HỘI THƠ

KHÔNG HẸN MÀ GẶP

ĐOẠN 2

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

4 – Phù Giang, người bạn đồng song, cùng chiến tuyến:

Trong số bạn bè của Trần Văn Gia bị triệu về tỉnh trình diện, bạn đồng liêu cũng lắm, mà bạn đồng song cũng nhiều. Tình cờ, ông gặp lại Phù Giang tiên sinh (扶 江 先 生), người bạn cùng huyện lại cùng họ với mình. Đôi bạn tâm giao từ thuở học trò, ngày trước cả hai cùng về Kinh thành Huế dự thi Hội, khi làm quan, họ vẫn thường liên lạc với nhau. Nhưng rồi thời cuộc đổi thay, cửa khép then gài, mỗi nguời một hoàn cảnh. Có điều đáng mừng, họ không hẹn trước mà vẫn cùng nhau đứng chung một chiến tuyến nên giờ đây mới có cơ hội gặp mặt nhau, mừng mừng tủi tủi! Trần Văn Gia hạ bút viết bài “Họa Phù Giang Nguyên Vận” (和 扶 江 原 韻), tức là “Họa thơ ông Phù Giang” trao lại cho bạn hiền:

Nhất khứ đô đài cận thập niên,

Na kham ngưỡng thị bạch vân thiên.

Nam Sơn thụ thụ tần giao vọng,

Đông Hải ba ba thục vị điền.

Túc khế nhã hoài lan thất hóa

Dư quang khước tạ nguyệt lương xuyên.

Tiếu hình ngữ ngữ tương vong thú,

Cúc sấu, mai cù đối ảnh nghiên.

(Tích Chỉ Tập)

Nguyễn Xuân Tảo dịch:

Mười năm xa cách đô thành,

Trông làn mây trắng tâm tình khôn khuây.

Non Nam lớp lớp hàng cây,

Bể Đông sóng vỗ lấp đầy, có ai?

Nhà lan, bạn cũ xa vời,

Sáng thừa nhờ ánh trăng soi góc buồng.

Chuyện trò với ảnh, ngỡ ngàng,

Trúc mai trước bóng vẻ càng thêm xinh.

5 – Đặng Huyện Bác chia xẻ nỗi ưu tư:

Đặng Huyện Bác trước kia làm huấn đạo huyện Nam Chân (Hải Hậu), là bạn chí thân với Trần Văn Gia. Nay gặp lại, họ Đặng đã tâm sự với bạn cũ về nỗi bức xúc thời thế qua bài Ký Trần Văn Gia Tâm Hữu (寄 陳 文 嘉 心 友), tức là “Gửi bạn đồng tâm là Trần Văn Gia.” Bài này cũng được Hòe Phù tiên sinh trân trọng chép vào Tích Chỉ Tập:

Sinh phùng thế nạn sỉ vi nho,

生 逢 世 難 恥 為 儒,

Tọa khán giang sơn nhật nhật thù.

坐 看 江 山 日 日 殊。

Nhất điểm tri năng nhưng tự hữu,

一 點 知 能 仍 自 有,

Bán trù khuông cứu khước toàn vô.

半 籌 匡 救 卻 全 無。

Như vân gia nghiệp phần nhi điển,

如 云 家 業 墳 而 典

Hà sự sơ sinh thỉ dữ hồ.

何 事 初 生 矢 與 弧。

Tương tín bất phường tương khấp vấn,

相 信 不 妨 相 泣 問,

Hu ta thời sự để y hồ?

吁 嗟 時 事 底 伊 胡?

Việt Thao dịch:

Sống vào thời loạn thẹn nhà Nho,

Sông núi, ngồi nhìn mỗi khác to.

Một điểm lương tri luôn có sẵn,

Nửa mưu cứu nước chẳng ra trò.

Sách đèn nghiệp cũ noi “Phần, Điển” [3]

Tên nỏ treo chi lúc buổi đầu.

Chẳng ngại, tin nhau nên mới ngỏ,

Than ôi! Sự thế sẽ về đâu?

06 – Sĩ khí với tấm lòng son:

Trong số các sĩ phu bị gọi về tỉnh, huyện Nam Chân chiếm đa số. Vì thế, viên tri huyện của huyện này được quan tỉnh mời về tham dự để thấu triệt chỉ thị của cấp trên và họp bàn việc an ninh cho huyện nhà. Tại hội trường, hắn lên mặt dạy đời: Khuyên các sĩ phu nên thức thời, cần học thêm chữ Tây để tiếp nhận ánh sáng văn minh của “mẫu quốc,” và ra làm quan giúp đời, nhằm “khai hóa” cho dân tộc mình. Giọng điệu xu nịnh ngoại bang và phản nước hại dân của hắn, bị các sĩ phu phản đối nặng nề qua thơ văn:

Trần Mạnh Đức (陳 孟 德), với bài “Khước Tòng Tha Học” (却 從 他 學), tức là “Từ chối học lối họ,” đã lý luận chặt chẽ đâu là chính nghĩa đâu là gian tà. Rồi tác giả kết thúc với lời lẽ, mới nghe như khiêm tốn, nhưng chính là cái tát vào mặt tên phản bội:

Dụng xả hành tàng nhiệm sở chi,

Tố tâm na khẳng ngộ tha kỳ.

Đương đồ xa mã vinh vô giá,

Cố quốc văn chương chỉ hữu si (sư).

Hạng lậu, Nhan Uyên bần diệc lạc,

Tiền đa, Vương Khải phú hà vi?

Miễn nhân thành đạt công danh lộ,

Vạn tạ quân hầu niệm bất di.

(Thi Học Quan Hà)

Võ Hoàng dịch:

Về hay ở là tùy cảnh ngộ,

Lòng sạch trong lầm lỡ theo ai.

Ngựa xe nay kể sướng thay,

Nghìn năm đạo lý một ngày bỏ sao?

Chàng Vương giàu, hỏi giàu được mãi?

Ông Nhạn nghèo, nghèo lại là vui!

Muôn lần cảm tạ ơn người,

Khuyên đường danh lợi, lòng tôi chẳng màng.

Vũ Tế (武 際; 1818 – 1905), hiệu là Nhẫn Trai, tự là Tử Mỹ; người xã Lộng Điền, tổng Thượng Ky, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ; nay là thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; người cùng họ, cùng làng với Tiến sĩ Vũ Huy Trác (武 輝 倬; 1730 – ?).

Ông đỗ Cử nhân (13/23) khoa Đinh Mão (1867), Tự Đức thứ 20, tại trường thi Nam Định, được bổ tri huyện Phù Cừ (Hưng Yên), rồi về kinh làm Hộ thành Binh mã Phó sứ. Khi Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi nước ta, ông bỏ quan về dạy con cháu học, không thèm cộng tác với giặc, và tuyệt giao với bọn quan lại tân trào.

Ông cũng bị gọi về tỉnh. Tại hội trường, khi nghe giọng điệu xu nịnh của tên quan huyện Nam Chân, ông muốn đứng lên chửi thẳng vào mặt hắn cho hả giận. Nhưng nghĩ lại, hoàn cảnh cá chậu chim lồng, ông đành dằn lòng, bèn viết bài “Khước Học Tây Tự” (却 學 西 字), tức là “Từ chối học chữ Tây” để trao cho bạn hiền:

Trung châu giáo hóa cửu tiềm ma,

中 州 教 化 久 漸 磨,

Tâm thiệt tâm thanh hoán liễu hà?

心 舌 心 聲 換 了 何。

Bút vẫn loan thư nan hạ thủ,

筆 紊 孿 書 難 下 手,

Âm phi duật thiệt phản ngao nha.

音 非 遹 舌 反 嗷 牙。

Trú nhân khải phạm hoài tiên tiến,

鑄 人 揩 範 懷 先 進,

Minh thế văn chương ức cố gia.

鳴 世 文 章 憶 故 家。

Vị ngã ca dao, tri ngã giả,

謂 我 歌 謠 知 我 者,

Ngã tiên, ngã hậu, ngã Nho khoa.

我 先 我 後 我 儒 科。

Việt Thao dịch:

Nước ta nền học có từ lâu,

Lưỡi đấy lòng đây đổi được đâu?

Nét rối chữ ngoằn tay khó viết,

Giọng gò răng nghiến lưỡi không làu.

Noi gương tiền bối rèn nhân sĩ,

Theo lối người xưa đúc áng văn.

Ai hiểu cho ta, đừng trách hát,

Đạo Nho ta giữ trước và sau.

Người trẻ tuổi nhất trong đám Nho sĩ bị gọi về tỉnh là Trần Chi Bạng (陳 卮 蚌), con của Trần Văn Gia, có hiệu là Trúc Khê. Năm 1883, ông theo cha gia nhập Phong trào Văn Thân chống Pháp. Năm 1884, triều đình Huế ký Hòa ước Patenôtre, xác nhận quyền bảo hộ của Pháp và ra lệnh bãi binh. Ông về phụng dưỡng cha mẹ già, quyết giữ lòng trung, không hợp tác với giặc. Hưởng ứng bậc đàn anh, ông phản bác lời dụ dỗ của quan huyện Nam Chân. Trong bài “Họa ‘Khước Học Tây Tự’ Nguyên Vận” (和 却 學 西 字 原 韻), tức là “Họa nguyên vận bài thơ Từ chối học chữ Tây,” ông nêu lý luận vững chắc: Muốn khôi phục đất nước, tiên quyết phải giữ nền văn chương của ta đã có từ xưa để làm giềng mối cho nước. Muốn khỏi mất gốc, cần phải duy trì nếp thi lễ xưa nay được truyền tụng. Ông viết:

Cửu hĩ nhân tiềm huống nghĩa ma,

久 矣 仁 漸 況 義 磨,

Nhẫn tương cựu học hoán thùy hà?

忍 將 舊 學 換 誰 何?

Bách niên cổ huấn thành tao phách,

百 年 古 訓 成 糟 粕,

Vạn lý thù âm loạn sỉ nha.

萬 里 侏 音 乱 哆 牙。

Kinh quốc văn chương tồn cố quốc,

經 國 文 章 存 故 國,

Truyền gia thi lễ tự danh gia.

傳 家 詩 禮 自 名 家。

Thánh hiền lập cốt tiêu Sơn Đẩu [4].

聖 賢 立 骨 標 山 斗,

Thủ ngã Nho khoa tác thế khoa.

守 我 儒 科 作 世 科。

(Trúc Khê Thi Tập)

Việt Thao dịch:

Nghĩa nhân nhuần thấm đã lâu ngày,

Học cũ làm sao nỡ đổi thay.

Chớ để lời xưa thành cặn bã,

Chẳng ưa tiếng lạ rối răng hàm.

Văn chương còn giữ, còn hồn nước,

Thi lễ còn truyền, còn tiếng tăm.

Cốt cách ngời cao như Đẩu Thái,

Đạo Nho ta giữ mãi xưa nay.

Với Phạm Đăng Phổ (笵 登 譜) [5], con thứ 5 của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (笵 文 誼; 1805 – 1880), quê ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ; nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Cử nhân (6/24) khoa Kỷ Mão (1879), Tự Đức thứ 32. Năm sau, vào kinh thi Hội, có cha đi theo, đến Thanh Hóa, cha bị đau nặng, ông phải trở về lo thuốc thang cho cha. Năm 1881 cha mất, ông cư tang 3 năm, tiếp đó thời cuộc biến đổi nên không thi Hội nữa, cũng không ra làm quan và quyết không giao du với bọn quan lại làm tay sai cho giặc. Ông mở trường dạy học, gần xa đều nghe tiếng, học trò đến thọ giáo rất đông.

Ông không dính dáng gì đến Phong trào Cần Vương, nhưng chính quyền Bảo Hộ thấy nơi ông tinh thần bất khuất, thái độ bất hợp tác và là con của một chí sĩ yêu nước nổi tiếng. Chúng rất lo sợ, thường gọi ông đến để chất vấn. Và dĩ nhiên, trong lần triệu tập về tỉnh, các sĩ phu yêu nước, chúng không thể bỏ sót ông.

Trong thời gian bị gọi lên tỉnh thành Nam Định, ông có bài “Ngẫu Thành” (偶 成), bày tỏ thái độ ở ẩn, một tinh thần đối kháng thời thế ngấm ngầm nhưng mảnh liệt. Và đồng thời góp vào hội thơ bản cáo trạng về chính sách sưu thuế của thực dân:

Dã giả chi hồ dĩ tự cam,

Nhục lâm cố vấn tái nhi tam.

Tính danh dĩ hứa nhân song Bắc,

Khoa hoạn nguyên tòng ngã quốc Nam.

Đường tử đệ thăng duy phạn chính,

Các văn chương thúc hữu thư hàm.

Trầm tư duy hữu qui canh kế,

Ngạch ngoại trưng cầu phục bất kham.

(Hán Thủy Tạp Ký)

Võ Hoàng dịch:

“Giả, dã, chi, hồ” phận đã cam,

Nay đòi, mai hỏi, nghĩ mà căm.

Họ tên đã gửi nơi song Bắc,

Thi cử từng theo lối nước Nam.

Con cháu lên thềm vì bát gạo,

Thơ văn thượng gác xếp ngăn hòm.

Chỉ còn một cách về cày ruộng,

Thuế nặng, sưu cao chẳng thể kham.

7 – Vần thơ thay lời kết:

Hội thơ trên là di sản của Phong trào Văn Thân tỉnh Nam Định. Và tiền thân của phong trào này là đạo quân 365 người của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, tình nguyện vào Đà Nẵng đánh giặc, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm Sơn Trà (1858). Năm 1873, Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ lần thứ 1, thành Hà Nội và Nam Định thất thủ, Phạm Văn Nghị cùng các sĩ phu tập hợp được lực kượng dân binh 7000 người, giữ vững 3 huyện là Phong Doanh, Ý Yên (tỉnh Nam Định) và Thanh Liêm (tỉnh Hà Nội) cho đến khi Pháp rút quân. Phong trào Văn Thân ở Nam Định đã sẵn nền nếp, lại được phát triển thành một lực lượng nghĩa quân đáng kể khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (1883).

H 4: Ngày 27- 3- 1883 thành Nam Định thất thủ,

tháp canh bị trúng đạn.

(Ảnh: Bác sĩ Hocquards, 1884)

Nhưng rồi, ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế ký Hòa ước Patenôtre gồm 19 khoản, nhận quyền “Bảo hộ” của Pháp và ra lệnh các căn cứ kháng chiến phải bãi binh. Phần lớn sĩ phu Nam Định tuân lệnh giải tán nghĩa quân, nhưng rất bất mãn về hành động đầu hàng hèn nhát của Triều đình. Họ trở về quê sống ẩn dật, không làm quan nữa. Một số sĩ phu khác không tuân lệnh Triều đình, tiếp tục kháng chiến cho đến ngày Kinh đô thất thủ (1885) thì sáp nhập vào Phong trào Cần Vương. Trường hợp của Trần Huy Luyện (陳 輝 煉), ông không trở về quê ngay theo lệnh của Triều đình, cũng không tiếp tục chiến đấu tại tỉnh nhà, mà bỏ lên Bắc Giang gia nhập vào đạo quân của Đề Thám, sau mới chịu trở về sống đời ẩn dật.

Khi phải bỏ ngũ về quê, ông đã đốt tập thơ nhật ký chiến trường để xóa mọi vết tích. Tập thơ cháy rồi, nhưng hồn thơ ấy còn mãi qua bài Phần Thi Tập Hữu Cảm (焚 詩 集 有 感), tức là “Cảm xúc khi đốt tập thơ.” Giờ đây, Trần Huy Luyện đã kín đáo trao tặng bài thơ ấy cho các bạn thân, nhân chuyến gặp nhau tại thành Vị:

Cảm cựu thi thành sổ bách ngôn,

感 舊 詩 成 百 言,

Quan tình bi thiết động càn khôn.

關 情 悲 切 動 乾 坤。

Chỉ duyên lưu bản phùng nhân đố,

只 緣 留 本 逢 人 妒,

Cố nhĩ cam tâm sách hỏa phần.

故 爾 甘 心 索 火 焚。

Phong sứ phùng lai ưng tiếu đảo,

風 使 逢 來 應 笑 倒,

Phúc thần như kiến dã thùy ân.

福 神 如 見 也 垂 恩。

Dự tri chỉ hóa tình nan hóa,

預 知 紙 化 情 難 化,

Phi tán không trung hỗn lệ ngân.

飛 散 空 中 混 淚 痕。

(Nhàn Hoa Thi)

Việt Thao dịch:

Vần thơ cảm khái mấy trăm rồi

Thống thiết lòng đau chuyển đất trời.

Nếu giữ càng thêm người hãm hại

Nên cho đành phải lửa thiêu thôi.

Gặp tàn sứ gió cười nghiêng ngã,

Thấy lửa thần linh xót rã rời.

Giấy cháy tan tành tình không cháy

Lệ hòa tro bụi tỏa nơi nơi.

Việc bỏ hàng ngũ tại Bắc Giang về quê sinh sống, Trần Huy Luyện mượn lời người đi thuyền để tỏ rõ ý chí và hướng đi của mình. Ẩn dật, đối với ông, không phải cầu an đầu hàng, mà chuyển qua một đường lối tranh đấu khác cho thích hợp tình thế. Đó là tham gia Phong trào Kinh Dân tại tỉnh nhà, với ý hướng giáo dục và hun đúc lòng yêu nước lớp hậu sinh, dưới hình thức mở trường dạy học. Ông viết bài Thuyền Nhân Ngữ (船 人 語), tức là “Lời người đi thuyền,” trao các bạn thân, nhằm kết nạp thêm hội viên cho phong trào:

Trừ khước kim niên kim nhật tiền,

除 卻 今 年 今 日 前,

Phong ba đẳng sự phó tiền duyên.

風 波 等 事 付 前 緣。

Nhi kim nhi hậu hoàn tương đính,

而 今 而 後 還 相 訂,

Trùng chỉnh lan tương thiệp đại xuyên.

重 整 蘭 槳 涉 大 川。

(Nhàn Hoa Thi)

Việt Thao dịch:

Bỏ phăng ngày trước, kể chi ra

Sóng gió coi như chuyện đã qua

Xin hãy từ nay cùng đính ước

Chèo lan sửa lại vượt sông xa.

Dù còn biết bao bài thơ nữa hoặc bị thất lạc, hoặc đã cháy thành tro bụi như trường hợp vừa nêu trên, Hội Thơ Không Hẹn Mà Gặp với 15 bài thơ còn lưu lại, vẫn đủ bằng chứng cho thấy kế hoạch của viên Công sứ Nam Định thất bại hoàn toàn. Đã không thuyết phục, mua chuộc được nhóm sĩ phu tỉnh nhà, trái lại còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ hình thành một hội thơ chống chính quyền Bảo Hộ ngay nơi trung tâm hành chánh tối cao của Nam Định.

San Jose, ngày 10- 06- 1997

Bổ chính lần 2: 22- 01- 2010

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[3] Phần, Điển là tên gọi tắt của hai bộ sách “Tam Phần” và “Ngũ Điển” là những sách cổ của Nho học thời xưa.

[4] Sơn Đẩu: núi Thái Sơn và sao Bắc Đẩu. Núi Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông, nằm phía Bắc thành Thái An, nước Tàu. Núi cao, người xưa thường gọi là cột chống trời. Sao Bắc Đẩu còn gọi là Bắc Đẩu Tinh (北 斗 星) là một mảng sao gồm bảy ngôi sao tạo thành hình cái đẩu (tức cái đấu) và nằm ở hướng Bắc. Với hình dáng và vị trí của mảng sao này, một số nước gọi nó là sao Bắc Đẩu.

[5] Trong Văn Học Yêu Nước Và Cách Mạng Hà Nam Ninh, trang 262 và 318, chép là Phạm Phổ. Nhưng theo Quốc Triều Hương Khoa Lục, 4 người con trai của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đều lót chữ Đăng: Phó bảng Phạm Đăng Giảng (đỗ năm1865), các Cử nhân Phạm Đăng Hân (1867), Phạm Đăng Hài (1879), Phạm Đăng Phổ (1879).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

01/ CAO XUÂN DỤC; Quốc Triều Hương Khoa Lục, bản dịch của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1993.

02/ DƯƠNG KINH QUỐC; Những Sự Kiện Lịch Sử, Tập 1: 1858 – 1918; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.

03/ ĐINH XUÂN VỊNH; Sổ Tay Địa Danh Việt Nam; Hà Nội, nxb Lao Động, 1996.

04/ HUỲNH LÝ chủ biên; Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam, Tập IV (1858 – 1920), Quyển 1; Hà Nội, nxb Văn Học, 1984.

05/ NGUYỄN VĂN HUYỀN chủ biên; Văn Học Yêu Nước Và Cách Mạng Hà Nam Ninh, Tập 1; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.

06/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Toàn Thư (in lần thứ nhất, Sài Gòn, Thư Lâm Ấn Thư Quán, 1960); tái bản ở Glendale (CA), nxb Đại Nam, không ghi năm.

07/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, bản in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.

08/ VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM; Tên Làng Xã Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.