CHƯƠNG 08

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đínhvà phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 363 ĐẾN CÂU 452

“Vàng đá ân cần, tóc tơ căn dặn”

363. Từ phen đá biết tuổi vàng, [1]

Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.

365. Sông Tương một dải nông sờ, [2]

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.

367. Một tường tuyết ủm sương che,

Tin xuân đâu dễ đi về cho năng. [3]

369. Lần lần ngày gió đêm trăng,

Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua. [4]

371. Ngày vừa sinh nhật ngoại gia, [5]

Trên hai đường dưới nữa là hai em, [6]

373. Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,

Cần dưng một lễ quỳ đem tấc thành. [7]

375. Nhà lan thanh vắng một mình, [8]

Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay. [9]

377. Thời trân thức thức sẵn bày, [10]

Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.

379. Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng, [11, 12]

Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông :

381. Trách lòng hờ hững với lòng,

Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu. [13]

383. Những là đắp nhớ đổi sầu,

Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm. [14]

385. Nàng rằng : “Gió bắt mưa cầm, [15]

Đã cam tệ với tri âm bấy chầy. [16]

387. Vắng nhà được buổi hôm nay,

Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng !” [17]

389. Lần theo núi giả đi vòng, [18]

Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.

391. Xắn tay mở khóa động đào, [19]

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-thai. [20]

393. Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,

Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên. [21]

395. Sánh vai về chốn thư hiên,

Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông. [22]

397. Trên yên bút giá thi đồng, [23]

Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên. [24]

399. Phong sương được vẻ thiên nhiên, [25]

Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi. [26]

401. Sinh rằng : “Phác họa vừa rồi, [27]

Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.” [28, 29]

403. Tay tiên gió táp mưa sa, [30]

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.

405. Khen : “Tài nhả ngọc phun châu, [31]

Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này ! [32]

407. Kiếp tu xưa ví chưa dày,

Phúc nào nhắc được giá này cho ngang ?”

409. Nàng rằng : “Trộm liếc dung quang, [33]

Chẳng sân bội ngọc cũng phường kim môn. [34]

411. Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay ? [35, 36]

413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

Có người tướng sĩ đoán ngay một lời : [37]

415. “Anh hoa phát tiết ra ngoài, [38]

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.”

417. Trông người lại ngẫm đến ta,

Một dầy một mỏng biết là có nên ?

419. Sinh rằng : “Giải cấu là duyên,

Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều. [39]

421. Ví dù giải kết đến điều, [40]

Thì đem vàng đá mà liều với thân ! [41]

423. Đủ điều trung khúc ân cần, [42]

Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.

425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,

Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. [43]

427. Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,

Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.

429. Đến nhà vừa thấy tin nhà,

Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.

431. Cửa ngoài vội rũ rèm the,

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

433. Nhặt thưa gương giọi đầu cành, [44]

Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu. [45]

435. Sinh vừa tựa án thiu thiu,

Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.

437. Tiếng sen sẽ động giấc hòe, [46, 47]

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. [48]

439. Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, [49]

Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

441. Nàng rằng : “Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. [50]

443. Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao ?”

445. Vội mừng làm lễ rước vào,

Đài sen nối sáp song đào thêm hương. [51, 52]

447. Tiên thề cùng thảo một trương, [53, 54]

Tóc mây một món dao vàng chia đôi.

449. Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai mặt một lời song song.

451. Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. [55]

Đính chính và xác định

Câu 367 : “Một tường tuyết ủm sương che” – Câu này nghĩa là chỉ có một bức tường phân cách hai người mà thôi, thế mà sao trông nó có vẻ nghiêm trang lạnh lùng như tuyết ủm, như sương che mù mịt hết lối thông tin tức. Chữ “ủm” câu này các bản kiều quốc ngữ bản thì in là “điểm” bản thì in là “trở” hay là “chở”. Đó là vì chữ “ủm” nôm viết là [黯 (ảm = tối, tiếng nôm ta đọc trạnh ra là ủm), sau vì khắc đi khắc lại khắc lầm [黯 (ủm) ra [點 (điểm). Tôi đã thấy có bản nôm in là [點 (điểm) như vậy. Các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ sau, người thì theo nguyên bản nôm dịch là “tuyết điểm sương che”, người thì thấy “tuyết điểm” vô nghĩa, mới đổi là “tuyết trở sương che” hay “tuyết đón sương che” cho có nghĩa. Nhưng “tuyết điểm” vô nghĩa đã đành, mà “trở che” hay “che đón”cũng không đúng nghĩa chỗ này, vì “che chở” có nghĩa là bênh vực, chứ không có nghĩa là che kín đường thông tin tức. Còn “trở che” thì không ai nói, người ta chỉ nói “ngăn trở, ngáng trở, hay cách trở” để tỏ ý ngăn cách. Vậy xin đính chính câu này là “Một tường tuyết ủm sương che” cho thật đúng chữ, đúng nghĩa.

Câu 374 : “Cần dưng một lễ quý đem tất thành” – “Cần dưng” nghĩa đen là dưng một mớ rau cần, nghĩa bóng là nói khiêm dưng một lễ quê mùa đơn bạc. Hai chữ này lấy điển sách xưa nói có một người trồng được ruộng rau cần, mình ăn thấy ngon, mới mang một mớ to đi biếu quan ; quan ăn chê không ngon, người kia xấu hổ trở về. Sau người ta dùng chữ “cần” để nói khiêm về lễ vật quà cáp của mình cho ai. “Quỳ đem tấc thành” nghĩa là đem tỏ tấm lòng thành kính quý mến như hoa quỳ lúc nào cũng hướng về mặt trời. Tác giả dùng “quỳ đem tấc thành” đối với “cần dưng một lễ” thật hay, thật trang trọng, nhưng nghĩa khó hiểu. Người sau không hiểu mới đổi là “biện dưng một lễ, xa đem tấc thành.”

Câu 376 : “Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay – Chữ “rành” [火+亭] và chữ “đành” [停]các bản Kiều nôm thường khắc là “đành” [] cả. Suy xét thì chữ này ở câu này phải để là rành mới đúng nghĩa hơn.

Câu 378 : Chữ “mé” và chữ “mái”, chữ nôm cùng viết là [𠃅]. Câu này các bản quốc ngữ in là “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường” thật là sai nghĩa. Tường làm gì có mái, mà cho là tường có mái đi nữa, thì hóa ra Kiều dạo tới nhảy qua tường chăng ? Vậy nên phiên âm là “dạo ngay mé tường” mới đúng.

Câu 404 : “Khoảng trên vẫy bút thảo và bốn câu – Sách Hán có câu [文 不 加 点 一 揮 而 就 = văn bất gia điểm nhất huy nhi tựu = văn không thêm chấm nào, một vẫy bút là xong] để tả thi tài của Hàm Đan Thuần 13 tuổi, vâng lệnh quan thảo bài bia kỷ niệm hiếu nữ Tào Nga. Những bản kiều quốc ngữ viết là “vẩy bút” hay “dừng bút” đều là không biết điển này mà sửa lại thành ra sai nghĩa cả. Bởi vậy cần phải đính chính và xác định lại cho đúng.

Chú giải và dẫn điển

[1] Đá biết tuổi vàng : Ý nói Kim Trọng đã gạn hỏi biết được lòng Kiều rồi, như thể dùng đá thử biết đích xác được vàng mấy tuổi. Trước kia người buôn vàng vẫn dùng một hòn đá màu đen để vạch thỏi vàng lên xem vết vàng ở mặt đá mà nhận biết tuổi vàng là bao nhiêu – vàng nguyên chất là vàng 10 tuổi ; càng pha nhiều đồng thì tuổi càng giảm đi, thí dụ nói vàng 7 tuổi là vàng có pha 3 phần đồng, chỉ có 7 phần là vàng.

[2] Sông Tương …. cuối kia : Hai câu này lấy ý ở bài thơ trong Tình sử:

[君 在 湘 江 頭 = quân tại tương giang đầu = chàng thì ở khúc đầu sông tương]

[妾 在 湘 江 尾 = thiếp tại tương giang vĩ = thiếp thì ở đoạn cuối sông tương]

[相 顧 不 相 見 = tương cố bất tương kiến = cùng ngó nhau mà cùng chẳng thấy nhau]

[同 飲 湘 江 水 = đồng ẩm tương giang thủy = chúng ta cùng uống nước sông tương]

[3] Tin xuân = thư từ kể tâm tình thương nhớ nhau.

[4] Thưa hồng rậm lục : Thưa hồng = hoa đã ít đi. Rậm lục = lá cây đã mọc nhiều và màu xanh thẫm hơn. Lấy ý ở Tây Sương Ký [綠 暗 紅 稀 春 去 也 = lục ám hồng hi xuân khứ dã = lá cây màu xanh đã sẫm, hoa đỏ cây đã thưa, mùa xuân đã đi rồi].

[5] Sinh nhật ngoại gia = lễ sinh nhật nhà họ ngoại.

[6] Hai đường = cha mẹ. Chữ Hán là song đường [双 堂] ; nghiêm đường [嚴 堂] = cha, từ đường [慈 堂] = mẹ ; hay xuân đường [椿 堂] = cha, huyên đường [萱 堂] = mẹ]

[7] Cần dưng : Xem lời xác định câu 374 bên trên. Tấc thành = tấm lòng thành kính.

[8] Nhà lan = nhà có hoa lan thơm tho tao nhã. Chữ Hán là lan thất [蘭 室].

[9] Hội ngộ [會 晤] = họp mặt truyện trò với nhau.

[10] Thì trân [时 珍] = những đồ ăn ngon quý trong mùa, như các thứ trái cây. Thức thức = thứ nọ thứ kia. Câu “Thì trân thức thức sẵn bày” này rất hay, và tác giả tả ý đề phòng tinh tế của Kiều. Trước khi sang hội ngộ với Kim Trọng, nàng sắp sửa việc nhà chu đáo để phòng khi cha mẹ về khỏi ngờ nàng bỏ nhà đi cả ngày. Nàng bày sẵn một bàn bánh trái để khi về, ai cũng tưởng nàng luôn luôn mong đợi cha mẹ và các em. Nhiều nhà chú thích truyện Kiều cho câu này là thừa, đáng bỏ, thật là sai lầm. Ông Nguyễn Khắc Hiếu thì cho là tác giả đặt câu này rồi quên không nói là để làm gì. Ông Trần Trọng Kim thì nói không biết Kiều bày những đồ thì trân đó để làm gì. Một ông Tàu dịch truyện Kiều diễn ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thì nói là Kiều làm đồ uống rượu để đem sang nhà Kim Trọng, vì tục Tàu cuộc vui phải có đồ ăn uống. Ôi, cái nẻo thông phải rạch rào mới được lối đi, thì bưng qua sao được mâm thì trân thức thức sẵn bày ! Thật rất vô lý, chẳng khác gì ông Hiếu cho là tác giả bỏ quên mâm đó.

[11] Dắng = ho một tiếng để làm hiệu trước khi nói.

[12] Tiếng vàng = tiếng trong vang êm ái dễ nghe.

[13] Lửa hương = cái tình yêu đã thề với nhau, do ba chữ hương hỏa tình [香 火 情] dịch ra. Hương hỏa tình là tình khói lửa, vì lúc thề với nhau vẫn thường đốt hương mà cùng thề ở trước trời đất quỷ thần.

[14] Hoa râm : Ở Bắc Việt có cây râm, nhị hoa cái trắng cái đen, mọc thành chùm lẫn lộn nhau, nên người tóc dở bạc dở đen gọi là đầu hoa râm.

[15] Gió bắt mưa cầm : Lấy ý từ thơ của Tiền Khởi đời Đường [咫 尺 愁 風 雨 匡 庐 不 可 登 = chỉ xích sầu phong vũ Khuông Lư bất khả đăng = chỉ gần trong gang tấc thôi mà buồn vì mưa gió mà không lên được núi Khuông Lư].

[16] Cam = chịu lỗi. Tri âm = biết lòng nhau. Theo điển Bá Nha gẩy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha nghĩ gì khi gẩy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm.

[17] Tạ lòng = tạ lỗi phụ lòng mong đợi nhau.

[18] Núi giả = núi chất bằng đá làm cảnh ở trong vườn.

[19] Động đào = cảnh tiên.

[20] Thiên thai = tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết giang bên Tàu, phong cảnh rất đẹp. Tương truyền đời nhà Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên thai hái thuốc thì gặp hai nàng tiên, lưu lại ở đó nửa năm rồi xin về thăm nhà. Khi về đến nhà thì ra đã được 7 đời người rồi !

[21] Vạn phúc [萬福] = lời đàn bà chào ai, tỏ ý chúc mừng. Hàn huyên [寒 暄] = lời đàn ông chào ai, tỏ ý hỏi thăm sức khỏe, lạnh (= hàn) hay ấm (= huyên) thế nào.

[22] Góp lời phong nguyệt có nghĩa đen là kể những câu thơ vịnh gió thưởng trăng, và nghĩa bóng là nói đến những chuyện tình tứ vui vẻ với nhau.

[23] Bút giá = cái giá để gác bút. Thi đồng = cái ống để đựng những bài văn, thơ viết vào giấy cuộn lại. Bút giá, thi đồng là hai thứ trang sức bày trên án thủ của một văn sĩ.

[24] Đạm thanh = lối vẽ bằng mực nhạt lỏng (thủy mạc). Tranh tùng = tranh vẽ cây thông.

[25] Phong sương = đã chịu nhiều phen gió bão to, sương tuyết lạnh. Người xưa quý cây thông vì nó đứng thẳng, cao, vững, lại chịu được sương tuyết mùa đông vẫn xanh tốt. Nó được ví như người quân tử khí khái thẳng thắn.

[26] Mặn khen = khen một cách nồng nhiệt.

[27] Phác họa = vẽ một cách thô sơ lấy hình đại khái, chưa tô điểm cẩn thận. Ý nói khiêm là vẽ thô vụng.

[28] Phẩm đề = đề một bài thơ phê vịnh khen ngợi khéo đẹp thế nào.

[29] Thêm hoa = làm cho đẹp thêm lên, như vẽ thêm hoa vào tấm gấm, lấy điển ở bốn chữ [錦 上 添 花 = cẩm thượng thiêm hoa = thêm hoa trên gấm].

[30] Gió táp mưa sa = đưa bút nhanh như gió và nét mực đi đến đâu như mưa tưới hoa đến đó.

[31] Nhả ngọc phun châu = ý thơ đã hay như nhả ngọc ở trong lòng ra, lời thơ lại đẹp như phun ngọc ở trong miệng ra.

[32] Nàng Ban Chiêu [班 昭] đời Hán, và ả Tạ Đạo Uẩn [蔡 道 醖] đời Tấn, đều là những tài nữ nổi tiếng thông minh ngay từ lúc nhỏ. Ban Chiêu được vua Hán vời vào cung dạy hoàng hậu và cung phi ; nàng vào đó tra khảo sách vở tiếp tục làm xong bộ sử của anh là Ban Cố. Nàng Tạ Đạo Uẩn thì bàn văn thơ khiến nhóm văn sĩ trứ danh phải phục.

[33] Dung quang = hình dạng với màu sắc và vẻ thông minh hiện ra ở mặt. Liếc dung quang = xem tướng mặt.

[34] Ngọc bội : Sách Lễ Ký có câu [君 子 佩 玉 = quân tử bội ngọc = người quân tử đeo ngọc] để tỏ ý phải giữ đức hạnh mình trong quý như ngọc. Sân ngọc bội là nơi những người đeo ngọc tức là nơi triều đình, vì các quan vào chầu vua đều có đeo ngọc trước bộ áo chầu. Kim môn : Vua Hán Vũ đế bắt được con ngựa thần, sai đúc tượng ngựa đồng để ở trước của cung Vị ương, gọi cửa đó là Kim mã môn hay là Kim môn (cửa ngựa vàng). Các quan học sĩ phải ngồi ở trong nhà gần Kim môn để đợi lệnh vua sai khiến. Phường Kim môn hàm ý hạng quan văn học giỏi.

[35] Khuôn xanh = khuôn thiêng = ông trời.

[36] Vuông tròn = cho được nên vợ nên chồng tử tế.

[37] Tướng sĩ [相 士] = thầy xem tướng người.

[38] Anh hoa phát tiết [英 華 發 洩] = vẻ thông minh tài hoa tiết lộ ra ngoài quá = tướng xấu, nhất là về phần con gái.

[39] Nhân định thắng thiên [人 定 勝 天] = người ta cứ quyết tâm mà làm cho kỳ được, thì có thể thắng được số trời].

[40] Giải [解] = gỡ ra. Kết [結] = nút oan nghiệp. Giải kết là lời đọc bùa ếm để gỡ ra những nút oan nghiệp cho khỏi gặp những tai vạ sau này. Tục ta xưa, trước khi nói một câu chẳng lành (thí dụ “chắc gì sẽ nên duyên”), thì thường nói ếm trước rằng “nói giải kết đổ đi, nếu sau này có xảy ra sự ngang trái làm cho đôi ta không lấy được nhau, thì quyết giữ lòng bền vững như vàng đá mà liều bỏ một đời không lấy ai nữa.”

[41] Đem vàng đá mà liều lấy thân : Xem câu chú thich [40] bên trên. [42] Trung [衷] = những điều ở trong lòng.  Khúc [曲] = những điều kín đáo chứa ở một nơi khuất khúc trong lòng. Trung khúc = những tâm sự rất thật.

[43] Ngậm gương non đoài = mặt trời đã lặn xuống bên kia dẫy núi phía tây. Lấy ý từ câu thơ cổ [西 山 欲 含 半 边 日 = tây sơn dục hàm bán biên nhật = núi phía tây muốn ngậm kín nửa vầng mặt trời].

[44] Gương giọi đầu cành lấy ý từ câu thơ cổ [月 明 才 上 柳 梢 頭 = nguyệt minh tài thượng liễu sao đầu = sáng trăng vừa mới lên tới ngọn cây liễu].

[45] Trướng huỳnh = màn đom đóm. Đời xưa Trác Dận [卓 胤] nhà nghèo không có tiền mua dầu đèn, phải bắt đom đóm làm đèn học đêm mà thành tài, cho nên người sau mới nói trướng huỳnh với ý nghĩa buồng học.

[46] Tiếng sen = tiếng chân Kiều đi. Đời Nam Bắc Triều, Đông Hôn Hầu, lúc còn làm vua nước Nam Tề, yêu nàng Phan Phi, giát vàng thành hình hoa sen ở nền buồng cho nàng đi lên, và cười nói “mỗi bước chân nàng đi sinh ra một hoa sen vàng.” Người sau mới dùng chữ sen vàng hay gót sen để chỉ chân đàn bà đi.

[47] Giấc hòe = giấc mơ ngủ. Truyện xưa kể Thuần Vu Phần [淳 于 焚] nằm ngủ ở gốc cây hòe, mơ thấy được vua vời làm phò mã, được phong làm chúa tể ở đất Nam Kha [南 柯] (cành phía nam). Chàng làm chúa vinh hiển hơn 20 năm, bỗng được tin cấp báo có con rồng vào phá kinh đô. Công chúa yêu cầu chàng về cứu vua, chàng giật mình tỉnh dậy thì thấy một con rắn lớn đương phá một cái tổ kiến to ở trên giữa ngọn cây, mà mình thì nằm ngủ ở dưới bóng cành phía nam. Chàng liền trèo lên đánh chết rắn để cứu đàn kiến. Văn sĩ sau lấy điển này mà gọi mơ ngủ là giấc hòe.

[48] Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần lấy ý từ hai câu thơ cổ [月 移 花 影 玉 人 來 = nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai = trăng đưa bóng hoa và người mặt ngọc lại] • [月 移 梨 影 上 欄 杆 = nguyệt di lê ảnh thượng lan can = trăng đưa bóng hoa lê lên bức lan can].

[49] Đỉnh Giáp, Non Thần : Vua Tương Vương [襄王] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [巫 峽] (ta thường đọc là Vu Giáp) ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu Giáp này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.

[50] Đánh đường = vừa đi vừa dò đường vì đêm tối.

[51] Đài sen = cây đèn bằng đồng hình hoa sen để cắm nến.

[52] Song đào là cái lư hương bằng đồng để đốt trầm hương, hình quả đào to, trên nắp có trổ lỗ thông khói giống hình cửa sổ có trấn song. Câu tả cây đèn lư hương này thật tài, thật hay, lời lẽ thật đẹp, hai vế đối thật chỉnh : đài sen đối với song đào, nối sáp đối với thêm hương. Ý lại rất đầy đủ, tả rõ được hình đèn hình lư rất đúng, rất đẹp, rất trang trọng lịch sự, đáng bày làm bàn thờ cúng thề. Chỉ nỗi lời đặt vắn tắt cầu kỳ nên “song đào” các bản Kiều đều giảng nghĩa sai lầm. Bản thì cho song đào là cửa sổ ngoài có trồng cây đào. Ôi, nếu là cửa sổ thì thêm hương vào đâu ? Bản của hai ông Kim và Kỷ thì đổi song đào thành lò đào vì có chữ đào lô [桃 炉], nhưng lại giảng đào lô là lò hương hình hoa đào ! Thật ra chỉ thấy lư hương đúc hình quả đào thì nhiều mà không thấy lư hương, đỉnh hương làm hình hoa đào bao giờ.

[53] Tiên thề = tờ văn tế viết lời thề.

[54] Thảo = viết.


[55] Chữ đồng ở đây thay cho thành ngữ đồng tâm kết [同 心 結]. Lễ xưa, khi trai gái thuận tình lấy nhau, thì bên trai đưa cho bên gái 2 giải lụa đẹp để cô gái kết một nút đẹp nối hai dải với nhau thành một dải dài giữa có nút “đồng tâm” đó.

Diễn ra văn xuôi

Câu 363, 364 = Từ hôm hai bên đã hiểu thấu lòng nhau rồi, tình yêu nhau càng thấm thía, và lòng nhớ nhau càng tha thiết ngẩn ngơ.

Câu 365, 366 = Hai bên ở rất gần nhau, lúc nào cũng trông ngóng nhau mà không sao được thấy mặt nhau.

Câu 367, 368 = Chỉ có một bức tường xoàng thôi, mà sao trông nó thâm nghiêm lạnh lẽo như sương che tuyết ủm kín mít nhà nhau, chẳng sao năng đưa tin tức làm vui lòng nhau được.

Câu 369, 370 = Ngày ngày chỉ những lần lữa, ngày hóng gió, đêm ngắm trăng, thấm thoắt đã hết xuân sang hè, hoa cây thưa ít dần, lá cây mau rậm dần.

Câu 371 đến 374 = Một hôm gặp ngày có lễ mừng sinh nhật ở nhà bên ngoại Kiều, trên thì hai cha mẹ, dưới thì hai em, đều nhộn nhịp sắm sửa quần áo chỉnh tề và đem đồ lễ đi chúc mừng tỏ lòng kính mến.

Câu 375, 376 = Được hôm cả nhà đi vắng, Kiều ở nhà thảnh thơi có một mình ; nàng mừng lòng hôm nay rõ ràng là ngày được họp mặt truyện trò với chàng.

Câu 377, 378 = Khi cả nhà đi rồi, nàng liền dọn dẹp cửa nhà đồ đạc cho chỉnh tề và bày sẵn các thứ quà bánh hoa quả đương mùa lên bàn ăn, để phòng khi lên hội ngộ lâu quá, về không kịp bày để chào mời cha mẹ, và cũng để khỏi ai ngờ mình bỏ nhà đi cả buổi. Khi sắp sửa bày biện xong cả rồi, nàng mới đi ra nẻo mé tường nhanh thoăn thoắt.

Câu 379, 380 = Nàng đứng ở cách chòm hoa mà dắng lên một tiếng làm hiệu, thì thấy ở bên kia đã có chàng đứng đợi ở dưới gốc hoa.

Câu 381, 382 = Chàng sẽ tỏ lời trách yêu “Sao mà lòng cô quá hững hờ với lòng tôi như vậy ? Sao mà nỡ để duyên hương lửa bỗng lạnh lùng đi bấy nhiêu lâu ?

Câu 383, 384 = “Làm cho tôi những đắp nhớ nọ lên nhớ kia, hết sầu này đến sầu nữa, đầu tóc tôi đã bị màu lạnh lùng sương tuyết đó nhuộm trắng một nửa, thành mái tóc hoa râm. ”

Câu 385, 386 = Nàng tươi cười xin lỗi “Vì phải giữ gìn như mưa gió hãm chân, không sao qua lại gặp nhau được, xin đành chịu lỗi như tệ bạc với bạn tri âm bấy lâu.

Câu 387, 388 = “Hôm nay được dịp cả nhà đi vắng, phải vội vàng đem tấm lòng thành này sang tạ tấm lòng mong nhớ nhau của chàng. ”

Câu 389, 390 = Nàng mới đi vòng quanh hòn núi non bộ, thấy chỗ cuối tường hình như có lối thông qua sang bên kia mà mới rào lại.

Câu 391, 392 = Nàng bèn xắn tay áo cho gọn mở chỗ rào ra và rẽ rộng cỏ cả hai bên thì thấy rõ ngay lối đi sang ; nàng vui mừng quá, chẳng khác gì hai chàng Lưu, Nguyễn rẽ ra được đám mây mà thấy được lối vào thiên thai mà gặp tiên nữ.

Câu 393, 394 = Hai bên nhìn mặt nhau rất vui tươi, nàng chào chúc chàng được vạn phúc, chàng thì chào chúc nàng được an khang.

Câu 395, 396 = Chàng nàng đi ngang vai nhau về chỗ hiên đọc sách, vừa đi vừa góp những chuyện vịnh gió thưởng trăng cho vui, và nhắc lại những câu chỉ sông chỉ núi mà thề cho tình thêm nặng.

Câu 397, 398 = Trong hiên có cái án thư bày những giá bút và ống đựng những cuộn giấy chép văn thơ ; phía trên giá bút ống thơ có treo một bức tranh cây thông vẽ lối thủy mạc.

Câu 399, 400 = Bức tranh vẽ khéo rõ được vẻ già cứng tự nhiên như thật của cây thông đã trải qua nhiều năm sương gió. Nàng ngắm mãi và tỏ lời mặn mà khen nét vẽ rất khéo, càng nhìn càng thấy vẻ tươi đẹp ưa nhìn.

Câu 401, 402 = Chàng nói “Tranh này tôi mới vừa vẽ phác qua xong. Nhân tiện xin cô để một vài lời phẩm bình cho thêm đẹp, như gấm thêm hoa.”

Câu 403, 404 = Nàng nhận lời, và bàn tay đẹp nõn nà của nàng cầm bút vẫy múa một mạch, nhanh như gió táp mưa sa, thảo xong một bài thơ bốn câu ba vần ở trên bức tranh đó, lời thơ rất hay, chữ viết rất tốt.

Câu 405, 406 = Chàng rất thán phục, khen ngợi “Thật là tài nhả ngọc phun châu, dẫu nàng Ban, ả Tạ thuở xưa cũng chỉ tài đến thế này mà thôi.”

Câu 407, 408 = “Nếu kiếp trước tôi tu chưa được đầy đặn, thì kiếp này tôi lấy phúc đâu để mà cân được thăng bằng với tài to giá nặng của cô ?

Câu 409, 410 = Kiều đáp “Thiếp đã liếc trộm coi vẻ mặt chàng thấy tướng chàng rất tốt, nếu sau này không làm quan to chức trọng nơi triều đình, thì cũng thành bực văn thần nổi danh ở tòa Kim môn.”

Câu 411, 412 = Rồi nàng có vẻ lo buồn và nói tiếp “Thiếp nghĩ đến cái số phận của thiếp chỉ mong manh như thể cánh chuồn, chẳng biết rồi ra trời có cho được vuông tròn duyên phận với chàng không ?”

Câu 413 đến 416 = “Thiếp còn nhớ từ hồi thiếp còn trẻ thơ, có người thầy tướng đoán ngay tướng thiếp rằng : con gái mà bao nhiêu phần anh hoa phát tiết ra ngoài hết cả, xưa nay bao giờ cũng mệnh bạc, chỉ sống uổng đời tài hoa thôi.”

Câu 417, 418 = “Nay thiếp trông tướng phúc hậu của chàng, lại nghĩ đến tướng thiếp như vậy, thật là một dày một mỏng khác nhau, chẳng biết có nên vợ nên chồng được không ?”

Câu 419, 420 = Chàng nói để khuyên nàng cứ vững dạ chớ lo “Tình cờ ta được gặp nhau như thế này, chắc là có duyên rồi, vả lại từ xưa đến nay, nhiều cuộc người ta nhất định quyết chí làm, đã thắng được số trời định rồi.”

Câu 421, 422 = “Nói dại, giải kết đổ đi, nếu có xảy ra sự gì ngáng trở, thì ta cứ vững lòng cương quyết một niềm bền chắc như vàng như đá mà liều với thân cũng chẳng tiếc ngại gì cả.”

Câu 423, 424 = Hai bên bày tỏ tâm sự với nhau thật đủ điều và nhủ bảo nhau rất ân cần khẩn thiết, lòng xuân tươi vui phơi phới như cờ bay trước gió, rượu xuân mời nhau vui uống tàng tàng say say.

Câu 425, 426 = Ngày vui sao quá ngắn như chẳng đầy một gang tay, bỗng trông ra sân đã thấy mặt trời lặn xuống núi phía tây chỉ còn một nửa gương tròn.

Câu 427, 428 = Vì nhà vắng, ngồi mãi không tiện, nàng mới từ giã chàng ra về.

Câu 429 đến 432 = Nàng về đến nhà thì được tin ông bà còn dở tiệc chưa về. Nàng liền buông bức màn the ở cửa ngoài xuống, rồi một mình vội đi thẳng ra nẻo vườn lúc tối khuya.

Câu 433, 434 = Lúc đó trăng mới mọc, ánh sáng chiếu lên dần các cành cây chỗ mau chỗ thưa, nàng trông phía thư phòng chàng thì vẫn còn thấy ngọn đèn hắt hiu trước gió ở trong màn học.

Câu 435, 436 = Chàng còn ngồi tựa án thư, vừa mới thiu thiu buồn ngủ, dở tỉnh dở mê, thì tiếng chân Kiều làm cho chàng tỉnh dậy và thấy nàng ở trước bóng trăng tiến lại gần mình như cành hoa lê được bóng trăng đưa đến.

Câu 439, 440 = Chàng vẫn còn buâng khuâng như giấc mộng xuân, thấy nàng mà còn ngờ, như Sở tương vương thấy thần nữ núi Vu trong giấc mơ ngủ ở đỉnh non Giáp.

Câu 441 đến 444 = Thấy chàng tưởng là gặp mình trong giấc mộng, nàng có ý lo ngại là điềm gở, nàng mới nói “Trong giờ vắng vẻ khuya khoắt này, vì quý mến chàng quá, nên phải liều thân lần từng bước đường mà tìm lại nhau. Bây giờ thì thật là rõ mặt đôi ta lúc tỉnh. Nhưng ôi, chắc đâu lúc này chỉ là một giấc mơ ?”

Câu 445, 446 = Bấy giờ chàng mới thật sự tỉnh và mừng lắm, vội đứng dậy chào đón nàng vào, đốt thay cây nến khác ở trên cây đèn hình hoa sen, và bỏ thêm trầm đốt vào cái lư hương hình quả đào, nắp trổ hình cửa sổ.

Câu 447, 448 = Rồi hai người sắp sửa làm lễ thề với nhau, lấy giấy hoa tiên cùng viết một bài văn thề, lấy kéo cắt một món tóc trên mái đầu, chia làm đôi mỗi người giữ một nửa.

Câu 449, 450 = Lúc đó đã nữa đêm, vừng trăng giữa trời sáng vằng vặc. Hai người cùng ra sân lấy vừng trăng làm chứng cuộc thề, rồi hai miệng một lời cùng đọc.

Câu 451, 452 = Lời thề kể căn vặn tấc lòng từng ly từng tí và gắn bó mối duyên tơ tóc với nhau thật bền chặt, thề tạc một chữ “đồng” vào tận xương để kết nghĩa trăm năm với nhau.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Câu 388 Kiều nói “Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng” : Hai chữ lòng này ứng với hai chữ lòng ở câu 381 Kim nói “Trách lòng hờ hững với lòng.”

Câu 385 “Nàng rằng gió bắt mưa cầm / đã cam tệ với tri âm bấy chầy” để Kiều vừa trả lời vừa xin lỗi câu 386 Kim Trọng nói “Những là đắp nhớ đổi sầu / tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm.”

Thi cảnh này thật là hay quá – lấy ý bóng bẩy gió mưa đáp lại ý bóng bẩy tuyết sương thật là thanh nhã tài tình và lấy cam tệ để giải khuây nỗi đắp nhớ đổi sầu thật là gọn gàng, đầy đủ tình tứ, hả được lòng nhau. Hai chữ “gió mưa” câu này còn có ý móc nối bóng bẩy với hai chữ “tuyết sương” ở câu 367 “Một tường tuyết ủm sương che.”

Trong câu 417 “Trông người lại ngẫm đến ta”, trông người thì ứng với trộm liếc dung quang, ngẫm đến ta thì ứng với Nhớ từ năm hãy thơ ngây / có người tướng sĩ đoán ngay một lời.

Biết là có nên ở câu 418 “Một dầy một mỏng biết là có nên” nhắc lại ý lo nghĩ ở câu 412 “Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay.”

Đoạn tả Kiều vì ảnh hưởng hồn Đạm Tiên hiện ra gió cuốn cờ buổi chiều, mà tối ngồi tựa triện thiu thiu thấy hồn Đạm Tiên lại tưởng là người thật, lúc gió làm tỉnh dậy thì còn như ngửi thấy mùi hương thừa. Trái lại đoạn tả Kim Trọng vì ảnh hưởng ban ngày được hội ngộ với Kiều, tối đến ngồi tựa án mơ mơ màng màng như vẫn ngồi với Kiều, khi tiếng chân Kiều đi làm chàng tỉnh, thì chàng thấy Kiều thật lại tưởng là thấy mộng hồn nàng mà ngơ ngẩn nhìn. Tả hai cuộc ngủ ngồi thì giống nhau : Kiều thì vì ảnh hưởng làm cảm động mà ngủ, rồi lại gió làm tỉnh dậy. Kim thì vì ảnh hưởng Kiều làm say sưa mà ngủ, rồi lại tiếng chân Kiều đi làm tỉnh dậy. Nhưng sự mơ tưởng trong giấc mộng thì khác hẳn nhau. Kiều thì tưởng mơ là thật, khi tỉnh ra vẫn ngẩn ngơ tìm Đạm Tiên. Kim thì buâng khuâng biết là giấc mơ, nên tỉnh rồi thấy Kiều thật lại vẫn tưởng là bóng Kiều mơ. Kết cục giấc ngủ ngồi thiu thiu của nàng và giấc mơ màng ngủ ngồi của chàng đều báo điềm không hay cho Kiều, khiến nàng phải ngẫm nghĩ lo buồn.

Câu 433 “Nhặt thưa gương giọi đầu cành” rất khẩn thiết với đoạn trên. (1) Nó cho ta biết hôm đó là giữa tháng, tối trăng mới mọc ; lúc Kiều lại sang nhà Kim Trọng, thì bóng trăng chỉ mới soi chéo lên ngọn cây nên nàng phải đánh đường tìm hoa ở dưới bóng cây. (2) Lúc nàng lại đến nhà Kim Trọng, trăng còn ở sau lưng nàng, nên Kim Trọng thấy “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.” (3) Lúc hai bên làm lễ thề là nửa đêm, trăng tròn đứng ở giữa trời. (4) Lúc gần sáng hôm sau thì trăng đã xế xuống ngang đầu mái nhà khi có gia đồng gọi cửa làm tan cuộc hội ngộ. (5) Lúc chàng lén sang từ giã Kiều để về đi hộ tang, thì trăng đã sắp lặn nhưng chàng còn kịp trỏ trăng mà nói “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.” Tác giả khéo tả đúng đủ vị trí mặt trăng từng giờ đêm rằm đó. Thế là từ tối đến sáng cái đêm hôm đó, sự biến chuyển to nhất giữa cuộc tình duyên Kim Kiều, mặt trăng đã chứng kiến tất cả các chi tiết từ cuộc đằm thắm vui tươi nhất cho đến cuộc tan rã buồn thương rồi hóa đau thương suốt đời.

[ĐÀM DUY TẠO]