NHẬN XÉT VỀ THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

Thuyết trình của GS Trần Huy Bích

trong buổi RMS “Một hành trình thơ 1948-2018” của

nhà thơ Cung Trầm Tưởng ngày 17-11- 2019 tại Little Saigon

                                                      

Kính thưa Quý vị,

Các anh trong Ban Tổ chức trao cho tôi nhiệm vụ đóng góp vài nhận xét nhân buổi sinh hoạt văn học chào  mừng cuốn tổng tập ghi lại hành trình 70 năm làm thơ, từ 1948 đến 2018 của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Đây là một vinh dự, nhưng cũng là một việc khó. Nói về một hành trình thơ dài 70 năm, xuyên qua 2 thế kỷ, của một nhà thơ quan trọng, gồm nhiều thi phẩm giá trị, chứa trong trong 7 thi tập với nội dung đặc sắc và phong phú, được in ra trong một tập sách gần 700 trang, và chỉ trong 15 phút, thì đúng là một hành động “trói voi bỏ rọ”: có hàng trăm điều để nói, biết lựa để nói những điều gì? Thứ nữa, cho tới nay, bao nhiêu người đã nói, đã viết về nhà thơ CTT. Trong tình thân, có nhà văn Võ Ý. Trong giới phê bình, nhận định văn học, có nhà văn Thụy Khuê, nhà văn Mặc Lâm, nhà thơ Viên Linh, nhà thơ Phan Ni Tấn, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh… Trong tập sách do Tiếng Quê Hương xuất bản, được trao tới chúng ta hôm nay, còn thêm bài viết của một số nhà phê bình cùng thân hữu của tác giả như Lê Mạnh Cương, Hoàng Yên Lưu, Trần Văn Nam, Nguyễn Thanh Nhã, Giang Hữu Tuyên… Một số câu tôi rất muốn nói lên hôm nay, chẳng hạn như, “CTT là một trong những tên tuổi lớn trên đàn thi ca VN,” hay “Thơ CTT mới về ý, lạ về từ, khác về hình tượng, về nhịp điệu lẫn thanh âm…” thì nhiều người đã nói lên, đã viết ra rồi. Nếu chỉ “nhai lại” những ý ấy thì thật có lỗi trước sự mong đợi của Ban Tổ chức, và làm phí thời giờ của toàn thể quý vị. Tôi đành xin đóng góp một vài nhận xét mộc mạc, mong nhận được niềm thông cảm đại lượng của anh CTT cũng như của cử tọa.

Kính thưa Quý vị,

Trước hết, tôi xin được khai triển một nhận xét của nhà thơ Phan Ni Tấn. Trong bài “Hành trình vào thế giới thơ CTT,” anh Phan Ni Tấn đã viết, “CTT là nhà thơ của trí tuệ.” Tôi đồng ý với nhận xét ấy, và xin giải thích rõ thêm:

Khi làm thơ, vị kỹ sư không quân mang danh Cung Thức Cần của chúng ta lấy bút hiệu là “Cung Trầm Tưởng.” Ở thế hệ trước, các nho gia, hoặc các nhà trí thức chịu ảnh hưởng của cựu học, coi trọng việc đặt tên tự, tên hiệu. Tên tự phải có ý nghĩa liên quan với tên chính, và phải “nói lên một điều gì” về tâm tư, hoài bão của người chọn tên ấy.

Chẳng hạn với danh nhân Nguyễn Công Trứ. Chữ “Trứ” (do cha mẹ đặt) có nghĩa là “sáng sủa, rực rỡ” (như trong “trứ danh”). Ông lấy tên tự “Tồn Chất,” có nghĩa: bảo tồn, giữ lấy phần thật, phần mộc mạc, sự chất phác …, để cho biết ông coi trọng phần đích thực hơn vẻ rực rỡ bên ngoài.

Gs. Dương Quảng Hàm lấy tên tự “Hải Lượng.” Chữ “hàm” có nghĩa “chứa đựng.” Tên tự do ông chọn có nghĩa “lượng của biển” hay “như biển.” Với tên tự, ông ngụ ý mong sẽ “chứa được một số lượng lớn” (có một kiến thức rộng, hay có tâm thật rộng).

Từ ngày xã hội VN đổi mới theo văn hóa Tây phương, nhiều bút hiệu (pen name/nom de plume) chỉ cần “đặt cho có,” không cần mang ý nghĩa quan trọng nữa. Nhiều nhà thơ, nhà văn chỉ dùng tên thật làm bút hiệu: Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ … Một số nhà thơ, nhà văn dùng địa danh ở quê, hay gần quê, làm bút hiệu: Tản Đà, Đông Hồ, Hà Thượng Nhân (người làng Hà Thượng, tỉnh Thanh Hóa). Một số người đảo một vài chữ cái trong cách viết tên thật để có bút hiệu: Nguyễn Thứ Lễ – Thế Lữ, Trần Khánh Giư – Khái Hưng. Có nhà văn nhân bút hiệu của vợ mà chọn bút hiệu cho mình. Nhà văn Đoàn Thế Nhơn, đã nhân bút hiệu của vợ là “Viễn Phố” mà lấy bút hiệu “Võ Phiến.” Nhưng CTT thì khác:

“Trầm” có nghĩa: 1) chìm xuống; 2) sâu kín (mạch trầm//mạch phù); 3) lặng lẽ, kín đáo. Chúng ta có những từ “trầm tĩnh, trầm lặng, trầm ngâm, trầm tư, trầm tư mặc tưởng.” “Mặc” là lặng lẽ. Mặc tưởng = suy tưởng một cách lặng lẽ.

Cung–Trầm–Tưởng = cung đàn, nhịp thơ của sự suy tưởng trong trầm tịch, lặng lẽ. Nhà thơ đã cho biết tác phẩm của ông được hoàn thành trong sự suy tưởng một cách trầm tĩnh (ngụ ý thận trọng, chín chắn, chứ không viết một cách cẩu thả, tắc trách).

Một nhà thơ tiền chiến đã viết:

Tôi là con chim đến từ núi lạ

Ngứa cổ hót chơi (Xuân Diệu)

Bạ kẻ nào đâu anh cũng mê

Chân theo xa với, trí theo kề (Xuân Diệu)

CTT không phải loại người sáng tác hoặc yêu ghét một cách dễ dãi, tùy tiện như thế.

Tôi đồng ý với nhận xét của phóng viên Mặc Lâm (đài RFA): Ngay cái tên của ông (Mặc Lâm muốn nói bút hiệu) cũng đã gây ấn tượng với nhiều người vì chất văn học rất đậm trong mỗi chữ: Cung—Trầm—Tưởng.

Sau giai đoạn làm thơ trữ tình ở tuổi 20-22, sang phần “Quá độ” (giai đoạn 1958-1975) ông gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc một nỗi buồn thấm thía trước những đau thương của đất nước giữa một cuộc chiến thảm khốc:

Năm 1962 ông viết: Đêm về thành phố tha ma

Giới nghiêm tiếng súng từ xa vọng về

Năm 1968: Mới đêm nao con vòi khóc với mẹ cha

Sớm hôm sau pháo rót chết cả nhà

Núi đứng câm, sông cũng không ngùi nước mắt.

Cũng năm 1968: Khi thấy mỗi chúng ta đang đánh mướn

Trận chiến phá quê hương, giết tình người.

Ngày sinh nhật năm 29 tuổi của ông (năm 1961), ông buồn:

Mưa rơi. Đêm lạnh. Sài Gòn.

Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi? (Bài “Đêm sinh nhật,” làm năm 1961).

Ít ai viết như thế trong ngày sinh của mình. Nhưng CTT đã viết. Ông là nhà thơ của “trầm tư mặc tưởng.”

Sau biến cố 1975, đất nước bị thống trị bởi một tập đoàn tham lam, độc đoán, và tàn ác, nhiều giá trị tốt lành của dân tộc bị chà đạp, đày ải, giam hãm, CTT khảng khái chỉ trích chế độ bạo ngược ấy. Những vần thơ bất bình, phẫn nộ của ông, mà ông gọi chung là “Tiếng khóc VN,” là kết quả của tình cảm tự nhiên, nhưng cũng của lý trí, suy tư, rất đáng được chúng ta đọc với lòng trân trọng.

Nhận xét thứ hai của tôi: CTT giàu tình cảm, nặng tình nghĩa, và có một tâm hồn đôn hậu.

Chúng ta đều biết ở tuổi 22-24 trên đất Pháp (những năm 1954-56), CTT có một người yêu “tóc vàng sợi nhỏ,” một “người em gác trọ” đã nhiều lần “sang anh gót nhỏ thầm thì.” Chúng ta cùng biết rằng những khi đợi ở công viên, khi nàng không đến (hay chưa kịp đến), ông rất buồn:

Mùa thu âm thầm

Bên vườn Lục Xâm

Ngồi quen ghế đá

Không em buốt giá từ tâm.

Nhưng năm 1957, khi về VN để nhận nhiệm vụ một sĩ quan kỹ sư của Không quân VN (ông học ở Pháp trong chương trình đào tạo kỹ sư của trường Võ Bị Không Quân Pháp), ông đã không đem người yêu ấy theo. Khi trở lại Paris sau gần nửa thế kỷ, ông nói với nhà biên khảo Thụy Khuê, “Càng sang Paris, tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người VN. Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn.” Ông cũng đã viết những câu như:

Non sông bóng mẹ sầu u

Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.

Không thể đem người yêu trời Âu về VN, hai người bắt buộc phải chia tay, ông bù đắp bằng cách để ra một tháng sống với nàng trên một căn gác sát nóc một cao ốc (sinh viên không có nhiều tiền), hết sức chiều ý nàng (“Bù em một tháng thiên đường”) trong khung cảnh gần sát với trời, “sao châm nghìn nến.” Ông viết nên hai bài thơ với những tình cảm chan chứa: “Kiếp sau,” và “Kiếp sau nữa.” Tôi xin đọc bài “Kiếp sau,” làm năm 1956:

Bù em một tháng trời gần

Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi

Bù em góp núi chung đồi

Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

Bù em phơi phới buồm thơ

Vẫn e trở gió ngược bờ sông thương

Bù em một tháng thiên đường

Sống với em thật hạnh phúc, nhưng:

Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

Non sông bóng mẹ sầu u

Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.

Cho nên phải về với đất nước, về với mẹ, và:

Thôi em xanh mắt bồ câu

Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.

(Sau này khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy đã đổi hai tiếng “bù em” sang “đền em”).

Bài “Kiếp sau nữa” làm năm 1957, cũng có ý tương tự. Tôi xin đọc vài câu:

Bù em một tháng tình gần

Trăng thêu gối mộng cũng ngần ấy thôi

Bù em gác vắt lưng trời (gác sát nóc một cao ốc)

Sao châm nghìn nến sáng rồi bơ vơ …

……….

Mẫu hình yểu điệu xin hầu kiếp sau.

Trong hoàn cảnh như thế mà nói lên những lời từ biệt đầy chân thành như thế, là cốt cách của những người không coi chữ tình là nhẹ.

Nhà văn Võ Ý cho biết trong một ngày lao động khổ sai, mọi tù nhân phải vượt qua một con suối nước chảy xiết với gánh nặng trên vai. Thấy nhà thơ CTT đang lóng ngóng bên bờ suối, một người bạn tù, Trung Tá Nguyễn Minh Công, bèn cõng bạn qua con suối ấy. Đó là đề tài để CTT làm bài thơ với những câu:

Cám ơn chim công/Cõng ta qua sông/Mấy mùa nước lũ/Lận đận mưa ròng/ …

Mấy năm ở rừng/Gặp toàn thú ác/Lòng ta tan tác/Những dòng lệ rưng/

Sau khi ra tù năm 1988, TrT NM Công mất năm 1989 ở Tân Định. Nhà thơ CTT có mặt trong tang lễ bạn. Bà quả phụ NM Công đã xin bài thơ (chép tay) của CTT để đặt trên bàn thờ chồng.

Trong cảnh bị đầy đọa, những vần thơ thương bạn đồng cảnh ngộ, nhắc tới tình nghĩa bạn bè rất đáng được trân quý. Cũng đặc biệt là những vần thơ ca ngợi cảnh “hồng nhan đa truân” trong cuộc sống phong trần của những nàng Tô thị “có chồng mà tưởng như chồng mất” sau cuộc đổi đời ngày 30-4-1975:

Phố ấy Đồng Đăng trùng điệp núi (Ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô thị …)

Đá mòn thành tượng của tình chung

Em đứng ôm con, bồng mưa nắng

Sắt son, dũng cảm đến Kỳ Cùng.

Trong bài “Đường vào thiên thu” để tặng người bạn đầu gối tay ấp, CTT có những câu:

Chín mùa thua thiệt đời em

Gian truân chuyện kể nghìn đêm chưa vừa

Đội nghìn nắng, gội nghìn mưa

Gương em tiết phụ thời xưa chờ chồng.

CTT tôn vinh các “tù phụ” VNCH như những vị nữ thần trong huyền sử:

Em về giữa lúc khuya sang

Mênh mông đức hạnh, dịu dàng ưu tư

Em đoan trang dáng hiền từ

Tóc rừng thu liễu rũ bờ vai thương

Em gồm chín cõi xanh dương

Lồng đôi mắt thẫm khôn lường vị tha

Em vào lấp lánh sương sa

Và mang ơn phước nguy nga từ trời

Mai sau ngủ gốc cây sồi

Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.

Chỉ có những người coi trọng tình nghĩa, tâm hồn thật đôn hậu, mới có thể viết về người bạn đời của mình, bạn đời của những người bạn cùng cảnh ngộ với mình, bằng những lời trân trọng như thế. Ông cho chúng ta đọc thêm những câu chan chứa tình cảm:

Nhớ em trông ngóng hằng đêm

Màn lay tưởng tóc, gối mềm tưởng da.

Khi một người hiền hòa, nhân hậu, và suy tư cẩn trọng như thế phải phẫn nộ, thì sự phẫn nộ ấy hẳn có lý do chính đáng.

CTT có 4 thi tập về những thảm họa xảy đến cho dân tộc VN sau ngày 30-4-1975: “Lời viết hai tay, Bài ca níu quan tài, Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định, Thi bá, con tắc kè và bà góa phụ.” Trong lời của ông, “Cả một miền Nam đã bị triền miên, chìm ngập trong một biển nước mắt.” Tôi xin đọc ít câu đặc sắc, tiêu biểu cho loạt thơ này:

–Trong bài “Bóng mẹ chiều thu” ông làm để “Kính dâng Mẹ” khi cụ bà lặn lội tới thăm ông trong trại giam của CS:

Mẹ gầy guộc đến thăm con hấp tấp

Quảy gánh về chiều sập ở non Tây

Mưa gió quất lưng tre cong phần phật

Bóng mẹ mờ lẩn quất giữa mù mây…

… Mưa gió quất lưng tre còng vất vả

Ông xúc động khi được tin thêm một người bạn tù ngã xuống:

Tội chúng kéo dài hận cách ly

Chia sông rẽ núi với phân kỳ

Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ

Chẳng một người về trăm chuyến đi

CTT phẫn nộ:

Hãy mài cho sắc lưỡi dao tông (dao to, lưỡi dài, mũi cong)

Hãy nung cho tới quắm tôi hồng (dao to, sống dày, chuôi bằng sắt rỗng liền với lưỡi, dùng để chặt, chẻ)

Thù nay góp gió, mai làm bão

Về xáp tăng thù hất chổng mông (hất đổ xe tăng).

Hãy chặt, chặt sâu, tông phắt phắt

Hãy phang, phang gắt, quắm ào ào

Mai về đạn nhảy ngay nòng súng

Trực chỉ đầu thù nổ thật mau.

Quả là những dòng phẫn nộ. Như đã trình bày trên, khi một người ở trình độ trí tuệ như thế, có những tình cảm như thế mà phải lên tiếng phẫn nộ, thì sự phẫn nộ ấy hẳn có lý do.

Trong bài “Biểu tượng,” ông nói lên tư cách của ông: “đứng thẳng và vững như cây vầu” (một loại tre cao lớn):

Lòng ta đứng vững như vầu

Thân ta lóng thẳng giữa bầu trời xanh

… Mỗi ngày vầu mỗi cứng ra

Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi

Vầu đanh như thép sáng ngời

Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay (Trại tù Cẩm Nhân, 1978)

Nhưng, nhà thơ CTT không dừng lại ở việc phẫn nộ và lên án. Sang tới Tập 6, “Mỗi dặm đường một nghìn vần cho thơ” và Tập 7, “Sáng ký về người tình đầu,” giọng thơ có lúc như reo vui: vạn vật được hồi sinh một cách mạnh mẽ sau trận đại hồng thủy:

Cỏ sống sót sau khốc tàn trận lụt

Đá trơn tru tí tách giọt sương ngời

Nắng hào cuồng thẳng góc ném ban mai

Đâm ngập lút đáy hồ chàm thẳm hút (= nắng ném mạnh ban mai xuống tận đáy hồ sâu thẳm)

Thế giới mới dựng lên từ róng thẳng

Lục thiết sồi, lim, sến, táu, đinh, sao (6 loại gỗ cứng, thẳng, được coi là “cứng như thép”)
Nhà hát thiên không gió trỗi khai mào

Giao hưởng lá nguy nga chào thế kỷ (= chào kỷ nguyên mới).

Sau đó cảnh vật lại vui tươi, đẹp đẽ, đầy sinh khí trở lại:

Vượn ríu rít gọi nhau chờ nắng tới

Trời ngoài từng bước ló dạng hừng đông

Khí ngào ngạt hương thơm, đời xởi lởi

Nức nô theo phơi phới ánh trời hồng.

Theo CTT, trong thế giới được tạo dựng lại ấy, các thi sĩ có vai trò quan trọng: đó là những người con của Trời, được Trời cho xuống thế, với nhiệm vụ. Thi sĩ CTT viết ở trang 605, và nhắc lại ở trang 644:

Sau trỗi trở thành thầm thì kinh kệ

Của con Trời giáng thế làm thi nhân.

(CTT có niềm tin vào một Đấng Tối Cao).

Theo CTT, các thi nhân “nghe” được tiếng của Trời:

Sự giáng thế một diệu kỳ sinh học

Một gien loài mẫn cảm nhất trần gian

Giống thi nhân nghe được tiếng nồng nàn

Trời nói với qua vi ba thủ thỉ.

Theo CTT, chúng ta nên nghe lời của các thi nhân, vì đó là những âm thanh các vị nghe được từ Trời.

Trong những điều thi nhân “nghe” được và truyền lại cho loài người, có ý niệm về độ lượng vô biên của Trời Đất:

Trời Đất chỉ biết cho

Nên Đất Trời bất tử (trang 582)

Trái Đất chỉ cho không nên bất tử (trang 603)

Trong thế giới được tạo dựng lại như thế, một văn hóa được hình thành: văn hóa biết ơn:

Hình thành một văn hóa

Của nghĩa đền ân trả.

(ông ngụ ý: đã có những giai đoạn trong đời sống con người, không có văn hóa ấy).

Kính thưa Quý vị,

Có một hiện tượng đáng chú ý trong văn học thế giới: những tác phẩm có giá trị lớn thường xuất hiện sau một cuộc chiến tranh bi thảm, đem lại rất nhiều tàn phá vào xã hội và đời sống con người:

–Sau cuộc chiến tranh chống sự xâm lăng của Napoléon, nước Nga có truyện Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace) của Leo Tolstoy.

–Sau cuộc nội chiến bi thảm giữa hai miền Nam & Bắc giữa thế kỷ 19, nước Mỹ có truyện Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell.

–Sau những xáo trộn, nhiễu nhương cuối thế kỷ 18 ở VN (với Lê Trịnh/Trịnh Nguyễn—Tây Sơn—Nguyễn), chúng ta có Nguyễn Du với Truyện Kiều và bài “Văn tế thập loại chúng sinh.” Trong Truyện Kiều, ND đã viết:

Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy …

và tới cuối truyện, khuyên mọi người giữ lấy chữ “tâm”:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ “tâm” kia mới bằng ba chữ “tài”

–Khi Pháp xâm lăng cuối thế kỷ 19, miền Nam VN bị cắt nhường cho Pháp, dân miền Nam có Nguyễn Đình Chiểu (với Lục Vân Tiên, Ngư Tiều Vấn Đáp):

Thiên hạ xôn xao cuộc đảo huyền (= bị treo ngược)

Đau lòng ngồi viết Lục Vân Tiên

Hiếu trung xin giữ cho bền chặt

Tiết hạnh trau sao được vẹn tuyền…

Nguyễn Đình Chiểu đã viết truyện Lục Vân Tiên để khuyên:

Trai thời TRUNG HIẾU làm đầu

Gái thời TIẾT HẠNH…

Với cơn đại hồng thủy đang dìm ngập dân tộc VN, chúng ta có Cung Trầm Tưởng. Theo nhà văn Võ Ý, người tù nào cũng nhận thấy thơ tù CTT mang hơi thở và ước vọng của chính họ, nên họ đã yêu mến, bảo vệ nhà thơ. Ở trong tù, giấy bút bị cấm. Nhiều khi thơ được làm trong cảnh hai tay bị còng, hai chân bị cùm, người tù lấy đầu viết hộ đôi tay trong còng. Những người bạn tù đã cố gắng nhớ thơ của ông, rồi giúp đem ra ngoài, nên thơ của ông mới có thể được phổ biến, rồi in ra cho chúng ta đọc. Ước mong của CTT cũng là ước mong của tất cả chúng ta: trận đại hồng thủy ở quê hương sẽ sớm chấm dứt để mọi vật mạnh mẽ hồi sinh. Về thơ CTT, 15 phút quả không nói được nhiều. Vì thời giờ giới hạn, tôi xin được kết thúc bằng câu: “Ở tuổi thanh niên, CTT làm thơ cho mình. Sau khi đã từng trải, chịu chung những bất hạnh, ông làm thơ cho cuộc sống chung quanh. Vì những lẽ ấy, ông được coi là thi sĩ của tất cả chúng ta, được rất nhiều người trong chúng ta cảm kích và quý mến.”