.

  20. Tam nghĩa là ba, chữ Tông là Tông Tổ, là gốc chánh. Miếu là đền thờ. Chỗ hiệp ba tông (Tam giáo đồng nguyên, Tam tài nhứt thể) đem về một mối gọi là qui nguyên. Trụ sở của Đạo Minh Lý đặt tại chùa Tam Tông Miếu, số 82 đường Cao Thắng, Sài Gòn

  21. Do Đại Tiên Lữ Đồng Tân ban cho vào khoảng năm 1891 tại Trung Hoa

  22. Năm 1925, Đức Lữ Tổ giáng cơ tại Chi Minh Lý diễn nôm bài Kinh

  23. Năm 1925, Đức Nam Cực Chưởng Giáo giáng cơ tại Chi Minh Lý (Tam Tông Miếu) dịch bài Phần Hương Chú từ chữ hán sang chữ nôm

  24. Kinh Phật Giáo, Kinh Tiên Giáo, Kinh Nho Giáo do Đấng Thiêng Liêng ban cho ở chùa Hàn Sơn Tự, nơi Cô Tô Thành tại Trung Hoa

  25. Smith R.B, tr.348-349 và Lê Anh Dũng, Lịch sử Đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926, Huế, Nxb Thuận Hóa, 1996

  26. Năm 1961, các tín đồ Cao Đài Chiếu Minh xây Cao Đài Hội Thánh trên nền cũ của Quan Âm tự

  27. Cơ bút của Minh Chơn Lý dạy như sau:“Thầy xuống lập đạo có một mình Thầy hiệp với hai Chưởng quản, một là Lê Văn Ðược làm chức Hiệp Thiên Ðài (hồn) của Ðạo, là bậc Chơn như có Phật Hàng Long hiệp mới thành chánh vị Tam Tôn chủ tam hồn, đội áo Khai Thiên (12 thước vải trắng) đứng trên ngọc ỷ, phía trước mặt kế bên án có ông Cửu Trùng Ðài Nguyễn Văn Ca là xác của Ðạo. Ðạo có một xác một hồn mà thôi. Cửu Trùng Ðài nhờ chuyển kiếp 9 lần mới hiệp cùng Phật An Thiên nên Thánh danh kêu là Bửu An Thiên 18 năm, trong thời gian ấy chịu trả vay nhiều nỗi. Còn ai bày ra Hiệp Thiên Ðài, Cửu Trùng Ðài là hồn ma xác quỉ, đó là giả dối.”

    (Trích trong Ðuốc Chơn Lý số 51 trang 97)