PHƯỚC AN THƯƠNG HỘI

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

Phước An Thương Hội là một công ty kinh doanh hai dịch vụ buôn bán và vận tải, tại tỉnh Bình Định, nhằm mục đích kiếm tiền lời trợ giúp du học sinh của tỉnh nhà ăn học thành tài.

Thành phần tham gia công ty gồm các vị túc nho từ Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân, Tú tài, Hàn lâm của hai phủ Tuy Phước và An Nhơn. Vì vậy, ghép hai địa danh là Phước An, đặt tên cho thương hội.

1 – Cách tổ chức:

– Người sáng lập Phước An Thương Hội là Phó bảng Đào Phan Duân ở làng Biểu Chánh, tổng Quảng Nghiệp [1], phủ Tuy Phước; nay thôn Biểu Chánh thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, làm cố vấn thường trực.

– Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, người làng Hòa Cư, tổng An Ngãi [2], phủ An Nhơn; nay thôn Hòa Cư thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, được mời làm cố vấn danh dự.

– Hội trưởng Thương hội, kiêm Thủ quỹ là Cử nhân Lê Doãn Sằn, người làng An Cửu, tổng Quảng Nghiệp, phủ Tuy Phước; nay An Cửu thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, đặc trách về thương mại.

– Hội phó Thương hội là Tú tài Trần Trọng Giải, người làng Cảnh Vân, tổng Dương An [3], phủ Tuy Phước; nay thôn Cảnh Vân thuộc xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, đặc trách về vận tải.

– Tổng thư ký là Hàn lâm viện Biên tu Mạc Như Tòng ở Qui Nhơn.

– Đại diện Ban Kiểm sát có Tú tài Thái Lập Kính, người làng Phụ Ngọc, tổng Nhơn Ngãi [4]; nay thôn Phụ Ngọc thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn.

– Đại diện Ban Hội viên có Cử nhân Đào Trọng Tập (陶 仲 緝), còn gọi là Trấp, người làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân [5]; nay là thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.

– Hội viên Cổ đông có chừng 50 người, chẳng hạn như: Tú tài Lâm Thúc Mậu ở thôn Nhơn Ngãi, tổng Nhơn Ngãi; nay thôn này thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn; Tú tài Đặng Cao Hối ở làng Kỳ Sơn, nay thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước; Thừa phái Đào Hy Trúc ở làng Biểu Chánh, nay thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước; cụ Nghè Đào Thiên, người làng Biểu Chánh; cụ Nghè Năm tức Lê Tử Phụng, người làng Biểu Chánh.

– Ban kế toán, không phải là hội viên, làm việc trả lương, gồm: Lâm Thanh Cẩn ở làng Kim Trì, nay thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước và Nguyễn Ngọc Cẩn.

– Nhân viên văn phòng và người giúp việc gồm: Ông Mười Hàm, thư ký phụ; Trợ giáo Phan Bá Hân (cháu cụ Biểu Xuyên Đào Phan Duân) giúp việc văn phòng; Hương bộ Cửu phẩm Võ Bá Kế ở thôn Quảng Nghiệp, tổng Quảng Nghiệp, phủ Tuy Phước, nay thôn này thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, làm tùy phái; Lê Tử Cán ở Biểu Chánh, tài xế xe thơ.

PhướcAnThươngHội_KẻSĩĐấtThangMộc_600DPI

H 7: Phước An Thương Hội, Ban Điều Hành và Ban Cổ Đông [6].

(Ảnh: “Kẻ Sĩ Đất Thang Mộc,” Vũ Ngọc Liễn)

2 – Hoạt động kinh doanh:

Ngành thương mại đặt cơ sở ở đường Jules Ferry nay là đường Phan Bội Châu, ngả tư gặp Mai Xuân Thưởng, tính từ Tây sang Đông thì cơ sở nằm ở góc trái dưới. Sau cơ sở dời về đường Gia Long, nay là Trần Hưng Đạo. Tính từ Tây sang Đông, cơ sở nằm bên trái, khoảng dưới nhà lầu Việt Cường và trên bến xe cũ. Cơ sở chuyên kinh doanh nước mắm Gò Bồi và bán đồ sắt.

Ngành giao thông vận tải bỏ vốn ra mua hai chiếc xe đò, chở khách trên tuyến đường Qui Nhơn – Pleiku. Mỗi ngày có một chuyến đi từ Qui Nhơn đến Pleiku và một chuyến ngược lại. Xe đò còn lãnh trách nhiệm chuyển thơ của Bưu điện nên được trợ giúp của nhà nước 30%.

3 – Khai trương và phá sản:

Thời điểm sinh hoạt khoảng đầu thập niên 1930, sau 1 năm kết toán sổ sách, ngành buôn bán của Phước An Thương Hội lỗ 10.000 đồng bạc Đông Dương (thời giá 1 vuông lúa 12 thưng, cân nặng 25 kg, là 6 hào tức 60 xu); ngành giao thông vận tải lời 1.000 đồng. Như thế thương hội lỗ 9.000 đồng và số cổ đông hoàn toàn mất trắng.

Trước tình thế phá sản của Hội Phước An, Cử nhân Lê Doãn Sằn với tư cách Hội trưởng, đặc trách về thương mại, tự nhận trách nhiệm và xuất tiền nhà để trả nợ. Nhưng với tinh thần sĩ khí, Hội phó Trần Trọng Giải mặc dù đã làm lợi cho ngành giao thông vận tải 1000 đồng, vẫn chịu đứng ra gánh vác cho vị Hội trưởng 1/3 số tiền lỗ. Do đó cụ Cử Sằn nhận trả 6000 đồng và cụ Tú Giải trả 3000 đồng. Cả hai đều phải bán sạch ruộng nhà mới trả xong nợ, hầu bảo toàn phẩm giá của sĩ phu Bình Định.

Cụ Tú Giải có làm bài thơ thủ vĩ ngâm, rất thời sự, nói lên sự làm ăn thua lỗ của hội. Nhà Nho không quen với việc kinh doanh, bị viên kế toán, nhân viên bán hàng và người giữ sổ sách dùng ngón xảo quyệt rút hết tiền vốn lẫn lời của hội. Bài thơ “Phước An Thương Hội” do ông Trần Bùi Thao, thứ nam của cụ Tú Giải cung cấp:

Cổ đông ai có biết cho chăng ?

Buôn bán như vầy hiếm có ăn

Xảo quyệt đã kinh vài chú Cẩn [7]

Vụng về lại gặp một ông Sằn [8]

Kềnh [9] hay lên xuống la tam tổ [10]

Đẹt [11] cứ đi về nói bá nhăng

Sổ sách giao cho anh Mũi nhọn [12]

Cổ đông ai có biết cho chăng!

04_PhướcAnThươngHội_Bậc5

H 8: Phước An Thương Hội [13].

Ảnh chụp khoảng đầu thập niên 1930.

Thế mới biết nhà Nho rất sáng về văn chương sử sách, có thừa tiết tháo, nhưng vào lãnh vực thương trường cả đám Tiến, Phó, Cử, Tú có mắt cũng như mờ !

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

(Trích Sắc Hương Quê Nhà,

Tập biên khảo của Tác giả).

GHI CHÚ

[1] Tổng Quảng Nghiệp: Theo Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứ Địa Bạ Triều Nguyễn Bình Định, Quyển 1 (Sài Gòn, nxb TP/HCM,1996); trang 128 – 130:

– Năm 1832, thành lập huyện Tuy Phước, lệ vào phủ An Nhơn, huyện này coi 3 tổng, với 146 thôn và 1 trang, gồm: tổng Vân Dương (51 thôn và 1 trang), tổng Thời Tú (42 thôn), tổng Tuy Hà (53 thôn).

– Năm 1906, huyện Tuy Phước được nâng lên thành phủ Tuy Phước, không còn lệ vào An Nhơn nữa, và chia làm 4 tổng, với 146 thôn, gồm: tổng Dương Xuân (39 thôn), tổng Quảng Nghiệp (29 thôn), tổng Nhơn Ân (35 thôn, lấy từ tổng Thời Tú cũ), tổng Dương An (43 thôn).

– Sau đó, lấy 8 thôn của phủ Tuy Phước đem sáp nhập vào phủ An Nhơn, gồm các thôn: An Lộc, Huỳnh Kim, Trung Ái (từ tổng Nhơn Ân) và Dương Xuân, Lộc Thuận, Thái Xuân, Tịnh Bình, Tịnh Hòa (từ tổng Dương Xuân). Đồng thời tổng Dương Xuân cải danh là tổng Thiều Quang.

[2] Tổng An Ngãi: Theo Bùi Văn Lăng; Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, In lần thứ nhì (Imprimerie de Quinhon, 1935); trang 21: Khoảng năm 1930, phủ An Nhơn có 4 tổng và 108 thôn, gồm: tổng Mỹ Đức có 19 thôn, tổng Nhơn Ngãi có 28 thôn, tổng Háo Đức có 35, tổng An Ngãi có 26 thôn.

[3] Tổng Dương An: xem Ghi chú 1.

[4] Tổng Nhơn Ngãi: xem Ghi chú 2.

[5] Tổng Nhơn Ân: xem Ghi chú 1.

[6] Ảnh chụp quý vị tham gia Phước An Thương Hội; tính từ trái sang phải, hàng trước có: 1/Tú tài Đặng Cao Hối, 2/Cử nhân Lê Doãn Sằn, 3/không rõ, 4/Cử nhân Đào Trọng Trấp, 5/Phó bảng Đào Phan Duân (áo dài trắng), 6/Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (cầm quạt), Tú tài Lâm Thúc Mậu.

[7] Chú Cẩn: hai kế toán là Lâm Thanh Cẩn và Nguyễn Ngọc Cẩn.

[8] Ông Sằn: cụ Cử Sằn, Hội trưởng đặc trách thương mại.

[9] Kềnh: chỉ cho Phó bảng Đào Phan Duân, Cố vấn sáng lập.

[10] Tam tổ: la lối lung tung, không nắm vững vấn đề.

[11] Đẹt: chỉ cho cụ Tú Kính, Ban kiểm sát.

[12] Mũi nhọn: chỉ cho Biên tu Tòng, Tổng thư ký.

[13] Ảnh Phước An Thương Hội chụp khoảng đầu thập niên 1930, lưu trử tại tư gia Trần Bùi Thao.

Danh sách những người có mặt, từ trái qua phải:

a/ Hàng đầu (ngồi):

– Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, Cố vấn Danh dự, người làng Hòa Cư, phủ An Nhơn.

– Phó bảng Đào Phan Duân, Hiệp tá Đại học sĩ, Cố vấn thường trực, ở thôn Biểu Chánh, phủ Tuy Phước.

b/ Hàng sau (đứng):

1/ Tú tài Lâm Thúc Mậu, Hội viên, người thôn Nhơn Ngãi, phủ An Nhơn.

2/ Tú tài Trần Trọng Giải, Hàn lâm Đãi chiếu, Phó Hội trưởng, ở thôn Cảnh Vân, phủ Tuy Phước.

3/ Tú tài Đặng Cao Hối, Nghị viên Trung Kỳ, Hội viên, quán làng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước.

4/ Tú tài Thái Lập Kính, Hội viên, người làng Phụ Ngọc, phủ An Nhơn.

5/ Ông Lâm Thanh cẩn, Thư ký, ở thôn Kim Trì, phủ Tuy Phước; tên thường gọi là ông Năm Xuân,

6/ Cử nhân Lê Doãn Sằn, Chánh Hội trưởng kiêm Thủ quỹ, người làng An Cửu, Tuy Phước.

7/ Thừa phái Đào Hy Trúc (con cụ Đào Phan Duân), Hội viên, ở thôn Biểu Chánh, phủ Tuy Phước.

8/ Ông Nghè Đào Thiên, Hội viên, người làng Biểu Chánh, phủ Tuy Phước.

9/ Ông Nghè Năm Lê Tử Phụng, Hội viên, ở thôn Biểu Chánh, phủ Tuy Phước.

10/ Biên tu Mạc Như Tòng, Tổng Thư ký, ở đường Gia Long, Qui Nhơn.