CHƯƠNG 13

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 993 ĐẾN CÂU 1128

“Lời hẹn Tiền Đường, mẹo lừa Ngưng Bích”

993. Nào hay chưa hết trần duyên, [1]

Trong mê dường đã đứng bên một nàng. [2]

995. Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang, [3]

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

997. Số còn nặng nghiệp má đào, [4]

Người dầu muốn quyết trời nào có cho. [5]

999. Hãy xin hết kiếp liễu bồ, [6]

Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau.”

1001. Thuốc thang suốt một ngày thâu,

Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan.

1003. Tú bà chực sẵn bên màn,

Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần: [7]

1005. “Một người dễ có mấy thân!

Hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dài. [8]

1007. Cũng là lỡ một lầm hai,

Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây! [9]

1009. Lỡ chân trót đã vào đây,

Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non. [10]

1011. Người còn thì của hãy còn,

Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà. [11]

1013. Làm chi tội báo oan gia, [12]

Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?”

1015. Kề tai mấy mỗi nằn nì,

Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi. [13]

1017. Vả suy thần mộng mấy lời,

Túc nhân âu cũng có trời ở trong. [14]

1019. Kiếp này nợ trả chưa xong,

Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau! [15]

1021. Lặng nghe, thấm thía gót đầu,

Thưa rằng: “Ai có muốn đâu thế này?

1023. Được như lời, thế là may,

Hẳn rằng mai có như vầy cho chăng!

1025. Sợ khi ong bướm đãi đằng, [16]

Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!”

1027. Mụ rằng: “Con hãy thong dong,

Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi! [17]

1029. Mai sau ở chẳng như lời,

Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.” [18]

1031. Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,

Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.

1033. Trước lầu Ngưng bích khóa xuân, [19]

Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung. [20]

1035. Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. [21, 22]

1037. Bẽ bàng mây sớm đèn khuya, [23]

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

1039. Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, [24]

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

1041. Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

1043. Xót người tựa cửa hôm mai, [25]

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ? [26]

1045. Sân Lai cách mấy nắng mưa, [27]

Có khi gốc tử đã vừa người ôm? [28]

1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm, [29]

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

1049. Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu? [30]

1051. Buồn trông nội cỏ dàu dàu, [31]

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

1053. Buồn trông gió cuốn mặt doành [32]

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

1055. Chung quanh những nước non người,

Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.

1057. Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,

Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần. [33]

1059. Một chàng vừa trạc thanh xuân,

Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.

1061. Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, [34]

Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.

1063. Bóng nga thấp thoáng dưới mành, [35]

Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai. [36]

1065. “Than ôi! sắc nước hương trời,

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?

1067. Giá đành trong nguyệt trên mây, [37]

Hoa sao, hoa khéo đọa đày mấy hoa?

1069. Nổi gan riêng giận trời già, [38, 39]

Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?

1071. Thuyền quyên ví biết anh hùng,

Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!”

1073. Song thu đã khép cánh ngoài, [40]

Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh. [41, 42]

1075. Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,

Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ. [43]

1077. Những là lần lữa nắng mưa,

Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi?

1079. Đánh liều nhắn một hai lời,

Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân. [44]

1081. Mảnh tiên kể hết xa gần, [45]

Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.

1083. Tan sương vừa rạng ngày mai,

Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang. [46]

1085. Trời hôm lãng đãng bóng vàng, [47]

Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi. [48]

1087. Mở xem một bức tiên mai, [49]

Rành rành “tích việt” có hai chữ đề. [50]

1089. Lấy trong ý tứ mà suy:

Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng? [51]

1091. Chim hôm thoi thót về rừng, [52]

Giá đồ mi đã ngậm trăng nửa vành. [53)

1093. Tường đông lay động bóng cành, [54]

Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.

1095. Sượng sùng đánh dạn ra chào, [55]

Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần.

1097. Rằng: “Tôi bèo bọt chút thân,

Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh. [56]

1099. Dám nhờ cốt nhục tử sinh, [57]

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!” [58]

1101. Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu:

“Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!

1103. Nàng đà biết đến ta chăng,

Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!” [59]

1105. Nàng rằng: “Muôn sự ơn người, [60]

Thế nào xin quyết một bài cho xong.”

1107. Rằng: “Ta có ngựa truy phong, [61]

Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi. [62, 63]

1109. Thừa cơ lẻn bước ra đi, [64]

Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn. [65]

1111. Dù khi gió kép, mưa đơn, [66]

Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!” [67]

1113. Nghe lời nàng đã sinh nghi,

Song đà quá đỗi, quản gì được thân.

1115. Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu! [68]

1117. Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,

Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.

1119. Đêm thu khắc lậu canh tàn, [69)]

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

1121. Lối mòn cỏ nhợt mù sương, [70, 71]

Lòng quê đi một bước đường, một đau .

1123. Tiếng gà xao xác gáy mau,

Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.

1125. Nàng càng thổn thức gan vàng,

Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!

1127. Một mình khôn biết làm sao,

Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.

Đính chính và xác định

Câu 1004 – Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần – Chữ lựa câu này có bản in là dịu và chữ khuyên giải có bản in là ổn thỏa, đều không được xác đáng bằng chữ lựa và chữ khuyên giải. Lựa lời khuyên giải là tìm lời hợp tình hợp lý mà dỗ dành khuyên nhủ cho vừa lòng Kiều như những lời Tú Bà kể ở mấy câu sau đó. Để chữ ổn thỏa đã mất âm điệu lại không khẩn thiết lắm với chữ lựa lời. Còn để chữ dịu thì hình như thừa vì đã có chữ mơn man ở dưới tức là dịu rồi.

Câu 1006 – Hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dàiChiếng là mới nở đương lúc tươi đẹp. Có bản in là hoa xuân đương nhụy thì thật tối nghĩa. Sở dĩ chiếng lầm ra nhụy là vì chữ chiếng Nôm viết là [艹/正] (艹thảo trên 正 chính) nhưng có bản Nôm khắc [艹/正] thành [蕊] (nhụy). Có lẽ người phiên âm không hiểu nghĩa chữ chiếng nên đành dịch theo bản lầm là [蕊] (nhụy) mà dịch. Vậy xin đính chính lại cho đúng.

Câu 1012 – Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà = Tôi sẽ tìm nơi tử tế xứng đáng mà gả cô vào làm dâu con nhà người ta. Nghĩa rành rõ rất hợp tình hợp lí như vậy mà sao bản Kiều của ông Trần Trọng Kim lại đổi lầm chữ làm ra chữ và giải nghĩa gượng là “tìm nơi xứng đáng là con nhà tử tế” thành ra hụt nghĩa: Tìm để làm gì? Mà ông lại cho những bản in chữ làm là lầm.

Câu 1057 – Ngậm ngùi rũ bức rèm châu = Kiều vịnh thơ xong rồi sinh buồn chán mới đứng ngậm ngùi thương thân nhớ nhà. Có bản đổi ngậm ngùi thành tần ngần e không khẩn thiết với tình trạng bằng ngậm ngùi.

Câu 1078 – Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi – Có nhiều bản Nôm hay quốc ngữ in lầm chữ mới ra chữ thành ra đã mất âm điệu lại nghĩa không thanh thoát. Đó là bởi có bản Nôm khắc lầm chữ [買] (mới) ra [羅] (là). Hai chữ nàyviết chân phương thì khác nhau nhiều, nhưng khi viết thảo thì khá giống nhau; bởi vậy người sao chép dễ lầm.

Câu 1092 – Giá đồ mi đã ngậm trăng nửa vànhGiá đồ mi = giàn hoa đồ mi. Cây đồ mi mềm yếu mà mọc cao, phải bắc giàn cao để đỡ. Câu này dựa vào một điển tích trong Tình sử : Nàng Vương Kiều [王 娇] hẹn với tình lang rằng : “Phía trước cửa sổ buồng thiếp có giàn đồ mi [𦯬 𧃲架 = đồ mi giá], phía sau giá đồ mi có gian nhà mát nhỏ, chung quanh nhiều cây kín khuất. Tối nay lúc trăng nửa vành mọc thì chàng đến dưới giàn đồ mi đợi, thiếp sẽ hé cửa sổ mà chờ.” Vì chữ [架] (giá) gần giống chữ [朵] (đóa), nên các bản Kiều Nôm khắc lầm ra “đóa” thành ra vô nghĩa, vì một đóa đồ mi ngậm sao được trăng nửa vành. Vậy cần đính chính lại cho đúng nghĩa lý.

Câu 1094 – Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vàoRẽ song nhiều bản quốc ngữ in là đẩy song. Viết “đẩy cánh cửa sổ vào” thì thật lầm, vì cánh cửa sổ đều mở ra ngoài, muốn mở thì phải rẽ hai cánh ra, chứ đẩy sao được.

Chú giải và dẫn điển

[1] Trần duyên = Cuộc tình duyên của mình còn vướng vít ở cõi trần tục cần phải trả cho xong.

[2] Dường = Hình như. Truyện Kiều hay dùng chữ dường trong nghĩa này.

[3] Nhân [因] = Cái nhân, cái mầm mình gây ra từ kiếp trước. Quả [果] = Cái kết quả mình phải chịu trong kiếp này. Nhân quả = Phận trời theo việc kiếp trước mình làm mà định cho mình phải chịu kiếp này.

[4] Nghiệp má đào = Do thành ngữ “hồng nhan bạc mệnh” dịch ra và nghĩa là gái má đào hay xấu số, hình như hay bị trời bắt phải chịu kiếp oan nghiệp khổ sở.

[5] Quyết = Tự tử, do chữ “tự quyết” [自 决] dịch ra, và nghĩa là tự ý làm cho mình chết đi.

[6] Kiếp liễu bồ = Số phận đàn bà. Tục ngữ ta có câu “Xấu số mới phải làm đàn bà.” Kiếp liễu bồ = Kiếp sống khổ sở vất vả của đàn bà.

[7] Mơn man = Nhẹ nhàng thăm dò ý tứ rồi dùng lời êm ngọt dỗ dành vuốt ve cho vửa lòng nguôi dạ.

[8] Chiếng – Xem lời đính chính câu 1006 bên trên.

[9] Đá vàng = Tấm lòng giữ bền chặt lấy trinh tiết. Mây mưa = Sự trăng hoa trai gái. Vua Sở Tương Vương đi thuyền chơi ở vùng thác Tam Hiệp sông Trường Giang, một đêm mơ thấy Thần Nữ ở đỉnh Vu Sơn đến hầu và bảo vua rằng “Thiếp là Thần Nữ chỉ chuyên việc sớm làm mây tối làm mưa.” Câu này nghĩa là “Cô đã quyết lòng bền giữ trinh tiết thì ta đâu nỡ bắt tiếp khách nữa. ”

[10] Ngày đào non = Ngày con gái đi lấy chồng.

[11] Làm con cái nhà = Làm dâu con nhà người ta. Xem lời đính chính câu 1012 bên trên.

[12] Tội báo oan gia = Đặt tội ra mà vu cho nhà người ta mắc tội oan. Ý nói làm gì mà phải tự tử để báo thù cho ta phải tội oan.

[13] Thị phi rạch ròi Thị = Phải. Phi = Trái. Thị phi rạch ròi = Biết rõ ràng mọi lẽ phải trái.

[14] Túc nhânTúc [夙] = Cũ. Nhân [因] = Mầm trong hột. Túc nhân = Mầm tội nghiệp cũ mình đã gây ra cho mình từ kiếp trước, cho nên trời bắt kiếp này mình phải đền tội.

[15] Nợ trồng là nợ kiếp nọ trồng lên kiếp kia. Nợ kiếp trước chưa trả, lại gây thêm nợ kiếp này nữa, để kiếp sau chịu mấy lần nợ trồng chất lên nhau.

[16] Ong bướm đãi đằng – Chữ ong bướm câu này khác nghĩa với chữ “ong bướm” là khách làng chơi ở câu “Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi.” Chữ ong bướm ở đây lấy đìển ở câu ca dao “Nói lời thì giữ lấy lời / đừng như con bướm đậu rồi lại bay” ; tác giả đổi chữ “con bướm” ra “ong bướm” cho lời văn được chải chuốt thanh nhã hơn và để tránh chữ “con bướm” là tiếng thô tục. Chữ đãi đằng – có nghĩa là khéo nói đãi bôi trước mặt để lấy lòng nhau một lúc cho xong lần, rồi sau đâu lại hoàn đấy – lấy điển từ câu ca dao “Yêu nhau bảo thật nhau cùng / đậu ngâm ra giá đãi đùng nhau chi” nghĩa là chớ nói dối nhau, thế nào mai sau cũng phải lộ sự giả dối ra như hạt đậu ngâm vào nước thì thế nào cũng nứt mầm thò đuôi rễ ra mà mọc thành rau giá ; đãi đằng tức là đãi đùng ; tác giả đổi đãi đùng ra đãi đằng để hợp vần. Câu này nghĩa hơi khó hiểu nhưng rất rõ ràng liền nghĩa với mấy câu Tú Bà trả lời Kiều ở dưới. Vì Kiều gạn hỏi “Bà bảo sẽ gả tôi vào chỗ xứng đáng, được như thế là may lắm, nhưng chẳng biết sau này có được như thế không ; tôi chỉ e bà nói đãi đằng tôi lúc bây giờ cho xong lần, rồi bà nói đấy bỏ đấy như ong bướm đậu hoa này lại bỏ đi hoa khác, rồi vẫn bắt tôi làm gái điếm, thì thà tôi chết đi cho được trong sạch.” Mụ liền trả lời rằng đâu có phải là chuyện đùa mà dám lừa dối lòng nhau, rồi mụ thề có trời soi xét.

[17] Lòng dối lòng = Lòng tôi nghĩ thế nào thì tôi nói thế, chứ đâu phải chuyện đùa mà dám nói dối lừa nhau, tôi xin thề có trời soi xét.

[18] Xem lời Tú Bà thề ở hai câu 1029 và 1030 bên trên.

[19] Ngưng Bích [凝 碧] là tên căn lầu Kiều cấm cung, và nghĩa là căn lầu có cảnh ở trước trên thì có trời, dưới thì có biển rộng xanh biếc đưa lại (ngưng = đọng lại, bích = màu xanh biếc.)

[20] Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung – Non xatrăng gần ở câu này đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Vẻ non xa nghĩa đen là cảnh ngày ngày Kiều ngồi buồn ngắm dãy núi ở phía xa ở bên kia sông mà nhớ nhà ; nghĩa bóng là đôi lông mày tươi đẹp giống như hình dẫy núi xanh xanh ở xa (thơ cổ thường dùng viễn sơn (núi xa) để tả lông mày đẹp). Trăng gần nghĩa đen là đêm đêm ngồi buồn ngắm mặt trăng chiếu ở trước cửa coi như người bạn cũ duy nhất của mình khi còn ở nhà cha mẹ ; nghĩa bóng vừa là cái gương tròn, vừa là khuôn mặt đầy đặn sáng sủa của mình. Nghĩa đen câu này tả cảnh cô đơn của Kiều, phải ngày thì lấy núi, đêm thì lấy trăng làm bạn – coi núi là bạn trung gian ở đất, trăng là bạn trung gian ở trời để liên lạc tinh thần giữa mình và gia đình, quê hương. (Trong cảnh ở xa nhớ nhà, có ông chỉ dẫy núi xa nói : Nhà ta ở bên kia dẫy núi đó ; có ông chỉ mặt trăng nói : Trăng kia cũng đang chiếu gia đình ta). Nghĩa bóng câu này tả cảnh cô độc, nhớ nhà thương thân, chỉ những quanh quẩn ra vào ngắm gương trên vách lấy bóng mình làm bạn với mình và mình lại thương mình, mày mặt thanh tao đầy đặn sáng sủa thế, mà sao số kiếp khổ cực thế ? Câu này ý nghĩa thật sâu xa đầy đủ tả cảnh, tả tình lẻ loi khổ cực.

[21, 22] Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia – Câu này nghĩa đen tả cảnh thật hiện trước mặt : Chỗ thì bãi cát vàng vắng vẻ quạnh hiu, chỗ thì đường xe ngựa lầm bụi hồng nhộn nhịp. Nghĩa bóng ý nói : Cái cảnh buông tay xuống nằm dưới bãi cát vàng kia nó liền ngay với cuộc xe ngựa đua tranh trên đường danh lợi, khiến lòng Kiều càng thêm buồn chán cảnh đời ngắn ngủi.

[23] Mây sớm đèn khuya – Câu này tả cảnh buồn, chỉ những bẽ bàng với mây buổi sớm, với đèn canh khuya. Ôi, trước kia, trong cảnh đoàn viên gia đình, mỗi buổi sớm dậy cùng nhau tươi cười ngắm ánh mây hồng đẹp phương đông, và mỗi buổi tối, cả nhà xum họp truyện trò trước ngọn đèn khuya, thì sao vui vẻ đầm ấm thế ! Mà nay đây mây sớm đó, đèn khuya đó, chỉ bơ vơ lẻ loi một mình, thật bẽ bàng cho tình cảnh quá !

[24] Dưới nguyệt chén đồng = Cùng thề “đồng tâm” ở dưới trăng. Mấy câu này nói nhớ thương Kim Trọng.

[25] Người tựa cửa hôm mai = Cha mẹ. Lấy điển từ truyện Vương Tôn Giả đời Chiến Quốc : Vua Mân Vương nước Tề bị Náo Sỉ cướp ngôi phải bỏ nước đi trốn. Vương Tôn Giả làm quan to không theo vua, bị mẹ mắng : Buổi chầu sớm, buổi chầu chiều, buổi nào tao cũng ra tựa cửa ngồi đợi mày về. Thế mà bây giờ sao mày lại bất trung bỏ vua như vậy ? Vương Tôn Giả từ tạ mẹ, rồi đi khởi quân giết được Náo Sỉ.

[26] Quạt nồng ấm lạnh do chữ ở Kinh Lễ [冬 温 夏 凊 = đông ôn hạ thánh = mùa đông làm cho cha mẹ được ấm, mùa hè làm cho cha mẹ được mát]. Truyện Nhị Thập Tứ Hiếu kể : Hoàng Hương còn bé thờ cha mẹ rất hiếu, tối mùa đông vào nằm trước giường bố, giường mẹ cho nóng chổ, để khi bố mẹ vào ngủ được ấm áp. Mùa hè thường quạt cho bố mẹ được mát mẻ.

[27] Sân lai – Truyện Cao Sĩ kể : Đời nhà Chu có ông Lão Lai [老 萊] đã 70 tuổi vẫn còn cha mẹ, thường mặt áo sặc sỡ mà đùa múa như trẻ con ở ngoài sân, để cha mẹ vui lòng quên cảnh già nua. Người sau gọi nơi con nuôi cha mẹ già là là “sân lai.”

[28] Gốc tử vừa người ôm – Trong sách Chu Tử Gia Huấn có câu chuyện về một người đi học xa, mỗi khi về nhà thường thấy cha ngồi đợi mình ở dưới gốc cây tử [梓] (cây thị) trồng trước cổng nhà. Khi bố mất rồi, mỗi khi ông ta về tới nhà đều ôm cây tử đó mà khóc. Khi đã đỗ đạt làm quan to và gốc cây tử vừa người ôm, mỗi khi về ông vẫn ôm cây tử mà khóc như trước. Tác giả dùng tích này vào đây để nói Kiều lo có lẽ cha mẹ vì thương nhớ mình quá mà chết rồi chăng ?

[29] Cửa bể chiều hôm – Nhìn cảnh cửa bể lúc chiều tối, Kiều thấy cảnh ai ai cũng trở về nhà xum họp với gia đình, lại càng thương thân mình lưu lạc.

[30] Hoa trôi man mác – Khi Kiều thấy cảnh hoa bị nước đưa ra biển, mỗi cái một nơi thì cảm thấy cảnh mình cũng vậy – chẳng biết rồi ta sẽ lưu lạc đến đâu, nên càng thêm lo sợ càng thêm đau lòng.

[31] Nội cỏ = Cánh đồng cỏ. Kiều thấy cỏ mọc đầy đồng thảnh thơi xanh tươi mơn mởn thì nàng lại thương mình gặp cảnh bó buộc âu sầu.

[32] Mặt doành = Mặt nước sông bể mênh mông. Kiều thấy cảnh gió cuốn sóng dữ đáng sợ trên mặt bể thì cảm thấy cảnh mình rồi cũng nguy hiểm như vậy.

[33] Cách tường nghe có tiếng đâu họa vần lấy điển tích từ câu sau đây trong Tây Sương Ký [隔 牆 而 酬 和 到 天 明 = Cách tường nhi thù họa đáo thiên minh = Cách tường mà ngâm thơ xướng họa cho đến sáng].

[34] Mạch thư hương = Dòng dõi con nhà học hành tử tế. Mạch [脈] = mạch đất. Thư hương [書 香] = tiếng thơm về sách vở.

[35] Bóng nga thấp thoáng dưới mành = Kiều thấy Sở Khanh thấp thoáng trong bóng trăng ở phía dưới bức mành trước cửa nàng đứng. Có bản cho chữ bóng nga là bóng Kiều và giảng là : Sở Khanh thấy bóng Kiều thấp thoáng ở dưới mành. Giảng thế là sai ý nghĩa chữ “thấp thoáng” và chữ “dưới”, vì Kiều đứng thì thấp thoáng sao được, và Kiều đứng ở sau mành. Câu này nói Kiều nhìn thấy Sở, câu sau (1064) mới nói Sở nhìn thấy Kiều.

[36] Đeo đai = Bận lòng vướng vít, thương xót, muốn cứu giúp.

[37] Giá đành dưới nguyệt trên mây = Phẩm giá bậc tài sắc này thật đáng ở cung núi quần ngọc trên mây, hay đến Dao đài trong cung trăng. (Quần Ngọc và Dao Đài là hai cung trên cõi tiên có nhiều tiên nữ ở). Câu này tác giả đặt theo ý hai câu cuối trong một bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch tả sắc đẹp của Dương Quý Phi, được vua Minh Hoàng rất tâm đắc. Hai câu ấy như sau : (1) [若 非 群 玉 山 頭 見 = Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến = Nếu không thấy Quý Phi ở trong mây tiên núi Quần Ngọc] (2) [會 向 瑤 台 月 下 逢 = Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng = Thì nên đi về Dao Đài ở dưới cung trăng là gặp.

[38] Nổi gan – Tục ngữ nói “giận nổi ruột nổi gan lên” nghĩa là giận quá, gan ruột nóng sôi lên như nước sủi.

[39] Trời già – Do chữ Lão thiên [老 天] dịch ra. Chữ Hán có câu [老 天 撩 人常 多 惡 態 = Lão thiên liêu nhân thường đa ác thái = Trời già trêu người nhiều thói ác].

[40] Song thu = Cửa sổ về mùa thu – Mùa thu buồn bã lạnh lẽo khiến người ở xa thường ngồi trong cửa sổ ngắm cảnh buồn khiến càng thêm nỗi nhớ nhà.

[41] Đồng vọng = Nghe như còn tiếng vang văng vẳng ở bên tai.

[42] Lời sắt đanh – Chữ Hán có câu [其 言 如 斬 釘 截 鉄 = Kỳ ngôn như trảm đinh tiệt thiết = Lời nói quyết đoán như cầm gươm chém đinh chặt sắt] nghĩa là nói sao thì quyết làm được như vậy.

[43] Nhạt tình bơ vơ – Kiều nghe thấy Sở Khanh nói có ý cay chua, thương xót nên rất cảm động, nhạt bớt được nỗi lòng bơ vơ của mình.

[44] Tế độ trầm luânTế độ = Cứu vớt người sắp chết đuối mà đem lên bờ. Trầm luân = Chìm đắm ở dưới nước.

[45] Mảnh tiên = Miếng giấy nhỏ để viết thư có vẽ hoa.

[46] Tiện hồngTiện [便] = Nhân dịp thuận tiện nhờ đưa hộ. Hồng [鴻] = Ngỗng trời. Chim hồng mùa rét bay về nam ở, mùa nóng lại bay về bắc. Hồng tiện [鴻 便] = Nhờ chim hồng đưa thư, lấy điển ở truyện Tô Vũ đời Hán. Tô Vũ đời Hán Vũ Đế sang sứ nước Hung Nô. Vua Hung Nô thấy ông giỏi, dụ ông hàng ; ông không chịu mới đầy ông lên vùng Mạc Bắc, và nói với vua Hán là Tô Vũ chết rồi. Ông lấy lụa viết thư buộc vào chân chim hồng. Khi chim hồng bay về nam, vua Hán bắt được thư, sai sứ sang đòi ông. Vua Hung Nô sợ lắm phải tha ông về.

[47] Lãng đãng bóng vàng = Lúc mặt trời lặn rồi, trời sâm sẩm vàng rồi tối dần dần. Lãng đãng cũng có thể nói là lững đững.

[48] Phúc thư [ 書] = Thư trả lời.

[49] Tiên mai – Chữ Hán là mai tiên [梅 箋] tức là giấy viết có in hình cành hoa mai cho đẹp đẽ lịch sự.

[50] Tích việt thư – Sở Khanh trả lời Kiều chỉ có hai chữ tích việt [昔 越]. Phân tích hai chữ này ra thì chữ tích [昔] là ghép ba chữ [卄 一 日“chấp, nhất, nhật = ngày hai mươi mốt” ; và chữ việt [越] là ghép hai chữ [戌] (tuất = giờ tuất) và [走] (tẩu = chạy). Các chữ ghép ấy họp lại thành năm chữ “chấp + nhất + nhật + tuất + tẩu” tức là Sở Khanh hẹn ngầm với Kiều : Đến giờ tuất (hồi trước nửa đêm) ngày 21 thì hắn mang Kiều đi trốn. Nghĩa hai chữ “tích việt” rành rõ như vậy, thế mà cuốn Kiều của ông Trần Trọng Kim lại theo cuốn Thanh Tâm Tài Nhân giải nghĩa là “Chấp nhất nhật tuất thời việt tường tương kiến [卄 一 日 戍 時 越 牆 相 見] = Ngày 21 trèo qua tường sang với nhau” và hai ngày nữa mới rủ Kiều đi trốn. Giảng thế rõ thật vô lý, mất hết cả ý nghĩa tinh tế của chỗ Sở Khanh nó cần phải đem Kiều đi trốn cho mau, kẻo sợ nàng tỉnh ngộ không theo mình đi trốn nữa thì cơ mưu hỏng hết. Vả lại chữ “việt” giảng là “trèo qua tường” thì sai nghĩa quá, vậy thì hai hôm sau chạy trốn lúc nào ?

[51] Tuất thì = Giờ tuất (từ 9 giờ đêm đến 11 giờ đêm).

[52] Thoi thóp = Có vẻ mệt mỏi muốn về tổ nghỉ.

[53] Giá đồ my – Xem lời đính chính câu 1092 bên trên.

[54] Tường đông lay động bóng cành – Tây Sương Ký có câu [隔 牆 花 影 動 = Cách tường hoa ảnh động = Cách tường bên kia có bóng hoa động lung lay].

[55] Sượng sùng = Có ý hổ thẹn, ngượng nghịu (nhưng đành bạo dạn ra chào).

[56] Lạc đàn = Lưu lạc ra khỏi gia đình quê quán.

[57] Cốt nhục tử sinh = Lời rút ngắn từ câu [骨 而 肉 之 死 而 生 之 = Cốt nhi nhục chi tử nhi sinh chi = Làm cho sương lại mọc thịt, chết lại hóa sống], ý nói xin cứu vớt cho thoát khỏi nạn to, như cải tử hoàn sinh.

[58] Kết cỏ ngậm vành – Hai thành ngữ này đều nghĩa là báo ơn. Điển tích “kết cỏ” : Ngụy Thù người Tấn đời Chiến Quốc có người vợ lẽ trẻ đẹp, lúc gần chết dặn con là Ngụy Khỏa đem người vợ lẽ đó chôn theo mình. Nhưng Ngụy Khỏa không theo lời cha dặn, cho người vợ lẽ đó về nhà cha mẹ nàng. Sau Ngụy Khỏa làm tướng, phải đánh nhau với một dũng tướng nước Tần là Đỗ Hồi ở trên bãi cỏ, bỗng Đỗ Hồi chân vướng cỏ ngã, bị Khỏa đâm chết. Đêm hôm ấy Khỏa ngủ mơ, thấy cha người vợ lẽ đó báo cho Khỏa biết rằng “vì tướng quân tha không chôn sống con tôi, nên tôi đã kết cỏ làm Đỗ Hồi vướng ngã để báo ơn ông.” Điển tích “ngậm vành” : Dương Bảo đời Đông Hán một hôm đi chơi thấy một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, Bảo cứu lấy đem về nuôi, khi lành mạnh thả cho bay đi. Sau bỗng có đứa trẻ mặc áo vàng, miệng ngậm bốn chiếc võng ngọc đến biếu Bảo và nói “tôi cảm ơn ông đã có lòng nhân đức cứu tôi thoát nạn, lại chăm nuôi tôi, nên nay tôi xin đem ngọc này đến tạ ơn ông. Ông được ngọc này con cháu ông sẽ đời đời vinh hiển.

[59] Bể trầm luân = Cái bể làm cho người ta phải đắm đuối chết chìm. Ý câu này nói “ta quyết phải cứu cho nàng thoát khỏi chỗ đầy đọa ô nhục này mới thôi. ”

[60] Muôn sự ơn người – Chữ “người” đây là tiếng tôn trọng để gọi người mà mình rất quý trọng coi như ông thần, quý trọng hơn tiếng “ngài” một bực.

[61] Ngựa truy phongTruy [追] = Đuổi. Phong [風] = Gió. Ngựa truy phong = Ngựa chạy nhanh đuổi kịp gió bão.

[62] Tên dưới trướng = Đứa hầu tớ thân như lính hầu ở trong nhà quan, ta thường gọi là thủ hạ [手 下] hay trướng hạ [帳 下].

[63] Kiện nhi = Người sức vóc khỏe mạnh. Kiện [健] = Khỏe. Nhi [兒] = Người.

[64] Thừa cơ = Nhân dịp may, cơ hội tốt.

[65] Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn – Đời Nam Bắc Triều, Đàn Công [檀 公] bảo Vương Kính Tắc [王 敬 則] rằng [三 十 六 計 走 為 上 策 = Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách = Trong ba mươi sáu chước, chước chạy trốn là hay nhất].

[66] Gió kép mưa đơn = Những sự hiểm nguy dồn dập kéo đến.

[67] Can cớ – Chữ Hán viết là [干 故] = Tội vạ về việc này. Can phạm = Kẻ bị tội. Vô can = Người xét ra không có can hệ gì đến án này.

[68] Con tạo = Ông trời (do chữ tạo vật [造 物] dịch ra).

[69] Khắc lậu [刻 漏] = Cái đồng hồ chỉ thì giờ đời xưa bằng nước nhỏ giọt dần xuống cái chậu đồng giữa có cái que khắc thì giờ. Thứ đồng hồ xưa này có nhiều kiểu, kiểu thông thường đúng nhất có ba cái chậu. Hai chậu trên đều có lỗ rất nhỏ ở đáy để nước chậu trên nhất rỏ xuống chậu hai, nước chậu hai rỏ xuống chậu ba. Ở chậu ba có que khắc giờ, phút, cắm đứng phẳng trên cái phao, nước đẩy phao nổi lên dần, giờ phút nào ở que khắc giờ ngang với miệng chậu tức là giờ phút ấy. Muốn cho nước chậu hai rỏ đều đặn xuống chậu ba thì gần miệng chậu hai này có cái lỗ, hễ nước đầy đến lỗ này thì tràn ra ngoài, làm cho mặt nước chậu này lúc nào cũng ngang với lỗ này. Chậu thứ hai thường kê chếch ra ngoài miệng chậu dưới và lỗ đáy chậu làm thành hình vòi rồng dẫn nước rõ xuống chậu thứ ba. Bởi vậy có câu “Giọt rồng canh đã điểm ba” (câu 1865).

[70] Lối mòn = Lối người đi mãi thành mòn phẳng ở miền rừng núi.

[71] Cỏ nhợt màu sương = Cỏ có sương đêm mùa thu thấm vào, trông màu sắc nhợt nhạt.

Diễn ra văn xuôi

Câu 993, 994 = Nhưng nào ai biết đâu nàng chưa dứt nổi được trần duyên, vì nàng chưa trả hết nợ trần. Trong khi nàng mê man, nàng thấy hình như có một nàng con gái đứng bên cạnh mình.

Câu 995, 996 = Cô ta sẽ bảo nàng : Cuộc nợ nhân quả kiếp trước của chị hãy còn dở dang chưa gỡ xong. Chị toan trốn cái nợ đoạn trường này sao được !

Câu 997, 998 = Số chị còn phải chịu khổ nhiều về cái kiếp hồng nhan bạc mệnh này. Thân chị dầu muốn quyết tình chết đi cho xong nợ, nhưng trời đâu có cho chị chết.

Câu 999, 1000 = Thôi, xin chị hãy sống cho hết cái kiếp khổ của bọn đàn bà ta này đi. Tôi xin hẹn cùng chị và chúng ta sẽ gặp nhau sau này ở sông Tiền Đường.

Câu 1001, 1002 = Mọi người thuốc thang chăm sóc nàng suốt một ngày thì thấy nàng đã dần dần tan hết cơn mê mà tỉnh lại.

Câu 1003, 1004 = Tú Bà ngồi chực sẵn ở bên màn Kiều nằm thấy nàng đã hồi tỉnh, mới khéo tìm lời phải chăng mà vuốt ve khuyên giải để gỡ dần lỗi mình đối với nàng, cho nàng hết uất hận liều thân.

Câu 1005, 1006 – Mụ thân thiết tỉ tê bảo nàng rằng : Trời sinh ta làm người dễ đã có mấy thân, nên ta phải quý thân ta. Nhất là thân con nay đang độ tuổi trẻ trung, mơn mởn như hoa xuân mới nở đẹp tươi, ngày xuân vui của con còn dài lắm.

Câu 1007, 1008 – Sự vừa rồi tại vì chúng ta chưa hiểu lòng nhau, nên lỡ một lầm hai xẩy ra như vậy. Bây giờ ta đã biết tấm lòng trinh bạch của con bền vững như vàng như đá, thì đâu ta nỡ ép con làm điều ô nhục ấy nữa !

Câu 1009, 1010 = Nay con đã trót vào đây rồi, thì con đành cấm cung ở vậy ít lâu để đợi ngày có dịp may thì sẽ lấy chồng.

Câu 1011, 1012 = Ta nói thật tình cho con biết hễ con vẫn còn thì của ta vẫn còn. Ta sẽ tìm nơi xứng đáng tử tế mà gả bán con về làm dâu con nhà người ta, để lấy lại phần nào số tiền ta đã mua con, thế là con thì được sống tử tế, mà ta thì khỏi thiệt, lợi cả đôi bên.

Câu 1013, 1014 = Vậy thì tội gì con phải hoại thân để làm cho ta phải tội oan, như hai nhà oan oan tương báo như vậy, trước thiệt thân mình sau tội vạ cho ta, có hay dưng gì ?

Câu 1015, 1016 = Nàng lặng nghe mụ năn nỉ mấy lời bên tai, đã thấy rành rõ mọi lẽ phải trái.

Câu 1017, 1018 = Nàng lại nghĩ đến mấy lời thần báo mộng vừa rồi, nàng biết rằng số kiếp mình phải vậy là do có trời theo nhân quả kiếp trước mà định cho mình, khó có thể tránh được.

Câu 1019, 1020 = Kiếp này mà không trả xong nợ, thì thế nào số nợ này cũng chồng chất lên đầy thêm cho số nợ kiếp sau.

Câu 1021, 1022 = Nàng tai nghe bụng nghĩ lời mụ nói thật hiểu thấm thía đầu đuôi mọi lẽ, nàng mới trả lời mụ rằng : Nào có ai lại muốn đâu tự vẫn thế này bao giờ ?

Câu 1023, 1024 = Cứ như lời bà nói, thì thật thế là may cho tôi lắm, nhưng chẳng biết sau này bà có làm được như lời bà nói cho không ?

Câu 1025, 1026 = Tôi e bà chỉ nói đãi đùng để lấy lòng nhau chốc lát, rồi lại quên lời ngay, như ong bướm ở vườn hoa, vừa đậu hoa này lại bay ngay đi đậu hoa khác. Tôi nghĩ đến điều sống mà đời vẫn đục bẩn, thì sao bằng chết mà đời được trong sạch !

Câu 1027, 1028 = Thấy Kiều có ý ngờ vực ngại ngùng, mụ vừa nói vừa thề rằng : Con cứ yên tâm, chớ lo ngại gì cả. Ta đâu dám lấy sự lừa dối lòng nhau mà làm trò chơi đùa được.

Câu 1029, 1030 – Sau này nếu ta không ăn ở với con được như lời ta vừa nói vừa rồi, thì trên đầu có bóng mặt trời sáng soi mà phạt tội ta.

Câu 1031, 1032 = Kiều thấy mụ nói quả quyết hẳn hoi như thế nên nàng cũng đành lòng nguôi nguôi dần.

Câu 1033, 1034 = Rồi mụ để cho Kiều cấm cung ở một căn lầu trông ra một vùng cửa sông rộng, trên trời dưới nước mông mênh một màu xanh biếc, tên gọi là lầu Ngưng Bích. Nàng ở đó tình cảnh rất buồn vắng, ngày thì thấy dẫy non xa trước mặt, đêm thì lấy mảnh trăng gần cửa sổ và bóng mình ở trong gương làm bạn ở chung với mình, ra ngắm vào ngắm nhau.

Câu 1035, 1036 = Ra cửa lầu, trông xa tứ phía, nàng thấy nơi thì cồn nọ cát vàng quạnh hiu, nơi thì đường kia bụi hồng nhộn nhịp.

Câu 1037, 1038 = Sáng dậy trông mây sớm trước mặt, nàng cũng bẽ bàng, vì nghĩ đến lời ông Địch Nhân Kiệt đời xưa nói “Cha mẹ ta ở dưới đám mây kia.” Đêm đêm trông ngọn đèn khuya, nàng cũng bẽ bàng, vì nghĩ đến những tối xum họp vui vẻ ngày xưa ở gia đình. Lòng nàng lúc nào cũng âu sầu nửa buồn vì cảnh bên ngoài, nửa buồn vì tình bên trong.

Câu 1039, 1040 = Lúc thì nàng bẽ bàng thương xót chàng Kim đã uống chén thề “đồng tâm” với nàng ở dưới bóng trăng, mà nay thật uổng công mong tin tức nhau hàng ngày.

Câu 1041, 1042 = Bây giờ nàng bơ vơ một mình ở nơi góc bể chân trời, thì chẳng biết lòng đằm thắm của chàng, cũng như lòng đằm thắm của nàng, đến bao giờ mới gột rửa được phai nhạt để đỡ thương đau ?

Câu 1043, 1044 = Lúc thì nàng thương cha mẹ sớm tối mong nàng đã khổ lại lấy ai chăm nom hầu hạ cha mẹ cho được tận thành tận hiếu như nàng.

Câu 1045, 1046 = Có lúc nàng lại lẩn thẩn quá lo, những e cha tuổi đã già, lại gặp bao cảnh tai biến như nắng mưa thất thường trong gia đình như thế, thì có lẽ không còn nữa.

Câu 1047, 1048 = Có lúc nàng buồn bã ngồi nhìn những cánh buồm của thuyền ai thấp thoáng xa xa, ở ngoài cửa bể lúc chiều hôm, và bụng nàng buồn nghĩ ai ai tối đến cũng được về gia đình xum họp, mà riêng nàng thì bơ vơ chẳng biết về đâu ?

Câu 1049, 1050 = Có lúc nàng buồn bã đứng ngắm ngọn nước mới ở sông đổ ra bể, đưa những chiếc hoa trôi man mác mỗi cái một nơi, rồi nàng thương thân mình nào có khác gì những chiếc hoa kia, biết rồi lưu lạc lênh đênh đến đâu trên mặt bể đầy sóng gió ?

Câu 1051, 1052 = Có lúc nàng buồn bã ngắm cảnh đồng cỏ mọc chen nhau xanh rì một lượt, khắp mặt đất đến tận chân mây. Nàng cảm thấy cỏ đồng đầy thênh thang vui mọc bao nhiêu, nàng lại thấy cảnh nàng thêm hiu quạnh âu sầu lên bấy nhiêu, và chỉ thêm nhớ cảnh vui hội Đạp Thanh với hai em rồi gặp chàng Kim hài văn lần bước dặm xanh.

Câu 1053, 1054 = Có lúc nàng buồn bã ngắm những luồn gió cuốn trên mặt nước bể làm thành những đợt sóng nổi lên kêu ầm ầm vang đến chổ ghế nàng ngồi, và nàng nghĩ đó là điềm gở báo trước cho nàng biết cuộc đời sau này của nàng sẽ nguy hiểm sóng gió như vậy, nên càng ngắm cảnh này nàng càng lo buồn.

Câu 1055, 1056 = Thấy chung quanh toàn là non sông quê người cả, nàng nghĩ đến tấm thân lưu lạc mà đau lòng, nên nàng mới ngâm vài bốn vần thơ để tả tình tả cảnh cho khuây.

Câu 1057, 1058 = Ngâm thơ sông rồi, nàng nghĩ buồn quá, mới buông bức rèm châu xuống mà ngậm ngùi đứng ở sau rèm ngẫm nghĩ ngẩn ngơ. Bỗng nàng nghe thấy có tiếng ai ngâm thơ họa vần lại ở mé ngoài tường.

Câu 1059, 1060 = Nàng nhìn xuống thấy một chàng thanh niên người trông có vẻ chải chuốt lịch sự và ăn mặt khăn áo có vẻ dịu dàng phong nhã.

Câu 1061, 1062 = Nàng nghĩ rằng người đó chắc cũng là con nhà học hành như nhà mình. Sau nàng hỏi ra mới biết đó là chàng Sở Khanh.

Câu 1063, 1064 = Biết được tên chàng, rồi nàng ngó xuống dưới lầu, thì vẫn thấy chàng ở dưới bóng trăng thấp thoáng qua mành và ngó lên trông nàng. Chàng cũng ra tình quyến luyến thương xót nàng không nỡ bỏ.

Câu 1065, 1066 = Chàng biết nàng đã để ý đến mình, chàng mới nói bâng quơ lên rằng : Thương thay cho người sắc nước hương trời kia cớ sao bỗng thấy lạc loài đến chổ này ?

Câu 1067, 1068 = Người thật không kém gì những tiên nữ ở trong đền Dao Đài dưới trăng, hay ở núi Quần Ngọc trên mây.

Câu 1069, 1070 = Ta thật tức giận ông trời già kia quá, gan ruột như sôi lên sùng sục. Ôi, tấm lòng nghĩa khí của ta này, ai tỏ cho ta được nhỉ ?

Câu 1071, 1072 = Nếu cô thuyền quyên kia mà biết đến kẻ anh hùng này, thì ta sẽ ra tay tháo cũi sổ lòng cho như chơi, chẳng khó gì !

Câu 1073, 1074 = Nàng nghe chàng có ý nói với mình, liền vào khép cánh ngoài cửa sổ lại, nhưng trong tai vẫn còn văng vẳng như nghe tiếng vọng lên những lời quả quyết như chém đinh chặt sắt đó.

Câu 1075, 1076 = Nàng ngồi ngẫm nghĩ đến bụng người nghĩa khí, rồi lại nghĩ đến cảnh mình cơ cực cảm thấy chàng có lòng chua xót cho mình, khiến lòng nàng cũng đỡ, cũng nhạt bớt được nỗi lẻ loi bơ vơ.

Câu 1077, 1078 = Rồi nàng nghĩ : Nếu mình cứ e sợ nọ kia, nay lần mai lữa mãi những ngày nắng đêm mưa ở đây, thì kiếp phong trần này biết gỡ đến bao giờ mới xong ?

Câu 1079, 1080 = Chi bằng ta cứ liều một phen, nhắn một vài lời, nhờ người nghĩa hiệp ra tay tế độ cứu mình ra khỏi cuộc trầm luân này.

Câu 1081, 1082 = Nghĩ định thế rồi, nàng mới lấy mảnh giấy hoa tiên, viết kể hết mọi nổi xa gần : nào là gia đình gặp cơn tai bay vạ gió, nàng phải bán mình để cứu cha, nào là cảnh thân nàng gặp cảnh lừa đảo mắc vào bước lạc loài.

Câu 1083, 1084 = Thư viết xong, sáng sớm hôm sau, trời mới tan sương mờ sáng, nhân dip thuận tiện có người đi, nàng mới nhắn lời nhờ gửi cho Sở Khanh.

Câu 1085, 1086 = Ngay chiều hôm ấy, lúc trời mới bảng lảng bóng vàng sắp tối, đã có người đưa thư trả lời của Sở Khanh đến tay nàng.

Câu 1087, 1088 = Nàng mở phong thư ra xem, thấy tờ hoa tiên (vẽ cành mai) chỉ viết rành rành có hai chữ “tích việt.”

Câu 1089, 1090 = Lấy ý tứ phân tích hai chữ này ra suy đoán, thì nghĩa hai chữ này phải chăng là chàng hẹn đến ngày hai mươi mốt, vào hồi giờ tuất, thì chàng mới mang nàng đi trốn ?

Câu 1091, 1092 = Chiều hôm ấy, nàng có ý chờ đợi ngay từ lúc chim hót buổi chiều hôm có ý mệt mỏi lẻ tẻ bay về rừng, chờ mãi đến lúc mặt trăng hình nửa vòng tròn mọc lên ngang bên kia giàn hoa đồ my.

Câu 1093, 1094 = Rồi thấy bóng cành cây ở mé tường phía đông lay động, và liền thấy Sở Khanh rẽ cánh cửa sổ ra mà lén vào trong lầu.

Câu 1095, 1096 = Nàng đánh liều bạo dạn ra chào, mặt rất sượng sùng hổ thẹn, sụp lạy xuống đất ngỏ lời kêu cầu thảm thiết ân cần.

Câu 1097 đến 1100 = Nàng nói : Chút thân tôi như cái bèo bãi bọt lênh đênh mặt bể này, đã như chim lạc đàn đến đây, lại vướng cái nợ yến anh lăng nhăng ô uế. Tôi xin ngài đem lòng nhân đức ra tay cứu vớt, làm cho nắm sương khô này lại mọc thịt, cái thây chết này lại hồi sinh. Ơn to này, tôi xin còn báo đáp lại rất nhiều về sau như hồn người kết cỏ như chim sẻ ngậm vành.

Câu 1101, 1102 = Sở Khanh ngồi lặng lẽ mà nghe, ra ý bằng lòng, gật đầu lẩm nhẩm nói : Ta đây vì lòng nghĩa khí mà cứu nàng, chứ có phải người tầm thường như ai đâu mà nàng lại nói báo với đền như vậy !

Câu 1103, 1104 = Nay nàng đã biết đến ta mà cầu cứu với ta, thì ta quyết ra tay lấp cho bằng cái bể trầm luân để cứu nàng cho kỳ được mới thôi !

Câu 1105, 1106 = Kiều đáp : Người đã quyết lòng cứu tôi như thế thì muôn sự tôi đều nhờ ơn người lo tính cho tôi. Vậy người định làm thế nào xin người cho biết, rồi quyết làm ngay đi, sớm ngày nào hay ngày ấy !

Câu 1107, 1108 = Sở Khanh khoe : Ta có con ngựa truy phong, lại có một tên hầu tớ chân tay, dòng dõi tráng sĩ đi hộ vệ.

Câu 1109, 1110 = Ta đã nghĩ trăm cách để cứu nàng, và không có cách nào bằng cách mang nàng chạy trốn. Thừa cơ lúc không ai để ý, bất thình lình lẻn bước đem nàng ra đi.

Câu 1111, 1112 = Khi đã đem được nàng ra thoát khỏi cái nhà này rồi, thì dầu cho họ có đuổi theo bọn nọ đến bọn kia như mưa như bão đi nữa, thì đã có ta đây che chở, nàng không can ngại việc gì cả, nàng chớ lo !

Câu 1113, 1114 = Nàng nghe lời chàng nói có vẻ huênh hoang quá, nàng đã có ý e ngại nghi ngờ. Nhưng việc đã trót cầu cứu rồi, không thể lấy lại được, thì còn quản ngại gì nữa.

Câu 1115, 1116 = Thôi thì cũng đành thử nhắm mắt mà liều đưa chân đi một phen, xem ông trời sẽ xoay vần mình đi đến đâu.

Câu 1117, 1118 = Thế là hai người cùng lặng lẽ lén bước xuống lầu, rồi cùng lên ngựa kẻ trước người sau đi thành một đoàn.

Câu 1119, 1120 = Lúc bấy giờ đã vào giờ canh tàn đêm thu, cảnh thật lạnh buồn, gió thổi vào cây làm cho lá vàng rụng như trút xuống, trăng đã xế thấp xuống đỉnh ngàn non tây gần lặn hết.

Câu 1121, 1122 = Hai bên lối đường mòn, ngọn cỏ nhợt nhạt đầy sương. Nàng thấy trong cảnh buồn này, mỗi bước đi lại đau lòng thêm một bước.

Câu 1123, 1124 = Tiếng gà gáy mỗi lúc mỗi xao xác thêm đã làm cho nàng nao núng lo âu, bỗng lại thêm có tiềng người ồn ào nổi lên ở mé sau nữa.

Câu 1125, 1126 = Đang lúc Kiều hãi hùng thổn thức, gan vàng tan nát, thì Sở Khanh đã quất ngựa rẽ dây cương đi đường nào mất rồi.

Câu 1127, 1128 = Còn trơ một mình, nàng chẳng biết làm thế nào được nữa, đành phóng ngựa đi bừa, bước thấp bước cao trên lối đường khập khễnh trong rừng.

Những chữ hay câu có ý móc nối hoặc châm biếm thở than

Câu 993 Nào hay chưa hết trần duyên ứng với câu 986 Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần. Nhưng trong khi câu 986 (Chương 12) than Kiều tự vẫn chết rồi, thì câu 993 lại than nào có chết được đâu – như để xác nhận cái dây phong trần ấy cho nàng còn phải kéo dài thêm mười mấy năm nữa.

Câu 999 Hãy xin hết kiếp liễu bồ nhắc trước cho ta biết các đoạn khổ cực của kiếp bạc mệnh Kiều sẽ phải chịu.

Câu 1000 Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau móc nối xa với câu 2623, 2624 Đạm Tiên nàng nhé có hay / hẹn ta thì đợi dưới này rước ta.

Nỗi luyến tiếc Kiều diễn đạt trong câu 1039, 1040 Tưởng người dưới nguyệt chén đồng / tin sương luống hãy rày trông mai chờ móc nối với các câu Kim Trọng than trách sau này : 2813, 2814 Cùng nhau thề thốt đã nhiều / những điều vàng đá phải điều nói không, và 2817, 2818 Bao nhiêu của mấy ngày đường / còn tôi tôi gặp mặt nàng mới thôi !

Ý câu 1044 Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ móc nối với ý câu 2823, 2824 Thần hôn chăm chút lễ thường / dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa.

Câu 1038 Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng liên lạc mật thiết với các câu 1039 đến 1046 tả tình, và các câu 1047 đến 1054 tả cảnh.

Chữ “trời già” ở câu 1069 Nổi gan riêng giận trời già và chữ “con tạo” ở câu 1116 Thử xem con tạo xoay vần đến đâu đều tỏ ý than thở ông trời sao lại nỡ đày đọa con người như thế ? Chữ “người” ở câu 1105 Nàng rằng muôn sự ơn người thật tỏ ý than thở chua cay cho Kiều gập bước đường cùng phải tâng bốc Sở Khanh lên bực thần thánh.

Đoạn tả Kiều ở lầu Ngưng Bích rồi mắc lừa Tú Bà và Sở Khanh được viết thật uyển chuyển, ý nọ liền ý kia đâu vào đấy : Kiều lẻ loi đau buồn nhớ ngắm cảnh sinh tình rồi ngâm thơ khuây dạ, rồi nghe tiếng họa vần, rồi để ý đến Sở Khanh, rồi cảm tình lời Sở xót xa mình, rồi đưa tin cầu cứu, rồi kết cục theo Sở mắc vào mẹo lừa Tú Bà.

Mẹo Tú Bà thật thâm độc. Mụ cho Kiều ở lẻ loi một mình trong một căn lầu phía trước đầy những cảnh tha hương bao la, lại ra lòng tử tế cho Kiều ăn ngon mặc đẹp, ăn dưng ngồi rồi, ra thì ngắm cảnh nhớ nhà, vào thì soi gương tiếc thân. Rồi mụ lại lợi dụng phần tài hoa ngâm vịnh của nàng, mà cho Sở Khanh đem tài ngâm họa, ăn mặc bảnh bao, mon men dụ nàng vào bẫy. Mảnh giấy hoa tiên chỉ có hai chữ “tích việt” thật là cái mồi đẩy Kiều xuống giếng thơi.

Đọc những câu trả lời Tú Bà năn nỉ khuyên Kiều trên giường bịnh, ta thấy tả Tú Bà thật là tay bợm già khôn ngoan đủ bước. Mụ rất sợ Kiều vừa chán đời, vừa oán mụ rồi lại tự tử thì mụ vừa bị tội vạ, vừa thiệt tiền của. Nên trước hết mụ khuyên Kiều phải tiếc đời, nhất là tiếc tuổi đang xuân xanh đầy hy vọng của nàng, để ngăn nàng khỏi chán đời mà tự vẫn nữa. Điều thứ hai là mụ xin lỗi vì không biết lòng trinh bạch của nàng nên lầm lỡ đối xử tàn bạo với nàng, rồi lại hứa sẽ gây dựng cho Kiều vào nơi xứng đáng để đổi bạn thù thành tình nghĩa. Thứ ba là mụ kể rõ mọi lẽ lợi hại và oan báo cho nàng nghe : Nàng sống thì nàng khỏi thiệt đời, mụ khỏi thiệt của ; nàng chết thì nàng uổng tuổi xuân xanh, làm mụ mắc tội vạ, lại còn oan oan tương báo đời đời mãi mãi. Những lời mụ nằn nì khuyên giải thật là “thị phi rạch ròi”; những câu tả lời mụ nói “hoa xuân đương chiếng, ngày xuân còn dài” , “người còn thì của hãy còn”, “thiệt mình mà hại đến ta hay gì”, thật rõ là mưu mô thâm hiểm của bọn buôn người đáng sợ.

[ĐÀM DUY TẠO]