CHƯƠNG 23

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

* * * * *

CÂU 2165 ĐẾN CÂU 2288

“Gặp người tâm phúc, hả chí anh hùng”

2165. Lần thâu gió mát trăng thanh, [1]

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi, [2]

2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

2169. Đường đường một đấng anh hào,

Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài. [3]

2171. Đội trời đạp đất ở đời, [4]

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt đông.

2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. [5]

2175. Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,

Tấm lòng nhi nữ cùng xiêu anh hùng.

2177. Thiếp danh đưa đến lầu hồng,

Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa. [6]

2179. Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ [7]

Phải người trăng gió vật vờ hay sao?

2181. Bấy lâu nghe tiếng má đào,

Mắt xanh chẳng để ai vào có không? [8]

2183. Một đời được mấy anh hùng,

Bõ chi cá chậu, chim lồng mà chơi!” [9]

2185. Nàng rằng: “Người dạy quá lời, [10]

Thân này còn dám coi ai là thường!

2187. Chút riêng chọn đá thử vàng, [11]

Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu? [12]

2189. Còn như vào trước ra sau,

Ai cho kén chọn vàng thau tại mình. [13]

2191. Từ rằng: “Lời nói hữu tình, [14]

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân. [15]

2193. Lại đây xem lại cho gần,

Phỏng tin được một vài phần hay không?”

2195. Thưa rằng: “Lượng cả bao dung, [16]

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. [17]

2197. Rộng thương cỏ nội hoa hèn, [18]

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!”

2199. Nghe lời vừa ý gật đầu,

Cười rằng: “Tri kỷ trước sau mấy người!

2201. Khen cho con mắt tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già! [19]

2203. Một lời đã biết tên ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!” [20]

2205. Hai bên ý hợp tâm đầu, [21]

Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân!

2207. Ngỏ lời nói với băng nhân, [22]

Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn. [23]

2209. Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,

Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên. [24]

2211. Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng. [25]

2213. Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương. [26]

2215. Trông vời trời bể mênh mang, [27]

Thanh gươm, yên ngựa lên đàng thẳng giong.

2217. Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi!”

2219. Từ rằng: “Tâm phúc tương tri, [28]

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình? [29]

2221. Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường [30]

2223. Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia, [31]

2225. Bằng ngay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

2227. Đành lòng chờ đón ít lâu, [32]

Chầy chăng là một năm sau vội gì?”

2229. Quyết lời rứt áo ra đi, [33]

Gió đưa bằng tiện đến kì dậm khơi. [34]

2231. Nàng thì chiếc bóng song mai, [35]

Đêm thâu đằng đẵng, nhặt gài then mây. [36]

2233. Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy, [37]

Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân. [38]

2235. Đoái thương muôn dặm tử phần [39]

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa; [40]

2237. Xót thay huyên cỗi xuân già,

Tấm lòng thương nhớ, biết là có nguôi.

2239. Chốc là mười mấy năm trời,

Còn ra khi đã da mồi tóc sương. [41]

2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng! [42]

2243. Duyên em dù nối chỉ hồng,

May ra khi đã tay bồng tay mang.

2245. Tấc lòng cố quốc tha hương, [43]

Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.

2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

2249. Đêm ngày luống những âm thầm,

Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương,

2251. Ngất trời sát khí mơ màng, [44]

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh. [45]

2253. Người quen thuộc, kẻ chung quanh

Nhủ nàng hãy tạm lánh mình một nơi.

2255. Nàng rằng: “Trước đã hẹn lời,

Dẫu trong nguy hiểm, dám rời ước xưa.”

2257. Còn đương dùng dắng ngẩn ngơ

Mé ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la. [46]

2259. Giáp binh kéo đến quanh nhà,

Đồng thanh cùng gửi: “nào là phu nhân?”

2261. Hai bên mười vị tướng quân,

Đặt gươm, cởi giáp, trước sân khấu đầu.

2263. Cung nga, thể nữ nối sau, [47]

Rằng: “Vâng lệnh chỉ rước chầu vu qui.” [48]

2265. Sẵn sàng phượng liễn, loan nghi, [49]

Hoa quan giấp giới, hà y rỡ ràng. [50]

2267. Dựng cờ, nổi trống lên đàng,

Trúc tơ nổi trước, đào vàng theo sau. [51]

2269. Hoả bài tiền lộ ruổi mau, [52]

Nam đình nghe động trống chầu đại doanh. [53]

2271. Kéo cờ lũy, phát súng thành,

Từ công ra ngựa, thân nghênh cửa ngoài.

2273. Rỡ mình, là vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

2275. Cười rằng: “Cá nước duyên ưa, [54]

Nhớ lời nói những bao giờ hay không?

2277. Anh hùng mới biết anh hùng,

Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”

2279. Nàng rằng: “Chút phận ngây thơ,

Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.

2281. Đến bây giờ mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.”

2283. Cùng nhau trông mặt cả cười,

Dan tay về chốn trướng mai tự tình.

2285. Tiệc bày thưởng tướng khao binh

Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân.

2287. Vinh hoa bõ lúc phong trần,

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

Đính chính và xác định

Câu 2186 – Câu này bản Kiều nôm in là Thân này còn dám coi [䁛] ai là thường. Nhiều bản Kiều quốc ngữ lại in là “Thân này còn dám xem ai là thường.” Chữ “coi” với chữ “xem” tuy nghĩa giống nhau nhưng chữ “coi” ở đây đúng hơn chữ “xem” vì có ý so sánh cân nhắc. Ta thường nói “Coi người bằng nửa con mắt” nghĩa là khinh người.

Câu 2273 – Rõ mình lạ vẻ cân đai – Chữ “lạ” trong câu này, các bản nôm, bản thì in là [𨔍] (lạ), bản thì in là [罗] (là). Tôi thì cho chữ “lạ” đúng hơn chữ “là” vì có ý liền với câu dưới hơn: Tuy chỉ lạ vì vẻ áo mũ rực rỡ cao quý, nhưng vẫn còn hàm yến mày ngài như trước. Nhưng có một cụ đồ đã khảo cứu nhiều về Truyện Kiều thì lại nhất định chữ “là” đúng hơn; cụ nói “Rõ mình là vẻ cân đai” có vẻ văn chương đẹp đẽ và ý nghĩa thấm thúy hơn. Vậy xin ghi vào đây để quý vị độc giả suy nghĩ cân nhắc.

Chú giải và dẫn điển

[1] Lần thâu = Lần hồi hết ngày đêm nọ đến ngày đêm kia vui vẻ với khách trong cảnh trăng gió.

[2] Biên đình = Triều đình ở ngoài biên thùy. Tác giả có ý cho là Từ Hải ở riêng một khu biệt lập khác sang đây chơi.

[3] Lược thao = Do thành ngữ “Lục thao tam lược” [六 韜 三 畧] = Hai thiên trong sách Binh pháp dạy những phép dùng cơ mưu và dùng quân đánh nhau. Nên những người có tài làm tướng cầm quân gọi là có tài lược thao.

[4] Đội trời đạp đất = Chí khí ngang tàng, trên đầu mình chỉ có trời, chứ không còn ai hơn mình nữa; dưới thì chân đạp đất mà đi khắp mọi nơi chẳng ai cản được, nên ta vẫn gọi hạng người “đầu đội trời, chân đạp đất.”

[5] Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo – (Chữ “đàn” đây nghĩa là cái cung). Câu Kiều này lấy điển ở hai câu thơ của Hoàng Sào cuối đời nhà Đường. Sào thi tiến sĩ hỏng mãi, nổi lên thành một tướng giặc to mạnh, có hồi đánh phá cả kinh thành, vua phải bỏ chạy. Sào có câu thơ tỏ chí khí mình rằng:

[半 肩 弓 劍 憑 天 縱] = Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng = Nửa vai mang cung kiếm nhờ tài trời buông thả ra cho,

[一 棹 江 山 尽 地 維] = Nhât trạo giang sơn tận địa duy = Một mái chèo đi khắp non sông bốn phương đất.

Tác giả mượn hai câu thơ trên để nói Từ Hải có chí làm giặc.

[6] Chữ liếc trong câu 2178 này nghĩa là ngắm nhìn xem tướng nhau. Vì chữ “liếc” này, nên hai bên mới đoán biết nhau đều là có tướng anh hùng.

[7] Tâm phúc tương kỳ [心 腹 相 期] = Lấy lòng bụng ra mà hứa hẹn với nhau. Ý Từ muốn nói “tôi muốn tìm người có tài trí to để tôi có thể đem chí to chứa chất trong lòng tôi mà tỏ cho nhau biết được để cùng lo việc lớn.”

[8] Mắt xanh – Nguyễn Tịch [阮 籍] đời nhà Tấn, quý ai thì làm mắt hóa màu xanh mà vui vẻ nhìn; không thích ai thì làm mắt trắng mà nhìn. Người đời sau nói quý ai là “để vào mắt xanh.”

[9] Cá chậu chim lồng = Những người tầm thường chịu người trên lấy lợi danh bó buộc được mình, như cá bị nhốt vào chậu, chim bị nhốt vào lồng.

[10] Nàng rằng “Người dạy quá lời” – Chữ “người” đây nghĩa là “ngài” nói trạnh ra để tỏ lòng tôn kính như thần thánh. Kiều gọi Từ Hải là “người” để tỏ lòng rất quý trọng. (Tôi thấy người ăn trộm ý Truyện Kiều và ý của cuốn Phong Tình Lục để viết ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) đã không hiểu nghĩa chữ “người” này mà dịch câu Kiều này ra chữ Hán là [此 人 言 之 過 也] = Thử nhân ngôn chi quá dã = Đó là người ta nói quá lời như thế. Đọc đến câu chữ Hán đó ta biết ngay là Thanh Tâm Tài Nhân dịch ở Truyện Kiều ra, chứ đâu phải Truyện Kiều dịch ở cuốn TTTN ra như nhiều nhà văn sĩ lầm tưởng, lại cứ lấy cuốn TTTN ra để giải thích Truyện Kiều).

[11] Chọn đá thử vàng – Các nhà buôn vàng ta xưa vẫn dùng một thứ đá màu đen để mài cục vàng lên mà xét xem vàng tốt, hay vàng xấu. Người ta mài thỏi vàng lên mặt nhẵn hòn đá để xem màu vết mài mà đoán.

[12] Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu? – Câu này và câu “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” lấy điển ở hai câu cuối cùng bài Hàm Đan Thiếu Niên Hành ở Đường Thi. Hàm Đan Thiếu Niên Hành là bài hát tả một người thiếu niên ở đất Hàm Đan là Kinh đô nước Triệu đời Chiến Quốc, nổi tiếng có nhiều tay hào hiệp. Bài ca này, những câu đầu đại khái nói: Một người tuổi trẻ ở Kinh Đô Hàm Đan chơi bời với bạn bè, tổn phí hết hàng nghìn vạn lạng vàng không tiếc chút nào, mấy mươi phen liều mạng báo thù cho người khác mà không chết; nhà lúc nào cũng ồn ào đàn hát vui với trăm người khách, cửa lúc nào cũng ngổn ngang đầy xe ngựa. Tiếp đãi đông khách như thế trong mười mấy năm, mà kết cục vẫn phải than (ở hai câu kết) rằng:

[不 知 肝 膽 向 誰 是]Bất tri can đảm hướng thùy thị = Chẳng biết đem gan mật mà hướng vào ai để tin cậy cho đúng,

[令 人 却 憶 平 原 君] = Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân = Khiến ta đây lại nhớ đến lời nói của Bình Nguyên Quân.

Tác giả mượn ý câu “bất tri can đảm hướng thùy thị” để nói ý Kiều nói “tôi có chí kén mãi mà chưa được người nào đáng tin cậy để gửi thân nương nhờ tử tế được.” Còn điển tích câu nói Bình Nguyên Quân thì xin xem kể rõ ở lời chú giải số [15] dưới đây.

[13] Vàng thau – Những kẻ gian thương vẫn hay dùng thau làm vàng để bán cho người khờ dại. Những nhà giầu trước cũng hay dùng thau làm đồ vàng giả để lừa quân kẻ cướp. Tôi đã được xem một người mang một con trạch bằng đồng thau giả vàng đến bán cho bà cô tôi. Bà nhờ tôi xem hộ thật hay giả. Tôi cân được đúng năm lạng. Tôi bảo người bán nếu là vàng thật, thì tôi thả con trạch này xuống nước mà cân lại thì hao ít, còn bốn lạng tám đồng cân; nếu là thau chỉ còn bốn lạng là cùng. Lúc cân lại còn gần bốn lạng, anh ta vội vàng thu lại đi ngay. Lại một người đào được một hũ đầy vàng đúc hình con hến (đây là vàng giả nhà giầu chôn để lừa kẻ cướp), anh ta mừng lắm, mang giấu một gói đến nhờ tôi xem hộ. Tôi cũng dùng cách cân như trên, mà nghiệm ra bảo là thau không phải là vàng, anh ta ngẩn người tiếc quá nói “rõ vợ chồng tôi được một cơn mừng hão.”

[14] Lời nói hữu tình = Lời nói có ý nghĩa tình tứ hay. Từ Hải hiểu là Kiều có ý mến phục mình lắm, muốn gửi thân nhờ mình.

[15] Câu Bình Nguyên Quân = Câu Bình Nguyên Quân than là xem người rất khó. Sự tích câu than ấy như sau: Bình Nguyên Quân tên là Triệu Thắng, là em vua Triệu, lại là Tướng Quốc nước Triệu. Lúc nào trong nhà cũng nuôi ba nghìn người khách. Gặp khi quân Tần vây đánh kinh đô Hàm Đan nước Triệu rất nguy cấp, ông phải đi sang cầu cứu nước Sở. Ông định kén lấy 20 người khách thật giỏi để đi cùng, mà chỉ được có 19 người. Có người khách vào hạng kém nhất xin đi theo, ông hỏi tên gì và đến ở đây từ bao giờ? Người đó nói tên là Mao Toại và đến đây đã được ba năm rồi. Ông cười nói: Người giỏi ở đời như cái dùi nhọn để trong túi, thế nào cũng phải hở mũi nhọn ra. Nay tiên sinh ở nhà tôi đã ba năm, mà tôi không được nghe chút tài nào của tiên sinh, đủ biết tiên sinh văn võ đều kém cả. Toại nói: Bây giờ tôi mới xin vào trong túi, nếu được vào túi, thì tôi sẽ hở cả chuôi ra chứ đâu chỉ hở có mũi nhọn! Ông thấy Toại nói lời lạ, mới đành cho đi cho đủ số. Khi sang tới nước Sở, Bình Nguyên Quân ngồi ở trên bàn với Sở Vương xin liên kết hai nước Sở Triệu để chống Tần, nhưng Sở Vương sợ Tần, tìm lời từ chối mãi. Mao Toại chống gươm bước lên bực thềm hỏi Bình Nguyên Quân: Việc liên kết này tôi tưởng chỉ nói vài lời là xong, sao mà bàn từ sáng đến trưa rồi vẫn chưa quyết định được? Vua Sở mắng là sao dám lên léo nhéo nói leo, và quát thét đuổi xuống. Toại tiến gần Sở Vương nói: Việc liên kết hai nước là việc to, ai cũng có quyền bàn đến. Sao Đại Vương dám thét đuổi tôi trước mặt vua tôi? Rồi Toại kể cho Sở Vương nghe mọi lẽ Sở rất cần phải liên kết với Triệu. Chỉ vì Sở trước bỏ Triệu mà bị Tần đánh thua nhục nhiều phen. Nay Sở cần phải liên kết với Triệu để rửa những nhục đó. Sở Vương liền xin đoàn kết và làm lễ uống máu ăn thề, rồi sai tướng mang quân sang cứu. Đây là lời than của Bình Nguyên Quân khi về nước:

“Ba tấc lưỡi của Mao tiên sinh mạnh hơn trăm vạn quân. Thắng này xem người đã nhiều mà bỏ rơi mất Mao tiên sinh. Từ nay về sau, Thắng không dám xem ai trong thiên hạ nữa!”

Câu Từ Hải nói “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” này là rất khen phục Kiều là giỏi hơn Bình Nguyên Quân, chỉ xem mình chốc lát mà biết ngay mình là anh hùng, mà muốn gửi can tràng vào mình.

Mấy câu Kiều nói: “Chút riêng chọn đá thử vàng / Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu!” và Từ Hải nói: “…lời nói hữu tình / Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” cho thấy tác giả đã khéo mượn hai câu thơ cổ đặt thành lời Kiều – Từ đối đáp với nhau, thật nhã nhặn thân thiết, thật thâm thúy đầy tình tứ tri kỷ, vui mến lẫn nhau. Nhưng vì ý nghĩa thì thâm thúy mà lời văn lại quá vắn tắt nên rất khó hiểu. Có mấy ông văn sĩ lại giảng lầm là: Từ Hải tự ví mình là Bình Nguyên Quân! Ôi! Ở với Mao Toại ba năm trời mà không biết Toại tài giỏi, thì đâu phải là người có mắt tinh đời để cho Từ Hải muốn so sánh với mình!

[16] Lượng cả bao dung = Hạng người anh hùng độ lượng, rộng lớn, bao dung được hết thẩy mọi người sang hèn, hay dở, như bể cả, sông trong, sông đục, sông lớn, sông nhỏ, sông nào chảy vào cũng nhận hết. Câu này lấy điển ở câu có người khen vua Hán Cao Tổ: “Đế khoát đạt đại độ, khoan nhân ái nhân = Tâm trí to rộng hiểu biết, và độ lượng lại rộng rãi nhân đức bao dung được mọi người.” Ý câu này nói: Kiều khen Từ Hải có độ lượng bao dung như vậy có thể làm vua được.

[17] Tấn Dương được thấy mây rồng có phen – Ông Lý Uyên làm quan nhà Tùy, trấn thủ ở Tấn Dương, thấy có điềm làm vua (mây rồng hiện lên ở trên) bèn lên ngôi vua, mang quân đi lấy được thiên hạ lập ra cơ nghiệp nhà Đường, tức là vua Cao Tổ nhà Đường.

[18] Cỏ nội hoa hèn – Kiều tự xưng mình một cách khiêm tốn, coi mình như hoa cỏ tầm thường mọc hoang ở ngoài đồng (nội = đồng).

[19] Anh hùng đoán giữa trần ai mới già – Câu này lấy ý ở câu chữ Hán “Vật sắc trần ai [物 色 塵 埃]” = Xem tướng mặt mà biết được người sau này sẽ thành sự nghiệp to, từ lúc còn ở nơi gió bụi. Từ Hải khen Kiều thật là tay tài giỏi không vừa (mới già), biết mình lúc hãy còn ở trong đám gió bụi hèn mọn này.

[20] Muôn chung nghìn tứ – Chung [鍾] = Đồ đong cổ, theo tự điển tính ra được chừng 320 lít. Tứ [駟] = Cỗ xe bốn ngựa. Muôn chung thóc và nghìn cỗ xe là bổng lộc bực vương hầu đời xưa.

[21] Ý hợp tâm đầu [意 合 心 投] = Ý hợp với nhau và tư tưởng cũng như vào đúng chỗ với nhau.

[22] Băng nhân = Người làm mối trong việc cưới xin.

[23] Nguyên ngân phát hoàn [原 銀 發 還] = Xem số tiền vốn mua trước là bao nhiêu lạng bạc (nguyên ngân), thì lại trả đúng số bạc đó để chuộc Kiều ra.

[24] Màn Bát Tiên = Bức màn chung quanh có thêu hình 8 vị tiên xưa:

1- Chung Ly Quyền [鍾 離 權]

2- Lã Động Tân [呂 洞 賓]

3- Trương Quả [張 果]

4- Lý Thiết Quải [李 鉄 拐]

5- Lâm Thái Hoà [林 泰 和]

6- Tào Quốc Cữu [曹 國 舅]

7- Hà Tiên Cô [何 仙 姑]

8- Hàn Tương [韓 湘]

[25] Sánh phượng, cưỡi rồng – Trai lấy được vợ giỏi đẹp gọi là sánh phượng; gái lấy được chồng tài giỏi gọi là cưỡi rồng.

[26] Lòng bốn phương = Lòng ngang tàng của người anh hùng xông pha đây đó để lập nên công nghiệp to, làm vua làm tướng.

[27] Trông vời = Trông xa bốn phương trước mắt.

[28] Tâm phúc tương tri [心 腹 相 知] = Biết lòng biết dạ anh hùng cao xa của nhau.

[29] Nữ nhi thường tình = Tâm tình tầm thường của đàn bà con gái quấn quýt chồng con.

[30] Bóng tinh – Tinh [旌] là thứ cờ rước đi trước đoàn quân cho oai; bên lá cờ có giải đẹp, đầu cán cờ có mũi nhọn và có túm lông mao, lá cờ có màu năm sắc để chỉ rõ binh chủng nào.

[31] Nghi gia [宜 家] = Đón dâu về nhà chồng. Kinh Thi có câu Chi tử vu quy, nghi nhĩ thất gia [之 子于 歸, 宜 尔 室 家] = Cô ấy về nhà chồng, lập nên một gia đình êm ấm thuận hoà.

[32] Chờ đón = Chờ ngày làm lễ thân nghinh [親 迎] đón dâu về nhà chồng.

[33] Dứt áo = Dứt vạt áo vợ co lại mà ra đi.

[34] Bằng tiện [鵬 便] = Cuộc chim bằng bay bổng bay xa khi được dịp thuận tiện. Nghĩa bóng chữ “bằng tiện” để nói người hào kiệt khi gặp dịp ra đi lập công danh. Cổ nhân nói bằng là loài chim to lắm, nằm thì như quả núi, bay thì như đám mây lớn. Trang Tử nói: Khi chim bằng bay về cõi trời Nam, thì làm nước bể nổi sóng ba nghìn dặm, rồi nhân gió cuốn lên cao mà bay một mạch chín vạn dặm. Điển chữ “bằng tiện” lấy ở lời này của Trang Tử.

[35] Chiếc bóng song mai – Thơ Tô Đông Pha có câu “Độc lập vô tình tự, ỷ song điểm mai hoa [独 立 無 情 緒, 倚 窗 点 梅 花]” = Một mình đứng vẩn vơ chẳng nghĩ gì, tựa cửa sổ mà đếm hoa mai. Câu Kiều này lấy điển ở câu thơ đó.

[36] Then mây [瑀碔] – Chữ Hán có câu “Vân phong vũ toả [雲 封 雨 鎖]” = Lấy mây làm cánh cửa đóng lại, lấy mưa làm khóa khoá lại.

[37] Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy – Ý nói ngồi buồn ở trong nhà luôn luôn không hề ra đến sân, nên sân thì rêu mọc mà chẳng có vết giầy nào in vào rêu.

[38] Cỏ cao hơn trước – Ý nói buồn ngán không sửa sang cắt sén cho cảnh sân gọn đẹp. Liễu gầy là nói bóng đến Kiều vì buồn quá gày đi đôi chút; vì thân con gái hay nói ví mềm yếu như cây liễu.

[39] Tử phần [梓 枌] = Hai thứ cây có hoa đẹp bóng mát. Người Tàu xưa hay trồng chúng ở quanh làng, nên văn chương hay dùng chữ “tử phần”để nói quê hương.

[40] Chữ “mây Tần” đây lấy điển ở trong câu thơ Hàn Dũ tả cảnh đi đường khi ông phải đổi quan đi xa.

“Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại? [雲 横 秦 嶺 家 何 在]” = Mây chắn ngang núi Tần, nào ta có biết nhà ta ở đâu?

“Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền [雪 擁 籃 関 馬 不 前]” = Tuyết ôm kín cửa đèo Lam, ngựa không lên được.

[41] Da mồi = Da người già thường mốc mác lang lổ như vây đồi mồi.

[42] Ngỏ ý tơ lòng – Tích này lấy điển ở câu sách Hán “Ngẫu đoạn nhi ti bất đoạn [藕 斷 而 絲 不 斷]” = Cái ngó sen dẫu bẻ rời ra rồi, nhưng tơ vẫn còn vương với nhau. Người ta dùng ý câu này để nói tình giai gái khi đã hẹn hò lấy nhau rồi, mà sau không lấy được nhau, thì tình vẫn không sao quên được. Ý câu này nói: Kiều tuy đã không lấy được Kim Trọng nhưng tình vẫn không sao quên hẳn được.

[43] Cố quốc tha hương [故 國 他 鄕] = Lòng nhớ nước cũ ở nơi đất khách xa lạ.

[44] Sát khí [刹 氣] = Luồng khí bốc lên bừng bừng như súi giục người ta chém giết nhau.

[45] Kình ngạc – Kình [鯨] = Cá voi. Ngạc [鰐] = Cá sấu. Chữ “kình ngạc” đây nghĩa bóng nói những thuyền binh có vẻ dữ mạnh.

[46] Tiếng la = Tiếng đánh thanh la bằng đồng để tập trung tướng sĩ lại một nơi. Thanh la là thứ nhạc khí bằng đồng hình như cái mâm, một mé có hai lỗ buộc dây xách. Trong phép hành quân nghe tiếng trống thì tiến, nghe tiếng la thì dừng lại, tụ lại.

[47] Cung nga thể nữ [宮 娥 彩 女] = Những hầu gái ăn mặc lộng lẫy đủ màu sắc như các cung nữ ở trong cung vua.

[48] Lệnh chỉ [令 旨] = Chỉ thị của vua. Đây dùng chữ “lệnh chỉ” để nói Từ Hải coi mình như vua con, riêng một góc trời.

[49] Phượng liễn loan nghi [鳳 輦 鵉 宜] – “Phượng liễn” là kiệu có hình đôi chim phượng ở trước; “loan nghi” là có riềm thêu chim loan ở hai bên. Phượng liễn loan nghi là hạng xe kiệu riêng cho các bà hoàng phi công chúa.

[50] Hoa quan [花 冠] = Mũ có trang sức bằng hoa vàng ngọc của các bà chúa đội.

Hà y [霞 衣] = Áo màu đỏ hồng như màu ráng trời rực rỡ buổi chiều.

[51] Đào vàng = Đoàn xe đón dâu, ngoài thành xe thì nạm vàng lóng lánh, càng xe, bánh xe thì sơn màu đỏ hoa đào. (Do điển Văn xa của Ngụy Văn Đế đón nàng Tiết Linh Vân ở trong Tình Sử).

[52] Hoả bài [火 牌] = Những lính kỵ mã có mang bài chỉ (những biển gỗ con để viết chỉ thị ngắn) hình ngọc lửa để tỏ ý khẩn cấp.

[53] Nam đình = Triều đình phía Nam, tức là dinh đồn Từ Hải đóng lập thành một triều đình con.

Trống chầu = Trống to ở đại doanh để đánh ra lệnh cho cả ba quân.

[54] Cá nước duyên ưa = Do nhóm chữ “duyên hài ngư thủy [緣 諧 魚 水]” dịch ra; nguồn gốc chữ này ở lời ông Lưu Bị nói: “Ta được Khổng Minh như cá gặp nước.”

Diễn ra văn xuôi

Câu 2165, 2166 = Thế là Kiều đành lần hồi hết ngày đêm nọ sang ngày đêm kia, vui những cảnh gió mát trăng thanh với khách ở thanh lâu. Bỗng đâu có một người khách ở triều đình phía ngoài biên giới sang chơi.

Câu 2167, 2168 = Người này râu cứng như râu hùm, hàm rộng như hàm chim yến, giống hàm Trương Phi, và lông mày như con tằm nằm giống lông mày Quan Công; vai thì rộng năm tấc, mình thì cao chín thước.

Câu 2169, 2170 = Vẻ người trông sừng sững, đường hoàng rõ là bực anh hùng hào kiệt. Võ nghệ thì các môn đánh côn đánh quyền đều không ai bằng, và cơ mưu thì cũng chẳng thua ai.

Câu 2171, 2172 = Chí khí thì thật ngang tàng, đầu đội trời, chân đạp đất coi như chẳng ai hơn mình, chẳng ai cản được bước xông pha của mình. Người khách anh hào đó họ Từ, tên Hải và vốn là người vùng Việt Đông.

Câu 2173, 2174 = Xưa nay ông ta vẫn quen những thú vẫy vùng trong cuộc xông pha giang hồ, chỉ muốn những tung hoành thiên hạ cho phỉ tài cung kiếm trời buông thả cho mình, và vững tay chèo lái đi khắp non sông bốn phương, mặt đất, đúng như câu thơ Hoàng Sào nói:

Cung kiếm nửa vai trời thả bước,

Giang sơn một mái đất cùng phương.

Câu 2175, 2176 = Khi qua chơi vùng châu Thai này, nghe tiếng đồn Kiều là bực hoa khôi lộng lẫy, tấm lòng ham chuộng gái đẹp của Từ cũng làm xiêu được chí khí anh hùng của Từ.

Câu 2177, 2178 = Từ mới đưa danh thiếp vào tận nơi lầu hồng Kiều ở. Khi hai bên cùng liếc mắt coi tướng nhau thì thấy hai lòng cùng ưa mến nhau ngay.

Câu 2179, 2180 = Từ thấy Kiều có vẻ thông minh linh lợi khác thường, mới bảo Kiều rằng: Ta đến đây là để ước mong tìm được người bạn đồng tâm đồng chí, có thể cùng mưu việc lớn được, chứ đâu có phải đến để tìm thú trăng gió lờ phờ như kẻ khác đâu!

Câu 2181, 2182 = Bấy lâu nay ta vẫn nghe người ta đồn là nàng coi thường hết thẩy mọi người, chẳng thèm để ai vào cặp mắt xanh, có phải không?

Câu 2183, 2184 = Ừ, thế là phải lắm! Ở đời này có được mấy kẻ anh hùng đâu! Chỉ tinh những đồ luồn cúi bó buộc mình vào trong cuộc lợi danh như cá trong chậu, chim trong lồng, những hạng người đó thì đâu nàng bõ lòng giao kết thân tình với họ được!

Câu 2185, 2186 = Kiều nói: Thưa Người, Người dạy thế là quá lời! Thân tôi này còn có ra gì mà dám coi ai là thường nữa!

Câu 2187, 2188 = Chẳng qua lòng riêng tôi muốn kén chọn lấy một người tôi có thể nhờ vả suốt đời được, nên thử thách mọi người mãi đó thôi. Nhưng nào có biết ai đáng tin cậy được đâu, nên chưa biết đem tâm sự ruột gan mà gửi vào đâu.

Câu 2189, 2190 = Còn như những người vào cửa trước ra ngay cửa sau, ai người ta để cho tôi có thể kén chọn được ai là vàng, ai là thau, ai là kẻ hay, ai là người dở.

Câu 2191, 2192 = Từ nói: Lời nàng nói thật có tình ý lắm! Nghe câu nàng nói ta lại nhớ đến câu của Bình Nguyên Quân than nói là xem người rất khó, nuôi 3000 khách trong mấy mươi năm, mà chỉ có Mao Toại là người giỏi nhất lại vẫn không biết! Thế mà nàng gặp ta trong chốc lát đã biết ngay ta, nàng thật giỏi hơn Bình Nguyên Quân! (Xem lời chú thích [12] và [15] ở trên).

Câu 2193, 2194 = Vậy xin nàng lại gần mà xem ta cho rõ, xem có là người nàng tin cậy được một vài phần hay không?

(Lời ghi thêm: Từ Hải tự giới thiệu mình là người tài giỏi với Kiều, như Mao Toại tự giới thiệu với Bình Nguyên Quân).

Câu 2195, 2196 = Kiều thưa rằng: Người có độ lượng cao cả, bao dung được mọi người, giống vua Hán Cao Tổ như thế, tôi chắc rằng tôi sẽ được trông thấy Người làm nên sự nghiệp to tát Đế Vương, như người ta được trông thấy rồng mây nổi lên ở đất Tấn Dương báo điềm vua Đường Cao Tổ được lên ngôi vua.

Câu 2197, 2198 = Vậy xin Người đem lòng cao cả mà thương lấy kẻ hèn mọn như cỏ đồng hoa dại này! Tấm thân bèo bọt này còn muốn phiền Người cho nhờ việc sau này nữa.

Câu 2199, 2200 = Từ nghe lời Kiều thưa vậy, vừa ý lắm gật đầu cười nói: Xưa nay đã thấy được mấy người gặp bạn tri kỷ như ta và nàng gặp nhau đây!

Câu 2201, 2202 = Thật đáng khen cho nàng có con mắt tinh đời, xem người trong đám phong trần hèn mọn mà đoán biết được ai là khách anh hùng, thế mới thật là tay tài giỏi già giặn.

Câu 2203, 2204 = Nghe một lời nàng nói đủ biết là nàng biết chí khí cao xa của ta. Đã là hạng trị kỷ của nhau như thế, thì cuộc giầu sang muôn chung nghìn tứ sau này hẳn là phải có nhau để cùng hưởng!

Câu 2205, 2206 = Khi hai bên đã một ý một lòng ưa nhau hợp nhau như thế, thì có cần gì ai phải cầu ai nữa, tự nhiên là thân mật tha thiết với nhau.

Câu 2207, 2208 = Rồi ngỏ lời nói với người làm mối để sẽ làm mọi lễ cưới xin, và hoàn lại đủ số tiền vốn của nhà hàng đã xuất ra mua nàng là mấy trăm lạng bạc.

Câu 2209, 2210 = Các việc đó đã xong xuôi cả rồi, Từ công mới sửa sang một chốn phòng riêng rất thảnh thơi, và sắm một bộ giường thất bảo, treo một bức màn bát Tiên để đón Kiều về ở chung.

Câu 2211, 2212 = Thế là trai anh hùng gặp gái thuyền quyên; trai thì phỉ nguyền lấy được vợ hay, gái thì đẹp duyên lấy được chồng giỏi.

Câu 2213, 2214 = Ở với nhau được nửa năm, tình duyên hương lửa đương thắm nồng, thì chí khí trượng phụ của Từ bỗng thúc giục Từ động lòng đến cuộc vùng vẫy bốn phương.

Câu 2215, 2216 = Chàng đưa mắt nhìn xa vùng trời bể rộng mênh mang, rồi cầm gươm lên ngựa thẳng đường ra đi.

Câu 2217, 2218 = Kiều nói: Tôi là phận gái, lấy chồng thì phải theo chồng; nay chàng đi, thiếp tôi cũng quyết lòng xin đi theo chàng.

Câu 2219, 2220 = Từ gạt đi nói: Ta với nàng đã hiểu nhau lắm là đều có lòng anh hùng cao cả, sao nàng lại vẫn chưa thoát khỏi được chút tình tầm thường đàn bà con trẻ đó?

Câu 2221, 2222 = Bao giờ trong tay ta có mười vạn quân tinh nhuệ, đi đâu thì tiếng chiêng đánh rung đất, bóng cờ bay rợp đường.

Câu 2223, 2224 = Làm tỏ rõ được mặt phi thường của ta, bấy giờ ta mới sẽ làm lễ vu quy rước nàng cùng đi với ta.

Câu 2225, 2226 = Còn như bây giờ, trong bốn bể ta chưa có nhà, nàng đi theo chỉ thêm bận bịu cho ta, chứ biết về nơi nào được!

Câu 2227, 2228 = Vậy nàng hãy tạm ở đây, chờ đợi ít lâu cái ngày ta sẽ làm lễ thân nghinh long trọng đón nàng đi đó.

Câu 2229, 2230 = Nói một lời quả quyết thế rồi Từ dứt áo ra đi, như chim bằng tới kỳ gió đưa thuận tiện bay đi nơi xa thẳm mịt mù.

Câu 2231, 2232 = Từ đi rồi, Kiều lẻ loi ngơ ngẩn, ngày thì thường đứng tựa cửa sổ ngắm hoa mai đếm từng cái, tối thì đóng cửa đằng đẵng thức thâu đêm.

Câu 2233, 2234 – Ngoài sân bỏ mặc mọc đầy rêu, chẳng hề có dấu giầy nàng in trên rêu xanh đó.

Câu 2235, 2236 = Mỗi khi nàng trông về phương làng quê ở Bắc Kinh thì như gửi cả tâm hồn nàng đi theo  đám mây xa tít về phía đó.

Câu 2237, 2238 = Nàng những xót sa thương bố mẹ già, chẳng hay bố mẹ đã khuây khỏa khỏi thương nhớ nàng chưa?

Câu 2239, 2240 = Nàng nghĩ thoáng một chốc nàng đã xa cách bố mẹ chín mười năm trời, may mà còn sống nữa chắc đều già lắm, da thì mốc như đồi mồi, tóc thì trắng như sương tuyết.

Câu 2241, 2242 = Nàng lại tiếc cuộc tình nghĩa cũ càng giữa nàng và chàng Kim, đành rằng nay hai bên đã lìa rẽ nhau hẳn rồi, nhưng lòng nàng không sao quên được, y như lời người ta nói “ngó sen dù bẻ đôi, tơ lòng còn chưa dứt.”

Câu 2243, 2244 = Nếu em Vân mà nối nghĩa lấy chàng, thì may ra đã mấy con, tay bồng, tay bế rồi.

Câu 2245, 2246 = Lòng nàng phần nhớ tưởng quê cũ, phần thì đau cảnh lưu lạc quê người, thật là trăm đường kia, nghìn nỗi nọ, làm cho ruột gan nàng rối nghĩ tơi bời.

Câu 2247, 2248 = Hết nhớ nhà thương cảnh, lại ngóng người đi mưu việc cao xa, như con chim hồng thẳng cánh bay trên trời cao thẳm, mà nàng đăm đăm mong nhìn đã mòn đôi mắt vẫn chẳng thấy tin tức gì về.

Câu 2249, 2250 = Đương lúc nàng ngày đêm âm thầm buồn bã, thì bỗng thấy binh lửa ầm ầm nổi lên ở một phương nọ.

Câu 2251, 2252 = Rồi thấy một vùng sát khí bốc lên lờ mờ cao ngất trời đáng sợ, rồi liền đó trên bộ thì lính mặc áo giáp kéo đến chật đường, dưới sông thì đầy những chiến thuyền to mạnh đáng sợ như cá voi cá sấu.

Câu 2253, 2254 = Những người quen thuộc chung quanh hàng xóm khuyên nàng hãy tạm tránh đi nơi khác cho qua lúc nguy hiểm này.

Câu 2255, 2256 = Nhưng nàng nói: Trước kia chồng tôi đã hẹn sẽ đến đón tôi ở đây. Bây giờ dẫu nguy hiểm thế nào, tôi cũng ở đây để đợi, không dám sai bỏ lời hẹn.

Câu 2257, 2258 = Trong lúc nàng còn đương ngơ ngẩn dùng dằng chưa biết tính sao, thì mé ngoài đã thấy bóng cờ tinh tiến đến và tiếng thanh la đánh từng hồi.

Câu 2259, 2260 = Rồi binh sĩ quay lại quanh nhà, đồng thanh đưa lời lên thưa rằng: Nào xin mời Bà Phu Nhân ra cho chúng tôi lạy chào!

(Lời ghi: Câu “Nào là phu nhân” này, tôi không hiểu rõ tiếng cổ đích xác là thế nào, hãy xin tạm diễn giải như lời trên, mong ai hiểu rõ phụ chính cho, cám ơn).

Câu 2261, 2262 = Khi thấy nàng ra rồi, hai bên có mười vị tướng quân đặt gươm xuống, cổi áo giáp ra, làm lễ lạy chào ở trước sân.

Câu 2263, 2264 = Tiếp sau là bọn cung nga, thể nữ áo mũ lộng lẫy ra lạy chào và kính cẩn thưa rằng: Kính thưa Lệnh Bà, lũ thần thiếp chúng tôi vâng lệnh đức Đại Vương đến kính đón rước Lệnh Bà làm lễ vu quy.

Câu 2265, 2266 – Họ sắp sửa sẵn sàng đủ cả nghi vệ rực rỡ, sang trọng hết sức. Kiệu nàng ngồi đằng trước có đôi chim phượng vàng mỏ ngậm chuông khánh, chung quanh kiệu có những bức nghi môn thêu hình chim loan. Mũ nàng đội lóng lánh những hoa vàng ngọc, áo nàng mặc bằng gấm đỏ như màu ráng hồng đẹp buổi chiều, trông thật rỡ ràng.

Câu 2267, 2268 = Khi những cung nga thể nữ đã phù nàng lên kiệu rồi, thì quân tướng dựng cờ nổi trống rước dâu lên đường, có phường nhạc đàn sáo đi trước kiệu, sau kiệu có đoàn xe các cung nga thể nữ, xe nào cũng thành xe nạm vàng, bánh xe sơn đỏ màu hoa đào.

Câu 2269, 2270 = Một toán lính kỵ mã mang hỏa bài chạy trước lần lượt phi báo là dâu đã đến từng trạm nào cho Từ công biết. Khi sắp đến, đã xa xa nghe tiếng trống to ra hiệu lệnh, vang động ở đồn Đại quân Triều đình cõi Nam.

Câu 2271, 2272 = Khi dâu đến nơi, thì cờ trên lũy kéo lên phất phới, súng trên thành bắn mừng đì đùng để chào mừng, và Từ công cưỡi ngựa ra cửa ngoài làm lễ thân nghinh.

Câu 2273, 2274 = Nàng ngắm Từ công rực rỡ cân đai tuy có vẻ lạ thật, nhưng vẫn râu hùm hàm yến như ngày trước.

Câu 2275, 2276 = Từ công cười nói: Chúng ta phận đẹp duyên ưa như cá gặp nước. Nàng còn nhớ lời ta nói với nàng ngày nào trước đây không? (tức là những câu 2221-2224).

Câu 2277, 2278 = Nàng thật là tay anh hùng, nên mới biết được ta là anh hùng. Nay nàng thấy chúng ta được thế này, phỏng đã hả lòng nàng mong ước hồi xưa đó chưa?

Câu 2279, 2280 = Nàng nói: Thiếp tôi là một gái ngây thơ, nay tấm thân hèn yếu bìm sắn của thiếp này được nhờ bóng cả cây cao của chàng thế này thật là may lắm!

Câu 2281, 2282 = Tuy bây giờ mới thấy sự nghiệp oanh liệt như vậy, nhưng thật ra lòng thiếp đã cầm chắc từ ngày mới biết nhau được một hai hôm rồi!

Câu 2283, 2284 = Rồi hai người cùng nhìn nhau cười to vui vẻ, và dan tay nhau vào trong trướng nói truyện tơ tình trước sau.

Câu 2285, 2286 = Lễ thân nghinh xong, mới mở một bữa tiệc thưởng tướng khao quân, trống trận nhạc quân vang lên thật hào hứng.

Câu 2287, 2288 – Cuộc vinh hoa này thật bõ lúc phong trần trước và chữ tình càng ngày càng thêm đằm thắm, thêm xuân tươi.

Những câu có ý móc nối, than thở, mỉa mai

(1) Hai câu đầu chuyển xuống đoạn này, câu “Lần thâu gió mát trăng thanh” trên thì liên tiếp với cảnh ở thanh lâu đoạn trước, dưới thì báo trước điềm Kiều được thanh thản, mát mặt mấy năm.

(2) Câu “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa” móc nối thật rộng với nhiều câu trên, dưới, xa, gần. Chữ “liếc” đây nghĩa là liếc mắt xem tướng để xét thần sắc hiện ra ngoài mặt có đúng với những điều mình trông thấy hay nghe thấy ở bên ngoài không. Từ Hải thì liếc xem thần sắc Kiều có xứng đáng với tiếng đồn là “Mắt xanh chẳng để ai vào” không; nên khi liếc thấy tâm hồn Kiều hiện ra mặt có vẻ cao siêu phi thường rồi, lòng Từ rất ưa, mà nói ngay câu “Tâm phúc tương cờ (tương kỳ), rồi sau lại nói câu: “Lại đây xem lại cho gần” chứ mới liếc xa thế thì chưa biết rõ lòng ta được.

(3) Kiều thì liếc coi thần sắc Từ Hải xem chí khí trong tâm hồn hiện ra mặt có xứng đáng với “bộ râu hùm hàm yến mày ngài” không; nên khi nàng liếc thấy chí khí anh hùng trong tâm hồn Từ hiện ra đúng với tướng anh hùng bên ngoài rồi, nàng liền tỏ ý muốn “gửi can tràng vào” ngay.

(4) Câu “Lại đây xem lại cho gần, Phỏng tin nhau được vài phần hay không?” ứng với câu “Chút riêng chọn đá thử vàng / Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu.” Kiều nói chưa chọn được ai để gửi can tràng, nên Từ xin Kiều lại gần mà xem rõ liệu có tin nhau mà gửi can tràng vào nhau được không.

(5) Câu “Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai” ứng với câu “Thưa rằng lượng cả bao dung / Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.”

(6) Những câu tả cuộc đón dâu linh đình, nào tướng sĩ, nào cung nga thể nữ, nào phượng liễn loan nghi, ứng với mấy câu Từ hẹn Kiều:

“Bao giờ mười vạn tinh binh / Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường / Làm cho tỏ mặt phi thường / Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

(7) Trong đoạn này có hai chữ, nếu chỉ đọc qua thì thấy rất tầm thường, không đáng kể lại đáng chê nữa, nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy là hai chữ rất quan trọng trong đoạn, đó là chữ “liếc” ở câu “Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa” và chữ “đón” ở câu “Đành lòng chờ đón ít lâu.” Ý liên hệ của chữ “liếc” thì đã nói trên, vì liếc mắt xem thần sắc mặt nhau mà hai bên cùng sinh phục mến lẫn nhau. Chữ “đón” cũng vậy, vì có hẹn rồi sẽ làm lễ thân nghinh đón Kiều mà sinh cuộc đón đủ nghi vệ linh đình.

(8) Câu lục bát “Còn như vào trước ra sau / Ai cho kén chọn vàng thau tại mình” cũng vậy. Mới đọc qua tưởng là vu vơ hình như thừa, chỉ đặt ép để liền vần, nhưng suy nghĩ kỹ thì biết Kiều kết lời nàng bằng câu này rất có thâm ý, yêu cầu Từ Hải phải lưu ý đến nàng, chớ bỏ nàng ra ngay như ai vào trước ra sau, mà nàng không kén chọn cho biết đích là vàng hay thau. Từ Hải biết ý nàng đã lưu ý đến mình, nên phải khen là “lời hữu tình”, và xin nàng “Lại đây xem lại cho gần / Phỏng tin nhau được vài phần hay không.”

(9) Suốt đoạn đối thoại lần đầu giữa Từ Hải và Kiều, tác giả kể rất đầy đủ tình ý và rất có thứ tự từ nông vào sâu cho đến kết cục là thành đôi bạn tâm phúc tương tri, lược kể như sau:

(a) Lúc mới thì Từ Hải chỉ “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi” mà vào gặp nhau, và Kiều chỉ mới biết tên Từ trong danh thiếp;

(b) Khi hai bên cùng liếc nhìn xem thần sắc mặt nhau, biết nhau là cùng có tâm hồn cao cả khác người hiện ra ngoài mặt rồi, thì sinh lòng và quý nhau, và bắt đầu nói truyện để tỏ cho nhau biết là hiểu lòng nhau, quý phục nhau;

(c) Từ ngỏ lời là: Đến để mong tìm được người bạn tâm phúc, chứ không phải là tìm thú gió trăng, và khen Kiều biết khinh lũ “cá chậu chim lồng’ là phải;

(d) Kiều biết Từ khen mình như vậy là vừa tỏ lòng quý mình, vừa có ý tự giới thiệu Từ không phải là hạng người tầm thường để cho mình để ý tới Từ, nên nàng mới trả lời là nàng đâu dám khinh ai. Sở dĩ tôi không để ai vào mắt, là vì tôi muốn chọn lấy một người tôi có thể tin cậy nhờ vả được, mà chưa chọn được ai đó thôi. Rồi nàng than thở ai cũng khinh nàng vào lại ra ngay, không để nàng kén chọn;

(e) Từ biết Kiều tuy mến mình nhưng chưa thật lòng tin mình, vội khen lời Kiều có tình ý hay, và xin nàng lại gần mà xét lại xem có tin được phần nào không;

(f) Và khi được Kiều phục mình là có độ lượng, bao dung, muốn đem thân nhờ vả, Từ liền vui cười khen nàng là có mắt tinh đời, và nhận lời ngay với câu “Muôn chung nghìn tứ ắt là có nhau.”

Đoạn này (từ câu 2165 đến câu 2288) thật đủ ý đủ tình, lời văn đúc chuốt lưu loát, vừa đẹp vừa hay, vừa thâm thúy, thật là một đoạn văn kiệt tác nhả ngọc phun châu.

[ĐÀM DUY TẠO]