ÐỜI ÐI DẠY: BƯỚC ĐẦU BỠ NGỠ

Ðàm Trung Phán

Ngay sau khi tôi đi khám bệnh và làm các thủ tục giấy tờ xong, tôi đi làm liền vì theo lời ông Trưởng Phòng trường Công Chánh (Civil Technology Department Chairman) “mình muộn rồi đấy, anh bạn trẻ à!”

Tôi thức dậy thật sớm để đi làm chả là vì từ cái “basement apartment” của chúng tôi, tôi phải đi bộ ra trạm cuối của xe bus cũng mất 10 phút. Ngồi trên xe bus mất 15 phút mới tới trạm xe điện ngầm (subway station). Ði xe điện ngầm từ Bắc xuống Nam đến khu đổi xe điện ngầm mất 10 phút rồi đổi xe điện ngầm đi về hướng Ðông mất chừng 15 phút nữa. Ra khỏi xe điện ngầm, tôi lại phải lấy xe bus mất chừng 5 phút mới tới cái “campus” (khuôn viên) của nhà trường. Vị chi là gần 1 tiếng đi trên xe bus và xe điện ngầm, chưa kể thì giờ đứng đợi 2 lần xe bus và 2 lần xe điện ngầm. “Chính phủ tại gia“ (“spousal government”) và tôi đồng lòng “ký hiệp ước” để hai chúng tôi dọn nhà đến gần nhà trường tôi hơn và cũng rất tiện cho “chính phủ” đi làm việc.

“Nhà mới” mà chúng tôi thuê là một “apartment” ở tận trên lầu cao nhất (penhouse) của một cao ốc (building) vừa mới xây xong. Từ cái trung cư (complex) của chúng tôi, chúng tôi có thể đi bộ trong một cái cầu có mái (catwalk) để đi thẳng vào trạm xe điện ngầm mà không sợ mưa hay bão tuyết hành hạ. Từ cái “nhà mới” này, tôi đi “subway” mất có 5 phút và thêm 5 phút đi xe bus là tôi tới trường rồi. Về phần “chính phủ” thì T. chỉ mất chừng nửa tiếng đồng hồ ngồi trên subway và xe điện (street car) là tới sở làm tại ngay trung tâm (downtown) của thành phố Toronto. Cái “apartment” còn mới nguyên xi và cái “building” này còn rất bụi bậm và ồn ào vì họ đang xây thêm hai cái “buildings” nữa trong cái chung cư này. Ðứng trên ban công (balcony) của “apartment”, chúng tôi có thể nhìn thấy một phần nào của thành phố Toronto một cách khá nên thơ, nhất là vào ban đêm khi ánh điện giăng đèn. Chuyện “nhà cửa” và công ăn việc làm của đôi uyên ương kể như là đã tạm yên ổn sau khi chúng tôi lấy nhau được một năm rưỡi.

Tôi thích đi bộ hay đi xe đạp đi tới trường nhưng mà “cuốc bộ” từ trường về nhà sau giờ làm việc thì thật là “bá thở” nên tôi mua ngay một cái xe đạp có thể gấp lại được (folding bicycle) rất tiện lợi cho tôi trong việc di chuyển và cất xe trong “apartment” cũng như tại trường. Mỗi buổi sáng sớm, tôi ăn sáng thật no và đạp xe tới trường: xe lên dốc trên đường tới trường và ban sáng chừng khoảng mười giờ rưỡi là tôi thấy đói bụng rồi, vừa đúng lúc “coffee break”! Buổi chiều tối, trên đường về nhà, tôi cứ việc thả dốc mà đi về, thật là tiện cho tôi vì lúc này tôi không còn sung sức như ban sáng nữa.

Sáng hôm đầu tiên, tôi đến trường rất sớm và chưa có ai đến đến hết. Tôi mở cửa Phòng Thí Nghiệm Vật Liệu Xây Cất (Construction Materials Testing Laboratory), tôi không còn thấy “hoa cả mắt” nữa vì lần đầu tiên khi giáo sư Tom Level và George Sen dẫn tôi tới phòng này, tôi đã thấy các dụng cụ nằm ngổn ngang trên các bàn thực tập của sinh viên (work bench), trên sàn nhà và trên cái “bàn giấy tương lai” của tôi. Thú thực là lần đó, tôi cảm thấy rất thất vọng vì tại sao lại có thể bừa bộn như vậy được? Mãi về sau, khi tôi đã “quen nước, quen cái”, tôi mới biết rằng vị giáo sư phụ trách phòng thí nghiệm này đã có nhiều xích mích trầm trọng với Ông Trưởng Phòng và ông ta xin được việc tại một College khác nên đã “chơi đòn” (sabotage) ông McKnight “cho bõ ghét”. Khổ nỗi người “bị ăn đòn” đau điếng là tôi chứ không phải là ông Trưởng Phòng McKnight vì ông giáo sư kia đã dấu hết các tài liệu chỉ dẫn cách sử dụng các dụng cụ (Instruction manuals). Ngoài ra nhiều dụng cụ, đồ đạc bị mất vài bộ phận nhỏ. Ðúng là số tôi bị “chó cắn áo rách” vì tôi đã có quá ít thì giờ để làm việc mà còn phải mò mẫm mãi để đoán thử cách sử dụng các dụng cụ sau khi đã “mò” ra được các bộ phận thiếu sót từ trong các hộc tủ (drawers), trong các tủ có ngăn khóa (locked cabinets). Cũng may cho tôi là trong cái “campus” này của chúng tôi còn có trường Cơ Khí (Mechanical Technology Department) với cái nhà máy (shop) đầy đủ các dụng cụ, vật liệu, đồ phụ tùng …nên tôi đã nhờ anh chàng chuyên viên cán sự (technician) giúp tôi trong việc sửa chữa dụng cụ. Hú hồn, thật là may mắn cho tôi được “quái nhân phò trợ” nên tôi đã có thể sửa chữa các dụng cụ trong một thời gian kỷ lục.

Trường Công Chánh của chúng tôi (Civil Engineering Technology Department) không nằm trong cái “building” của Warden Campus -một trong 2 “campus” của Centennial College – mà lại ở “riêng một góc trời”! Văn phòng của Ban Giảng Huấn chúng tôi là một “portable office” (căn phòng có thể di chuyển được vì không có nền móng cố định như của một căn nhà hay một building thực sự). Riêng tôi, tôi có 2 văn phòng: một cái chung với các giáo sư và một văn phòng ở ngay trong Phòng Thí Nghiệm Vật Liệu Xây Cất. Phòng thí nghiệm này và phòng Thực Tập Vẽ (Drafting Room) của sinh viên nằm trong một căn nhà gạch một tầng, tách rời khỏi “building” của “campus” và nằm ngay bên cạnh Văn Phòng “portable” của chúng tôi trong một khu đất dành riêng cho Trường Công Chánh. Ngoài ra “department” của chúng tôi còn có Phòng Thí Nghiệm về Thủy Ðộng Học (Hydraulics and Hydrology Laboratory), Phòng Thí Nghiệm về Cơ Học Ứng Dụng (Applied Mechanics Laboratory), phòng chứa dụng cụ về Ðịa Chánh (Field Survey Storage Area). Mỗi phòng thí nghiệm này nằm riêng trong 2 “lab portables” khác nhau.

So với các phòng nghiệm của Trường Công Chánh, Phòng Thí Nghiệm thử Vật Liệu Xây Cất (Construction Materials Testing Lab) lắm dụng cụ nhất và hay được dùng nhất trong cả hai học kỳ Mùa Thu và Mùa Ðông (Fall and Winter semesters) cho nên ông McKnight đã chấp thuận cho tôi “ở lì” trong phòng thí nghiệm này với một đường giây điện thoại riêng biệt cho tôi nữa.

Tôi chỉ có được 2 tuần lễ làm việc để trước khi nhà trường bắt đầu khóa học Mùa Thu năm 1970 và trước mắt tôi, tôi chỉ thấy hết việc này đến việc khác phải làm xong trước cái “deadline” cắc ké này đó là chưa kể cái mối lo sợ nhất của tôi: tôi chưa hề dậy học lần nào mà tôi lại là một người da vàng gầy nhom, mặt còn non choẹt trong một lớp học da trắng to con mà học trò tuổi từ 18 trở lên, có người còn hơn 30 tuổi và nghịch như quỷ sứ! Việc đầu tiên là tôi phải xếp đặt và dọn dẹp tất cả các dụng cụ đang nằm ngổn ngang trong phòng thí nghiệm này. Cái khó khăn nhất là tôi phải biết được các bộ phận (parts) nào đi với các dụng cụ (equipments) nào. Tôi phải cố gắng kiên nhẫn quan sát từng thứ một trong khi đó tôi phải định kế hoạch làm sao cho tôi có đủ thì giờ dàn xếp công việc để tôi có thể chỉ dẫn cho sinh viên trong phòng thí nghiệm này ngay trong ngày tựu trường của niên khóa Mùa Thu năm đó. Trong những ngày tháng này, lúc nào tôi cũng phải lo lắng và nhiều lúc tôi thấy xốn xang trong dạ dầy!

Ðến xế trưa, ông Trưởng Phòng John McKnight đến gặp tôi trong Phòng Thí Nghiệm:

  • Chào anh bạn trẻ! (Hi, young fellow!) Anh thấy cái phòng thí nghiệm này ra sao?
  • Thưa Ông, chắc tôi cần rất nhiều thì giờ để “vật lộn” với nó quá vì dụng cụ thì mỗi thứ một nơi và nhiều dụng cụ mất ốc, mất lò so và các bộ phận nho nhỏ. Tôi phải tạm thời dẹp chúng vào một bên để có chỗ làm việc cái đã.

Ông chậm rãi hút píp thuốc lá (tobaco pipe), lâu lâu lại đánh diêm châm cái píp và dùng cái píp gãi râu mép và thong thả nói với tôi:

  • Tôi biết là anh sẽ vất vả với các phòng thí nghiệm này lắm nhưng thôi, mời anh lên phòng tôi, phòng 1098, lúc 1 giờ chiều hôm nay để tôi giới thiệu anh với tất cả các giáo sư và bà thư ký của Trường Công Chánh. Chúng ta sẽ họp để phân chia công việc. Gặp anh sau, OK?

Ông Trưởng Phòng lúc này cũng đã gần 60 tuổi và tôi mới 28 tuổi. Con trai duy nhất của ông cũng cỡ tuổi tôi nên ông hay gọi tôi bằng “young fellow” là vì vậỵ. Ông học xong bằng Cao Học Kỹ Sư Công Chánh (Master of Applied Science in Civil Engineering) tại Ðại Học Toronto chuyên môn về Structure (bộ môn tính toán và kiến tạo các bản vẽ trong ngành Công Chánh) trước khi tôi sinh ra đời. Ông đã từng là Kỹ Sư Trưởng về Structure (Structural Chief Engineer) tại Canada, Hoa Kỳ và Brazil.

Năm 1965 khi chính phủ tỉnh bang Ontario thiết lập 22 trường Cao Ðẳng (Community Colleges, còn được gọi là Colleges of Applied Arts and Technology), chính phủ bắt đầu tuyển lựa các Viện Trưởng (College Presidents) cho các trường Cao Ðẳng. Các vị viện trưởng này là những người đã từng có kinh nghiệm dậy tại Ðại Học, kinh nghiệm đi làm trong các hệ thống chính phủ hay công/tư sở, phải có tài tổ chức hệ thống hành chánh cho nhà trường và phải quen biết lớn trong xã hội để dễ bề móc nối (lobby) và những mong lấy thêm được phần tài trợ ngoài phần tài trợ của chính phủ cho hàng năm.

Vị Viện Trưởng đầu tiên của trường Centennial College khi tôi bắt đầu làm việc là ông John Harr. Ông Harr là người bổ nhiệm ông Khoa Trưởng đầu tiên của Phân Khoa Kỹ Thuật Frank Pounsett sau khi ông Pounsett đã được “lọt sàng” trong việc tuyển chọn của “Uỷ Ban Tuyển Chọn Khoa Trưởng Phân Khoa Kỹ Thuật”. Ông Frank Pounsett còn “già” hơn ông McKnight nữa: ông học xong Cao Học ngành Kỹ Sư Ðiện tại Ðại Học Toronto năm 1934. Ông đã từng làm Vice President của hãng Phillips of Canada trước khi ông trở thành vị Khoa Trưởng đầu tiên của Phân Khoa Kỹ Thuật (School of Engineering Technology).

Chính Phủ tỉnh bang Ontario (Ontario Provincial Government) thiết lập các trường Cao Ðẳng với mục đích chính là để đào tạo các chuyên viên có ngành nghề rõ rệt trong các phân khoa thương mại, kỹ thuật, truyền thông, y tế, mỹ nghệ, giao thông … và sau khi các sinh viên này đã ra trường, họ có “tay nghề vững chắc” và sẵn sàng làm việc ngay. Các giáo sư dậy Cao Ðẳng phải là những chuyên gia vừa có bằng cấp lại vừa có kinh nghiệm thực tiễn liên quan tới ngành họ dậy. Nhiệm vụ chính của họ là dậy học chứ không phải là làm nghiên cứu (research work) như các Giáo Sư Ðại Học. Vì những lẽ đó mà ngay từ năm 1965, khi hệ thống các trường cao đẳng được thành lập tại tỉnh bang Ontario (có 22 trường Cao Ðẳng cả thẩy), các viên chức quan trọng của mỗi College được tuyển lựa theo một quy luật chặt chẽ và rất là tỉ mỉ.

Khi tôi bắt đầu làm việc vào tháng 8 năm 1970 thì ông Pounsett đã về hưu nhưng ông vẫn còn tiếp tục làm việc với nhà trường trong chức vụ của một Cố Vấn (Consultant). Chính ông Khoa Trưởng đã phỏng vấn và bổ nhiệm ông Trưởng Phòng Công Chánh John McKnight vào năm 1966. Ông John McKnight có nhiệm vụ tuyển lựa các giáo sư và nhân viên cho Trường Công Chánh.

Các giáo sư đầu tiên của Trường Công Chánh chúng tôi gồm có (xin tạm không dùng tên thật):

  • Ông Tom Level chuyên dậy các môn về Ðịa Chánh. Ông là một Ontario Land Surveyor (Ðịa Chánh gia chuyên nghiệp, có cái triện nổi để đóng dấu trên các bản vẽ Surveying Drawings). Ông đã từng có công ty riêng với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
  • Ông Don Pike chuyên dậy các môn về Ðường xá, Vật liệu xây cất, Kiều lộ và trông coi các Phòng thí nghiệm. Ông đã từng là một Kỹ Sư Chuyên Nghiệp (Professional Engineer của Hội Kỹ Sư Tỉnh Bang Ontario, có triện riêng để đóng dấu trên các bản vẽ) làm việc với Bộ Giao Thông của Tỉnh bang Ontarion (Ontario Ministry of Transportation). Vì bất đồng ý kiến với ông Trưởng Phòng John McKnight nên ông Pike đã chuyển sang một College khác và tôi được tuyển dụng để “trám vào một phần cái lỗ trống” này.
  • Ông George Sen chuyên môn dậy bộ môn Cơ Học Ðất Ðá (Soil Mechanics), Kiều lộ (Public Works). Ông là một Kỹ Sư Chuyên Nghiệp và đã từng làm việc với các hãng Kỹ Sư Cố Vấn (Consulting Engineering firms). Ông gốc người Tích Lan (Ceylon, Shri Lanka)
  • Ông Rajah Singh chuyên dậy bộ môn Tĩnh Lực Học (Statics), Cơ Học Áp Dụng (Applied Mechanics), Sức Chịu Ðựng của Vật Liệu (Strength of Materials). Ông đã từng làm Giáo Sư dậy các môn này tại một Trường Công Binh bên Ấn Ðộ và ông cho biết Sinh Viên của Ông phần lớn đã là sĩ quan cấp tá nên ông đã thấy “quen tai” khi thấy học trò gọi ông là “Sir” rồi. Ông cũng hay gọi ông Trưởng Phòng John McKnight là “Sir” luôn!

Ông McKnight có hoài bão đào tạo các chuyên viên của trường Công Chánh tại Centennial College chuyên môn về:

  • Structure (bộ môn tính toán và kiến tạo các bản vẽ trong ngành Công Chánh): phụ giúp các Kỹ Sư Chuyên Nghiệp trong công việc tính toán (calculations), kiến tạo (design), vẽ các đồ án (drafting), ước lượng (estimating), kiểm tra (inspection) các công trình xây cất (construction projects)…
  • Field Surveying (các công trình địa chánh): phụ giúp các Ðịa Chánh gia chuyên nghiệp (Ontario Land Surveyors), các Kỹ Sư Chuyên Nghiệp (Professional Engineers) trong việc đo đường, định hình thù và các công tác xây dựng đường xá, cầu cống, cao ốc, nhà cửa, ước lượng vật liệu và giá cả (estimating)…
  • Kiều Lộ (Public Works): phụ giúp các Kỹ Sư Chuyên nghiệp về Kiến Tạo (design), Xây Cất (construction), Kiểm Tra (inspection) các đồ án như: đường xá, cầu cống, nhà máy lọc nước uống, nhà máy lọc nước cống, điều động việc hốt rác, chôn rác, hốt tuyết cho thành phố…

Mùa hè năm 1970, nhân dịp ông Don Pike từ chức, Ông Trưởng Phòng McKnight đã được phép tuyển người thay thế ông Pike đồng thời tuyển thêm 2 giáo sư khác. Ngoài tôi, hai Giáo sư khác là:

  • Ông Ian Thomas. Ông là 1 Kỹ Sư Chuyên Nghiệp và đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc với các hãng Kỹ Sư chuyên môn xây cầu và xa lộ, đường xá trong thành phố. Ông Thomas và tôi sẽ thay thế ông Pike và chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu để mở thêm các môn học mới dựa theo các môn học và kinh nghiệm sở trường của chúng tôi, điều mà ông Trưởng Phòng đã mơ ước từ mấy năm trước. Ông Thomas gốc người Trinidad, Trung Mỹ.
  • Ông Rick Chan: Ông Chan là một “Structural Engineer” chuyên về kiến tạo các kiến trúc công chánh, cùng một “lò” với ông McKnight. Ông gốc người Tầu và sinh quán tại Jamaica. Ông đã có 6 năm kinh nghiệm đi làm với chức năng của một Kỹ Sư Chuyên Nghiệp. Ông Chan sẽ phụ trách dậy các môn dính dáng tới “Structural Design” (kiến tạo các dự án), “Structural Analysis” (tính toán các sức lực trong mỗi phần của một dự án) và ông phải soạn thảo các “course outlines” (chương trình giảng dậy của môn học) liên quan tới phần “Structure” để ban giảng huấn chúng tôi bàn luận và sửa đổi cho hợp với Chương Trình Công Chánh (Civil program) học trong 2 năm hay 3 năm (Civil Engineering Technician program – 2years, and Civil Engineering Technology program – 3 years) trước khi chúng tôi được Ủy Ban Học Trình Toàn Trường (Academic Council) của College chấp thuận trong việc giảng dậy. Những năm về sau, tất cả các chương trình dậy (Academic Programs) thí dụ như Chương Trình Ðiện Tử, Công Chánh, Cơ Khí … đều phải nộp lên cho Bộ Ðại Học và Cao Ðẳng (Ministry of Universities and Colleges) duyệt xét để cho tất cả các chương trình dậy nghề trong 22 Colleges khác nhau được đồng đều. Vì lý do đó, ban giảng huấn chúng tôi phải sửa đổi (revise) lại cả cái Chương Trình Công Chánh gồm có biết bao nhiêu các môn học khác nhau. Công việc này tuy rất tốn thì giờ nhưng đây cũng là cơ hội để ban giảng huấn chúng tôi cập nhật hóa chương trình giảng dậy với sự trợ giúp của rất nhiều các chuyên gia đầy kinh nghiệm trong ngành nghề và hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong công kỹ nghệ.

Tôi là nhân vật trẻ tuổi và ít kinh nghiệm nhất trong Department. Tôi chưa kịp có nhiều kinh nghiệm đi làm ngoài đời như các bậc đàn anh nhưng tôi lại có những kinh nghiệm thực tiễn mà nhà trường đang cần và các bậc đàn anh lại không có. Tôi có 3 năm kinh nghiệm trong cương vị một Kỹ Sư Kiến Tạo Ðập Nước (Dam Design Engineer) khi tôi làm việc với chính phủ Úc. Thêm đó là 2 mùa hè tôi làm phụ tá (assistant) cho các Kỹ Sư Xây Cất (Construction Engineer) khi tôi là một sinh viên đi thực tập trong những tháng hè. Cái kinh nghiệm “quý giá” của tôi mà ông Trưởng Phòng và 2 vị giáo sư kia đánh giá khá cao là cách đo các áp lực của nước trong lòng đất (water pore pressure). Kinh nghiệm này tôi có được là do tôi phải đi khám xét (inspection) các dụng cụ đo áp lực của nước khi họ đang xây đập nước tại Wyangala Dam trong nội địa Úc. Khi tôi trở về Sydney, tôi được vào làm trong phòng thí nghiệm đo lường áp lực của nước, mức lún (consolidation) của đất dưới sức nặng của xe cộ, của các công trình xây cất … Tôi cũng đã rất may mắn được ông Kỹ Sư trưởng phòng thí nghiệm thử đất, đá của “Water Conservation and Irrigation Commission” tại Sydney chỉ dậy cho tôi rất ngọn ngành và đặc biệt là ông ta hay gọi tôi là “My Son”(“Tiểu Tử của ta”). Mỗi lần mà “Tiểu Tử” không hiểu điều gì, “Sư Phụ” lại từ tốn ngồi xuống mà giảng dậy trên giấy trắng, mực đen cho dến khi “Tiểu Tử” hiểu ngọn ngành. Nhờ vậy mà tôi thông suốt được với môn Cơ Học Ðất Ðá (Soil Mechanics) mà nhiều bạn hữu trong ngành Công Chánh của tôi ở Úc cũng như ở Canada mệnh danh là môn học đầy “bí ẩn” (mistery subject) vì sách giáo khoa hồi đó rất ít mà các phường trình thì nhiều và rất là “bí hiểm” chẳng được sách vở hay các giáo sư giải thích rõ ràng! Trong khi đó, các dụng cụ thực tập trong phòng thí nghiệm trong Ðại Học lại thô sơ mà nếu có chăng nữa thì cách sử dụng lại rất là “ở chốn dân gian không thể hiểu”! Các vị giáo sư đàn anh của tôi ở trong Department đều biết rõ điều này, ngay cả ông giáo sư và kỹ sư thâm niên nhất trong ngành -ông George Sen- đều biết đến các “điều bí ẩn” này. Không ngờ vì “Tiểu Tử” đã được “Sư Phụ” truyền dậy cho các “bí kíp” của “những điều bí ẩn” trong môn Cơ Học Ðất Ðá, “Tiểu Tử” đâm ra may mắn có một cây gậy dẫn đường cho hắn đi vào cuộc đời đi dậy học bất đắc dĩ lúc ban đầu khi “Tiểu tử” này chưa biết cuộc đời đi làm sẽ ngã ngũ ra sao!

Chính vì tôi có những “bí kíp” để hóa giải những “điều bí ẩn” trong cách sử dụng những dụng cụ trong phần Thí Nghiệm Thử Ðất Ðá (Soil Mechanics Testing) và các vật dụng xây cất (Construction Materials Testing) mà ông John McKnight, qua sự ưng thuận của 2 giáo sư Tom Level và George Sen, cả 3 người này đã quyết định tuyển lựa tôi với kỳ vọng là Department của chúng tôi về sau này sẽ đào tạo được các sinh viên chuyên môn về Thử Ðất Ðá (Soils, Sands, Aggregates), Xi Măng (Cements), Bê Tông (Freshly Mixed and Hardened Concretes), Gỗ (Timber), Nhựa Ðường (Asphalts and Asphalt concretes), Kim Loại (Metals)… mà nền kỹ nghệ của Canada đang cần tuyển lựa nhiều chuyên viên trong thập niên 70 và 80.

Khi mới bắt đầu làm việc trong College này, tôi chỉ muốn “lánh nạn” trong trường ít lâu để tôi tiếp tục đi kiếm việc làm của một Kỹ Sư Chuyên Nghiệp trong ngành Công Chánh tại Canada. Không ngờ rắng những “bí kíp” mà “Sư Phụ” đã truyền lại cho “Tiểu Tử” này đã mở đường cho tôi đi vào một ngã rẽ của cuộc đời nghề nghiệp mà lúc đầu tôi cứ nghĩ là chỉ để làm tạm thời trong lúc chờ thời cơ nhưng rồi cuộc đời dậy học về sau đã đem lại cho tôi biết bao là niềm vui và lòng phấn khởi cho nên tôi đã quyết định “ở vậy” với nó cho tới khi tôi đủ điều kiện để về hưu non!

Ðàm Trung Phán

Mississauga, Canada

Dec.4, 2005