CHƯƠNG 14

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 1129 ĐẾN CÂU 1226

“Chừa lòng trinh bạch, trả nợ phong trần”

1129. Hóa nhi thật có nỡ lòng, [1]

Làm chi đày tía, đọa hồng, lắm nao! [2]

1131. Một đoàn đổ đến trước sau, [3]

Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.

1133. Tú bà tốc thẳng đến nơi, [4]

Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà. [5]

1135. Hung hăng chẳng nói chẳng tra,

Đang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời.

1137. Thịt da ai cũng là người,

Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.

1139. Hết lời thú phục, khẩn cầu, [6]

Uốn lưng xương nổ, cất đầu máu sa. [7]

1141. Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.

1143. Bây giờ sống chết ở tay,

Thân này đã đến thế này thì thôi!

1145. Những tôi có sá chi tôi,

Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?

1147. Thân lươn bao quản lấm đầu, [8]

Trót lòng trinh bạch từ sau xin chừa!” [9]

1149. Được lời mụ mới tùy cơ,

Bắt người bảo lĩnh làm tờ cung chiêu. [10, 11]

1151. Bầy vai có ả Mã Kiều, [12]

Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan. [13]

1153. Mụ càng kể nhặt, kể khoan,

Đón rào đến mực, nồng nàn mới tha. (14)

1155. Vực nàng vào nghỉ trong nhà,

Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời:

1157. Thôi đà mắc lận thì thôi! [15]

Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?

1159. Phụ tình, nổi tiếng lầu xanh, [16]

Một tay chôn biết mấy cành phù dung! [17]

1161. Đà đào lập sẵn chước dùng, [18]

Lạ gì một cốt một đồng xưa nay! [19]

1163. Có ba mươi lạng trao tay,

Không dưng chi có chuyện này, trò kia! [20]

1165. Rồi ra trở mặt tức thì,

Bớt lời, liệu chớ chây chi, mà đời!” [21, 22]

1167. Nàng rằng: “Thề thốt nặng lời,

Có đâu mà lại ra người hiểm sâu!” [23]

1169. Còn đương suy trước, nghĩ sau,

Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào. [24]

1171. Sở Khanh lên tiếng rêu rao:

“Rằng nghe mới có con nào ở đây

1173. Phao cho quyến gió rủ mây, [25]

Hãy xem có biết mặt này là ai?”

1175. Nàng rằng: “Thôi thế thì thôi!

Rằng không, thì cũng vâng lời là không!”

1177. Sở Khanh quắt mắng đùng đùng,

Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay. [26]

1179. Nàng rằng: “Trời nhé có hay!

Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?

1181. Phỉnh người đẩy xuống giếng thơi, [27, 28]

Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!

1183. Còn tiên “tích việt” ở tay,

Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?

1185. Lời ngay, đông mặt trong ngoài, [29]

Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!

1187. Phụ tình án đã rõ ràng, [30]

Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui. [31]

1189. Buồng riêng, riêng những sụt sùi:

Nghĩ thân, mà lại ngậm ngùi cho thân.

 1191. “Tiếc thay trong giá trắng ngần, [32, 33]

Đến phong trần, cũng phong trần như ai!

1193. Tẻ vui cũng một kiếp người,

Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru! [34]

1195. Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!

1197. Dù sao bình đã vỡ rồi, [35]

Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”

1199. Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong, [36]

Tú bà ghé lại thong dong dặn dò:

1201. “Nghề chơi cũng lắm công phu,

Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”

1203. Nàng rằng: “Mưa gió dập dìu,

Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!” [37]

1205. Mụ rằng: “Ai cũng như ai, [38]

Người ta ai mất tiền hoài đến đây?

1207. Ở trong còn lắm điều hay,

Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung. [39]

1209. Này con thuộc lấy nằm lòng,

Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. [40, 41]

1211. Chơi cho liễu chán, hoa chê,

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời. [42]

1213. Khi khóe hạnh, khi nét ngài, [43]

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.

1215. Đều là nghề nghiệp trong nhà,

Đủ ngần ấy nết, mới là làng soi.” [44]

1217. Gót đầu vâng dạy mấy lời, [45]

Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng. [46]

1219. Những nghe nói, đã thẹn thùng,

Nước đời lắm nỗi lạ lùng, khắt khe!

1221. Xót mình cửa các, buồng khuê, [47]

Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!

1223. “Khéo là mặt dạn, mày dày,

Kiếp người đã đến thế này thì thôi!

1225. Thương thay thân phận lạc loài,

Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?”

Đính chính và xác định

Câu 1134 – Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà – Chữ hầm hầm ở câu này nghĩa là nét mặt giận dữ đỏ bầm có nghĩa tàn bạo đáng sợ. Có bản Kiều quốc ngữ dịch là “hăm hăm” thật sai ý nghĩa ở đây, vì hăm hăm nghĩa là hăm hở hăng hái, lăm le muốn làm một sự vui thích, trái ý giận dữ ở cảnh này. Hầm hầm tả mặt giận. “Hăm hăm” tả mặt vui.

Câu 1140 – Uốn lưng xương nổ, cất đầu máu sa – Chữ xương nổ câu này các bản Kiều quốc ngữ bây giờ đều in là “thịt đổ” gần như vô nghĩa. Cụ Huyện Hoàng Mộng Lệ, người làng Phù Lưu tỉnh Bắc Ninh, rất thông minh và thích khảo cứu văn chương Nôm cổ. Năm 1946 -1947, cụ có tản cư về ở nhà tôi và hay bàn nghĩa Truyện Kiều với tôi. Cụ rất thích Truyện Kiều, trong hơn 50 năm cụ đã kiếm được hơn chục bản Kiều Nôm cũ, mới, in hay viết tay để so sánh khảo cứu. Trong đó có một bản in cũ có nhiều chữ khác các bản in sau. Rồi cụ kể đại khái như những thành ngữ “lờ thu thủy, nhợt xuân sơn”, “uốn lưng xương nổ”, “dễ mà bọc rẻ giấu kim”… Sau tôi đọc tiểu thuyết Tàu có câu tả người bị đòn đau rằng [週 身 滚 潑 骨 節 格 格 地 响 = chu thân cổn bát cốt tiết cách cách địa hưởng = khắp mình máu cuồn cuộn như muốn tóe ra, các khớp xương nổ kêu lắc rắc khi cử động], bấy giờ tôi mới biết lời cụ Huyện ngâm Kiều: Uốn lưng xương nổ, cất đầu máu sa là đúng.

Câu 1145 – Những tôi, có sá chi tôi – Chữ những câu này nhiều bản quốc ngữ dịch lầm là “nhưng” thật sai nghĩa. Những tôi nghĩa là cứ những riêng phần tôi, thì sao có đáng kể gì, chết cũng được, chỉ nỗi tôi chết thì vốn bà bỏ ra mất không. Nếu để chữ “nhưng” thì thật hết ý khẩn thiết sâu xắc.

Câu 1154 – Đón rào tới mực nồng nàn mới tha Đón rào là đón trước rào sau. Tú bà kể các lẽ bắt Mã Kiều làm tờ cam đoan phải chịu trách nhiệm đủ mọi lẽ trước sau thật kín đáo chặt chẽ, không thiếu lẽ gì để hòng lật lừa được. Nhiều bản Kiều đổi hai chữ đón rào ra “gạn gùng” thật sai nghĩa, vì gạn gùng chỉ tra hỏi cặn kẽ, chữ không phải là lời lẽ viết ở tờ cam đoan.

Câu 1172 – Nọ nghe rằng có con nào ở đây – Chữ nọ nghe ở đầu câu này thật hay, tả rõ khẩu khiếu giọng nói của thằng ngông cuồng ra bộ hống hách người trên, bước chân vào nhà chẳng chào hỏi ai lên mặt thét ngay “Nọ kia! Lạ chưa! sao ta lại nghe có con nào ở đây, nó vu …” là lời thật mạnh mẽ cứng rắn của thằng ngông làm bộ. Nhiều bản đổi là “Nghe như mới có con nào ở đây” lời thật yếu ớt, không đúng giọng của Sở bấy giờ.

Câu 1205 – Quở rằng: Ai cũng như ai – Chữ quở câu này rất khẩn thiết cho tình lý: Tú Bà laị dậy Kiều “nghề chơi”, vừa mở mồm nói: Nghề chơi cũng lắm công phu / làng chơi ta phải biết cho đủ điều thì Kiều vẫn có ý bất bình khinh bỉ, dám gạt ngang lời mụ mà nói: Liều thân thì chỉ liều đến như thế là xong, chứ còn phải làm gì hơn nữa mà bà nói là lắm công phu. Mụ thấy Kiều có ý coi thường lời mụ như vậy, mụ liền quở ngay cho nàng sợ mà để ý nghe lời mụ dậy. Chữ quở câu này các bản Kiều nôm hay quốc ngữ bây giờ đều in lầm là “mụ” thành mất nghĩa tinh tế ấy. Lúc tôi còn trẻ, chính mắt tôi trông thấy ở trong một cuốn Kiều nôm phường bản cũ in chữ này là [𠵩] (= khẩu [口] bên quả [果]), nhưng chữ điền [田] nửa trên chữ quả [果] in nhòe thành hình vuông đen. Sau tôi lại thấy một cuốn Kiều nôm phường bản nữa khắc lại chữ này thành chữ [㖼] (= khẩu [口] bên mỗ [某] = mỏ). Chắc các nhà xuất bản sau thấy “mỏ” vô nghĩa mới đổi chữ mỏ thành “mụ” [媒]. Vậy tôi xin có lời đính chính phân minh chỗ đúng, để khỏi mất nghĩa sâu sắc của nguyên văn.

Câu 1216 – Đủ ngần ấy nét mới là làng soi – Chữ làng soi nhiều bản viết là “người soi” không sát nghĩa bằng chữ làng soi. Làng soi là hạng làng chơi đủ mánh khóe, đáng làm gương trong làng chơi. Còn chữ “người soi” thì ý nghĩa vu vơ.

Chú giải và dẫn điển

[1] Hóa nhi [化 兒] = Ông trời trẻ con. Chữ hóa nhi dùng trong văn thơ để tả những ý than thở trời đùa trêu làm khổ người ta như đứa trẻ con.

[2] Đày tía đọa hồng = Đày đọa làm khổ một người gái đẹp.

[3] Đổ đến = Ào ạt chạy tới như nước trên cao đổ xuống.

[4] Tốc thẳng = Chạy mau một mặt đến. ([速] = tốc = nhanh).

[5] Hầm hầm – Xem lời đính chính câu 1134 trên này.

[6] Thú phục – Thú [首] = Nhận tội mình đã trót làm. Phục [服] = Chịu tội, không dám chối cãi nữa.

[7] Uốn lưng xương nổ = Khi bị đánh đòn đau quá, cong lưng xuống để lạy van thì xương sống lưng kêu lắc rắc. (Xem lời đính chính câu 1140 bên trên).

[8] Thân lươn bao quản lấm đầu – Con lươn thường rúc chui ở dưới bùn, nên ta có câu tục ngữ này để nói đành chịu thân phận khổ cực lầm than.

[9] Trót lòng trinh bạc từ sau cũng chừa – Lòng trinh bạch = Lòng bền giữ một niềm trong trắng cao quý. Ôi, tấm lòng trinh bạch của đàn bà đáng quý biết bao, thế mà đây phải nói vứt đi : Tôi đã trót dại giữ lòng trinh bạch, từ nay tôi xin chừa không dám dại dột giữ lòng trinh bạch nữa. (Tình cảnh thật là hết sức thê thảm. Câu này thật là một lời “đoạn trường,” mỉa mai thói đời ô uế tham lợi, hà hiếp bắt người tử tế phải bỏ lương tâm đạo nghĩa).

[10Bảo lĩnh [保 領] – Bảo = Giữ. Lĩnh = Đem về cai quản. Người bảo lĩnh là người xin với người trên tha người có tội, giao cho mình đem về trông coi và chịu trách nhiệm bắt người có tội ở theo đúng phép.

[11] Tờ cung chiêu [供 招] = Tờ khai thú nhận tội lỗi và xin làm những gì để chuộc tội.

[12] Bầy vai = Người ngang với nhau.

[13] Chịu đoan = Làm tờ cam kết bắt Kiều phải làm đúng như lời trong tờ cung chiêu và lời Tú Bà bắt buộc phải làm những gì.

[14] Đón rào – Xem lời xác định câu 1154 bên trên.

[15] Mắc lận = Bị lừa. Tục ngữ nói : Thua lừa mắc lận.

[16] Phụ tình nổi tiếng lầu xanh – Thi sĩ Đỗ Mục đời Đường lúc thanh niên chỉ thích chơi bời với gái thanh lâu, sau bỗng hối lỗi và răn đời như sau :

1. [落 魄 江 湖 載 酒 行 = lạc phách giang hồ tải tửu hành = lang thang hư hỏng chở rượu đi chơi với gái ở chốn giang hồ].

2. [楚 腰 纖 細 掌 中 輕 = sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh = thích ngắm những cái eo nhỏ hẹp như gái nước Sở và những gái múa lẹ trên bàn tay].

3. [十 年 一 覺 揚 州 夢 = thập niên nhất giác Dương Châu mộng = mười năm bỗng tỉnh giấc mộng chơi bời với gái châu Dương].

4. [嬴 得 青 樓 白 倖 名 = doanh đắc thanh lâu bạch hạnh danh = thật chẳng được gì, chỉ được mang tiếng là một kẻ bạc tình ở chốn lầu xanh].

Câu Phụ tình mang tiếng lầu xanh dùng điển ở câu kết bài thơ trên.

[17] Cành phù dung = Gái đẹp mà mệnh bạc. Hoa cây phù dung buổi sớm nở rất đẹp, rồi chiều đến tàn héo ngay.

[18] Đà đao [拖 刀] = Miếng võ hiểm, kéo lê thanh long đao mà giả vờ thua chạy để lừa tướng địch đuổi đến gần mà hất đao lên chém chết. Ta dùng chữ đà đao để chỉ sự bày mưu hiểm độc lừa người.

[19] Một cốt một đồng – Cốt = Bà cốt thờ thần đàn bà. Đồng = Ông đồng thờ thần đàn ông. Khi cúng khấn thì thần nhập vào bà hay ông này mà phán mọi điều cho người kêu cần biết. Lũ đồng cốt thường thông tin ngầm cho nhau biết, để khi ai cần cả đôi bên, thì nói cùng đúng nhau để lừa người tin là lời phán đúng. Chữ một cốt đây là Tú Bà và một đồng đây là Sở Khanh.

[20] Không dưng nghĩa là nếu không có mưu lừa định sẵn này (thì đâu có truyện Sở đến lừa).

[21] Trây chi (hoặc giây chi) = Nói đụng chạm đến. Mã Kiều khuyên Kiều nhịn chớ nói đụng chạm đến Sở Khanh nữa, chớ giây với nó nữa, phải tránh xa nó.

[22, 23] Mà đời = Bỏ mạng, chết.

[24] Mặt mo – Khi có kẻ làm việc gì bậy bạ xấu lắm, người ta thường nói “rõ thật là đeo mo vào mặt” ý nói phải đeo mo kín mặt để cho người ta khỏi phỉ nhổ vào mặt. Kẻ làm việc xấu như Sở Khanh mà không biết xấu hổ, bị người ta gọi là đứa mặt mo thì thật quá đúng và đắc địa vô cùng.

[25] Phao cho = Thả lời nói cho ai cũng biết.

[26] Thị hùng = Cậy thế khỏe mạnh.

[27] Phỉnh = Tán tụng, khen ngợi người ta cho người ta tin yêu mình rồi tìm cách lừa người lấy lợi vào mình. Chữ phỉnh này ý nói đến những lời Sở Khanh khen Kiều sắc nước hương trời, Hằng Nga trong cung Dao Đài, tiên từ trên cung mây. Nó tả rất rõ ý Kiều trách mắng Sở Khanh là thâm độc đểu giả lừa nàng. Chữ phỉnh đặt vào đây rất hay, rất xác đáng, và bản Nôm viết hẳn hoi là [𠶏] (= khẩu [口] bên bỉnh [秉]), mà sao các bản quốc ngữ đều in là “đem”làm mất cả ý hay ?

[28] Đẩy xuống giếng thơi – Giếng thơi miệng hẹp và rất sâu, quanh năm có nước mạch. Sách Mạnh tử có câu [推 人 入 井 而 下 之 = thôi nhân nhập tỉnh nhi hạ chi thạch = đẩy người xuống giếng rồi quăng đá xuống]. Câu Kiều này lấy điển từ câu ấy.

[29] Lời ngay = Lời nói thẳng thắn.

[30] Án [案] là tội kết về việc gì. Đây tức là tội kết về tội Sở Khanh phụ tình Kiều lừa Kiều.

[31] Nhơ tuồng ý nói là Sở Khanh tự thấy mình nhơ nhuốc. Tháo lui = Vội vàng rút lui ra ngoài.

[32] Trong giá = Nước đóng thành băng tuyết = (Tấm thân) trong sạch như băng tuyết.

[33] Trắng ngần – Ngần là bạc, do chữ ngân [銀] đọc trạnh ra. Trắng ngần = Trắng đẹp như màu bạc.

[34] Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru – Câu này lấy từ ý nghĩa câu [自 古 紅 顔 多 萡 命 = tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh = từ xưa khách hồng nhan hay xấu số] và nghĩa là : Phải chăng khách hồng nhan là cái giống trời sinh ra để chịu cái kiếp cực khổ ở đời ?

[35] Bình đã vỡ rồi – Câu này nghĩa là cái số kiếp mình trời đã bắt phải khổ nhục rồi, thì còn tiếc làm gì nữa. Lấy ý từ câu truyện : Hai người cùng đi đường, người đi trước quẩy cái chõ ở sau lưng, bỗng chõ rơi vỡ. Người đi sau hỏi : Chõ anh rơi vỡ rồi, anh có biết không mà không thấy anh ngoảnh lại ? Người kia đáp : Chõ vỡ rồi còn để ý đến làm gì mà ngoảnh lại ? Người bạn phục là đạt lý, biết vui yên phận. Nhiều bản Kiều chỉ biết giải nghĩa nông cạn câu này là : Kiều đã bị Mã, Sở phá hoại đời rồi – tôi e mất ý nghĩa Kiều biết đành yên theo số phận.

[36] Nguyệt ánh gương trong – Nghĩa bóng sau này là khi Kiều đã bình phục hẳn, mặt mày tươi đẹp sáng sủa như măt trăng đã hết mây ám lại sáng, như gương đã lau hết bụi lại trong.

[37] Liều thân thì cũng phải liều thế thôi – Câu này lời rất gọn gàng thanh thoát, mà đã nói được đủ nghĩa thô tục, lại tả rõ được ý phát khùng khinh rẻ của Kiều, như nói : Đã làm nghề này, thì liều thân chiều ai cũng chỉ có liều thân một mực đến thế là cùng, chứ còn gì nữa mà bà khệnh khạng nói là “cũng lắm công phu, phải học cho biết đủ điều.”

[38] Quở = Quát mắng một cách oai nghiêm. (Xem lời đính chính câu 1205 trên này).

[39] Nỗi đêm hàm ý các cách tiếp khách ban đêm, tức là tám nghề “vành trong.” Nỗi ngày hàm ý các cách đối đãi khách ban ngày, tức là 7 chữ “vành ngoài” ở lời giải 40 dưới đây.

[40] Vành ngoài bảy chữ = Cách dùng bên ngoài để làm cho khách phải quyến luyến không bỏ được mình, đó là những chữ :

1. Khấp [泣] = khóc sùi sụt (làm cho khách sinh lòng thương mến).

2. Tiễn [剪] = cắt (cắt tóc để tặng và thề với khách).

3. Thích [刺] = trích (lấy mực trích lên khách vào vành tay).

4. Thiêu [燒] = đốt (đốt hương để thề sẽ lấy khách).

5. Giá [嫁] = lấy chồng (hẹn hò sẽ kết duyên làm vợ khách).

6. Tẩu [走] = chạy (hẹn sẽ trốn chạy theo khách).

7. Tử [死] = Chết (làm bộ tự tử vì tình với khách).

[41] Vành trong tám nghề = Tám cách tiếp khách ở trong phòng. Vì tục quá không thể kể rõ được, chỉ kể qua đại khái là phải tùy sức vóc, tùy lực lượng, tùy sở thích mà khéo lựa cách làm cho khách thật thỏa mãn dục tình.

[42] Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời = Làm cho tượng đá cũng phải lăn lóc vì tình, người sống cũng phải mê mẩn như tượng đá.

[43] Khi khóe hạnh, khi nét ngàiKhi khóe hạnh = Khi nhoẻn miệng cười nụ cho đẹp như miệng quả hạnh đào chín nứt, để quyến rủ khách phải say sưa ngắm. Khi nét ngài = Khi thì sẽ nhíu đôi lông mày cho thật duyên dáng, rồi sẽ đưa cặp mắt liếc một cách rất tình tứ để đưa tình riêng cho một khách, tỏ ra như mình yêu hắn ta hơn cả mọi người.

[44] Làng soi = Loại làng chơi đủ mọi kiểu cách, đáng làm gương cho cả giới làng chơi bắt chước.

[45] Vâng dạy = Kính vâng nghe lời dạy. Tác giả đặt chữ vâng dạy ở đây thật là một lời “đoạn trường” để than thở cho Kiều, một cô gái tâm hồn thanh cao như thế mà phải “vâng” nghe những lời “dạy” bẩn thỉu như thế!

[46] Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng – Nét nguyệt = Đôi lông mày cong như hình mặt trăng lưỡi liềm. Câu này tả lòng Kiều đau đớn hiện ra ngoài mặt – đôi lông mày đẹp muốn như cau có lại, đôi má đương hồng hào phải xanh tái đi.

[47] Xót mình cửa các phòng khuê = Mình thương mình là con gái nhà khuê các lịch sự. Chữ “các” câu này các bản nôm đều dịch là “gác cho dễ đọc, thành ra tối nghĩa, xa với ý con nhà khuê các.

Diễn ra văn xuôi

Câu 1129, 1130 = Ông trời trẻ con kia sao lại nỡ lòng đày đọa làm khổ người con gái trẻ đẹp này quá lắm như vậy để làm gì ?

Câu 1131, 1132 = Một đoàn một lũ nó ào ào đổ đến vây trước vây sau. Nàng làm gì có vuốt mà bới hang chui xuống đất, làm gì có cánh mà bay thẳng lên trời trốn được ?

Câu 1133, 1134 = Tú Bà chạy một mạch đến nơi, mặt hầm hầm túm lấy nàng, một mạch lôi về nhà.

Câu 1135, 1136 = Mụ hung hăng chẳng thèm hỏi, chẳng thèm trả lời nào, cứ việc đánh đập tơi bời chẳng tiếc tay.

Câu 1137, 1138 = Ai là người mà thịt da bị đánh tơi bời thâm tím như thế mà lại chẳng đau !

Câu 1139, 1140 = Nàng đau quá, phải hết lời thú tội và van lạy thảm thiết. Khi uốn lưng xuống để lạy thì khớp xương nổ kêu răng rắc, khi cất đầu lên để lạy nữa, thì từ mặt máu muốn rơi xuống.

Câu 1141, 1142 = Nàng kêu van : Tôi là chút phận hèn mọn, lìa cửa nhà quê quán đến nơi xa lạ này.

Câu 1143, 1144 = Bây giờ sống chết ở trong tay bà. Thân này đã đến thế này thì thôi còn nói gì nữa !

Câu 1145, 1146 = Cứ những riêng phần tôi thì chẳng đáng sá kể làm gì, chết cũng chẳng đáng tiếc ; chỉ nỗi tôi chết đã đành, nhưng còn số tiền vốn của bà thì sao ? Bà không tiếc của à ? (Lời Kiều van nài đánh trúng tâm lý của mụ bợm già này – mụ sợ nhất là nàng chết thì thiệt to).

Câu 1147, 1148 = Tôi nay biết phận tôi lắm rồi, làm thân con lươn không quản gì lấm đầu nữa. Trước tôi trót dại giữ lòng trinh bạch, từ nay về sau tôi xin chừa, không dám trinh bạch nữa. (Câu này thật là một lời đoạn trường. Tầm lòng trinh bạch của nàng cao quý bao nhiêu, mà vì đòn đau phải xin bỏ, thật thê thảm quá cho tình cảnh kẻ yếu).

Câu 1149, 1150 = Thấy Kiều hàng phục như thế, Tú Bà liền thừa cơ ngay, bắt người đứng ra làm bão lĩnh và bắt Kiều làm tờ cung chiêu thú nhận tội lỗi và cam đoan sẽ tiếp khách.

Câu 1151, 1152 = Trong bọn chị em thanh lâu có ả Mã Kiều thấy tình cảnh Kiều đáng xót thương, mới đánh liều ra đứng làm người bão lĩnh, xin nhận sẽ bắt nàng làm đúng như lời nàng cam đoan, nếu không được thì xin chịu tội.

Câu 1153, 1154 = Bây giờ mụ mới càng kể mọi lẽ bắt phải làm thế nọ, phải làm thế kia, rất nghiêm ngặt, rào trước đón sau rất là kín kẽ, hết sức cay nghiệt, rồi mới tha đòn cho nàng và giao cho Mã Kiều bão lĩnh.

Câu 1155, 1156 = Mã Kiều vực nàng vào nghỉ trong nhà, rồi lại nhỏ lời khuyên răn và dặn dò nàng rằng :

Câu 1157, 1158 = Đã trót mắc lừa rồi thì thôi, chớ có lôi thôi gì nữa ! Đi đâu mà cô chẳng biết cái tên Sở Khanh là một kẻ mặt người dạ thú đó !

Câu 1159, 1160 = Nó đã nổi tiếng là một đứa phụ tình ở chốn lầu xanh, một tay nó đã lừa đảo làm khổ hại nhiều gái đẹp như cành hoa phù dung mà chôn vùi người ta xuống nơi bùn ô uế.

Câu 1161, 1162 = Tụi nó đã giàn xếp với nhau, dùng mưu tham hiểm để mà lừa cô; xưa nay tụi chúng vẫn là một cột một đồng với nhau như thế mà.

Câu 1163, 1164 = Nó đã được Tú Bà trao tận tay 30 lạng bạc để làm việc này đó, chứ không ra thì đâu bỗng dưng lại có những truyện này trò kia để lừa cô như thế.

Câu 1165, 1166 = Nó phỉnh phờ ngon ngọt lừa người rồi nó lại trở mặt ngay không ngại gì cả. Vậy tôi bảo thật cô nghe, cô phải bớt mồm bớt miệng, chớ có lời kia tiếng nọ lôi thôi với nó nữa. Cô phải nhịn đi, chớ giây đến nó mà có khi bỏ đời đó.

Câu1167, 1168 = Kiều có ý không tin lời bạn, đáp lại : Hắn quả quyết nặng lời thề với tôi như thế, có lẽ đâu lại là người hiểm sâu tráo trở thế được ?

Câu 1169, 1170 = Trong khi Kiều còn đang suy trước nghĩ sau, thì bỗng thấy cái “mặt mo” ấy ở đâu dẫn vào, lừ lừ ra mặt là người trên hống hách.

Câu 1171, 1174 = Sở Khanh ra bộ tức giận rêu rao : Thật lạ ! Tao nghe có con nào ở đây dám ra tiếng xấu vu cho tao là đã quyến rũ nó đi trốn ! Con ấy đâu ? Lại đây mà nhìn ra mặt tao, xem có biết mặt này là ai không ?

Câu 1175, 1176 = Kiều có ý vừa sợ vừa khinh, mỉa mai nói : Thôi thế thì thôi ! Tôi còn muốn nói gì nữa ! Ông bảo rằng ông không quyến rũ, thì tôi cũng xin vâng lời nhận rằng ông không quyến rũ tôi !

Câu 1177, 1178 = Sở Khanh thấy nàng có ý khinh mỉa mình quá, liền quát mắng nổi giận đùng đùng, bước sấn vào toan cậy thế hùng hổ đánh nàng.

Câu 1179, 1180 = Nàng ngửa mặt lên trời kêu rằng : Trời ơi ! Trời có biết không ? Ai là kẻ đã quyến rũ tôi đi trốn để tôi phải khổ nhục thế này ?

Câu 1181, 1182 = Đã khéo đưa lời người ta để lừa người ta đến bờ giếng thơi rồi đẩy người ta xuống, rồi nói đó, trối đó, nuốt lời ngay được !

Câu 1183, 1184 = Nhưng bảo cho mà biết : Chưa trối nổi được đâu ! Còn tờ “tích việt” trong tay này làm chứng đây ! Tôi nhìn rõ mặt ông lắm rồi, rõ ràng cái mặt hôm ấy là cái mặt này, chứ còn mặt ai nữa.

Câu 1185, 1186 = Lời ngay lẽ thẳng của nàng nói giữa đám đông người trong nhà ngoài cửa, ai nghe cũng phỉ nhổ chê cười Sở Khanh là đồ bất nghĩa, bất nhân.

Câu 1187, 1188 = Tội án phụ tình này đã rành rõ hẳn hoi, Sở Khanh thấy mặt mình trơ trẻn, rõ ra đồ xấu xa nhơ nhuốc, hắn mới tìm đường tháo lui ngay, không dám lôi thôi gì nữa.

Câu 1189, 1190 = Khi một mình ở trong buồng riêng, Kiều chỉ những sụt sùi khóc ngầm một mình,

nàng nghĩ đến thân nàng mà lại ngậm ngùi cực cội, mình những thương mình.

Câu 1191, 1192 = Ta rất tiếc tấm thân trong như băng, trắng như bạc của ta thế này, mà đến nỗi gặp bước phong trần cũng phải chịu kiếp phong trần nhơ nhuốc như kẻ khác.

Câu 1193, 1194 = Ôi ! Cũng là một kiếp người, sao mình thì buồn tẻ thế, mà người ta thì vui vẻ thế ? Phải chăng khách hồng nhan là cái giống trời sinh ra để chịu kiếp bạc mệnh mãi thế ru ?

Câu 1195, 1196 = Thôi cũng đành chịu vậy ! Kiếp xưa ta đã vụng tu, thì thế nào kiếp này ta cũng phải đền tội lại mới xong xuôi được.

Câu 1197, 1198 = Dẫu sao nữa số trời đã định, đã trót lỡ làng rồi, thì đành đem thân mà trả nợ đời cho xong đi vậy.

Câu 1199, 1200 = Sau khi Kiều đã bình phục hẳn – mặt lại tươi đẹp như trăng sáng hết mây, gương trong sạch bụi – Tú Bà ghé lại buồng Kiều thong dong chẳng ngượng miệng dặn dò dạy Kiều về nghề gái lầu xanh.

Câu 1201, 1202 = Mụ nói : Nghề chơi cũng lắm công phu, chứ không dễ đâu. Vậy đã là gái làng chơi, thì phải biết cho đủ điều trong nghề này.

Câu 1203, 1204 = Mụ vừa mới nói được mấy câu, thì Kiều như có ý phát khùng khinh rẻ, gạt lời mụ mà nói : Tôi tưởng trong những cuộc dật dìu mưa gió đó, chỉ có cách liều thân như thế là cùng, chứ còn có gì nữa mà phải học mất lắm công phu !

Câu 1205, 1206 = Mụ thấy nàng có ý khùng bướng coi rẻ lời dạy, mụ liền quở ngay để đe dọa cho nàng phải để ý đến lời mụ dạy. Mụ quở : Chớ nói thế, không được ! Nếu mình tiếp ai cũng như ai một cách như thế, thì ai người ta đến đây làm gì cho hoài tiền của !

Câu 1207, 1208 = Trong nghề này còn lắm điều hay cần phải học mới biết, đại khái như ban đêm thì có những nỗi khó là phải tùy khách mà khi khép chặt, khi mở rộng, cho ai cũng vừa, cũng thỏa. Ban ngày thì có những nỗi khó là phải rất khéo đối đãi với khách sao cho chung mà hóa ra riêng, riêng mà hóa ra chung, để cho ai cũng tưởng là mình được đặc biệt để ý yêu riêng, mà sinh lòng đắm say quyến luyến.

Câu 1209, 1210 = Này đây muốn làm trôi chảy những nỗi khó khăn ấy, thì con phải học thuộc vào lòng lấy 7 chữ này để làm phép tiếp khách ban ngày ở vành ngoài, và 8 nghề này để làm cách tiếp khách ban đêm ở trong buồng.

Câu 1211, 1212 = Rồi mụ không ngượng mồm chút nào mà kể rõ cho Kiều nghe 7 chữ là những chữ gì và cách thi hành từng chữ thế nào, 8 nghề là những nghề nào và cách thi hành những nghề đó như thế nào. Mụ tiếp tục nói : Ta phải thả cửa mà chơi cho liễu phải chán, cho hoa phải chê, cho tượng đá cũng phải lăn lóc vì tình, cho đời người sống cũng phải mê mẩn như chết vì tình.

Câu 1213, 1214 = Ngoài 7 chữ và 8 nghề ấy ra, lại còn khi thì hé môi cười nụ cho thật đẹp thật tình, khi thì sẽ nhíu mày liếc mắt đưa tình cho ý nhị quyến rũ, khi thì ngâm vịnh thơ từ dưới bóng trăng, khi thì cười cợt tươi vui trước cảnh hoa để tỏ tình với khách.

Câu 1215, 1216 = Đó đều là những điều cốt yếu trong nghề nghiệp nhà này. Con phải học tập cho đầy đủ những nét mánh khóe ấy, mới là một tay làng chơi đáng làm gương mẫu.

Câu 1217, 1218 = Nàng phải cúi đầu kính cẩn ngồi im mà bấm bụng vâng nghe những lời mụ dạy từ đầu chí cuối, lòng thật nhục nhã, không ngăn được cau có đôi lông mày đẹp như trăng cánh cung, phai tái đôi má hồng hoa đào.

Câu 1219, 1220 = Nàng nghĩ : Chỉ nghe nói mà đã thẹn thùng rồi, lại phải làm theo nữa thì đáng hổ thẹn đến đâu ! Ôi, đời sao lắm nỗi lạ lùng quái gở khắt khe như thế này ?

Câu 1221, 1222 = Nghĩ thật đáng thương tiếc cho mình là con nhà khuê các thanh tao như thế mà lại phải vỡ lòng học cái nghề khốn nạn quái gở này !

Câu 1223, 1224 = Rõ thật là mặt dạn mày dầy ! Kiếp người mà đã phải nhơ nhuốc đến thế này thì thôi, thật là sống cũng như chết rồi !

Câu 1225, 1226 = Thật đáng thương cho thân phận lạc loài của ta ! Dù sao nữa, đã lọt vào tay mụ này, thì dẫu cực nhọc thế nào cũng đành chịu, tránh làm sao được !

Những câu có ý móc nối và những chữ có ý mỉa mai than thở

Câu Kiều van Tú Bà Phận tôi dành vậy, vốn người để đâu ? ứng với câu Tú Bà dỗ Kiều Người còn thì của hãy còn. Thật là Kiều hiểu tâm lý mụ dầu – mụ sợ nhất là “cây tiền” đổ.

Câu Kiều chỉ vào mặt Sở Khanh mà nói Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai ứng với câu Sở Khanh lúc mới vác mặt vào nói Hãy xem cho biết mặt này là ai. Nàng lý thẳng nên khi mạnh dám nói bốp chát vào mặt Sở, quên cả lời Mã Kiều khuyên răn Bớt lời, liệu chớ trây chi mà đời. Lời thẳng mạnh đó đã khiến Sở hết chối tội.

Câu Nhơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui (tả Sở Khanh xấu hổ cắm mặt rút lui) ứng với câu Sở Khanh lên tiếng rêu rao / nọ nghe rằng có con nào ở đây (tả Sở Khanh ra dáng nghênh ngang oai vệ – lúc mới vào ngửng mặt mo lên thét, rồi khi bị phỉ nhổ thì cúi gầm mặt mà lẩn cho nhanh).

Câu Kiều nói Liều thân thì cũng phải liều thế thôi mỉa mai ứng lại với câu Nghề chơi cũng lắm công phu của Tú Bà.

Chữ “có” ở câu Kiều nói Có đâu mà lại ra người hiểm sâu ? vừa tỏ ý ngờ vực để móc nối với mấy câu Mã Kiều bảo Sở Khanh là đứa “phụ tình giở mặt nổi tiếng ở lầu xanh” ở trên, lại vừa móc nối làm nổi bật ý mấy câu sau tả cử chỉ hống hách lật lõng của Sở Khanh, làm cho Kiều tỉnh ngộ biết là ả Mã nói thật.

Câu Sở Khanh ra oai nói Hãy xem cho biết mặt này là ai ? khéo đặt, thành ra có hai nghĩa : (1) có ý chối tội “Nó hãy ra xem cho rõ, có phải mặt này đã quyến rũ nó không ?” (2) có ý dọa nạt “Nó hãy ra đây cho biết mặt này là ai mà dám coi thường!” Theo ý nghĩa trên thì câu này móc nối với câu vu trên Phao cho quyến gió rủ mây. Theo ý nghĩa dưới thì câu này móc nối với ý vừa sợ hãi vừa khinh mỉa ở câu Kiều nói sau Nàng rằng thôi thế thì thôi / rằng không thì cũng vâng lời rằng không !

Trong đoạn này có mấy câu và mấy chữ tác giả dùng để tỏ ý đau thương than thở cho cuộc đời. Câu Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu ? và nhất là câu Trót lòng trinh bạch từ sau cũng chừa, ai đọc đến mà không thương cảm cho Kiều ! Câu trên, Kiều biết là đối với quân tham tàn, không thể đem nhân đạo mà kêu xin nó tha mình được, chỉ có đem tiền của làm mồi mới cảm được lòng nó, nên đành bỏ rẻ thân mình đi, mà nhắc đến số tiền vốn của mụ. Lại vì đòn đau mà phải tâng bốc mụ lên bậc thánh thần, mà gọi nó là “người” thì thật là lúc đoạn trường trong cuộc đời bất hạnh.

Tác giả Truyện Kiều đã dùng từ ngữ “mặt mo” để mỉa mai những kẻ mặt dày mày dạn làm bậy mà không biết hổ thẹn là gì như hạng Sở Khanh. Thành ngữ “thong dong” dùng một cách tài tình trong câu Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò để mỉa mai những kẻ nói điều đểu cáng mà không thẹn mồm. Và hai chữ “vâng dạy” sử dụng trong câu Cúi đầu vâng dạy mấy lời thực là khéo chọn để tác giả than thở cho một người con gái tài sắc vẹn toàn gặp cơn thất thế, phải đau lòng mà kính cẩn vâng lời dạy bẩn thỉu của một mụ bất lương tột bực.

[ĐÀM DUY TẠO]