CHƯƠNG 02

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THỨC 

CỦA SỰ ĐÍNH GIẢI

Chính vì 5 lẽ nêu lên trong Chương 01 của cuốn sách này mà Truyện Kiều đã bị người sau hiểu lầm khá nhiều; tôi rất e sợ cho giá trị vô song của viên ngọc văn chương này có thể bị tổn thương nhiều vì những hiểu lầm đó, nhất là đối với tầm mắt tinh tế của các nhà khảo cứu cổ văn ở Âu-Mỹ đang ngưỡng mộ Truyện Kiều và tìm hiểu thêm cái hay, cái đẹp trong đó. Bởi vậy tôi phải đành liều không quản học lực nông cạn, tư tưởng suy quẩn, không sợ tiếng chê cười, mà mạo muội cố công tìm cách xóa bớt những hiểu lầm ấy đi, cho người khảo cứu được bớt mọi điều thắc mắc và việc tìm hiểu được dễ dàng hơn, và cho người thưởng thức truyện Kiều được dễ hiểu thấu hơn ý nghĩa của những câu văn “hàng hàng gấm thêu” này đẹp như thế nào.

Tôi sở dĩ làm tạm được việc này là nhờ còn được một quyển Truyện Thúy Kiều do hai ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ xuất bản (trong đó có nêu qua một số chữ và câu di động ở các bản khác) và may tôi còn nhớ được ít điều đã khảo cứu được khi trước, mặc dù ở nơi trơ trụi sách vở này. Công việc đính giải [訂解] như thế nào, nghĩa là việc so sánh các chữ, các câu khác nhau để tìm lấy một chữ hay một câu chính đáng nhất mà cải chính lại chữ hay câu sai lầm như thế nào. Tôi xin kể đại khái như sau đây:

Khi gặp những trường hợp mà mỗi bản in một chữ, hay một câu khác nhau, thì phải suy xét, cân nhắc rõ kỹ mà lựa lấy chữ nào đúng ý đúng nghĩa nhất ở trong câu, hay một câu nào hợp tình hợp ý nhất ở trong đoạn. Sự suy xét này cũng hơi khó vì các bản Kiều đều thường được chữ nọ, sai chữ kia, không chắc cứ nhất định vào một bản nào được. Nhà xuất bản nào mà chẳng khoe rằng bản của mình là theo đúng bản cổ! Thí dụ chữ “ngẫm” hay “ngắm” ở câu 147 “Trông người lai ngẫm đến ta” ở bản ông Kim thì để là “Trông người lại ngắm đến ta.” Tôi cho là “ngẫm” đúng hơn “ngắm” nhiều, vì Kiều thấy tướng Kim Trọng tốt quá – “chẳng sân ngọc bội, cũng phường kim môn”– thì nàng lại nghĩ đến tướng nàng có người thầy tướng đoán xấu quá – “nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa” – mà nàng lo rằng không biết có kết duyên với chàng được chăng? Chữ “ngẫm” nó khẩn thiết một mạch với chữ “nghĩ” chữ “nhớ” ở hai câu 411 và 413 trên và ý lo âu ở câu 416 dưới: “Một dày một mỏng biết là có nên”. Còn chữ “ngắm” thì đã không ăn nghĩa gì nỗi lo của nàng, lại không hợp với chỗ này, vì nàng có ngắm lại tướng nàng lúc này đâu. Bởi vậy chữ “ngắm” kém phần thâm thúy, không bằng chữ “ngẫm.”

Cả cách lựa chọn các câu, tôi cũng cố ý cân nhắc cẩn thận như vậy để kén lấy câu thật đúng lý đúng chỗ như vậy. Trường hợp một chữ nôm sao chép lầm hay khắc in sai thành ra vô nghĩa, mà người sau suy nhận không ra, bèn đổi ra chữ khác không sát với nghĩa trong câu, hoặc sửa đổi bừa mấy chữ khác, thành câu đó không ăn nghĩa với đoạn đó. Gặp những trường hợp này, tôi phải nhận cho rõ ý nghĩa bao quát của cả đoạn, rồi nhận xét xem những chữ nào đáng chú ý nhất trong các câu dị đồng đó là đem ra phân tích suy nghĩ lấy mọi hình thức biến chuyển từ sự sai nọ đến sự sai kia, mà tìm thấy chữ ý hay nghĩa đúng với cả câu lẫn lộn đó. Thí dụ như chữ “đọt [稡]” trong câu 582 thợ in khắc lầm ra “giọt [湥]”: “Rã rời đọt liễu, tan tành cội mai”; và chữ “lựa [攄]” lầm ra “lừa [驢]” trong câu 3072: “Khuôn thiêng lựa lọc đã đành có nơi”.

Vì chữ nôm có nhiều chữ đọc được thành 2, 3 tiếng Việt, nếu người phiên dịch Truyện Kiều nôm ra quốc ngữ mà không để ý suy nghĩ cẩn thận thì dịch dễ sai lầm. Bởi vậy các bản Truyện Kiều quốc ngữ thường lắm chữ sai. Thí dụ: chữ [脱]có thể đọc là “thoát”, là “thoắt”, là “thoạt”. Trong câu “Thoắt [脱] mua về, thoắt [脱] bán đi” ông Trần Trọng Kim dịch [脱] là “thoắt” thì thật đúng; nhưng trong câu “Thoạt [脱] trông nhờn nhợt màu da” và trong câu “Thoạt [脱] trông nàng đã biết tình” mà ông dịch là: “Thoắt [脱] trông nhờn nhợt màu da” và “Thoắt [脱] trông nàng đã biết tình” thì thật là lầm lẫn.

Có nhiều chữ nôm do tiếng chữ Hán chuyển sang tiếng Việt, tuy đọc hơi khác nhau, thường người ta vẫn lẫn lộn. Thí dụ như chữ [膠] giao là chất dính, ta nói keo sơn gắn bó để chỉ đôi bạn thâm giao, tức là câu chữ Hán nói [膠 漆 之 固 = giao tất chi cố = gắn chữ bền như keo sơn]. Ta nói “keo loan” tức là [鵉 膠 = loan giao = keo nấu bằng xương chim phượng]. Chỉ khác là: khi nói tiếng Hán chữ giao ở dưới: Loan giao, nhưng khi nói tiếng Việt thì chữ keo ở trên: Keo loan. Vậy câu “Keo loan chắp mối tơ thừa cậy em” được cuốn truyện Thúy Kiều dịch “Giao loan chắp mối tơ thừa cậy em” là sai ngữ pháp.

Chữ [惜] tích Hán chuyển ra tiếng Việt là “tiếc” trang 90; chữ này có bản Kiều để là: “Nào người tích lục tham hồng là ai.” Lại có bản đề là: “Nào người tiếc lục tham hồng là ai”. Đành rằng đều không sai cả, nhưng tôi thiết tưởng để chữ “tích lục” hơn là để chữ “tiếc lục” vì hai chữ “tích lục” đều thuần túy là chữ Hán cả, nghe thuận tai hơn.

Lại như chữ “trầm” tức là do chữ “[沈] trầm Hán” chuyển ra, nhưng trong câu 2963 “Nàng đà gieo ngọc chìm châu” mà trong cuốn truyện Thúy Kiều để là “Nàng đà gieo ngọc trầm châu” thì đã sai văn pháp, chữ trầm châu là hai chữ Hán, đi với chữ gieo ngọc là hai chữ Việt đã không luyện, mà nghĩa lại mập mờ để lẫn với hai chữ “[沈 舟]” trầm châu là đánh chìm thuyền xuống mà chết.

Nói tóm lại: Truyện Kiều nghĩa lý rộng sâu, lời văn ngắn gọn đã rất khó hiểu rõ, khó giảng giải, lại các bản nôm cũ thì người sao chép lầm dần, thợ khắc in sai vụng, các bản quốc ngữ thì người dịch không chịu khó suy nghĩ đích đáng, phiên âm bừa bãi để xuất bản và phổ biến. Thế là Truyện Kiều đã giảm mất đôi phần hay đẹp, nhât là đối với các nhà khảo cứu ngoại quốc. Bởi vậy tôi phải ngậm lời biểu lộ, trước khi không quản tài hèn ra công giảo đính và chú giải. Dưới đây tôi xin trình bày những cách thức chú giải để giúp độc giả được dễ hiểu và dễ nhớ Truyện Kiều hơn:

Tổng số 3254 câu thơ trong Truyện Kiều được chia làm 25 chương và chú giải riêng chương nào ngay dưới chương ấy để dễ tra khảo. Mỗi chương có 6 phần sau đây:

1 – Phần chính văn.

2 – Phần đính chính và xác định.

3 – Phần chú giải và dẫn điển.

4 – Phần diễn giải ra văn xuôi.

5 – Phần nêu ra những chữ hay câu có ý móc nối hay có ý thở than hoặc mỉa mai đời.

6 – Đôi khi có thêm phần mấy lời nhận xét phanh phui thâm ý tác giả ký thác tâm tình.

Phần chính văn

Phần chính văn có ghi rõ số từng hai câu lục bát và có đánh dấu những câu có chữ đính chính và những chữ sẽ chú giải ở ngay dưới phần chính văn. Phần chính văn viết rõ ràng cẩn thận vào trong khung kẻ riêng để dễ tìm dễ đọc. Trên mỗi phần chính văn, tôi có đề thêm 3 câu 4 chữ đối, tóm tắt đại khái sự tích trong đoạn để độc giả dễ nhận và dễ tìm dễ nhớ.

Phần đính chính và xác định

Trong phần này tôi sẽ nêu rõ những chữ sai theo hình chữ nôm để làm bằng cứ mà suy xét mọi lẽ biến chuyển sai dần ra chữ vô nghĩa, rồi suy xét ngược lại thấy chữ hình dáng tương tự mà nghĩa hay ý hợp để đính chính lại, chớ không khi nào dám tự ý đột ngột đổi hẳn ra chữ khác, trừ khi gặp những chữ tôi đã đích xác trông thấy trong một vài bản Kiều nôm cũ xưa. Thí dụ như câu 367 “Một tường tuyết ủm [黯] sương che”: Tôi theo chữ điểm [點] suy ra được chữ ủm [黯], chứ tôi không đột ngột sửa đổi bừa bãi ra chữ khác như: “tuyết trở sương che” hay “tuyết đón sương che” như các bản khác. Lại như câu 1181, bản Kiều nôm của ông Vũ Trinh thì in là: “Phỉnh người giẩy xuống giếng thơi”; bản Kiều ông Kim thì in là: “Đem người giẩy xuống giếng thơi”; lại có bản in là: “Lừa người giẩy xuống giếng khơi”. Tôi nghĩ chữ phỉnh [𠶏] nôm (gồm có chữ khẩu [] miệng bên cạnh chữ bỉnh [秉] tán tỉnh) là đúng lắm, vì sát nghĩa với câu dưới: “Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay” và ở trên thì sát nghĩa với câu Sở Khanh phỉnh tán lấy lòng Kiều: “Giá đành dưới nguyệt trong mây / hoa sao hoa khéo đọa đầy mấy hoa”. Nhưng có lẽ vì người phiên âm đầu tiên không hiểu ý nghĩa chữ phỉnh là hay là đúng, mà lại cũng không biết tiếng phỉnh nên mới dịch bừa là “đem”, là “lừa” cho xong lần. Ai cũng thấy chữ “đem” thì thật không sát nghĩa chút nào với câu dưới “Nói rồi…”, mà chữ “lừa” cũng chẳng sát nghĩa chút nào với lời Sở Khanh phỉnh phờ Kiều ở trên. Bởi vậy tôi mới xác định chữ “phỉnh” là đích đáng. Thêm một thí dụ nữa về hiểu lầm là câu 250, chỗ tả Kim Trọng mơ tưởng Kiều. Trong khi bản truyện Thúy Kiều của ông Kim Kỷ viết “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” rất vô nghĩa, các bản viết “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” thì rất đúng và rất hay: Trên thì liền nghĩa với câu “Mây tần khóa kín song the” (ý nói chàng mê tưởng Kiều quá mà chàng nghĩ rằng có lẽ tối nay nàng cũng nhớ tưởng mình quá mà đành ngủ đi để may ra hồn mộng được đi lại với chàng) dưới thì liền ý với câu “Mành tương phân phất gió đàn” ý nói: (chàng tưởng thế nào nàng cũng mơ đến chàng, nên khi chàng thấy gió thổi qua bức mành ống tre kêu như gẩy đàn, chàng cho là hồn nàng đến thật, nên chàng như ngửi thấy mùi thơm của nàng, và nước trà chàng uống ngon hơn, như hồn nàng mời lại chàng uống). Ý câu Truyện Kiều này hay như thế, mà lại viết lầm ra dở như thế thật đáng tiếc!

Phần chú giải và dẫn điển 

Chú giải Truyện Kiều là một sự khó khăn vô cùng, vì tác giả thu lượm điển cố rất rộng ở các sách kinh, sử, văn chương nho, lại cả ở những phong dao, tục ngữ và sự tích Việt ta nữa. Tôi thấy có lẽ chưa Truyện Kiều nào đã từng chú giải được đầy đủ và không sai lầm, mặc dù các nhà chú giải là cử nhân, tiến sĩ thâm nho. Còn các nhà sản xuất bản truyện Kiều gần đây thì đều sao chép lại những lời chú giải ở các bản Truyện Kiều cũ mà thêm bớt sửa chữa ít nhiều vậy thôi.Trong lúc tuổi già trí quẫn, lại tay trắng không chút tài liệu nào, ngoài quyển truyện Thúy Kiều, ở nơi đất khách này tôi chỉ có thể một phần gần như chép lại những câu chú giải ở trong cuốn truyện Thúy Kiều mà tôi sữa chữa lại những chỗ sai lầm, một phần tôi  thêm vào hoặc những điều tôi đã khảo cứu được hay nhớ được ở các bản Kiều cũ, hoặc những điển cố ở phong dao tục ngữ ta. Tôi rất chú trọng đến việc giải thích những tiếng cổ của ta và những tiếng ta không hay nói đến nên nhiều người Việt ta không hiểu nghĩa, chẳng hạn như những tiếng: thửa = của ai, thốt = nói, rén chường = rón rén trình thưa, dắng = tiếng ho hắng ra hiệu. Tôi biết tuy tôi đã cố hết sức làm việc này nhưng thật chẳng thấm thía vào đâu vì tài cùng sức kiệt.

Phần diễn giải ra văn xuôi

Tôi thiết tưởng việc diễn lại Truyện Kiều ra lời văn xuôi để giúp độc giả hiểu thêm ý nghĩa từng câu Truyện Kiều là một công cuộc rất cần. Thế mà sao tôi chưa thấy ai để ý đến sự làm việc này? Tôi e rằng nếu giờ đây tôi giấu dốt không ra công khởi xướng phác diễn ra lần đầu thì sau này không ai làm việc này nữa. Vậy tôi mong rằng những bậc cao minh có tâm tới nền văn chương Việt phủ chính dần dần những phần tôi diễn dịch này cho hoàn hảo mãi lên, trước là để giúp người mình dễ thưởng thức Truyện Kiều hơn, sau là để giúp người ngoại quốc khảo cứu Truyện Kiều hiểu thấu rõ ràng hơn. Tôi biết rằng những lời tôi diễn giải từng câu trong Truyện Kiều ra văn xuôi này không được gọn gàng chải chuốt lắm. Đó là vì: phần thì phải vừa diễn vừa như giảng giải nghĩa từng chữ trong câu, phần lại phải thêm những liên từ, giới từ và những chi tiết lặt vặt mà tác giả phải gọt bỏ trong câu văn vần. Bắt buộc phải thêm những chữ đó vào thì mới thật rõ nghĩa, và các câu diễn giải mới lưu thoát liền nhau. Tôi đánh dấu số từng 2 câu ở phần chính văn để độc giả dễ đối chiếu. Thường thì tôi diễn giải 2 câu lục bát liền nhau, nhưng cũng có khi diễn 3 hoặc 4 câu liền nhau.

Những câu hay chữ có ý móc nối hay thở than mỉa mai

Trong Truyện Kiều, những câu hô ứng móc nối đoạn nọ với đoạn kia thường tả hai tình cảm may rủi trái ngược nhau để làm nổi bật lên tình cảnh đoạn sau. Điều này khiến độc giả phải ngạc nhiên thở than cảm động về sự thay đổi bất kì. Như câu tả lòng Kiều trước khi đi hội Đạp thanh thì thật bình tĩnh thản nhiên vô tình: “Êm đềm trướng rủ màn che / tường đông ong bướm đi về mặc ai” có sự hô ứng móc nối với câu “Bóng tà như giục cơm buồn / khách đà lên ngựa người còn nghé theo” tả lòng Kiều ngẩn ngơ vì tình sau khi đi hội Đạp thanh. Lại như câu “Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.” Đọc đến câu này, ta những tưởng Kiều được yên thân ở Chiêu Ẩn Am mãi mãi với Giác Duyên. Nhưng đọc sang đoạn sau ta lại thấy ngay những câu tả tình thế trái ngược ngay lại Giác Duyên thì ta suy ra rằng nàng chẳng được yên thân nữa: “Giác Duyên nghe nói rụng rời … Lánh xa trước liệu tìm đường” và gửi nàng đi sang nhà họ Bạc. Những câu chuyển tiếp đoạn trước xuống đoạn sau, tác giả đặt rất nhiều tài tình, thường chỉ có 2 câu lục bát, mà trên thì kết liễu rất gọn việc đoạn trên, dưới thì mở màn và báo điềm sự sẽ xảy ra ở đoạn dưới, mà thường lại còn tả đúng mùa nào cảnh ấy, thí dụ như 2 câu: “Sen tàn cúc lại nở hoa / sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” tả Thúc Sinh tưởng Kiều chết thật thương nhớ suốt một năm, mới trở về Vô Tích ở với Hoạn Thư. Chỉ 14 chữ mà khiến ta thấy đầy đủ mọi chi tiết, với sự chuyển tiếp như sau: Hai chữ “sen tàn” đã ý nói cuộc tình duyên đằm thắm như hoa sen với Kiều thế là tàn tạ kết liễu, lại ứng với câu “càng lồng màu sen” ở câu tả lúc mới lấy được nàng. Chữ “cúc” tượng trưng cuộc tình duyên nhạt nhẽo nhưng đứng đắn như hoa cúc với Hoạn Thư. Nhóm chữ “lại nở hoa” báo điềm sẽ lại đoàn tụ hòa hợp với Hoạn Thư. Nhóm chữ “sầu dài ngày ngắn” ý nói chàng sầu thương Kiều quá, thoáng cái đã qua một năm. Chữ “sen” chỉ mùa hè, chữ “cúc” chỉ mùa thu, cộng thêm chữ “đông” và chữ “xuân” thì 4 mùa đó chỉ rõ một năm. Có 14 chữ mà tả đầy đủ rõ ràng bấy nhiêu chi tiết bằng lời văn hay đẹp chải chuốt như vậy, nếu không phải là bậc thiên tài siêu việt về văn chương thì đặt sao nổi! Trong truyện Kiều tác giả thường khéo dùng những lời rất sâu sắc như câu “kiếm lời mà ăn,” ở câu “Bảo rằng đi dạo lấy người / đem về rước khách kiếm lời mà ăn,” để mỉa mai những hạng mụ dầu, ma cô ăn ngon cái lời bẩn thỉu đó. Và như những câu: “cũng trong nha dịch lại là từ tâm,” để mỉa mai bọn nha dịch, trừ Chung lão, thì đều tham ác cả. Lại như chữ “Dạy rằng hương lửa ba sinh / dây loan xin nối cầm lành cho ai” để mỉa mai những hạng Hồ Tôn Hiến cậy oai quyền to mà làm những việc xàm bậy, quên cả danh diện. Tưởng là quan lớn “dạy” gì, nào ngờ quan lớn xin làm chồng kế mụ vợ tướng giặc! Trong Truyện Kiều có nhiều chữ nhiều câu tác giả như có ý đặt ra để thở than cho mọi nỗi hư hỏng, mọi cảnh khốn cực cơ đời, đại khái như những câu: (a) “Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn” than thở cho những kẻ tham ác bất nhân, mất hết lương tâm; (b) “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao” mỉa mai thói chắc lép trong nghề buôn bán; (c) “Lễ tân đã đặt, tụng kỳ cũng xong” mỉa mai sự tham nhũng trong quan trường; và (d) “Vương sư ròm đã tỏ tường thật hư” mỉa mai những cuộc hành binh giả đạo đức, ngoài thì đường hoàng danh nghĩa vương giả, mà trong chỉ lén lút như trộm cắp rình mò.

Thâm ý tác giả ký thác tâm tình

Thí dụ như hai câu thở than thảm thê đau đớn dưới đây:

1) Trót lòng trinh bạch từ sau xin chừa – Ôi trinh bạch là cái đức tính cao quý nhất của đàn bà con gái xưa nay, thế mà vì tình thế bị võ lực uy hiếp tàn tệ quá mà phải kêu van trót dại mà đã giữ thân trinh bạch, từ nay xin chừa không dám trinh bạch nữa! Ai đọc đến câu nàng Kiều van lạy Tú Bà này mà chẳng thương khóc cho nàng?

2) Thương thay cũng một kiếp người, hại thay mang lấy sắc tài làm chi? – Ôi “sắc tài” là hai cái thứ của trời ban rất quý cho người đời. Thế mà ở trong tình thế bị “mệnh ghét” này, tác giả phải thở than cho Thúy Kiều và chính cho cả bao người “tài phong mệnh sắc” như tác giả nữa là câu hỏi tại sao lại mang mãi “sắc tài” để cho hại thân đời như thế?

Những chữ thở than cay đắng cho mỗi đời như vậy, chẳng mấy đoạn trong truyện Kiều là không có ít nhiều. Vậy xin nêu ra để chứng tỏ Truyện Kiều đúng là một tập Đoạn Trường Tân Thanh.

[ĐÀM DUY TẠO]