NGÓ LẠI LỐI HỌC TIẾNG ANH

THUỞ TRƯỚC VÀ ƯỚC CHI . . . [1]

Đàm Trung Pháp

https://2.bp.blogspot.com/-xjYmrSpXyu0/WAvFHs5S44I/AAAAAAAAvos/6lM_fQqL0o4weeviaIrr6Hid9oKLjNF6ACLcB/s400/image001.jpg

                                                   Nguồn các hình minh họa : The Internet

Thưa quý đồng nghiệp:

Nói về tiến trình chinh phục tiếng Mỹ thì đến nay tôi đã đi được một đoạn đường dài, kể từ khi tôi còn là một sinh viên năm thứ nhất “với khả năng Anh ngữ hạn chế” (with limited English proficiency) tại Miami University thuộc tiểu bang Ohio vào mùa thu 1959. Nhưng tiến trình này cũng là một cuộc phấn đấu trường kỳ, với những bước đầu khá vất vả. Và tôi rất hài lòng được thấy sự mê say học hỏi tiếng Anh cũng như vài ngôn ngữ khác đã đưa đường dẫn lối cho tôi trở thành một nhà giáo dục ngôn ngữ tại Đại Học Saigon trước năm 1975 và hiện nay tại Texas Woman’s University.

Tôi là sản phẩm của Trường Trung Học Chu Văn An, một cơ sở giáo dục công lập danh tiếng ở Saigon. Phương tiện dùng để giảng dạy các môn học tại đây là Việt ngữ, “ngôn ngữ xúc cảm” (emotional language) của đời tôi mà tôi sử dụng dễ dàng và an toàn nhất, chẳng phải lo chia động từ, dùng sai chữ, hoặc phát âm trật bao giờ ! Tôi đã học tiếng Pháp từ bậc tiểu học ở Hà Nội trước khi đất nước chia đôi vào năm 1954 và tiếp tục học sinh ngữ này đến tận năm chót trung học ở Saigon trước khi qua Mỹ du học. Nhưng tiếng Anh thì mãi đến khi lên trung học mới bắt đầu được khai tâm.

Văn hóa nước tôi thuở ấy quý trọng nhà giáo vô cùng, thành ra ít khi nào học trò dám phê bình thầy học của mình. Nhưng giờ đây (2001) nghĩ lại, tôi phải nói rằng các thầy dạy Anh văn của tôi thuở ấy thực thiếu chuẩn bị (tuy chẳng phải lỗi tại các thầy) – tiếng Anh lúc đó còn quá mới và quá xa lạ đối với người Việt chúng tôi. Các thầy cố gắng dạy chúng tôi, nhưng chính các thầy còn bị khó khăn với cách phát âm (pronunciation) cũng như sự lưu loát (fluency) khi các thầy đọc và nói tiếng Anh để làm mẫu cho chúng tôi theo. Hơn nữa, phương pháp của các thầy chỉ lưu tâm đến khía cạnh từ chương, gần như tất cả các hoạt động trong lớp chỉ chú trọng đến các quy luật văn phạm và khả năng dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại.

Mãi về sau, khi chuyên về ngữ học tại Georgetown University, tôi mới được biết lối dạy của các thầy tôi hồi đó có cái tên chính thức rất khả kính là “Phương Pháp Văn Phạm – Dịch Thuật (Grammar – Translation Method) ! Nhờ phương pháp này, khi xong trung học tôi thành một thông dịch viên Anh-Việt và Việt-Anh có hạng, viết tiếng Anh đúng văn phạm, và ít khi sai chính tả. Tôi không nói ngoa đâu, ở cái tuổi non nớt chưa xong trung học mà tôi, qua những bài học văn phạm Anh văn đã thuộc lòng như cháo, đã có thể định nghĩa, trình bầy công thức cấu trúc, và đưa ra thí dụ thế nào là thời “tương lai hoàn tất tiến hành” (future perfect progressive tense) trong tiếng Anh như một cái máy vậy. Đó là một tense mà chính những người Anh, người Mỹ chính cống cũng ít khi sử dụng, như trong câu “By this week-end, we ‘will have been living’ in Paris for two monthschẳng hạn. Nếu dùng từ ngữ chuyên môn của chúng ta ngày nay trong khoa ngữ học tâm lý (psycholinguistics) thì lúc ấy tôi, vô hình chung, đã sử dụng tối đa cơ phận mang tên “Monitor là cơ phận thứ ba trong ba cơ phận chính yếu để giúp trí tuệ học hỏi ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu dùng để kiến giải ý niệm “cơ quan ngôn ngữ” (language organ) trong bộ óc loài người do Noam Chomsky đề xướng. Cơ phận “Monitor” đã giúp tôi tự học (learn) một cách tỉnh táo (consciously) những luật lệ văn phạm, những từ ngữ tiếng Anh, nhưng đã không giúp tôi thủ đắc (acquire) được sự lưu loát trong việc sử dụng tiếng Anh. Tôi đã không có cơ hội được dùng cơ phận thứ hai mang tên “Organizer là cơ phận có trách nhiệm giúp học viên chinh phục sự lưu loát một cách thản nhiên (incidentally), như thể khi chúng ta thủ đắc sự trôi chảy trong tiếng mẹ đẻ. Còn cơ phận thứ nhất mang tên “Affective Filter có nhiệm vụ đứng gác cửa cho cơ quan ngôn ngữ để ấn định mức học hỏi nhiều hay ít căn cứ vào mức độ thúc đẩy (motivation level) của học viên thì đã cho tôi mức độ thúc đẩy tối đa rồi: cơ phận cảm xúc rất bén nhậy này biết rõ tôi mê học ngôn ngữ nên đã hợp tác hết lòng với tôi.

Nỗ lực chinh phục ngữ vựng tiếng Anh của tôi không đến nỗi vất vả lắm vì tôi đã biết tiếng Pháp, mà tiếng Pháp và tiếng Anh lại có chung nhau hàng chục ngàn những “từ ngữ cùng gốc gác” như “république” và “republic,” “congrès” và “congress,” vân vân. Cứ việc chuyển chúng từ tiếng Pháp sang là xong, miễn là cẩn thận lúc phát âm và đề phòng những “người bạn giả” (les faux amis), chẳng hạn “demander” không phải là “to demand” mà lại là “to request” ! Điều này chắc quý đồng nghiệp chuyên về giáo dục song ngữ cho các học trò có tiếng mẹ đẻ là Tây ban nha ngữ hẳn phải đồng ý với tôi rồi, và chúng ta đều biết rằng những “từ ngữ cùng gốc gác (las palabras afines) quả thực là một phước lành trong lớp học song ngữ, giúp chúng ta học ngữ vựng tiếng Anh thực mau chóng, mặc dù có một số ngoại lệ, như “constipated” tiếng Anh có nghĩa là “bị táo bón” trong khi “constipado” tiếng Tây ban nha lại có nghĩa là “bị cảm cúm.”

Tôi xong trung học vào mùa hè 1959, sau một kỳ thi cuối khóa rất vất vả do chính phủ tổ chức, gồm cả thi viết và vấn đáp, và đậu đầu ban sinh ngữ trong kỳ thi ấy. Rồi chưa kịp nghỉ ngơi gì cả, tôi và hàng trăm các học trò hiếu học khác lại tranh tài nhau trong một kỳ thi toàn quốc bằng tiếng Anh (tựa như SAT ngày nay) do chính phủ Saigon và cơ quan ViệnTrợ Hoa Kỳ (USAID) tổ chức để tuyển lựa 15 người đi du học Hoa Kỳ bằng học bổng quốc gia. Cho đến tận ngày nay, sự kiện tôi được lựa chọn đi du học Hoa Kỳ vẫn là một trong những niềm vui lớn trong đời, vì việc này đã làm cho gia đình tôi rất hãnh diện.

 

C:\Users\Phap Dam\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\images MIAMI.JPEG

 

Sau một vài buổi huấn luyện qua loa về văn hóa Mỹ và tiếng Mỹ đàm thoại tại Sở Thông Tin Hoa Kỳ tại Saigon, tôi được lên đường du học lúc 18 tuổi. Khi máy bay ghé Honolulu, tôi được rời máy bay vài chục phút, đi bộ trong terminal của phi trường cho dãn gân cốt. Chưa chi mà đã nhớ nhà đến muốn khóc! Và lần đầu tiên nghe những người xung quanh mình nói toàn … tiếng Mỹ, tôi cảm thấy “bất an” thế nào ấy. Vài ngày sau, tôi đã có mặt tại trường để kịp theo học khóa mùa thu. Miami là một đại học có campus đẹp như mơ ở Ohio, nhưng tôi thấy mình “lạc lõng như một kẻ lạ mặt trên thiên đường ! Tôi cũng nhận ra sự thực phũ phàng là tiếng Anh nói (spoken English) của người Mỹ bản xứ và tiếng Anh viết (written English) vốn là môn sở trường của tôi khác nhau một trời một vực. Tôi cũng lấy làm tiếc là những bài đàm thoại (dialogues) dài ngoằng giữa hai cá nhân A và B mà tôi đã học thuộc lòng để phòng khi hữu sự thực hoàn toàn vô ích, vì làm gì có người Mỹ nào đã cùng học thuộc lòng những bài đàm thoại ấy để áp dụng chúng với tôi đâu! Dùng thuật ngữ của khoa ngữ học tâm lý đương đại để mô tả trường hợp của tôi ngày đó thì cái Basic Interpersonal Communicative Skills (BICS) tức là “conversational English của tôi dở lắm, và cái Cognitive Academic Language Proficiency (CALP) tức là “academic English” của tôi cũng cần phải thăng tiến gấp gáp mới mong cạnh tranh nổi với các sinh viên người bản xứ cùng theo học ngành văn chương Anh-Mỹ như tôi.

 

 

Tôi “quê” đến nỗi không biết cách đối đáp ra sao mỗi khi các sinh viên Mỹ nói “hi!” Chắc hẳn họ đã nghĩ là tôi không thân thiện hoặc điếc hoặc câm ! Họ đâu có biết cho rằng tôi chưa bao giờ được dạy là “hi” cũng là một lời chào hỏi như “hello” vậy. Tiếng Mỹ của tôi những ngày đầu ở đại học là thứ tiếng Mỹ quá “cổ” (archaic), quá “hoa mỹ” (flowery), quá “bất tự nhiên” (unnatural), và do đó “không giống” tiếng Mỹ chút nào (totally un-American) ! Nó là sản phẩm của khả năng dịch thuật của tôi cộng với những từ ngữ cổ lỗ xĩ và văn phạm cao cấp không phù hợp với “spoken American English.” Nói theo lý thuyết ngày nay thì lối học tiếng Anh đó của tôi hoàn toàn là “phát minh cá nhân” (personal invention) chưa hề được đem ra so sánh với “quy ước xã hội” (social convention) tức là lối nói tiếng Anh chính cống của người bản xứ. Anh bạn cùng phòng của tôi mang tên Dick Welday là một người thân thiện và chân thật. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, anh nhận xét là tiếng Anh của tôi “very interesting.” Tôi biết anh là người tế nhị nên đã dùng uyển ngữ (euphemism) “interesting” thay cho tĩnh từ “weird” hàm ý chê bai. Chiều hôm đó, Dick dẫn hai người bạn Mỹ khác đến chơi với tôi (chắc hẳn anh ta đã nói với họ về thứ tiếng Anh lạ đời của tôi và muốn cho họ nghe thứ tiếng Anh đó). Sau khi giới thiệu họ với tôi, Dick khai mào, “Phap, please tell us about the weather in Saigon when you left a few days ago.” Dùng khả năng dịch thuật tôn trọng cú pháp tuyệt đối và những từ ngữ hoa mỹ cổ kính, tôi trả lời không ngượng ngập, “My dear friends, when I took leave of my beloved fatherland, the weather was scorchingly hot.” Tôi thấy họ ngạc nhiên, nháy mắt nhau, và tủm tỉm cười vì thứ tiếng Mỹ “không giống ai” của tôi lúc đó. Quá ngỡ ngàng, tôi yêu cầu Dick chuyển câu nói của tôi sang lối nói của anh thì anh buột miệng ngay: “When I left Vietnam, it was hot like hell!Trời ơi, tôi đã học ngay một bài học tiếng Mỹ quan trọng, đó là hãy dùng “leave” thay cho “take leave of ” và thành ngữ táo bạo “like hell” để diễn tả mức độ. Toàn là những điều hữu ích quá đi mà tôi chưa hề biết bao giờ! Câu của Dick nghe tự nhiên và mạnh mẽ hơn câu của tôi nhiều, phải không quý bạn?

Thời gian đầu tiên tại Miami quả thực là đầy thử thách cho tôi. Nhớ nhà, thèm cơm Việt Nam, không người tâm sự, và lo ngại không biết mình có thành công trong việc học hay không. Tôi cảm thấy như cá bị ra khỏi nước vì mọi chuyện xung quanh đều “đảo lộn” (topsy-turvy) làm tôi chới với vô cùng. Bỗng nhiên tôi thấy màu da, màu tóc, chiều cao, trọng lượng, và giọng nói của tôi đều không giống người bản xứ. Theo ngôn ngữ chuyên môn ngày nay thì lúc đó tôi là nạn nhân của “xung đột văn hóa” (culture shock) tức là giai đoạn khốn khổ nhất trong “tiến trình cố gắng hòa hợp với môi trường mới” (acculturation). Đang là nạn nhân của culture shock thì học hành khó lắm, chắc là một số quý đồng nghiệp cũng đã có kinh nghiệm này rồi, đúng không?

Những tuần lễ đầu tiên trong lớp học quá vất vả. Tôi chưa quen nghe tiếng Mỹ của các giáo sư cho nên việc tôi cố gắng ghi chép lời giảng của các thầy là một điều thảm bại. Mỗi khi các thầy viết lên bảng điều gì là tôi sáng mắt ra và chép lấy chép để. E ngại làm sao mỗi khi phải vô thư viện nhà trường kiếm tài liệu làm “term paper,” vì từ bé cho đến lúc ấy tôi đã đi thư viện với mục đích cao cả như thế lần nào đâu! Cái term paper đầu tiên của tôi trong lớp English Composition là một bài học để đời, đó là “cách chấm câu (punctuation) tiếng Anh vô cùng quan trọng.” Bài luận văn ấy tôi đã viết rất kỹ về đủ mọi phương diện, trừ phương diện chấm câu. Khi thấy con “D” bằng mực đỏ trên bài viết, tôi thất kinh, vội hỏi ông thầy sau giờ học về lý do của sự thất bại. Ông cho biết là tôi “phải tôn trọng luật chấm câu tiếng Anh” và khuyên tôi nên tìm hiểu và thực tập thật nhiều về lãnh vực này. Cho tới lúc ấy, chưa ai dạy tôi về cách chấm câu của người Mỹ, cho nên tôi sử dụng lối chấm câu tiếng Việt khi viết tiếng Mỹ, gây ra sự thảm bại học vấn đầu đời ở đại học! Nào là mắc lỗi “lạm dụng dấu phết” (comma splices), nào là “viết câu không ngừng chạy” (run-on sentences)! Nghe lời khuyên của ông thầy, tôi đã bỏ nhiều thì giờ để học thuộc lòng và thực tập áp dụng các “punctuation rules” cho nhuyễn. Thuở ấy có lẽ vì các giáo sư Mỹ của tôi chưa bao giờ biết đến môn tu từ học đối chiếu (contrastive rhetoric) cho nên họ không “nương tay” chút nào với các lối hành văn lỉnh kỉnh, các lối chấm câu kỳ dị của sinh viên ngoại quốc khi viết tiếng Anh. Sinh viên ngoại quốc chúng tôi lúc đó đúng là “nạn nhân” của khác biệt văn hóa và ngôn ngữ và chỉ còn biết tự trách mình.

Một vấn đề nữa rất lớn với tôi là người Mỹ sử dụng quá nhiều “đặc ngữ” (idioms) mà ý nghĩa không thể đoán được trong ngôn ngữ thông tục hàng ngày (colloquial language) của họ. Tôi có khuynh hướng đoán ý nghĩa của các đặc ngữ ấy theo nghĩa đen (literally), và thường là trật đường rầy, vì làm sao mà tôi có thể hiểu “break a leg” lại có thể là một lời chúc “good luck” hoặc “to kick the bucket” là cách nói lóng cho “to die”? Còn nhớ có lần tôi tới thăm cô bạn học người Mỹ mà tôi rất mến vào một buổi sáng sớm chủ nhật tại ký túc xá (dormitory) của cô, nhưng chẳng thông báo trước gì cả, kiểu Việt Nam mà. Lisa ra gặp tôi tại phòng khách, có vẻ không vui, và trông không xinh tươi như mọi ngày tại lớp học, vì chưa kịp trang điểm. Thiếu phấn son, mặt nàng xanh xao vàng vọt quá. Nàng nói ngay với tôi: “Phap, I wish you had given me a ring before you came this morning!” Tôi tưởng nàng muốn tôi phải đốt giai đoạn trong cuộc tình đang chớm nở nên thơ giữa chúng tôi nên tôi đã ngây thơ trả lời: “Lisa, we are both only 18, why do we need to get engaged at such a young age?” Biết tôi đã hiểu lầm câu nói nên Lisa vừa cười vừa “dạy” tôi rằng: “Phap, don’t be silly! What I meant was simply that ‘you should have telephoned me’ before you stopped by this morning!” Lisa là người đã làm mẫu cho tôi rất nhiều về cách sử dụng colloquial American English và cũng kiên nhẫn giải thích cho tôi nhiều điều về văn hóa Mỹ như thế nào là Valentine’s Day, thế nào là Homecoming, thế nào là Dutch treat, vân vân. Cái “kiến thức bối cảnh” đó (mà ngày nay chúng ta gọi chung là schemata) về văn hóa Mỹ rất là quan trọng và bổ ích cho kiến thức mới của tôi. Tôi nợ nàng một ân huệ rất lớn về kiến thức. Qua kinh nghiệm sống rất may mắn đó, tôi thấy muốn giỏi một ngoại ngữ, chúng ta nên có một người bạn tâm tình khác phái nói thứ tiếng đó như ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là vị giáo sư hữu hiệu, kiên nhẫn, khả ái nhất, và khi thực tập thứ tiếng ấy với người bạn ấy chúng ta không e ngại chút nào. Đôi chút tình cảm ướt át cũng có lợi chứ! Lại dùng ngôn ngữ chuyên môn thời nay, qua những câu chuyện “trên trời dưới đất” của tôi với Lisa ngày này qua ngày nọ, tôi đã chuyển dần dần cái “personal invention” về tiếng Mỹ của tôi sang phía “social convention” mà Lisa là một đại diện đáng yêu.

Nhiều đồng nghiệp có kinh nghiệm dạy ESL mới đây tại các quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã thấy lối dạy “grammar-translation” chưa chết hẳn tại những nơi đó. Các học trò vô tội ấy đang trải qua những điều tôi trải qua cách đây hơn bốn chục năm, và một số không ít các học trò ấy đang ở trong các trường trung học và đại học của tiểu bang Texas chúng ta. Chúng ta phải làm gì bây giờ để giúp họ được phần nào?

Thưa quý đồng nghiệp, vì khi ngó lại kinh nghiệm cũ cái nhìn của chúng ta thường là rất tinh tường, tôi đề nghị chúng ta hãy làm cho họ những điều mà chính bản thân tôi giờ đây ngó lại lối học tiếng Anh “bất cập” thuở trước – ước chi đã được hưởng. Chúng ta hãy cảm thông nỗi cô đơn và “mối e ngại bất trắc” (vulnerability) của họ và trở thành những người “hỗ trợ tinh thần và bênh vực họ” (advocates), nhất là khi thấy họ đang vật lộn với sự hành hạ của culture shock. Mỗi bài học của chúng ta cho họ đều nên có những hoạt động để giúp họ thăng tiến cả tiếng Anh đàm thoại (BICS) lẫn tiếng Anh hàn lâm (CALP). Giúp họ thăng tiến BICS qua việc thực tập vui vẻ các “chức năng ngôn ngữ” (language functions) phổ cập như chào hỏi, chúc mừng, tạ lỗi, khước từ một lời mời, diễn tả sự đồng ý kiến hoặc sự bất đồng ý kiến, vân vân. Giúp họ thăng tiến CALP bằng cách dạy họ các “từ ngữ chuyên môn,” các “cấu trúc đặc thù” của các bộ môn khác nhau như khoa học, toán, và khoa học xã hội. Chẳng hạn, trong toán học, các từ ngữ như “quotient, square root, least common denominator” hoặc các cấu trúc như “five times as high”“x is defined as a number greater than 9” đều là những điều mà chúng ta bắt buộc phải giúp họ quán triệt. Giúp họ mở mang kiến thức (schemata) về nếp sống Mỹ. Đừng quên đề cập đến văn hóa và nếp sống của họ trong các bài học tiếng Anh; khuyến khích họ nói và viết về văn hóa, về quê hương của họ bằng tiếng Anh là một phương tiện tuyệt vời để họ lấy lại niềm tự hào dân tộc, một yếu tố quan trọng để thành công nơi học đường. Viết vào “nhật ký đối thoại” (dialogue journal writing) phải là một hoạt động liên tục cho họ, và chúng ta phải viết “đáp lễ” vào nhật ký của họ; họ sẽ trân quý và học hỏi được rất nhiều từ những câu chúng ta viết trực tiếp cho họ: chúng ta cho họ nhìn thấy social convention từ cách viết đúng chính tả, cách dùng chữ, cách chấm câu, và cách sử dụng cú pháp của một người bản xứ có học. Chớ quên cắt nghĩa các “idioms” thông thường trong tiếng Mỹ, và lâu lâu trắc nghiệm lại xem họ còn nhớ hay quên.

Hướng dẫn họ cách áp dụng “tiến trình viết luận văn (the writing process) để tránh những lỗi gây ra bởi các “khác biệt tu từ học” (rhetorical differences), như lối viết quanh co kiểu ngoại quốc thay vì lối viết thẳng như một mũi tên của người Mỹ, hoặc lối chấm câu “văng mạng” không theo quy luật nào thay vì lối chấm câu đã tiêu chuẩn hóa và bắt buộc phải tuân theo của người Mỹ. Đừng trừng phạt họ vì những lỗi lầm họ lỡ chuyển sang tiếng Mỹ từ ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ (errors caused by negative transfer). Quả thực, chúng ta nên có một kiến thức khái quát về “contrastive rhetoric” để chúng ta có thể giúp đỡ họ hữu hiệu hơn trong lớp học.

Tiểu bang Texas chúng ta, cũng như mọi nơi khác trên đất nước vĩ đại này, càng ngày càng đông các học trò chưa thông thạo tiếng Anh, và do đó, vai trò của chúng ta, các nhà giáo dục ngôn ngữ, cũng càng ngày càng quan trọng hơn. Tạm biệt quý đồng nghiệp với một châm ngôn rất chí lý của người Trung Hoa về giáo dục: “Liáng shi xing guó” [2] nghĩa là “Good teachers make the country prosperous.”

CƯỚC CHÚ

[1] Nguyên-tác là “keynote speech” với tựa-đề “Hindsight of an English language learner” của tác-giả tại hội-thảo giáo-dục mùa hè thường-niên do Bộ Giáo Dục Texas tổ chức ngày 28-6-2001 tại thủ phủ Austin. Khi ấy tác giả là một associate professor of linguistics tại Texas Woman’s University.

[2] 良師興國 = lương sư hưng quốc.

[ĐTP 2011]