CHƯƠNG 16

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 1371 ĐẾN CÂU 1472

“Nghiêm phụ phân ly, phủ quan tác hợp”

1371. Mượn điều trúc viện thừa lương, [1]

Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.

1373. Chiến hòa sắp sẵn hai bài,

Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.

1375. Bắn tin đến mặt Tú bà, [2]

Thua cơ, mụ cũng cầu hòa, dám sao.

1377. Rõ ràng của dẫn tay trao, [3]

Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công. [4, 5]

1379. Công tư đôi lẽ đều xong, [6]

Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.

1381. Một nhà sum họp trúc mai,

Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.

1383. Hương càng đượm lửa càng nồng, [7]

Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen. [8, 9]

1385. Nửa năm hơi tiếng vừa quen, [10]

Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng. [11]

1387. Giậu thu vừa nảy chồi sương, [12]

Xe bồ đã thấy xuân đường đến nơi.

1389. Phong lôi nổi trận bời bời, [13]

Nén lòng e ấp tính bài phân ly.

1391. Quyết ngay biện bạch một bề, [14]

Dạy cho má phấn lại về lầu xanh.

1393. Thấy lời nghiêm huấn rành rành, [15]

Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

1395. Rằng: “Con biết tội đã nhiều,

Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam. [16]

1397. Trót vì tay đã nhúng chàm, [17]

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây.

1399. Cùng nhau vả tiếng một ngày, [18]

Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.

1401. Lượng trên quyết chẳng thương tình,

Bạc điên thôi có tiếc mình làm chi.” [19]

1403. Thấy lời sắt đá tri tri, [20]

Sốt gan ông mới đơn quì cửa công.

1405. Đất bằng nổi sóng đùng đùng, [21]

Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra. [22]

1407. Cùng nhau theo gót sai nha,

Song song vào trước sân hoa lạy quì. [23]

1409. Trông lên mặt sắt đen sì, [24]

Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời: [25]

1411. “Gã kia dại nết chơi bời,

Mà con người thế là người đong đưa.

1413. Tuồng chi hoa thải hương thừa,

Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.

1415. Suy trong tình trạng nguyên đơn, [26]

Bề nào thì cũng chưa yên bề nào.

1417. Phép công chiếu án luận vào, [27]

Có hai đường, ý muốn sao mặc mình:

1419. Một là cứ phép gia hình, [28]

Hai là lại cứ lầu xanh phó về.”

1421. Nàng rằng: “đã quyết một bề, [29]

Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần. [30]

1423. Đục trong thân cũng là thân.

Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình!”

1425. Dạy rằng: “Cứ phép gia hình!

Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.” [31]

1427. Phận đành chi dám kêu oan,

Đào hoen quện má liễu tan tác mày. [32]

1429. Một sân lầm cát đã đầy, [33]

Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương. [34]

1431. Nghĩ tình chàng Thúc mà thương,

Nẻo xa trông thấy, lòng càng xót xa.

1433. Khóc rằng: “Oan khốc vì ta! [35]

Có nghe lời trước, chí đà lụy sau.

1435. Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu, [36]

Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai?”

1437. Phủ đường nghe thoảng vào tai, [37]

Động lòng lại gạn đến lời riêng tây.

1439. Sụt sùi chàng mới thưa ngay, [38]

Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân: [39]

1441. “Nàng đà tính hết xa gần,

Từ xưa nàng đã biết thân có rày.

1443. Tại tôi hứng lấy một tay,

Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.”

1445. Nghe lời nói cũng thương lời,

Dẹp uy mới dạy cho bài giải vi. [40]

1447. Rằng: “Như hẳn có thế thì,

Trăng hoa song cũng thị phi biết điều.”

1449. Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo,

Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.” [41]

1451. Cười rằng: “Đã thế thì nên!

Mộc già hãy thử một thiên trình nghề.” [42]

1453. Nàng vâng cất bút tay đề,

Tiên hoa trình trước án phê xem tường. [43]

1455. Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường! [44]

Tài này, sắc ấy, nghìn vàng chưa cân!

1457. Thật là tài tử giai nhân,

Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn? [45]

1459. Thôi đừng rước dữ cưu hờn, [46]

Làm chi lỡ nhịp cho đàn ngang cung.

1461. Đã đưa đến trước cửa công,

Ngoài thì là lý, song trong là tình.

1463. Dâu con trong đạo gia đình,

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.”

1465. Kíp truyền sắm sửa lễ công,

Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao. [47]

1467. Bày hàng cổ xúy xôn xao, [48]

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.

1469. Thương vì hạnh trọng vì tài,

Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba.

1471. Huệ lan sực nức một nhà, [49]

Từng cay đắng, lại mặn mà hơn xưa.

Đính chính và xác định

Câu 1388 – Xe bồ đã thấy xuân đường đến nơi – Xe bồ chữ hán là bồ xa [蒲 車], cái xe vành bánh quấn lá cỏ bồ để người già đi cho êm. Sử ký nói: Khi đi tế Phong Thiên (tế Trời Đất) người xưa làm xe bồ để đi khỏi nát đá của Đất, nát cây cỏ của Trời. Sau vua Hán Tuyên Đế dùng xe bồ để tiễn thày học là Sớ Quang và Sớ Thụ về hưu. Từ đó xe bồ hay dùng để chở người già đi xa. Chữ “xe bồ” đặt vào câu này rất đúng để nói Thúc ông đi từ Vô Tích về Lâm Truy. Trong cuốn truyện Thúy Kiều, ông Trần Trọng Kim bác bỏ cuốn in “xe bồ” và theo cuốn in “Gối yên đã thấy …” Ông nói dân không được phép dùng xe bồ, và giải nghĩa chữ “gối yên” là “cái gối dựa vào cái yên ngựa của các ông già ngày xưa.” Tôi không biết ông Kim thấy cái phép cấm dân dùng xe bồ ấy ở đâu, và cái gối dựa ấy đặt chỗ nào trên yên ngựa? Và Thúc ông già rồi, sức đâu ngồi trên lưng ngựa hàng tháng từ Vô Tích về Lâm Truy? Đi xe là phải rồi.

Câu 1390 – Nén lòng e ấp tính bài phân ly – Tác giả dùng nhóm chữ “nén lòng e ấp” là có ý nói Thúc ông vẫn có chút lòng thương Kiều, trước còn dùng dằng không nỡ đuổi, sau vì giận Thúc Sinh phá nhiều của quá, mới đành nén lòng mà bắt Thúc phải đuổi Kiều. Và vì có chút lòng thương ấy mà sau này không kêu nài gì, khi quan cho Thúc, Kiều đoàn tụ. Duy chữ “nén” nôm cũng viết y như chữ “nặng” nôm [𥘀] (= [石] thạch ‘đá’ bên chữ [曩] nẵng ‘nặng / nén’), nhưng chữ nặng thì hay dùng, chữ nén ít dùng nên hết thẩy các bản Kiều quốc ngữ đều dịch câu này là “Nặng lòng e ấp…” và mỗi bản giảng nghĩa một cách gượng ghịu khác nhau. Ông Trần Trọng Kim thì giảng e ấp là sợ hãi, và “Nặng lòng e ấp…” là nói Thúc ông vì nỗi con đã có vợ rồi mà lại chơi bời lấy người giang hồ, vậy ông mới tính bài bắt phải bỏ ra. Giảng vậy thật sai nghĩa chữ e ấp, gần như vô lý: ông sợ ai mà nặng cái sợ thế, sợ ông thông gia quan to kiện chăng ? Ông Nguyễn Khắc Hiếu thì nói ông không hiểu chữ “e ấp” ở đây nghĩa là gì, đành bỏ không giải thích. Tôi rất phục ông Hiếu về điểm này, không biết thì đành chịu, chứ không dám giảng gượng như người khác.

Câu 1402 – Bạc, điên thôi có tiếc mình làm chi! – Hai chữ “bạc điên” trong câu này chữ Hán là [泊] bạc là ‘bến sông’ và [巔] điên là ‘đỉnh núi cao.’ Nhà văn hay dùng chữ “bạc điên” để nói sự tự tử vì tình. Bạc = ra bến nhảy xuống sông; điên = lên ngọn núi nhảy xuống đất. Các bản nôm có bản chỉ giải nghĩa chữ “bạc” là nhảy xuống bến sông mà chết, còn chữ điên thì in lầm ra [顛] ‘điên đảo’ mà không giải nghĩa là gì. Còn các bản quốc ngữ thì phần nhiều dịch là “bạc đen” và giảng là bội bạc điên đảo, không giữ trọn vẹn lời hứa hẹn, vì phải bỏ nàng thì mang tiếng bội bạc điên đảo, thà chết cho xong đời.

Câu 1404 – Sốt gan ông mới đơn quỳ cửa công – Chữ “đơn quỳ” câu này, có bản in là “cáo quỳ” [吿 跪], lại có bản in là “thân quỳ” [申 跪]. Xét ra đều có nghĩa giống nhau là làm đơn đưa lên quan mà kiện. Nhưng để là “cáo quỳ” thì đọc nghe không êm tai, mà nghĩa cũng không trôi chảy. Nếu để là “thân quỳ” thì nghĩa khó hiểu cho người không quen thạo chữ trong việc quan. Chỉ có chữ “đơn quỳ” vừa thông dụng, vừa dễ đọc, mà lại vừa đúng với chữ “tình trạng nguyên đơn” ở câu 1415 dưới.

Câu 1414, 1415, 1416 – Mượn màu son phấn đánh lừa con đen / Suy trong tình trạng nguyên đơn / Bề nào thì cũng chưa yên bề nào – Theo quyển vần thơ Bạch Hương Từ Phổ [白 香 詞 譜], thì các chữ thuộc về vần [元] nguyên, [寒] hàn, [删]san, [先] tiên, [文] văn, [真] chân,

[魂] hồn, [單] đan / đơn, đều thông dụng vần với nhau. Bởi vậy chữ ‘đàn’ có thể đọc là ‘đờn,’ chữ ‘phiên’ có thể đọc là ‘phen,’ và chữ ‘yên’ có thể đọc là ‘an.’ Vậy thì ba chữ “đen, đơn, yên” trong ba câu này đều vẫn có vần với nhau. Ông Trần Kim Trọng vì không biết, cho là chữ “đơn” mất vần với chữ “yên” nên đổi bừa “nguyên đơn” ra “bên nguyên”, thành ra câu Kiều này hình như vô nghĩa, và mất cả vẻ hay đẹp. Suy trong tình trạng nguyên đơn là suy xét tình trạng kể ở trong đơn, chứ không phải tình trạng của người đưa đơn.

Câu 1429 – Một sân lầm cát đã đầy – Tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu thật nghĩa là thế nào. Hoặc giả nguyên là: “Mặt thân lầm cát dã đầy” [𩈘 身 淋 吉 也 𨃐], vì các cụ trước thường đọc chữ [身] thân là ‘sân’ và hai chữ ‘dã đầy’ [也 𨃐] lầm ra ‘đã đầy’ [㐌𣹓]. Chữ “mặt” liền ý với nhóm chữ “gương lờ nước thủy”, chữ “thân” liền ý với nhóm chữ “mai gầy vóc sương” ở câu dưới.

Câu 1455 – Giá đáng Thịnh Đường ở câu này, có bản in là “Giá lợp Thịnh Đường,” tôi cho là quá đáng, vậy xin theo những bản in là “Giá đáng Thịnh Đường.”

Chú giải và dẫn điển

[1] Trúc viện thừa lương [竹 院 乘 凉] = đi hóng mát ở nơi nhà chơi vui, chung quanh có tre tốt mát mẻ.

[2] Bắn tin = đưa tin cho biết một cách mau lẹ kín đáo.

[3] Của dẫn = đưa tiền trả tận nhà mụ Tú.

[4] Hoàn lương [還 良] = cho gái thanh lâu được về lấy chồng thành người tử tế. Luật lệ Tàu xưa đòi hỏi gái thanh lâu phải có giấy quan cho phép mới được hoàn lương.

[5] Thân = đưa lên trình quan để xin phép.

[6] Công, tư đôi lẽ Công = giấy phép quan phê cho được hoàn lương. = hai bên trao nhận tiền chuộc cho nhau.

[7] Hương đượm lửa nồng – Nghĩa đen = hương cháy êm chậm thơm ngát, lửa cháy rõ sáng. Nghĩa bóng = cuộc tình duyên càng đằm thắm, do chữ “hương hỏa” là tình vợ chồng.

[8] Xôi vẻ ngọc = vẻ đẹp phát hiện tưng bừng ra ngoài.

[9] Lồng màu sen = sắc mặt đẹp như hoa sen lộng lẫy nổi lên. Hai câu lục bát này ý nói tình duyên càng nồng đậm, sắc đẹp càng lộng lẫy.

[10] Hơi tiếng vừa quen = vợ chồng đã “quen hơi bén tiếng” nhau rồi.

[11] Sân ngô cành bích – Trong thơ Đỗ Phủ có câu [碧 梧 棲 老 鳳 凰 枝 = bích ngô thê lão phượng hoàng chi = cây ngô đồng cành màu bích xưa chim phượng hoàng đậu nay đã già sạm].

Các bản Kiều quốc ngữ bây giờ đều in chữ “cành bích” ở câu này là “cành biếc” e sai nghĩa. “Cành bích” do “bích ngô” [碧 梧] dịch ra. Cành cây ngô đồng mùa xuân non thì da vỏ mầu lục và nhẵn bóng, mùa thu thì màu dở lục dở xanh sạm đục hết mầu nhẵn bóng, có vẻ già cứng. Còn “biếc” là mầu là xanh đẹp có vẻ rực rỡ lóng lánh. “Sân ngô cành bích đã chen lá vàng” nghĩa là “Cảnh sân mùa thu những cành ngô đồng màu bích đã đầy những lá vàng sắp rụng.” Bởi vậy phải nói “cành bích” mới đúng. Tác giả đặt chữ “cành bích” lấy ý là “cành ngọc” để đối với “lá vàng.”

[12] Giậu thu, chồi sươngGiậu thu do chữ thu ly [秋 離] dịch ra. “Ly” là hàng rào thấp để ngăn các luống hoa cúc trong vườn cho khỏi đổ. Về mùa thu các hoa đều tàn, chỉ có cúc thường vẫn nẩy những chồi non (cũng gọi là “chồi sương”). Thơ Tô Đông Pha có câu “Cúc tàn do hữu ngạo sương chi” [菊 残 犹 有 傲 霜 枝] có nghĩa là “cúc tuy tàn nhưng hãy còn những chồi coi thường khí sương lạnh.” Chữ “chồi sương” lấy điển ở câu thơ này.

[13] Phong lôi = gió bão, sấm sét. Câu này nghĩa là cơn giận nổi lên “ầm ầm như gió bão sấm sét.”

[14] Biện bạch = nói rõ ràng hẳn hoi ra như vậy.

[15] Nghiêm huấn = lời dạy bảo nghiêm khắc của cha.

[16] Sấm sét, búa rìuSấm sét = chịu tội với trời. Búa rìu = chịu tội với người, với luật pháp.

[17] Tay đã nhúng chàm – Người thợ nhuộm khi đã nhúng tay vào nước chàm để nhuộm vải thì khó rửa được tay sạch hết màu xanh. Vì thế, ta vẫn nói “chớ nhúng tay vào chàm” để tỏ ý khuyên người chớ làm việc dại như đùa với gái, vì một khi quen đi khó chừa được nữa.

[18] Tiếng một ngày – Tục ngữ ta có câu “Vợ chồng một ngày nên nghĩa.” Vì vậy, Cùng nhau vả tiếng một ngày / ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành nghĩa là “vả lại vợ chồng đã trót lấy nhau rồi, thì dẫu một ngày cũng đã nên nghĩa với nhau rồi, sao lại nỡ dứt duyên mà bỏ nhau được.”

[19] Bạc, điênBạc = bến sông. Điên = đỉnh núi. Bạc điên = tự tử bằng cách hoặc ra bến mà nhảy xuống sông, hoặc lên núi mà lao đầu xuống đất.

[20] Tri tri = trơ trơ một mực, nhất định không nghe lời bắt bỏ Kiều.

[21] Đất bằng nổi sóng – Dịch từ câu chữ Hán “Bình địa ba đào” [平 地 波 濤].

[22] Phiếu hồng, thôi traPhiếu hồng = giấy quan đưa cho dân đóng nhiều dấu đỏ, tỏ ý khẩn cấp. Thôi tra [傕 查] = thúc giục đến cửa quan để tra xét.

[23] Sân hoa = sân trước tòa án phủ. Đời xưa dinh quan phủ, huyện hay trồng hoa đào nên gọi là “đào viện” [桃 院].

[24] Mặt sắt đen sì – Ông Bao Chửng đời Tống là Giám sát Ngự sử, là chức vụ thay vua đi xét xử các việc hình án khó khăn oan ức. Ông xử án rất nghiêm minh, ai cũng sợ. Vì mặt ông đen và lạnh lùng ít cười, nên người ta gọi ông là Thiết diện Ngự sử (Ngự sử mặt đen và lạnh như sắt). Tác giả mượn điển này để tả vẻ oai nghiêm của quan phủ.

[25] Lập nghiêm = tỏ vẻ oai nghiêm cho dân kính sợ.

[26] Nguyên đơn [原 單] = đơn kiện của bên nguyên. Trong sự thua kiện nhau có bên nguyên đơn và bên bị cáo, gọi tắt là bên nguyên và bên bị. Bên nguyên là bên bắt đầu đưa đơn khởi việc kiện, bên bị là người bị kiện.

[27] Chiếu án luận vào = theo tội án định ở trong luật mà định tội.

[28] Cứ pháp gia hình [據 法 加 刑] = cứ theo phép làm tội định ở trong luật mà xử tội.

[29] Đã quyết một bề = (Kiều nói) đã nhất định một bề là bỏ lầu xanh mà lấy Thúc Sinh, dù phải làm tội đau đớn thế nào cũng chịu.

[30] Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần – Câu này ý nói đã quyết một bề dứt bỏ lầu xanh mà lấy Thúc Sinh, thì nhất quyết không về lầu xanh nữa, và cũng quyết một tình lấy Thúc Sinh, không lấy ai nữa. Ca dao có câu “Làm thân con nhện mấy lần giăng tơ” nghĩa là thân người con gái đã lấy ai thì lấy hẳn một người, chứ có phải là con nhện đâu mà dứt lưới tơ này lại đi giăng lưới tơ khác.

[31] Ba cây = do chữ tam mộc [三 木] dịch ra. “Tam mộc” là ba thứ đồ gỗ để gông cùm tội nhân, đó là nữu [杻] = cùm tay; già [枷] = gông cổ; chất [桎] = cùm chân. Câu Kiều này nghĩa là đem Kiều ra làm tội bằng cả ba thứ gông cổ, còng tay, cùm chân. “Cành mẫu đơn” hàm ý là thân Kiều như hoa mẫu đơn.

Phụ chú:

Trong cuộc xử tội này, truyện không nói ra là Kiều bị đánh, nhưng đọc mấy câu theo sau thì biết là bị đánh rất đau. Đời nhà Minh nghiêm cấm kỹ nữ quyến rũ lừa gạt khách chơi để phá hoại gia đình khách, và cũng nghiêm cấm các quan không được ăn nằm với kỹ nữ. Xem trong Tình sử có mấy kỹ nữ phạm cấm, bị gông cùm đánh đòn đến chết. Cũng trong truyện Tình sử, có một ông Tri huyện bị tố cáo là tư tình với một kỹ nữ. Quan trên bắt người kỹ nữ này để điều tra, nhưng nàng nhất định nói là ông tri huyện bị vu oan, dù bị tra đánh chết đi sống lại mấy lần, có khi bị đánh đến 300 roi mà nàng vẫn trối là không có dính dáng gì với ông ta cả. Kết cục nàng được thả và ông huyện vô can. Ông huyện cảm ân tình nặng ấy, lập mưu bỏ quan mang nàng đi trốn thật xa và trở thành vợ chồng, ăn ở với nhau 20 năm không ai biết. Gặp lúc ân xá, họ mới về quê ở suốt đời bên nhau.

[32] Hoen quện – Hoen = lấm bẩn nhem nhuốc; quện = nhăn nhó ủ tái. Câu này có nghĩa là “má đào của nàng thì nhem nhuốc ủ tái; mày liễu của nàng thì nhăn nhó xác xơ.”

[33] Một sân lầm cát đã đầy – Câu này có lẽ vì sao đi khắc lại mãi sai dần thành ra vô nghĩa. Có bản đổi hẳn là “Một thân quần quại bùn lầy.” (Xem lời phỏng đoán mà đính chính câu 1429 này ở trên là “Mặt thân lầm cát dã đầy”).

[34] Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sươngGương lờ nước thủy = khuôn mặt trong sáng như gương của nàng, vì đau đớn quá mà lờ đục đi như cái gương hết cả vẻ trong sáng của thủy ngân ở mặt sau chiếu lại. Mai gầy vóc sương = hình hài trong sạch như sương tuyết của nàng, vì đau đớn quá trông gày teo đi như cành mai.

[35] Oan khốc = bị đánh oan, đau đớn độc dữ.

[36] Cạn lòng = lòng nông nổi, không biết nghĩ lẽ sâu xa.

[37] Phủ Đường = quan Tri phủ. Trong các đơn từ dân đưa lên quan Tri phủ vẫn viết “Bản phủ phủ đường đại nhân [本 俯 俯 堂 大 人].

[38] Thưa ngay = do câu chữ Hán thường dùng trong giấy tờ việc quan “Cứ thật tường khai” [據 寔 詳 開] = khai rõ theo đúng sự thật. (Chớ lầm ra nghĩa là vội vàng kể lại ngay lập tức).

[39] Cầu thân [求 親] = sự bàn định tỏ ý xin lấy nhau.

[40] Giải vi [解 圍] = cởi mở vòng vây ra, nghĩa bóng là gỡ ra cho khỏi tội.

[41] Theo đòi đây tức là theo đòi việc bút nghiên, nghĩa là có đi học tử tế.

[42] Mộc già [木 枷] = cái gông làm bằng gỗ cứng. Quan phủ bảo Kiều làm một bài thơ vịnh cái gông.

[43] Án phê = bàn giấy quan ngồi phê phán xét xử việc quan.

[44] Thịnh Đường – Thơ đời nhà Đường (618 – 908) là thơ hay nhất nước Tàu. Người ta chia thơ đời Đường ra làm ba thời kỳ, thời kỳ giữa hay nhất gọi là Thịnh Đường.

[45] Chu Trần – Ở tỉnh Sơn Đông bên Tàu có thôn Chu Trần. Trước kia hai họ Chu [朱] và Trần [陳] đời đời trai gái lấy nhau ; sau này người ta dùng Chu Trần để gọi đôi vợ chồng.

[46] Rước dữ cưu hờn = bỗng dưng mua chuốc lấy sự giận dữ nhau, gây ra sự hờn dỗi nhau.

[47] Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao = nghi lễ đưa dâu. Cất gió = rước một cách vui vẻ, phơi phới trước gió. Điểm sao = rước về ban đêm, đèn đuốc lấp lánh lẫn với sao trên trời.

[48] Cổ xúy [鼓 吹] – Cổ = đánh các thứ trống. Xuý = thổi kèn sáo và gẩy đàn. Đây nói có phường bát âm rước dâu, tả cách quan sửa soạn lễ cưới rất trang trọng.

[49] Huệ lan [蕙 蘭] – Văn chương dùng chữ hoa huệ, hoa lan để nói đến đàn bà con gái có hiền đức, lịch sự đáng quý.

Diễn ra văn xuôi 

Câu 1371, 1372 = Sau khi bàn định và quyết thề đêm hôm đó, Thúc Sinh mới mượn cớ đi hóng mát ở nơi nhà giữa cảnh tre xanh mát mẻ, rồi đem nàng giấu biệt một nơi, và nghĩ cách để lấy được nàng.

Câu 1373, 1374 = Chàng nghĩ sẵn ra hai cách : (1) là “chiến”, nghĩa là nếu Tú Bà nhất định không cho chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, vừa đưa đơn kiện mụ về tội “mãi lương vi sương” [買 良 為 娼] (mua con gái nhà lương thiện về bắt làm đĩ), vừa nhờ hiệp sĩ đánh mụ ; (2) là “hòa”, nghĩa là nếu mụ biết điều cho chuộc, thì đem tiền lại chuộc theo giá mua, và bắt mụ phải nộp đơn xin cho Kiều được hoàn lương. Lập định hai cách ấy rồi, chàng mới tìm người làm thày làm thợ giúp chàng trong cuộc chiến và mượn người đi dò la xem tình ý Tú Bà thế nào.

Câu 1375, 1376 = Rồi chàng đưa tin đến tận mặt Tú Bà, kể rõ cho biết hai cuộc chiến hay hòa đó và hỏi mụ thuận theo đường nào. Mụ thấy thế mình thua kém, nếu để bị kiện thì vừa mắc tội vạ, vừa bị nguy đến tính mạng, nên đành xin hòa để lấy tiền chuộc, không dám lôi thôi gì nữa.

Câu 1377, 1378 = Khi đã thu xếp xong với nhau rồi, một bên thì mang tiền chuộc vốn đến trả phần mình ; một bên thì nhận tiền, và làm đơn nộp quan xin cho Kiều được hoàn lương và lấy Thúc Sinh.

Câu 1379, 1380 = Thế là hai lẽ công là hình sự và tư là dân sự đều xong xuôi cả, và Kiều bước chân ra khỏi vòng bụi đục.

Câu 1381, 1382 = Từ khi chàng và nàng về sum họp với nhau một nhà, tình sâu như bể càng sâu thêm, nghĩa dài như sông càng dài thêm.

Câu 1383, 1384 = Duyên hương lửa vợ chồng càng thêm thơm đượm, thêm nồng thắm, và vẻ trong đẹp như ngọc như ngà của Kiều càng tỏa ra ngoài, mầu hồng hào như hoa sen càng lộng lẫy tưng bừng.

Câu 1385 đến 1387 = Hai người ở với nhau được chừng nửa năm, đương độ thật quen hơi bén tiếng, thì đã đến cuối thu. Mấy cây ngô đồng ở trước sân đã phơi những cành màu bích đã có những là vàng chen nhau ; dẫy cúc ở bên giậu thu đã tàn lại nẩy mấy chồi ngạo nghễ như coi thường khí lạnh sương thu.

Câu 1388 đến 1390 = Vừa đúng dạo cuối thu buồn đó, thì một hôm chiếc xe bọc cỏ bồ của Thúc ông đi từ Vô Tích lên đã đến nơi dừng bánh ở trước nhà Lâm Truy. Thấy Thúc Sinh lấy Kiều về, ông nổi giận dữ đùng đùng như trời nổi cơn gió bão sấm sét. Lúc mới ông còn chút lòng thương hại, nhưng rồi ông nén lòng e ấp dùng dằng ấy đi, mà tính đến truyện bắt Thúc, Kiều phải lìa bỏ nhau.

Câu 1391, 1392 = Ông quyết tâm ra lệnh rõ ràng là Kiều phải về lầu xanh.

Câu 1393, 1394 = Thấy lời cha dạy nghiêm ngặt như vậy, Sinh mới đánh nước bài liều thân bầy tỏ sự tình mà quỳ lạy kêu van xin ông nghĩ lại mà thương cho.

Câu 1395, 1396 = Sinh nói : Thưa cha, con biết tội con nhiều lắm, dẫu trời đem sấm sét đánh tan thây, dẫu cha đem búa rìu chém mất đầu, con cũng xin chịu vì đáng tội lắm.

Câu 1397, 1398 = Nhưng sự đã trót rồi, nhỡ tay đã giúng vào thùng chàm rồi, rửa sao sạch được nữa, con đã trót dại rồi không thể nào trở lại được nữa.

Câu 1399, 1400 = Vả lại tục ngữ có câu “Cùng qua một chuyến đò với nhau là nên nghĩa bạn bè, cùng ở một ngày với nhau là nên nghĩa vợ chồng.” Nay chúng con đã thành vợ chồng yêu mến nhau rồi, nỡ lòng nào dứt tình bỏ nhau được, như đương ôm đàn mà gảy ai lại nỡ dứt dây cho đành.

Câu 1401, 1402 = Nay nếu cha không thương xót mà nhất định bắt phải lìa bỏ nhau, thì con xin thất hiếu mà tự tử vì tình, hoặc ra bến nhảy xuống sông, hoặc lên đỉnh núi nhảy xuống đất, vì còn tiếc gì đến thân này nữa.

Câu 1403, 1404 = Thấy lời Sinh trơ trơ như sắt đá, nhất định không bỏ Kiều, Thúc ông tức bực quá, bèn làm đơn cáo quan nhờ pháp luật bắt phải bỏ cuộc tự ý kết hôn trái phép này.

Câu 1405, 1406 = Thế là đất bằng bỗng nổi sóng gió. Tòa án phủ sai lính mang tờ trát đóng dấu đỏ về bắt Thúc và Kiều phải cùng lên tòa án để quan phủ xét xử.

Câu 1407, 1408 = Hai người cùng nhau theo sai nha lên tòa, khúm núm vào trước sân tòa mà quỳ lạy.

Câu 1409, 1410 = Ngước mắt trông lên họ thấy mặt quan phủ đen như sắt, có vẻ mặt một ông quan án nghiêm khắc như Bao Công thuở xưa. Ngài bắt đầu nghiêm trang ra oai mà nặng lời quở trách Thúc Sinh :

Câu 1411, 1412 = Cái gã kia sao mà quá dại dột, chơi bời được đến như vậy ? Ta trông con người mặt mũi khá như thế mà sao lại ăn ở ra người đong đưa tráo trở, mê gái mà dám bỏ cả lời cha dạy như thế ?

Câu 1413, 1414 = Rồi ngài quở Kiều : Ra gì cái của hương thải hoa thừa, cái của chỉ đáng vứt đi này ? Nó chỉ điểm tô son phấn cho đẹp để quyến rủ lừa gạt làm hư hại lũ trai trẻ đầu đen bụng dại đó thôi.

Câu 1415, 1416 = Cứ theo tình trạng kể ở trong đơn nguyên đơn mà suy xét, thì sự kết hôn này bề ngoài đối với luật pháp, bề trong đối với lễ giáo, đều chửa bề nào được yên thỏa cả, thế mà đã dám lấy nhau, đoàn tụ với nhau, thật là có tội, vậy bắt buộc phải ly dị.

Câu 1417, 1418 = Rồi quan bảo Kiều : Cứ chiếu theo pháp luật mà xử, thì ta bảo cho con kia biết là có hai điều này cho tùy ý phạm nhân muốn nhận điều nào thì nói cho quan biết để xử :

Câu 1419, 1420 = Một là cứ theo luật pháp mà xử tội ; hai là muốn tránh tội, thì lại xin về lầu xanh, quan sẽ tha cho về.

Câu 1421, 1422 = Kiều thưa : Chúng tôi đã quyết chí một bề là bỏ chốn ô nhục ấy, thì còn trở lại vào đó làm gì nữa. Ôi, cái thân phận con nhện này còn vương lấy mối tơ ở đó mấy lần nữa đây ?

Câu 1423, 1424 = Thân tôi đây tuy gặp cảnh ngộ không may, đã phải sa vào vòng đục bẩn ấy, nhưng dù đục dù trong cũng vẫn là tấm thân con người. Nếu lượng trên không xét rõ mà lượng thứ cho, thì chúng tôi xin đành chịu tội để giữ lấy giá người. Vậy thân này dù yếu đuối cũng xin chịu hết mọi nỗi cực hình ở trước sân sấm sét nhà trời này.

Câu 1425, 1426 = Quan liền truyền cho thuộc hạ : Vậy cứ theo hình phạt ở luật pháp ra mà xử tội phạm nhân này đi ! Rồi quan truyền đem Kiều ra sân, dùng ba thứ hình cụ bằng gỗ mà đóng gông vào cổ, đóng cùm hai tay và đóng cùm hai chân lại mà làm tội.

Câu 1427, 1428 = Kiều tuy bị làm tội oan, nhưng biết thân phận mình hèn mọn, kêu cũng chẳng được, nên đành yên lặng chịu đau đớn chẳng kêu van gì cả. Chỉ thấy vì đau quá mà đôi má đào thì hoen ố tái sạm, đôi mày liễu thì nhăn nhó tan tác.

Câu 1429, 1430 = Nàng đau quá quần quại rẫy rụa làm bụi cát phủ mù một góc sân ; khuôn mặt sáng như gương của nàng lờ đục đi, hết cả màu sáng đẹp thủy ngân ánh ra ngoài ; hình vóc ẻo lả trắng như sương tuyết của nàng gầy gò đi, trông khẳng khiu như cành mai.

Câu 1431, 1432 = Nghĩ tình chàng Thúc bấy giờ thật đáng thương. Chàng đứng xa trông thấy Kiều đau đớn quá mà mình không cứu được, nên lòng chàng lại càng xót xa hơn.

Câu 1433, 1434 = Rồi bỗng chàng òa ra khóc và nói : Nàng bị đau đớn oan khổ quá như thế, thật là chỉ vì ta thôi. Nếu trước kia ta nghe lời nàng, thì bây giờ có đâu nàng phải đau khổ thế này !

Câu 1435, 1436 = Chỉ vì bụng ta nông cạn, không biết nghĩ sâu xa, để nàng phải trăng tủi hoa sầu thế này, thật là tại ta chứ còn tại ai nữa ?

Câu 1437, 1438 = Quan phủ thoáng nghe thấy lời chàng khóc than như thế thì động lòng thương, và cho gọi chàng lại gạn hỏi những lời trước kia Kiều đã nói riêng với chàng như thế nào.

Câu 1439, 1440 = Chàng được quan hỏi, liền vừa khóc vừa cứ thật tình mà kể quan nghe rõ hết đầu đuôi những câu truyện từ khi chàng ngỏ ý muốn lấy nàng, và những lẽ khó khăn nàng kể trong việc hôn nhân trái phép này.

Câu 1441, 1442 = Rồi chàng tiếp lời : Thật quả nàng đã tính hết mọi lẽ gần xa, và từ xưa nàng đã biết trước rằng nàng sẽ gặp những tội tình như thế này rồi !

Câu 1443, 1444 = Nhưng chỉ vì tôi giơ tay ra đảm đương hứng lấy một mình, khuyên nàng cứ chắc cậy ở tôi, không phải lo ngại gì. Bây giờ nàng phải chịu tội đau đớn thế này thật là tại tôi.

Câu 1445, 1446 = Quan phủ nghe chàng kể những lời lẽ nàng nói trước sau, thì có lòng thương tình cho nàng vì những lời nàng nói đó. Quan không ra oai như trước nữa và ngỏ lời có ý gỡ tội cho nàng.

Câu 1447, 1448 = Ngài nói : Nếu quả thật nàng đã nói như thế thì tuy nàng là gái trăng hoa, nhưng cũng là người biết mọi điều phải trái đó !

Câu 1449, 1450 = Thúc Sinh thấy quan đã hồi tâm có lòng thương nàng, liền thừa cơ lại trình thêm cho quan biết rằng : Nàng cũng là người có theo đòi đôi chút nghề bút nghiên, biết làm văn thơ nữa.

Câu 1451, 1452 = Thấy nói nàng biết làm thơ, quan cười nói : Thế thì hay lắm. Vậy ta cho thử làm một bài thơ vịnh cái gông gỗ này để ta xem tài thơ ra sao. Quan sai tháo gông cùm và ban giấy bút cho nàng.

Câu 1453, 1454 = Kiều vâng lời, bái lĩnh bút giấy, rồi lanh lẹ đưa tay viết xong ngay bài thơ, và kính cẩn dâng trình tờ hoa tiên có thơ đề ấy lên bàn giấy quan phủ.

Câu 1455, 1456 = Quan thấy tài nàng lanh lẹ đã có ý khen. Khi cầm thơ xem thì thấy chữ rất tốt thơ rất hay, ngài khen rằng : Giá trị tài thơ của nàng thật không kém gì các thi sĩ thời Thịnh Đường ngày xưa. Tài thơ nàng như thế này, sắc đẹp nàng như thế kia, thì dẫu nghìn vàng cũng chưa xứng đáng !

Câu 1457, 1458 = Đôi này thật là tài tử sánh với giai nhân, chẳng có đôi Chu Trần nào đẹp hơn đôi Chu Trần này !

Câu 1459, 1460 = Rồi quan tiếp lời khuyên Thúc ông rằng : Thôi ông đừng rước dữ mua hờn vào mình nữa làm gì kẻo làm lỡ dịp mất cái cung đàn đương réo rắt giọng hay này đi !

Câu 1461, 1462 = Ông đã đem việc này đến cửa công nhờ phân xử hộ, thì bề ngoài cố nhiên phải xử theo lý, nhưng bề trong vẫn phải xử theo tình thì mới thật ổn thỏa.

Câu 1463, 1464 = Đạo làm cha mẹ ở trong gia đình, đối với dâu con ta nên dẹp hết nỗi bất bình đi là xong hết. Vậy xin ông đừng chấp trách chúng nó nữa để cho cửa nhà được êm vui !

Câu 1465, 1466 = Khuyên Thúc ông xong rồi, quan phủ mới truyền sửa lễ cưới công để kết duyên cho Kiều và Thúc. Khi làm lễ cưới xong rồi thì ngài cho rước dâu rể ngồi cao phơi phới trước gió trên chiếc kiệu hoa, và đuốc hồng lấp lánh điểm thêm sao đêm đó.

Câu 1467, 1468 = Hai bên trước kiệu có hai hàng bát âm đàn sáo vui vẻ, réo rắt nhộn nhịp đưa dâu rể về nhà đoàn tụ với nhau.

Câu 1469, 1470 = Thúc ông sau đó thấy Kiều đã nết na lễ phép lại có tài văn học, nên có lòng thương quý và không tức giận gì nữa.

Câu 1471, 1472 = Vì nàng hiền đức làm cho cảnh nhà được vui êm thơm nức như hoa lan hoa huệ, Thúc ông lúc mới khinh ghét nàng bao nhiêu, nay lại càng quý trọng thân yêu nàng bấy nhiêu.

Những câu hay chữ có ý móc nối hoặc mỉa mai than thở

Đoạn Truyện Kiều này có thể gọi là đoạn chứng thực những lời lẽ Kiều nói với Thúc Sinh khi chàng ngỏ lời muốn lấy nàng là đúng, không phải lời nói viển vông.

Câu “Nén lòng e ấp tính bài phân ly” đúng với câu Kiều nói “Lòng trên trông xuống biết lòng có thương.”

Câu “Dạy cho má phấn lại về lầu xanh” của Thúc ông và câu “Hai là lại cứ lầu xanh phó về” của quan phủ đúng với câu Kiều nói “Lầu xanh lại phó ra phường lầu xanh.”

Câu quan phủ nói “Bề nào thì cũng chưa yên bề nào” đúng với câu Kiều nói “Chút e bên thú bên tòng dễ đâu.”

Câu “Song song vào trước sân hoa lạy quỳ” và mấy câu quan phủ nặng lời “Gã kia dại nết chơi bời / Mà con người thế ra người đong đưa / Tuồng chi hương thải hoa thừa / Mượn màu son phấn đánh lừa con đen” đúng với câu Kiều nói “Lại càng dơ dáng dại hình / Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.”

Hai câu tả cảnh cuối thu “Sân ngô cành bích đã chen lá vàng / Giậu thu vừa nẩy giò sương” đặt vào giữa hai tự sự “Nửa năm hơi tiếng vừa quen” và “Xe bồ đã thấy xuân đường đến nơi” là có ý dùng cảnh trời sinh làm điềm báo trước cho ta biết những sự rủi may sẽ xẩy ra cho Kiều sau khi Thúc ông đến nơi. Câu “Sân ngô cành bích đã chen là vàng” báo trước điềm Kiều sẽ bị kiện bị tội suy tàn như cây mùa thu trơ những cành bích lá vàng. Câu “Giậu thu vừa nẩy giò sương” báo trước điềm Kiều sẽ được quan trọng đãi, làm phép cưới công, như giậu cúc đã tàn lại nẩy giò sương.

Trong Truyện Kiều, tác giả rất dè dặt khi nói đến cái dở của các quan và của người trên, thường chỉ nói họ qua một vài câu có can hệ đến sự dở ấy cho ta nghĩ mà đoán lấy. Về đoạn tả cảnh tàn phá nhà họ Vương thì chỉ tả sự tham tàn của bọn sai nha, còn sự tham nhũng của các quan thì chỉ nói qua ở câu “Tính bài lót đó luồn đây.” Về đoạn tả tổng đốc họ Hồ hư hỏng tệ bạc với Kiều thì chỉ nói qua loa “Hồ Công đến lúc rạng ngày tỉnh ra” và “Sự này biết tính sao đây ?

Câu “Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân” của quan phủ thật đã ngầm ý là dịu được lòng tiếc của của Thúc ông. Câu “Thương vì nết trọng vì tài” ứng với hai câu quan Phủ nói “Trăng hoa song cũng thị phi biết điều” và “giá đáng Thịnh Đường.”

Về sự thay đổi của quan phủ từ uy xuống đến gia ân trong vụ sự kiện này, tác giả kể rất có thứ tự : (1) Lúc mới thì lập nghiêm ra oai nặng lời quở trách và lạnh lùng dạy : “Cứ phép gia hình,” chẳng chút thương tình, dù Kiều nói những câu nghĩa lý thật đáng để ý. (2) Rồi động lòng thương, khi thoảng nghe Thúc Sinh than khóc, mà gọi lại gạn hỏi. (3) Rồi dẹp uy và giải vi khi nghe Thúc Sinh kể lại những lời biết điều của Kiều. (4) Rồi tươi cười khi nghe Thúc nói nàng có học thức, biết làm thơ. (5) Rồi khen thưởng khi thấy nàng chữ tốt văn hay. (6) Rồi kết cuộc làm ơn hậu thưởng sửa lễ cưới công.

Tả thái độ quan phủ đối với Kiều cũng dần dần từ nghiêm khắc xuống khoan hòa, xuống khen thưởng : (1) Lúc mới thì quá khinh quá ghét hình như không muốn nhìn mặt, không muốn gọi tên, chỉ mắng bâng quơ “Tuồng chi hương thải hoa thừa,” rồi truyền cứ phép gia hình, không hề thương tình chút nào. (2) Rồi hòa dịu cho là “biết điều thị phi” mà liệu bài giải vi. (3) Rồi tươi cười mà ra thơ làm thử. (4) Rồi hết lời khen thưởng văn tài. (5) Sau cùng khuyên Thúc ông bao dung và cho sửa lễ cưới công long trọng.

[ĐÀM DUY TẠO]