ĐÀM TRUNG PHÁP

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI

Đây là một tác phẩm văn học hấp dẫn mà tôi được hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương. Được xuất bản vào đầu năm 2020, cuốn sách 234 trang tựa đề Một lối đi riêng vào cõi thơ [1] là nơi tác giả Vĩnh Đào viết về 27 bài thơ Việt, Pháp, Anh, Hán “từ nhiều thời kỳ, từ nhiều chân trời khác nhau.” Tác giả đã căn cứ vào các bài thơ thế giới tự mình lựa chọn đó để giải thích – qua một “lối đi riêng” – tại sao chúng có giá trị đặc sắc, đồng thời mời độc giả cùng đi với ông trong một cuộc du ngoạn thi ca “vừa bổ ích, vừa thư thái, nhẹ nhàng.” Cùng chung một đam mê thưởng thức thi ca thế giới, tôi đồng tâm với hầu hết quan điểm về văn học của tác giả. Mục đích chính của buổi thuyết trình hôm nay là để tôi chia sẻ cùng quý vị một vài suy tư tương đắc của chúng tôi về thi ca. Tôi cũng xin nói thêm rằng chúng tôi không quen biết nhau trước buổi ra mắt sách hôm nay tại Viện Việt Học [2] và rằng chúng tôi cũng không có cùng một “gốc gác” hàn lâm vì tác giả Vĩnh Đào là một sản phẩm đại học Pháp, và tôi là một sản phẩm đại học Mỹ.

Cuốn sách trình bầy trang nhã, với giấy in nhẹ, khổ vừa dễ ôm ấp trong tay, và nỗ lực in ấn cẩn trọng không thấy lỗi đánh máy. Cụm từ “lối đi riêng” trong tựa đề là một lời mời lôi cuốn độc giả. Cái lối đi ấy vào cõi thơ của tác giả là một lối đi từ tốn để cảm nhận qua trực giác cái đẹp của thi ngữ, và đòi hỏi một nỗ lực trí tuệ để tìm hiểu bối cảnh của mỗi bài thơ liên hệ.

Đã có nhiều định nghĩa “thơ” là gì. Riêng tác giả đã mở đầu cuốn sách với một định nghĩa không một chút phức tạp khó hiểu nào: “Thơ là một hình thức văn chương rất hấp dẫn. Thưởng thức được một bài thơ hay đem lại một niềm vui thanh thoát, nhẹ nhàng, và cùng lúc thật sâu sắc.” Tôi mạn phép nêu ra thêm hai định nghĩa về thơ “để rộng đường dư luận.” Cái định nghĩa mà tôi cho là nên thơ nhất, mau thuộc lòng nhất (tuy rất phiến diện) là của tôi: “Thơ có thể chỉ là một lời nói ngắn gọn chứa chan đam mê xuất thần đúng cơ hội.” Dẫn chứng cho định nghĩa phiến diện của tôi là về Gustavo Bécquer, một thi sĩ lẫy lừng tên tuổi nhưng yểu tử trong trào lưu lãng mạn Tây ban nha. Gustavo có một cô bạn gái xinh như mộng say mê thơ chàng như điếu đổ. Một bữa thấy chàng đang tìm thi hứng trong vườn hoa, cô ngây thơ chợt hỏi: “Thơ là cái chi chi mà anh mê nó đến thế hả anh?” Nhà thơ đào hoa buột miệng trả lời cô ngay “Thơ … chính là em đấy” [3]. Và một trong số định nghĩa về thơ tôi cho là chính xác nhất là của nhà thơ Paul Valéry mà tác giả Vĩnh Đào đã chọn và chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt như sau: “Thơ là tham vọng của một bản văn mang nhiều ý nghĩa hơn, có nhiều nhạc tính hơn là ngôn ngữ thông thường có thể chuyên chở được” [4].

Hai đặc điểm của thơ được Paul Valéry minh bạch nêu ra là “nhiều ý nghĩa”“nhiều nhạc tính” hơn ngôn ngữ thông thường. Theo đó, thì (a) trực giác cảm nhận của người nghe cho thấy để diễn tả cùng một ý niệm thì thơ sử dụng ngôn ngữ một cách “tần tiện” nhưng tân kỳ với nhiều biểu tượng hơn là ngôn ngữ thông thường vừa “phí phạm” chữ nghĩa vừa không có gì mới lạ; và (b) trực giác cảm nhận thấy thơ khi đọc lên thì (theo lời tác giả, trang 218) “nghe du dương, êm tai, nhịp điệu hài hòa, quyến rũ.” Tôi xin chọn bài Đường thi thất ngôn tứ tuyệt “Phong Kiều Dạ Bạc” lẫy lừng danh tiếng của Trương Kế để chứng minh nó, dù chỉ dùng 28 chữ thôi, đã hội đủ cả hai điều kiện bất khả kháng của Valéry, như dưới đây:

“Một hành khách ngồi trong chiếc thuyền đang ghé bến đò Phong Kiều lúc nửa đêm. Nửa thức nửa ngủ trong một tâm trạng buồn, khách thấy trăng sắp lặn, nghe tiếng quạ kêu, cảm thấy lành lạnh vì trời đầy sương phủ. Cây phong trên bờ sông và ánh đèn từ một thuyền đánh cá chờn vờn trước cơn buồn ngủ. Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San. Tiếng chuông nửa đêm vang đến tận thuyền khách.” Đấy, quý bạn vừa đọc qua nội dung tôi hiểu theo “nghĩa đen” về tuyệt tác Đường thi mang danh Phong Kiều Dạ Bạc 楓 橋 夜 泊 (PKDB) của Trương Kế 張 繼. Vô số người Trung Quốc và ba quốc gia đồng văn Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đã coi PKDB (Tản Đà dịch thành Nửa đêm đậu bến Phong Kiều) là một trong vài bài được coi là hay nhất trong tổng số vài ngàn bài thơ Đường. Toàn bài thơ tứ tuyệt lẫy lừng ấy được ghi dưới đây bằng Hán tự nguyên thủy và bằng âm Việt-Hán, cùng với bản phỏng dịch sang thơ Việt của Tản Đà:

月 落 烏 啼 霜 滿 天 Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

 江 楓 魚 火 對 愁 眠 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

姑 蘇 城 外 寒 山 寺 Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

夜半 鐘 聲 到 客 船 Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi

Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co

Con thuyền đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Thời niên thiếu tôi từng được nghe cha tôi, một nhà nho rất ngưỡng mộ Đường thi, nhiều lần nhắc đến bài thơ này lúc trà dư tửu hậu. Và trong cuốn “Đường Thi” gồm 336 bài tuyển dịch được xuất bản năm 1950, dịch giả Trần Trọng Kim nhận định “PKDB hay âm điệu, ít khi làm được như thế” [5]. Mới đây, tò mò về lời phê tích cực của Cụ Trần, tôi đã vào Internet tìm một giọng ngâm PKDB xem sao. Thú vị thay, tôi đã được nghe cố nghệ sĩ Tô Kiều Ngân ngâm bài tứ tuyệt bất hủ này. Cảm khái dâng cao, tôi nghe đi nghe lại giọng ngâm họ Tô, và thấy Cụ Trần có lý quá!

Theo sự hiểu biết sơ đẳng của tôi thì âm điệu “hay” (hoặc “du dương trầm bổng”) trong thi ca phần lớn là do sự sắp xếp tài hoa thứ tự xuất hiện của các tiếng bằngtiếng trắc trong các câu thơ. Căn cứ vào các mức cao, thấp, trầm, bổng của 6 dấu giọng tiếng Việt – từ vựng ngữ học tây phương gọi là “tone levels and contours” – chúng ta có: (1) Tiếng bằng bổng [bb] (là các chữ không dấu) : ô, thiên (2) Tiếng bằng trầm [bt] (là các chữ mang dấu huyền) : đề, sầu … (3) Tiếng trắc bổng [tb] (là các chữ mang dấu sắc, ngã) : khách, mãn … (4) Tiếng trắc trầm [tt] (là các chữ mang dấu hỏi, nặng) : hỏa, tự … Như vậy, thi hào Trương Kế đã dùng 17 tiếng bằng và 11 tiếng trắc theo thứ tự sau đây để tạo nên âm điệu du dương trầm bổng cho PKDB :

Nguyệt (tt) lạc (tt) ô (bb) đề (bt) sương (bb) mãn (tb) thiên (bb)

Giang (bb) phong (bb) ngư (bb) hỏa (tt) đối (tb) sầu (bt) miên (bb)

(bb)(bb) thành (bt) ngoại (tt) Hàn (bt) San (bb) tự (tt)

Dạ (tt) bán (tb) chung (bb) thanh (bb) đáo (tb) khách (tb) thuyền (bt)

Hết tò mò về âm điệu du dương, tôi tiện thể … tò mò thêm về vài đặc điểm trong cấu trúc của PKDB và thấy rất bõ công cho mình. Tôi nhận thấy trong loại thơ thất ngôn tứ tuyệt của Tàu (chỉ được dùng 28 từ cho mỗi bài) và loại thơ haiku của Nhật (chỉ được dùng 17 âm tiết cho mỗi bài) – nói theo ngôn từ của nghề địa ốc ở Mỹ – thì quả thực “space is at a premium” ! Thi nhân phải hết sức dè sẻncô đọng chữ nghĩa thì bài thơ mới đủ chỗ chứa, nhất là khi làm thơ haiku. Tại sao vậy ? Vì tiếng Nhật là một ngôn ngữ đa âm tiết (polysyllabic) trong đó một từ có thể là vài âm tiết cộng lại – thí dụ chữ “quạ” (1 âm tiết) trong tiếng Việt thì là “karasu” (3 âm tiết) trong tiếng Nhật và là “wu” (1 âm tiết) trong tiếng Tàu. Ý tại ngôn ngoại là biệt tài của cả người viết lẫn người đọc thi ca Tàu và Nhật mà.

Các hình ảnh giản dị dùng làm biểu tượng (nguyệt, ô, sương) cũng như ý nghĩa ba mệnh đề độc lập cực ngắn (nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên) trong câu mở đầu của PKDB đều dễ đi thẳng vào tâm tư người nghe, người đọc. Quả thực, trong bất cứ một ngôn ngữ nào thì danh từ đứng làm chủ vị (nguyệt, ô, sương) cũng như động từ đứng làm ngữ vị (lạc, đề, mãn) cho một câu đều có thể kéo dài vô tận (trên lý thuyết), nhưng trong thực tế khả năng thần kỳ này của bộ óc loài người chỉ được sử dụng một cách tiết chế thôi. Vậy thì câu cực ngắn [Quạ + kêu] có thể kéo dài một cách tiết chế thành [Một bầy quạ đen xấu xí + đang kêu ầm ỹ trên đỉnh cây phong già]. Thêm nữa, vị trí kế cận (juxtaposition) của các cấu phần trong câu hoặc giữa các câu thơ được tận dụng để triệt tiêu các tiểu từ móc nối rỗng nghĩa (empty connective particles) như các liên từ và giới từ căn bản của cú pháp hoàn vũ.

Để thưởng thức trọn vẹn bài thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều hàm ý nêu trên, tôi đồng ý với tác giả là người đọc phải biết đến bối cảnh của nó. Thiếu sự hiểu biết này thì người đọc không biết rõ được : (a) Người khách ngồi trong thuyền là ai? (b) Tại sao bài thơ của người ấy nghe buồn bã thế? Và (c) chùa Hàn San và thành Cô Tô ở vùng nào bên nước Tàu? Tác giả Vĩnh Đào có câu trả lời (trang 43-46) rằng “Trương Kế là một thi sĩ thời Thịnh Đường, sống vào giữa thế kỷ thứ 8, dưới đời vua Đường Túc Tông […] Một ngày, sau khi trượt khoa thi tiến sĩ, trên đường trở về quê, ông ghé thuyền ở bến Phong Kiều, gần thành Cô Tô. Lúc giữa đêm, đang buồn, ông sáng tác bài Phong Kiều Dạ Bạc, về sau được xem là một thành tựu xuất sắc của Đường thi […] Cô Tô thuộc tỉnh Giang Tô, là tên gọi cũ của thành phố Tô Châu ngày nay. Vào thời Đông Châu Liệt Quốc, Ngô Phù Sai, vua nước Ngô, vào thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch đã xây đài tại đây cho Tây Thi ở. Vua say đắm sắc đẹp của Tây Thi, xao lãng chính sự nên cuối cùng bị Câu Tiễn diệt.”

Trong phần kết luận cuốn sách, tác giả nhấn mạnh (trang 233) “Người viết lời bình có nhiệm vụ chỉ ra những điểm đặc sắc của tác phẩm, những yếu tố nào gây cảm xúc cho người đọc, gợi ý một số hướng suy nghĩ để tìm thấy những ý tưởng chính.” Tác giả đã làm tròn “nhiệm vụ” này một cách nhất quán khi ông hướng dẫn bạn đọc theo một “lối đi riêng để khám phá và du ngoạn” trong cõi thơ của 24 thi sĩ [6] mà ông lựa chọn. Là một nhà giáo chuyên về ngữ học giáo dục (educational linguistics) trên 40 năm cho một số trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi thấy trọng tâm của “lối đi riêng” này gợi nhớ đến phương pháp sư phạm kinh điển để dạy văn học qua “giảng văn” (tương đương với “explication de texte” của học đường Pháp và với “close reading” của học đường Mỹ). Điều khác biệt là ở đây nó được Tiến sĩ Vĩnh Đào áp dụng một cách nên thơ và lôi cuốn hơn nhiều.

[ĐÀM TRUNG PHÁP 2020]

= = = = = = = = = = = = = = =

[1] Vĩnh Đào • Éditions lamson • 2020 Email liên lạc: dao.vinh@yahoo.fr

[2] Thuyết trình của Giáo sư Tiến sĩ Đàm Trung Pháp trong buổi ra mắt sách “Một lối đi riêng vào cõi thơ” của tác giả Vĩnh Đào tại Viện Việt Học (Little Saigon) ngày 8 tháng 3 năm 2020.

[3] “Poesía … eres tú” (Gustavo Bécquer).

[4] “La poésie est l’ambition d’un discours qui soit chargé de plus de sens, et mêlé de plus de musique, que le langage ordinaire n’en porte et n’en peut porter” (Paul Valéry).

[5] Tác giả có nhắc đến bài thơ “Khóc bạn Tản Đà” (trang 218) của một người bạn tên Thùy Thiên đọc trong tang lễ thi sĩ năm 1939. Trong bài thơ ấy có hai câu mộc mạc nhưng chí lý để ca ngợi thi tài của Tản Đà: “Văn chương đâu khéo ly kỳ / Đọc lên sướng miệng, nghe thì sướng tai. Lời ca ngợi ấy được làm chứng bởi 4 câu dưới đây trích từ bài thơ “Thề Non Nước” của Tản Đà, khi hòn non xót xa chờ mong lời thề trở về của dòng nước sông: “Non cao những ngóng cùng trông / Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày / Xương mai một nắm hao gầy / Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.”

[6] Bà Huyện Thanh Quan, Thôi Hiệu, Đoàn Thị Điểm, Trương Kế, Hồ Xuân Hương, Thôi Hộ, Tản Đà, Xuân Diệu, Doàn Phú Tứ, Charles Baudelaire, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Carl Sandburg, Vi Thừa Khánh, Trần Mộng Tú, Guillaume Apollinaire, Nguyễn Tất Nhiên, Đỗ Mục, Mai Linh, Robert Frost, Tuệ Sỹ, Nguyễn Bá Trạc.