CHƯƠNG 03

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CUỘC ĐỜI TÁC GIẢ TRUYỆN KIỀU

Tên tuổi quê quán

Tác giả Truyện Kiều họ Nguyễn [阮] tên húy là Du [攸], tên tự là Tố Như [素 如], tên hiệu là Thanh Hiên [清 軒], và biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ [鴻 山 獵 户] (Phường Săn Núi Hồng). Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vì quê ông ở làng Tiên Điền nên mọi người cũng thường gọi ông là Tiên Điền Tiên Sinh để tỏ lòng kính trọng. Quê ngoại ông Du ở làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [1]. Sinh mẫu ông, bà Trần Thị Thấn [陳 氏 殯], là con gái một họ thế phiệt ở làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Họ Trần nổi tiếng là một họ văn học trung nghĩa, trai gái đều rất đẹp, con gái thường được tuyển vào làm cung phi vương phủ. Bà Thấn [2] lấy lẽ ông Tham tụng (ngang hàng Thủ tướng đời nay) Nguyễn Nghiễm. Ông Du sinh năm Ất Dậu (1766) tức là năm thứ 26 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê và mất năm Canh Thìn (1820) tức là năm đầu niên hiệu Minh Mệnh triều Nguyễn, thọ 54 tuổi.

Gia thế

Ông Du là dòng dõi một nhà trâm anh, văn chương nổi tiếng xưa nay trong nước. Cụ thủy tổ phát tích đầu tiên khoa bảng lẫy lừng họ Nguyễn Tiên Điền là Trạng nguyên Nguyễn Thuyến [阮 倩] người làng Canh Hoạch [3] xứ Bắc. Ông Thuyến đỗ Trạng nguyên hồi đầu nhà Mạc đồng thời với ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông kém ông Khiêm mấy tuổi, nhưng lại đỗ trước ông Khiêm một khoa. Hai ông rất thân nhau và đều có ý ân hận là không may sinh vào thời ngụy Mạc. Khi nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa, hai ông tuy đã đều làm quan to với tước Hầu triều Mạc, nhưng đều muốn bỏ triều ngụy Mạc để vào Thanh Hóa phục vụ triều Lê chính thống. Trong một bài thơ ông Khiêm họa lại thơ ông Thuyến, tỏ ý cho ông Thuyến biết: Thế nào nhà Lê cũng lên, nhà Mạc cũng xuống; việc ông định làm là việc rất phải và nên làm ngay kẻo lỡ; tôi cũng muốn làm mà chưa được [4]. Ông Thuyến được lời đồng ý của ông Khiêm, liền đem gia đình vào Trung quy thuận; họ Nguyễn Tiên Điền bắt đầu vào miền Trung từ đó. Ông Thuyến đi rồi, ông Khiêm bị vua Mạc giữ làm Quân sư trong cuộc Tây chinh thành ra không đi được. Ông Thuyến vào Trung, được Lê triều rất trọng dụng, nhưng đến đời cháu không biết vì việc gì mà phải tru di, may được một người trốn thoát lẩn ra bắc với Mạc triều. Khi Mạc bại vong, gia đình họ Nguyễn lại tránh vào Trung và lập nghiệp ở làng Tiên Điền và truyền kế học hành đỗ đạt được sáu, bảy đời. Đời anh em ông Huệ [僡], ông Nghiễm [嚴] là hồi họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt nhất. Ông Huệ đã đỗ sĩ vọng lại đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733), nhưng vinh quy rồi mất ngay; vua rất thương tiếc và truy phong Quốc thần. Ông Nghiễm năm 21 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731) làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư đại tư đồ, được phong tước Xuân quận công khi về trí sĩ. Nhưng sau đó lại khởi phục làm Đốc tướng trong 10 năm. Ông làm quan trải 3 đời vua Thuần Tông, Ý Tông, Hiển Tông, tại chức gần 50 năm. Con trai cả ông là ông Nguyễn Khản [侃] cũng đỗ tiến sĩ và làm đến Tham tụng, Thượng thư. Con thứ hai là ông Nguyễn Điều [條] thi hội đỗ tam trường, rồi đổi sang nghề võ, làm Trấn thủ ở Hưng hóa, được phong tước Điều nhạc hầu. Con thứ ba là Nguyễn Dao [瑤] đỗ cử nhân, làm Hồng lô tự thừa. Ông Du tác giả Truyện Kiều là con ông Nghiễm và bà trắc thất Trần Thị Thấn. Họ có 4 con trai là Trụ [宙], Nễ [你], Du [攸], Ức [億]. Ông Trụ và ông Nễ đều đỗ cử nhân. Xét trong một họ mà đồng thời có nhiều nhân vật tài cao chức trọng chung vui chung buồn với nước như thế, thật là ít có họ nào sánh kịp vậy.

Niềm riêng tác giả ẩn trong Truyện Kiều

Mấy câu tả tài hoa nhân phẩm Kim Trọng ở trong Truyện Kiều thì thật đúng là tác giả đã tự tả tài phẩm đáng quý của mình.

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh

Nên phú hậu, bực tài danh

Văn chương nếp đất, thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tột vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Tác giả đã là dòng dõi trâm anh khoa bảng, sẵn văn chương nếp đất, sẵn thông minh tính trời, lại gặp hồi gia đình thịnh đạt – cha, anh, chú, bác đều thanh giá lừng lẫy, văn đã không ai bằng, võ cũng chẳng kém ai. Tác giả thật đã dụng tâm khéo tả đúng với gia thế, và tài hoa cùng tính tình của mình. Các thi sĩ nổi tiếng xưa nay phải có thiên tài đặc biệt đã vậy, nhưng lại phải được tình cảm éo le, bước đường chật vật nó điêu luyện, nó kích thích thì mới nẩy ra được văn phẩm tuyệt tác. Ở Tàu xưa thì bài “Quy khứ lai từ” của ông Đào Tiềm, “Đằng vương các tự” của ông Vương Bột, bài “Thục đạo nan” của ông Lý Bạch, 8 bài thơ “Thu hứng” của ông Đỗ Phủ, bài “Tỳ bà hành” của ông Bạch Cư Dị, 2 bài “Xích Bích phú” của ông Tô Đông Pha đều là những tuyệt tác.

Ở nước Việt ta thì có những tuyệt tác như bài “Tự tình khúc” của ông Cao Bá Nhạ, các bài hát nói của ông Nguyễn Công Trứ và ông Cao Bá Quát, lại còn nhiều bài thơ chữ Hán vô giá của các trung nghĩa thế cùng than thở, như bài “Thuật hoài” của ông Đặng Dung. Những bài thơ văn tuyệt phẩm này đều là sản phẩm trong bước gian nan của các thi sĩ. Tác giả Nguyễn Du cũng vậy, có gặp cảnh long đong, nước phá nhà tan nó điêu luyện kích thích thì mới viết được quyển Đoạn Trường Tân Thanh – một cuốn văn thơ tuyệt tác, hiện nay lưu hành khắp thế gian, văn sĩ bốn phương đều phải phục là hay vào bậc nhất trong kho văn chương thế giới.

Tài tình và mệnh vận

Tác giả lúc nhỏ thông minh dĩnh ngộ, lớn lên văn tài siêu việt khác người, tính tình hào hoa khoáng đạt. Nói đến “cậu Bảy” (vì ông Du con thứ 7 ông Nghiễm) thì ai cũng phải yêu quý, chịu là bậc phong lưu công tử đệ nhất ở kinh đô Thăng Long. Tiếng phong nhã của cậu Bảy này còn truyền tụng đến mấy mươi năm về sau. Trong thời kỳ trẻ trung vui tươi đầy hy vọng tốt đẹp này, được vui hãy cứ vui kẻo uổng tuổi thanh xuân, cậu Bảy đâu đã cần gì vội nghĩ đến cuộc tranh khôi đoạt giáp, vì sẵn tài hoa, sẵn nếp đất cậu coi như nắm vững trong tay rồi, tội gì sớm buộc vào vòng công danh vội. Nhưng tài mệnh ghét nhau. Năm 19 tuổi, ông vừa bước chân vào đường khoa cử tiến thân, đỗ tam trường khoa Quý Mão (1783) thì ngay năm sau Giáp Thìn (1784) bọn kiêu binh tam phủ vào phá nhà ông Tham tụng Nguyển Khản là nhà tác giả. Ông Khản chạy thoát rồi mang cả gia đình họ Nguyễn lên Sơn Tây với ông Trấn thủ Nguyễn Điều. Sau khi hai ông Khản, Điều định họp quân các trấn lại đón chúa ra, để trừ binh kiêu binh tam phủ, nhưng cơ mưu tiết lộ, việc cứu chúa dẹp loạn không xong. Thế là gia đình tác giả đương thịnh hóa tan, bỏ Thăng Long về ẩn quê miền Trung.

Tác giả thật đã dụng tâm ngầm tả việc Kiêu binh phá nhà họ Nguyễn làm tác giả vỡ mộng đẹp công danh của mình – vừa mới bắt đầu năm trước – bằng đoạn trong Truyện Kiều tả lũ sai nha đầu trâu mặt ngựa, nách thước tay dao vào phá nhà họ Vương, làm cho Thúy Kiều tan duyên đẹp với Kim Trọng vừa mới đính kết đêm qua.

Còn thời kỳ tuổi trẻ tươi vui, và cái cuộc vỡ giấc mộng vàng thì tác giả ngụ ý nói bóng ở trong mấy câu tả tiếng đàn Kiều gảy:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh ?

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục Đế hay hình Đỗ Quyên ?

Qua 4 câu thơ trên, tác giả ví hồi tuổi trẻ của mình thật đầm ấm thảnh thơi như lúc ông Trang Sinh mơ thành bướm bay lượn trên hoa không chút lo âu, và thật êm ái xuân tình như lòng ông Thục Đế trong hồi làm vua lúc thái bình, tha hồ hưởng lạc thú. Còn cuộc vỡ mộng đẹp thì tác giả ví mình như ông Trang Sinh lúc tỉnh dậy ngơ ngẩn thấy mình vẫn là kẻ trăm lo nghìn chán về cuộc đời, chẳng khác gì Thục Đế thác sinh thành Đỗ Quyên thảm sầu nhớ nước, suốt đêm ngày kêu “quốc quốc.”

Khí anh hùng hồi Tây Sơn

Trong hồi nhà Tây Sơn nổi lên, Trịnh bại Lê vong, ông Du đã mấy phen dấy binh lo toan sự khôi phục nhưng đều không thành công, bèn bỏ về quê, ẩn nơi rừng núi, việc đời gác bỏ ngoài tai, lấy săn bắn làm vui, tự hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Trong dẫy 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, không chỗ nào ông không để chân đến. Trong thời Tây Sơn, cũng có vài cựu thần nhà Lê nổi lên để lo sự khôi phục Lê triều, nhưng khi thất bại đều phải lẩn quất âm thầm ở nơi làng quê sống đời nghèo khổ, như ông nghè Trần Danh Án [陳 名 案] ở Bắc Ninh, trốn tránh mãi ở vùng Từ Sơn, mặt mày gầy xọm. Chỉ có riêng ông Nguyễn Du là đi săn bắn, lẩn quất nhưng vẫn có màu phong lưu công tử.

Lòng trung nghĩa với nhà Lê hồi Nguyễn triều

Hồng Sơn Liệp Hộ đã quyết định gác bỏ công danh, vui cảnh núi rừng để giữ trọn niềm trung nghĩa với nhà Lê. Nhưng khi vua Gia Long nhà Nguyễn diệt được Tây Sơn, thống nhất được sơn hà, và chiêu dụ những trung thần nghĩa sĩ của nhà Lê, ông Du không thể từ chối, nên đành phải ra làm quan với Nguyễn triều cho gia đình được an toàn. Nỗi khổ tâm ông phải ra làm quan với Nguyễn triều, ông đã ngầm tỏ ở trong lời Kiều dở van dở trách Kim Trọng khi tái ngộ :

Chữ trinh còn một chút này,

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan !

Cái sự ông bất đắc dĩ phải nén lòng trung với nhà Lê xuống mà làm tôi cho nhà Nguyễn này, đã khiến ông mất lòng thành với nhà Nguyễn. Vì thế cho nên đã được trọng dụng mà ông chỉ làm trọn chức phận, không nói năng điều gì ngoài trách nhiệm. Thái độ ấy rõ rệt đến nỗi vua Gia Long đã có lần quở ông “Triều đình dùng tài, cứ ai hiền tài thì dùng, không phân biệt nam hay bắc. Ngươi đã lên đến hàng á khanh thì hễ biết việc gì hay thì phải nói lên chứ, nhưng sao lại cứ rụt rè, e sợ, chỉ vâng vâng dạ dạ cho xong lần như thế ?”

Cứ theo lẽ nông nổi bên ngoài mà nói, thì lời vua quở ông là đích đáng. Nhưng nếu chiếu theo cái khổ tâm “Từ Thứ quy Tào” của ông mà xét cho sâu sắc đúng tình lý, thì lời quở này thật oan ức, chẳng thấu tình cho ông chút nào. Vì cái thâm tâm “cầm vững chút chữ trung còn lại” với Lê triều cũ, lúc này ông đâu dám tỏ chút nào cho ai biết, nên ông đành ngậm oan vâng lời vua quở mà mang mối uất hận suốt đời. Ông chỉ dám ngầm tỏ cho thiên hạ đời sau biết trong hai câu ông tả tiếng đàn Kiều gảy khi gặp lại Kim Trọng :

Trong sao châu rỏ doành quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Ta có thể hiểu ý nghĩa hai câu thơ trên như sau:

[Người ngoài vô tình thì nghe tiếng đàn trong trẻo tròn trĩnh như hạt ngọc rơi xuống mặt nước khu bể trong veo dưới ánh trăng sáng đẹp, nhưng có biết đâu dưới đáy bể bọn nhân ngư vẫn khóc, lệ châu rơi lã chã ] [Người ngoài vô tình thì nghe tiếng đàn có giọng tươi vui như bãi cỏ xuân mặt núi Lam Điền xanh rờn dưới ánh nắng ấm áp, nhưng có biết đâu dưới mặt đất núi có những hạt ngọc non mới đông bị khí nóng nắng ấm làn tan thành khói bốc lên].

Hai câu thơ tả tiếng đàn đó là phương tiện tác giả Truyện Kiều dùng để cho người đời hiểu là chớ thấy ông được Nguyễn triều trọng dụng mà lầm tưởng ông được vinh hiển tươi vui – thực ra, ông chỉ gượng vẻ tươi vui ở bề ngoài, nhưng trong bụng vẫn tủi cực khóc thầm.

Hoạn lộ miễn cưỡng của tác giả Truyện Kiều

Năm 1802 (Gia Long thứ nhất) ông được bổ làm Tri huyện huyện Phù Dực thuộc tỉnh Thái Bình. Ít lâu sau thăng làm Tri phủ phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông rồi ông cáo bệnh xin về hưu. Năm 1806 (Gia Long thứ năm) được triệu về Kinh lãnh chức Đông các học sĩ [東 閣 學 士] (lúc ông 42 tuổi). Năm 1809 (Gia Long thứ tám) được bổ ra làm Cai bạ [該 簿] tỉnh Quảng Bình (lúc ông 45 tuổi). Năm 1813 (Gia Long thứ mười hai) được thăng lên chức Cần chánh điện học sĩ [勤 正 殿 學 士] và sung chức chánh sứ sang cống Trung Hoa (lúc ông 49 tuổi). Đi sứ về, ông được thăng Lễ bộ hữu tham tri [礼 部 右 參 知] và được nghỉ (không biết bao lâu). Năm 1820 (Minh Mệnh thứ nhất) lại có chỉ sai ông đi sứ sang Tàu, nhưng chưa kịp đi thì ông bị bênh mất, thọ 54 tuổi.

CHÚ THÍCH

[1] Làng Hoa Thiều nguyên trước là nửa phía nam làng Ông Mặc (tên nôm là làng Me) thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cuối đời Hậu Lê mới chia làng Ông Mặc ra làm hai, thành làng Hương Mặc và làng Hoa Thiều. Làng Hương Mặc vẫn gọi là làng Me, làng Hoa Thiều tên nôm gọi là làng Mấc, tức là tiếng Mặc gọi trạnh ra. Bởi nguyên là một phần làng Ông Mặc, tổ tiên họ Trần là tiến sĩ Trần Ngạn Húc [陳 岸 旭] và tiến sĩ Trần Phi Nhỡn [陳 丕 眼] đều là người làng Ông Mặc. Chính tôi (Đàm Duy Tạo, người làng Me) biết họ Trần làng Mấc này rõ lắm. Con trai, con gái họ này hiện nay vẫn còn nhiều người rất đẹp.

[2] Chữ Thấn [殯], tên sinh mẫu ông Nguyễn Du, thật đáng ngờ là chữ Tần [嬪] lầm ra. Chữ Tần nghĩa là một bực vợ lẽ các vị vua chúa, nghĩa rất hay; còn chữ Thấn nghĩa rất dở, là cái áo quan có người chết chưa chôn. Tôi tin con gái nhà sang trọng không ai đặt tên quái gở như thế.

[3] Canh Hoạch xứ Bắc là một làng có rất nhiều người thi đỗ tiến sĩ.

[4] Hồi còn ở quê nhà, tôi có chép được một tập 100 bài thơ chữ Hán của ông Trạng Trình, trong đó có bài họa thơ ông Thuyến này. Tiếc thay tôi quên hết nguyên văn, chỉ nhớ đại ý nói: “Đêm sắp hết, mặt trăng sắp lặn, đàn chim ngủ ở cành cũ đã dậy gọi chào vầng đông. Ông muốn đón cảnh bình minh thì dậy sớm kẻo muộn; thế là tôi lại thua ông một bước dài nữa.”

[ĐÀM DUY TẠO]