LỊCH SỬ NHÀ NGUYỄN

NGUYỄN TƯỜNG TÂM

lược trích từ tác phẩm

CON RỒNG VIỆT NAM ⁃ BẢO ĐẠI

(Nguyễn Phước Tộc xuất bản năm 1990) 

BẢO ĐẠI VIẾT:

Gia đình tôi thuộc triều Nguyễn, có một gốc rễ lâu đời. Sử ký Việt Nam ghi rằng, cụ tổ viễn đại là Nguyễn Bặc, làm quan lớn dưới triều nhà Đinh. Nhưng sau thời gian dài dặc ấy, kể từ cụ tổ Nguyễn Kim sanh năm 1468, gia sử của dòng họ tôi đã trở thành Lịch sử quốc gia rồi. Từ Nguyễn Bặc cho đến Nguyễn Kim, đã qua mười ba đời kế tiếp.

Nguyễn Kim là viên võ tướng có tài dụng binh. Cụ được phong làm Tướng cầm quyền chỉ huy quân đội. Cụ là Trấn thủ tỉnh Thanh Hóa. Sau khi nhà Lê bị nhà Mạc tiếm ngôi, Nguyễn Kim tụ tập được hơn năm ngàn người và ba mươi con voi, để khôi phục nhà Lê. Mùa xuân năm 1533, cụ lập một người dòng dõi vua Lê tên Lê Duy Ninh lên làm vua.

Em út Nguyễn Kim là Tôn Thái có sức khỏe muôn người khôn địch. Khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, thì ông đang ở vùng Thái Nguyên và Cao Bằng. Nhưng khi nghe tin Nguyễn Kim đã lập thái tử Ninh làm Vua, ông liền bỏ về Thanh Hóa để khuông phò. Ổng đánh nhau với quân nhà Mạc luôn hai mươi năm. Khi dẹp xong phiến loạn, ông được phong cho đất Thái Nguyên và Cao Bằng.

Nguyễn Kim có ba con trai. Người con thứ hai là Nguyễn Hoàng, sanh năm 1525, rất thông minh và có tài thao lược. Vai hùm, lưng gấu, đầu rồng, mắt phượng, cả thân hình uy nghi như vị thiên thần. Càng lớn lên, càng nổi tiếng rực rỡ. Năm hai mươi mốt tuổi ông đã giết được họ Mạc ở ngay giữa trận tiền.

Nghe tin cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà tiên tri kỳ tài, ông liền sai sứ đến hỏi về tương lai. Thấy sứ giả, cụ Trạng Trình không nói, chỉ nhìn vào ngọn giả sơn trong hòn non bộ và lẩm bẩm: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Sứ giả về thưa lại với Nguyễn Hoàng. Hiểu được ý ấy, Hoàng nói với chị là Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm, lúc ấy cầm quyền nguyên soái cho vua Lê Anh Tôn, để xin cho vào trấn thủ tỉnh Thanh Hóa. Trịnh Kiểm cũng muốn ông đi xa cho khuất mắt, nên trình Vua Lê cho đi. Vua Lê chấp thuận. Ông phải lánh đi xa như vậy, vì sợ Trịnh Kiểm muốn mưu hại, như đã từng giết anh ông là Nguyễn Uông. Vào năm 1558, ông đem quân bản bộ gồm toàn những người thân tín, đến nơi trọng nhậm mới. Khi đến Thanh Hóa dân chúng đem dâng từng vò nước để quân sĩ giải lao. Viên đầu mục cho là triệu chứng tốt, bảo ông rằng: Tướng quân đến đây trọng nhậm mà được dân chúng đem nước dâng, đó là Trời muốn cho Tướng quân dựng được Nước vậy.

Kể từ đó trở đi, danh tiếng của Nguyễn Hoàng nổi như cồn, như có hào quang tỏa ra của bậc Vua Chúa.

Năm 1572, quân Mạc đem một đoàn chiến thuyền hơn sáu mươi chiếc vào đánh Thanh Hóa, ông đóng quân ở ven sông để cầm cự. Đến đêm nằm mơ thấy một bà tiên bảo rằng: “Phải dùng mỹ nhân kế để dụ địch đến nơi có tiếng vang trao, trao ta sẽ giúp cho”. Nguyễn Hoàng theo lời, cho người con gái đẹp tên gọi Ngô Thị đem vàng bạc đến xin cầu hòa với tướng địch, tên này mê thích và ưng thuận. Thế là không phòng bị, nên bị đảnh úp và bị giết. Xong việc, ông cho xây một ngôi đền ở nơi ấy để tạ ơn bà tiên.

Nhờ tài cai trị khéo léo, đức độ và công bình, dân chúng được an cư lạc nghiệp, thuyền bè ngoại quốc đến buôn bán yên ổn, đi lại như mắc cửi, nên địa hạt mỗi ngày một phồn thịnh. Một kẻ thân tín một ngày kia lại mơ thấy bà tiên đứng trên đỉnh núi gần Thanh Hóa, chỉ tay xuống phía dưới mà bảo rằng:

– Đây là huyệt đế vương, cần phải xây một ngôi chùa để yểm cho long mạch, thì đất sẽ phát nên đế nghiệp.

Kẻ tả hữu đem lời ấy trình với Nguyễn Hoàng, Hoàng liền tuân theo lời dạy của bà tiên, và xây ở đây một ngôi đền, đây là đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh, thuộc về Sòng Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mùa thu năm 1613, Nguyễn Hoàng cho gọi người con trai thứ sáu đến, trao cho một cẩm nang và bảo rằng:

– Làm trai phải biết giữ lấy cương thường là trung hiếu thuận hòa. Trung là trung với vua với nước, hiếu là hiếu với cha mẹ, còn thuận hòa là đối với anh em. Đây là giềng mối của đạo làm người. Đất nước ta, mặt bắc có núi Hoành Sơn, và sông Linh Giang, trấn giữ được đất Thanh Hóa và Quảng Nam, mặt nam có hai núi Hải Vân và Bỉ Sơn, tạo thành địa thế hiểm trở thiên nhiên. Rừng núi chứa nhiều mỏ, quặng từ mỏ vàng đến mỏ sắt, bể cả có nhiều hải sản, tôm cá và muối. Kẻ đại trượng phu phải biết tận dụng địa lợi này, mà thu, phục nhân tâm, thì có thể tạo nên đế nghiệp, truyền lại cho con cháu đến muôn đời.

Do thế, mới tìm đất có khí thiêng sông núi, để đặt kinh đô. Dựa lưng vào cửa bể, lấy núi Ngự Bình và sông Hương Giang làm tay ngai, lập kinh đô ở nơi núi sống cẩm tú ấy, và đặt cho tên gọi là Thuận Hóa, có nghĩa là nơỉ đất lành của hòa đồng, mà về sau gọi tắt là Huế.

Sau đó ít lâu, Nguyễn Hoàng chết thọ tám mươi chín tuổi.

Người con thứ sáu lên nối ngôi, vì bốn người anh ở trên đã chết cả, người thứ năm làm quan ở Bắc. Vị hoàng tử thứ sáu này sanh năm 1563 là con bà vương phi họ Nguyễn. Khi sắp sanh ông ra, bà nằm mơ thấy một người đem cho một tờ giấy viết đặt một chữ Phước.

Khi tỉnh dậy thì sanh hạ ông ra, nên bà muốn đặt tên cho con bằng chữ Phước.

Nhưng rồi bà nghĩ: “Nếu đặt riêng cho con tên là Phước, thì chỉ có một người tên Phước, chi bằng dùng chữ Phước làm chữ đệm, thì có thể có hàng nghìn, hàng vạn con cháu đều mang chữ Phước. Và giòng họ sẽ phồn thịnh đài đời”.

Vì thế, nên giòng họ của chúng tôi đều mang tên là Nguyễn Phước hết.

Đến năm 1620, Chúa Nguyễn Phước không chịu thần phục họ Trịnh đang cầm quyền miền Bắc. Họ Trịnh dựa vào danh nghĩa phò Lê, tìm cách đánh họ Nguyễn ở phương Nam, nhưng lần nào ra quân cũng đều thất bại, đành phải công nhận họ Nguyễn làm Chúa ở phương Nam, cắt đất từ sông Gianh phía trên Đồng Hới trở vào là thuộc về Chúa Nguyễn, còn từ đó trở ra thì thuộc Chúa Trịnh.

Mặc dù luôn luôn phải lo đề phòng quân Trịnh, các Chúa Nguyễn vẫn tìm cách bành trướng xuống phía Nam, nên năm 1674 đã tiến tới Sài Gòn, và năm 1693 thì cả nước Chiêm Thành bị sát nhập hẳn. Quyền hành của Chúa Nguyễn lan đến hết vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới Hà Tiên về thế kỷ mười bảy.

Cuộc Nam tiến bị đứt quãng do sự nổi dậy của anh em Nhạc Huệ nhà Tây Sơn, quê ở An Khê. Anh em Nhạc chiếm thành Qui Nhơn, và trọn đất của Chúa Nguyễn. Năm 1775, thì lẩy kinh đô Huế và năm 1778, chiếm hết Nam Kỳ. Chúa Nguyễn và người con trai cả bị giết chết.

Người cháu của ông tên gọi Nguyễn Ánh mới mười bảy tuổi được chọn kế vị. Chỉ có một dúm người, lại thiếu từ vũ khí đến lương thực, thủy quân bị tan nát, ông phải chạy từ đảo này sang đảo khác, trước khi tạm lánh vào bờ biển nước Xiêm, đầy nguy hiểm bất trắc.

Tại đây, ông gặp một vị thừa sai Gia tô giáo người Pháp, tên gọi Pigneau de Behaine, Giám mục Adran (tức Đức Cha Bá Đa Lộc). Trong tám năm, Nguyễn Ánh được Đức Cha giúp đỡ và khuyên nhủ, bàn bạc. Không thiếu gì các nước phương Tây muốn tận tình giúp đỡ vì Vương đang thất thế này. Anh Cát Lợi, Tây Ban Nha, Y Pha Nho và Hòa Lan, đủ cả. Những đề nghị của họ quá hấp dẫn, làm Nguyễn Ánh nghi ngờ, do ông rất quan tâm đến nền độc lập của quốc gia. Vì thế, nên không nhận. Điều ông mong mỏi, chính là muốn sự trự giúp của một cường quốc Tây phương, nhưng dưới hình thức đồng minh, chứ không phải chịu làm chư hầu của họ. Ông đã có quyết định vô cùng táo bạo. Trong lúc sống cô đơn ở Poulo Way vào năm 1778, ông cho vời Đức Cha Bá Đa Lộc đến ủy thác làm sứ thần sang cầu viện với Vua Louis đệ lục nước Pháp, hầu ký kết một hiệp ước đồng minh, và đem viện trợ về. Ông giao toàn quyền cho Đức Cha, đồng thời trao cả người con trai đầu lòng là Hoàng tử Cảnh sanh trong lúc phiêu bạt lưu vong, để cùng sang Pháp. Ngày 28 tháng 11 năm 1787 hiệp ước được ký kết ở Versailles. Nước Pháp thỏa thuận trao cho Nguyễn Anh một đoàn quân viễn chinh gồm bốn chiếc tàu chiến, và 1.500 binh sĩ, đủ cả bộ binh và pháo binh với đầy đủ súng đạn. Để đổi lại, nước Pháp được toàn quyền sử dụng cửa bể Đà Nẳng và cù lao Côn Sơn được độc quyền buôn bán hàng hóa Tây phương ở Nam kỳ, và trường hợp có tranh chấp giữa Pháp với nước Anh, sẽ được sự yểm trợ của binh lính Việt Nam cả bộ lẫn thủy, trong hải phận từ quần đảo Moluques đến eo bể Malacca.

Tuy nhiên, chẳng cần phải đợi đến lúc Đức Cha Bá Đa Lộc trở về, vì anh em Tây Sơn hiềm khích chia rẽ nhau, Nguyễn Ánh từ Bangkok trở về chiếm lại lấy Nam kỳ, và trong vòng hai năm đã làm chủ toàn thể miền Nam. Tháng ba năm 1789, ông ta đã có thể tới Vũng Tàu để đón con là Hoàng tử Cảnh và Đức Cha trở về, sau bốn năm xa vắng.

Cũng đáng buồn mà nói rằng, Đức Cha này đã không đưa được đoàn quân viễn chinh Pháp tới nơi, vì bị kẹt ở Pondichery. Nước Pháp đã không giữ trọn lời giao ước. Chỉ một dúm sĩ quan và vài người tình nguyện, mà Đức Cha đưa sang bằng tiền riêng của mình, theo Cha mà thôi. Những vị này đã dựng nên nòng cốt quí giá cho đạo quân mới thành lập của Nguyễn Ánh.

Kể từ năm 1790, Nguyễn Ánh lấy lại sơn hà. Sự khôi phục ấy mất cả thẩy mười hai năm. Trận đánh ở Qui Nhơn vào tháng bảy năm 1792 là trận quan trọng nhất vì thủy quân của Tây Sơn bị tận diệt.

Ngày 12 tháng 6 năm 1801 thì khôi phục được kinh thành Huế. Đạo quân của Chúa Nguyễn Ánh mạnh tới 107.000 người trên bộ, với những đại đội kỵ mã và những tiểu đoàn tượng binh, và 26.000 thủy binh gồm 450 tầu chiến và thuyền, được huấn luyện kỹ càng, và hành quân tuyệt diệu, làm cho Tây Sơn thua lụn bại. Đến năm 1802 thì dứt luôn cả nhà Trịnh ở Bắc kỳ và chiếm thành Hà Nội.

Mất mười năm mới bình định hẳn, tuy có lâu, nhưng vững chắc. Tất cả vùng đất nào thu hồi lại được, lập tức đặt ngay nền cai trị từ hạ tầng cơ sở, và cứ thế như tằm ăn dâu, đặt nền móng cho sự thống nhất từ Nam Quan tới Cà Mau. Chúa Nguyễn Ánh lên làm Hoàng đế lấy hiệu là Gia Long. Nước Xiêm phải để cho Cao Miên làm chư hầu của Việt Nam từ năm 1813, còn nước Ai Lao phải triều cống.

Là một nhà cai trị đại tài, sau khi thống nhất sơn hà lên ngôi Hoàng đế, ngài ban bố lệnh ân xá toàn diện, và kêu gọi sự hợp tác của các người có chân tài, thiện chí, và cho hoãn thuế ba năm.

Nền thống nhất được củng cố bằng quyền hành của chính phủ trung ương do chính Hoàng đế chỉ huy, và thể hiện rất tinh vi, từng chi tiết. Sự đo lường được thống nhất ở khắp nơi trong nước. Đúc tiền mới, hủy bỏ tiền Tây Sơn, mở nhà máy đúc tiền ở Hà Nội. Luật pháp được sửa đổi lại, và đồng nhất cho toàn quốc. Quân đội sau khi chiến thắng được tổ chức lại. Những sự canh tân ấy nhằm nhiều nhất đối với miền Bắc, vốn từ lâu sống ở ngoài hiến pháp của nhà Nguyễn.

Gia Long biết rằng muốn cho triều đại vững chắc, cần phải có nhân tâm. Bởi vậy, Ngài cho phân chia lại ruộng đất và cải cách việc điền địa.

Trong việc hành chánh, dùng tiếng mẹ đẻ làm tiếng quan thoại, và cuối cùng để đỡ gánh nặng cho dân chúng về việc đóng góp tế lễ trong những buổi hội họp ở thôn quê, Ngài tiết chế rất nhiều sự chi tiêu rườm rà và tốn kém.

Ngài lại cho cải tổ các lề lối về phong tục, tập quán chỉ có lợi cho bọn kỳ hào. Các quan lại bị canh chừng chặt chẽ, và ai phạm lỗi sẽ bị trừng trị nặng nề.

Việc bình trị các dư đảng của Tây Sơn còn chưa chịu ra hàng, Ngài kêu gọi họ ra đầu thú và chiêu hồi họ trở về để được an cư lạc nghiệp. Về phòng thủ đất nước, nhất là ở miền Bắc, các thành trì được củng cố mạnh mẽ, theo kiểu mẫu của Vauban (Đồ Bàn), như thành Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang v.v…

Ngoài ra, các thành thị đều được tu bổ với những đài kỷ niệm, những đình chùa miếu mạo… Thành Hà Nội rực rỡ bắt đầu từ triều đại Gia Long. Cuối cùng, đắp con đường cái quan đi suốt từ cửa ngõ Trung Hoa tới Cao Miên, dọc theo toàn quốc. Cho đến ngày băng hà, Hoàng đế Gia Long đã có uy tín rất lớn lao. Tình giao hảo với Pháp Quốc đã đem lại lợi ích cho Việt Nam không nhỏ.

Nhưng sự một số người ngoại quốc theo chân Cha Bá Đa Lôc đến giúp đỡ vua từ ban đầu, được phong cho những tước vị cao ở triều đình, đã tạo một sự ghen ghét ngấm ngầm, và gây khó khăn cho người kế vị không nhỏ.

Số là Hoàng tử Cảnh theo Cha Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, được cả triều đình Versailles có cảm tình, đã chết ngày 21 tháng 3 năm 1801, vào năm hai mươi mốt tuổi. Thế rồi sau đó, hai con của ông ta và bà vợ bị đầu độc chết một cách khả nghi mờ ám. Ngai vàng phải truyền lại cho người con thứ hai của vua Gia Long là Hoàng tử Hữu, trở thành Hoàng đế Minh Mạng.

Vua Minh Mạng ra mặt ác cảm với những người Pháp này, và các chiến hữu của Cha Bá Đa Lộc, nay bắt buộc phải trở về Pháp.

Ở Việt Nam nhờ có Vua Gia Long dễ dàng cho mọi hoạt động của tự do tôn giáo, và có người Pháp làm quan ở đấy, các nhà truyền giáo dựa hơi đó mà kéo đến Việt Nam để cắm dùi, và lập ra được nhiều cơ sở nhà chung quan trọng. Những cộng đồng đó gây cho triều đình nhiều vấn đề quan trọng. Bởi vì, các nhà truyền giáo không cho giáo dân được thờ phượng tổ tiên, coi là mê tín dị đoan. Thế rồi vì muốn củng cố vị trí của họ để được bền vững, họ xúi dân tranh giành quyền lợi về ruộng nương đất cát, đưa đến chỗ tan rã hệ thống hành chánh hạ tầng cơ sở làng, xã. Tóm lại, người dân chất phác sẽ không còn thể nhận định được đích xác đâu là quyền hạn của Vua quan, đâu là thuộc phạm vi tôn giáo. Bởi vì kẻ truyền giáo đặt giáo dân dưới sự lãnh đạo của một vị vua ngoại quốc, tức Giáo hoàng, từ La Mã xa xôi, đã ra lệnh bằng luật lệ riêng của nhà chung. Như vậy, bất cứ người Việt Nam nào theo đạo Gia tô cũng đều coi như bất trung với vua, với nước. Trước những hiểm họa làm băng hoại nền móng xã hội và chính trị của Việt Nam, cũng như về kinh tế, vua Minh Mạng liền ra một đạo dụ đã được giới quan lại dựa theo mạnh mẽ, gây nên sự đổ máu hàng loạt chẳng những cho giáo sĩ, mà còn kéo theo hơn năm mươi ngàn giáo dân Việt Nam nữa.

Vô tình, các giáo sĩ đã gây nên yếu tố ái quốc cực đoan ở Việt Nam mà họ không ngờ, có lẽ thế?

Mặc dù đã đóng chặt cửa cho sự xâm nhập của Tây phương, triều đại của vua Minh Mạng đã đánh dấu sự cực thịnh của nhà Nguyễn. Chính vào thời đại này, đất nước Việt Nam rất thịnh đạt. Tiếp theo các công nghiệp của vua cha, vua Minh Mạng cho kiến tạo nhiều đê điều, cầu cống, đường xá, đào sông, xẻ ngòi, chỉnh trang thành thị, khuếch trương hải cảng. Mặt khác lại bổ khuyết và hoàn hảo bộ luật Gia Long, cũng như sửa đổi nghi lễ đối với triều đình đặt ra quan chế theo thứ bậc rõ rệt. Trong mọi lãnh vực vua Minh Mạng đều tỏ ra khôn ngoan, sáng suốt.

Trong thời gian này, nước Việt Nam bênh vực các bộ lạc Lào đối phó với quân Xiêm La thường ăn hiếp họ. Sau cùng quân đội đã đóng đến ranh giới sông Cửu Long, và đặt nền đô hộ của Việt Nam ở Cao Miên.

Tôi đã tìm thấy trong thư viện của hoàng gia một bức địa đồ Việt Nam vẽ vào khoảng năm 1835. Đế quốc Việt Nam rộng từ biển Nam Hải vào sâu đến bờ sông Cửu Long, sát tới Miến Điện, bao gồm toàn thể nước Lào ở mặt tây bắc, nhiều tỉnh Xiêm La ở phía giữa và nước Cao Miên ở phía nam. Đây là Đại Việt Nam được tô cùng màu, từ biên giới Trung Hoa đến mũi Cà Mau, từ sông Đồng Nai sang đến tỉnh Dang-Rek phía tây, và đến đồng bằng sông Cửu Long. Tôi suy nghĩ rất lâu trước tấm bản đồ ấy. Bức địa đồ này đã nói gì, trong một thời gian đã qua của tổ tiên tôi? Phải chăng đây chỉ là một sự mơ ước, hay đó lại là điều cần thiết về chính trị và kinh tế cần phải thực hiện?

Vua Minh Mạng có tới một trăm bảy mươi người con, vừa trai vừa gái. Vì lo ngại về sau con cháu sẽ khó nhận ra nhau trong đám bá tính, Ngài mới đặt sẵn ra một mớ tên gọi theo thứ tự, cho hai mươi đời kế thế về sau có thể kế vị được Ngài. Tên gọi này là thể theo giá trị xa gần của giòng máu chính thống.

Hai mươi chữ này được khắc vào tờ giấy bằng vàng, được coi như giấy hộ tịch của hoàng gia ở Huế. Đó là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, mà câu đầu như sau: “Miêng, Hương, Ưng, Bửu, Vĩnh.” Có nghĩa là Sáng lạn, Hương thơm, Xứng ý, Giá trị và Huy hoàng.

Chữ cuối cùng Vĩnh là dòng của các hoàng thân thuộc dòng máu của ngành tôi. Vua Minh Mạng mất năm 1841. Thiệu Trị là con của Ngài tên húy là Miêng Tôn, lên nối ngôi. Ông là người hiền hòa, không cương quyết như vua cha, nhưng vẫn theo phép tắc của vua Minh Mạng mà cai trị. Triều đại của Ngài phải đương đầu trước tiên với phản ứng của Pháp tưởng có phen phải dùng đến vũ lực hay dọa nạt để can thiệp hầu bảo vệ các nhà truyền giáo, mà họ coi như là người của họ. Nhiều tàu chiến Pháp đã đến biểu dương lực lượng ở sát bờ biển nước ta từ 1843 đến 1847. Những sự can thiệp đó rõ rệt là không thể chấp nhận được. Hậu quả của nó càng chứng minh rằng Gia tô giáo chỉ là hình thức để che dấu ý đồ xâm lăng của ngoại nhân, mà cần phải chống lại hầu bảo vệ nền độc lập quốc gia.

Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, con là Hồng Nhậm lên nối ngôi, lấy hiệu là Tự Đức. Sự đụng chạm găng thêm mãi lên. Quân Pháp đổ bộ xuống Đà Nẵng vào năm 1858 với ý định tiến tới kinh đô Huế. Họ tưởng được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ sở giáo hội ở địa phương, nhưng những người này bất động. Vua Tự Đức kéo dài việc thương thuyết, nên năm 1860, quân Pháp trở về Tàu. Nhưng cũng trong năm ấy nước Trung Hoa của Tây Thái hậu nhà Mãn Thanh, ký với các nước Tây phương, hòa ước Nam Kinh, để chấm dứt chiến tranh nha phiến. Đoàn quân viễn chinh Pháp ở Trung Hoa được rảnh tay, kéo đến bờ biển Nam kỳ. Sau một trận chiến tranh tàn khốc, và sự kháng chiến mãnh liệt của quân đội Việt Nam trong suốt hai năm, quân Pháp chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, và ký một hòa ước vào ngày mùng 5 tháng 6 năm 1862, lấy các tỉnh Sài Gòn, Biên Hòa và Mỹ Tho và hòn đảo Côn Sơn làm thuộc địa.

Sự cắt đất này làm cho đất nước bị mất đi vựa lúa phì nhiêu, nên số lượng gạo không đủ cung cấp cho dân làm dân chúng đói khổ, về thương mại, cũng bị suy thoái do nước bị cô lập. Thêm vào đó, loạn lạc ở nhiều nơi, quân thổ phỉ Tàu quấy rối ở miền Bắc, ở biên giới Việt Hoa. Sự thất trận làm co sụm lại quân đội. Các đơn vị không đủ quân số cần thiết. Uy tín của hoàng triều không còn được mạnh mẽ, và quốc gia mất thế thượng phong đối với lân quốc là Vương quốc Cao Miên và các thổ địa Ai Lao. Sự tàn lụi của Việt Nam thật khó tránh được. Năm 1863, Cao Miên tự đặt dưới sự bảo hộ của Pháp.

Lợi dụng sự khó khăn của chúng tôi, người Pháp càng tiến sâu vào phía nam nhưng những tổ chức du kích kháng chiến của những nhà ái quốc Việt Nam dù tâm huyết đến đâu cũng không cản được bước tiến của họ. Để chấm dứt cuộc chiến đấu vô vọng này, viên Tổng trấn các tỉnh miền Tây Nam kỳ Phan Thanh Giản chấp thuận nhượng cho Pháp ba tỉnh phía tây là Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên. Sau đó, tự coi như bị nhơ nhuốc, Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử trước mắt gia đình và thuộc hạ.

Kể từ lúc đó, toàn thể Nam kỳ bị đặt trong vòng kiểm soát của người Pháp, ơ Bắc kỳ, một người tự xưng là con cháu của nhà Lê, kêu gọi nước Pháp tiếp tay. Dưới hình thức bảo vệ sự thương mại trên dòng sông Hồng Hà, một thương gia Pháp tên Jean Dupuis (Đỗ Phủ Nghĩa) vẫn dùng đường này để buôn bán với người Hoa ở tỉnh Vân Nam, quân Pháp ngày 20 tháng 11 năm 1873 đã bất ngờ, tấn công thành Hà Nội, làm cho viên Tổng đốc Nguyễn Tri Phương phải tự tử. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình Huế và Pháp ký một thỏa ước như sau: Pháp phải rút hết quân đội ra khỏi Bắc kỳ, ngược lại triều đình Huế phải công nhận xứ Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, đồng thời cho phép Pháp được buôn bán tự do ở ba thành thị lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Qui Nhơn.

Sự ngưng chiến này chỉ có một thời gian ngắn. Nước Pháp năm 1882 lấy cớ là triều đình Huế đã từ chối thực hiện một số điều kiện mới của Pháp vốn trái lại với hiệp ước ký năm 1874, Pháp liền tung ra cuộc tấn công mới. Nhờ ở vũ khí và chiến cụ tinh vi hơn, quân Pháp lại ngược sông Hồng Hà và tái chiếm thành phố Hà Nội. Quan Tổng đốc Hoàng Diệu, treo cổ lên một cành cây ở đồi Tam Sơn trong thành, về sau được gọi là “Đồi Trung Liệt.

Chĩu nặng bi thiết, Hoàng đế Tự Đức chết ngày 10 tháng 7 năm 1883.

Ngài chỉ định làm kế vị người cháu mà Ngài nhận làm nghĩa tử lên làm vua, tức vua Dục Đức, nhưng dưới sự áp lực của Pháp, triều đình truất phế ông vua này mới lên ngôi được ba ngày. Thay vào đó, người ta đem người em út của vua Tự Đức lên làm vua, lấy hiệu là Hiệp Hòa. Nhưng vì vị thiếu quân này không chịu chấp nhận những đòi hỏi mới của Pháp, Ngài cũng bị truất phế sau bốn tháng mười ngày lên làm vua. Ngài bị đánh thuốc độc chết vào ngày 30 tháng chạp năm 1883. Người ta chọn người cháu khác của vua Tự Đức lên làm vua, lấy hiệu là Kiến Phước, mới mười hai tuổi. Khi ấy quyền hành ở trong tay hai người là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Nguyễn Văn Tường làm phụ chính đại thần, dưới áp lực của Pháp, ký với Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884 một hiệp ước mới công nhận nền bảo hộ của Pháp đối với hai xứ Bắc và Trung kỳ. Chiếc ấn bạc của vua Gia Long trước kia nộp cho Trung Hoa, về đời vua Càn Long nhà Thanh, coi như chư hầu, được hủy bỏ công khai trước khi ký hiệp ước này. Chỉ có một sự trao đổi tượng trưng là trả về cho triều đình tỉnh Bình Thuận trước sát nhập vào Nam kỳ làm đất thuộc địa của Pháp, và trả hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh trước sát nhập vào Bắc kỳ, thì nay trả về cho Trung kỳ. Mực còn chưa ráo thì Hoàng đế Kiến Phước chết ngày 31 tháng 7 cùng năm ấy (1884).

Người anh của Kiến Phước lên kế vị, lấy hiệu là Hàm Nghi, cũng mới mười lăm tuổi. Chính quyền trung ương bị chia xẻ. Ngày 1 tháng 10 năm 1884, chính phủ Pháp đặt chức Khâm sứ để cai quản cả hai miền Trung Bắc lưỡng ký, đặt làm đất bảo hộ của Pháp.

Nước Pháp vẫn còn lằng nhằng đòi hỏi hơn nữa. Họ đòi triều đình phải cam đoan lại một lần nữa những sự cam kết với Pháp đã được ký kết trong hiệp ước trước. Trước sự tráo trở thiếu chân thành ấy, sự căm phẫn đã đến độ tột cùng của nó. Quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết liền đem Hoàng đế trẻ Hàm Nghi cùng một số lớn triều thần bỏ kinh thành đi trốn. Họ vào bưng. Ba năm sau, vua Hàm Nghi bị bắt trong vùng Quảng Trị và đưa đi đày ở Algérie vào năm mười tám tuổi.

Trong thời gian này, Hội đồng Cơ mật vẫn còn ở Huế, đã cùng với bà Hoàng thái hậu dưới sự nài nỉ của viên Khâm sứ Pháp, đã đưa người cháu cuối cùng của vua Tự Đức, lúc ấy mới hai mươi tuổi lên làm vua vào năm 1885 lấy hiệu là Đồng Khánh tức ông nội tôi.

Đó là một người thức thời, có nhiều khả năng, nhưng tiếc rằng đã không gặp thời, lên làm vua trong lúc quá khó khăn này. Thêm vào đấy, các vị quan giá trị trong triều thì ngán ngẩm không thiết gì đến công danh, quyền chức nữa, nên hầu như bỏ buông xuôi. Cũng không còn trông vào đâu về phía bên ngoài có thể trợ giúp được gì, Đồng Khánh muốn trở lại chính sách hợp tác với Pháp như dưới thời Gia Long cũ. Ngài mong như vậy có thể cứu văn được sự suy sụp của quốc gia, mà canh tân lên được.

Nhưng bị sự thôi thúc hầu như liên miên của chính phủ Pháp, Ngài đành phải nhượng bộ nhiều điều khoản của họ đưa ra, mà điều quan trọng nhất là đặt viên Toàn quyền cho toàn cõi Đông Dương.

Ban đầu thì nhiệm vụ của viên Toàn quyền chỉ hạn định ở chỗ phối hợp giữa các hoạt động của các viên Khâm sứ, Công sứ, nay biến ra thành nhiệm vụ của một kẻ cai trị trực tiếp và dứt khoát các đất đai thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.

Vua Đồng Khánh chết bất ngờ vào năm Ngài hai mươi bốn tuổi, năm 1889, ôm mối hận là dưới triều đại của Ngài, ngoài ý muốn, đã phải đưa toàn thể nước nhà vào ách đô hộ của nước Pháp.

Người kế vị Ngài là Hoàng đế Thành Thái, con của Quốc công Dục Đức, và là cháu gọi vua Đồng Khánh bằng chú ruột. Khi kế vị mới có lên mười tuổi. Triều đại của Ngài bị xáo trộn bởi các cuộc nổi dậy đánh du kích ở các tỉnh Bắc kỳ, kéo dài đến năm 1896. Lấy lý do đó, nước Pháp tăng thêm quyền hạn cho viên Toàn quyền Đông Dương trên khắp cái gọi là Liên minh Đông Dương, gồm ba nước Việt-Miên-Lào… Từ đó, viên chức cao cấp ấy có đầy đủ mọi cơ quan điều hành và có một ngân khoản lớn lao. Ông ta thu thuế, và các khoản về thương chính, bổ nhiệm các hàng Chánh phó Tỉnh trưởng, Chánh phó Quận trưởng, Viên Khâm sứ Trung kỳ; trở thành chủ tọa các phiên họp Hội đồng Nội các của triều đình; và tất cả các quyết định của bộ hay của chính ngay Hoàng đế cũng phải lấy phê chuẩn của công chức Pháp. Thành thử, dù Hoàng đế có là Thiên tử của thần dân, cũng chẳng có tí quyền gì.

Tuy nhiên, dưới thời Pháp, xứ sở cũng được mở mang ít nhiều, và nền kinh tế tương đối tốt đẹp. Nhiều công trình thủy lợi giúp cho nền nông nghiệp mở mang hơn trước rất nhiều, và sản lượng gạo khá thừa thãi, để có thể tài trợ cho các lãnh vực khác.

Thế nhưng, đối với số người Việt Nam, nhất là giới thượng lưu trí thức, nhà dù có đẹp đến mấy mà do người khác cai quản thì cũng chẳng quí hóa gì. Ai cũng mong độc lập và thống nhất. Người ta đặt niềm tin vào vua Hàm Nghi đang bị lưu đày ở Algérie, hay nghểnh trông những người đã chạy sang Tàu, sang Nhật. Trước đây, vào năm 1905, Nhật Bản đã thắng hải quân Nga ở eo biển Đôi Mã nên Nhật tung ra khẩu hiệu: Ngô Á Ngô Hoàng (Á Châu của người Châu Á).

Không ai dám nghĩ rằng nên theo gương nước Nhật, mà chỉ nghĩ canh tân xứ sở trước, dù với sự trợ giúp của Pháp, sau đó hãy nói đến chuyện chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Người ta nôn nóng chỉ nghĩ đến những chuyện chiến đấu và đánh du kích bằng gậy tầm vông. Nhiều hội kín được mọc lên. Họ có liên lạc với bọn người từng lưu vong sang Tàu hay sang Nhật. Hoàng thân Cường Để trước đây đã bỏ sang Nhật, nên nhiều thanh niên đã kéo nhau sang theo. Hoàng đế Thành Thái không muốn sự thất thoát nguồn nhân lực ấy, phải tỏ sự chống đối với nền đô hộ của Pháp. Mặc dù viên Toàn quyền Paul Doumer nhận định về Ngài đã ghi nhận rằng Ngài rất thông minh, và tự tin ở mình, nhà vua vẫn bị coi là mắc bệnh điên, để bắt buộc phải nhường ngôi, rồi bị đưa sang an trí ở đảo Réunion vào năm 1907, lúc ấy Ngài mới hai mươi tám tuổi.

Quen cái mùi lấn át ăn người đó, chính phủ Pháp lại dựa vào một thiểu số ở triều đình, để đưa người con của vua Thành Thái, lên nối ngôi lấy hiệu là Duy Tân mới lên bảy tuổi.

Loạn khắp mọi nơi. Nhiều phong trào nổi lên chống đối, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Pháp liền khủng bố, nhiều lãnh tụ của phong trào bị bắt đem đi đầy ở Côn Đảo. Trường đại học trước được mở ra dưới triều đại Thành Thái, nay bị đóng cửa hẳn. Nhân dân chống lại, và bỏ ra bưng. Tháng 10 năm 1911, nhà Thanh bị lật đổ, chính phủ Dân quốc Trung Hoa do Tôn Dật Tiên cầm đầu, làm cho những nhà cách mạng lưu vong, hay đang âm thầm hoạt động ở trong nước càng thêm phấn khởi và tin tưởng. Cho đến năm 1913, cảc hội kín này cho nổ ra nhiều vụ nổi dậy, nhiều vụ biểu tình, hay những cuộc ám sát, và khủng bố.

Trước tình trạng ấy, Pháp bổ một vị Toàn quyền mới là Albert Sarraut. Vốn là tay làm báo, dân biểu thuộc miền Trung nước Pháp, ông ta đã khôn ngoan biết cách chinh phục nhân dân. Ông tổ chức lại guồng máy cai trị thuộc địa khả quan hơn trước bằng cách ngăn chặn các cuộc lạm quyền, và thay đổi lề lối tham nhũng, cho mở cửa lại trường đại học, và mở mang ngành giáo dục công lập. Những biện pháp đó làm giảm bớt sự bất mãn, và đem lại an ninh trở lại. Đến nỗi rằng, khi Pháp có chiến tranh với Đức (kỳ Đệ nhất Thế chiến) vào năm 1914, hơn một trăm ngàn binh lính và thợ thuyền Việt Nam đã sang Âu Châu, để trả ơn cái gọi là mẫu quốc bảo hộ.

Tuy nhiên, các phong trào ái quốc, lợi dụng cơ hội này, nước Pháp đang bận ở Âu Châu, để tung ra sự rối loạn trong nhiều tỉnh lớn. Nhà vua vừa được mười sáu tuổi tưởng rằng thời cơ đã đến, liền rời khỏi cung điện, để ra bưng cầm đầu phong trào chống đối. Đáng buồn tay, công cuộc mưu đồ đại sự của Ngài chỉ vỏn vẹn được hai ngày, thì bị một toán lính khố xanh khám phá được chỗ ẩn. Thất bại từ trứng nước, ông bị đày sang đảo Réunion để gặp phụ hoàng Thành Thái ở nơi đó. Đó là lần cuối cùng của một ông vua trong hoàng gia đã thất bại cho mưu đồ phục quốc trong tay Pháp.

Triều đình nhận chân được rằng, trong những trường hợp như thế này, mà chống Pháp quả là vô ích. Vì vậy, mới tìm đến con của vua Đồng Khánh, vốn chủ trương thân Pháp như thời vua Gia Long cũ, để lập làm vua. Đó là cha tôi năm ấy đã ba mươi hai tuổi. Nhưng cha tôi, đã từng trông thấy sự tai tiếng về đầu triều đại của vua cha, khi nhận ngai vàng tự tay Pháp chỉ định, hơn nữa làm vua cũng chẳng có quyền thế gì nên người không mấy tha thiết. Mãi đến khi Đức Hoàng thái hậu, đích mẫu của người, tức vợ cả vua Đồng Khánh, thúc giục để cứu vãn danh dự gia đình, người mới nhận, và lên ngôi Hoàng đế vào năm 1916.

Năm sau, ông Albert Sarraut lại trở lại làm Toàn quyền Đông Dương. Trong hai năm liên tiếp, ông xúc tiến việc hợp tác giữa hai nước, nâng cao giá trị của người dân, nên được giới trí thức hoan nghênh, cộng tác chặt chẽ.

Đọc những đoạn cuối của trang sử này, với biết bao tình trạng bi đát, mà trước kia tôi hoàn toàn mù tịt, tôi vô cùng xúc động. Trong vòng chưa tới năm mươi năm, năm bậc tiên đế đã bị đi đày, hay bị truất ngôi, bốn vị đã chết trong mờ ám. Các vụ sôi động vẫn còn âm ỉ chưa tắt hẳn. Chưa nói đến Hoàng thân Cường Để đang hoạt động ở Nhật và ở Đài Loan. Đã có hai người anh họ là Bửu Trác trước từng là võ quan tùy viên của cha tôi, tự cho là có quyền kế vị Ngài, nhất là Bửu Đình luôn tìm cách để hạ tôi. Trong thời gian tôi du học ở Pháp, ông ta đã đăng những bài đả kích nẩy lửa. Bị bắt năm 1927, Hội đồng Tôn nhơn phủ đã kết ông ta về tội khi quân (chống lại Hoàng đế) chín năm khổ sai và giam ở Lao Bảo, đuổi ra khỏi hoàng gia, và chuyển sang giam ở Côn Đảo. Ông vượt ngục và bị bắt lại vào năm 1931.

Khi tôi từ Pháp trở về, việc thứ nhất là ra lệnh ân xá cho ông. Tiếc thay, lệnh này không thi hành được, vì ông ta lại trốn biệt, và không rõ về sau ra sao.