ÐỜI ÐI DẬY: NGHỀ VÀ NGHIỆP

Ðàm Trung Phán

Thân phụ của tôi là một nhà giáo. Lúc tôi lên tám, anh P. chín tuổi, hai anh em tôi được theo chân thân phụ đi học xa nhà.

Vì là một nhà giáo nên thân phụ chúng tôi “gò” anh em chúng tôi dữ lắm. Không phải chỉ riêng hai đứa chúng tôi mà cụ còn “gò” tất cả các anh chị em chúng tôi kể cả các anh con của bác chúng tôi nữa. Khi còn bé tí thì cụ đã bắt chúng tôi đồ (tô) bằng bút mực các hàng chữ bút chì mà chính tay cụ viết. Chúng tôi mà tô không đúng nét hay cẩu thả thì chỉ có “ăn thước kẻ” vào tay mà thôi! Xong cái vụ “đồ chữ” là cụ dậy chúng tôi cách đọc, viết tiếng Việt, làm toán đố từ lúc mới học cho đến Lớp Nhất luôn. Ðến khi bắt đầu học tập làm luận văn và tiếng Pháp, cụ đích thân dậy từng đứa một vì cụ sợ chúng tôi bị mất căn bản ngay từ đầu. Cụ giảng nghĩa từng chữ một (vocabulaire) rồi đến phần văn phạm (grammaire), cách đặt câu và cụ bắt anh em chúng tôi phải đọc to phần lecture để xem chúng tôi đọc có đúng không.

Tôi những tưởng đã “thoát thân” sau khi học xong tiểu học. Ðâu ngờ rằng lên đến Trung Học, thân phụ chúng tôi vẫn tiếp tục dậy thêm cho anh P. và tôi môn Việt văn và Pháp văn. Tôi vốn bản tính “thích chơi hơn thích học” nên mặc dù cụ muốn dậy cho tôi thêm chữ Hán, tôi “né” rất tài tình. Từ lúc học Ðệ Thất lên Ðệ Tứ, tôi thường phải đọc to các bài thơ văn tiếng Việt. Bố tôi nghe thấy là thế nào bố tôi cũng giải thích những chữ khó của từng câu văn để cho tôi hiểu rõ ý nghĩa của bài văn đó. Tôi thường hay gật đầu văng mạng để cho xong chuyện, xong càng sớm thì tôi càng được đi chơi ngay với bạn bè. Anh tôi, với bản chất văn chương cho nên anh ấy hay ngồi chăm chú nghe cụ giảng bài hơn tôi vì thế mà cuộc đời về sau này, anh ấy có “vốn liếng” về văn chương nhất là chữ Hán hơn tôi nhiều.

Nhiều đêm khuya, khi tôi mở mắt thức giấc, tôi vẫn thấy bố tôi ngồi đọc sách hay chấm bài cho nên tôi cảm thấy “ớn đến xương sống” cái nghề đi dậy học của bố tôi. Thêm vào đó, bố tôi lại rất cẩn thận từ lời ăn, tiếng nói đến cách hành xử trong đời nữa. Vì vậy mà tôi đã hoạch định rõ ràng chương trình cho tương lai của tôi: tôi sẽ không bao giờ nối gót chân cụ vào cái nghề đi dậy đâu! Tôi sẽ đi học Y Khoa, vì theo ý tôi nghĩ, tôi sẽ giúp ích cho thiên hạ được một cách thực tế mà ban đêm lại không phải ngồi soạn bài và chấm bài nữa. Ngoài ra, ngành Y khoa sẽ cho tôi nhiều cơ hội để đi dây, đi đó cho thỏa cái ý thích giang hồ kỳ thủy của tôi.

Thế là tôi đã có “kế hoạch” cho tương lai rồi và sau khi đậu xong Tú Tài, tôi quyết định đi học Y Khoa. Chỉ khi học dự bị Y Khoa, tôi mới biết rằng tình trạng tài chánh của thân phụ tôi (mẹ tôi mất lúc tôi học Ðệ Lục) không thể cáng đáng nổi cho tôi học 7 năm Y Khoa được. Lý do chính là vì thân phụ tôi đã về hưu và cha mẹ tôi đã trắng tay khi gia đình chúng tôi di cư vào Nam năm 1954. Tôi thi đậu vào Quân Y nhưng lại “rớt” môn sức khỏe vì lúc đó tôi quá gầy yếu.

Tôi may mắn “thoát thân” bằng cách “thi đậu” được học bổng Colombo Plan đi học ngành kỹ sư Công Chánh tại Úc Ðại Lợi. Ít nhất thì tôi cũng sẽ tránh né được nghề đi dậy cái đã. Hồi còn học Trung Học, tôi xem ciné thấy hình “bà chị” Marilyn Monroe chèo cái bè trên dòng sông nước đang chẩy như vỡ bờ, tôi đâm mê cái hình ảnh “bà chị” đẹp vừa khỏe mạnh lại vừa lồ lộ đang chống chỏi với dòng nước. Tôi mơ ước là ngày sau tôi sẽ có cơ hội đi xây cất tại những nơi khỉ ho cò gáy để chế ngự những dòng nước đang lôi kéo “bà chị” xinh đẹp này. Ngành Công Chánh cho tôi ít nhiều cái đam mê của tuổi đang lớn. Tôi đã may mắn ra trường và hành nghề kỹ sư chuyên về kiến tạo (design) và xây cất (construct) các đập nước trong nội địa Úc. Ban ngày, tôi đi làm cho chính phủ Úc, ban đêm tôi đi học part time ngành Cầu Ðường (Highway Engineering) chuyên môn kiến tạo và xây cất các đường xá và các cây cầu bắc qua các sông, ngòi. Rồi tôi lại còn lấy vợ mà lại là vợ Việt Nam trên xứ lạ quê người nữa! Ôi chao, đời tôi sao lúc đó giống như trong mơ, đang trúng xổ số không bằng!

Nhưng mà cơn mơ của tôi bỗng đâu”đứt giây cót” và đôi vợ chồng trẻ vừa mới lấy nhau được 5 tháng thì chính tôi đã phải “dắt” vợ bay từ xứ Úc sang Canada lập nghiệp. Chuyện xẩy ra rất là đột ngột y hệt như trong loạI truyện “Mission Impossible” vậy! Chúng tôi tới Vancouver trước. Ở Vanvouver, cặp vợ chồng son cùng nhau đi kiếm việc hợp với nghề nghiệp của mỗi đứa. Tôi hăng say đi gõ cửa từng hãng kỹ sư lớn của Vancouver, những mong kiếm ra việc hợp với kinh nghiệm của tôi. Nhưng hồi 1969, 1970, xứ Canada đang rất “hót” (rất hợp với chữ “hot” trong Anh ngữ!) về vụ ông Thủ Tướng Pierre Trudeau đẹp trai, trí thức, không những đã chịu chơi mà lại còn “chưa có vợ” nữa nên rất nhiều nơi họ chỉ “hót” những truyện cà kê dê ngỗng về ông Thủ Tướng “không/chưa có vợ” này mà thôi. Tôi đâm chán cái cảnh “có vợ mà không có job ở Vancouver” của tôi mà cứ phải nghe hoài cái truyện “ông thủ tướng không có vợ mà có job ngon lành ở Ottawa” này nên tôi bàn truyện với “chính phủ tại gia” (“spousal government”) về vụ rời khỏi Vancouver và chúng tôi quyết định dọn sang vùng Toronto lập nghiệp.

“Chính phủ” của tôi may mắn hơn tôi nên chỉ sau một tháng tại Toronto là nàng đã kiếm được việc. Thật hú vía, thế là cặp vợ chồng trẻ chúng tôi may mắn có đủ tiền để mua thịt cá mà ăn thay vì cái món “mì chay 7 món” cho 7 ngày trong tuần! Rồi sau đó 2 tháng “chính phủ” của tôi được thăng chức và trở thành một “Full time permanent Librarian” (Quản thủ thư viện). Thế là chúng tôi thấy vững bụng hơn và có ý định “xin nhận nơi này làm quê hương dẫu có …cãi nhau”!

Tôi vẫn tiếp tục đi kiếm việc trong ngành Công Chánh. Cái mộng kiếm được việc trong ngành xây đập nước tại Canada rất khó mà thực hiện được vì xứ Canada không còn xây đập nước như xứ Úc nữa. Rồi một hãng cho tôi việc đi kiếm quặng mỏ tại Manitoba, nơi khỉ ho cò gáy và phải đi làm ngay trong mùa đông năm đó. Trước khi tôi ra công trường để nhận việc, ông Xếp dặn tôi tới gặp ông ta ngay để hãng đưa tôi đi mua quần áo. Tôi thấy việc này “hơi lạ” và ngây thơ hỏi:

  • Sao mà tôi phải đi sắm quần áo, thưa Ông?
  • Tại vì rằng nhiệt độ có thể xuống tới -50 (trừ 50!) độ Celscius đó và anh phải có quần áo đặc biệt để chống lạnh thì anh mới làm việc được.

Nghe ông ta nói như vậy làm tôi rùng mình vì ở Toronto những lúc thấy nhiệt độ hạ xuống -20 độ C là tôi đã chịu không nổi rồi, đó là chưa kể đến cái vụ “Wind chill factor” nữa. Tôi bàn với T. (“chính phủ” của tôi) có “nên” nhận cái “job” này không vì tôi rất phân vân. Thành phố Toronto lúc bấy giờ hãy còn khá xa lạ đối với chúng tôi, bạn bè thì chỉ có 3 người quen biết và về sau này tôi mới biết rằng cả thành phố Toronto lúc đó mới có khoảng 50 người Việt Nam mà thôi. Tôi thoáng thấy T. lưỡng lự và có phần “ướt mi” nên tôi không đành lòng để T. ở lại Toronto một thân một mình. Cái yếu tố “Nhân” đã không ổn lại thêm cái yếu tố “Hàn” làm tôi lạnh phát run lên cả thân xác lẫn tinh thần cho nên tôi quyết định “tút suỵt” xin kiếu cái vụ nhận “job” này!

Những lúc T. đi làm, tôi ở nhà một mình. Chúng tôi là dân “lính mới tò te” không dám ho he đụng tới cái hầu bao vì ít tiền nên cặp uyên ương mới 26, 27 tuổi bèn đi thuê một cái “basement apartment” (căn phòng có đầy dủ tiện nghi tại dưới hầm nhà) cho đỡ tốn tiền. Tôi tiếp tục đọc báo và ra thư viện lục lọi báo chí, sách vở để dò xét các hãng nào đang cần kỹ sư công chánh. Lúc nào rảnh rỗi, tôi mang sách giáo khoa (textbooks) ra mà đọc cho “vững tay nghề” (tôi đã đóng thùng mang hết tất cả các sách giáo khoa từ Úc sang Canada). Chúng tôi không còn phải quá lo về vấn đề tài chánh nữa nhưng tôi đã phải nằm nhà mất 7 tháng trời, vả lại, tôi “cầm tinh con ngựa” nên tôi cảm thấy chồn chân nếu cứ phải ru rú ở só nhà cả ngày. Tôi lo việc chợ búa dùm T. và tôi “quen” luôn cả mấy bà bán hàng tại một cái “grocery store” gần nhà. Gặp các bà già là truyện nổ như pháo rang và họ thường hay hỏi vụ đi kiếm việc đã đến đâu rồi.

Mùa Xuân đến, mùa Xuân vào đầu tháng 5 năm 1970 của chúng tôi thật đẹp tuyệt trần đời sau mấy tháng mùa Ðông băng đá, tuyết lạnh cóng. Chim hót, hoa nở và đi lại dễ dàng biết bao nhiêu so với những tháng mùa Ðông và nhất là tôi không còn phải giam mình trong cái “basement apartment” suốt ngày để tránh cái lạnh nữa. Lúc này, đọc báo, tôi thấy có nhiều hãng kỹ sư (consulting engineering firms) đang cần các nhân viên thử đất, đá, bê tông. Tôi chán cảnh ngồi nhà đợi chờ công việc ngon lành đến, tôi bắc điện thoại và xin đại cái việc tạm thời này. Họ mướn tôi ngay vì tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm về phần thử vật liệu (construction material testing) rồi. Công việc này cần phải làm việc bằng tay chân hơn là ngồi tính toán nhưng tôi cảm thấy thoải mái vì ngày nào tôi cũng “đi làm” như ai! Tôi vẫn tiếp tục đọc báo và tôi thấy một số trường Cao Ðẳng (Community College hay College of Applied Arts and Technology) tại tỉnh bang Ontario đang cần nhiều nhân viên kỹ thuật và giáo chức. Tôi thầm nghĩ:

  • Thì mình cứ đi xin việc để “thử thời vận” với các Colleges này. Nếu được “job”, ta sẽ làm tạm thời trong vòng 1, 2 năm. Sau đó, ta sẽ đi kiếm việc Kỹ Sư sau. Cứ coi như đây là thời kỳ chuyển tiếp mà thôi!

Bắt đầu từ năm 1965, tỉnh bang Ontario thiết lập các trường Cao Ðẳng để đào tạo các chuyên viên về Kỹ Thuật, Kế Toán, Thương Mại, Y Tế, Giao Thông …mà các trường Ðại Học không thể đào tạo được. Nền Kinh Tế của Canada hồi đó rất mạnh nên các trường Cao Ðẳng của tỉnh bang Ontario (22 Colleges cả thẩy) được chính phủ tỉnh bang (Provincial Government) và chính phủ liên bang (Federal Government) tài trợ tối đa. Vì lý do đó mà các trường Cao Ðẳng có đủ ngân quỹ để thuê thêm các giáo sư và nhân viên nhà trường. Tôi thấy 2 trường Cao Ðẳng đăng báo cần nhân viên làm trong Phòng Thí Nghiệm của Ngành Công Chánh: Loyalist College và Centennial College. Những kinh nghiệm mà họ đòi hỏi phần lớn tôi đã có khi tôi còn là sinh viên đi thực tập ngành nghề trong những tháng hè tại nội địa Úc. Tôi nộp đơn xin việc tại cả 2 nơi đó.

Loyalist College nằm tại Belleville cách xa Toronto khoảng 2 tiếng lái xe gọi tôi tới “interview” trước. Họ rất “impressed” (“mát ruột”) với kinh nghiệm và bằng cấp của tôi trong lúc nói truyện nhưng sau đó họ đã trả lời trên lá thư “rất tiếc là chúng tôi đã kiếm được người ngay tại trong College rồi”!

Tôi không hề tiếc là tôi không được trường Loyalist cho việc làm vì như vậy cặp vợ chồng trẻ chúng tôi lại phải sống xa nhau trong tuần. Chẳng lẽ T. lại phải bỏ công ăn việc làm ngon lành tại Toronto để mà theo tôi xuống cái “tỉnh lẻ đêm buồn”này sao?

Ngày hôm sau, tôi vừa mới “đi làm” về thì ông John McKnight gọi điện thoại cho tôi:

  • Tôi là Giáo Sư Trưởng Phòng (hồi đó tên tiếng Anh là Chairman) của ngành Công Chánh tại Centennial College. Tôi muốn ông đến gặp tôi càng sớm càng tốt vì chúng tôi muốn “interview” ông!

Tôi tới gặp ông John McKnight ngay ngày hôm sau. Sau khi chào hỏi vài nói vài câu xã giao, ông vào đề ngay:

  • Tôi thực sự không hiểu tại sao mà anh (young fellow) lại bỏ xứ Úc mà sang cái xứ Canada lạnh như quỷ này (cold like hell!) để mà lập nghiệp?
  • Thưa Giáo Sư Trưởng Phòng, chẳng nói dấu gì ông: tôi không phải là dân có quốc tịch Úc. Tôi chỉ là một sinh viên du học có quốc tịch Việt Nam đã tốt nghiệp và tôi đi làm với chức vụ của một Kỹ Sư Kiến Tạo (design engineer) với chính phủ Úc chuyên về xây cất các đập nước. Quê hương tôi đang có chiến tranh khốc liệt. Cha tôi già rồi, già hơn cả ông Chairman nữa và cha tôi khuyên tôi phải ở lại ngoại quốc vì sau biến cố Mậu Thân 1968, rất có thể là Miền Nam nước Việt (South Viet Nam) chúng tôi sẽ mất vào tay Cộng Sản. Tôi cũng nghĩ như cha tôi nên tôi không muốn phải trở về Việt Nam rồi kẹt lại với Cộng Sản vì thế cho nên tôi đã phải tìm cách ở lại ngoại quốc. Tôi không được phép ở lại Úc vì tôi là dân học bổng Colombo Plan. Tôi có giấy tờ đi Pháp. Tôi cũng đã nộp đơn đi Brazil nhưng tôi đã chọn Canada vì tôi nghĩ rằng trên phương diện nghề nghiệp và học vấn, Canada sẽ thích hợp với tôi và vợ tôi hơn!

Ông John McKnight im lặng một hồi và ông ta tiếp tục:

  • Anh à, thú thực với anh là con trai duy nhất của tôi nó trẻ hơn anh 2, 3 tuổi và cũng vừa mới tốt nghiệp Kỹ Sư Công Chánh như anh và tôi. Nếu mà hắn gặp khó khăn như anh tại ngoại quốc, tôi chẳng biết phải làm gì để giúp hắn nữa! À mà tôi tưởng người Úc chỉ uống bia thôi, họ đâu có uống nước thì họ xây đập nước làm gì nhỉ?

Nói rồi, ông lấy cái píp (pipe) gãi gãi cái râu mép và mỉm cười hiền hậu. Tôi cảm thấy những lời nói của ông đối với tôi như lời của một người cha già đang nói với một đứa con trai đang đi vào nghề vậy. Ông cho tôi biết ông đã tốt nghiệp bằng Cao Học về Công Chánh năm 1939 tại Ðại Học Toronto, trước khi tôi ra đời! Ông muốn biết những môn tôi học bên Úc vì ông muốn được “cập nhật hóa” ngành nghề nhất là môn Cơ Học Về Ðất Ðá (Soil Mechanics); môn học này còn khá mới mẻ trong thập niên 60 và dĩ nhiên ông không hề biết gì về môn này hết vì ông đã ra trường trước đó 30 năm. Môn Soil Mechanics đang là môn rất “hót” (hot) trong kỹ nghệ tại Úc cũng như tại Canada và cũng khá “hóc búa” (hard to swallow) trong việc giảng-dậy (teaching-learning process) tại Ðại Học cũng như tại College. Ông cũng muốn biết tôi có những kinh nghiệm gì trong Phòng Thí Nghiệm về thử các vật liệu xây cất (construction materials testing laboratory) như đất, đá, cát, bê tông, xi măng, kim loại, gỗ và nhựa đường. Ông cho biết Phân Khoa Kỹ Thuật của College đang đi kiếm một chuyên viên có khả năng và kinh nghiệm để chỉ dẫn cho sinh viên các thí nghiệm liên qua tới môn Soil Mechanics và thử nghiệm các vật dụng xây cất. Thật quả là một cái may mắn bất ngờ cho tôi là vì trong 2 mùa hè đi thực tập tại nhà máy điện Munmorah và đập nước Wyangala Dam tôi đã phải vào làm việc trong các phòng thí nghiệm cũng như đi ra ngoài công trường để khám xét các phần đã và đang được xây cất. Sau khi ra trường rồi, trong chức vụ Kỹ Sư Kiến Tạo, tôi còn phải chọn lựa đất (soils), đá (aggregates), cát (sands), xi măng (hydraulic cements), bê tông (concretes) để xây các đập nước khác cho nên tôi cảm thấy rất vững bụng khi tôi mô tả từng phần cho ông McKnight nghe. Tôi biết sử dụng rất nhiều các dụng cụ trong phòng thí nghiệm và nếu cần, tôi còn có thể sửa chữa các dụng cụ này nữa.

Ông còn hỏi tôi thêm về các môn học trong ngành Ðường Xá (Highway Engineering) cấp Cao Học và các kinh nghiệm mà tôi đã liệt kê trong cái “Résumé” (tờ khai về học vấn và kinh nghiệm). Những năm sau này, khi đã dậy một thời gian dài và trở thành Giáo Sư Trưởng Phòng tại College, tôi mới biết những cái khó khăn mà ông McKnight đã gặp phải: nhiều giáo sư rất lúng túng khi phải dậy một môn mới lý do là vì hoặc là họ không thông suốt môn học hay là vì không soạn bài kỹ càng.Vị Giáo Sư trưởng phòng phải nghe sinh viên than phiền đến đau cái đầu. Ngoài ra còn có cái rủi này nữa: khi mà một vị giáo sư nào đau yếu và phải tạm nghỉ dậy, nhà trường rất khó mà có thể kiếm người vào dậy thay cho vị giáo sư đó.Ông McKnight có ý định dùng tôi làm giáo sư thay thế các giáo sư này (giống như các supply teachers ở Trung Học vậy) trong khi đó nhiệm vụ chính của tôi là trông coi các phòng thí nghiệm như Phòng Thí Nghiệ thử Vật Liệu (Construction Materials testing laboratory), Phòng Thí Nghiệm về Thủy Ðộng Học (Hydraulics laboratory), Phòng Thí Nghiệm về Cơ Học Ứng Dụng (Applied Mechanics lab), Phòng Vẽ Kỹ Thuật (Civil Drafting Room) và ngay cả phòng chứa dụng cụ Ðịa Chánh nữa (Surveying Storage).

Sau hơn 90 phút “hỏi cung” tôi, ông McKnight dẫn tôi sang phòng hai ông giáo sư đã đứng tuổi. Hai ông này dẫn tôi đi xem hết tất cả các phòng thí nghiệm và kho chứa dụng cụ Ðịa Chánh. Tại mỗi nơi, hai ông thay phiên nhau hỏi tôi về những kinh nghiệm và lý thuyết của từng môn học liên quan tới các phòng thí nghiệm nàỵ. Hai ông còn hỏi tôi đã có kinh nghiệm giảng dậy chưa. Các kinh nghiệm về làm thí nghiệm thì tôi có khá nhiều nhưng kinh nghiệm dậy học thì tôi chưa bao giờ có và tôi nói với họ như vậy. Nhiệm vụ của hai vị giáo sư này là để họ nhận xét về cách tôi trả lời, cách tôi giảng giải để họ chấm điểm thêm về tôi (“their second opinion about me”) lý do chính là về sau này, tôi sẽ phải làm việc trực tiếp và trợ giúp họ trong những phòng thí nghiệm này.

Sau tất cả 3 tiếng đồng hồ tôi bị “hỏi cung” trong cái “job interview” này, ông Trưởng Phòng -sau khi đã thảo luận với hai vị giáo sư kia- đã nói với tôi:

  • Này anh bạn trẻ (young fellow), tôi không có quyền bổ nhiệm anh nhưng tôi sẽ đề nghị với nhà trường tuyển anh vào làm việc với chúng tôi trong Ngành Công Chánh. Tôi và nhà trường sẽ quyết định về lương bổng cho anh, tôi sẽ cố gắng nói College cho anh hưởng tiền lương tối đa, OK? Anh sẽ làm phụ tá (Laboratory Demonstrator) trông nom tất cả các phòng thí nghiệm. Vài năm sau, khi anh có đủ kinh nghiệm dậy học và Chương Trình Công Chính (Civil Technology Program) có đủ sinh viên, anh sẽ trở thành giáo sư, OK không? Thôi anh về đi, có gì tôi sẽ gọi điện thoại báo tin cho anh sau.

Trên đường về, tôi cảm thấy thoải mái và vui vẻ, chẳng bù với lúc tôi trên đường tới trường lo nghĩ đủ thứ trước khi tôi “được interview”! Tuy nhiên, sau nhiều lần đọc thư của các hãng trả lời, tôi không thực sự dám “tin lời hứa” của ông John McKnight nữa, nhất là sau cái kinh nghiệm với trường Loyalist.

Hai hôm sau, ông Trưởng Phòng gọi điện thoại cho tôi:

  • Anh được nhà trường chấp thuận cho việc làm rồi đó. Tôi có lời chúc mừng cùng anh. Anh có thể đến trường gặp tôi ngay ngày hôm nay được không vì chúng tôi muốn anh đi khám bệnh và làm các thủ tục hành chánh ngay lập tức. Nhớ là mình chỉ còn có hơn 2 tuần nữa là tựu trường rồi đó!

Ðây thực sự là một tin mừng về công ăn việc làm cho tôi, đúng một năm sau khi chúng tôi bỡ ngỡ đặt chân tới miền đất mới này. Trong vòng 2 năm trước đó tôi đã có rất nhiều việc phải lo liệu: học hành, làm việc overtime bù đầu, xin giấy tờ đi Pháp, đi Brazil, đi Canada và nhất là việc tôi đi … lấy vợ nữa! Bây giờ tôi có việc làm trong phòng thí nghiệm với các giáo sư và học trò, mặc dù chưa thực sự là việc mà tôi mong ước nhưng ít nhất tôi cũng có công ăn việc làm không đến nỗi cho lắm và tôi bắt đầu cuộc đời thực sự lưu vong giống như những ngày tháng trước nhưng lại ở một miền “đất hứa thật mới lạ này.”

Tôi những tưởng tôi sẽ tránh né được cái nghiệp đi dậy giống như cái nghiệp đi dậy học của cha tôi và các cụ tổ trong dòng họ nội của tôi. Tôi cũng không có thể ngờ rằng tôi đang dần dần đi vào cái nghề và cái nghiệp đi dậy kéo dài trong suốt thời gian đi làm của tôi tại Canada. Tôi đã cố trốn tránh nghề đi dậy vì tôi đã có thành kiến với nó lúc ban đầu nhưng rồi dần dần tôi lại rất yêu cái nghề và nghiệp này của tôi cho đến khi tôi về hưu non sau 32 năm trong đời đi dậy.

Ðàm Trung Phán

Giáo Sư về hưu

Toronto, Canada

Sept.6, 2005 / Feb 2020