CHƯƠNG 05

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 39 ĐẾN CÂU 132

“Vui hội đạp thanh, viếng mồ vô chủ”

39. Ngày xuân con én đưa thoi, [1]

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. [2]

41. Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trang điểm một vài bông hoa. [3]

43. Thanh minh trong tiết tháng ba, [4]

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. [5]

45. Gần xa nô nức yến anh, [6]

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

47. Dập dìu tài tử, giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như chen. [7, 8]

49. Ngổn ngang gò đống kéo lên, [9]

Thoi vàng bỏ rác tro tiền dấy bay.

51. Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

53. Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

55. Nao nao dòng nước uốn quanh, [10]

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. [11]

57. Sè sè nấm đất bên đàng, [12]

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

59. Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,

 Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

61. Vương Quan mới dẫn gần xa:

“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.

63. Nổi danh tài sắc một thì,

Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh. [13]

65.  Phận hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. [14]

67. Có người khách ở viễn phương,

Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.

69. Thuyền tình vừa ghé tới nơi, [15]

Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ.

71. Buồng không lạnh ngắt như tờ, [16]

Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.

73. Khóc than khôn xiết sự tình,

Khéo vô duyên ấy là mình với ta.

75.  Đã không duyên trước chăng mà,

Thì chi chút ước gọi là duyên sau.

77. Sắm xanh nếp tử xe châu, [17]

Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.

79. Trải bao thỏ lặn ác tà, [18]

 Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!”

81. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa. [19]

83. “Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

85. Phũ phàng chi bấy hoá công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

87. Sống làm vợ sấp người ta, [20]

Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

89. Nào người phượng chạ loan chung,

Nào người tích lục tham hồng là ai? [21]

91. Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.

93. Gọi là gặp gỡ giữa đường,

Họa là người dưới suối vàng biết cho.” [22]

95.  Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,

Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra. [23]

97. Một vùng cỏ áy bóng tà, [24]

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.

99. Rút trâm sẵn giắt mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

101. Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra. [25]

103. Lại càng ủ dột nét hoa, [26]

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài. [27]

105. Vân rằng: “Chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người bâng quơ.” [28]

107. Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

109. Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”

111. Quan rằng: “Chị nói hay sao,

Một lời là một vận vào khó nghe.

113. Ở đây âm khí nặng nề,

Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.”

115.  Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,

Thác là thể phách, còn là tinh anh, [29]

117. Dễ hay tình lại gặp tình,

Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.”

119. Một lời nói chửa kịp thưa,

Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay. [30]

121. Ào ào trút lộc rung cây, [31]

Ở trong dường có hương bay ít nhiều.

123. Đè chừng ngọn gió lần theo,

Dấu giày từng bước in rêu rành rành.

125. Mắt nhìn ai nấy đều kinh,

Nàng rằng: “Này thực tinh thành chẳng xa.

127. Hữu tình ta lại gặp ta,

Chớ nề u hiển mới là chị em.” [32]

129. Đã lòng hiển hiện cho xem,

Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời.

131. Lòng thơ lai láng bồi hồi,

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

Đính chính và xác định

Câu 42: Động từ “trang điểm” ở câu này, các bản quốc ngữ đều in là “trắng điểm.” Đó là theo một bản in nôm của một nhân vật theo tây học sửa lầm chữ trang [装] ra chữ trắng (chữ nôm này viết bằng cách gắn thêm chữ bạch [白] trên nóc chữ trang [壯]) cho khắc xuất bản, rồi lại được một ông văn sĩ tây nào đó khen chữ “trắng điểm” thật hay (sự việc này xảy ra trong khoảng 1900-1912). Thế rồi các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ, không nghĩ phải trái, cứ ùa theo lời khen của nhà văn sĩ tây mà in câu này thành “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” Cũng nên nhắc đến một giai thoại về Tể tướng Bùi Độ đời nhà Đường. Ông Độ có khu vườn cỏ rộng mênh mông tít thẳm, về mùa xuân cỏ non xanh rì phẳng một lượt, khách xem khen mãi. Ông chỉ lũ dê trắng và bảo khách: “Vườn này đẹp thế là nhờ các chú này trang điểm cho khu vườn đẹp thêm.” Chữ “trắng điểm” nghe thật ngô nghê không đúng với lời văn tiếng Việt; vả lại nói “hoa lê” là đã đủ ý trắng rồi, cần gì phải nói trắng nữa cho thừa? Các bản cũ dùng ý hoa lê trang điểm cho cảnh vườn, ý mới hay.

Câu 48: Nhóm chữ áo quần như chen lấy điển ở câu chữ nho tả cảnh xem hội: [士 女 櫛 比 = sĩ nữ chất tị = con trai con gái chen nhau như răng lược]. Chữ áo hàm ý con trai, và chữ quần hàm ý con gái. Có bản in là “áo quần như nen” thật là gượng gạo và vô nghĩa.

Câu 50: “Thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” = Nhóm đi tảo mộ nào cũng mang theo những bó vàng mã cuốn thành thỏi xổ tung ra rác cả đường để cúng những cô hồn, ma quỷ. Họ cũng đốt những tập giấy in tiền cúng trước mồ tổ tiên, gây ra những tro tàn bốc lên bay theo gió. Bốn chữ “tro tiền dấy bay” nghĩa là thế (dấy = bốc lên). Ngổn ngang gò đống kéo lên / thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” lấy ý ở bài thơ thanh minh của thi sĩ Cao Cúc Khanh: [南 北 山 頭 多 墓 田 = nam, bắc sơn đầu đa mộ điền = ở đầu núi bắc và nam có nhiều khu ruộng đầy mồ mả] – [清 明 祭 掃 各 紛 然 = thanh minh tế tảo các phân nhiên = đến ngày lễ thanh minh, mọi người nhộn nhịp đến tảo mộ cúng tế một lượt] [紙 灰 飛 作 白 蝴 蝶 = chỉ hôi phi tác bạch hồ điệp =

tro tiền giấy theo gió bay lên trông giống như đàn bướm trắng] – [淚 血 染 成 紅 杜 鵑 = lệ huyết nhiễm thành hồng đỗ quyên = những giọt nước mắt như máu rỏ xuống nhuộm thành màu đỏ hoa đỗ quyên]. Vì chữ bỏ [𠬕] (= chữ khứ [去] ghép vào với chữ bổ [補]) hình thù khó khắc và in nhòe, có bản đổi thành [捕] (= chữ thủ [扌] ghép vào với chữ bố [甫]) cho dễ khắc. Nhưng người phiên âm đầu tiên không luận ra chữ [扌] (thủ) bên chữ [甫] (bố) là gì, mới đọc lầm ra bõ, cho rằng vàng thỏi ở làng Bõ (?) làm, rồi lại đổi chữ dấy [𧽈] (= chữ khởi [起] ghép vào với chữ duệ [曳]) thành chữ giấy [絏] để đối với chữ bõ cho chỉnh, rõ thật vô nghĩa đến nực cười.

Câu 76: Thì chi chút ước gọi là duyên sau = Kiếp này đã vô duyên với nhau, thì xin chôn cất tử tế để làm duyên ước hẹn kiếp sau. Có bản in là “chút đỉnh” e rằng ý nghĩa không được thiết thực như “chút ước.”

Câu 78: Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa = Chôn thành một ngôi mộ tử tế ở bên con đường cái lớn lúc nào cũng xe ngựa rầm rộ tung bụi đỏ lên, rồi trồng hoa cỏ trang điểm cho đẹp, rồi từ biệt nhờ khách qua đường trông nom. Câu này tả cảnh thật là thê thảm – một nấm mồ hoang nằm ngay giữa đám bụi hồng mà quanh năm chẳng ai thèm ngó đến. Thế mà nhiều bản in đổi chữ ‘bụi hồng” ra “vùi nông” nói là theo hai chữ “thiển thổ [淺土]” ở cuốn Thanh Tâm Tài Nhân. Đổi thế là có hai điều lầm: (1) Thiển thổ là đất nông, chôn tạm, không có long mạch, chứ đâu phải “vùi nông”; (2) Người khách đã sắm nếp tử xe châu chôn cất long trọng, hẹn ước kiếp sau, thì sao lại vùi nông cho xong một cách khinh bạc như vậy?

Câu 82: Chữ thoát [脱] có ba âm: thoát, thoắt, thoạt. Chữ đó thấy ở câu 82 phải phiên âm là thoạt mới đúng nghĩa = thoạt mới nghe, Kiều đã thương tâm rồi. Phiên âm nó là thoắt thì thật lầm.

Câu 87: Sống làm vợ sấp người ta – Chữ “sấp” ở câu này nghĩa là gái thanh lâu lúc sống, bất cứ ai đến đều phải làm vợ người ta cả. Nhiều bản nôm viết chữ này là [插] (Hán = sáp, nôm = sấp), chứ không viết là [泣] (Hán = khấp, nôm = khắp). Để chữ “khắp” thật là sai, vì làm vợ khắp cả mọi người thế nào được.

Câu 92: Sẵn đây ta thắp một vài nén hương – Chữ “thắp” trong câu này cả các bản nôm hay quốc ngữ đều in không giống nhau: hoặc là “thắp”, là “kiếm”, hay là “đắp.” Nay xin xác nhận “thắp” là đúng, vì “đắp” thì vô nghĩa hẳn đi rồi. Còn “kiếm” thì tuy có nghĩa, nhưng đã sẵn đây rồi, thì e kiếm là thừa.

Câu 102: Lại càng đứng sững tần ngần chẳng ra – Chữ “đứng sững” nhiều bản quốc ngữ in là “đứng lặng”, không đúng nghĩa bằng bản nôm của cụ nghè Vũ Trinh in là đứng “sững [爽]”. Hơn nữa, đứng sững là như đứng mê đi vì thương cảm quá; còn đứng lặng chỉ là đứng im thôi, đầu óc vẫn tỉnh. Chữ “đứng sững” mới thật khẩn thiết với chữ “tần ngần.”

Câu 120: Những bản in ngọn gió cuốn cờ đúng hơn những bản in trận gió cuốn cờ vì đây chỉ là một luồng gió lốc coi như hồn ma hiện ra, chứ không phải là một trận gió có nhiều cơn liên tiếp.

Chú giải và dẫn điển

[1] Con én đưa thoi = Ngày mùa xuân qua lại như cái thoi dệt vải làm hình hai con én qua lại mau chóng ở trên khung cửi khi người ta dệt vải.

[2] Thiều quang = Ánh sáng non đẹp của mùa xuân. “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” = Ba tháng mùa xuân (90 ngày mùa xuân) đã qua mất hơn 60 ngày rồi, tức là trời đã sang tháng ba được mấy ngày.

[3] Cành lê trang điểm một vài bông hoa = Các cành lê đã nở ít hoa trang điểm cho bãi cỏ xanh thêm đẹp. Xem lời đính chính câu 42 ở trên.

[4] Thanh minh = Âm lịch chia mỗi năm ra làm 12 tiết và 12 khí. Tháng giêng bắt đầu từ ngày lập xuân gọi là tiết, giữa là ngày vũ thủy gọi là khí. Tháng hai bắt đầu từ ngày kinh chập gọi là tiết, giữa là ngày xuân phân gọi là khí. Tháng ba bắt đầu từ ngày thanh minh gọi là tiết, giữa là ngày cốc vũ gọi là khí.

[5] Tảo mộ [掃墓] = Ngày lễ đi thăm mồ mả tổ tiên, đắp điếm sửa sang lại cho sạch sẽ rồi cúng lễ. Đạp thanh [踏青] = Ngày đi dạo hội cỏ xanh đẹp. Xưa có bà công chúa có một khu vườn hoa rất rộng đẹp. Bà cho đắp mồ mả tượng trưng ở trên các gò đống trong vườn, rồi cứ đến ngày tỵ sau tiết thanh minh, thì mở hội tảo mộ đạp thanh cho dân chúng vào xem. Hội đạp thanh, tảo mộ bắt đầu hợp nhất từ đó.

[6] Yến anh = Hai thứ chim nhỏ hay bay thành đàn. Đây là biểu tượng cho những nhóm thanh niên thanh nữ đi chơi hội.

[7, 8] “Ngựa xe như nước áo quần như chen” lấy ý ở câu chữ nho [車 如 流 水 士 女 櫛 比 = xa như lưu thủy, sĩ nữ chất tị = xe ngựa nối đuôi nhau đi như dòng nước chảy, con trai con gái chen nhau như răng lược]. Áo hàm ý con trai; quần hàm ý con gái. Chữ nho gọi học trò là [青 襟 = thanh khâm = áo xanh].

[9] “Gò đống kéo lên” = Lũ lượt kéo nhau lên các gò đống để tảo mộ.

[10] “Nao nao dòng nước uốn quanh” = Dòng nước lượn cong cong nên thơ.

[11] Ghềnh = Mũi đất dôi ra lòng ngòi nước.

[12] Sè sè = Thấp lè tè ở mặt đất.

[13] Chữ yến anh này khác nghĩa với chữ “yến anh” ở câu 45 trên. Yến anh đây là biểu tượng cho những nhóm trai gái đi hội đông như đàn chim yến chim anh. Còn yến anh ở câu 45 hàm ý bọn khách làng chơi.

[14] Cành thiên hương = Biểu tượng của người con gái đẹp như cành hoa thơm trên trời. Tình sử có câu [天 香 一 枝 = thiên hương nhất chi = một cành hoa thơm đẹp trên trời].

[15] Câu 69 và 70 lấy ý từ Đường thi [一片 情 舟 初 到 岸, 瓶 沈 花 折 已 多 時 = nhất phiến tình chu sơ đáo ngạn, bình trầm hoa triết dĩ đa thời = một chiếc thuyền tình mới tới bờ, bình chìm hoa gãy đã lâu rồi].

[16] Lạnh ngắt như tờ = Vắng lặng khiến khách phải rùng mình. “Tờ” đây là tờ tranh vẽ, tả cảnh buồng Đạm Tiên sau khi nàng chết thì vắng ngắt và im lặng như bức tranh. Các bản quốc ngữ không hiểu chữ tờ này, giảng nghĩa lầm là như mặt tờ giấy – người ta chỉ nói phẳng như tờ giấy, không ai nói lặng hay lạnh như tờ giấy.

[17] Nếp tử = Bộ áo quan bằng gỗ tử (cũng gọi là gỗ giổi), một thứ gỗ quý làm áo quan rất tốt. Xa châu = Linh xa (xe rước hồn) chung quanh có diềm đẹp kết bằng ngọc trai. Câu này lấy điển ở trong Tình sử, kể chuyện một một ông vương tước làm ma cho một người vợ lẽ đẹp chết trẻ, có câu [梓 匣 珠 車, 尽 一 時 之 富 貴 = tử hạp châu xa, tận nhất thì chi phú quý = hòm bằng gỗ tử, xe có diềm ngọc trai, hết sức vẻ giàu sang một thời].

[18] Thỏ lặn ác tà = Mặt trăng lặn, mặt trời tà.

[19] Châu sa = Nước mắt đổ xuống thành giọt.

[20] Sấp = Xem phần đính chính câu 87 ở trên.

[21] Người tích lục tham hồng = Người tiếc vẻ đẹp mặt hoa mày liễu của nàng mà chưa được tiếp xúc với nàng.

[22] Suối vàng = Âm phủ. Theo sách Tả truyện, vua Trịnh Trang Công giận mẹ muốn giết mình để lập em lên thay bèn bắt mẹ ở riêng một nơi và thề với mẹ rằng [不 及 黃 泉 無 相 見 也 = bất cập hoàng tuyền vô tương kiến dã = chưa đến suối vàng không gặp nhau nữa].

[23] Đặt cỏ = Một tục lệ xưa của người Tàu là phúng điếu người quá cố bằng một bó cỏ để kết thành hình súc vật và đốt cho vong hồn người ấy.

[24] Cỏ áy = Cỏ mọc cằn cỗi ở trên đất khô kiệt.

[25] Đứng sững = Xem lời xác định câu 102 ở trên.

[26] Nét hoa = Vẻ mặt đẹp con gái.

[27] Sầu tuôn đứt nối = Chưa hết nỗi sầu này mà đã nghĩ tới mối sầu kia.

[28] Bâng quơ = Không có họ hàng tình nghĩa gì với mình.

[29] Thể phách = Thân thể và phần phách (vía) chủ trương về thất tình : mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, ham muốn. Phần hồn là phần tinh anh chủ trương về đạo đức. Khi chết thì thân thể về đất; phách xuống âm ty; hồn nếu tốt thì được lên trời, nếu không tốt thì phảng phất ở thế gian.

[30] Ngọn gió cuốn cờ = Luồng gió lốc vừa xoáy vừa đi. Các truyện ma quỷ xưa coi hiện tượng thời tiết này là hồn người chết hiện lên. Chữ nho gọi hiện tượng này là [捲 旗 風 = quyển kỳ phong = gió cuốn cờ].

[31] Lộc = Cành lá mới nẩy ra còn non mềm.

[32] U [幽 = tối tăm, thuộc về âm, hồn ma]. Hiển [顯 = sáng sủa, thuộc về dương, người còn sống].

Diễn ra văn xuôi

Câu 39 và 40 = Ngày mùa xuân đi nhanh như cái thoi dệt vải hình chim én đưa đi đưa lại ở trên khung cửi. Chín chục ngày ánh sáng trong đẹp đó, hồi ấy đã qua mất hơn 60 ngày rồi.

Câu 41 và 42 = Ngoài đồng cỏ mọc xanh rờn một màu trông như đến tận chân trời. Lại có thêm một vài hoa lê mới nở trên các cành trang điểm cho cánh đồng cỏ thêm đẹp.

Câu 43 và 44 = Trong tiết thanh minh đầu tháng ba này có hội đạp thanh và lễ tảo mộ cùng mở vào một ngày.

Câu 45 và 46 = Mọi người gần xa nô nức kéo đi từng đoàn, như đàn chim yến anh. Ba chị em Kiều cũng sắm sửa đi bộ vui chơi hội này.

Câu 47 và 48 = Trai thanh gái tú dập dìu một lượt rất đông ; ngựa xe liên tiếp đi như dòng nước chảy ; trai áo xanh, gái quần hồng chen nhau mà đi.

Câu 49 và 50 = Mọi người lũ lượt kéo nhau ngổn ngang lên các gò đống để làm lễ tảo mộ. Những thoi vàng mã cúng ma quỷ cô hồn tung ra rác cả mọi nơi ; những tro giấy vàng, giấy tiền đốt cúng tổ tiên theo gió bốc lên phấp phới. Xem lời đính chính câu 50 ở trên.

Câu 51 và 52 = Lúc bóng nắng đã xế về tây rồi, chị em Kiều mới đan tay nhau cùng trở bước ra về có vẻ tiếc thẩn thơ.

Câu 53 và 54 = Chị em bước lần lần theo con đường trên bờ một con ngòi nhỏ, vừa đi vừa ngắm phong cảnh nơi này.

Câu 55 và 56 = Nào là dòng nước chảy uốn cong cong, nào là một chiếc cầu nho nhỏ ở cuối ghềnh đất nọ bắc ngang qua trên mặt nước.

Câu 57 và 58 = Bỗng trông thấy một nấm mồ thấp lè tè ở bên đường, cỏ trên mộ cằn cỗi, nửa vàng nửa xanh trông thật đìu hiu buồn bã.

Câu 59 và 60 = Kiều chỉ nấm mồ và hỏi : Hôm nay là tiết thanh minh tảo mộ, mà sao ngôi mả này hương khói vắng tanh chẳng ai ngó đến ?

Câu 61 và 62 = Vương Quan mới kể lai lịch gần xa của ngôi mả này cho chị nghe : Đạm Tiên là một ca nhi xưa.

Câu 63 và 64 = Nàng đã từng nổi tiếng lẫy lừng một thời là tài sắc bậc nhất. Ngoài cửa nhà nàng lúc nào cũng xôn xao nhộn nhịp, thiếu gì là khách hào hoa.

Câu 65 và 66 = Nhưng kiếp hồng nhan nàng sao mà mong manh quá ! Đang lúc cành hoa mởn mơ thơm nức những mùi hương trời, thì thoắt đâu bỗng gẫy ngang chừng !

Câu 67 và 68 = Có người khách phương xa nghe tiếng nàng lừng lẫy cũng nao nức lòng, không quản xa xôi, cố công tìm đến gặp.

Câu 69 và 70 = Nhưng khi người khách chứa chan tình mơ ước này vừa ghé đến bến, thì cành hoa đã gẫy, bình ngọc đã tan từ bao giờ rồi.

Câu 71 và 72 = Người khách vào thì thấy cảnh buồng nàng vắng vẻ lạnh ngắt như bức tranh vẽ và trước sân thì trên những dấu xe ngựa rêu đã mọc lờ mờ xanh một lượt.

Câu 73 và 74 = Ông ta khóc than kể hết sự tình thương tiếc và nói : Sao ta với nàng lại vô duyên đến thế này ? Không được thấy mặt một lần, không được nói với nhau một lời !                

Câu 75 và 76 = Kiếp này đã không có chút duyên nào với nàng, thì nay ta xin làm ma chay chôn cất nàng tử tế để hẹn ước với nàng làm duyên kiếp sau vậy !

Câu 77 và 78 = Hẹn với vong linh nàng thế, rồi ông ta mới sắm sửa lễ tống táng cho nàng linh đình sang trọng vào bậc nhất – quan tài làm bằng gỗ tử là thứ gỗ quý vua chúa vẫn dùng, linh xa chung quanh diềm kết ngọc trai, rồi táng nàng thành một ngôi mộ ở bên con đường lúc nào xe ngựa cũng đi lại, bụi hồng tung bốc.

Câu 79 và 80 = Thế là từ đó đến nay – đã biết bao nhiêu ngày đêm nắng dãi trăng soi – còn ai thăm viếng ngôi mồ vô chủ này nữa đâu ?

Câu 81 và 82 = Lòng Kiều đâu sẵn mối thương xót thế ! Thoạt nghe lời em trai kể, nàng trào nước mắt đầm đìa khóc ngay.

Câu 83 và 84 = Nàng nói : Đau đớn thay phận đàn bà ! Lời người xưa nói “ hồng nhan bạc mệnh ” thật là lời chung cho cả bọn đàn bà, cái kiếp bạc mệnh đó nó có tha cho ai đâu !

Câu 85 và 86 = Sao ông thợ trời nỡ lòng phũ phàng thế nhỉ ? Ông nỡ nào làm cho cái tuổi xanh người ta phải đau đớn mỏi mòn, đôi má hồng lộng lẫy người ta phải nhem nhuốc phôi pha đến thế ?

Câu 87 và 88 = Lúc sống thì ông bắt người ta phải làm vợ bất cứ ai, mà hại thay, lúc chết thì ông lại bắt người ta làm kiếp ma không chồng để hồn không có nơi nương tựa !

Câu 89 và 90 = Trời đã quá phũ phàng với nàng, lại quá tệ bạc với nàng ! Nào những kẻ trước kia thì đằm thắm chung chạ chăn loan gối phượng với nàng, nào những kẻ đã từng được nàng tiếp đón, kẻ thì lúc ra về còn ngẩn ngơ tiếc nhớ mãi đôi lông mày xanh tươi lá liễu của nàng, kẻ thì dốn ngồi say sưa ngắm đôi má hồng đẹp hoa đào của nàng – tất cả đâu rồi, không một ai nhớ đến nấm mồ nàng nữa ?

Câu 91 và 92 = Đã không ai đoái hoài đến nàng nữa, thì sẵn có hương đây ta thắp một vài nén cúng nàng.

Câu 93 và 94 = Gọi là tỏ tình gặp gỡ nhau nơi giữa đường, may ra nàng ở dưới suối vàng thấu cho lòng ta chăng !

Câu 95 và 96 = Hương thắp xong, Kiều lầm dầm khấn khứa mấy lời, rồi ngồi xuống đặt mớ cỏ làm lễ viếng trước mộ.

Câu 97 và 98 = Cúng xong, nàng đứng ngắm cảnh quanh mộ thật buồn – một vùng cỏ cây cằn cỗi dưới bóng nắng xế tà, một vài bông lau phất phơ trước ngọn gió thổi hắt hiu.               

Câu 99 và 100 = Cám cảnh quá, Kiều rút cây trâm cài trên đầu xuống mà vạch vào da một cây gần mồ, đề một bài thơ cảm vịnh.

Câu 101 và 102 = Đề thơ xong, tâm thần thêm mê mẩn, Kiều đứng tần ngần mãi chẳng biết nghĩ ra sao nữa.

Câu 103 và 104 = Chỉ thấy nét mặt như hoa của nàng lại càng ủ ê, nước mắt giọt ngắn giọt dài rơi xuống, như thể mối sầu trong lòng tuôn ra mãi.

Câu 105 và 106 = Thúy Vân thấy vậy bảo chị : Chị rõ thật là đáng nực cười ! Sao mà khéo thừa nước mắt đi khóc người bâng quơ, chẳng có họ hàng thân tình gì với mình như vậy ?

Câu 107 và 108 = Kiều đáp : Từ xưa đến nay, kiếp hồng nhan thường vẫn bạc mệnh như thế. Câu nói “ hồng nhan bạc mệnh ” là câu nói chung cho cả khách má hồng, chẳng chừa ai cả !

Câu 109 và 110 = Nghĩ đến nông nỗi ấy mà chị rất đau lòng. Thấy người nằm dưới nấm mộ quạnh hiu này mà chị rất lo buồn, biết sau này mình sẽ ra sao ?

Câu 111 và 112 = Vương Quan nói : Sao chị nói năng kỳ vậy ? Càng nói càng vận mãi sự quái gở vào mình đấy !

Câu 113 và 114 = Thôi chúng ta không nên ở chỗ nặng nề những khí âm u này nữa, về đi thôi ! Trời đã xế chiều rồi, mà đường về thì còn xa !

Câu 115 và 116 = Kiều nói : Những bậc tài hoa thì chỉ chết có phần thể và phách, chứ phần tinh anh là hồn thì còn mãi mãi.

Câu 117 và 118 = Dễ đã mấy khi hai người đồng tình như ta với nàng mà lại gặp nhau ! Ta hãy chờ coi, thế nào cũng sẽ thấy linh hồn nàng hiển hiện cho ta xem bây giờ !

Câu 119 và 120 = Lời Kiều nói chưa ai kịp đáp, thì bỗng thấy một luồng gió lốc như ngọn cờ xoáy đến ngay.

Câu 121 và 122 = Ngọn gió quay ào ào, làm cây cối rung động, làm rơi những lá lộc non xuống, và trong luồng gió như thoang thoảng có mùi thơm.

Câu 123 và 124 = Nhìn theo vết ngọn gió đến đâu thì thấy có vết giầy từng bước in trên mặt đất rõ ràng.

Câu 125 và 126 = Ai nhìn thấy cũng xanh mặt sợ hãi. Kiều nói : Rõ thật lòng thành của ta đã thấu cảm được vong linh nàng rồi đó, có sai đâu !

Câu 127 và 128 = Rồi nàng nói với hồn Đạm Tiên : Chúng ta là đôi bạn hữu tình với nhau, chị đã không nề khách âm phủ, kẻ dương gian mà hiện lên cho nhau biết, thế mới thật là chỗ bạn thân tình chị em !

Câu 129 và 130 = Rồi để đáp tạ tấm lòng của người từ âm phủ, Kiều lại khấn thêm mấy lời nữa.

Câu 131 và 132 = Cao hứng làm thơ của nàng lúc bấy giờ tràn đầy lai láng, không thể nào cầm hãm được nữa. Nàng lại vạch gốc cây đề một bài cổ thi nữa (mặc dù thấy hai em không thích).

Những câu có ý móc nối

Đoạn này chứa đựng nhiều câu báo trước những điều bất hạnh của Kiều :

Những câu Kiều trách trời phũ phàng với đàn bà (“ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”, “sống làm vợ sấp người ta”) báo trước hai lần ở thanh lâu.

Những câu Kiều trách người (lúc người ta sống thì “phượng chạ, loan chung, tiếc lục, tham hồng”; lúc người ta chết thì bỏ mồ mả “hương khói vắng tanh”) báo trước những cuộc bị bao kẻ bội bạc lừa đảo.

Câu “Nỗi niềm tưởng đến mà đau / thấy người nằm đó biết sau thế nào” báo trước những cuộc đau thương (tự vẫn không chết, mấy trận đòn làm mất hết nhân cách, và đành nát ngọc tan vàng dưới sông Tiền Đường).

Sự cúng khấn mả Đạm Tiên móc nối với câu Đạm Tiên nói trong giấc mộng “Mấy lòng hạ cố đến nhau.” Sự đề hai bài thơ móc nối với câu “Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng” và với sự Đạm Tiên đưa cho Kiều thêm 10 đầu đề thơ đoạn trường để “câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.”

Những câu tả cái cầu và ngọn tiểu khê cùng nấm mồ bên đường móc nối với câu Đạm Tiên tả nhà mình “Hàn gia ở mé tây thiên / dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.”

Câu Kiều nói với hồn Đạm Tiên “Hữu tình ta lại gặp ta / chớ nề u hiển mới là chị em” móc nối với câu Đạm Tiên trong mộng “Âu đành quả kiếp nhân duyên / cũng người một hội một thuyền đâu xa.”

Những lời tả Kiều đau thương tha thiết cho phận đàn bà móc nối với sự nàng thấy Kim Trọng có phúc tướng, liền ước mong lấy làm chồng để cứu khỏi kiếp bạc mệnh, chứ không phải là do tính tình lẳng lơ.

[ĐÀM DUY TẠO]