KHI CÀNH THIÊN HƯƠNG

THOẮT GÃY

Đàm Trung Pháp

(2001, bổ sung 2019)

Nguồn hình minh họa: The Internet

Người đẹp bất thần chết trẻ thường là nguyên nhân của những câu thơ âu sầu tiếc nuối dễ làm mủi lòng người đọc, trong đó có tôi từ lâu. Nào là “Có người khách ở viễn phương / Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi / Thuyền tình vừa ghé tới nơi / Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ” mà thi bá Nguyễn Du viết về người kỹ nữ bạc mệnh Đạm Tiên trong Truyện Kiều. Nào là “Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết”[1] là câu thơ nát lòng mà (tương truyền) lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi dùng để kết thúc bài văn tế một công chúa Tàu chết trẻ, khi sống thì diễm kiều như “một áng mây trên trời, một bông tuyết trong lò than, một đóa hoa trong vườn thượng uyển, một vầng trăng trong hồ nước.” Và nào là “Thượng đế hỡi, vết thương này rướm máu đã quá lâu / Trong hồn tôi nỗi xót xa mỗi lúc chỉ thêm sâu / Và trái tim tôi chịu thua, nhưng chưa hề cam phận” [2] là lời than thân của thi hào Victor Hugo với Thượng Đế về cái chết bi thảm trong dòng sông Seine của cô con gái rượu Léopoldine mới 19 tuổi đời.

Mới đây thôi (2001), tôi đã gặp một tình cảnh tương tự đầy nuối tiếc trong một tuyệt tác thi ca của Ludwig Uhland (1787-1862). Nhân tài này cùng lúc là một học giả, một giáo sư văn chương cổ điển, và một tác giả của nhiều thi phẩm bất hủ trong văn học Đức Quốc. Thi tập Vaterlaendische Gedichte (Thi ca quê cha) xuất bản lần đầu vào năm 1815 của Ludwig Uhland được tái bản hơn 50 lần trong khi ông còn tại thế. Từ thi tập lẫy lừng đó, nhiều bài thơ trong sáng, êm ả, đằm thắm tình người cũng đã trở thành những bài dân ca được yêu mến. Der Wirtin Toechterlein (Con gái nhỏ bà chủ quán) sáng tác năm 1808 là một châu ngọc trong thi tập nói trên. Là tổng hợp của một thi pháp giản dị, trong sáng nhiều nhạc tính, một từ vựng phổ thông, một cốt chuyện đơn sơ, và sự việc xảy ra liên tiếp của ngạc nhiên, bàng hoàng, khổ đau và tiếc nuối, bài thơ ấy (cũng là một bài dân ca) làm người đọc hoặc người nghe xúc động và thương cảm từ đầu đến cuối.

Bài thơ bắt đầu với ba chàng trai trẻ còn độc thân, áo quần bảnh bao, lòng vui như đi trẩy hội, cùng nhau đến thăm một bà chủ quán họ đã quen thân từ lâu, ở tận bên kia bờ sông Rhein. Câu hỏi quen thuộc họ dành cho bà chủ quán khi vừa tới nơi là về rượu ngon và về cô con gái nhỏ xinh đẹp của bà. Nhưng lần này câu trả lời của bà làm ba chàng trai choáng váng: rượu ngon thì bà còn, nhưng cô con gái yêu thương của bà thì đang an nghỉ trong một quan tài! Rụng rời tay chân, họ theo bà vào trong nhà để thăm cô lần chót … Mời quý bạn đọc bài thơ đó do tôi chuyển sang Việt ngữ dưới đây – song song với bài thơ nguyên thủy bằng Đức ngữ – và đặc biệt lưu ý đến cử chỉ trước quan tài và lời nói vĩnh biệt lần lượt của ba chàng trai dành cho cô gái xinh đẹp vừa mới “thoắt gãy cành thiên hương”:

Ba chàng trai trẻ vượt sông Rhein,

Es zogen drei Bursche wohl ueber den Rhein,

Đến ghé thăm một bà chủ quán

Bei einer Frau Wirtin, da kehrten sie ein:

“Bà chủ còn rượu ngon chắc hẳn?

“Frau Wirtin, hat Sie gut Bier und Wein?

Ái nữ yêu kiều của bà đâu?”

Wo hat Sie Ihr schoenes Toechterlein?”

* * *

“Rượu tôi còn, vẫn mới và trong,

“Mein Bier und Wein ist frisch und klar,

Con nằm yên trên chiếc xe đòn.”

Mein Toechterlein liegt auf der Totenbahr.”

Và khi họ bước vô phòng lớn,

Und als sie traten zur Kammer hinein,

Thấy cô nằm trong chiếc hòm đen.

Da lag sie in einem schwarzen Schrein.

* * *

Chàng thứ nhất lật tấm khăn che mặt

Der erste, der schlug den Schleier zurueck

Ngắm nhìn nàng qua tia mắt khổ đau:

Und schaute sie an mit traurigen Blick:

“Em đẹp xinh ơi, nếu em còn sống!

“Ach, lebtest du noch, du schoene Maid!

Anh sẽ yêu em mãi mãi chẳng ngừng.”

Ich wuerde dich lieben von dieser Zeit.”

   * * *

Chàng thứ hai đậy tấm khăn che mặt

Der zweite deckte den Schleier zu

Rồi quay lưng, cho lã chã lệ rơi:

Und kehrte sich ab und weinte dazu:

“Hỡi em yêu nằm trong quan tài tối!

“Ach, dass du liegst auf den Totenbahr!

Anh trót yêu em đã mấy năm rồi.

Ich hab’ dich geliebet so manches Jahr.”

* * *

Chàng thứ ba bước tới lật khăn lên

Der dritte hub ihn wieder sogleich

Hôn miệng nàng đã ngả mầu trắng bệch:

Und küsste sie an den Mund so bleich:

“Anh đã yêu, vẫn yêu em hôm nay

“Dich liebt’ ich immer, dich lieb’ ich noch heut

Và sẽ còn yêu em đến muôn đời.

“Und werde dich lieben in Ewigkeit.”

 

Mỗi lần đọc lại bài thơ, tôi đều thấy xao xuyến trong lòng, cay cay khóe mắt, và chia xẻ nỗi tiếc thương – và tuyệt vọng – của ba chàng trai trẻ cùng “thầm yêu trộm nhớ” cô gái nhưng chưa kịp tỏ tình với nàng. Nụ hôn vào miệng nàng đã đổi mầu của chàng trai thứ ba – với lời hứa sẽ tiếp tục yêu cô đến muôn đời – để kết thúc bài thơ là một tuyệt chiêu bất ngờ. Chắc hẳn vô số độc giả khác cũng có phản ứng tương tự. Chẳng thế thì làm sao Der Wirtin Toechterlein đang từ là một bài thơ (Gedicht) đã thăng hoa thành một bài dân ca (Ballade) phổ cập trong dân gian nước Đức có tác dụng đi thẳng vào tâm tư người nghe và ở lại trong đó dài lâu ? 

= = =  = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = 

[1] Nguyên tác: “Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết” (噫 雲 散 雪 消 华 残 月 缺).

[2] Nguyên tác: “Ô, mon Dieu, cette plaie a si longtemps saigné / L’angoisse dans mon âme est toujours la plus forte / Et mon coeur est soumis, mais il n’est pas résigné.”