CHƯƠNG 09

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 453 ĐẾN CÂU 568

“Ngán khúc tiêu tao, trọng lời đoan chính”

453. Chén hà sánh giọng quỳnh tương, [1, 2]

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. [3, 4]

455. Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,

Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.

457. Chày sương chưa nện cầu Lam, [5]

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?” [6, 7]

459. Nàng rằng: “Hồng diệp xích thằng, [8]

Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.

461. Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. [9]

Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai. ”

463. Rằng: “Nghe nổi tiếng cầm đài, [10]

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” [11]

465. Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi, [12]

Đã lòng dạy đến dạy thì phải vâng. ”

467. Hiên sau treo sẵn cầm trăng, [13]

Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.

469. Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tây, [14]

Làm chi cho bận lòng này lắm thân!”

471. So dần dây vũ dây văn, [15]

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương. [16]

473. Khúc đâu Hán Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. [17]

475. Khúc đâu Tư mã Phượng cầu, [18]

Nghe ra như oán như sầu phải chăng!

477. Kê khang này khúc Quảng lăng, [19]

Một rằng Lưu thủy hai rằng Hành vân. [20]

479. Quá quan này khúc Chiêu quân, [21, 22]

Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

481. Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. [23]

483. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. [24]

485. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu. [25]

487. Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. [26]

489. Rằng: “Hay thì thật là hay,

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

491. Lựa chi những bậc tiêu tao, [27]

Dột lòng mình lại nao nao lòng người?” [28]

493. Rằng: “Quen mất nết đi rồi,

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

495. Lời vàng vâng lĩnh ý cao, [29]

Họa dần dần bớt chút nào được không. ”

497. Hoa hương càng tỏ thức hồng, [30]

Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.

499. Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

501. Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi, [31]

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao! (32)

503. Vẻ chi một đóa yêu đào, [33]

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. [34]

505. Đã cho vào bậc bố kinh, [35]

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu. [36]

507. Ra tuồng trên bộc trong dâu, [37]

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

509. Phải điều ăn xổi ở thì, [38]

Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày! [39]

511. Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương. [40]

513. Mây mưa đánh đổ đá vàng, [41]

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

515. Trong khi chắp cánh liền cành, [42]

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

517. Mái tây để lạnh hương nguyền, [43]

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

519. Gieo thoi trước chẳng giữ giàng, [44]

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai? [45]

521. Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt lại đền bồi có khi!”

523. Thấy lời đoan chính dễ nghe, [46]

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

525. Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, [47]

Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.

527. Nàng thì vội trở buồng thêu, [48]

Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.

529. Cửa sài vừa ngỏ then hoa, [49]

Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang. [50]

531. Đem tin thúc phụ từ đường, [51, 52]

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. [53]

533. Liêu dương cách trở sơn khê, [54]

Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. [55]

535. Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,

Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. [56]

537. Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,

Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi:

539. “Sự đâu chưa kịp đôi hồi, [57]

Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,

541. Trăng thề còn đó trơ trơ,

Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.

543. Ngoài nghìn dặm chốc ba đông, [58]

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!

545. Gìn vàng giữ ngọc cho hay, [59]

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”

547. Tai nghe ruột rối bời bời,

Nhịn ngừng nàng mới giãi lời trước sau: [60]

549. “Ông tơ gàn quải chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!

551. Cùng nhau trót đã nặng lời,

Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ! [61, 62]

553. Quản bao tháng đợi năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. [63]

555. Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. [64]

557. Còn non còn nước còn dài,

Còn về còn nhớ đến người hôm nay!”

559. Dùng dằng chưa nỡ rời tay,

Vầng đông trông đã đứng ngay góc nhà.

561. Ngại ngùng một bước một xa,

Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.

563. Buộc yên quảy gánh vội vàng, [65]

Mối sầu xẻ nửa bước đường chia hai. [66, 67]

565. Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa. [68]

567. Não người cữ gió tuần mưa, [69]

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

Đính chính và xác định

Câu 526 “Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào” – Chữ “gọi” câu này có bản Kiều in là “gõ” e không hợp ý nghĩa với chỗ này, vì cửa ngăn chỉ là thứ cửa làm tạm để phân cách địa giới bằng những thanh gỗ thưa thớt, làm gì có cánh gỗ tử tế mà gõ, chỉ đứng ngoài gọi thì rất dễ vì rất thoáng, trông rất rõ.

Câu 548 “Nhịn ngừng nàng mới giãi bầy trước sau” – “Nhịn ngừng” là nén lòng cảm động lo buồn muốn khóc của mình đi, để giãi bày rành rõ mọi điều và cũng để làm ra vẻ bình tĩnh mà yên ủi lòng chàng. Đặt chữ “nhịn ngừng” vào đây thật xác đáng thâm thúy tỏ được lòng Kiều vừa thương tình Kim Trọng, vừa lo buồn muốn khóc cho số phận trắc trở của mình. Những bản đổi chữ “nhịn ngừng” ra “ngập ngừng” thật là sai lầm vô nghĩa. Vậy xin xác định lại cho rõ. Lại có bản phiên âm lầm chữ “nhịn” ra “nhận” e vô nghĩa.

Câu 560 “Vừng đông trông đã đứng ngay góc nhà” = mặt trời đã mọc lên ngang với góc mái nhà. Những bản phiên âm chữ “góc” ra “nóc” e lầm quá, vì Kim Trọng lẻn sang với Kiều để báo tin và dặn dò mọi điều thì chỉ kịp ở nhà Kiều chốc lát rồi đi, có đâu dám ở lại lâu đến lúc “vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà” tức là lúc trời đã gần trưa rồi.

Chú giải và dẫn điển

[1] Chén hà = chén làm bằng thứ ngọc thạch hồng như mầu ráng buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn. Chữ Hán là hà bôi [霞 杯]. = ráng . Bôi = chén.

[2] Quỳnh tương = rượu trong như ngọc quỳnh. Thơ Đường có câu [一 飲 琼 漿 百 感 催 = nhất ẩm quỳnh tương bách cảm thôi = một khi đã uống rượu trong như ngọc quỳnh thì lòng sinh trăm mối xúc cảm”].

[3] Giải là hương lộn – “Giải là” dịch từ chữ Hán [羅 帶 = la đái = những giải dây lưng bằng lụa rũ xuống ở trước người]. “Giải là hương lộn” = mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau.

[4] Bình gương bóng lồng – “Bình gương” dịch từ chữ Hán [銀 屏 = ngân bình = cánh bình phong bằng bạc đánh bóng có thể soi gương được]. Bình gương bóng lồng = bóng hai người chiếu chung nhau trong một tấm bình phong bằng bạc đánh bóng.

[5] Bùi Hàng [裴 航] đời Đường gặp cô tiên tên là Vân Kiều phu nhân, có cho chàng một bài thơ trong có câu [藍 橋 本 是 神 仙 窟 = Lam kiều bản thị thần tiên quật = Lam kiều là chỗ thần tiên ở]. Về sau, một hôm chàng đi qua cầu Lam (= Lam kiều), vào một quán xin nước uống, gặp nàng tiên Vân Anh [雲 英] đẹp lắm. Chàng ước ao muốn lấy, bà mẹ nàng bảo nếu tìm được cái chầy ngọc để bà tán thuốc thì bà gả nàng cho. Khi chàng được một bà tiên cho chầy ngọc, đem lại nộp thì lấy được Vân Anh. Lam kiều đây chỉ nhà Thúy Kiều ở.

[6] Lần khân = đòi hỏi nhiều, được cái nọ lại đòi cái kia.

[7] Sàm sỡ = không biết giữ lễ phép đứng đắn trong quan hệ giao tiếp nam và nữ.

[8] Hồng diệp xích thằng = lá thắm chỉ hồng. “Chỉ hồng” = duyên vợ chồng, do điển tích Vi Cố như sau : Vi Cố [韋固] học giỏi đang kén vợ. Một hôm thấy ông cụ già ngồi dưới bóng cây giở một cuốn sách ra coi, bên mình có một túi chỉ đỏ. Cố hỏi sách gì, thì ông bảo “Tập sổ biên những cặp vợ chồng phải lấy nhau. Khi ta biên tên vợ chồng vào sổ này và lấy hai sợi chỉ hồng ở túi này mà se với nhau, thì dù hai bên giàu nghèo, sang hèn khác nhau thế nào, cũng phải lấy nhau thành vợ chồng.” Cố hỏi đùa ông cụ se tôi lấy ai, thì ông cụ chỉ vào đứa con gái rách rưới bẩn thỉu, mẹ đặt ngồi ở bờ ruộng để mẹ hái rau. Rồi ông cụ biên tên và lấy hai sợi chỉ se với nhau. Cố giận lắm, thuê người giết con bé, và yên trí là con bé đã chết rồi. Sau Cố long đong mãi không tìm được vợ, kết cục vẫn phải lấy người con gái có thẹo ở mang tai. Nàng nói lúc bé bị tên giặc chém nhưng may không chết. Đây ý nói tuy chưa thành vợ chồng, nhưng đã có duyên định rồi, để trả lời câu “Chày sương chưa nện cầu Lam” mà Kim Trọng vừa nói ở trên.

[9] Đừng điều nguyệt nọ hoa kia = trừ điều hoa nguyệt ra, thì không còn tiếc điều gì để làm vui lòng nhau. Đây là vì Kiều hiểu lầm các chữ “lần khân, sàm sỡ” của Kim Trọng, mà tỏ ý nói để ngăn ngừa trước.

[10] Cầm đài là chữ ở Đường thi nói về lúc Tư Mã Tương Như ngồi gảy đàn quyến rũ được Trác Văn Quân. Người sau này dùng chữ cầm đài để gọi chỗ ngồi gảy đàn.

[11] Lắng tai Chung Kỳ = muốn được lắng tai nghe bạn gảy đàn. Theo điển Bá Nha gảy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha đang nghĩ gì khi gảy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm (= biết lòng nhau).

[12] Tiện kỹ = nghề hèn mọn, chẳng đáng kể.

[13] Cầm trăng = cây đàn nguyệt.

[14] Nghề mọn = nghề chẳng đáng kể, tiếng nói khiêm nhường. Trong Liêu trai có câu [區 區 小 技 恐 負 良 琴 = khu khu tiểu kỹ khủng phụ lương cầm = nghề nhỏ mọn của tôi chỉ sợ phụ cây đàn tốt này].

[15] Dây vũ = dây to trên mặt đàn. Dây văn = dây nhỏ.

[16] Cung, thương, giốc, trủy, vũ = năm âm về âm nhạc xét theo giọng đục, trong, cao, thấp. “Cung” = âm đục thấp nhất, “thương” = âm đục thấp thứ hai, “giốc” = âm trung bình giữa trong đục cao thấp, “trủy” = âm trong cao bực nhì, “vũ” = âm trong cao nhất. Trong câu lục-bát “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như nước suối mới sa nửa vời” thì trong là âm vũ, đục là âm cung.

[17] Tiếng sắt = tiếng sát phạt như tiếng gươm giáo đánh nhau trong chiến trường. Tiếng vàng = tiếng hòa dịu như tiếng chuông, tiếng lệnh bằng đồng đánh để thu quân.

[18] Tư Mã = Tư Mã Tương Như đời Hán. Phượng Cầu = khúc đàn Phượng Cầu Hoàng. Bài đàn này nói về một con phượng mới bay từ biển về, muốn tìm bạn hoàng (hoàng = phượng mái) mà mãi chưa được, lòng những buồn bã ước ao. Nó nghĩ nếu mà tìm được thì sẽ sát cánh nhau mà bay lượn chìm bổng trên trời cao, thật vui sướng biết bao. Khi Tương Như dự tiệc ở nhà đại phú hào Trác Vương Tôn, chàng gảy khúc đàn này thì quyến rũ được con gái Trác Vương Tôn là Trác Văn Quân. Nàng trốn đi theo chàng ngay đêm hôm đó ; nàng vừa trẻ đẹp vừa tài tình.

[19] Kê Khang [嵇 康] người đời nhà Ngụy, được thầy dạy khúc Quảng Lăng ngay từ lúc nhỏ, nên đàn rất hay. Có bản Kiều đổi các chữ Lưu Thủy [流 水] và Hành Vân [行 雲] ở câu 478 ra là Hoa Nhạc [華 岳] và Quy Vân [歸 雲] là hai bài nhạc ở trong khúc Quảng Lăng cho đúng nghĩa hơn. Nhưng tôi thấy đổi như vậy thật là câu nệ, không hiểu tác giả đặt hai chữ Lưu Thủy Hành Vân vào đây là hay lắm, một là để ứng với bốn chữ “lắng tai Chung Kỳ” ở trên, hai là ngầm báo điềm gở Kiều sẽ bị lưu lạc như nước chảy mây bay.

[20] Lưu Thủy Hành Vân  Sách Lã Thị Xuân Thu kể : Bá Nha ngồi gảy đàn, bụng nghĩ đến cảnh núi cao, Chung Kỳ ngồi nghe nói “Đàn gảy hay quá, tiếng nghe cao vòi vọi như núi Thái Sơn.” Lát sau, Bá Nha vừa gảy vừa nghĩ đến cảnh mây bay nước chảy, Tử Kỳ lại khen “Đàn gảy hay quá, tiếng nghe mông mênh nhẹ nhàng như nước chảy.” Khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha tháo đàn, cắt dây nói “Thiên hạ ai biết tiếng đàn của ta nữa mà gảy.” Người sau mới gọi mấy khúc đàn của Bá Nha gảy cho Tử Kỳ nghe là khúc Hành Vân và khúc Lưu Thủy.

[21, 22] Quá quan, Chiêu Quân. Chiêu Quân tên là Vương Tường [王 嬙] là một cung phi tài sắc vô song đời nhà Hán, bị họa sĩ Mao Diên Thọ báo thù bằng cách chấm một nốt ruồi ở dưới mắt là tướng sát phu, nên không được vua yêu, rồi lại bị gả cho chúa nước Hung Nô. Lúc chào vua ra đi, vua mới biết là Diên Thọ vẽ oan cho nàng, và tiếc lắm. Lúc qua cửa ải nàng nhớ vua, nhớ nhà quá, ngồi trên lưng ngựa gẩy một khúc đàn tì bà nghe rất buồn thảm. Người sau gọi khúc đàn đó là khúc Quá quan (qua cửa ải).

[23] Nước suối mới sa nửa vời = nước suối chảy từ trên cao xuống mới đến nửa chừng ở sườn núi nghe thành tiếng đục ồ ồ.

[24] Bốn câu tả tiếng đàn : Trong như … Đục như… Tiếng khoan … Tiếng mau… lấy ý ở bốn câu thơ tả tiếng đàn cầm như sau : (1) [初 疑 颯 颯 凉 風 動 = sơ nghi táp táp lương phong động = lúc mới ngờ là phảng phất như gió mát tới] (2) [又 似 瀟 瀟 暮 雨 零 = hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh = rồi lại nghe rầu rĩ như tiếng mưa buổi chiều tối] (3) [近 若 流 泉 来 碧 嶂 = cận nhược lưu toàn lai bích chương = lúc nghe gần như suối chẩy ồ ồ từ gành ngang trên trời biếc thẳm xuống] (4)) [遠 如 玄 鶴 下 青 冥 = viễn như huyền hạc hạ thanh manh = lúc lại nghe xa như tiếng hạc đen nhào vút từ trời xanh mờ xuống]. Sầm sập như trời đổ mưa mượn ý câu tả tiếng đàn tỳ bà trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị [大 絃 嘈 嘈 如 急 雨 = đại huyền tào tào như cấp vũ = tiếng dây to nghe ầm ầm như mưa dồn dập đổ xuống].

[25] Người ngồi đó = Kim Trọng ngồi ở chỗ vui thích như thế đó, mà cũng buồn ngơ ngẩn.

[26] Vò chín khúc = buồn rầu rối chín khúc ruột.

[27] Tiêu tao = buồn bã lo âu.                                                               

[28] Dột lòng (cũng nói là chột dạ) nghĩa là khi mình nghe thấy điều gì có ý báo điềm tai nạn cho mình, thì mình giật mình sinh lòng lo sợ. Khi Kiều gảy khúc bạc mệnh, chính Kiều nghe cũng dột lòng Kiều.

[29] Lời vàng = lời khuyên răn quý báu như vàng.

[30] Hoa hương càng tỏ thức hồngHoa hương = sắc đẹp như hoa, tài thơm như hương. Câu này có nghĩa là Kim Trọng càng gần Kiều thì càng thấy vẻ đẹp của tài sắc Kiều.

[31] Đừng lấy làm chơi = chớ coi việc đó là thường. Đây là lời Kiều cảnh báo, cản cái sóng tình lả lơi của Kim Trọng.

[32] Dẽ = hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, đừng nóng nảy thế.

[33] Yêu đào – Kinh thi có câu [桃 之 夭 夭 = đào chi yêu yêu = cây đào lộc non rờn rờn] ý nói người con gái trẻ mơn mởn đến tuổi lấy chồng.

[34] Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh – Câu này không biết tác giả lấy điển từ đâu, còn ý nghĩa đại khái thì rất dễ hiểu = Kiều nói nhún trước là đâu dám ngăn cản như rào vườn hồng lại, không cho chim xanh vào, để sau đó giãi bày những lẽ không thể nào quá chiều nhau như thế được.

[35] Bố kinh = nói tắt bốn chữ [布 裙 荆 釵 = bố quần kinh thoa = quần bằng vải thường, thoa gài tóc bằng cành gai cây kinh]. Nàng Mạnh Quang [孟 光] là con gái một vị tướng quốc, lấy ẩn sĩ Lương Hồng [梁 鴻]. Lúc về nhà chồng bỏ hết quần áo gấm vóc và các đồ trang sức bằng vàng ngọc, mặc quần vải, gài thoa gai, theo chồng đi ẩn vui cảnh nghèo. Người sau dùng chữ bố kinh để nói người vợ hiền.

[36] Đạo tòng phu [從 夫] = đạo con gái ở với chồng. Trinh = tấm lòng bền vững giữ nghĩa trung thành với chồng mãi mãi của đàn bà.

[37] Trên bộc trong dâu do thành ngữ Hán “tang gian bộc thượng”  [桑 間 濮 上] dịch ra. Đời Xuân Thu, nước Vệ có đất tang gian và đất bộc thượng rất rậm rạp khuất khoắn, rất tiện cho trai gái họp riêng nhau, nên trai gái rất dâm đãng, có nhiều câu hát dâm tình hẹn hò nhau. Bởi vậy ta dùng thành ngữ trên bộc trong dâu để gọi loại trai gái lẳng lơ hư hỏng.

[38] Ăn xổi ở thì = chỉ ăn ở với nhau ít lâu rồi chán bỏ nhau. Ta nói “muối dưa, muối cà ăn xổi” là thái và muối một cách chóng được ăn, để ăn tạm vài ngày thì hết, vì để lâu không được.

[39] Tiết trăm năm = cuộc ăn ở với nhau đúng lễ nghĩa trong suốt đời.

[40] Thôi Trương Đời nhà Đường có nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng là đôi trai gái tài mạo tuyệt vời ; họ gặp nhau ở chùa rồi tự tình với nhau ở hiên mái tây chùa. Sau Trương về kinh thi hội đỗ làm quan bỏ lơ Thôi, mặc dù Thôi vẫn thư từ tha thiết nhớ mong. Lúc Thôi đã lấy chồng rồi, Trương lấy cớ là anh họ ngoại đến thăm, ao ước muốn gặp mặt Thôi, nhưng Thôi không ra chào, chỉ đưa một bài thơ từ biệt. Trong bài thơ ấy có câu [為 郎 憔 悴 却 羞 郎 = vị lang tiều tụy khước tu lang = võ vàng vì anh lại xấu hổ, không dám thấy mặt anh].

[41] Đỉnh Giáp, Non Thần : Vua Tương Vương [襄 王] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [巫 峽] ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.

[42] Chắp cánh liền cành lấy ý của một câu rất hay trong bài Trường Hận Ca [在 天 願 作 比 翼 鳥 在 地 願 為 連 理 枝 = tại thiên nguyện tác tị dực điểu tại địa nguyện vi liên lí chi = trên trời thì xin làm đôi chim liền cánh, dưới đất thì xin làm đôi cây liền cành].

[43] Mái tây chữ Hán là Tây sương [西 廂] tức là chỗ Thôi Trương trước đã thề với nhau mà sau bỏ không giữ lời thề nữa.

[44] Gieo thoi – Tạ Côn trọ học vẫn dòm ngó một cô gái hàng xóm. Một hôm Côn thấy cô ta ngồi dệt vải một mình ở nhà, bèn sang định tán tỉnh thì bị cô gái ném cái thoi vào mặt gẫy mất mấy cái răng.

[45] Nên thẹn cùng chàng – Xem lời chú giải [40] bên trên.

[46] Đoan chính = ngay thẳng, đứng đắn.

[47] Bóng tàuTàu = phiến gỗ dài đỡ chân rui mái nhà ở phía trước, chỗ gần giọt ngói.

Câu này hàm ý mặt trăng tròn xế thấp lúc gần sáng.

[48] Buồng thêu = buồng phụ nữ ở, vì họ hay khâu vá thêu thùa trong đó.

[49] Cửa sài = cổng ở hàng rào trước sân, cánh làm bằng những thanh gỗ ghép dọc thưa thớt, thường gọi là cổng chông.

[50] Gia đồng = đứa ở trai trẻ tuổi.

[51] Thúc phụ [叔 父] = chú, em trai bố.

[52] Từ đường [辞 堂] = nghĩa đen là từ giã nhà bỏ đi, nghĩa bóng là chết. Còn chữ “từ đường” viết [祠堂] thì nghĩa là nhà thờ. Chết ta còn thường gọi là từ trần [辞 塵] (bỏ đời) thì thông thường hơn, nhưng đây vì ép vần nên gọi là từ đường.

[53] Lữ [旅] = quê người. Thấn [殯] = còn chôn tạm. Lữ thấn = còn quàn ở quê người. Tha hương = nơi làng khác, nơi quê người. Đề huề = vợ con còn bơ vơ nheo nhóc ở quê người, chứ không phải nghĩa là ung dung đông vui như khi ta nói “cảnh nhà ông này con cháu đề huề sung sướng quá.

[54] Liêu Dương [遼 陽] = một tỉnh ở phía đông bắc nước Tàu.

[55] Hộ tang [護 䘮] = đi giúp đỡ trông coi mọi việc trong cuộc đưa đám ma từ nơi xa về quê quán.

[56] Lẻn = đi riêng một mình không để ai biết. Tự tình [敍 情] = kể lể tình cảnh.

[57] Đôi hồi = lo liệu bàn định mọi việc về chuyện mối manh sêu cưới.

[58] Chốc ba đông = một lát lâu bằng ba tháng buồn mùa đông (nếu giảng ba đông là ba mùa đông, tức là ba năm, e lâu quá).

[59] Gìn vàng giữ ngọc cho hay – Vàng ngọc đây tức là tấm thân quý báu như vàng như ngọc. Hai câu lục bát này là lời Kim Trọng khuyên Kiều là phải giữ mình cho vui vẻ khỏe mạnh để chàng ở xa được yên lòng. Câu này nghĩa lơ lửng rất hay, vừa khuyên nàng chớ nhớ thương chàng quá mà sinh ốm đau, vừa có ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà không giữ được tấm lòng vàng đá cho được trọn vẹn. Ý giữ mình cho được mạnh khỏe thì ứng với câu “Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.” Ý giữ lòng cho được thủy chung thì ứng với câu “Trăng thề còn đó trơ trơ, dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” của chàng.

[60] Nhịn ngừng – Xem lời xác định câu 548 bên trên.

[61] Thay mái tóc = đến lúc tuổi già, mái tóc đen hóa trắng.

[62] Dời lòng tơ = đổi lòng gắn bó lúc thề nguyền.

[63] Ăn gió nằm mưa tả cảnh khổ cực khi đi đường, lấy điển ở câu thơ cổ [露 宿 風 餐 六 百 里 = lộ túc phong san lục bách lý = nằm ngủ ở ngoài sương, phải ngồi ăn ở trước gió trong cuộc đi 600 trăm dặm đường]. Đây đổi chữ sương ra chữ mưa cho có vần, mà lại thêm ý vất vả hơn.

[64] Ôm cầm thuyền ai – Cổ thi có câu [漫 抱 琵 琶 过 過 別 船 = mạn bảo tỳ bà quá biệt thuyền = nỡ ôm đàn tỳ bà đi sang thuyền khác] để chê người đàn bà vì vắng chồng mà đi theo người khác. Câu thơ này lấy đỉển ở truyện ông Bạch Cư Dị kể trong bài Tỳ bà hành – đại khái nói ông đặt tiệc tiễn khách ở dưới thuyền, bỗng nghe thấy tiếng đàn tỳ bà gảy rất hay ở một chiếc thuyền gỗ gần đó ; ông đánh thuyền lại mời mãi mới được người đàn bà đó sang thuyền ông mà gảy, nghe rất não nùng. Người ấy kể bà vốn chơi đàn nổi tiếng ở kinh đô lúc tuổi trẻ, lúc luống tuổi cô đơn quá phải lấy một người lái buôn và thường phải ở một mình dưới thuyền. Ông thương cảm mới làm bài Tỳ bà hành để tặng bà.

[65] Buộc yên = đóng yên lên lưng ngựa.

[66] Mối sầu xẻ nửa = nỗi sầu như chia đôi, chàng một nửa, nàng một nửa, như sợi dây sầu cắt ra làm đôi mà chia cho nhau.

[67] Bước đường chia đôi = không nỡ đi, mỗi bước chỉ ngắn có một nửa, còn nửa nữa để lùi lại với nàng.

[68] Quyên nhặt = tiếng cuốc kêu mau. Nhạn thưa = tiếng chim sếu lạc đàn lẻ loi, kêu thưa thớt tiếng một. Câu 8 chữ này tả cảnh buồn khi chàng Kim đi đường, nghe tiếng cuốc kêu rồn rập ở trên cây thì nhớ nhà, nghe tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt ở nẻo trời xa thì thương cảnh mình bơ vơ dọc đường.

[69] Cữ gió tuần mưa – Đối với người phải kiêng tránh nắng gió thì người ta gọi 7 ngày là một “cữ” và10 ngày là một “tuần. ” Về sau người ta dùng cữ tuần để nói sự kiêng nắng gió – như nói đàn bà đẻ là ở cữ, người lên đậu phải cấm cữ, thấy cổng nhà nào hay cửa buồng ai treo cành lá đa dứa để cấm cữ thì người lạ chớ vào. Câu Não người cữ gió tuần mưa này dùng chữ cữ và chữ tuần là kiêng như vậy. Nghĩa hai câu lục bát này nói Kim Trọng thương Kiều phải vì mình mà giữ gìn kiêng tránh mọi điều, không dám đi chơi bời tiêu khiển đâu, chỉ những âm thầm ngồi ở nhà để càng ngày càng nhớ mình khổ lòng thêm mãi.

Diễn ra văn xuôi

Câu 453, 454 = Hai người ngồi uống rượu với nhau, rượu đã ngon, chén lại đẹp, khi thì ngửi mùi thơm quần áo lẫn lộn với nhau, khi thì lại ngắm bóng ngồi bên nhau ở trong cánh bình phong bằng bạc đánh sáng như gương.

Câu 455 đến 458 = Sinh bỗng dè dặt nói “Đêm nay gió mát trăng trong, cảnh đẹp quá. Đã từ lâu tôi vẫn có một chút chưa được thỏa nổi lòng ao ước, nhưng vì chưa nên vợ nên chồng, sợ lần lừa đòi hỏi quá thành ra bờm sơm bất lịch sự.”

Câu 459, 460 = Kiều nói “Đôi ta tuy chưa cưới xin gì, nhưng tình duyên trời đã định như lá thắm chỉ hồng và đã có lời thề nguyền với nhau thành đôi bạn tương tri, đồng tâm thân mật rồi.

Câu 461, 462 = “Chỉ xin đừng nói đến truyện nguyệt nọ hoa kia vội. Ngoài truyện đó ra, thì thiếp chẳng dám tiếc chàng sự gì cả. Vậy có ao ước việc gì, xin chàng cứ nói.”

Câu 463, 464 = Sinh nói “Tôi nghe đồn cô gảy đàn hay đã nổi tiếng ở nơi cầm đài, nên vẫn ước ao được lắng đôi tai biết nghe đàn này mà thưởng thức tiếng đàn cô gảy.”

Câu 465, 466 = Kiều nói “Tưởng là gì ! Chứ đó chỉ là một nghề nhỏ mọn của thiếp thôi, có đáng kể vào đâu mà chàng phải trịnh trọng thế. Chàng đã bảo thì thiếp xin vâng lời ngay.”

Câu 467, 468 = Ở mái hiên sau có treo sẵn một cây đàn ; Sinh lấy ngay ra và hai tay nâng cây đàn ngang trán mà trao cho Kiều.

Câu 469, 470 = Kiều đón lấy cây đàn và nói “Nào có đáng kể gì cái nghề hèn mọn riêng của thiếp này, mà chàng làm quá trịnh trọng như thế, cho thiếp phải bận lòng nể chàng vô cùng !”

Câu 471, 472 = Rồi nàng ôm cây đàn, vặn lại các dây, so lựa dây to dây nhỏ cho đúng năm âm cung, thương, trủy, giốc, vũ, rồi bắt đầu gảy.

Câu 473, 474 = Có khúc nàng gảy ra giọng sát phạt rùng rợn như tiếng gươm giáo, chuông cồng chen nhau trong chiến trường Hán Sở.

Câu 475, 476 = Có khúc nàng gảy nghe ra giọng sầu, giọng oán như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng.

Câu 477, 478 = Có khúc nàng gảy tiếng hay như Kê Khang xưa gảy khúc Quảng Lăng, và có giọng mông mênh bát ngát như khúc Lưu Thủy, rồi lại như khúc Hành Vân của Bá Nha.

Câu 479, 480 = Có khúc nàng gảy nghe ra giọng thương nhớ thiết tha như Chiêu Quân gảy khúc Quá Quan.

Câu 481 đến 484 = Khi thì tiếng đàn nghe trong veo như tiếng hạc bay vèo qua trên đỉnh trời. Khi thì tiếng đàn nghe đục lầm như tiếng suối từ trên cao vút chảy xuống mới đến nửa chừng núi. Khi thì tiếng đàn nghe thong thả khoan hòa như làn gió mát hiu hiu thoảng đến. Khi thì tiếng đàn nghe dồn dập mau gấp như tiếng mưa tối sầm sập đổ xuống.

Câu 485, 486 = Nhưng tiếng đàn khi chìm khi bổng ấy hợp với bóng sáng ngọn đèn khi tỏ khi mờ, làm cho chàng ngồi chỗ vui thích như thế mà cũng hóa ra ngơ ngẩn buồn sầu.

Câu 487, 488 = Khi thì chàng tựa lưng lên chiếc gối xếp mà lắng tai nghe, khi thì chàng ngồi cúi đầu xuống mà ngẫm nghĩ, khi thì bồn chồn như vò rối chín khúc ruột, khi thì ủ ê buồn bực, cau có đôi lông mày.

Câu 489, 490 = Chàng nói “Kể hay thì hay thật, nhưng nghe ra có giọng đắng cay thế nào ấy ? ”

Câu 491, 492 = “Cô lựa làm gì những khúc đàn sầu não như vậy ? Chính tai cô nghe chắc lòng cô cũng thấy ảo não như có điều gì quái gở làm chột cả dạ cô, mà lại làm cho người nghe như tôi đây cũng phải nôn nao lo buồn.

Câu 493, 494 = “Thiếp trót đã quen tay mất nết rồi, chỉ thích gảy những điệu sầu buồn như vậy. Âu đó cũng là tính trời sinh ra, người thích gảy điệu buồn tẻ, người thích gảy điệu vui vẻ, biết làm sao được. ”

Câu 495, 496 = “Nay được nghe những lời răn bảo đáng quý như vàng như ngọc này, thiếp xin vâng lĩnh cái ý hay cao ấy mà sửa đổi xem có bớt được chút nào không.

Câu 497, 498 = Tiếp xúc lâu với Kiều, chàng càng nhận thấy vẻ đẹp lộng lẫy của mặt hoa nàng và vẻ quý của tài thơm tho như hương trời cho nàng, nên tình yêu của chàng lại càng nồng nàn hiện ra đầu mày cuối mắt, ngắm liếc nàng luôn.

Câu 499, 500 = Nàng nhận thấy sóng tình chàng đã bồng bột như muốn sa ngã và thấy thái độ chàng yêu quý âu yếm mình đã ra chiều lả lơi kém phần đứng đắn.

Câu 501, 502 = Nàng mới ngỏ lời can rằng “Xin chàng đừng coi thường sự phi lễ ấy như là một trò chơi mà không giữ gìn cho thiếp, hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, để thiếp thưa rõ mấy lời chàng nghe đã nhé !

Câu 503, 504 = “Tấm thân con gái của thiếp chẳng qua chỉ như một đóa hoa đào mơn mởn, nào có ra vẻ gì đáng kể mà dám ngăn cấm chàng không cho phạm đến, cũng như sao thiếp dám rào kín vườn hoa lại không cho chim xanh vào ? ”

Câu 505, 506 = “Nhưng chỉ vì chàng có ý định lấy thiếp làm một người vợ hiền giỏi lễ phép, thì bổn phận đầu tiên của thiếp đối với chồng là phải giữ tấm lòng trinh tiết cho thơm sạch trọn vẹn từ trước tới sau. ”

Câu 507, 508 = “Nếu nay thiếp bừa bãi như những hạng gái theo trai vào trong bãi dâu, bờ sông Bộc xưa kia, thì chàng còn lấy làm gì nữa. ”

Câu 509, 510 = “Chúng ta còn ăn ở với nhau lâu dài trăm năm chứ có phải đâu chỉ chung chạ chốc lát qua thì như muối dưa ăn xổi còn thừa bỏ đi. Bởi vậy thiếp không dám nỡ lòng đem cái danh tiết trăm năm đó bỏ đi trong một ngày một chốc. ”

Câu 511, 512 = “Thiếp nghĩ rằng, từ xưa đến nay, cuộc tình duyên gặp gỡ rõ xứng đôi vừa lứa lạ lùng, thật chẳng đôi nào đã đẹp bằng đôi nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng. ”

Câu 513, 514 = “Ấy thế mà những cuộc mây mưa bừa bãi đã làm tan rã mất lời vàng đá thề bồi, rõ thật là nàng đã chiều lòng ước ao của chàng quá, để đến nổi lòng yêu đương của chàng thành ra chán chường, như đàn chim anh yến họp đấy tan đấy. ”

Câu 515, 516 = “Tại sao chàng chóng chán nàng vậy ? Là bởi vì trong khi chắp cánh liền cành, đầu gối tay ấp, ân ái say sưa, mà chàng đã có ý riêng coi rẻ là nàng kém lòng trinh tiết. ”

Câu 517, 518 = “Ôi ! Cái nén hương thề ở dưới mái hiên tây kia bị nguội lạnh đi, mà cái duyên đằm thắm lứa đôi này hóa ra bẽ bàng, có phải chỉ vì nàng đã quá chiều chàng không ? ”

Câu 519, 520 = “Tại nàng không biết giữ gìn từ trước như cô gái dệt cửi kia ném thoi vào mặt Tạ Côn, để sau đến nổi tuy nàng vàng võ ủ ê vì nhớ chàng Trương, mà khi được chàng tới thăm, hai bên vẫn tha thiết muốn gặp nhau, mà nàng quá hổ thẹn không dám ra trông mặt chàng. ”

Câu 521, 522 = “Bởi vậy thiếp xin chàng đừng ép liễu nài hoa vội. Còn duyên này, còn thân này, thì hẳn còn một lần chàng được đền bù mỹ mãn.”

Câu 523, 524 = Thấy Kiều nói những câu đứng đắn, lời lẽ dễ nghe, chàng càng thêm kính nể, thêm yêu quý nàng đủ mười phần.

Câu 525, 526 = Truyện trò với nhau mãi tới hồi gần sáng, vừng trăng nhạt bạc đã xuống đến ngang mực tàu nhà mái hiên, thì bỗng có tin từ ngoài cửa hàng rào gọi vào.

Câu 527, 528 = Nàng thì vội trở về buồng nàng, còn chàng thì vội đi qua sân luồn dưới mấy cây đào ra mở cửa.

Câu 529, 530 = Cửa vừa mở ra, thì đứa gia đồng đưa cho phong thư bên quê chàng vừa mới gửi sang cho chàng.

Câu 531, 532 = Chàng mở thư ra xem thì được tin thúc phụ chàng đã từ trần ở tỉnh Liêu Dương, hãy còn quàn tạm ở nơi đất khách đó, và tình cảnh vợ con thật nheo nhóc.

Câu 533, 534 = Vì đường xa xôi, núi sông cách trở, nên thân phụ chàng nhắn chàng phải cấp tốc về ngay để đi Liêu Dương trông coi giúp đỡ mọi việc đưa xác chú về.

Câu 535, 536 = Được tin này chàng rất kinh hoàng, vội vàng lẻn ngay sang lầu trang Kiều mà kể rõ sự tình cho nàng nghe.

Câu 537, 538 = Chàng đinh ninh kể cặn kẽ đủ đầu đuôi mọi nỗi thương đau trong lòng chàng, phần vì tang tóc ở trong gia đình, phần vì phải xa cách nàng ở nơi xa thẳm rất lâu.

Câu 539, 540 = Rồi chàng nói tiếp “Việc tang tóc xảy ra bất kỳ, làm cho việc hôn nhân chúng ta chưa kịp bàn định với nhau được chút nào, cả đến một lời mối manh trao duyên chính thức cũng chưa kịp làm cho đúng lễ.

Câu 541, 542 = “Tuy chưa có dạm hỏi gì thật như vậy, nhưng còn vừng trăng chứng tỏ cuộc thề nguyền của chúng ta kia, thì có lẽ đâu vì xa cách nhau mà lòng tôi dám hờ hững chút nào !

Câu 543, 544 = “Tôi thấy nay ta càng xa cách nhau, thì lại càng mong nhớ nhau. Người ta nói xa nhau ngoài nghìn dặm, thì mỗi mỗi chốc lát mong nhớ nhau coi lâu bằng ba tháng mùa đông. Thế mà ta phải xa nhau ít ra là 6, 7 tháng thì lâu biết là bao nhiêu ! Mối sầu nhớ nhau này, chúng ta còn lâu lai quá lắm mới gỡ ra được. ”

Câu 545, 546 = “Trong khi xa nhớ nhau lâu lai như vậy, tôi xin cô nén lòng chờ đợi, khéo giữ tấm thân vàng ngọc cho tôi được yên lòng ở nơi xa xôi.” (Hai câu lục bát này mang hai ý nghĩa rất hay : vừa khuyên Kiều chớ nhớ buồn quá mà sinh đau ốm, vừa ngụ ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà thay lòng đổi dạ).

Câu 547, 548 = Kiều nghe chàng nói, ruột nàng bối rối tơi bời thương cảm, buồn lo đủ đường. Nhưng nàng phải cố nhịn mọi nỗi nức nở như muốn khóc, để chàng khỏi phải bận lòng về mình và để trình tỏ lời cho được rành rõ trước sau.

Câu 549, 550 = Nàng nói “Sao ông Tơ lại nỡ bỗng sinh sự quái ác làm ngáng trở cuộc tình duyên của chúng ta như vậy ? Chưa được sum họp vui vẻ đã phải chia lìa sầu nhớ !

Câu 551, 552 = “Xin chàng chớ lo, chúng ta tuy chưa dạm hỏi gì nhưng đã nặng lời thề nguyền với nhau, thế là cũng đủ rồi. Dầu phải chờ đợi đến lúc bạc đầu, thiếp cũng xin quyết không đổi lòng thương mến chàng. ”

Câu 553, 554 = “Chàng khuyên thiếp phải giữ mình cho chàng được yên tâm, thiếp xin hết sức giữ gìn, chàng chớ lo ; dầu phải chờ đợi bao nhiêu năm tháng nữa thiếp cũng không quản ngại, chỉ nỗi thiếp khó dẹp được lòng thương chàng phải dãi gió dầm mưa trong mấy tháng trên đường hộ tang. Vậy thiếp cũng xin chàng cố giữ gìn cho được mạnh khỏe luôn.

Câu 555, 556 = “Và cũng xin chàng đừng lo, đã thề nguyền hai chữ đồng tâm với nhau, thì thiếp xin thề là quyết một lòng suốt đời không lấy ai nữa cho khỏi mang tiếng với đời. ”

Câu 557, 558 = “Thiếp xin chàng yên trí rằng trời cho sông núi còn lâu dài bao nhiêu thì tình nghĩa đôi ta còn lâu bền bấy nhiêu. Thiếp còn nhớ mãi mãi chàng là người thiếp từ giã hôm nay và mong chóng lại về gặp nhau.”

Câu 559, 560 = Hai bên còn đương dùng dằng chưa nỡ rời tay nhau thì trông ra ngoài sân thấy mặt trời đã đứng ở góc mái nhà rồi.

Câu 561, 562 = Thế là chàng trở ra về, lòng những ngại ngùng từng bước, bước đi bước nào là tiếc mất xa nhau thêm bước ấy, và mỗi lời ngoảnh lại trân trong dặn thêm nàng là hai hàng nước mắt nhỏ xuống theo lời.

Câu 563, 564 = Khi về tới nhà trọ, chàng thì vội vàng đóng yên ngựa, đứa gia đồng thì quảy gánh cùng ra đi. Mối sầu chàng như sẻ làm đôi, một nửa mang đi, một nửa để lại cho nàng ; mỗi bước đường chàng đi cũng như muốn chia làm đôi, một nửa tiến lên, một nửa muốn lùi lại với nàng.

Câu 565, 566 = Trên đường đi, chàng thấy phong cảnh quê người, cảnh nào cũng gợi cho chàng mối sầu thương, nghe thấy chim cuốc kêu mau mau ở trên cành cây thì chàng cảm thấy nhớ nhà ; nghe thấy tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt tiếng một thì chàng cảm thương mình bơ vơ ở dọc đường.

Câu 567, 568 = Lại thêm nỗi lúc nào bụng chàng cũng thương Kiều phải vì chàng mà phải giữ mình ; mặc dù buồn bã, chẳng dám đi đâu cho khuây khỏa ; suốt tuần, suốt tháng chỉ rầu rĩ ở nhà như người đau ốm phải kiêng cữ gió mưa, mang gánh tương tư mỗi ngày mỗi nặng thêm.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Trong đêm Kim Kiều hội ngộ, mặt trăng đã đóng một vai trò từ thủy chí chung : (1) Lúc mới mọc thì dẫn đường cho Kiều đi và đưa Kiều đến phòng văn Kim Trọng : “Nhặt thưa gương giọi đầu cành . . . Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. ” (2) Lúc lên đỉnh đầu thì chứng quả cuộc thề nguyền : “Vừng trăng vằng vặc giữa trời / đinh ninh hai miệng một lời song song. ” (3) Lúc quá nửa đêm, trăng lại gây cao hứng cho chàng muốn nghe đàn : Sinh rằng “Gió mát trăng trong / bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.” (4) Rồi lúc gần sáng trăng đã xế tàn lại chứng kiến trước sau cuộc chia ly đau đớn và nhắc lại cuộc thề lần nữa : “Bóng tàu đã nhạt vẻ ngân / tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào ” và “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. ” Bởi trăng ghi một kỷ niệm sâu xa cho Kiều suốt cái đêm chan chứa đầy ái tình đằm thắm trọng quý này như vậy, nên trong bước lưu lạc sau này, biết bao nhiêu lần nàng đã : “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng / thấy trăng mà thẹn những lời non sông.

Những lời lẽ đối đáp giữa Kim Kiều trong cuộc hội ngộ này thật là đầy ý nghĩa sâu sắc, đầy tình tứ tế nhị, hô ứng đâu vào đấy, rất thân mật kín đáo, rất gọn gàng đầy đủ. Khi hai người đang “Chén hà sánh giọng quỳnh tương / giải là hương lộn, bình gương bóng lồng” thì chàng bỗng nói “…gió mát giăng trong / bấy lâu nay một chút lòng chưa cam / chầy sương chưa nện cầu Lam / sợ lần khần quá ra sàm sỡ chăng. ” Câu nói đột ngột ấy đã làm cho Kiều giật mình khiến nàng vội ngắt lời chàng và thưa ngay lại “… hồng diệp xích thằng / một lời cũng đã tiếng rằng tương tri ” (để trả lời hai câu “Chầy sương chưa nện . . . ra sàm sỡ chăng), và “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia / ngoài ra ai có tiếc gì với ai ” (vừa để trả lời ý ngầm lửng lơ với chàng, vừa để khuyên chàng muốn gì cứ nói chớ ngại, xin vâng lời hết). Câu Kiều nói khiêm “… nghề mọn sá gì / đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng” trả lời một cách rất đích đáng với lời quá trịnh trọng của Kim “Rằng nghe nổi tiếng cầm đài / nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” Câu “…nghề mọn riêng tây / làm chi cho bận lòng này lắm thân” cũng trả lời rất thích đáng với cử chỉ quá trịnh trọng của chàng là “tay nâng ngang mày. ”

Những câu Kim Trọng lúc sắp ra đi hộ tang nói với Kiều thật đầy đủ ý tứ, khuyên nhủ một cách rất tế nhị, kín đáo, vừa thân mật thiết tha, vừa lễ phép đúng đắn và lời Kiều thưa lại cũng đầy đủ ý tứ từng câu một, mà cũng rất thân thiết lễ độ. Câu chàng nói “Sự đâu chưa kịp đôi hồi / duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ ” hàm ý lo chưa dạm hỏi gì nàng có thể lấy người khác, thì nàng đáp “Cùng nhau trót đã nặng lời / dẫu thay mái tóc dám rời lòng tơ. ” Câu chàng nói “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” khuyên nàng một cách bóng gió ý nhị, là phải giữ lời thề chặt chẽ như chàng, đừng có thưa thớt lòng vì xa cách. Để trả lời lại ý khuyên bóng gió ấy là câu nàng nói “Đã nguyền hai chữ đồng tâm / trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.” Câu chàng căn dặn “Gìn vàng giữ ngọc cho hay” lửng lơ với hai nghĩa : (1a) Phải giữ gìn tấm thân vàng ngọc cho khỏe, chớ buồn nhớ nhau quá mà sinh ốm ; (2a) Phải giữ gìn danh tiết cho bền trong như vàng ngọc. Lời đối đáp của Kiều thật đoan trang và quả quyết : (1b) “ Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. ” (2b) “Đã nguyền hai chữ đồng tâm / trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. ”

Chữ “đó” trong câu “Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” thật hay, vì nó tả rất gọn rõ cái nơi đủ cảnh vui – trăng trong, gió mát, bạn đẹp, đàn hay – thế mà chàng phải ngẩn ngơ sầu, thì biết tiếng đàn nàng gảy có giọng như ngậm đắng nuốt cay khiến lòng chàng phải nao nao đến thế nào.

Hai chữ “tiêu tao” ở câu “So chi những khúc tiêu tao” gồm được cả ý nghĩa tả giọng sát phạt, sầu oán, nhớ thương ở các khúc, và giọng trong ít đục nhiều, thư nhàn ít, dồn dập nhiều ở các câu trên.

Câu “Dột lòng mình cũng nao nao lòng người” tả thật khéo tài nghe đàn của Kim Trọng, thật không thẹn với câu chàng nói “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” ở trên. Chàng chỉ nghe giọng đàn tiêu tao mà biết được điềm bạc mệnh của Kiều, khiến chàng phải vò chín khúc, cau đôi mày ngỏ lời cảnh báo nàng. Chữ “dẽ” ở câu “Dẽ cho thưa hết một lời đã nao” thật đã tả rõ được thái độ “lả lơi” của Kim Trọng ở câu trên và đủ sức mạnh vừa nghiêm trang mà vừa đứng đắn, vừa cương quyết mà êm đềm, để dẹp tan được sóng tình bồng bột, khiến chàng phải cảm phục, phải thêm yêu thêm kính.

Ý nghĩa thâm thúy của mấy câu tả

tiếng đàn Kiều gảy trong đoạn này

Trong Truyện Kiều có hai đoạn tả “tiếng đàn” Kiều gảy cho Kim Trọng nghe. Chúng rất quan trọng mà tác giả đã tốn nhiều tâm tư đem tài nghệ viết ra – bên ngoài tuy tả tiếng đàn nhưng bên trong thật mượn tiếng đàn để vừa báo điềm biến chuyển vận mệnh đời Kiều (cũng là vận mệnh tác giả), vừa để than thở ngầm kín cho cuộc đời Kiều. Đó cũng là cuộc đời tác giả vui ít buồn nhiều, cuộc vui chỉ thoáng qua để làm cuộc buồn càng thêm nhớ tiếc thương đau mãi mãi. Dưới đây tôi xin phân giải từng câu trong đoạn tả tiếng đàn lần thứ nhất này để độc giả cùng suy xét.

(1) “Khúc đâu Hán Sở chiến trường / nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” bên ngoài thì tả tiếng đàn có vẻ sát phạt như tiếng gươm giáo đâm chém (tiếng sắt), như chuông cồng thúc giục (tiếng vàng) ; nhưng ý bên trong thì báo điềm gia đình Kiều sắp bị lũ nách thước tay dao vào tàn phá (tiếng sắt) và trói đánh Vương ông để lấy vàng bạc (tiếng vàng).

(2) “Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu / nghe ra như oán như sầu phải chăng” bên ngoài thì tả tiếng đàn rất hay như tiếng đàn Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở bốn chữ “như oán như sầu” báo điềm Kim Kiều sẽ phải chia rẽ nhau và sẽ đem lòng sầu oán nhớ tiếc nhau mãi mãi rất thê thảm.

(3) “Kê Khang này khúc Quảng Lăng / một rằng Lưu Thủy hai rằng Hành Vân” bên ngoài thì chỉ nói tiếng đàn Kiều gảy rất hay chẳng kém gì tiếng đàn Kê Khang gảy khúc Quảng Lăng ; nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “Lưu Thủy” và “Hành Vân” báo điềm Kiều sẽ bị lưu lạc như “nước chảy dưới suối”, như “mây bay trên trời” nay đây mai đó.

(4) “Quá quan này khúc Chiêu Quân / nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia” bên ngoài thì tả giọng đàn Kiều gảy nghe hay một cách thê thảm, giống như giọng đàn của bà Chiêu Quân ôm tỳ bà gảy khúc “Quá quan” khi qua cửa ải sang đất nước rợ Hồ. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì bốn chữ “luyến chúa” và “tư gia” báo điềm Kiều sẽ phải bỏ nhà ra đi để phải nửa đời lúc nào lòng cũng đau đớn phần tiếc Kim Trọng, phần nhớ gia đình.

(5) “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như tiếng suối nước sa nửa vời” thì bề ngoài chỉ tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì trong như tiếng hạc kêu, khi thì đục như tiếng suối chảy. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “bay qua” câu trên và ở bốn chữ “mới sa nửa vời” câu dưới để than thở cho quãng đời trong sạch của Kiều chỉ thoáng hệt như tiếng hạc bay qua, và quãng đời bẩn đục của nàng thì kéo dài mãi như tiếng ồ ồ nước suối đương sa xuống nửa vời mãi mãi không ngừng.

(6) “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì khoan thai như tiếng gió hiu hiu, khi thì mau gấp như tiếng mưa sầm sập. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở hai chữ “thoảng ngoài” câu trên và ba chữ “trời đổ mưa” câu dưới để than thở cho cuộc đời nàng lúc thư thả thì ít, chỉ như gió thoảng, còn lúc tai nạn thì dồn dập như trời gió bão đổ mưa sầm sập.

Tóm lại, từ các câu lục bát nêu trên thì bốn câu (1, 2, 3, 4) báo điềm đủ từng giai đoạn nửa đời bạc mệnh của Thúy Kiều, và hai câu (5, 6) thì tỏ lời than thở cho đời nàng hồi trong sạch thanh cao thì chỉ thoáng qua, mà hồi bẩn đục thì kéo dài mãi mãi, cảnh thư nhàn thì chỉ mong manh như gió thoảng, còn cảnh tai nạn dữ dội thì dồn dập xảy ra như trời gió mưa bão.

[ĐÀM DUY TẠO]